Phật giáo: Ngọn đuốc soi đường cho nhân loại


AMC (3).JPG

Mô hình cộng đồng sống trong tình thương và hiểu biết, cùng nhau chia sẻ, giúp đỡ, đoàn kết, hòa hợp, hòa bình, phát triển, mà nhân loại đang mơ ước, đã được Đức Phật đề ra và thiết thân thể nghiệm trong cuộc đời giáo hóa độ sinh của Ngài từ hơn 2.500 năm trước. Thật vậy, trên bước đường du hóa, Ngài đã cứu độ được nhiều người thoát khỏi cuộc sống bế tắc khổ đau và đặc biệt, Ngài đã phá vỡ những định kiến sai lầm có từ ngàn đời tạo thành một xã hội bất công, khiến người dân Ấn phải gánh chịu đời sống bất an, thống khổ, nghèo đói, lạc hậu. Với trí tuệ của bậc Toàn giác, Đức Phật đã khai tâm mở trí cho con người, để họ không sống mê muội theo tà giáo, không còn những suy nghĩ khiếp sợ thế lực vô hình do tà giáo đặt ra.

Đến khi Phật Niết bàn, tuy Ngài không hiện hữu trên thế gian này; nhưng những lời chỉ dạy quý báu của Ngài vẫn luôn là ngọn đuốc soi đường cho các dân tộc khắp năm châu, tạo nên sức sống Phật giáo muôn màu muôn vẻ.

Riêng đạo Phật đã gắn bó với dân tộc Việt Nam gần 20 thế kỷ, vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc trong cuộc sống của người dân Việt. Đó là nhờ truyền thống nhập thế của Phật giáo Việt Nam đã làm lợi lạc cho đất nước, cho dân tộc.

I. Phục hồi đạo đức theo Phật giáo

Có thể nói trình độ văn minh của loài người ở thế kỷ XXI thật quá siêu đẳng và công bằng mà nói, sự phát triển văn minh ấy đã mang đến cho đời sống con người được nhiều tiện nghi vật chất và tạo được không ít kết quả tốt đẹp ở một số lãnh vực hoạt động. Nhưng bên cạnh những thành công tốt đẹp của xã hội văn minh ngày nay, điều thảm hại đến mức độ nhân loại đang gióng lên hồi chuông báo động rằng đạo đức của con người đang bị suy sụp trầm trọng và điều nghịch lý là văn minh vật chất càng lên cao thì đạo đức con người càng xuống thấp.

Quan điểm này đã được học giả nổi tiếng P.A. Payutto phát biểu rằng: Cùng với sự tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt cái gọi là kỹ thuật cao đề cập đến những thông tin liên lạc, ngày càng nhiều những công cụ làm việc mang lại hiệu quả vì tính tham lam và lòng sân hận. Ngành kỹ thuật đã trở thành tay sai của sự tham lam và lòng căm hờn, sự tiến bộ kỹ thuật trong hình thức phát triển công nghiệp hầu như không giới hạn. Ngành khoa học, công nghệ và sự tiến bộ kỹ thuật thông tin liên lạc thường ru ngủ con người vào trong sự tiêu hủy, đần độn, say sưa, lơ là hơn là sự phát triển cá nhân, hoặc sự quân bình cuộc sống. Chúng được sử dụng như những công cụ để mưu cầu mục đích khát vọng và với việc làm như thế, khiến phát khởi lòng sân hận vì sự ganh đua mà chúng tạo ra. (1)

Để khắc phục tất cả những những khó khăn và sự tác hại cho đời sống con người như vừa nêu trên, chúng ta cần áp dụng tinh thần căn bản của Phật dạy cho con người trong cuộc sống hàng ngày rằng sự tri túc là chính yếu. Nghĩa là trước nhất, tất cả đệ tử Phật cần hạn chế lòng ham muốn, cho đến triệt tiêu những ham muốn vô bổ và hãy sống thiết thực trong sự tỉnh giác, khi đó sẽ nhận thấy rằng nhu cầu vật chất không cần nhiều như người ta thường lầm tưởng.

Xây dựng trên nền tảng của cuộc sống tri túc, không lao theo sự đua đòi hưởng thụ vật chất, là mỗi người đã góp phần không nhỏ cho việc giảm bớt sự phá hủy môi trường, giảm bớt sự cạnh tranh không lành mạnh; vì một khi tài nguyên bị khai thác cạn kiệt sẽ tiêu hủy môi trường sống bởi việc cung ứng những sản phẩm và dịch vụ chỉ nhằm thỏa mãn nhu cầu vật chất để thu lợi nhuận ngay trước mắt mà bất kể những tác hại to lớn cho sự sống của mọi người và của cả trái đất. Ý thức được sự nguy hại này, một chương trình gọi là "Giờ trái đất" kêu gọi mọi cá nhân và mọi quốc gia tắt bớt đèn thừa trong một tiếng đồng hồ vào ngày 27-3-2010 từ 20g30 – 21g30 để ngăn chặn sự thay đổi môi trường và cứu lấy trái đất của chúng ta.

