HOẰNG PHÁP VỚI CÔNG TÁC TỪ THIỆN -Tham luận Hội thảo Ban Hoằng pháp tỉnh Bến Tre

altTài thí, Pháp thí, Vô úy thí là pháp tu Bố thí, một pháp môn căn bản giúp cho hành giả thành tựu Bồ Tát Đạo. Bởi vì Bố thí là hạnh tu đứng đầu trong “Lục Độ Ba La Mật” gồm có Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Trí tuệ và cũng là hạnh tu trước tiên trong “Tứ Nhiếp Pháp”gồm có: Bố thí, ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự. Chính điều này đã nói lên sự gắn kết bất khả phân ly giữa Hoằng pháp và công tác Từ thiện xã hội.

Từ thiện đóng góp một vai trò vô cùng quan trọng cho sự phồn vinh của quê hương, đất nước, góp phần thiết thực xoa dịu niềm đau nhân thế, đưa con người đến cứu cánh an vui, một điều kiện cần thiết để hộ quốc an dân chủ đề chính của cuộc hội thảo toàn quốc hôm nay.

Tuy nhiên, làm sao để thực hiện được Hoằng pháp và công tác Từ thiện một cách toàn bích, thực sự đem lại lợi lạc cho những mãnh đời bất hạnh thì vẫn còn nhiều bất cập. Xin được mạn phép trình bày đôi điều trăn trở:

1. Cho những cái người ta cần:

“Cho những cái người ta cần, không cho những gì mình có” là điều kiện quan trọng giúp cho người làm công tác từ thiện đạt được kết quả tốt nhất. Thật vậy, những người đến nhận quà từ thiện là những người nghèo khó, bất hạnh, điều mà những người có hoàn cảnh khó khăn này đang cần là: Gạo, Mì, Nước tương, muối, đường, Bột ngọt. Họ chưa thực sự có điều kiện để quan tâm đến băng đĩa và kinh sách với nội dung giáo lý cao sâu vi diệu. Vì vậy chúng ta sẽ để dành những Băng đĩa và Kinh sách này lại để tặng cho họ trong một dịp khác, lần sau.

2. Đừng cho con cá hãy tặng cần câu:

Những phần quà đơn sơ nhưng thiết thực đã để lại trong lòng người cơ nhở những thiện cảm chân thành với Đạo. Dù có thể họ chưa biết Đạo Phật là gì? Hình ảnh chư Tăng, chư Ni Với chiếc áo lam, áo vàng, chân tình chia sẽ nổi khổ đau đời thường của họ mà không hề vụ lợi, không hề có ý khuyến dụ họ làm tín đồ Đạo Phật.

Những Thầy, những Sư cô với đầu tròn áo vuông đến với họ bằng tình thương yêu vô bờ bến, không phân biệt thân sơ đã để lại trong tim những người bất hạnh, khổ đau một hình ảnh đẹp khắc sâu không phai nhạt. Chính trong lúc này chúng ta thực hiện một lúc hai công việc.

a. Những phần quà chỉ là công việc tạm thời trước mắt, chúng ta phải nâng cao công tác từ thiện lên một tầm cao hơn. Chúng ta không cho con cá nữa mà tặng chiếc cần câu để những người cơ nhở có thể tự lực vươn lên ổn định đời sống.

Tranh thủ sự đồng thuận của các cấp chính quyền, thông qua các chương trình đền ơn đáp nghĩa, làm đường giao thông nông thôn, tặng học bổng cho học sinh nghèo vượt khó v.v… chúng ta vận động Phật tử, các nhà hảo tâm, những Mạnh thường quân, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, làm cầu, làm Đường bê tông. Đặc biệt, chúng ta có thể mở những phòng học vi tính miễn phí để giúp các em học sinh nông thôn tiếp cận với nền khoa học thông tin hiện đại.

b. Song song với công tác từ thiện, chúng ta kết hợp và dựa vào nguồn lực của Chư tôn đức Giáo phẩm Ban trị sự, Ban Hoằng pháp tỉnh thành, Chư tôn đức Trụ trì các Tự viện nơi bổn xứ tổ chức những khóa tu Bát Quan Trai, những khóa tu Niệm Phật.

Chương trình giáo lý đạo Phật sẽ được giới thiệu và trình bày một cách đa dạng, phong phú qua những buổi thuyết giảng trực tiếp, qua băng đĩa, kinh sách. Những cuộc dã ngọai, những buổi văn nghệ Phật giáo được đan xen, sẽ làm cho chương trình học Phật thêm phần hấp dẫn và sinh động.

Đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là thiết thực cúng dường chư Phật”. Lời dạy này tương hợp với truyền thống tương thân, tương trợ “Lá lành đùm lá rách” của Dân tộc Việt Nam, đã nói lên tầm quan trọng của công tác Từ thiện.

Kết hợp Hoằng pháp với Từ thiện sẽ đem lại kết quả tốt đẹp trong việc hoằng dương chánh pháp, nhưng cần phải có định hướng và chủ đích rõ ràng để tránh ngộ nhận đáng tiếc.

Tinh thần Từ Bi với truyền thống nhập thế của Đạo Phật giúp chúng ta thấu hiểu và chia sẽ những khổ đau, bất hạnh của mọi người mọi loài. Nhưng trước hết chúng ta cần phải thấu hiểu tâm mình, phải tinh tấn chuyên tu để nhận ra bổn tâm thanh tịnh nơi chính mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể chiến thắng được tự ngã và mang đến cho mọi người niềm an vui thực sự.

“Nếu chẳng một phen xương thấm lạnh

Hoa mai đâu dễ ngát mùi hương”

Xin được mượn hai câu thơ của ngài Hoàng Bá thay cho lời kết luận./.

 

Tỳ kheo: Thích Tánh Hỷ

Ban Hoằng pháp tỉnh Bến Tre

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)