Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài 2

http://files.chungta.com/Image.ashx/image=pjpeg/d8770410eeae44859f9385699c38254e-Hoa%20sen.jpg/Hoa%20sen.jpg

ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ NHẤT

1, Chánh văn

弟 一 覺 悟 Đệ nhất giác ngộ
世 间 無 常 Thế gian vô thường
國 土 危 脆 Quốc độ nguy thuý
四 大 苦 空 Tứ đại khổ không
五 陰 無 我 Ngũ ấm vô ngã
生 滅 變 異 Sanh diệt biến dị
虛 僞 無 主 Hư nguỵ vô chủ
心 是 惡 源 Tâm thị ác nguyên
形 爲 罪 藪 Hình vi tội tẩu
如 是 觀 察 Như thị quán sát
漸 離 生 死 Tiệm ly sanh tử.

2, Dịch nghĩa:

Thứ nhất giác ngộ:
Thế gian vô thường
Quốc độ không bền
Bốn đại khổ, không
Năm uẩn vô ngã
Sanh diệt đổi khác
Giả dối không thật
Tâm là nguồn ác
Thân là rừng tội
Quán thấy như vậy
Xa dần sinh tử.


3, Giải thích:

Căn cứ vào nội dung của điều giác ngộ thứ nhất này, thì đây chính là sự trình bày nhận thức về thế giới và con người của đạo Phật. Nói cách khác, là trình bày về nhân sinh quan và thế giới quan của Phật giáo. Những ai tự xưng mình là Phật tử thì trước hết phải có được nhận thức này. Mặt khác, chúng ta cũng nhận ra rằng, ở điều giác ngộ thứ nhất đã trình bày một phương pháp hành trì tu tập, một pháp môn tu, rất căn bản, mà chúng ta có thể tìm thấy ở bất kỳ truyền thống nào, Nam hay Bắc tông, Thiền hay Tịnh, đó chính là tu Quán tứ niệm xứ.

Tứ niệm xứ là bốn lĩnh vực quán niệm, bốn đối tượng quán niệm, đó là thân thể, cảm thọ, tâm ý, và các pháp. Quán niệm có nghĩa là nhìn sâu vào bản chất của đối tượng, nhìn sâu đến mức độ đối tượng và chủ thể quán niệm là một, gọi là tâm cảnh nhất như.
Đối tượng quán niệm thứ nhất mà Bát đại nhân giác giới thiệu chính là thế giới hiện tượng, tức là vũ trụ, thế giới này, trong đó có đời sống của con người. Nói cách khác, là đời sống con người và hoàn cảnh mà con người đang sống. Sự quán chiếu này nhằm mục đích thấy được tính chất vô thường của đối tượng:

Cuộc đời vô thường
Vũ trụ mong manh


Vô thường có nghĩa là không có gì tồn tại mãi mãi, luôn luôn thay đổi. Mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ vạn hữu, từ thân thể, tâm lý, tình cảm, tài sản, của cải, danh vọng, địa vị, cho đến thế giới muôn trùng… đều chuyển biến, thay đổi không dừng, không có gì bền chắc, tồn tại mãi mãi. Đó là một sự thật. Sự thật về thế giới và con người là vô thường và vô ngã mà chúng ta cứ cho là thường hằng và hữu ngã. Đó là một nhận thức sai lầm. Và chính nhận thức này làm phát sinh những tâm lý tham đắm, chấp thủ cuộc đời, rằng cái này là ta, là của ta… và từ đó đã đưa chúng ta đến những nẻo đường của khổ đau, chìm đắm trong biển phiền não với những tham lam, sân hận, kiêu căng, hoài nghi, lo toan, sợ hãi…

