Đại lễ Phật đản LHQ 2010 trong thời chiến sự tại BangKok

image

Tường thuật từ Bangkok, ngày 25-5-2010. Đại lễ Phật đản LHQ 2010 đã diễn ra trong sự bình an ngoài dự kiến. Gần 1500 đại biểu Thái Lan và khoảng 1800 đại biểu PG quốc tế, với hơn 500 phái đoàn đến từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự Đại lễ tại Bangkok và Ayutthaya.

Phật đản LHQ diễn ra ngoài dự kiến

Tôi và TT.TS. Dharmaratana (Pháp), Phó chủ tịch Uỷ ban Tổ chức quốc tế và TT. Chaochu (Hoa Kỳ) và một số vị thường trực Uỷ ban tổ chức quốc tế Đại lễ Phật đản LHQ đã có mặt tại Bangkok vào ngày 19-5-2010 tham dự phiên họp trù bị đầu tiên của Uỷ ban quốc tế trong những ngày cận đại lễ.

Trên đường từ phi trường quốc tế về đại học Mahachulalongkorn, huyện Wangnoi, tỉnh Ayutthaya, vào khoảng 15h00 cùng ngày, đoàn chúng tôi nhìn thấy một chiếc xe hàng chở nhiều bánh xe cũ dừng lại ở giữa đường, phát hoả đốt các bánh xe, khói đen ô nhiễm một góc trời, ngay sau khi nghe tin thủ lĩnh phe áo đỏ đã đầu hàng chính phủ, vì không muốn chứng kiến cảnh thương vong ngày càng cao, giữa quân đội của chính phủ và hàng ngàn người áo đỏ đến từ nhiều tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Lệnh giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 6 giờ sáng từ ngày 20-23/5 tại Bangkok và tại 18 tỉnh miền Bắc và phụ cận đã được ban hành lần đầu tiên kể từ năm 1992, làm cho tình hình ở Bangkok trở nên căng thẳng với nhiều sợ hãi hơn.

Thường trực Uỷ ban Tổ chức quốc tế của đại lễ Phật đản LHQ 2010 đã nhóm họp vào tối đêm 19-5-2010 để cân nhắc các khả năng thay đổi điểm tổ chức ngày bế mạc đại lễ.  HT.TS. Dharmakosajarn, Chủ tịch Uỷ ban tổ chức Đại lễ cho biết: “Thủ tướng chính phủ đã cam kết thiết chặt an ninh cho các đại biểu quốc tế tại các khu vực tổ chức đại lễ,” đồng thời tha thiết kêu gọi lãnh đạo Phật giáo các nước hãy đến Bangkok tham dự đại lễ, cầu nguyện hoà bình, kết thúc cảnh bạo loạn ở thủ đô của đất nước những nụ cười.

Kế hoạch B của Uỷ ban tổ chức quốc tế là nếu chiến sự không kết thúc trước ngày 23-5 thì lễ bế mạc tại Trung tâm LHQ châu Á Thái Bình Dương, Bangkok sẽ được dời về Trung tâm Phật giáo quốc tế Buddhamonthon. Rất may, vào ngày thứ tư 20-5-2010, chính phủ đã khống chế tình hình và giải tán nhóm biểu tình áo đỏ. Hàng ngàn người áo đỏ đã được chính phủ sắp xếp xe buýt đưa về tỉnh quê trong an toàn, kết thúc cuộc biểu tình đẫm máu hơn 2 tháng.

Cuộc bạo loạn ở Bangkok đã ảnh hưởng ít nhiều đến đại lễ Phật đản LHQ 2010. Một số lãnh tụ thế giới và lãnh tụ Phật giáo đã huỷ các chuyến bay, trong đó có thủ tướng Tích Lan, công chúa Bhutan, hoàng gia Campuchia, các Đại sứ tại Bangkok, Tăng thống Tep Vong (Campuchia); Hoà thượng chủ tịch Liên hiệp PG Lào.

Đến giờ cuối, đại lễ Phật đản LHQ 2010 đã diễn ra trong sự bình an ngoài dự kiến. Gần 1500 đại biểu Thái Lan và khoảng 1800 đại biểu PG quốc tế, với hơn 500 phái đoàn đến từ 78 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tham dự Đại lễ tại Bangkok và Ayutthaya.

 

Phật đản và sự phục hồi toàn cầu

Chủ đề chính của Đại lễ Phật đản LHQ 2010 là: “Sự phục hồi toàn cầu từ cái nhìn Phật giáo,” được thể hiện qua các phương diện, mỗi phương diện là một diễn đàn mở rộng, bao gồm: 1) Sự phục hồi toàn cầu qua sự bình an của nội tâm, 2) Sự phục hồi toàn cầu qua giáo dục Phật giáo, 3) Sự phục hồi toàn cầu qua cộng tồn trong hòa hợp, 4) Sự phục hồi toàn cầu qua sinh thái Phật giáo, và 5) Sự phục hồi toàn cầu qua Phật giáo nhập thế. Ngoài ra, còn có hai diễn đàn chuyên môn: a) Hiệp hội các trường đại học Phật giáo, và b) Dự án về bộ Kinh điển PG thống nhất.

