HOẰNG PHÁP VỚI TỪ THIỆN XÃ HỘI-Tham luận Hội thảo của Ban Hoằng pháp tỉnh Gia Lai


Từ thiện luôn mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ ban vui của đạo Phật, đây là một trong những công tác hoằng pháp mà Giáo hội rất quan tâm.

Từ thiện là những hoạt động đạo đức:

Làm công tác Từ thiện là đem thông điệp từ bi của đạo Phật truyền bá vào nhân gian, để nhân loại có cơ hội gần gũi chánh pháp. Công tác này tuy thấy dễ mà khó, khó là vì nó là một hoạt động đạo đức, bất vụ lợi. Nó đòi hỏi người làm thực hiện tâm bình đẳng, không phân biệt trong đối xử, dứt bỏ ý niệm thân sơ, yêu ghét, vì lợi ích cho chúng sanh không nghĩ đến lợi ích cá nhân, nhứt là phải có đức tánh hy sinh và lòng kiên nhẫn mới có thể vượt qua mọi trở ngại thử thách và đem lại lợi lạc cho chúng sanh.

http://files.myopera.com/Pham%20Uyen/albums/561847/Hoa_sen_9.sized.jpg

Từ thiện là thể hiện lòng từ bi:

Đạo Phật được gọi là đạo từ bi, vì tình thương trong Đạo Phật rất bao la sâu rộng: “Từ năng dữ nhứt thiết chúng sanh chi lạc. Bi năng bạt nhứt thiết chúng sanh chi khổ ”. Từ Bi không chỉ là một quan niệm, mà chính là sự sống, nó có sức mạnh chuyển hóa đời sống con người. Sống là yêu thương, là nhường cơm xẻ áo. Khi cây Từ Bi được vun trồng thì đóa hoa tình thương bừng nở, chỉ có tính thương thật sự đem lại sự thanh bình, an vui, hạnh phúc cho cuộc đời. Cho nên ở đâu có mặt của Từ Bi ở đó được cứu khổ. Từ Bi là hạnh nguyện không cùng tận, hạnh nguyện của Bồ Tát Quán Thế Âm. Ngài là người tiên phong ươm mầm hạnh phúc, xóa khổ tạo vui, giúp cho chúng sanh hồi đầu phản tỉnh. Cho nên mỗi khi hướng về Ngài chúng sanh sẽ biết yêu thương , săn sóc bảo vệ sự sống và hạnh phúc của muôn loài.

Cuộc đời vốn dĩ triền miên đau khổ là do lòng ích kỷ, dưới sự điều động chi phối của vô minh nên chúng sanh đấu tranh hận thù, chỉ có lòng khoan dung độ lượng mới xoa dịu nỗi đau cho chúng sanh.Từ Bi là chất liệu để xây dựng những con người biết hiến tặng cho nhau niềm vui mà không hề gây đau khổ, để cùng nhau hóa giải khổ đau, mang lại niềm an lạc trong chánh pháp. Trên tinh thần Từ Bi con người sẽ đem lại niềm hạnh phúc chân thật ngay nơi thế gian loạn động này, nó mãi mãi là bức thông điệp về đạo đức cho nhân loại muốn tồn tại và phát triển.

Nếu ta sống với nhau mà không có tình thương, không có sự hiểu biết và tâm hỷ xả thì dù chúng ta có tổ chức tinh xảo đến đâu, cũng chỉ là môi trường để con người cấu xé lẫn nhau, dẫn đến những thảm họa chiến tranh không thể đo lường. Cho nên chỉ có suối nguồn Từ bi mới dập tắt những khổ đau, đưa nhân loại xích lại gần nhau trong yêu thương và hiểu biết.

“Tâm từ trải khắp khôn lường

Tâm bi hiện hữu mười phương chan hòa

Lòng người nở một đóa hoa

Chúng sanh hạnh phúc an hòa tình hương”

Từ thiện với tinh thần tùy duyên bất biến, vô ngã - vị tha:

Chúng ta là những sứ giả của Như Lai, tu tập theo hạnh nguyện từ bi của Phật, Bồ tát, thể nhập vào đời theo dòng chảy độ sanh, dù ở bất cứ lãnh vực nào của xã hội, cũng thể nhập một cách “tùy duyên”, bằng cách uyển chuyển tư tưởng mình theo các đối tượng cần hóa độ mà hóa độ. Trên tinh thần vô ngã vị tha, chúng ta sẽ đồng cảm, đồng hành, đồng sự với tất cả các đối tượng xung quanh, dù đó là người trí thức hay người lao động, nhưng bản chất “ bất biến” vẫn thường hằng. Các vị lãnh đạo nhà nước thường áp dụng một câu nói: “ Hòa nhập chứ không hòa tan” Cũng vậy trong Đạo Phật ứng dụng phương châm” tùy duyên” nhưng “ bất biến” hoặc ngược lại.

Người đã giác ngộ thì luôn quán chiếu rằng: tài sản cũng như thân mạng đều là giả tạm, vô thường, thì có cái gì là “Ta” hay “ của Ta” mà tham lam, tiếc nuối, hay tự cao tự đại…mang tinh thần vô ngã- vị tha đi vào cuộc đời để tùy duyên hóa độ. Có như vậy chúng ta mới hướng mọi người về con đường Chân- Thiện- Mỹ.

“Nguyện soi sáng trần gian bằng tuệ giác

Nguyện cứu đời bằng sửa ngọt yêu thương

Mang hành trang lục độ để lên đường

Đi gieo rắc ánh vàng cho tất cả.”.