Vì vậy, điều giác ngộ thứ nhất là củng cố lại nhận thức của mình về thế giới và con người. Mặc dù sự thật về thế giới và con người là vô thường, nhưng muốn có được nhận thức chánh kiến đó, đòi hỏi chúng ta phải quán chiếu. Tức là phải nhìn thật sâu vào lòng sự vật hiện tượng, nhìn một cách thật sâu sắc. Nhìn như vậy, quán chiếu như vậy, chúng ta sẽ thoát ly được những trói buộc của cuộc đời, chúng ta sẽ đạt được trạng thái định tĩnh, khinh an, không phiền não, lo toan, sầu muộn. Đó là cái nhìn giải thoát, tự do.
Nên nhớ, vô thường không phải là yếu tố gây khổ đau, mà khổ đau là do chúng ta không chấp nhận sự thật này.

Đối tượng quán niệm thứ hai là bốn đại và năm uẩn, tức là quán chiếu về bản chất của con người. Quán chiếu bốn đại và năm uẩn là để thấy được tính chất vô ngã của chúng. Bốn đại là bốn yếu tố đất, nước, gió và lửa. Theo triết học Ấn độ cổ đại thì bốn yếu tố này đã cấu thành tất cả hình thể vật chất, tức tất cả mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ đều do bốn yếu tố này tạo nên, kể cả con người. Thế nhưng, bản chất của chúng là:

Bốn đại khổ, không
Năm uẩn vô ngã
Sanh diệt đổi khác
Giả dối, không thật


Thật vậy, nhìn kỹ chúng ta sẽ thấy rằng mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ này, từ vật lớn như đại địa sơn hà, vật nhỏ như cây kim ngọn cỏ, động vật bậc cao như con người, cho đến những động vật nhỏ nhiệm khác như côn trùng, vi khuẩn… không có sự vật hiện tượng nào là không được cấu thành từ bốn yếu tố đất, nước, gió và lửa. Nói tất cả đều được cấu thành từ bốn đại, điều đó có nghĩa là mọi sự vật hiện tượng, không có vật thể nào tự nó sinh ra, mà chúng được sinh ra từ nhiều yếu tố, nghĩa là chúng hiện hữu do duyên. Vì do duyên mà có mặt, nên gọi là vô ngã, là trống rỗng.

Trong con người, bốn đại là những yếu tố vật chất đã tạo nên thân thể. Những phần cứng trong cơ thể như xương thịt… là yếu đố của địa đại; hơi ấm, nhiệt độ trong cơ thể là yếu tố của hỏa đại; những chất lỏng như máu, nước mắt… là yếu tố của thủy đại; những thể khí trong cơ thể như hơi thở… là yếu tố của phong đại. Khi bốn yếu tố này hòa hợp cân bằng thì thân thể chúng ta khỏe mạnh; nếu một trong bốn yếu tố mất cân bằng thì thân thể chúng ta trở nên bệnh tật, khó chịu. Như vậy, rõ ràng trong bốn đại không có cái gì gọi ta hay của ta hết, và chúng luôn luôn thay đổi, mất cân bằng, tức chúng rất vô thường.

Quán chiếu bốn đại tức là quán chiếu yếu tố sắc uẩn trong năm uẩn. Năm uẩn là một tổ hợp gồm sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Đối với chúng sanh ở các cảnh giới như Người, Súc sanh thì yếu tố sắc uẩn chính là bốn đại, tức những yếu tố vật chất ở dạng thô có thể thấy được. Còn đối với chúng sanh ở các cảnh giới khác như Trời, A-tu-la, Ngạ quỉ, và chúng sanh ở Địa ngục thì yếu tố sắc uẩn rất vi tế, cấu trúc thân thể ở dạng tinh tế, mắt thường của chúng ta không thể thấy được, chỉ có Phật nhãn mới thấy rõ tất cả các hình thức sắc thái của tất cả chúng sanh trong ba cõi. Ở đây, năm uẩn được quán chiếu chính là năm uẩn tạo nên con người. Thực chất, năm uẩn cũng không có ngã và cũng biến đổi không dừng, như chúng ta đã thấy khi quán chiếu về yếu tố sắc uẩn. Sắc uẩn đã như vậy, mà các yếu tố tâm lý khác như thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

