Thiên Lộc Thiền Tôn tự: Ngôi chùa cổ, một danh thắng ở Diên Khánh-Khánh Hòa

Chùa Thiên Lộc Thiền Tôn toạ lạc tại thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, huyện Diên Khánh, Khánh Hoà. Đây là một ngôi chùa cổ đẹp có gần ba trăm năm,  một danh thắng, nơi sinh hoạt văn hoá tâm linh, hàng năm có cả chục ngàn khách du lịch trong và ngoài nước tham quan, chiêm bái.

Chùa được xây dựng trên một vị trí khá đẹp, mặt chùa hướng phía Nam, nhìn về dãy núi Chín Khúc (còn gọi là núi Hoàng Ngưu), bên cạnh chùa là dòng sông chỉ có nước vào mùa mưa lũ, nên gọi là sông Cạn. 

Thật khó xác định đúng niên đại xây dựng chùa, nhưng những cổ vật có mặt trong chùa và các Long vị thờ chư Tổ sư tiền bối cho biết, ngôi chùa đã được xây dựng cách nay gần ba thế kỷ. Trong chùa còn lưu giữ một đại hồng chung và một bảo chúng là hai vật rất xưa có từ thời Trịnh Nguyễn phân tranh, còn truyền lại. Trên Đại hồng chung có khắc “Thiên Lộc Thiền Tôn Tự”. Trên bảo chúng có ghi “Đinh Sửu niên, nhị nguyệt, nhị thập nhụt” , như vậy bảo chúng được đúc vào ngày hai mươi tháng hai năm Đinh Sửu, sau Vía Quan Thế Âm Bồ Tát một ngày và một cây trính có khắc ngày tháng năm trùng tu chùa: “Tự Đức cửu niên, tuế thứ Bình Thìn, mạnh thu nguyệt, cát nhật, trùng kiến Thiên Lộc Tự”.

congchua-1.gif

Theo Đại việt sử ký toàn thư, kể từ ngày phần đất Khánh Hoà thuộc về Việt Nam năm 1693, cho đến ngày Kinh đô Huế thất thủ, Việt Nam bị thực dân pháp xâm lược 1885, có 4 lần năm Đinh Sửu:

-Đinh Sửu (1697) nằm trong niên hiệu Chính Hoà (1680-1705)

-Đinh Sửu (1757) nằm trong niên hiệu Cảnh Hưng (1740-1786)

-Đinh Sửu (1817) nằm trong niên hiệu Gia Long (1802-1820)

-Đinh Sửu (1877) nằm trong niên hiệu Tự Đức (1847-1883)

Như thế, suy luận bằng phương pháp loại trừ ta có thể bỏ qua năm Đinh Sửu 1887, vì căn cứ trên một cây trính có khắc ngày tháng trùng tu chùa: “Tự Đức cửu niên, tuế thứ Bình Thìn, mạnh thu nguyệt, cát nhật, trùng kiến Thiên Lộc Tự”, tức là trùng tu chùa niên hiệu Tự Đức năm thứ 9 (l856), tháng đầu mùa thu, ngày lành. Tất nhiên chùa phải khai sơn trước thời kỳ ấy.

congchua-2.gif

Cổng Tam quan

Có thể tin chắc là chùa Thiên Lộc đựoc kiến tạo năm Đinh Sửu (1757) thời Cảnh Hưng. Bởi vì dưới thời chúa Nguyễn, người Đàng Trong tuy vẫn dùng danh hiệu nhà Lê, song không chịu ân uy gì của nhà Lê, nên trên văn tự chỉ ghi tuế, nguyệt mà không ghi niên hiệu cũng không hề bị tội vạ gì. Từ khi Gia Long thống nhất lãnh thổ, buộc phải viết niên hiệu trước, rồi mới viêt tuế nguyệt sau, lệnh vua không ai dám trái. Như vậy trên  bảo chúng chỉ ghi tuế nguyệt, chắc chắn không phải từ thời Gia Long về sau mà thời Cảnh Hưng.

Còn về Tổ khai sơn thì có câu chuyện huyền thoại truyền rằng:

Trong thôn có người quả phụ, tục gọi là Bà Sáu, chuyên làm nghề nuôi tằm. Một đêm mùa thu, trời mát, trăng sáng, có bốn người đàn ông lực lưởng vào nhà bà xin tá túc. Nhà không có chiếu dư, cũng không đủ chỗ nằm cho bốn người, khách bèn mượn bốn chiếc nong đem ra ngoài sân nằm. Gà gáy đầu, Bà Sáu thức dậy, ra giếng múc nước rửa. Vừa bước xuống sân, thấy trong mỗi nong có một con rắng lớn nằm khoanh tròn. Bà thất kinh thét lớn, rồi ngã xuống đất bất tỉnh. Khi tỉnh lại, bà thấy bốn người khách ngồi  chung quang giường. Một người nói:

