HOẰNG PHÁP VÀ SỰ LIÊN HỆ CÁC TỰ VIỆN


http://phattuvietnam.net/files/nsd1.jpg

Nhà thơ Huyền Không trong bài “Nhớ Chùa” đã có hai câu thơ bất hủ:

“Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông”.

Từ ngàn xưa, các ngôi tự viện là nơi an trú của nhân dân. Năm 544 Tây Lịch, vua Lý Nam Đế lên ngôi lấy quốc hiệu là Vạn Xuân. Công việc đầu tiên vua làm là xây dựng ngôi chùa Khai Quốc, ngày nay là chùa Trấn Quốc. Khai Quốc là mở nước, vua đã chọn Phật giáo làm kim chỉ nam cho công cuộc mở nước. Sau này đến triều Lý, chùa được đổi tên là Trấn Quốc tức là giữ nước. Như thế, chúng ta có thể biết được ngôi chùa đã có một sự quan hệ mật thiết đối với quốc gia dân tộc. Dĩ nhiên, trước khi có chùa, phải có người làm chùa, trước khi có người làm chùa phải có người thuyết giảng chánh pháp, để từ đó ngôi chùa xuất hiện. Do đó, trong phạm vi bài tham luận, chúng tôi cố gắng trình bày “Mối liên hệ giữa ngôi chùa và công cuộc hoằng dương chánh pháp”.

Trước hết, ngôi chùa là nơi để thờ giáo chủ của Đạo Phật. Hơn nữa, ngôi chùa là nơi nhân dân hành hương lễ bái, tu tập và sau cùng ngôi chùa là nơi để cho những ai quay về tìm lại với chính mình. Thời Phật còn tại thế, nơi Đức Phật và chư Tăng trú ở được gọi là Tinh xá, mà chúng ta thường biết các tinh xá quen thuộc được giới thiệu qua kinh điển như Tinh xá Trúc Lâm, Kỳ Hoàn... Rồi Phật giáo truyền sang các nước, chỗ thờ Phật và nơi ở của chư Tăng cũng tùy theo phong tục, tín ngưỡng của người dân mà hình thành. Tại Việt Nam, theo Nam Bắc truyền, cơ sở tín ngưỡng ấy được gọi là Chùa, Phật học viện hay Niệm Phật đường, riêng hệ phái Khất sĩ thì cơ sở ấy được gọi là Tịnh xá. Kiến trúc của ngôi chùa Việt Nam cũng rất đa dạng, nhưng nét chung là chùa có mái cong, có chánh điện, hậu tổ, Tăng đường, khách đường, giảng đường. Có nơi thêm các hạng mục như Quan Âm Các, Di Lặc điện, Địa Tạng điện... để thờ riêng các vị Bồ tát có hạnh nguyện độ sinh ảnh hưởng lớn lao đến quần chúng nhân dân Phật tử.

Ngày xưa, tại các làng xã thường không có trường học, chỉ đến thời Lý Trần thì vua mới mở trường dạy học, tổ chức các khoa thi cử để chọn người tài ra giúp nước. Trước đó chỉ có chùa và đình. Mỗi làng đều có chùa và đình. Chùa để sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, giáo dục. Đình để hội họp, xử lý các vụ kiện tụng hoặc cúng tế xuân thu... Cho nên đích thực từ ngày xưa, ngôi chùa đã là cơ sở văn hóa giáo dục đào tạo người hiền đức mà vua Lý Thái Tổ - người sáng lập nhà Lý, từng được nuôi dưỡng và giáo dục tại chùa của Quốc sư Vạn Hạnh. Sơ kỳ của thời độc lập tự chủ tức là thời Ngô, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, người tài giỏi học thức rất hiếm, các nhà sư phải nhập thế, trợ giúp các vua chúa đương thời để lãnh đạo nước nhà, đưa đất nước đến thời kỳ độc lập tự chủ, dân giàu nước mạnh, mà lịch sử đã ghi lại khá rõ, tiêu biểu là các thiền sư Khuôn Việt, Đỗ Thuận, Vạn Hạnh, Minh Không... Ngôi chùa của Việt Nam tồn tại như thế trong lòng dân tộc hàng nghìn năm và đã đóng góp không ít công sức của mình vào sự trường tồn của dân tộc.