- Thọ uẩn: Đây là một nhóm cảm giác, còn gọi là cảm thọ. Con người có rất nhiều loại cảm giác, nhưng khái quát, theo Duy thức học, có ba loại chính: cảm giác khổ đau, phiền muộn (khổ thọ), cảm giác hạnh phúc, vui tươi (lạc thọ), và cảm giác không buồn, không vui (xả thọ). Khi một cảm giác phát sinh nó phải có nguyên do. Không bao giờ có chuyện chúng ta vui hay buồn vô cớ. Vui luôn luôn là vui về một cái gì. Chẳng hạn, ta vui vì được nhiều người yêu mến, ta vui vì ta làm một công việc nào đó được thành công… Tóm lại, niềm vui, niềm hạnh phúc có thể đến với ta từ vật chất như được mùa, được ăn ngon, mặc đẹp… Có thể đến với ta từ tâm lý như nghe một bài hát hay, xem một cuốn sách hay… Như vậy, rõ ràng một cảm giác hay cảm thọ mà chúng ta đang có luôn luôn tùy thuộc vào những yếu tố nhân duyên đã tạo ra nó. Nhìn sâu vào bản chất của cảm thọ, chúng ta thấy chúng không có thực, không có chủ thể, vì tất cả mọi cảm giác vui, buồn đều tùy thuộc vào những yếu tố nhân duyên khác nhau.

- Tưởng uẩn: Tâm lý học hiện đại gọi là nhóm tri giác, chỉ cho động tác của trí năng trên ảnh tượng thu nhận được. Nghĩa là, khi các giác quan tiếp xúc với ngoại cảnh, nhóm tri giác này thu nhận, suy tư, duy trì, ghi nhớ và cấu thành khái niệm. Nói cách khác, tưởng uẩn là nơi tập trung những đối tượng và khái niệm hóa các đối tượng này thành những nhận thức.

Như vậy, sẽ không có khái niệm, nhận thức nếu không có tưởng uẩn. Nhưng tưởng uẩn sẽ không cấu thành được khái niệm khi không có đối tượng và các giác quan. Đồng thời, sự cấu thành khái niệm và nhận thức còn phụ thuộc vào nhiều yếu khác nhau như điều kiện văn hoá, xã hội, chính trị, kinh tế… Nghĩa là, không có một cái tưởng tồn tại độc lập, tất cả đều tuỳ thuộc vào nhân duyên, và luôn thay đổi.

- Hành uẩn: nhóm tạo tác hay thúc đẩy tạo tác, là một loại ý chí, chủ tâm, tính toán thúc đẩy hành động. Nói cách khác, hành uẩn là những hoạt động có ý chí, những tâm lý phát sinh động lực đưa đến tham dục, sân hận, ước muốn, tình yêu… Nó chính là thủ phạm tạo nghiệp ác và đưa đến luân hồi. Tuy nhiên, những hiện tượng tâm lý này luôn luôn thay đổi, nó tùy thuộc vào điều kiện văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, thời gian, không gian… nơi diễn ra sự tiếp xúc giữa sáu giác quan với sáu đối tượng. Do đó, nó cùng những hiện tượng tâm lý khác không thật, vô thường, và vô ngã.

- Thức uẩn: khả năng phân biệt, gồm có nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, và ý thức. Trong kinh Tương Ưng III, định nghĩa: “Thức được gọi tên tùy theo điều kiện nhờ đó mà nó sinh khởi. Chẳng hạn, nhờ con mắt và đối tượng của con mắt mà thức phát sinh, gọi là nhãn thức…” (tương tự các thức khác); “Thức tồn tại nhờ sắc… nhờ thọ… nhờ hành…”. Điều đó chứng tỏ thức không thể tồn tại độc lập mà nó đòi hỏi phải có những yếu tố nhân duyên khác, và như vậy, nó vô ngã.

