HOẰNG PHÁP VỚI CÔNG TÁC TỪ THIỆN XÃ HỘI-Tham luận Hội thảo của Ban Hoằng pháp Tỉnh Vĩnh Phúc


altPhật giáo Việt Nam đã có lịch sử gần 2000 năm. Đạo pháp đi vào lòng dân tộc, mang hơi thở của người dân Việt, với những đặc thù riêng có của mỗi miền: Phật giáo miền Bắc đang từng bước hồi sinh nôi đất tổ; Phật giáo miền Trung một lòng sắt son gìn giữ đạo pháp; Phật giáo miền Nam đã phát triển thành một vườn hoa đa dạng phong phú. Những ai có chút lưu tâm tới Phật sự, đều nhận thấy vận hội lớn đi kèm thách thức lớn đối với sự phát triển Đạo Phật đặc thù Việt Nam trong tiến trình đổi mới và hội nhập của đất nước. Một trong những Phật sự được nhận diện nhanh chóng và phát triển nhiều nhất bởi quần sinh đó là công tác từ thiện xã hội. Trong khuôn khổ bài tham luận này, xin kính trình tới toàn thể Hội Nghị Hội Thảo nghành Hoằng Pháp tại Kiên Giang một vài suy nghĩ về công tác từ thiện từ góc nhìn của một tu sĩ đang hành đạo tại nơi đất Tổ - Vĩnh Phúc.

Kinh tế của đất nước Việt Nam đang từng bước phát triển đồng hành cùng các nước trên thế giới. Song, đi kèm với tốc độ phát triển kinh tế là hố sâu ngăn cách phân hoá giàu, nghèo. Đó là vấn đề mọi quốc gia trong quá trình phát triển đều phải đương đầu. Thoạt nhìn, tưởng chừng như bài toán chính sách vĩ mô nhằm giải quyết vấn đề phân cách giàu nghèo chỉ thuộc về trách nhiệm của các cơ quan chính quyền từ cấp địa phương tới trung ương. Nhưng với vai trò Đạo pháp trong lòng dân tộc thì đó chính là một Phật sự lớn với tên gọi công tác từ thiện xã hội của người hoằng pháp. Việc làm từ thiện xã hội của người truyền pháp không chỉ dừng ở mức độ vật chất mà điều cốt lõi lại nằm ở giá trị tinh thần, tâm linh. Sự phối hợp nhịp nhàng với công tác từ thiện xã hội của các cơ quan đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính quyền các cấp, các Hội từ thiện, các nhà hảo tâm là vô cùng cần thiết để mang lại lợi lạc cho các đối tượng cần sự giúp đỡ cải thiện về đời sống vật chất lẫn tinh thần. Khi người dân có cơm ăn, áo mặc, được học hành, được khai mở đạo lý thì công tác từ thiện mới thành tựu đúng nghĩa và giá trị vững bền, góp phần đích thực xóa lấp hố sâu phân cách giàu, nghèo trong xã hội.

Cũng như cách làm từ thiện của hầu hết các địa phương trong cả nước, Ban hoằng pháp đã và đang quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc hiện tại như tình trạng người nghèo khổ lang thang không nơi nương tựa, hàng đêm vẫn có người co ro dưới gầm cầu, xó chợ, người tâm thần vất vưởng lề đường, trẻ em nghèo không được đến trường, hoặc phải bỏ học sớm vì không có tiền nộp học phí… Nhưng phương tiện để giải quyết các vấn đề xã hội này hầu như chỉ trông đợi vào các công tác từ thiện nhỏ lẻ, nên cũng chỉ được giải quyết một cách cục bộ, và chỉ có tính thời điểm theo phong trào mà thôi. Cho nên các nhà chức trách đề xuất giải pháp miễn học phí cho những đối tượng trẻ em nghèo vùng sâu vùng xa. Giải pháp này hoàn toàn khả thi nếu được xem xét trong chiến lược tổng thể quốc gia về xoá nạn mù chữ và xoá đói giảm nghèo.

