Nhân duyên biến – Phân biệt biến

alt

 

Thế giới, con người v.v... hiện nay, theo cái nhìn của Phật học, chúng được chi phối bởi hai thế lực là Nhân-Duyên-Biến và Phân-Biệt-Biến.

I. NHÂN DUYÊN BIẾN

Nhân duyên, là nền tảng để có thế giới, con người và vạn vật như hiện nay.

Kinh Lăng Già nói: “Bất tư nghì huân và bất tư nghì biến là nhân của hiện thức”.

Luận Đại Thừa Khởi Tín nói rõ hơn: "Tất cả pháp chỉ y nơi vọng niệm mà có sai biệt. Nếu không có tâm niệm thì không có tướng tất cả cảnh giới".

 

Tất cả suy nghĩ và hành động của chúng sinh, được qui kết trong ba thứ là thân, khẩu và ý nghiệp,  được HUÂN tập và lưu giữ trong tạng thức của chính mình dưới dạng các chủng tử. Khi đủ duyên, nó sẽ có lực BIẾN ra thế giới và thân tâm chúng sinh hiện tại. Việc ‘biến’ này  tương tự như ngủ mê rồi mộng mà thấy mọi cảnh giới như thật, hoặc như tình trạng đi trong sa mạc, khát nước quá mà thấy trước mắt hiện ra các ốc đảo.

Một lần ra Phan Thiết, tôi được biết nhân duyên vào đạo của một người bạn rất hy hữu. Với cái nhìn Duy tâm của nhà Phật, đó là chuyện binh thường, nhưng không phải là chuyện dễ tin với người chưa từng biết gì về lý duy tâm, lại là người có đầu óc duy vật.

Chị là một cán bộ nhà nước, không tin lắm những chuyện mang tính đạo giáo. Chị có một người em đau nặng. Sau một thời gian chữa trị, bác sĩ khuyên nên mang bệnh nhân về. Vì bệnh nhiễm trùng huyết đã sang thời kỳ nặng, vi khuẩn đã theo mạch máu vào khắp tất cả các cơ quan phủ tạng làm thương tổn tất cả. Nhưng gia đình không đành nên vẫn van nài để được ở lại bệnh viện. Mười hai ngày sau, bệnh trở nặng. Bác sĩ khuyên nên chuẩn bị hậu sự. Gia đình khóc rất nhiều.

Riêng người em kế, lại là một người rất tin tưởng vào Bồ tát Quán Thế Âm. Nhìn thấy cảnh đau lòng đó, cô không biết làm gì ngoài việc lên bàn thờ, lễ lạy liên tục rồi khấn: “Nếu số của em con còn thì cho ngày mai em con tỉnh lại, nếu không thì xin cho em con ra đi được nhẹ nhàng. Con không thể nào chịu nỗi khi nhìn thấy sự đau đớn của em con khi mang nó về nhà”.

Khấn rồi, cô ngồi như hóa đá nơi bàn Phật, chí tâm niệm liên tục danh hiệu Quán Thế Âm từ 19 giờ đến 23 giờ, rồi cùng người chị vào bệnh viện để thay ca. Lúc đó người của bệnh nhân trương phù lên như cái bong bóng, toàn thân tím ngắt. Vừa lau người cho bệnh nhân, cô vừa niệm Bồ tát Quán Thế Âm, rồi ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Cô nghe thấy ai nói bên tai “Mua muối đắp lên”. Giật mình tỉnh giấc, cô cùng chị chạy xuống căng tin mua muối, hòa vào nước rồi lén bác sĩ xoa khắp lên người bệnh nhân.

Đến giờ bác sĩ vào phòng khám, mọi người được mời ra ngoài. Hai chị em lật đật mở tấm drap để “tẩu tán” những vết muối đã xát lên người bệnh nhân, thì thấy thân thể bệnh nhân đã trở lại bình thường. Cô la lên: “Chắc Phật cứu bé L rồi chị Hai ơi!” rồi hai chị em cùng ra ngoài.

Khi vào lại phòng, một hiện tượng lạ đã xảy ra: Một đàn bướm lớn đang đậu trên thành giường và bay chung quanh bệnh nhân. Người chị rờ được cả vào thân chúng. Có điều, không ai thấy được đàn bướm ngoài hai chị em, dù trong phòng có đến bốn bệnh nhân thêm bác sĩ và y tá. Phòng lại là phòng kín, không có lỗ hở, bướm không thể vào phòng. Điều kỳ diệu ấy khiến tín tâm của hai chị em càng tăng trưởng, càng chí thành niệm Phật hơn nữa.

