HOẰNG PHÁP THỜI HỘI NHẬP



alt

Hoằng pháp là truyền bá chánh pháp của Đức phật, có thể nói đem Chơn lý truyền dạy cho thế gian. Đức Thế Tôn đã truyền giáo pháp hơn 45 năm đã để lại một kho tàng Phật pháp vô lượng. Ngọn đèn chánh pháp tỏ rạng đến hôm nay là nhờ vào sự truyền đăng tục diệm Tổ Tổ tương truyền, Phật Phật tương ấn. Sự kế thừa giáo pháp chính là hàng sứ giả như lai thì phải làm cho ngọn đèn chánh pháp được tỏ rạng. Ngày nay hành giả Như Lai là người truyền trì mạng mạch phật pháp, làm cho chánh pháp cửu trụ ta bà, lợi lạc quần sanh.

Tuy nhiên sự hoằng truyền đòi hỏi sứ giả như lai phải khế cơ và khế lý mới đem lại hiệu quả đích thực. Xã hội ngày nay đang trên đà pháp triển, sự vượt bực về nhận thức lại cao, nên sự phát huy trí tuệ của hành giả phải được cụ thể hoá để đưa đạo vào đời. ngày nay, khoa học tuy phát triển nhưng những tệ nạn vẫn xâm chiếm vào xã hội, phải chăng đó là sự mê lầm của con người chưa có trí tuệ và đạo đức thắm nhuần nên họ đã thâm nhiễm. Muốn đưa họ ra khỏi bóng tối của dục vọng thì cần phải có bậc thiện tri thức dẫn đường, chỉ lối để đưa họ ra khỏi vùng lầy ô trược này.

Thời hiện đại là một sự minh chứng tột đỉnh của khoa học kỹ thuật nhưng suy thoái về tư cách và đạo đức. Sự hội nhập vào khoa học cũng thách thức cho sứ giả Như Lai biết ứng dụng vào nhằm truyền tải giáo lý một cách nhanh chóng và đa dạng hoá về mọi phương diện như : công tác từ thiện, thuyết giảng Phật Pháp, công nghệ thông tin v.v.. Người truyền bá cần nắm vững dân tộc tính của địa phương nhằm khế hợp để khuyến hoá cho mọi người quay về nẻo thiện, kinh nghiệm và trí tuệ để hoằng dương đưa người từ bờ mê quay về bến giác.

Như chúng ta đã từng biết, ngoài việc xiểng dương chánh pháp thì vai trò hoằng pháp đòi hỏi phải năng động tích cực nhập thế bằng những phương tiện thiện xảo, nhằm xây dựng nền văn minh lành mạnh qua nhiều phương diện giáo dục, văn hóa, đạo đức và từ thiện. Với một vai trò hành giả trong thời đại mới áp dụng Tam Vô Lậu học, có đức hạnh theo truyền thống và nghiên cứu giáo pháp, chú tâm vào lĩnh vực tâm linh, tâm lý học, xã hội học. Vì tâm lý học giúp chúng ta hiểu rõ tư tưởng con người và bản chất cư xử của mỗi cá nhân. Xã hội học giúp chúng ta hiểu được mối quan hệ giữa con người với con người. Trên tinh thần uyển chuyển bất biến, tuỳ duyên để hoằng hoá độ sanh. Đức Phật là đạo sư đã truyền bá với những phương tiện thiện xảo để phục vụ xã hội.

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam đã đồng hành cùng dân tộc, thịnh suy của đất nước, do tính đặc thù của đạo Phật, lời Phật dạy đã trở thành thích ứng văn hoá Việt Nam. Nên phương châm đạo pháp và dân tộc là tôn chỉ nhập thế của đạo Phật. Hiện nay Việt Nam đang trên đà phát triển thì cơ hội và thách thức đòi hỏi Ban hoằng pháp phải có nhân lực và ngoại lực. Vài năm gần đây số lượng Tăng sĩ được đào tạo đã có nhiều đóng góp đáng kể cho hoạt động Phật sự của Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên, từ thành quả đó đã đặt ra cho thế hệ tăng trẻ càng cao, đòi hỏi sức phấn đấu vươn lên trong hoằng pháp để xứng đáng vai trò là những người thầy, là cầu nối của đức Phật và Phật tử. Thách thức đó phải kết hợp với lòng yêu thương sâu sắc đất nước, đạo pháp và dân tộc. Muốn có nhân lực thì chư tôn túc trong Ban Hoằng Pháp Trung Ương cần có sự đào tạo về nhân sự cho Ban hoằng pháp để đem ánh đạo ban truyền trên toàn đất nước. Đặc biệt hiện nay, các vùng sâu vùng xa rất khó khăn, nên ngoại lực cần phải có để trợ duyên các hoằng pháp viên có kinh phí đi lại. Song song với phương diện xã hội thì kinh tế cũng một phần then chốt trong cuộc sống để truyền bá phật pháp.

Qua kinh nghiệm của Ban hoằng pháp Gia Lai đã nhiều năm thì sự kết hợp giữa Hoằng pháp và Nghi lễ cũng có nhiều kết quả, vì tín ngưỡng người dân đều phát khởi niềm tin và đi dần đến hiểu biết. Kết hợp tổ chức các Đạo tràng Niệm phật và Bát quan trai cũng có kết quả, công tác Từ thiện cũng có nhiều tín chủ phát tâm. Đặc biệt các ngày lễ lớn Ban hoằng pháp triển khai thuyết giảng pháp khắp nơi vì ngày đó thính chúng rất đông. Nhưng nhìn vào tổng thể cần phải có kỹ năng Hoằng pháp cần có nghiệp vụ chuyên môn và tinh nhuệ biết kết hợp các Ban nghành trong Phật giáo và xã hội để tạo nên phương tiện và phương diện hoằng pháp thì quần chúng mới đông đảo. Tuy nhiên ở thành thị thì quần chúng tiếp thu giáo lý rất cao, nhưng ngược lai vùng sâu vùng xa thì chưa tiếp thu được giáo lý, muốn đem ánh đạo vào đó rất khó khăn, đòi hỏi kinh tế đi trước rồi mới thuyết pháp. Nhân sự để mà đi vào đó rất rất khiêm tốn với số lượng hiện nay.

Tóm lại hoằng pháp thời hội nhập cần phải khế cơ và khế lý, sự vận hành đưa đạo vào đời đòi hỏi người hoằng pháp phải khéo léo uyển chuyển, bất biến tuỳ duyên với tinh thần dấn thân, trang bị tinh thần nhập thế vì cuộc sống an lạc cho người dân và đất nước Việt Nam, vì một đạo Phật Việt Nam có bề dày lịch sử trên 2000 năm mà tiến bước.

Ban hoằng pháp tỉnh Gia Lai có vài kiến nghị nhân cuộc hội thảo:

1. Cần đào tạo nhân sự cho Ban hoằng pháp các tỉnh.

2. Hằng năm nên có hội thảo và tập huấn cho các hoằng pháp viên các tỉnh.

3. Cần có kinh tế để trợ duyên trong việc hoằng pháp.

 

Ban Hoằng pháp tỉnh Gia Lai

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)