Văn hóa mùa lễ hội, tại sao không?


alt
 Trong biểu đồ phát triển kinh tế-xã hội của nước ta, TP.HCM một thời được mệnh danh là Hòn ngọc Viễn Đông, luôn là trung tâm tổng hòa các mối quan hệ đa phương, đa chiều.

 

Trong hoàn cảnh thuận lợi đó, các sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tại đây có đủ điều kiện để phát triển với nhiều hoạt động đầy tiềm năng mà nhiều địa phương khác khó thể sánh kịp. Nhiều thập niên qua, với các hoạt động Phật sự sinh động, phong phú của mình, Phật giáo TP.HCM đã trở thành cánh chim đầu đàn trong tổ chức GHPGVN.

Nhìn nhận như vậy để thấy rằng tiềm năng và triển vọng trên vùng đất giàu có về tài nguyên và con người này kể từ khi được hình thành năm 1698 là vô tận. Bước chân hành hóa của các nhà sư du phương trong đoàn người di dân khẩn đất hàng trăm năm trước đây đã chứng tỏ sự hòa quyện chặt chẽ của mạch sống Phật giáo trong cộng đồng cư dân bản địa. Trong các năm gần đây, không khí cởi mở từ làn gió đổi mới thời hội nhập đã tạo cơ hội cho các sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh ở nhiều địa phương trong cả nước có điều kiện phát triển theo hướng năng động, dám nghĩ dám làm, tạo bước đột phá trong quy trình xây dựng sự kiện văn hóa mang tính phổ cập rộng rãi trong các dịp lễ lớn như: Phật đản, Vu lan hay những hoạt động Phật sự quan trọng tại địa bàn, biến nó thành một lễ hội thực sự của quảng đại quần chúng. Đấy rõ ràng là cách làm đúng, theo hướng cụ thể hóa và hiện thực hóa đạo Phật trong đời sống, mang con người đến gần với đạo Phật từ góc nhìn thực tế.

Đem tâm tình này trao đổi với một vị giáo phẩm phụ trách văn hóa Phật giáo TP.HCM: "Tại sao các sự kiện và sinh hoạt Phật giáo một số nơi như ở Thừa Thiên Huế, Kiên Giang, Đà Nẵng… lại được tổ chức quy mô, mang sắc thái phong phú, sinh động và sáng tạo… Trong khi đó, TP.HCM luôn tự hào là một trung tâm lớn của cả nước nói chung và Phật giáo nói riêng, với đầy tiềm năng về vật chất, mà hoạt động văn hóa trong các dịp lễ lớn thì lại quá èo uột, không thể hiện được nét đặc thù của mình! Đến hẹn lại lên…, trong ngày Phật đản, Vu lan chỉ có lèo tèo vài ba triển lãm, chương trình văn nghệ… quá đơn điệu, nhạt nhẽo. Đó là điều đáng buồn không chỉ riêng ngành văn hóa!".

HT.Thích Trí Tịnh, Chủ tịch HĐTS đã từng nói: "Lịch sử PGVN lúc hưng thịnh sẽ có các vị Thánh tăng ra đời; lúc Phật giáo không được phát triển sẽ xuất hiện một hiện tượng "nghịch duyên" làm cản trở con đường phát triển. Đây chính là quy luật thành trụ hoại không trong Phật giáo".

Nhìn vào hoạt động Phật sự của Thừa Thiên Huế dịp chào mừng Đại lễ Phật đản PL.2554 và Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc tại Kiên Giang gần đây mới thấy thấm thía lời dạy của HT Chủ tịch. Trước hiện tình Phật giáo TP.HCM, chúng tôi thiết nghĩ vâng hành ý chỉ của HT Chủ tịch Giáo hội xem như một pháp thoại đầy ý nghĩa, một giải pháp nhằm hóa giải những ưu tư, trăn trở của lớp người thiết tha với sự nghiệp hưng thịnh của tổ chức Phật giáo tại địa phương từng là niềm tự hào, hãnh diện trong bước đồng hành cùng dân tộc.

Còn đó trước mặt nhiều sức ỳ và lực cản, nhưng tin tưởng vào truyền thống Phật giáo thành phố đầy tiềm năng và sức sống sẽ góp phần tạo nên động lực phát triển không ngừng, khi nhân duyên và thời điểm cùng hội tụ. Sự thăng hoa trí tuệ chỉ được kết tinh khi các việc làm vì Đạo, vì Đời đều hướng tới phục vụ lợi ích thiết thân của số đông.

 

Thanh Thiện (Giác Ngộ )