Từ thiện với tâm linh:

Không chỉ san xẻ cơm ăn, áo mặc, chỗ ở, thuốc men ….mà người hoằng pháp đã thực hiện được tâm hạnh Từ Bi. Cứu giúp chúng sanh bằng phương tiện vật chất chỉ là đóng góp một phần nhỏ để xoa dịu nỗi đau của nhân loại, của xã hội cộng đồng. Trong khi nỗi khổ của chúng sanh đầy cả hư không, nước mắt của chúng sanh đầy cả bốn biển, chút ít vật chất không thể nào xóa hết nỗi khổ đau vốn đè nặng chúng sanh trong vô lượng kiếp. Ngoài việc chia xẻ cơm áo, chỗ ở, thuốc men…, các hoằng pháp viên cần phải chú trọng mặt tâm linh, phải làm sao cho chúng sanh thâm nhập giáo lý nhiệm mầu của đạo phật để được giác ngộ giải thoát.

Hiện nay nhiều đạo tràng mở ra các khóa thiền, các khóa niệm Phật, trợ niệm cho người sắp lâm chung…cụ thể như Chùa Hoằng Pháp Hóc Môn và nhiều nơi khác đã và đang làm. Đây là công tác hoằng pháp đầy ý nghĩa và lợi ích.

Từ thiện là một phương tiện tích cực trong hoằng pháp lợi sanh:

Từ thiện là một pháp môn trong tám vạn bốn ngàn pháp môn để đưa “chúng sanh” đến gần chánh pháp. Chúng ta thường nghe câu: “ Có thực mới giựt được đạo”. Trong việc hoằng pháp phương thức hữu hiệu là trước dùng phương tiện vật chất để ổn định đời sống, rồi sau đó hướng dẫn họ đến gần với Đạo. Phật dùng hai chữ “chúng sanh” là chỉ cho mọi sinh vật. Cho nên việc làm “Từ thiện đúng nghĩa” là nhổ tận gốc rể cái khổ cho chúng sanh, chứ không chỉ xoa dịu cái “quả khổ” trong hiện tại, mà để mặc cho cái “nhân gây ra khổ” mãi về sau. Người có lòng Từ Bi là vừa xoa dịu vết thương đau khổ trong hiện tại, mà vừa chữa cho khỏi nguyên nhân gây ra đau khổ. Như người làm vườn không chỉ phác cho sạch cỏ trên mặt đất, mà còn đào sâu xuống dưới, nhổ cho sạch gốc rể của cỏ nữa.

Cuộc sống ngày nay đang đứng trước những tệ nạn xã hội, nó giống như những con yêu quái lộng hành, vươn những chiếc vòi quấn lấy những người nhẹ dạ cả tin, đưa họ vào con đường đen tối, gây bao đau thương cho cuộc đời. Nếu nó cứ vươn mãi những chiếc vòi ma quái thì thử hỏi con người sẽ đi về đâu? Đây là vấn đề nung nấu trăn trở trong lòng mỗi người!

Trong kinh Phật thường dạy: Khổ do nghiệp, nghiệp do hoặc, hoặc tức là vô minh- phiền não. Vô Minh- Phiền não đều ở trong tâm của mỗi người. Tâm là gốc của muôn pháp, một niệm phóng đi sẽ tác thành nghiệp báo. Cho nên những tư tưởng bất thiện, những hành vi bất chánh, những ngôn từ vô bổ, đều là những yêu ma quỷ quái hiện hành trong tâm thức. Tâm chúng sanh đầy dẫy phiền não tật xấu, dung chứa vô số hạt giống chua cay, đắng độc. Dĩ nhiên, những mầm móng ấy sẽ trổ ra những quả khổ gian lao. Bởi thế Đạo Phật rất chú trọng vấn đề tu tâm dưỡng tánh cho chính mình và người. Muốn cho sự nghiệp lợi tha này được vẹn toàn, người làm công tác Từ thiện có bổn phận vừa cứu giúp vật chất vừa đem giáo pháp tu hành chỉ bảo như: Bố thí, làm lành, ăn chay, niệm phật, quy y Tam bảo…để tâm tánh của người được cứu giúp tăng trưởng công đức lành.

Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay chịu biết bao nhiêu là cảnh khổ, từ vật chất đến tinh thần, nhất là đối với luật vô thường: sanh, già, bệnh, chết, chưa ai thoát khỏi được. Đã không thoát được mà còn vô tình gây thêm nhiều nghiệp khổ, lắm khi cứ quên mất cái tuổi giả mỗi ngày mỗi chồng chất, quên mất cái chết sắp đến gần!

Như thế cứu giúp chúng sanh về phương diện không gian bao gồm cả muôn loài, về phương diện thời gian bao gồm cả quá khứ hiện tại và tương lai. Nếu chỉ “cho vui và diệt khổ” trong hiện tại, mà không nghĩ đến “cho vui diệt khổ” trong tương lai thì chưa được gọi là hoằng pháp. Bởi thế cần phải gây nhân vui và diệt nhân khổ.

Thật kỳ diệu biết bao giáo lý nhiệm mầu của Phật có khả năng hóa giải tâm thức của con người từ mê mờ đến giác ngộ, xóa tan ngăn cách giữa con người với con người bằng tình yêu thương rộng mở. Công tác nào cũng quan trọng, cũng cần đến tinh thần năng nỗ và hy sinh. Nhưng:

“Một cây làm chằng nên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”

Dù bất cứ lãnh vực nào, bất cứ công việc gì phải có sự đồng tâm hiệp lực, chung tay góp sức thì mới được thành tựu, nhất là công tác hoằng pháp ở những vùng sâu, vùng xa hiện nay./.

 

Thích Nữ Phục Liên

Ban Hoằng pháp tỉnh Gia Lai

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)