Kinh Bát Đại Nhân Giác - Bài 5

http://myphamz9.com/images/youknow/sentrang.png

ĐIỀU GIÁC NGỘ THỨ TƯ
(THƯỜNG HÀNH TINH TẤN)

1. Chánh văn:

弟 四 覺 知 Đệ tứ giác tri
懈 怠 墮 落 Giải đãi đoạ lạc
常 行 精 進 Thường hành tinh tấn
破 煩 惱 惡 Phá phiền não ác
崔 伏 四 魔 Tồi phục tứ ma
出 陰 界 獄 Xuất ấm giới ngục.

2. Dịch nghĩa:

Thứ tư biết rằng:
Lười biếng hư hỏng.
Thường tu tinh tiến
Phá các phiền não
Dẹp hết bốn ma
Thoát ngục ấm, giới.

3. Giải thích:

Giải đãi là lười biếng. Lười biếng trong nhà Phật có nghĩa là không siêng năng làm điều thiện, hoặc làm nhưng không đến nơi đến chốn, làm nửa vời… Đoạ lạc là rơi xuống chỗ thấp kém, hèn hạ của phàm phu, rơi xuống những nẻo đường xấu ác, địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh… Ưa thích khoái lạc, ngủ nghỉ, hay trông cậy vào kẻ khác, không ý thức được đau khổ của sinh tử luân hồi, đều là nguyên nhân của giải đãi, lười biếng.

Phải biết rằng, những bậc vĩ nhân trên thế giới không phải ai cũng thần đồng, thiên tài, mà phần lớn đều là những người siêng năng, miệt mài, chăm chỉ học hành, biết nhẫn nại, vượt qua khó khăn, thử thách. Ở trong đạo, đức tính siêng năng, tinh tấn đòi hỏi phải hơn thế nữa. Siêng năng, tinh tấn là yếu tố quyết định cho sự thành công hay thất bại. Kết quả tu tập sẽ đạt được nhanh hay chậm đều tuỳ thuộc vào khả năng hành trì của chúng ta nhiều hay ít, siêng năng hay biếng nhác.

Trong ba điều giác ngộ mà chúng ta đã tìm hiểu trước, thì điều giác ngộ thứ nhất cho chúng ta một nhận thức đúng đắn về bản chất của thế giới và con người, điều thứ hai cho chúng ta biết nguồn gốc của khổ đau là tham dục, và điều thứ ba là phương pháp sống không sa hoa, không tiêu cực, giữ mức trung đạo, an trú trong hiện tại (tri túc), lấy trí tuệ làm sự nghiệp. Ba điều ấy là những vốn liếng, những tư lương căn bản cho chúng ta lên đường tìm về bảo sở. Và đến điều thứ tư này, cảnh giác cho chúng ta biết rằng, đối với ba điều giác ngộ trước đó có giá trị hay không, có giúp ích gì cho đời sống của chúng ta hay không, đều tuỳ thuộc vào chính bản thân mình có dấn thân hành trì hay không, đặc biệt nhấn mạnh sự dấn thân thực hiện mục đích, lý tưởng giác ngộ giải thoát đòi hỏi phải thường xuyên nỗ lực, tinh tấn, nếu không sẽ chẳng có kết quả gì.

Siêng năng tinh tấn trong nhà Phật có bốn phương diện, gọi là Tứ chánh cần hay Tứ ý đoạn:

- Một là cần cù tinh tấn để đoạn trừ những điều xấu ác đã sinh, không cho nó phát triển.

- Hai là cần cù tinh tấn đoạn trừ điều ác chưa sinh, tức những ý niệm ác đang còn ẩn nấp bên trong tiềm thức, dưới dạng chủng tử, khiến cho nó không được phát triển.

- Ba là nỗ lực tinh tấn để phát huy, khơi dậy những điều thiện, những đức tính tốt, những hạt giống tốt chưa được biểu hiện, làm cho nó biểu hiện.

