Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài 3

http://d.violet.vn/uploads/resources/583/thumbnails2/0.HoaSen.jpg.jpg

ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ HAI
(THƯỜNG TU THIỂU DỤC)

1. Chánh văn:

弟 二 覺 知 Đệ nhị giác tri
多 欲 爲 苦 Đa dục vi khổ
生 死 疲 勞 Sinh tử bì lao
從 貪 欲 起 Tùng tham dục khởi
少 欲 無 爲 Thiểu dục vô vi
身 心 自 在 Thân tâm tự tại.

2. Dịch nghĩa:
Thứ hai biết rằng:
Tham muốn càng nhiều
Càng thêm đau khổ
Sống chết nhọc nhằn
Đều từ tham dục.
Nếu như ít muốn
Sống đời vô vi
Thân tâm tự tại.


3. Giải thích:

Điều giác ngộ thứ hai cho chúng ta biết những nỗi khổ đau của con người là do lòng tham dục. Lòng tham dục càng lớn thì khổ đau càng nhiều.

Thật ra, theo nhận thức thường tình, những điều mà chúng ta tham muốn phải là những điều chúng ta ưa thích, chúng ta cảm nhận có hạnh phúc chứ không phải là những điều khổ đau. Không ai lại tham muốn những điều gây khổ đau cho mình. Hạnh phúc luôn là mục đích, là đối tượng của mọi sự tham muốn, và ngược lại, khổ đau không bao giờ là đối tượng của sự tham muốn.

Thật vậy, hạnh phúc luôn là đối tượng, là mục đích của mọi sự tham muốn, tìm cầu. Ví như, ai cũng muốn có nhà cao cửa rộng, vợ đẹp con ngoan, tiền tài danh lợi, địa vị quyền lực, ai cũng muốn ăn ngon, ngũ nhiều. Nói chung có 5 đối tượng của sự tham muốn là tài, sắc, danh, thực, thuỳ. Đó là những gì chúng sinh cho là hạnh phúc. Và để đạt được mục đích đó, con người ta đã phải bỏ ra biết bao nhiêu thời gian, sức lực của cả cuộc đời mình để đấu tranh, để tranh giành, có khi phải đổ máu, rơi lệ… như vậy không phải là khổ đau lắm sao? Nhưng một khi đã có được những điều mình mong muốn rồi lại phải lo gìn giữ, sợ bị tổn thất, cướp đoạt, nên lại phải sống trong lo toan, sợ hãi. Khổ đau là một kinh nghiệm mà tất cả chúng ta ai cũng hơn một lần kinh qua. Có người khổ đau vì mất người thân, phải xa người mình yêu thương, sống trong cảnh chia ly (ái biệt ly), có người khổ đau vì phải sống chung với kẻ thù (oán tắng hội), có người khổ đau vì mưu toan, tính toán cả đời mà không được (cầu bất đắc),... nói chung là một chuỗi dài của những khổ đau sinh, lão, bệnh, tử… tiếp nối không dừng trong cuộc đời người. Nhưng nỗi đau khổ lớn nhất, dằn vặt nhất, nhọc nhằn nhất của kiếp người là phải chịu trôi lăn trong sinh tử luân hồi không biết bao giờ ra khỏi.

Tất cả những nỗi khổ đau ấy đều có cùng một nguyên do, đó chính là lòng tham dục. Tham dục, tiếng Phạm là lobha, hay rāga, tức là chỉ cho cái tâm tham muốn, nhưng đôi khi nó đồng nghĩa với chữ tṛṣṇā, có nghĩa là khát ái, là cái tâm khát khao mong cầu, luôn luôn làm cho thân và tâm nóng bỏng, bức rứt, thèm khát, bất an... như trạng thái một người khát nước giữa trưa hè, luôn mong ước, khát khao có một thứ gì đó để uống cho đã khát. Chỉ với cái tâm lý khát khao đó thôi cũng đủ làm cho mình khổ rồi. Không phải mình thiếu thốn của cải vật chật nên mình đau khổ, mà do cái tâm lý không thoả mãn, không biết dừng lại, chỉ một mực mong cầu, tham muốn có thêm, có cái khác... khiến cho mình đau khổ. Càng tham muốn nhiều, chấp thủ nhiều thì đau khổ càng nhiều. Kinh Pháp Hoa nói rằng: "Mọi nguyên nhân của khổ đau đều lấy tham dục làm gốc". Thật đúng như vậy!

Vậy làm thế nào để chấm dứt khổ đau? Cẩn phải:

