HOẰNG PHÁP Ở HẢI NGOẠI

chuc to 1.png

I. DẪN NHẬP

Hoằng pháp tại hải ngoại là một chương trình lón. Chương trình trình này đã từng được ứng dụng qui mô bởi vua A Dục (vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên) khi thành lập những đoàn truyền giáo ra khỏi đất nước Ấn Độ. Những nhà truyền giáo mang trên mình bức thông điệp tình thương cứu khổ của đức Thế Tôn, thực hiện hoài bão của chư Phật. Như trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật nói: “Các Đức Phật vì một đại sự nhân duyên, muốn khai thị cho chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến, mà thị hiện ra nơi đời.” Vì thế, ngay từ khi Đức Phật còn tại thế, trong suốt 49 năm từ khi thành đạo đến nhập Niết bàn, Ngài đã vân du trên khắp mọi miền đất nước xứ Ấn Độ. Theo kinh điển Bắc truyền, Ngài lên cung trời Đâu Suất, xuống tận cung rồng Ta Kiệt La để hoằng hóa chúng sanh. Đến lúc sắp nhập Niết bàn nơi rừng Câu Thi Na, Ngài vẫn thuyết kinh Di Giáo và độ ông Tu Bạt Đà La (Subadda). Ngài dạy các hàng đệ tử: “Này các thầy Tỳ kheo, hãy ra đi mỗi người một ngả, để truyền bá Chánh pháp, vì lợi ích cho quần sanh, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”

II. BỐI CẢNH HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI THỜI XƯA

Thực hiện hoài bão của chư Phật, chư Tổ, chư tiền nhân vì hạnh nguyện lợi tha mang giáo pháp giải thoát truyền ra Hải ngoại, thông qua hai nhánh: Nhánh phía Bắc (còn gọi là Bắc Truyền Phật giáo) gồm các nước như Tây tạng, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam..Nhánh phía Nam (còn gọi là Nam Truyền Phật giáo) như các nước Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào… Từ nơi chiếc nôi Phật giáo tại Ấn Độ, đến nay đã được truyền đến nhiều quốc độ trên thế giới. Tuy mỗi nơi, mỗi nước có khác nhau nhưng tựu trung là đem giáo lý giải thoát giác ngộ đến với mọi người, giúp cho người được an lạc, hạnh phúc. Chẳng hạn, Tổ Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) (Tổ thứ 28 dòng thiền Ấn Độ) đem cây Bồ đề Chánh pháp Nhãn tạng gieo trồng vào đất nước Trung Hoa, cho cây Bồ đề nở hoa năm nhánh:

"Ngô bản lai tư thổ

Truyền pháp cứu mê tình.

Nhất hoa khai ngũ diệp,

Nụ trái trổ ê hề."

Tạm dịch:

"Ta đến đây với nguyện

Truyền pháp cứu người mê.

Một hoa nở năm cánh,

Kết quả tự nhiên thành."

Phật giáo tại Việt Nam tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ, từ nhiều trường phái thuộc Bắc truyền Phật giáo như Thiên phái Tì-ni-đa-lưu-chi (vinītaruci), Thiền phái Vô Ngôn Thông, Thiền phái Thảo Đường từ Trung Quốc…. Bên cạnh đó, còn có Phật giáo Khmer, Phật giáo Nguyên thủy thuộc Nam Truyền Phật giáo từ các nước Campuchia, Lào, Miến Điện….

III. BỐI CẢNH HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI THỜI NAY

Trong bối cảnh Phật giáo ngày nay tinh thần Hoằng pháp càng phát triển rộng khắp đến năm châu, từ châu Á, sang châu Âu, châu Mỹ, châu Úc, và châu Phi. Con đường Hoằng pháp đó có thể được triển khai theo nhiều phương cách khác nhau thông qua kinh tế thương mại (như con đường tơ lụa), chính trị (mối quan hệ quốc tế), tái sanh (truyền thống Phật giáo Tây Tạng), định cư theo công tác ở thời gian ngắn hay định cư dài hạn do hợp mặt với người thân….Thông qua những phương cách khác nhau này, mà Phật giáo đã phát triển và tồn tại như một nhu cầu tâm linh, như món ăn tinh thần không thể thiếu.

Một trong những nhà hoạt động hoằng pháp gây ảnh hưởng tầm vóc quốc tế, đó là Ngài Đa Lai Lạt Ma (Tây Tạng). Ngài đã mang giáo pháp an lạc, hạnh phúc giải thoát của Đức Thế Tôn đến cho nhiều người thuộc mọi quốc tịch khác nhau. Đối với người dân Tây Tạng, ngài được xem là hiện thân của vị Phật sống.

