HOẰNG PHÁP VỚI VẤN ĐỀ XÂY DỰNG CHÙA VĂN HÓA


http://phatgiaovnn.com/news/mods/News/pic/1217034481.jpg

Nói đến văn hóa là nói đến toàn bộ sinh hoạt, đời sống của cả một dân tộc. Nói đến văn hóa Việt Nam tức là nói đến văn hóa Phật giáo. Vậy, nói “Hoằng pháp với xây dựng chùa văn hóa” tức đồng nghĩa với việc xây dựng một nếp sinh hoạt văn hóa từ hình thức đến nội dung sinh hoạt của một ngôi chùa. Chúng ta có thể hiểu như thế để vấn đề đặt ra được cụ thể và sống động hơn.

Từ ngàn xưa, đối với người dân Việt, ngôi chùa chẳng những là một trung tâm văn hóa của làng xã, mà còn là trung tâm giáo dục đối với người dân trong cộng đồng làng xã ấy. Bởi lẽ, nói như lời Hòa thượng Hộ Giác trước đây “ Văn hóa phát xuất từ mạch nước nhân tính và hội ngộ ở đại dương nhân bản”. Có thể hiểu văn hóa chính là sinh hoạt của con người và các sinh hoạt văn hóa gặp nhau trong một đại thể rộng lớn là xây dựng con người. Đức Phật thị hiện ở thế giới Ta bà không ngoài mục đích xác lập giá trị nhân bản trước mọi thế lực thần quyền, đồng thời giáo hóa cho con người những pháp môn nhằm khuất phục mọi ác ma, tiến lên làm chủ chính bản thân mình mà hướng đến giác ngộ giải thoát.

Trên nền tảng nhân bản của giáo lý Phật đà, công tác hoằng pháp chính là truyền bá văn hóa đạo Phật mà Đức Thích Ca Mâu Ni đã dày công tu chứng và trao truyền lại cho chúng ta gần 3000 năm qua. Đặc biệt, tri thức loài người ngày càng phát triển thì tuệ giác Phật càng hiển lộ giữa trần gian.

Ở phạm vi đề tài “ Hoằng Pháp Với Xây Dựng Chùa Văn Hóa”, một nội dung khá bao la, tại bài tham luận này, chúng tôi chỉ mạn phép đề cập hai vấn đề mang tính cơ bản về hình thức và nội dung sinh hoạt mang đậm tính văn hóa chùa chiền.

Trước tiên, đạo Phật du nhập vào dân tộc nào, đều khế hợp một cách nhuần nhuyễn bản sắc văn hóa của dân tộc đó. Đó là điểm kết hợp nhẹ nhàng và bền vững trong bước tồn tại và phát triển của Phật giáo. Ngôi chùa Việt Nam bao đời nay đã là điểm sinh hoạt văn hóa của làng xã Việt Nam. Vậy, nên chăng, tính chất ấy cần được phục hồi và phát huy trong thời đại ngày nay? Tất nhiên là dưới một dạng khác, khoa học hơn, uyển chuyển hơn, phù hợp với văn minh công nghiệp. Hoặc tối thiểu là chốn di dưỡng tâm linh cho nhân dân các giới sau những ngày giờ căng thẳng do bởi những công trình và máy móc hiện đại. Cần thiết có khoảng trống mặt bằng và thời gian cho những đối tượng trong xã hội công nghiệp ngày nay lui tới sinh hoạt, di dưỡng nguồn tâm linh mà cuộc sống lắm toan tính đã làm họ mệt mỏi. Vậy, vấn đề được đặt ra ở điểm này là hình thức ngôi chùa mà trong đó việc bố trí, bày biện, kể cả vấn đề kiến trúc sao cho phù hợp với nhu cầu tâm lý và cái đẹp thẩm mỹ theo quan điểm của người Á Đông. Ở đây, không phải là diễn đàn văn hóa, chúng tôi muốn đề cập về cái sai, cái đúng trong kiến trúc chùa chiền ngày nay. Điểm mà chúng ta cần đề cập chính là vai trò hoằng pháp vừa là vai trò xây dựng văn hóa chùa chiền, cũng có ý nghĩa là phát huy tính văn hóa, xây dựng nếp sống văn hóa nhà chùa nơi các tầng lớp đối tượng của hoằng pháp là quần chúng tới lui sinh hoạt, tìm lại phút bình an cho cuộc sống.

