HOẰNG PHÁP VỚI CÔNG NGHỆ THÔNG TIN



alt

Đạo Phật xuất hiện trên thế gian đã hơn 2500 năm, trải qua mỗi thời đại với những phát triển về xã hội và khoa học, bằng tính KHẾ LÝ và KHẾ CƠ, Phật giáo biết vận dụng những thành tựu đó để xiển dương đạo pháp, lợi lạc quần sinh. Đối với thời đại khoa học công nghệ phát triển vượt bậc như hiện nay, những vị “Sứ giả Như Lai” muốn đạt được những kết quả tốt đẹp trong việc hoằng truyền Phật pháp tất nhiên không thể không sử dụng công nghệ thông tin làm phương tiện.

Theo nghị quyết Chính phủ 49/CP ký ngày 04/08/1993, Công nghệ thông tin (Information Technology ) là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kỹ thuật hiện đại (chủ yếu là kỹ thuật máy tính và viễn thông), nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội. Như thế, nó là ngành ứng dụng công nghệ để lưu trữ, bảo vệ, xử lý, thông báo, trao đổi thông tin qua một khoảng cách mà không phải chuyên chở những thông tin này đi một cách cụ thể như thư. Ngày nay, nền khoa học kỹ thuật hiện đại tiên tiến nhanh chóng phát triển, những người con Phật (không phân biệt xuất gia hay tại gia) nếu biết ứng dụng công nghệ thông tin như sử dụng máy tính, mạng internet, băng đĩa v.v... để chuyển tải những lời dạy của Đức Phật, hoằng dưong Phật pháp , theo thiển ý của người viết, việc truyền bá chánh pháp, làm lợi lạc quần sanh sẽ đáp ứng được những nhu cầu lợi ích rất thiết thực, cụ thể như:

1. TƯ LIỆU, THÔNG TIN TƯƠNG ĐỐI ĐẦY ĐỦ, CHÍNH XÁC:

Muốn có tư liệu, thông tin phong phú, trước đây phải dựa vào sách vở, nhưng từ nay về sau có thêm máy vi tính hỗ trợ. Máy vi tính chứa được rất nhiều dữ liệu, số lượng lớn như các bộ Đại tạng kinh nhiều đến mấy trăm quyển sách với những ngôn ngữ khác nhau, các bộ từ điển không biết bao nhiêu từ nhưng nếu chứa vào “đầu” chúng cũng chẳng thấm vào đâu.Bởi sức chứa của máy vi tính lớn như thế, nên đối với hành giả hoằng pháp nó là “bộ óc” thứ hai và rất cần thiết để tra cứu dữ liệu. Vả lại, một khi tư liệu trong máy tính không đủ để cung cấp, có thể tìm trên mạng.internet. Như thế, máy vi tính, mạng internet v.v... sẽ giúp công việc tìm, chuyển tải những thông tin rất cần thiết , bổ ích và thật chính xác đến mọi người, làm cho quần chúng hiểu biết đạo lý nhà Phật một cách rõ ràng và thiết thực.

2. NHANH CHÓNG VÀ TIỆN LỢI:

Trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay, đặc biệt với sự phát triển “chóng mặt” của lĩnh vực công nghệ thông tin, khoảng cách giữa các địa phưong, các dân tộc trên khắp thế giới không còn xa vạn dặm mà chỉ là “thôn toàn cầu”. Bằng những cuộc gọi điện thoại quốc tế, gọi qua mạng internet, qua những tin nhắn, email, website, kênh truyền hình v.v... mọi người sống trên thế giới trong tít tắc sẽ nhận ngay được những hình ảnh và thông tin liên quan. Vận dụng cách thông tin nhanh chóng này, giới thiệu những tin tức Phật sự, những bài giảng giáo lý, những phương pháp tu học... thật hữu ích đến mọi người khắp năm châu vừa nhanh lại vừa tiện lợi và đầy đủ.

Lại nữa, những trang website, blog chứa đựng rất nhiều nội dung và hình ảnh cần chuyển tải, mà những thông tin, tư liệu ấy không chỉ mang tính hiện tại mà còn là những hình ảnh, tư liệu trước đây cả mấy tháng, mấy năm và thậm chí mấy chục năm về trước. Trong khi đó, kinh sách, tạp chí v.v... chuyển đến tận bên kia bờ đại dương, tận chân trời Âu - Mỹ phải mất mấy ngày trở lên và bên ấy những người Phật tử gốc Việt khó có thể mua đươc một tờ báo hay nguyệt san Giác ngộ. Một điều tiện lợi nữa là sách báo, tạp chí một khi in sai phải cáo lỗi và sửa lại trong lần in hoặc tái bản kế tiếp, nhưng bài đăng trên mạng sẽ trực tiếp sửa sai một cách dễ dàng.

