Giá trị của Bát kỉnh pháp

image

Nói đến Bát kỉnh pháp, chắc hẳn trong giới tu sĩ không ai không biết đức Thế Tôn đã nêu ra những gì trong ấy. Nhưng để hiểu rõ và hành trì đúng với tinh thần Bát kỉnh pháp thì lại là một vấn đề khác. Ở đây, người viết xin nêu lên một vài quan điểm của mình, với mong muốn mọi người có được một cái nhìn thấu đáo để Bát kỉnh pháp dù ở thời đại nào cũng mang một giá trị hết sức quan trọng đối với đời sống Ni giới. “Bát kỉnh pháp” hay còn gọi là “Tám pháp cung kính” hay “Bất khả việt”, dịch là “Tám điều không thể vượt qua”. Tám điều này có thật sự quan trọng làm tăng ích cho hàng Tỳ-kheo-ni hay chỉ mang tính trói buộc trong hoàn cảnh xã hội đương đại?

Bát kỉnh pháp được đức Thế Tôn áp dụng cho hàng Ni giới trong quá trình hình thành giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Theo học giả E.J Thomas, khoảng năm năm sau khi đức Phật thành đạo, giáo đoàn Tỳ-kheo-ni mới hình thành. Sự kiện đức Thế Tôn chấp nhận cho người nữ xuất gia đã nâng giá trị của nữ giới lên một bậc. Đây là việc làm duy nhất chưa từng thấy trong lịch sử tôn giáo.

Vì sao người viết lại bảo rằng đức Phật đã nâng vị trí của nữ giới lên một bậc? Vì vị trí nữ giới trước thời đức Phật thật vô cùng tồi tệ do Bộ luật Manu (The law of Manu) ban hành: “Hôn nhân là tăng cường ràng buộc, cột trói người phụ nữ vào đàn ông. Người phụ nữ là một phần của đàn ông, một người giúp việc trung thành để phục vụ chồng”. Các nước phương Đông cũng như thế. Nhất là trong xã hội phong kiến, nữ giới chỉ được xếp vào giới nội trợ và phạm vi sinh hoạt chỉ hạn cuộc trong gia đình: “Gái trong khung cửi, trai ngoài bút nghiên”. Họ hoàn toàn không được học hành, không được tham gia các hoạt động bên ngoài xã hội,… thậm chí khi có khách đến nhà phải lánh mặt, không có tư cách tiếp chuyện…

Đức Thế Tôn đã làm cuộc cách mạng tư tưởng và giải phóng nữ giới bằng cách tuyên bố rộng rãi: “Người nữ có thể đạt đến mức tiến bộ tột đỉnh về đời sống tâm linh, thành tựu trí tuệ thâm sâu dẫn đến Niết-bàn”. Tuyên ngôn này đã tác động sâu sắc đến các tôn giáo đương thời, vì trong ý thức hệ của người Ấn “nữ giới là những ngọn đuốc soi rọi con đường đi xuống địa ngục” (Hemacondara).

Có thể nói rằng, ngày nay khắp mọi nơi trên thế giới, người ta đều nhìn nhận rằng đây là một sự cách tân phi thường, vì đức Phật đã chấp nhận cho nữ giới đặc quyền tiếp thu giáo lý ngang hàng với nam giới. Hơn 25 thế kỷ trôi qua, chúng ta chưa thấy một tôn giáo nào thành lập giáo hội cho nữ giới. Chính vì thế mà Ni giới luôn mang ơn sâu nặng với đấng Từ Phụ. Ngài đã nâng địa vị nữ giới đến mức cao đẹp nhất.

Sau sự kiện vua Tịnh Phạn băng hà, để hóa giải cuộc tranh chấp giữa hai dân tộc Sakyan và Koliyan đang giành quyền sử dụng nước dòng sông Rehini, đức Thế Tôn đã kết thúc cuộc hỗn chiến bằng bài thuyết giảng hết sức từ bi và bình đẳng. Một số phi tần của dòng họ Sakyan dưới sự hướng dẫn của Ma-ha Ba-xà-ba-đề, cùng nhau đến diện kiến trước Thế Tôn xin được gia nhập vào Tăng đoàn:

“Bạch đức Thế Tôn, thật là một đại duyên cho nữ giới nếu được Ngài chấp nhận cho gia nhập vào Tăng đoàn để khép mình trong khuôn khổ của giáo pháp và giới luật mà Ngài đã công bố.”