- Bốn là nỗ lực tinh tấn làm cho những điều thiện, những đức tính tốt, những hạt giống tốt đã phát triển càng thêm phát triển, mỗi ngày một thêm lớn mạnh. Điều thiện ở đây được hiểu là các pháp đưa đến giải thoát khổ đau, như mười điều thiện, như vô tham, vô sân, vô si…

Trong kinh Tương ưng V, đức Phật dạy: “Như sông Hằng chảy xuôi về phương Đông, Tứ chánh cần được tu tập sung mãn xuôi về Niết bàn”. Ở một đoạn khác, đức Phật dạy: “Để thắng tri, đoạn diệt, đoạn tận năm thượng phần kiết sử, Tứ chánh cần cần phải được tu tập”. Rồi đức Phật kết luận: “Như làm việc cần phải có sức lực, như đi phải có hai chân, hành giả trên đường về giải thoát luôn luôn tu tập Tứ chánh cần để hoàn bị thiện pháp”.
Rõ ràng, đức Phật đã khẳng định tinh tấn là yếu tố rất quan trọng trên bước đường tu tập và hành đạo. Người xuất gia như những chiến sĩ ra trận, cầm gương báu trí tuệ xông pha chiến trường khổ đau sinh tử để giết giặc phiền não, si mê, tham lam, sân hận. Nếu không có đủ nghị lực, không nỗ lực tinh tấn, sẽ bị giặc phiền não đánh gục. Sự siêng năng tu tập của những người con Phật là để phá phiền não ác, nhiếp phục bốn loài ma, để vượt ra ba cõi. Đó gọi là Chánh tinh tấn. Còn mọi nỗ lực khác, vì một yếu tố gì đó, chẳng hạn như siêng năng tụng kinh để cầu phước, để người ta cúng dường… thì đó không phải là sự tinh tấn chân chính. Cho nên, tinh tấn là một năng lực tổng hợp của sự hiểu biết, ước muốn giải thoát và chánh niệm tỉnh giác. Nếu rời ba tính chất này thì sự siêng năng tinh tấn có thể rất nguy hiểm. Bát Đại Nhân Giác đưa ra những mục tiêu để nỗ lực tinh tấn là:

- Tinh tấn Phá phiền não ác. Có nghĩa là phá bỏ những tâm lý bất thiện. Những tâm lý
này gồm có:

1. Căn bản phiền não: Tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến. Đây là cái gốc sinh ra tất cả các loại phiền não khác nên gọi là căn bản phiền não, hay còn gọi là thuộc bản năng tiềm ẩn.

2. Tuỳ phiền não: Là những phiền não phát sinh từ những căn bản phiền não, bao gồm:

+ Tiểu tuỳ phiền não: Gồm phẫn (cáu), hận (ấp ủ mãi sự tức giận trong lòng), phú (che dấu tội lỗi), não (buồn bực), tật (ganh ghét), khan (bỏn xẻn, keo kiệt), cuống (lừa dối), xiểm (nịnh hót), hại (hãm hại) và kiêu (kiêu ngạo).

+ Trung tuỳ phiền não: Gồm vô tàm (không biết xấu), vô quý (không biết thẹn).

+ Đại tuỳ phiền não: Gồm trạo cử (thân, tâm xao động chẳng yên), hôn trầm (buồn ngủ, rũ rượi), bất tín (không có niềm tin), giải đãi (lười biếng), phóng dật (buông lung), thất niệm (không nhớ), tán loạn và bất chính tri (không hiểu biết đúng đắn).

Nguyên nhân phát sinh những phiền não này là do vô minh và tâm lý chấp ngã. Do đó, phá giặc phiền não tận gốc rễ là phải nhổ sạch vô minh và tâm lý chấp ngã.

- Tinh tấn nhiếp phục bốn loài ma. Ma ở đây có nghĩa là tất cả những gì làm chướng ngại sự tu tập. Cụ thể:

+ Ma phiền não: Tức chính là những tên giặc phiền não vừa nói ở trên. Vì những tên giặc này - như tham, sân, si – nó tiềm ẩn bên trong tâm thức, chập chờn ẩn hiện như những bóng ma. Khi chúng hiện hữu có thể làm não hại thân tâm, khiến cho cuộc sống ngột ngạt, khổ đau, rối loạn và làm tiêu tan các pháp lành. Trong mỗi con người không có tu tập, không biết chuyển hoá, đều đang nuôi dưỡng những con ma này.