Thực hiện lời Phật dạy, mỗi người tự hạn chế lòng ham muốn phát xuất từ túi tham không đáy, để phát triển tâm từ bi, bảo vệ sự sống của muôn loài, cho đến sự sống của cỏ cây, của dòng nước, của đất đai, của không khí; vì suy cho cùng, thương yêu và bảo vệ sự sống của muôn loài một cách thiết thực chính là thương yêu bảo vệ cuộc sống của chúng ta, của cả mọi người.

II. Phật giáo và bảo vệ môi sinh

Hàng đệ tử Phật thể nghiệm giáo pháp Phật dạy, không tham lam, không làm những việc tác hại đến muôn loài, qua cách sống thiểu dục tri túc. Đó là cách sống hiểu biết và cao thượng, hạn chế tâm vị kỷ, không vì làm lợi cho riêng mình mà gây tổn hại đến người khác, đến các sinh vật khác, sống hài hòa với thiên nhiên, không phá hủy môi sinh, không khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, chỉ khai thác những gì thiết yếu và khai thác có mức độ, để thế hệ kế tiếp có thể tiếp tục được hưởng của cải thiên nhiên, chứ không để con em mình phải hứng chịu những tai họa khủng khiếp gọi là "Thiên nhiên nổi giận" như trận sóng thần chẳng hạn.

Thể hiện tinh thần Phật dạy về nếp sống hài hòa với thiên nhiên, những ngôi chùa ở một số quốc gia cũng như ở Việt Nam thường được xây dựng trên đồi núi, hay trong khu rừng. Đặc biệt hơn nữa, hiện nay nạn phá rừng tràn lan gây ra nhiều tác hại ở nhiều lãnh vực mà thế giới đang cảnh báo. Trong khi đó, nhà chùa đang ra sức gìn giữ, bảo hộ rừng và trồng rừng một cách tích cực và đạt được nhiều kết quả rất tốt. Những ngôi chùa với khu rừng Thiền cây cối xanh tươi, ao hồ sạch đẹp, tỏa không khí trong lành và nếp sống an bình đã là thắng tích mà khách thập phương thường tìm đến để hưởng được sự thanh thản cho tâm hồn và sự khỏe mạnh cho thân thể. Có thể nói những đồi núi, rừng Thiền của chùa chiền chính là lá phổi trong sạch của trái đất chúng ta, một trong những yếu tố vô cùng thiết yếu cho việc bảo vệ môi trường sinh thái trong thời đại quá nhiều nhiễm ô hiện nay.

III. Sự nhập thế của đạo Phật Việt Nam

1. Đạo Phật gắn liền với dân tộc Việt Nam

Sự đồng hành mật thiết của Phật giáo với dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm đã trải qua biết bao thăng trầm. Và chính sự gắn bó sâu sắc đó đã tạo thành một mô hình Phật giáo Việt Nam mang tính chất riêng biệt, tràn đầy sức sống.

Thật vậy, từ thời kỳ sơ khai lập quốc, trong các cuộc đấu tranh sinh tử ngàn năm chống Bắc thuộc, đã có sự đóng góp rất hữu hiệu của Phật giáo. Và vai trò quan trọng của Phật giáo vào giai đoạn nước nhà vừa độc lập đã được lịch sử ghi nhận như sau: "Trong buổi đầu thời kỳ độc lập, Phật giáo là một tôn giáo chiếm ưu thế trong xã hội. Trong nước, nhiều chùa tháp được xây dựng. Riêng ở Hoa Lư, năm 973, Nam Việt vương Đinh Liễn, con trai trưởng của Đinh Tiên Hoàng cho dựng 100 cột đá khắc kinh Phật (gọi là kinh tràng). Các nhà sư là tầng lớp có học thức, có uy tín và ảnh hưởng trong xã hội. Ngoài văn hóa dân gian, lực lượng sáng tác văn học lúc đó chủ yếu cũng là các nhà sư. Những tác phẩm văn học thành văn của giai đoạn này còn lại đến nay là một số bài thơ chữ Hán của các nhà sư Đỗ Thuận, Ngô Chân Lưu, Vạn Hạnh, v.v… (2)

Ảnh hưởng của Phật giáo đạt đến mức cao nhất ở thời Lý cũng được ghi rõ trong lịch sử: "Vào đời Lý, trong xã hội, Phật giáo vẫn chiếm ưu thế và các nhà sư vẫn giữ vai trò quan trọng. Đời Lý là giai đoạn thịnh đạt nhất của Phật giáo Việt Nam. Thời bấy giờ, Phật giáo truyền bá rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân và có ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống xã hội, in rõ dấu ấn trong mọi lãnh vực văn hóa". (3)

Trong hơn 200 năm, Phật giáo đã giữ vị trí độc tôn và góp phần chính yếu cho nền văn hóa dân tộc. Ảnh hưởng của Phật giáo ăn sâu vào các ngành hoạt động thuộc văn học, mỹ thuật, kiến trúc, hội họa, điêu khắc. Về phương diện chính trị, nhờ trí tuệ và đạo lực của các Tăng sĩ, chính sách được sửa đổi văn minh nhiều hơn. Các hình phạt độc ác như ném kẻ phạm tội vào chuồng cọp, vào vạc dầu đun sôi, v.v… của vua Đinh, Lê bị hủy bỏ. Tinh thần Phật giáo đã có ảnh hưởng lớn lao đối với các vua nhà Lý đem lại sự thanh bình, an lạc cho đất nước.