Nhận rõ được những khó khăn của đồng bào kém may mắn, với lý tưởng phụng đạo giúp đời, Ban Từ thiện Xã Hội Phật giáo từ trung ương cho đến địa phương đang chung vai gánh vác thực hiện trách nhiệm, bắt tay vào xây dựng các chương trình như: đào giếng cho các hộ nghèo ở miền núi không có nước uống; lập và gây quỹ học bổng trợ giúp trẻ em, học sinh, sinh viên nghèo trong tình trạng khó khăn, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc; vận động các nhà hảo tâm giúp phương tiện thuốc men, áo quần… nhằm giúp đỡ những gia đình khó khăn, các cụ già neo đơn. Nhưng thực ra đó cũng chỉ là những động tác cấp thời mà thôi. Theo nhãn quan của Đạo Phật thì công tác từ thiện cần phải được kết hợp với những cách làm như sau thì mới ngõ hầu diệt trừ gốc rễ của vấn nạn nghèo và khổ đau:

- Khuyến khích và phát huy truyền thống dân tộc lá lành đùm lá rách, trong mỗi người dân, từ mọi tổ chức, đoàn thể, chính quyền các cấp.

- Giảng giải đạo lý giải thoát giác ngộ cho nhân sinh. Tứ diệu đế là gốc của mọi giáo lý trong Đạo Phật. Nhận chân sự thật khổ đau, tìm nguyên nhân khổ đau, vận dụng phương tiện để diệt trừ khổ đau; cuối cùng để đạt được an lạc hạnh phúc ngay trong đời sống hiện tại.

- Giảng giải cho mọi người hiểu rõ về lý Nhân quả để tự quyết định cuộc đời mình.

Bên cạnh sự cứu giúp bằng vật chất mà đã có bàn tay cứu trợ dưới nhiều hình thái tổ chức, thì trách nhiệm của Ban hoằng pháp là phải làm sao giúp những đối tượng đau khổ nhận diện ra nguyên nhân đau khổ, nghèo đói, bệnh tật… tất cả là do tính vị kỷ, hẹp hòi, tính ỷ lại, lười biếng sinh ra nhiều hệ quả xấu; nhận diện được nguồn khổ ải của kiếp người là do tri giác sai lầm; thấy biết sai lầm, chính là vô minh, đó là gốc rễ của mọi khổ đau. Ngoài đau khổ về vật chất đương sự phải biết buông bỏ vọng tưởng loạn tâm để vượt thoát khỏi khổ đau tinh thần.

Các hoạt động từ thiện nhằm chung vai góp sức với các tổ chức xã hội khác như đã nêu trên mới chỉ là bề nổi, và không cẩn thận thì lại rơi vào cạn cợt, không đúng với ý nghĩa cao thâm của Đạo pháp. Người hoằng pháp cần phải nhìn sâu vào trong bản chất sự việc mà hành cho đúng chánh pháp. Xin trích dẫn dưới đây năm vấn đề lớn của Phật giáo Việt nam mà tác giả Nguyễn Kha đã tổng kết trong bài viết “Tản mạn từ một chuyến đi xuyên Việt” đăng trên trang Tạp chí Văn hoá Phật giáo số 44 ngày 1-11-2007, chuyên mục “Vấn đề” nhằm hướng về Đại hội Bồi dưỡng hoằng pháp toàn quốc lần thứ IV, để chúng ta cùng suy ngẫm, đó là:

1. Tình trạng lão hoá tư duy của một số cấp lãnh đạo trong Giáo hội, rõ ràng làm cho một bộ phận lớn của Phật giáo Việt Nam ở nhiều nơi đang trở nên còm cõi, mất sinh khí, đứng bên lề những chuyển đổi sinh động và thành quả tích cực mà thời đại cống hiến.