Sự quán chiếu về bốn đại và năm uẩn như trên đã cho chúng ta thấy rõ sự thật về nó, thấy được bản chất của nó, đó là sự thật trống rỗng, vô ngã trong tất cả bốn đại và năm uẩn. Sự thấy biết này đã đánh đổ ý niệm về một cái tôi, cái của tôi và chính sự nhận thức này đã đưa chúng ta ra khỏi vòng luẩn quẩn của sự tham đắm, chấp thủ, luyến ái về thân thể và tài sản. Đó được gọi là giải thoát, dù là sự khởi đầu.

Đối tượng quán chiếu tiếp theo là đi vào khía cạnh bất thiện của thân và tâm.

Tâm thị ác nguyên
Hình vi tội tẩu


Thân là hợp thể của tứ đại, tức là yếu tố sắc uẩn; tâm là các yếu tố tâm lý gồm có thọ, tưởng, hành và thức như chúng ta vừa tìm hiểu ở trên. Cả hai, thân và tâm, đều không thể tách rời nhau, cả hai cùng nương nhau mà tồn tại để được gọi là con người. Trong đó, tâm là yếu tố quyết định đời sống con người sang hèn, đẹp xấu…; là yếu tố duy nhất đưa đến sự biểu hiện sáu hình thức sống: trời, người, a-tu-la, địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh.

Kinh văn nói: “Tâm là nguồn gốc của mọi điều ác và thân là nơi chứa nhóm các điều tội lỗi”. Thực chất, tâm không chỉ là nguồn gốc của mọi điều ác, mà mọi điều thiện cũng từ tâm mà sanh. Thiện ác là hai mặt của tâm thức. “Nếu đem tâm nhiễm ô để nói năng hay hành động thì kết quả khổ đau đi theo như bánh xe lăn theo con vật kéo xe… Nếu đem tâm thanh tịnh để nói năng hay hành động thì kết quả hạnh phúc đi theo như bóng theo hình. Cho nên, trong tất cả các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác tất cả”. Do đó, thành Phật cũng từ tâm này, mà thành chúng sanh cũng từ tâm này mà ra. Ở đây, Ngài An Thế Cao chỉ đề cập đến mặt tiêu cực của tâm, tức chỉ nói đến khía cạnh bất thiện của tâm để chúng ta cảnh giác đề phòng, và để thấy được trách nhiệm của chính bản thân mình đối với những khổ đau đang hiện hữu là kết quả của những tâm ý bất thiện.

Tâm là nguồn gốc của mọi điều ác và đồng thời cũng là cội nguồn của mọi điều phước thiện, do đó, trong mọi cử chỉ, hành động, nói năng, suy nghĩ chúng ta hãy nắm lấy tâm này để hướng mọi ý niệm, hành động, lời nói đến những điều thiện, đến lộ trình giác ngộ giải thoát, tạo hạnh phúc cho bản thân mình và tha nhân.

“Thân thể là nơi tập hợp mọi điều tội lỗi”. Thực chất, thân không có khả năng tập hợp hay chứa nhóm, bởi vì nó chỉ là một tập hợp những yếu tố vật lý. Những yếu tố vật lý này tồn tại được đòi hỏi phải đáp ứng những nhu cầu theo những quy luật tồn tại riêng của nó. Ví dụ như phải cung cấp chất dinh dưỡng và những khoáng chất cần thiết để nuôi sống cơ thể. Nhưng một khi cơ thể muốn ăn ngon, mặc đẹp,.. rõ ràng động cơ thúc đẩy không phải từ cơ thể mà là từ tâm ý, từ ý chí tham muốn của con người. Tuy nhiên, thân thể chính là nơi tập trung những kích thích tham muốn của con người nhiều nhất, như ăn, mặc, ngủ, nghỉ, thoả mãn sinh lý, dục vọng … Nếu không nhận thức được đâu là những nhu cầu cần thiết để duy trì sự tồn tại của thân thể, và là một thân thể lành mạnh, để sử dụng nó như một phương tiện tu tập, hành đạo và giúp đỡ mọi người, thì ngược lại, chính thân thể này là nơi cất chứa những điều tội lỗi. Chẳng hạn, một điều tội lỗi lớn nhất mà chúng ta chưa bao giờ ý thức được: Thân thể chính là cái nghĩa địa chôn vùi không biết bao nhiêu sinh linh: cá, vịt, heo, gà…