Thiểu dục vô vi
Thân tâm tự tại


Muốn có cuộc sống thân tâm tự tại, an lạc, hạnh phúc thì hãy ít tham muốn một chút và đừng làm những điều bất thiện. Chữ ‘vô vi’ ở đây có nghĩa là thực tập đời sống vô ngã, nhưng cũng có thể hiểu là không tạo tác nghiệp bất thiện. Thật đơn giản! Nhưng không phải ai cũng làm được. Kinh dạy ít tham muốn chứ không phải đừng tham muốn. Vì sao? Nguyên do chính của khổ đau là tham dục, vậy muốn chấm dứt khổ đau phải đoạn dục, hay tuyệt dục mới hết khổ đau, tại sao ở đây chỉ nói ít dục mà thôi? Dục là bản chất của con người, của mọi loại chúng sinh. Cõi Ta bà là cõi dục. Nghĩa là vì tham dục mà chúng sinh hiện hữu ở cõi này, nếu không tham dục, chắc hẳn chúng ta đã hiện hữu ở cõi khác. Vì vậy, đoạn dục hay tuyệt dục thật không dễ dàng. Cho nên, chúng ta chỉ cần biết ít tham dục một chút thôi cũng đã chuyển hoá được nhiều khổ đau cho mình và cho người rồi. Điều quan trọng hơn hết là chúng ta phải hiểu cho được bản chất của dục, để có thể chuyển hoá năng lượng tham dục này theo chiều hướng thiện. Cùng một bản chất dục, nhưng nếu dục tham, sân, si thì sẽ đưa chúng ta vào những nẻo đường của khổ đau, sinh tử luân hồi; ngược lại, cũng dục, nhưng dục vô tham, vô sân, vô si thì chúng ta đang đi trên con đường hướng đến giác ngộ, vị tha, vô ngã. Chẳng hạn, cũng tham muốn, nhưng tham muốn tụng kinh, niệm Phật, nghiên cứu giáo lý, làm việc từ thiện… thì kết quả sẽ khác hẳn với những tham muốn xem phim, hút thuốc, nói chuyện thị phi…
Trong Trung bộ I, kinh Dài Khổ Uẩn, đức Phật dạy, muốn ít dục hay muốn thoát ly khỏi dục, muốn đoạn dục, chúng ta phải như thật liễu tri về nó. Thế nào là như thật liễu tri về dục? Là hiểu được ba khía cạnh của nó: vị ngọt, vị đắng (đồng nghĩa với nguy hiểm) và sự xuất ly (thoát khỏi sự chi phối của dục).

- Vị ngọt của dục: Đối tượng của lòng dục là sắc, thanh, hương, vị và xúc khả ái, khả hỷ, khả lạc. Nghĩa là gì? Nghĩa là tất cả những hình sắc, âm thanh, mùi thơm, hương vị và sự xúc chạm nào có thể đưa đến sự yêu thương, sự cảm mến và tạo nên niềm vui, niềm hạnh phúc thì ta tham muốn. Sự yêu mến, ưa thích, vui vẻ khởi lên từ đối tượng dục gọi là vị ngọt của đối tượng. Đối tượng không đem đến vị ngọt này thì không ai tham muốn cả.

- Nguy hiểm của dục: Để thoả mãn lòng ham muốn vị ngọt của các sắc pháp - tức những sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp - con người dấn thân vào các sinh kế để tồn tại và phát triển, dấn thân vào đường danh lợi, vào sự nghiệp, chịu đựng sự bức ép, quấy nhiễu của thời tiết, của cường quyền, của bệnh tật, lo sợ mất mát các sở hữu v.v… mà đi vào thế cạnh tranh, đấu tranh, chiến tranh, là đi vào các nguy hiểm dẫn đến tử vong, bất chấp nhân nghĩa… Đây là khía cạnh nguy hiểm của dục. Tiềm ẩn bên trong đối tượng của dục là sự vô thường, là cái vẻ đẹp, cái vị ngọt giả dối bên ngoài, như vị ngọt trên đầu lưỡi dao bén.

- Sự xuất ly của dục: Là sự chế ngự lòng ham muốn, tham ái; là sự loại bỏ lòng ham muốn.

Hiểu rõ được ba khía cạnh trên của lòng dục thì con người mới thực sự hiểu rõ về dục. Một khi đã hiểu rõ về dục thì chúng ta đã có thể làm chủ được những tham muốn của mình, điều chế được tâm ý mình, không để cho nó phóng túng vào những ham muốn thấp hèn.

Chẳng hạn, nhan sắc mỹ diệu của người khác phái, như sắc của người nam đối với người nữ, sắc của người nữ đối với người nam, là vị ngọt của sắc pháp. Nhưng nhan sắc này sẽ bị bệnh tật, lão hoá, vô thường phá hoại, tử vong. Đó là sự nguy hiểm của sắc pháp. Cho nên, chúng ta phải chế ngự lòng dục đối với sắc pháp, không để nó chi phối đời sống của chúng ta, đó là sự xuất ly khỏi sắc pháp.

Đối với các cảm thọ cũng như vậy.

4. Kết luận:

Tham muốn nhiều thì khổ đau nhiều, đó là một sự thật mà ai cũng đã có kinh nghiệm. Những tham muốn như tài sản, danh vị, quyền lực… là nguồn gốc của khổ đau, chính vì vậy mà đức Phật đã từ bỏ ngai vàng, điện ngọc, những thứ không cần phải mưu cầu mà ngài đã có, điều ấy càng chứng thực hạnh phúc chân thật không nằm ở ngũ dục. Hạnh phúc chân thật nằm ở trạng thái tâm ly dục, ly bất thiện pháp.

Ở ngôi vị như đức Phật mà ngài còn từ bỏ, thì hôm nay, những người xuất gia như chúng ta lại theo đuổi những những phù hoa, danh lợi thấp hèn của cuộc đời sao?

Thích Nguyên Hùng