Phái đoàn PGVN trong nước và ngoài nước gần 300 vị, trong đó, đoàn chính thức của GHPGVN do HT.Thích Giác Toàn, Phó chủ tịch GHPGVN làm trưởng đoàn. Đoàn Việt Nam có bài phát biểu chính thức của HT. Giác Toàn và 5 bài thuyết trình (TT. Tâm Đức, TT. Viên Trí, NS. Huệ Liên, NS. Tịnh Vân và tôi) trong đó, tôi thuyết trình hai đề tài tại hai diễn đàn và làm chủ toạ của phiên hội nghị về dự án Kinh điển PG.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Hoà thượng Phó chủ tịch Hội đồng Điều hành của Tăng thống Thái Lan khẳng định: “Đức Phật trở nên quan trọng đối với thế giới con người thế nào thì đại lễ Phật đản LHQ có ý nghĩa văn hoá đối với con người chừng ấy.” Hoà thượng tiếp tục khẳng định: “Tổ tiên chúng ta đã thông minh khi chọn đạo Phật như phương cách sống. Chúng ta được thừa kế truyền thống này, nhằm góp phần xây dựng hoà bình, hạnh phúc và bình an cho mọi người.”

Trong diễn văn chào mừng, sau khi điểm qua chương trình làm việc ba ngày, HT.TS. Dharmakosajarn, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức quốc tế của Đại lễ, đã nói từ trái tim với sự xúc động chân thành: “Đất nước, Phật giáo và dân chúng Thái Lan vô cùng biết ơn các vị lãnh tụ Phật giáo, các quan khách và hàng ngàn Phật tử khắp năm châu đã đến Thái Lan trong giai đoạn khó khăn nhất của chúng tôi, trong khi các phương tiện truyền thông quốc tế khuyến cáo không nên đến Bangkok. . . Bạn lúc cần mới là bạn thật sự.”

Xác định tầm quan trọng của đại lễ, Hoà thượng tiếp tục chia sẻ: “Trí tuệ và đạo đức Phật giáo có khả năng mầu nhiệm trong việc giải quyết các vấn nạn toàn cầu và quốc gia. Với tư cách là những người phục vụ cho đại lễ, tôi mong đợi trí tuệ và cam kết toàn cầu của quý vị, sớm đưa ra các giải pháp thiết thực và hữu hiệu cho các khủng khoảng chính trị, đạo đức, môi trường và tài chính.”

Hơn 200 thông điệp của lãnh tụ Phật giáo thế giới, các quan chức chính phủ trong và ngoài nước đã gửi đến chúc mừng ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời đức Phật là đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn.

Trong lễ Bế mạc tại Trụ sở LHQ châu Á Thái Bình Dương, Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva tin tưởng vào giáo pháp Phật như phương thuốc trị liệu các khổ nạn mà con người đang đối diện: “Phật pháp có thể được ứng dụng như một công cụ mang lại hoà bình thế giới. Các nguyên lý bất bạo động, sự cộng tồn trong hoà hợp, từ bi và sự tương trợ trở nên quan trọng trong xã hội ngày nay.”

Sau ba ngày làm việc với tinh thần cam kết, Uỷ ban Tổ chức quốc tế đã đúc kết các mối tâm và giải pháp Phật giáo cho các khủng hoảng toàn cầu, thành bản Tuyên ngôn Bangkok 2010 gồm nhiều điều ứng dụng thiết thực.

Gần 2000 đại biểu quốc tế và gần 30,000 chư Tăng và Phật tử Thái Lan hội tụ về Buddhamonthon, Trung tâm Phật giáo thế giới làm lễ đốt nến, cầu nguyện hoà bình đến với thế giới, đất nước Thái Lan và mọi chúng sinh trên hành tinh này.

Triển lãm đặc sắc về Đại Tạng Kinh quốc tế, chương trình văn nghệ Phật giáo thế giới, đoàn xe hoa diễu hành và hàng ngàn lời tụng niệm ngân vang, đã làm cho đại lễ Phật đản LHQ 2010 năm nay diễn ra một cách ấn tượng, ngầm giúp cho người dân Thái Lan nói chung, Bangkok nói riêng sớm quên đi nỗi đau bạo động, chiến sự, chết chóc và tang thương; hướng tâm về sự hoà giải dân tộc, góp phần xoá đi các khoảng cách dị biệt, chung xây hạnh phúc và bình an trong “đất nước của những nụ cười.” Chiến sự đẫm máu tại Bangkok đã dừng, nhường bước cho sự bình an đến từ đại lễ Phật đản LHQ. Đây chính là sự mầu nhiệm của chuyển hoá.

 

alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt


alt

 

Thích Nhật Từ

theo daophatngaynay