7 ngày sau bệnh nhân hồi phục nhanh chóng, vết tích của bệnh nhiễm trùng huyết không còn. Với các bác sĩ đây là một ca bệnh hy hữu. Họ đã nói với gia đình khi gia đình lên cám ơn: “Đừng cám ơn, Bác sĩ không có công cán gì trong việc này. Nó vượt ngoài khả năng của bệnh viện. Đây là một phép lạ, do phúc đức của gia đình lớn quá …”.

Đúng là việc hy hữu ở thế gian. Người chị cũng phát tâm tu hành từ đó. Cô em cũng đã nhắn một lời với chúng ta thế này:

“Phật pháp của chúng ta rất nhiệm mầu. Khi chúng ta thành tâm thành kính đặt trọn niềm tin vào Tam bảo, chúng ta sẽ được đáp ứng và đáp ứng một cách rất kỳ diệu ngoài sức nghĩ bàn của chúng ta”.

Hiện tượng trên nói lên phần nào những gì Phật Tổ đã nói trong kinh luận. “Tam giới duy tâm. Vạn pháp duy thức”. Thế giới của mình là từ chính thân, khẩu, ý của mình mà ra. Nói chính xác là ‘từ vọng niệm mà sinh’. Do chủng nhân là từ chính mình mà ra, nên những gì thuộc về mình mà người khác không có mặt cộng nghiệp trong đó, thì không thể thấy. Đó là lý do vì sao đàn bướm chỉ có hai chị em cảm nhận được mà người khác không thấy.

Hỏi : Trong phần Nhân Duyên biến này, thân, khẩu và ý nghiệp là nhân tạo ra thế giới và chúng sinh. Vậy khi chưa có thế giới và chúng sinh thì lấy gì làm nhân để có thế giới và chúng sinh mà nói là nhân duyên biến ?

Đáp : Chúng sinh chết đây sinh kia, lưu chuyển qua các cõi trong muôn ngàn kiếp là do ba nghiệp thân khẩu ý của mình. Còn từ chân tâm vô tướng, do một niệm bất giác mà hiện ra thế giới  và chúng sinh thế nào thì phải nghiên cứu luận Đại Thừa Khởi Tín hoặc kinh Lăng Nghiêm. Đó là phần đòi hỏi ít nhiều kinh nghiệm thực tiễn mới cảm nhận được. Với người chưa có công phu thiền định, khó mà hình dung ra, nên đây không giải thích.

Hỏi : Vì sao biết mọi tướng sai biệt đều y nơi vọng niệm mà sinh ?

Đáp : Trong Hoa Nghiêm Thám Huyền Ký, tổ Hiền Thủ trả lời: “Vì khi các thánh nhân lìa bỏ vọng niệm thì cảnh giới này không còn. Không vọng niệm thì cảnh giới này không có, nên biết cảnh giới này có là từ vọng niệm mà sinh. Tướng sai biệt có, là do biến kế vọng tình của ông, xưa nay không thật. Như người bị chóng mặt mà thấy hoa đốm hiện ra nơi hư không”.

Cảnh giới này đều từ vọng niệm mà sinh. Loại vọng niệm nào được huân tập mạnh, sẽ có tác dụng như thật và lâu dài hơn những vọng niệm nhất thời.

II. PHÂN BIỆT BIẾN

Tô Đông Pha là một học sĩ làm quan thời Tống. Quan trường thăng trầm nên ông thường đến chùa Kim Sơn học thiền và luận đạo với thiền sư Phật Ấn. Là một học giả có tài, nên ông tự hào luôn về trình độ hiểu thiền của mình. Một lần, nhà thơ hỏi thiền sư Phật Ấn :
- Thầy thấy con tọa thiền ra sao?
- Trang nghiêm như Phật.
Nhìn vẻ mặt phấn khởi của Tô Đông Pha, Phật Ấn hỏi lại:
- Còn học sĩ, ông thấy tôi tọa thiền thế nào?
- Như đống phân bò.  
Thời gian qua đi, tin đó tới tai Tô tiểu muội, em gái Tô Đông Pha. Tuy là nữ nhi nhưng tài hoa xuất chúng, hơn người. Nghe anh kể lại sự việc cô lắc đầu: “Tâm thầy như tâm Phật nên nhìn Sư huynh trang nghiêm như Phật. Tâm sư huynh như phân bò nên nhìn thầy như đống phân bò”.