Ma-ha Ba-xà-ba-đề đã thỉnh nguyện thiết tha như vậy nhưng Thế Tôn không hứa khả. Ba phen thưa thỉnh vẫn không được, bà quyết định cắt bỏ mái tóc xinh đẹp, vứt bỏ trang sức, cùng 500 phi tần dòng họ Xá-di, tự khoác lên mình tấm y vải thô, đi bộ mấy ngàn dặm đến Vesali cầu xin đức Thế Tôn cho họ được xuất gia. Sự bền lòng và gan dạ của Gotami, đã khiến tâm thị giả A-nan động lòng trắc ẩn. A-nan đã khơi lại những điều mà Thế Tôn không thể không thuận lòng. Song, Thế Tôn thấy được những hiểm họa và những khiếm khuyết không thể tránh khỏi khi chấp nhận nữ giới xuất gia. Ngài thấu hiểu tận cùng nghiệp tánh của nữ giới khi nâng họ lên ngang hàng với nam giới; hơn nữa, để trắc nghiệm nghị lực và ý chí của nữ giới, quan trọng hơn là thăm dò phản ứng của các tôn giáo đương thời, ngõ hầu có thể hóa độ nữ giới, vì nữ giới xuất gia là một việc làm trái với đạo lý lâu đời của xã hội Ấn Độ. Do đó, Thế Tôn chế ra “Bát kỉnh pháp” nhằm giúp họ trưởng dưỡng thiện tâm và chỉnh đốn nề nếp tu tập để bước lên thềm thang giải thoát.

1. Một Tỳ-kheo-ni, dù có trăm tuổi hạ khi gặp Tỳ-kheo mới thọ giới cũng phải chào hỏi, đảnh lễ và cung kính.
2. Một Tỳ-kheo-ni không được khiển trách hay nặng lời đối với Tỳ-kheo trong bất cứ trường hợp nào.
3. Tỳ-kheo-ni không được ngăn Tỳ-kheo xét tội, thuyết giới, tự tứ hay nói lỗi của Tỳ-kheo. Trái lại, Tỳ-kheo được quyền cử tội Tỳ-kheo-ni.
4. Muốn thọ trì cụ túc giới phải thông qua nhị bộ: Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni.
5. Nếu Tỳ-kheo-ni phạm tội hữu dư (Tăng tàn) thì phải đối trước hai bộ Tăng mà thực hành pháp ý hỷ (Ma-na-đỏa) trong thời gian nửa tháng.
6. Tỳ-kheo-ni nửa tháng phải đến bên Tỳ-kheo cần cầu giáo giới.
7. Tỳ-kheo-ni không được an cư kiết hạ ở địa phương nào không có Tỳ-kheo.
8. Khi an cư xong, phải đến Tỳ-kheo cầu ba sự: thấy, nghe và nghi.

Tám điều cung kính này được Tôn giả A-nan truyền trao lại. Maha Pajàpati Gotami và 500 người nữ hoan hỷ lãnh thọ, nguyện trọn đời phụng giữ không vi phạm. Họ y vào tôn chỉ Phật-đà, tu tập đạt đến mục đích giải thoát tối hậu, vì trong chân lý tuyệt đối, thánh quả giải thoát không giành riêng cho ai, kể cả đức Phật.

Không còn nghi ngờ gì nữa về sự ra đời và tồn tại của giáo đoàn Tỳ-kheo-ni. Chúng ta nghĩ gì khi đức Phật dăm lần bảy lượt mới hứa khả việc thành lập giáo đoàn Ni và đặc chế Bát kỉnh pháp cho Ni giới. Ngài là bậc rốt ráo cao siêu về mặt tâm sinh lý, tuệ giác của Ngài thông hiểu hoàn toàn bản chất của nữ giới. Ngài thấy được khế thời, khế cơ mà độ cho Ni giới. Nhưng, Gotami là di mẫu của Thế Tôn, chắc chắn không thể tránh khỏi việc ỷ vào địa vị và quan hệ cốt nhục của mình mà gây những hệ lụy cho Tăng đoàn. Chính những điểm này mà Ngài đặc chế Bát kỉnh pháp để họ có thể tiến đến quả vị giải thoát mà không hề ảnh hưởng đến sự tôn vinh của Phật pháp. Với thiên chức của người mẹ, cùng bản chất yếu mềm của nữ giới có thể chính là những trở ngại lớn lao cho đời sống độc thân của chư Tỳ-kheo-ni.