Điểm thứ hai, chúng tôi muốn đề cập là vấn đề văn hóa thể hiện nơi mỗi quần chúng Phật tử mà người hoằng pháp có trách nhiệm xây dựng. Ở điểm này, chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh một khía cạnh “xã hội hóa văn hóa chùa chiền và văn hóa chùa chiền hóa văn hóa xã hội”. Hiện nay, trong những sinh hoạt văn hóa lễ hội, hình thức trang phục của quần chúng Phật tử làm hẹp tính xã hội vốn rộng lớn của các lễ hội Phật giáo. Cụ thể chúng tôi muốn đề cập, có nên chăng, những đại lễ Phật giáo mang tính lễ hội cần khuyến khích Phật tử các giới ăn mặc y phục đẹp đẽ bình thường của họ, như nam giới cứ mặc âu phục, nữ giới mặc áo dài truyền thống, nam thanh nữ tú để cho họ ăn mặc tự nhiên bình thường, miễn là trang nghiêm, tươm tất. Đặc biệt chiếc áo tràng lam, hay còn gọi là áo giới chỉ dành cho các đạo tràng trong các sinh hoạt tu tập mang tính chất tập thể của đạo tràng đó. Đó là chưa nói vấn đề chiếc áo giới hiện nay bởi quá lạm dụng đã dẫn đến tính thiếu nghiêm túc nơi mỗi người Phật tử khi đi lễ chùa và cả khi có lễ lược trong gia đình hoặc đám đình, tang ma; cứ cái áo tràng là có năng lực bảo bọc tất cả, để người thiện tín mặc sức nghĩ rằng ta đã gần với Phật rồi vậy. Vấn đề này còn tác hại đến một đại bộ phận giới trẻ, buộc họ tự tách rời ra ngoài quần chúng được gọi là Phật tử có áo tràng. Mà số Phật tử tạm gọi là “không áo tràng” này, trong xã hội ngày nay đâu phải là ít! Vậy, tại sao chúng ta tự giới hạn số quần chúng Phật tử, mà theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo chính phủ có đến 10 triệu tín đồ đã quy y Tam bảo, đó là chưa kể khoảng 70% người dân Việt Nam chịu ảnh hưởng của Phật giáo về văn hóa, lối sống ở những mức độ khác nhau. Chúng tôi thiết nghĩ 70% người dân Việt, trong số này có không ít người còn am tường Phật pháp hơn cả một số người trong 10 triệu tín đồ Phật giáo hiện nay mà Ban Tôn giáo đã thống kê thành số liệu. Lại nữa, đã chắc gì những Phật tử mặc áo tràng, áo giới trong các lễ hội của Phật giáo là những Phật tử trong 10 triệu người đã quy y ấy. Chúng tôi cho rằng, số người mặc áo tràng, áo giới chỉ chiếm một số rất ít trong 10 triệu tín đồ đã quy y Tam bảo. Vì vậy, tại sao chúng ta không lấy cái số đông đảo kia mà xã hội hóa hình thức sinh hoạt của các lễ hội Phật giáo như chính chủ trương của Giáo hội đã đề ra và khuyến khích.

Trên đây là một vài ý kiến thô thiển mà chúng tôi suy nghĩ qua thực tiễn các lễ hội, xin được trình bày tại cuộc hội thảo hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại tỉnh Kiên Giang như một ý kiến nhằm để tham khảo trong vai trò của người hoằng pháp. Nếu được chư tôn đức đưa vào suy nghĩ, thì đây là một trong nhiều phương cách nhằm xã hội hóa các lễ hội Phật giáo./.

 

(Trích Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

Thích Hải Định

(theo giaohoiphatgiaovietnam.vn)