Giảng kinh huyền nghĩa :Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài 1

http://daitangvietnam.com/dict/WhiteLotus.jpg

MỞ ĐẦU
1, Chánh văn

爲 佛 弟 子 Vi Phật đệ tử
常 於 晝 夜 Thường ư trú dạ
至 心 誦 念 Chí tâm tụng niệm
八 大 人 覺 Bát đại nhân giác

Là đệ tử Phật
Thì nên hết lòng
Ngày cũng như đêm
Trì tụng tám điều
Đại nhân giác ngộ:

2, Giải thích

Bản kinh mở đầu bằng mấy lời rất ngắn gọn, nhưng có tính khẳng định cao: Khẳng định vai trò và nhiệm vụ của người con Phật. Vai trò và nhiệm vụ ấy không kể là tại gia hay xuất gia. Bản kinh chỉ nói, là đệ tử Phật, không nói là đệ tử xuất gia hay tại gia. Điều đó có nghĩa, hễ những ai tự xem mình là đệ tử Phật, thì phải ngày cũng như đêm, mọi nơi mọi lúc, phải hành trì tu tập. Và tám điều giác ngộ của bậc Đại nhân này là một trong những phương pháp hành trì tu tập đó.

Tu tập là một quá trình chuyển hoá và làm phát khởi cái tính Phật nơi mỗi chúng ta. Chuyển hoá là sự chuyển đổi tâm thức ra khỏi trạng thái mê muội, tham đắm và cố chấp. Để thực hiện được điều này, chúng ta phải có phương pháp. Phương pháp ấy, dĩ nhiên không thể chỉ nhờ vào việc đứng trước bàn Phật mà tụng kinh hay đảnh lễ một ngày vài thời, mà đòi hỏi chúng ta phải quán chiếu, chiêm nghiệm một cách tinh cần, mọi nơi, mọi lúc. Mặt khác, sự quán chiếu cần phải có sự chỉ dẫn. Kinh Bát đại nhân giác là một bản chỉ dẫn ngắn gọn, nhưng rõ ràng và đầy đủ nhất.

Trong lời mở đầu này, tác giả giới thiệu: Tám điều giác ngộ của Bậc Đại Nhân. Chữ đại nhân ở đây chính là chỉ cho những bậc đã giác ngộ, tức những thánh giả A-la-hán, chư vị Bồ-tát, chư Phật. Và như vậy, lời giới thiệu này phải được hiểu chính xác là: Tám điều này chính là con đường, là nguyên tắc, là phương pháp tu tập, quán chiếu để đưa một người chưa giác ngộ trở thành giác ngộ, đưa một người từ địa vị phàm phu lên địa vị Đại nhân, lên địa vị Bồ-tát, địa vị Phật. Như vậy, nói Tám Điều Giác Ngộ Của Bậc Đại Nhân, chính là nói các ngài đã nhờ quán niệm tám điều này mà đạt được giác ngộ.

3. Kết luận

Những ai tự xem mình là Phật tử thì phải ngày đêm tụng niệm và quán chiếu tám điều mà chư Thánh, chư vị Bồ-tát, chư Phật nhờ đó mà thành tựu quả vị, để xứng danh là Phật tử, và cũng nhờ vậy mà thành tựu quả vị như các ngài.

Thích Nguyên Hùng