Phái đoàn Phật Giáo từ Ðức, Úc, Hoa Kỳ, hoằng pháp tại Nam California


ht-thichnhudien
Hòa Thượng Thích Như Ðiển với các số báo Phật Giáo bằng tiếng Ðức phát hành tại Ðức Quốc. (Hình: Nguyên Huy)

WESTMINSTER - Một phái đoàn chư Tăng Ni gồm 11 vị Thượng Tọa, Ðại Ðức và Ni sư đến từ nhiều nơi như Ðức Quốc, Úc Châu và Hoa Kỳ để thực hiện một chương trình hoằng pháp tại nhiều nơi ở Nam California suốt từ ngày 11 đến 16 tháng 5.

Dẫn đầu phái đoàn là Hòa Thượng Thích Như Ðiển đến từ Ðức Quốc. Các thành viên trong phái đoàn gồm Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn (từ Chicago Hoa Kỳ), Thượng Tọa Thích Thông Triết (từ Oklahoma), Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng (từ Úc Châu), Ðại Ðức Thích Hạnh Ðức (từ Minesota), Ðại Ðức Thích Hạnh Tuệ (từ San Diego), Ðại Ðức Thích Thiện Thái, Ðại Ðức Thích Thiện Ðạo, Ðại Ðức Thích Thành Trí và Ni Sư Thích Nữ Minh Huệ. Mục đích của chuyến hoằng pháp này, theoHòa ThượngThích Như Ðiển trưởng đoàn cho biết, là để “củng cố tín tâm, phát triển đạo vàng cũng như để đáp ứng nhu cầu tu học của Phật tử khắp nơi.”
Nội dung của các cuộc hoằng pháp được phái đoàn hoạch định trong các chủ đề Tịnh Ðộ, Luân Hồi và Tái Sinh.
Ðáp một câu hỏi của chúng tôi về ý nghĩa hoằng pháp của phái đoàn tại Nam California và nhiều nơi khác khi tại những nơi này Phật Giáo cũng đã phát triển với chùa chiền thiền viện, tu viện và thường xuyên có những buổi thuyết pháp cho các Phật tử vào cuối tuần tại những nơi này, có gì khác không, Hòa Thượng Thích Như Ðiển đáp rằng, “Sự hoằng pháp không bao giờ đủ. Người Phật tử càng được nghe nhiều các buổi giảng kinh thì kiến văn càng mở rộng. Mỗi lần được nghe giảng từ các Chư Tăng Ni là mỗi lần thấy được cái lạ dù Phật pháp vẫn là một.”
Chúng tôi được biết các vị trong phái đoàn Phật Giáo này phần lớn đều tốt nghiệp các văn bằng lớn ở Hoa Kỳ, Úc hay Âu Châu về Phật pháp cũng như sở học của các vị tại các trường đại học Âu Á này. Các vị cũng đã từng đi nhiều nơi để giảng dạy về Phật pháp.
Với tuổi trẻ được đào luyện trong nền giáo dục mới, trong tinh thần mới nên các buổi giảng pháp của phái đoàn chắc chắn sẽ đem lại nhiều khám phá mới, cái nhìn mới trong những điều mà Ðức Phật đã để lại cho thế gian khi ngài đi giáo hóa khắp nơi. Chẳng hạn như Ðạo Phật là đạo của Từ Bi, Hỉ Xả nhưng từ bi thế nào, hỉ xả làm sao đối với những ma quỷ là những chế độ, con người độc tài, quân phiệt đảng trị luôn lấy cái ác để trị dân. Nếu vì Từ Bi, Hỉ Xả có phải là ta đã đồng lõa với cái ác không. Ðến nghe các buổi giảng pháp của phái đoàn ta sẽ được khai mở thêm về Ðức Từ Bi, Hỉ Xả trong Phật giáo bởi Ðạo không thể tách lìa với Ðời.
Ðược biết, Hòa Thượng Thích Như Ðiển là một nhà tu hành luôn sống trong lòng cộng đồng người Việt ở Ðức Quốc, ở Âu Châu nên đã từng nhiều lần sát cánh cùng cộng đồng người Việt tị nạn Cộng Sản tranh đấu nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam.
Trong câu chuyện với một số phóng viên báo chí Việt ngữ ở Nam California vào chiều hôm Thứ Hai, 10 tháng 5 vừa qua, Hòa Thượng đã vui lòng trả lời nhiều câu hỏi về đạo cũng như về đời. Về Ðạo, Hòa Thượng khẳng định, Chư Tăng Ni hiện có mặt ở hải ngoại hoằng pháp và chấn hưng Phật pháp đều là những thuyền nhân tị nạn Cộng Sản. Nhiều hệ phái đã nẩy sinh trong Phật Giáo không chỉ bây giờ mới có mà có từ trước đây như vụ tranh đấu của Phật Giáo hồi năm 1963, Phật Giáo đã có khối Ấn Quang và khối Vĩnh Nghiêm. Nhưng không vì thế mà Phật Giáo chia rẽ phân hóa mà lúc nào cũng chung một đường một đạo. Nay cuộc tranh đấu của Hòa Thượng Quảng Ðộ là cuộc tranh đấu chính nghĩa đòi hỏi tự do tôn giáo cho người dân Việt chứ không phải đòi quyền lợi chức vị, lật đổ chính quyền, thì người Phật tử nào cũng thấy là hợp lý mà theo thôi.