2. Sự bất lực của pháp chế và giáo quyền trước tình hình tha hoá giới hạnh của Tăng chúng, nhất là trong hàng ngũ Tăng Ni trẻ. Có một khoảng cách phẩm hạnh và uy quyền giữa trung ương và địa phương, giữa Thầy và đệ tử, giữa Tăng Ni cùng Phật tử.

3. Hiện tượng Tăng đoàn phân liệt và cát cứ vì nhiều loại hình mâu thuẫn và tranh chấp chồng chất lên nhau, đan bện vào nhau làm tê liệt mọi nỗ lực hoà hợp để đồng tu, mọi kết hợp để phát triển. Hầu như mỗi vùng địa dư, thậm chí mỗi chùa, là một ốc đảo tự quản tự trị, chỉ gắn bó hàng dọc với nhau vì đạo tình cùng tông phái, hay liên kết hàng ngang với nhau vì công tác Phật sự.

4. Vai trò và đóng góp của Ni chúng và cư sĩ bị khống chế, thậm chí có nhiều nơi bị triệt tiêu hoàn toàn. Một nửa lực lượng Trưởng tử Như Lai không được sử dụng đúng cách, hai trong tứ chúng khép nép hay xa lìa hẳn cửa chùa. Đầu óc phân biệt giới tính và tinh thần gia trưởng Tống, Nho trong tư duy của người Việt đã làm bại liệt hơn một nửa cơ thể của Phật giáo Việt Nam.

5.Sự bất cập trong kế sách đào tạo Tăng Ni, từ nội dung giáo trình đến triết lý đào tạo, từ ngân sách đến hành lang pháp lý, từ kinh sách đến giảng sư, từ cơ sở vật chất đến kiến thức ngoại điển. Chỗ cần thì không có đủ, chỗ thiếu thì bị bỏ rơi.Tăng Ni du học ngoại quốc thì ít vị về nước, Tăng Ni tốt nghiệp trong nước thì tránh về vùng sâu vùng xa. Tăng Ni là mạng mạch của Phật giáo, nhưng với tình trạng đào tạo Tăng - Ni hiện nay thì còn nhiều bất cập.

Đất nước đã vươn mình trên đường đổi mới và hội nhập với năm châu bốn bể. Đạo Phật đặc thù Việt Nam đang chuyển mình hồi sinh sau hơn ba thập kỷ bị chôn vùi, hôm nay cũng đến được mốc đại hội bồi dưỡng Hoằng pháp Phật giáo toàn quốc tại tỉnh Kiên Giang lần thứ IV, mỗi người con Phật chúng ta hãy tự soi lại mình trong bức tranh hiện trạng của chính môi trường hoằng pháp với nhãn quan của Đạo Phật, để nhận rõ căn bệnh đe dọa suy thoái, ngõ hầu diệt trừ tận gốc rễ, vì một ngày mai tươi sáng hơn cho tiền đồ Phật giáo Việt Nam, đó chính là góp phần làm từ thiện trong sáng của người hoằng pháp một cách sâu sắc, có như vậy mới đủ tư chất hoằng pháp lợi lạc quần sinh, chỉ khi đó mới có thể thực hiện được lý tưởng của người con Phật. Lý tưởng đó là lấy cuộc đời khổ đau làm trường rèn luyện, lấy nhân loại khổ đau làm đối tượng hành đạo, và để cho lòng thương làm động lực cho mọi hoạt động Phật sự. Hãy biến mình thành người bạn giản dị, khiêm nhượng và thân thiết với những người bất hạnh. Hãy đi tới với quần chúng khổ đau, không chỉ giúp trừ khó khăn về vật chất mà còn diệt trừ khổ đau từ si mê tăm tối tới tận gốc rễ. Chúng sinh cần chúng ta đến, Đạo pháp cần chúng ta đi, không kể gian lao, không từ khó nhọc, với niềm tin bất thối chuyển đã có ánh Đạo vàng soi đường chỉ lối./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

Thích Tỉnh Thuần

Ban Hoằng pháp Tỉnh Vĩnh Phúc

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)