Khi chúng ta mang bệnh, thân thể của chúng ta đau nhức, nhất là những bệnh nan y, làm cho thân thể chúng ta đau đớn, khốn khổ vô cùng, chúng ta than thân trách phận, thậm chí oán hận đất trời, giận luôn cả người thân... chỉ vì ta không chịu nỗi cơn đau. Nhưng khi chúng ta khoẻ mạnh, để thoả mãn những nhu cầu của cơ thể, để khoái khẩu, để thoả cái chí ‘vật dưỡng nhân, nhân dưỡng vật’... chúng ta đã đập đầu, cắt cổ, nhổ lông, rồi chiên, rồi luộc, rồi ăn... chúng ta có nghĩ đến những nỗi khổ đau của chúng sanh bị giết hay không? Chính cái cách ăn uống của chúng ta là nguyên nhân của mọi bệnh tật, ốm đau, tai nạn, thiên tai, chiến tranh...

Quán chiếu như vậy, từ từ sẽ xa lìa sanh tử. Nguyên nhân của sanh tử là tham ái và chấp thủ. Mà tham ái và chấp thủ là do nhận thức sai lầm về thế giới và con người (vô minh). Sự quán chiếu các lĩnh vực vừa trình bày trên là nhằm mục đích thấy được bản chất của nó: Tất cả mọi sự mọi vật đều nương vào nhau mà có mặt, tồn tại và hoại diệt. Cái này có vì cái kia có, cái này sanh vì cái kia sanh, cái này diệt vì cái kia diệt; vạn vật trong vũ trụ vạn hữu đều nắm tay nhau mà ra đời. Trong bản chất của nó, không có vật gì giữ được tính cách đồng nhất (ngã), bất biến. Mọi sự vật hiện tượng đều theo quy luật vận hành và biến đổi trong từng phút từng giây, cho nên gọi là vô thường, tên gọi khác của vô ngã, và cũng gọi là không. Ý niệm về không trong đạo Phật được triển khai từ giáo lý vô ngã. Và đây là vấn đề dễ bị ngộ nhận nhiều nhất. Không (sunyata) có nghĩa là sự trống rỗng, sự vắng mặt của tính cách đồng nhất trong lòng sự vật, chứ không phải là sự vắng mặt sự vật như người ta vẫn hiểu một cách sai lầm. Không là không một sự một vật nào có ngã tính, có tính cách tồn tại biệt lập ngoài sự vật khác. Đó là nhận thức chánh kiến. Nhận thức này có tác dụng chấm dứt lòng tham ái và chấp thủ, tức là cắt đứt nguyên do của sanh tử luân hồi.

4. Kết luận:

Điều giác ngộ thứ nhất giới thiệu một phương pháp hành trì tu tập căn bản của Phật giáo, đó là quán chiếu về bốn lãnh vực thân thể, cảm thọ, tâm ý và các pháp. Sự quán chiếu này nhằm mục đích đưa đến nhận thức đúng đắn về bản chất của thế giới và con người, hay nói cách khác là để thấy rõ pháp ấn: Vô thường, khổ, không và vô ngã trong cuộc đời này. Đó là một nhận thức chánh kiến, có năng lực đưa con người thoát khỏi mọi khổ đau hệ lụy của kiếp người.

Thích Nguyên Hùng