Hòa Thượng nói, “Giáo Hội Phật Giáo chúng tôi ở Âu Châu vẫn tuân theo các chỉ đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở trong nước để hỗ trợ cho các cuộc tranh đấu dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo cho Việt Nam.”
Về Ðời, Hòa Thượng Thích Như Ðiển quan niệm rằng mái chùa ở khắp nơi tại hải ngoại là những trung tâm sinh hoạt của cộng đồng mình. Tại những nơi này, chúng ta phải luôn giải thích cho tuổi trẻ hiểu biết tại sao chúng ta lại có mặt ở đây, ở khắp nơi trên thế giới nhất là vào các dịp 30 tháng 4. Cho nên vận động xây cất được các chùa, thiền viện ở hải ngoại cũng là đóng góp vào công việc nối kết cộng đồng để nâng đỡ nhau trong cuộc sống tha hương. Phật Giáo không hướng dẫn Phật tử xuống đường biểu tình đòi lật đổ chính quyền để giành lấy chính quyền, nhưng người con Phật, dù là tăng ni hay cư sĩ, đều phải có một thái độ chính trị dứt khoát vì đó là bổn phận với dân với nước.
Vẫn theo Hòa Thượng Thích Như Ðiển, thì cộng đồng người Việt hải ngoại như ở Âu Châu nhất là Ðức Quốc, sự tranh đấu không còn được nhiệt tình như trước nhất là từ khi bức tường Bá Linh sụp đổ, khối cộng đồng người Việt ở Ðức Quốc không còn thuần nhất là thuyền nhân tị nạn mà còn thêm nhiều thành phần khác từ Ðông Ðức và các nước trong khối Cộng Sản Ðông Âu chạy qua. Tuy nhiên vào năm ngoái thì cộng đồng người Việt ở Ðức Quốc đã dựng được một tượng đài. Tượng đài là một cuốn sách ghi nhận sự kiện thuyền nhân Việt Nam đã từng đến đây trên những con tầu “Aznavour” đi cứu người tị nạn trên biển Ðông trong nhiều năm. Với Phật Giáo thì tại Ðức Quốc đã có một tờ báo Phật Giáo bằng tiếng Ðức phát hành khá rộng rãi.
Trong câu chuyện về dựng Tượng Ðài Lịch sử Thuyền Nhân VN, Hòa Thượng có kể câu chuyện vào ngày khánh thành tượng đài, vị Phó Chủ Tịch Quốc Hội Ðức, vốn là người Ðông Ðức chạy qua được mời đọc diễn văn khai mạc, đã phát biểu rằng, chính từ các cuộc vượt biển chạy trốn Cộng Sản đi tìm tự do của thuyền nhân Việt Nam mà nhân dân Ðông Ðức và các nước Cộng Sản Ðông Âu đã quyết định phải lật đổ các chế độ Cộng Sản tại các nước này, và sự thể đã diễn ra như vậy trong một cuộc Cách Mạng Xanh trong một thời gian ngắn.

Nguyên Huy