Chùa cổ Hòe Nhai và bức tượng lạ

Chùa Hồng Phúc có tên là chùa Hòe Nhai - một trong những ngôi chùa cổ lớn ở kinh đô Thăng Long  xây dựng từ thời Lý (1010-1225) nay thuộc phố Hoè Nhai - Hà Nội.

Chùa tọa lạc trên khuôn viên rộng 3.000 m2 theo kiến trúc nội công ngoại quốc, không gian chùa xanh mát bóng cau, cây bồ đề cổ thụ xòe tán rộng sum suê. Chùa gồm hai bái đường mỗi tòa 5 gian, chính điện 3 gian và nhà tổ 7 gian tạo thành hình chữ công. Sân chùa có hai ngọn tháp cao ba tầng, bên cạnh dựng hai bia đá lớn trong tổng số 28 bia tại chùa. Tấm bia có niên đại sớm dựng năm Chính Hòa thứ 24 (1703) thời vua Lê Hy Tông (1676-1705) Tiến sĩ Hồ Tông Mục soạn ghi rõ chùa xây dựng ở phường Hòe Nhai tại Đông Bộ Đầu (Bến Đông). Hiện vật cổ còn giữ: khánh đồng lớn (cao 1m, rộng 1,5m) đúc năm Giáp Dần niên hiệu Long Đức thứ ba (1734) đời vua Lê Thần Tông (1619-1662); trống đồng niên hiệu Tự Đức (1848-1883)...

 


Một ngôi điện mới được xây dựng tại chùa Hòe Nhai.


Tượng vua sám hối.


Tượng Tổ pháp chủ Thích Đức Nhuận.


Cảnh tĩnh mịch và cổ kính.


Cổng chùa ngày lễ.


Buổi lễ sám hối ở chùa Hòe Nhai.

Chùa Hòe Nhai còn là di tích "chốn Tổ" - phái Tào Động - một trong hai phái Phật giáo lớn ở miền Bắc Việt Nam .

Hệ thống tượng Phật ở chùa Hòe Nhai đa dạng với các chất liệu gỗ quý, đất nện, đồng hun. Mỗi pho tượng đều mang giá trị nghệ thuật qua kiểu dáng thuần hậu. Các pho tượng tổ khắc họa chân dung mỗi vị một gương mặt sống động, một sắc thái riêng biệt như tượng Cửu Long Thích Ca (Thích Ca sơ sinh); tượng Phật A Di Đà; tượng Phật Quan Thế Âm... Đáng chú ý có cả tượng Tổ pháp chủ Thích Đức Nhuận, người làm rạng danh Phật giáo  Việt Nam trong thế kỷ XX.

Đặc sắc và độc đáo nhất ở ngôi chùa cổ thời Lý (1010-1225) này còn lại pho tượng một vị Phật ngồi trên lưng một ông vua nằm phục xuống theo điển tích vua Đế Thích tình nguyện làm giường cho Phật Thích Ca ngồi thuyết pháp. Nói về pho tượng lạ này, theo giải thích, thời vua Lê Hy Tông (1675-1705) thi hành chính sách hà khắc với Phật giáo. Hòa thượng Chân Dun - vị Sư Tổ thứ hai chùa Hòe Nhai đã viết bài biểu bỏ vào tráp đem đến triều đình dâng vua và tâu: trong hộp có ngọc minh châu. Khi vua mở hộp xem không thấy ngọc mà chỉ có bài biểu nội dung: nhà Lê (1428-1527) được trị vì lâu bền bởi nhờ sự độ trì của đức Phật. Sau đó, vua Lê Hy Tông hạ chiếu sám hối thay đổi thái độ với Phật giáo. Xuất phát từ việc này mà bức tượng một vị vua trong tư thế để Phật ngồi trên lưng đặt ở chùa Hòe Nhai.

Những giá trị tôn giáo và nghệ thuật của chùa cổ Hòe Nhai thu hút khách thập phương tới chiêm ngưỡng, lễ bái.      

Bài: Vĩnh Hưng - Ảnh: Hoàng Giáp (Báo Ảnh Việt Nam )