Thông qua Hiệp hội MahaBodhi của Phật giáo Tích Lan (Srilanka), giáo lý Phật đà được lan tỏa khắp thế giới như là một trong những phương pháp thiền dịnh ứng dụng nhằm giúp cho nhiều người giảm “stress”, giảm áp lực, căng thẳng của cuộc sống, cũng như giúp cho họ tìm thấy khả năng huyền diệu tìm ẩn trong mỗi con người.

Các thiền sư Việt Nam thời nay cũng trên tinh thần “Hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi sự nghiệp” đã đưa giáo pháp Phật Đà phổ biến ra Hải ngoại. Chẳng hạn, các truyền thống văn hóa, ngôi chùa Phật giáo Việt Nam đã được hình thành ở các nước châu Á (như Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan).., ở châu Úc, Mỹ châu (Mỹ, Canada), Phi châu, châu Ấu (như Anh, Pháp, Đan Mạch, Đức, Bỉ, Hà Lan, Ý, Ba Lan, Nga, Hungary, Ucraina, Cộng hòa Séc…)

Công cuộc hoằng pháp Hải ngoại ngày nay càng thêm thành tựu khi có hàng trăm ngôi chùa, Phật học viện, tu viện, cơ sở văn hóa Phật giáo Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới. Tại các chùa, hàng tuần, hàng tháng đều có các buổi giảng Phật pháp, các khóa tu Bát Quan Trai, Niệm Phật, tụng Kinh, bái sám, hành trì, v.v… Hàng năm các cộng đồng, các giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại hải ngoại đều tổ chức các buổi lễ đặc biệt vào các ngày lễ lớn như Tết, Phật Đản, Vu Lan, v.v… Tại Châu Âu, khóa tu học Phật Pháp hàng năm quy tụ đến năm, bảy trăm Tăng, Ni và Phật tử tham dự.

Đây là một thành tựu rất đáng khích lệ. Tuy nhiên có những ngôi chùa hoạt động chưa phát triển đúng mức, chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế, do những vấn đề bất cập về ngôn ngữ, về phương tiện quảng bá, về hình thức văn hóa…, chưa có mối quan tâm đúng mức của Giáo hội, của Ban Hoằng Pháp Trung ương.

IV. ĐỊNH HƯỚNG HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI

Lần đầu tiên, chuyến đi hoằng pháp 5 nước châu Âu từ ngày 20/8 đến 10/9/2008 của Đoàn Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gây tiếng vang rất lớn trong mối quan tâm đến những người Việt sống xa quê hương. Như lời Ông Phạm Nhật Vũ, Uỷ viên Ban phật giáo quốc tế, Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam cho biết: “Là một phật tử Việt Nam đã có nhiều năm sống và làm việc ở nước ngoài, tôi rất hiểu bà con sống xa Tổ quốc, đặc biệt là các phật tử, đạo hữu tại nước ngoài rất mong mỏi được đón nhận chính pháp, hướng tâm linh theo chính đạo đã được thể hiện bằng nhiều hình ảnh, hành động cụ thể. Ví dụ: Việc xây dựng chùa chiền, tự viện, hoặc tham gia sinh hoạt của các Hội phật tử ở nước ngoài. Việc đoàn do Trung ương Giáo hội tổ chức nhân mùa Vu lan này rất có ý nghĩa đối với Phật tử, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài...”

Hoà thượng Thích Chơn Thiện, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trung ương GHPGVN cho biết thêm: “Mục đích của chuyến đi là biểu hiện sự quan tâm của Giáo hội về đức tin của quý phật tử Việt Nam ở hải ngoại. Thứ hai là, biểu lộ sự quan tâm của Giáo hội về đời sống tâm linh của Phật tử và để Phật tử ở Hải ngoại có điều kiện hướng về quê hương...”

Để cho Phật giáo Hải ngoại được phát triển nhịp nhàng đồng bộ, để cho mối quan tâm không chỉ cho người bản xứ mà còn là một số lớn người Việt nam đang xa quê hương được sống trong tinh thần “Lá rụng về cội”, công cuộc Hoằng pháp cần có những mối quan tâm:

1. Nhắm đến đối tượng là tuổi trẻ trong cộng đồng người Việt tại Hải ngoại biết đi chùa, học được nền văn hóa Việt. Thế hệ thứ 2 biết kế thừa những thành quả của bậc tiền nhân, của người đi trước. Nếu chúng ta không xem tuổi trẻ như là đối tượng chính thức và quan trọng để cảm hóa thì có nghĩa là bỏ quên một thế hệ. Việc này sẽ dẫn đến khoảng trống không thể bù đắp được trong tương lai. Tại Việt Nam, trong bối cảnh đất nước và xã hội với truyền thống văn hóa và đạo Phật ăn sâu vào lòng người, cho nên nhiều thế hệ kế tiếp nhau về chùa, học Phật. Tuy nhiên, tại hải ngoại, tuổi trẻ lớn lên trong môi trường học đường và văn hóa Âu Mỹ, một nền văn hóa trong đó đạo Phật mới chỉ ở vị thế rất nhỏ, rất yếu, rất mờ nhạt, nên việc không theo đạo Phật của ông bà, cha mẹ là điều rất dễ xảy ra. Muốn cảm hóa tuổi trẻ thì phải có phương thức thực tế và thích hợp