+ Ma ngũ ấm. Sắc, thọ, tưởng, hành, thức là những yếu tố duyên sinh tạo nên chúng sinh trong ba cõi. Nó vốn vô ngã. Nhưng chúng sinh mê mờ, nhận thức sai lầm về nó, cho rằng là ngã, là ngã sở. Do nhận thức này mà chúng sinh bị năm ấm trói buộc, khiến cho đau khổ, sinh tử luân hồi. Chẳng hạn, do chấp thủ sai lầm về thân thể, cho thân thể giả tạm này là ta, nên bị các nhu cầu về ăn mặc, ngủ nghỉ, hưởng thụ của thân thể chi phối, lôi cuốn mà tạo ra các điều tội lỗi. Đối với các thọ, tưởng, hành, thức cũng như vậy.

Trong Phật giáo, khi nói đến con người là nói con người của năm uẩn, ngoài năm uẩn ra không có gì được gọi là ta hay của ta. Năm uẩn lại thường luôn thay đổi, sinh ra muôn thứ bệnh. Bệnh cũng là một thứ ma, con ma bệnh, nó làm não hại thân tâm, khiến cho chúng ta không thể nào tu học được.

+ Tử ma: Là con ma chết. Vì cái chết cắt đứt, chấm dứt mạng căn của con người, làm mất cơ hội tu tập nên gọi là tử ma. Nói cách khác, tất cả những gì đưa đến chấm dứt sự sống của con người đều gọi là tử ma.

+ Thiên ma: Là ma vương của cõi trời thứ 6 (Đệ lục thiên). Theo Huyền ứng âm nghĩa, quyển 23, thì: “Đây là một loài ma gây chướng ngại cho người tu đạo. Cũng có tên gọi là Sát ngã, vì thường làm những chuyện phóng dật mà tự hại thân. Đó tức là chúa tể của Đệ lục thiên, tên gọi khác là Ba-tuần, có nghĩa là ác ái”. Cũng theo sách này, thì mỗi đức Phật xuất hiện ở đời đều có một loài ma quấy phá lúc sắp giác ngộ. Như thời Phật Ca Diếp thì ma tên là Đầu sư, có nghĩa là ác sân.

- Và tinh tấn để thoát khỏi ngục tù của năm ấm và ba cõi. Năm ấm là hợp thể tạo nên chúng sinh trong ba cõi như đã giải thích trước. Ba cõi là dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Kinh Pháp Hoa nói: “Tam giới bất an, do như hoả trạch”, nghĩa là ba cõi giống như nhà lửa, không một chúng sinh nào ở trong đó mà có được an ổn. Cho nên nói ba cõi là ngục tù, là nơi giam hãm, trói buộc của dục vọng và khát ái. Chúng sinh ở cõi dục thì bị trói buộc bởi dục vọng, của sự tham dục. Như chúng ta, là những kẻ do tham dục mà hiện hữu ở cõi này. Chúng sinh ở cõi sắc thì bị trói buộc bởi các ái nhiễm của thọ lạc vi tế. Chúng sinh ở cõi vô sắc thì bị trói buộc bởi sự ái nhiễm về tưởng. Nói chung, chúng sinh trong ba cõi đều bị tham dục hay khát ái trói buộc và cuốn trôi trong dòng chảy tử sinh luân hồi vô tận. Vì vậy, tinh tấn là một quá trình nỗ lực diệt tận lòng tham dục, tâm khát ái để vượt qua nhà lửa tam giới.

4, Kết luận:

Cuộc đời nói riêng, ba cõi nói chung, được đức Thế tôn ví như dòng bộc lưu, tức là dòng thác dữ. Nghĩa bóng cuả nó là dòng hữu vi, dòng ái, dòng vô minh, chấp thủ hay dòng sinh tử luân hồi. Sinh tử như một dòng thác lũ cuồn cuộn cuốn phăng đi bao kiếp sống của chúng sinh. Chúng sinh ở trong ba cõi chính là ở trong dòng thác dữ ấy. Nếu đứng lại, sẽ bị nhấn chìm, nếu bước tới sẽ bị cuốn trôi. Và vì vậy, để không bị nhấn chìm hay cuốn trôi, chúng ta phải nỗ lực tinh tấn để vượt thoát ra khỏi dòng chảy sinh tử luân hồi, của ngục tù tam giới. Đó là mục đích duy nhất của người xuất gia.

Thích Nguyên Hùng