Như vậy, đức Phật vạch rõ yếu kém và khuyết điểm của Tỳ-kheo-ni là nhằm giúp họ xác định những khó khăn gây trở ngại cho sự nỗ lực thành tựu mục tiêu của họ. Ngài đã khuyến khích họ thận trọng, canh phòng các cuộc tấn công của những khát vọng cám dỗ và truyền chế Bát kỉnh pháp khi chấp nhận nữ giới xuất gia, để họ tiến đến quả vị giải thoát. Tám điều cung kính ấy giúp nữ giới hàng phục tánh ngã mạn ngay trong đời sống tu hành. Hơn nữa, giúp họ giữ được vị trí thích hợp với tâm tánh của mình, giúp họ giữ được trạng thái điều hòa và thuận thảo, đem lại tình giao hảo thích nghi giữa Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni. Đặc biệt, tám điều này sẽ bảo vệ nữ giới thoát khỏi những khát vọng nhục dục thấp hèn có thể xảy ra.

Việc nữ giới được xuất gia chính là thọ nhận và hành trì Bát kỉnh pháp, vì Bát kỉnh pháp chính là giới, mà giới là thầy, là hành lang an toàn, là tường thành vô hình kiên cố đi đến thánh quả. Hơn nữa, Bát kỉnh pháp là tràng hoa trang sức cho nữ giới thêm lộng lẫy nếu ai biết trân trọng nó.

Chúng ta phải thấy rằng, Bát kỉnh pháp là linh hồn của Ni giới, như trong Luật Tứ Phần Tỳ-kheo-ni có ghi: “Như vậy đó A-nan! Ta nay nói Tám kỉnh pháp suốt đời tôn trọng không được tái phạm, nếu người nữ nào thực hành đúng tức là đã thọ giới. Cũng ví như có người muốn qua dòng nước lớn phải bắc cầu đi qua.” Bát kỉnh pháp được đức Thế Tôn chế ra với mục đích là tạo điều kiện để Tỳ-kheo-ni đi đến thánh quả chứ không phải để hạ thấp họ. Chúng ta nên nhớ một điều: nếu không có tám pháp cung kính đó thì không có giáo đoàn Tỳ-kheo-ni, cũng không có ai là Tỳ-kheo-ni.

Ở đây xin được bàn thêm về vấn đề bình đẳng giữa nam giới và nữ giới ở ngoài xã hội và trong Phật pháp. Hai vấn đề này hoàn toàn khác nhau. Bởi, bình đẳng trong giáo pháp là bình đẳng ở cấp độ tu chứng quả vị, bình đẳng ở lĩnh vực tâm linh. Vào thời đức Phật đã có rất nhiều phụ nữ trong số những đệ tử Phật chứng được quả vị như nam giới mà trong kinh đã nói rõ. Sự kiện nỗ lực tiến tới giải thoát của Ni giới đã để lại trong nền văn học Phật giáo những tấm gương vẻ vang, và chứng tích này còn được ghi lại qua những bài thi kệ được ghi trong Tam tạng Pàli:

- Therigàtha (Trưởng lão ni kệ): gồm những bài kệ của 73 vị tu sĩ lớn tuổi.
- Bhikkhuni Samyutta: Những thi kệ của 10 vị trưởng lão Ni trong số 73 vị ấy.
- Apadàna: Là tập tiểu sử viết bằng thơ, kể lại cuộc sống của 40 vị Ni sống đồng thời với đức Phật.

Còn bình đẳng ngoài xã hội là bình đẳng trong công việc và địa vị, nam giới làm được điều gì thì nữ giới cũng làm được điều đó. Do đó, chúng ta cần hiểu rõ vấn đề bình đẳng của thế gian và xuất thế gian, để không phải than vãn Tám pháp cung kính là vấn đề ràng buộc.

Dù cho lịch sử luôn vận hành, xã hội có khác đi, thì Bát kỉnh pháp vẫn mang một giá trị tối thượng là nhằm giúp nữ giới đạt đến quả vị ngang tầm với nam giới. Nhờ Tám pháp không thể vượt qua mà nữ giới tránh được những tai họa cho chính mình, giữ được đạo đức, phẩm hạnh, phát huy được trí tuệ rốt ráo. Có thể nói, nhờ Tám pháp cung kính này mà nữ giới đã xây dựng cho Ni bộ một nền tảng vững chãi, giữ gìn được sự thanh khiết, thánh thiện giữa Tỳ-kheo và Tỳ-kheo-ni hơn mấy ngàn năm.

 

Lam Yên