- Phải truyền bá Chánh pháp, những bài giảng bằng ngôn ngữ mà tuổi trẻ sử dụng thường ngày (ngôn ngữ bản xứ).

- Phải lắng nghe và tìm hiểu tâm tư tuổi trẻ, tìm phương cách cảm thông để cảm hóa họ.

2. Nhắm đến đối tượng là những người dân bản xứ tại các quốc gia mà người Phật tử Việt Nam đang có mặt. Vì đây là những đối tượng không kém phần quan trọng trong giai đoạn lâu dài về sau.

3. Nhắm đến phương tiện Hoằng pháp thông qua các loại hình như: Website (banhoangphaptw.com, ngoinhaphatphap.net, banhoangphap.com, phattuvietnam.net), băng đĩa, sách vở, báo chí và truyền thông đại chúng, bằng ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, để tạo được sự chú ý của quần chúng bản xứ, và Phật tử Việt Nam xa xứ.

4. Nhắm đến việc mở lớp Hoằng pháp chuyên nghành cho các vị giảng sư có trình độ ngoại ngữ hoằng pháp Hải ngoại. Như nhiều nhà tri thức hình xa trông rộng đã từng nói: “Xây dựng một ngôi chùa hay một nền văn hóa tại Hải ngoại là việc khó làm, nhưng bảo vệ và duy trì lại là một việc càng khó làm hơn.” Trước mắt, tận dụng nguồn năng lực sẳn có từ các vị Tăng Ni sinh đi học từ nước ngoài về’, Ban Hoằng Pháp nên lập đoàn Sứ giả Như Lai khoảng chục vị Tăng, Ni trẻ cho công cuộc hoằng pháp như vậy là điều mà người Phật tử Việt Nam đang mong chờ.

5. Nên tổ chức những chuyến đi hoằng pháp định kỳ, hợp với thời gian sinh hoạt những khóa tu của Phật tử Hải ngoại. Điều đó có ý nghĩa rất lớn trong sự quan tâm đúng mức của Giáo hội Trung ương.

V. KẾT LUẬN

Tóm lại, chia sẽ niềm vui từ học Pháp, bớt đi những sầu đau trong cuộc sống của người bản xứ, cũng như xoa dịu niềm hoài vọng của người Việt Nam xa quê đó là trách nhiệm của bậc sứ giả Như Lai. Chúng ta học từ nơi Tôn giả Phú Lâu Na, nhân vật tiêu biểu trong sự nghiệp hoằng pháp thời kỳ Đức Phật. Ngài đã không ngại bao gian khổ, chẳng từ mọi khó nhọc, luôn xả thân vì mục đích hoằng pháp lợi sanh.

Hoằng pháp với Phật giáo Hải ngoại có thể thực hiện thành công trong thời hiện đại hay không vấn đề mấu chốt vẫn là ở con người. Cho nên chủ thể thuyết pháp phải luôn luôn tự thanh tịnh chính mình, tâm hồn an lạc giải thoát, vô trụ trong hoạt động bao dung, nếp sống mới, một sự suy nghĩ mới, một tầm nhìn mới để hội nhập vào đời. Đó là tinh thần tu tập Bồ tát hạnh, vì có tu tập Bồ tát hạnh, thể nhập Bồ tát hạnh, thì chúng ta mới có thể truyền trao Bồ tát hạnh đến với mọi người. đồng thời chúng ta nên áp dụng tinh thần phẩm Pháp Sư trong kinh Pháp Hoa, là “Vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai”, từng bước thành tựu chánh kiến trong ý nghĩ, tương ứng nội tâm, sống với chân lý hướng dẫn chúng sanh về bờ giải thoát. Như Đức Phật dạy: “Giáo pháp Như Lai chuyển tải, truyền bá đến đâu, đều có thể đoạn trừ những chướng ngại, tà kiến và nghi ngờ, làm cho chúng sanh được an lạc, giải thoát, giác ngộ thành Phật” (Luận Đại Trí Độ)./.

 

 

ĐĐ. Thích Đức Trường

Ủy viên Thường trực Ban Hoằng Pháp Trung Ương

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)