3. ĐÁP ỨNG MỌI ĐỐI TƯỢNG CÓ NHU CẦU:

Thông thường vị Giảng sư (hoặc người trình bày giáo pháp Phật Đà) phải trực tiếp với thính chúng, nhưng vận dụng công nghệ thông tin qua máy vi tính, qua mạng internet... người nghe pháp không cần phải trực tiếp ngồi nghe tại chỗ, tức người nghe sẽ nghe pháp và thấy hình ảnh vị thuyết giảng trên mạng, ở băng đĩa. Như thế, không nhất thiết thính chúng phải nghe ngay lúc giảng mà giờ nào rảnh rỗi họ nghe cũng được, thậm chí nghe được nhiều lần nữa. Như thế, vị Giảng sư chỉ cần “gián tiếp thuyết pháp”. Lại nữa, với những đối tượng không phải là tín đồ Phật giáo, tất nhiên rất hiếm khi họ đến đạo tràng nghe thuyết giảng và các nhà nghiên cứu muốn có nhiều tư liệu về Phật giáo thì việc sử dụng những website, băng đĩa... sẽ là phương tiện để họ tìm những tư liệu, những bài giảng pháp giúp họ hiểu về Phật giáo một cách dễ dàng.

4. VỊ HOẰNG PHÁP DỄ DÀNG VẬN DỤNG NGŨ MINH:

Ngũ minh là Nội minh, Nhân minh, Công xảo minh, Thanh minh và Y phương minh. Qua máy vi tính, mạng internet v.v... vị “Sứ giả Như Lai” rất dễ dàng tra cứu những tư liệu liên quan đến Ngũ minh, nhờ đó vi ấy mau tinh thông nội điển, hiểu biết nhiều về khoa học kỹ thuật ( trong đó bao gồm cả lĩnh vực công nghệ thông tin) và trau dồi ngoại ngữ nhờ máy vi tính và mạng internet... Với sự tinh tấn nỗ lực sẽ đem lại sự lợi lạc rất nhiều cho chính mình và cả quần sanh.

Để có được những kết quả to lớn trên, thiết nghĩ một vị Giảng sư, một vị muốn hoằng dương Phật pháplợi lạc chúng sanh, cần nên để tâm vào hai việc, đó là trang bị cho mình một khả năng nhất định về Phật pháp, về công nghệ thông tin và kết hợp vận dụng hoằng pháp trực tiếp với gián tiếp.

Có được một khả năng nhất định về Phật pháp và công nghệ thông tin, những bài viết đăng trên mạng, những bài giảng không những chuẩn xác, logic... lại còn làm cho người đọc, người xem, người nghe dễ dàng tiếp thu, hiểu rõ giáo pháp vi diệu, nhiệm màu, thiết thực lợi ích cho mọi người. Nhờ biết sử dụng công nghệ thông tin với một trình độ nhất định, những vị làm công việc xiển dương chánh pháp nhanh chóng và dễ dàng vận dụng máy vi tính, mạng internet... để lưu trử, chỉnh lý, chuyển tải thông tin, tư tưỏng , hình ảnh kịp thời và đầy đủ đến mọi người.

Biết kết hợp vận dụng hoằng pháp trực tiếp và gián tiếp, sẽ đáp ứng các mặt như về đối tưọng (kể cả những người không phải là tín đồ Phật giáo); về không gian (cả xa-gián tiếp, lẫn gần- trực tiếp); về thời gian (từ nay về sau cò thể xem, nghe được kinh điển, triết lý, hình ảnh, tư liệu... được lưu trử qua mạng, máy vi tính, băng đĩa v.v...). Như thế , sẽ góp phần vào việc truyền bá chánh pháp, đem lại ích lợi cho mọi người nhiều hơn nữa.

Tóm lại, “Hoằng pháp với công nghệ thông tin” là vấn đề mà mọi người con Phật trên khắp năm châu, nhất là những vị sứ giả Như Lai, cần phải hiểu và vận dụng nó một cách linh hoạt trong thời đại khoa học kỹ thuật ngày nay. Được vậy sẽ góp phần không nhỏ trong trong sứ mệnh hoằng truyền đạo pháp, lợi lạc quần sanh, góp phần xây dựng ngôi nhà “Đạo pháp và Dân tộc”./.

 

Đại đức THÍCH GIÁC DUYÊN

Đơn vị tỉnh Gia Lai

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)