Ngày nay, đất nước đã hòa bình độc lập, đất nước đang đổi mới để tiến lên sánh vai với các cường quốc trên thế giới. Phật giáo cũng hòa mình trong đó, tiếp tục sứ mạng đem an lạc đến cho quần chúng nhân dân, đem tình thương đến cho muôn loài, tiếp tục giúp cho những ai bị đau khổ thoát khỏi đau khổ, những ai muốn an vui được an vui. Để hoàn thành sứ mạng ấy, Phật giáo lại càng phải tự thân tiến bộ không ngừng, tiến bộ về mặt thống nhất lãnh đạo, xây dựng cơ sở, củng cố niềm tin không ngừng cho Phật tử trong nước mà còn rộng ra đến các Việt kiều hải ngoại. Muốn được như vậy thì cần xúc tiến mạnh công tác hoằng pháp và cụ thể là tại các cơ sở tín ngưỡng của Giáo hội, tức là chùa chiền, tịnh xá, niệm Phật đường...

Các vị trụ trì cần ý thức rõ sứ mệnh của mình là “Trụ pháp vương gia, Trì như lai Tạng”, không biến ngôi chùa mình ở thành ngôi chùa “tư” chỉ sinh hoạt riêng lẻ, không tham gia, không đóng góp cho các công tác của Giáo hội. Các vị trụ trì cần tổ chức các khóa tu học, theo các pháp môn mà Phật đã dạy, chư Tổ đã truyền bá và phát triển. Nhìn lại thì Phật giáo Việt Nam có tông môn chính là Thiền và Tịnh. Các tự viện theo tông phái Thiền và Tịnh cần tổ chức các thời khóa tu học, nên thỉnh cử các vị giảng sư thông hiểu giáo nghĩa của tông môn để truyền bá, phát triển giáo nghĩa của tông môn được hữu hiệu. Ngoài ra, hằng năm nửa tháng hoặc một tháng nên tổ chức các buổi diễn pháp, pháp đàm, pháp thoại để cho thập phương bá tánh có điều kiện am hiểu thêm về chánh pháp, để loại trừ dần những tập tục mê tín dị đoan ẩn hiện trong nếp sống của mỗi Phật tử, trong nhân dân. Ban Hoằng pháp tại Trung ương cũng như địa phương cần có những bản tin để theo dõi, đốc thúc, động viên các vị trụ trì để việc Hoằng pháp lợi sanh có kết quả tốt đẹp.

Trên đây là những tư duy và thao thức của chúng tôi về mối quan hệ giữa công tác Hoằng pháp và các ngôi tự viện. Thiết nghĩ, Phật pháp phát huy là phát huy từ cơ sở, không phải chỉ ở các tự viện lớn, không phải chỉ ở Trung ương hay Ban trị sự các tỉnh thành. Căn bản hơn cả vẫn là tại các tự viện. Nếu việc Hoằng pháp được phát triển mạnh tại các chùa cơ sở, các tự viện thì hai câu thơ nổi tiếng của thi sĩ Huyền Không mới thật sự thập phần viên mãn. Chúng tôi xin cảm tác bốn câu thơ để kết thúc tham luận này:

“Chùa tôi chùa của muôn nhà

Chung tay xây dựng Ta bà nên thơ

Chùa tôi chùa của muôn nơi

Chuông ngân Giáo pháp cõi đời lạc an”.

Thích Từ Nghiêm

Ban Hoằng pháp Thành phố Đà Nẵng

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

theo giaohoiphatgiaovietnam