Tâm nhìn vạn sự vạn vật theo ý mình như thế, là một loại ‘Phân biệt biến’ mà hành giả tu thiền cần ý thức để thanh lọc, trả tâm về cái nhìn chân thật.

Thiền sư Hữu Tâm, trụ trì chùa Tịch Tướng, có người sư đệ tên là Hữu Đắc. Hữu Đắc căn cơ chậm lụt lại chột hết một mắt, bình thường chỉ giúp sư huynh làm việc ở nhà sau, chưa bao giờ tiếp khách. 
Một lần, thiền sư Hữu Tâm đi vắng, vừa ra khỏi cửa thì một thầy tăng đến tham vấn. Sư Hữu Đắc bất đắc dĩ phải dùng tay tiếp khách, còn miệng thì câm như hến để khỏi lộ cái sở đoản của mình.
Sư Hữu Tâm trở về cũng vừa lúc gặp thầy tăng đến đầu ngõ. Thầy vui vẻ khen ngợi “Sư đệ của Thầy đúng là bậc pháp khí không ai sánh được. Trước tiên con đưa 1 ngón tay muốn biểu thị Phật là đấng duy nhất trong cõi trời người, thầy ấy liền đưa 2 ngón tay biểu thị Phật Pháp tuy 2 mà không phải 2. Sau đó con đưa 3 ngón tay muốn hiển thị Phật - Pháp - Tăng hòa hợp không thể thiếu. Sư thầy liền cung tay vào mặt con biểu thị 3 cái đó đều do một cú ngộ mà được”. Nói rồi tăng đắc chí lễ bái mà đi.
Sư Hữu Tâm về đến cổng chùa, Hữu Đắc ấm ức chạy ra: “Vừa rồi có một thầy tăng chẳng ra làm sao. Vừa đến cổng, đã chỉa ngay ngón tay vào con mắt chột của đệ mà chế giễu. Đệ bỏ qua, đưa 2 ngón tay biểu thị đủ 2 con là may mắn. Không ngờ hắn vẫn chưa hết cái tật đó, đưa 3 ngón tay ám chỉ hắn và đệ cộng lại cũng chỉ mới 3. Đệ chẳng nể nang gì nữa, cung tay đánh vào mặt hắn một cú. Không ngờ hắn cũng biết lỗi, quì xuống lạy, rồi chạy mất”.

Cùng một cảnh ngộ mà tăng thấy theo đường tăng, sư thấy theo đường sư. Chỉ có sư Hữu Tâm ở giữa là hiểu sự việc không như hai vị đó nói. Chẳng qua vì tư tưởng của mỗi người mỗi khác nên cảnh trở thành khác. Đây là sản phẩm của phần ý thức phân biệt, nên gọi là Phân-biệt-biến. Chỉ với một cảnh là  '3 ngón tay và 1 cú đấm' nhưng trở thành hai cảnh khác nhau để có chuyện mà nghe, là nhờ dòng vọng tưởng phong phú của mỗi người.

Đây là việc xảy ra rất thường trong cuộc sống của mình nhưng không mấy ai để ý. Vì ai cũng cho cái thấy của mình là chính xác.

Thật ra, không phải khi nào cái nhìn của mình cũng hoàn toàn sai, hoàn toàn bị loại phân biệt biến này chi phối. Không hẳn. Có thứ mình vẫn nhìn đúng, nhưng có thứ mình nhìn không đúng. Tệ hại là mình lại luôn cho những gì mình nghĩ là đúng. Mình dễ dàng nhận định người khác nhìn về mình không đúng, nhưng chính mình lại đang nghĩ về người cũng không đúng.

Trong cuốn Theo hành trình vào phân tâm học của VĐL có nói đến hiện tượng PHÓNG RỌI. Hiện tượng này là một dạng của loại Phân-biệt-biến nói đây. Hiện tượng đó được ghi lại như sau :

Nghiên cứu tiềm thức, người ta nhận thấy một hiện tượng sau đây : Con người thường hay đem những tâm tình kín đáo vùi sâu trong tiềm thức của mình phóng rọi vào người khác. Họ gán cho người khác những mặc cảm, thái độ, thèm khát, lo âu của họ. Và lạ lùng thay, họ thấy ở người khác những dấu hiệu biểu lộ những tâm tình ấy. Đó là hiện tượng phóng rọi.