-Bà đừng sợ. Chúng tôi là Long thần ở thuỷ cung. Vâng lệnh Long vương lên núi lấy gỗ. Được bà chiếu cố,  chúng tôi không quên ơn. Đoạn từ giả, lên đường.

chanh diien Thien Loc.jpg

Chánh điện Chùa Thiên Lộc

Tháng sau, trời bỗng mưa tầm tả hai ngày đêm, nước sông chảy cuồn cuộn, ngập đến thềm nhà Bà. Đêm đến, chợt bốn người đàn ông tháng trước xuất hiện, bước vào và nói: Chúng tôi chở gỗ về thuỷ phủ, nhân đi ngang ghé thăm, cám ơn bà. Nói rồi từ biệt.

Sáng hôm sau, một bè gỗ nằm ngay ngắn nơi thềm bà Sáu. Bà biết rằng đó là của Long thần tặng mình. Nhân bên cạnh nhà có một Thiền sư che một thảo am tu hành. Bà đem toàn bộ số gỗ này cúng dường cho Thiền sư để dựng chùa. Vì thế chùa có tên là Thiên Lộc (lộc trời ban) và Thiền sư ấy chính là Tổ Khai sơn chùa. Khi bà chết, được xây miếu thờ sau chùa.

Trong khuôn viên chùa còn có Miếu Ông Thạch thờ một tượng đá xanh, điêu khắc phần âm dương nam, nữ (Yoni và Linga), đây là phiến đá cổ đã vài thế kỷ của người Chăm để lại với diện tích khoảng 1m2. Phần Linga nổi hẳn lên trên, phần Yoni khắc chìm xuống dưới rất khéo léo. Phiến đá Ông Thạch được thờ không chỉ như một tín ngưỡng mà còn là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật.

Chùa Thiên Lộc Thiền Tôn nằm sâu trong một vùng đất làng quê,  yên tĩnh và thơ mộng với luỷ tre làng và dòng sông uốn lượn. Trước cửa chùa là một hồ sen hình bán nguyệt, nơi đó tôn trí tượng Phật Bà Quan Thế Âm với gương mặt hiền hoà, bao dung, phóng tầm mắt xa xăm như nguyện cứư khổ, cứu nạn cho mọi người dân ở làng quê  Diên An, an bình, hạnh phúc.

 Trong sân chùa có 12 cây tùng được trồng thẳng tắp, rất hài hoà theo: "Thập nhị nhân duyên". Bước vào chùa ta còn được chiêm ngưởng  Đại Hồng chung đúc vào ngày 29/9/1966 nặng 340 kg, cao 1,6 mét do bổn đạo của chùa đóng góp tạo nên. Đây là chiếc Đại Hồng chung lớn nhất, nhì trong tỉnh Khánh Hoà, với tiếng ngân vang rất xa, khi nghe tiêng chuông chùa lòng người như quên đi nổi nhọc nhằn, phiền muộn của người nông dân một nắng, hai sương.

  Sau chùa Thiên Lộc có một cây bồ đề to lớn, vòng ôm bốn người giang tay không xuể, cao khoảng 60m, tán xoè rộng khoảng 40m che rợp bóng vườn chùa. Đây là cây bồ đề rất đẹp, nổi tiếng, trở thành điểm tham quan cho du khách và là nơi sinh hoạt của những em học trò quanh vùng vào các ngày nghỉ. Theo Hoà Thượng Trú trì Thích Như Pháp thì cây bồ đề được trồng vào năm 1959, nhưng đất tốt, khí hậu lành, tốc độ phát triển của cây giống như một cây bồ đề cổ thụ đã 200 năm tuổi.

 Thiên Lộc Thiền Tôn Tự sau gần ba trăm năm xây dựng, pháp triển và trưởng thành luôn đồng hành cùng người dân địa phương trong mọi thời đại, là điểm văn hoá của xã Diên An, ngôi danh thắng của Diên Khánh, Khánh Hoà. Chùa Thiên Lộc đã ghi dấu ấn của nhiều đời Trú trì, chư vị Tôn đức đã dày công tài bồi xây dựng, gắn bó cùng chùa:

1.- Hoà Thượng Thích Viên Dung.

2.- Thiền sư Thích Hải Tạng.

3.- Thiền sư Thích Hải Vinh.

4.- Thiền sư Thích Hải Ân.

5.- Thượng Toạ Thích Chánh Ký.

6.- Hoà Thượng Thích Như Pháp từ năm 1955 đến nay.                                

Bài, ảnh: Trí Bửu