Phóng rọi tạo ra những liên lạc thầm kín trong tiềm thức, không kiểm soát được. Khi người ta không hiểu được những lo sợ khát khao thầm kín của mình, người ta dễ phóng rọi những nét chính yếu của tâm trạng thầm kín đó vào người khác.

Sự nguy hiểm của hiện tượng phóng rọi là họ có thể lầm lẫn một cách đáng tiếc. Họ suy diễn sai lạc những dấu hiệu ấy. Rốt cuộc họ khen ngợi tính tốt hay chê bai tính xấu của người khác mà kỳ thực tính tốt hay tính xấu đó chỉ từ chính họ mà ra.

Ca tụng quá đáng một người hay chê trách cay nghiệt một người đều là dấu hiệu phóng rọi. Nhiều người khi nói đến người thân, một người bạn, một người mẹ hay một ông thầy, họ tỏ vẻ tôn sùng ái mộ một cách khác thường. Giữa họ và người thân của họ có những mối dây ràng buộc bí ẩn mãnh liệt trong tiềm thức. Đó là một trường hợp phóng rọi.

Tuy nhiên, người có ý thức rõ rệt về tự do, về tư cách, ít khi chịu nhận sự khen ngợi quá đáng. Họ không muốn bị lôi kéo vào những tình trạng giả tạo. Một người đàn bà thông minh chỉ có thể nhận lời tán dương của chồng trong một thời gian nào thôi. Họ muốn sự chân thật, nên không thể nuốt trôi được cái gọi là quá đáng, tượng trưng cho sự phóng rọi của những xúc động tiềm thức không có kiểm soát.

Hầu hết những cuộc tình duyên đều bắt đầu bằng một hiện tượng phóng rọi. Trong cõi thâm sâu của tiềm thức, những tâm tình cao đẹp nhất của ta không ngờ khi ta đem tặng người yêu, nó đã dội trở lại và giúp ta cấu tạo hình ảnh của người yêu trở nên cao đẹp. Tuy chỉ là một ảo ảnh nhưng là ảo ảnh tượng trưng cho lý tưởng. Nó huy động được nguồn sinh lực lớn lao để dẫn dắt bước tiến tới và giúp ta vượt những trở ngại dọc đường.

Vì chỉ là sự phóng rọi tâm thức của mình lên đối tượng, nên chẳng bao lâu qua các cuộc tiếp xúc chung đụng thực tế, hình ảnh ấy tan rã. Kinh nghiệm thực sự thay thế cho những ảo tưởng ban đầu ... Điều tai hại là cuộc chung đụng đó, có khi lại làm xuất hiện những phóng rọi khác, mà những phóng rọi đó có khi chỉ là những ham muốn kín đáo không được thỏa mãn, những lo lắng bất an của chính mình. Bây giờ mọi trách móc bắt đầu lộ diện. Những điều trách cứ đó chính là những bất mãn sâu xa của chính họ.

Đời sống gia đình, xã hội, công việc, chính trị v.v... đem lại biết bao cơ hội cho người ta phóng rọi thầm vọng và thắc mắc. Bởi người ta phải đụng chạm nhau, lệ thuộc nhau và phải tìm hiểu những gì chung quanh mình để tạo lấy đường lối ứng thù ...

Có lẽ loài người khó lòng tránh được các hiện tượng phóng rọi. Nhưng với người hiểu biết, họ vẫn cố gắng xét người một cách công bằng, vô tư. Họ không đem những bất mãn, những lo lắng thâm sâu của họ phóng rọi lên người khác.

Chỉ có tình yêu chân chánh, thiện chí chân thành và sự nhận định đến nơi đến chốn mới có thể loại trừ những hiện tượng phóng rọi tai hại. Muốn thoát khỏi hiện tượng phóng rọi, phải cố gắng vươn lên đời sống chân thật. Vươn lên đời sống chân thật chính là phải tìm hiểu mình trước tiên, không để cho những mãnh lực tình cảm cản trở sự liên lạc chân xác của mình với những người chung quanh. Lập được sự liên lạc chân xác đó là lập được quan hệ tự do của ta với cuộc đời.

Loại Phân-biệt-biến này góp phần làm cho những hiện tượng thuộc Nhân-duyên-biến vốn đã muôn màu muôn vẻ lại càng thêm muôn màu muôn vẻ hơn nữa. Chiến tranh, tai họa v.v... phần lớn đều do loại Phân-biệt-biến này mà ra.

THIỀN, là để phá đi Phân-biệt-biến và soi thấu thật tướng của Nhân-duyên-biến.

III. TÁNH CẢNH

Duy thức học có nói đến ba loại cảnh: Độc ảnh cảnh, Đới chất cảnh và Tánh cảnh.

Tánh cảnh, cũng gọi là thật cảnh, có hai loại :

1. Hữu-chất-tánh-cảnh: Còn gọi là Thế-tục-tánh-cảnh, là cảnh do chủng tử (nhân duyên) biến ra không phải do chủ quan phân biệt mà có. Khi chúng ta nhìn vạn pháp, mà pháp này không bị lăng kính tình cảm cũng như quan niệm định kiến của mình làm sai lệch, gọi đó là hữu-chất-tánh-cảnh. Sao gọi là hữu chất? Vì cảnh đó vẫn còn chất để nhận biết. Đó là năm trần : Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Hữu-chất-tánh-cảnh cũng chỉ cho một số cảnh trong định.

Tuy gọi là thật nhưng là thật theo nghĩa thế tục tương đối, không phải theo thắng nghĩa, (vì theo thắng nghĩa thì căn, cảnh, thức đều là giả huyễn, không thể gọi là thật), nên nó còn có tên là Thế-tục-tánh-cảnh.

Vân Môn đưa cây gậy lên dạy chúng: “Phàm phu thấy nó là thực. Nhị thừa phân tích nó thành không. Viên Giác cho nó là huyễn có. Thiền gia thấy cây gậy là cây gậy, đi chỉ đi, ngồi chỉ ngồi, không được động đến”. Đó cũng những gì Hòa thượng dạy chúng ta về pháp Bất nhị: “Thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, không khởi lên ý niệm gì”. Nếu ta ứng dụng được như thế vào cuộc sống là ta đang sống được với loại tánh cảnh này.

‘Biết vọng không theo’ hay ‘Biết là chân tâm’ là phương tiện giúp ta sống lại được với loại tánh cảnh này.

2. Vô-chất-tánh-cảnh: Còn gọi là Thắng-nghĩa-tánh-cảnh, là chỉ cho thật tánh chân như. Gọi ‘vô chất’ vì đó là chỗ mà năng sở đều dứt, như Trung luận hiển bày: “Thực tướng các pháp đó. Tâm hành ngôn ngữ đoạn. Không sinh cũng không diệt. Tịch diệt như niết bàn”, như Bát Nhã đã nói: “Tướng không của các pháp không sinh cũng không diệt v.v… ”.

Đây là chỗ mà nhà thiền gọi là kiến tánh, là chứng nghiệm được tánh thể của vạn pháp. Nó là cái nhân để có cái quả là niết bàn Phật.

IV. MỐI LIÊN HỆ GIỮA TÁNH CẢNH VÀ HAI LOẠI BIẾN

Phá được Phân-biệt-biến thì ta sống được với Hữu-chất-tánh-cảnh. Thấu được thực tướng của Nhân-duyên-biến, chính là đốn ngộ tự tâm xưa nay là Phật.

Có một số công án giúp hành giả khai mở loại Hữu-chất-tánh-cảnh. Cũng có những cơ duyên giúp hành giả khai mở cái gọi là Vô-chất-tánh-cảnh. Đó là tùy căn khí của từng người mà có sự thể nhập sâu hay cạn, từ đó có chỗ chứng nghiệm cạn hay sâu.

Nếu do một cơ duyên nào đó, ta dứt bặt vọng tưởng nhưng vẫn còn có cảnh để cảm nhận (dù là cảnh không) thì cảnh đó vẫn chưa gọi là Vô-chất-tánh-cảnh mà mới chỉ là Hữu-chất-tánh-cảnh, nên chưa gọi là kiến tánh. Chưa kiến tánh thì trên cảnh vẫn còn nhiều việc để thận trọng. Kiến tánh rồi mà chưa được ‘Tám gió thổi chẳng động’ thì cũng còn nhiều thứ không thể coi thường.

Chân Hiền Tâm