Đến đời Trần, các vị vua là những chiến sĩ anh dũng đã ba lần dẹp tan giặc khét tiếng Mông Nguyên một cách vẻ vang. Đến khi nước nhà thái bình, trí tuệ của các ngài hình thành những tư tưởng trong sáng của nhà sư ngộ đạo, tạo nên dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

2. Đạo Phật đóng góp cho xã hội Việt Nam trong thời hiện đại

Đặc biệt, sau năm 1975, khi đất nước Việt Nam hoàn toàn độc lập, thống nhất, tư tưởng từ bi, vô ngã, vị tha của Phật giáo một lần nữa khẳng định được vai trò thiết yếu của đạo Phật trong lòng người dân Việt.

Thật vậy, các ngôi chùa ngay tức khắc đã trở thành địa điểm thân thương của người dân qua việc chữa bệnh, phát thuốc, hay các lớp học tình thương nuôi dưỡng, dạy dỗ những trẻ em mồ côi, khuyết tật, nghèo khổ.

Song song với việc đóng góp lợi ích cho cuộc đời, đạo pháp cũng được phát huy với việc đào tạo Tăng tài, xây dựng, tu bổ chùa chiền, phổ biến kinh sách Phật giáo, giảng kinh thuyết pháp, v.v…

Đối với công tác từ thiện xã hội, Tăng Ni và Phật tử một lần nữa lại tích cực tham gia các phong trào xây dựng đất nước và an sinh xã hội. Có những vị tu sĩ và Phật tử nguyện sống chung với những bệnh nhân bị nhiễm HIV/AIDS để an ủi, chăm sóc họ và nuôi dạy những trẻ em khuyết tật, mồ côi. Có nhiều vị tu sĩ đi tận vùng sâu vùng xa để tài trợ cho việc mổ mắt, đem lại ánh sáng cho người mù, hoặc đem lại nụ cười cho các trẻ thơ bị sứt môi. Và còn rất nhiều Tăng Ni, Phật tử đã tham gia vào các phong trào ích nước lợi dân, mua công trái, trái phiếu xây dựng Tổ quốc, xây dựng nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu, mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí, mở lớp học tình thương, mở trường nuôi dạy trẻ khuyết tật, thành lập cơ sở nuôi dưỡng người già neo đơn, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt trong và ngoài nước, v.v…

Về phương diện đối ngoại, mối liên hệ giữa Phật giáo Việt Nam với các tổ chức Phật giáo trên thế giới ngày càng mở rộng qua những hội nghị, những cuộc viếng thăm, trao đổi văn hóa, tư tưởng…

Những thành quả nói trên cộng với nhiều thành quả của các hoạt động Phật sự khác rất đa dạng, phong phú; tất cả chỉ nhằm mục đích làm lợi đạo ích đời, mở ra chân trời tươi sáng cho con đường tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam

Tóm lại, đạo Phật đã soi rọi ánh sáng từ bi và trí tuệ cho nhân loại trên khắp năm châu nói chung. Riêng Phật giáo Việt Nam được xây dựng trên nền tảng những thành quả lợi ích đã thành tựu được trong suốt chiều dài lịch sử hơn 2.000 năm. Chúng tôi tin tưởng rằng tiếp tục hướng phát triển của giới Phật giáo, với tiềm lực dồi dào, khả năng tốt đẹp, cùng với lý tưởng và truyền thống vì hạnh phúc, vì an lạc cho mọi người, Phật giáo Việt Nam có thể góp phần ưu việt nhất của mình để xây dựng một xã hội tình thương, công bằng, ấm no và hạnh phúc. Và xa hơn nữa, xây dựng một thế kỷ XXI chan hòa tình hữu nghị với các dân tộc và tôn giáo trên thế giới, giúp cho nhân loại cùng sống chung trong hòa bình, an vui và nhân ái.

Chúng tôi cầu mong tất cả mọi người hiện diện trong Đại lễ Phật đản đều tiếp nhận được những điều tốt đẹp nhất của Đức Phật trao cho, để cùng nhau thăng tiến trên con đường thánh thiện và xây dựng được ngôi nhà chung của nhân loại tràn đầy từ bi, an lạc, hòa hợp, hòa bình và thịnh vượng.

Cám ơn sự lắng nghe của quý vị.

 

HT.Thích Trí Quảng

Bài tham luận tại Lễ Phật đản Vesak, Thái Lan PL.2554 -2010)

(1) ) Bài tham luận của P.A.Payutto, Buddhist Solutions for the 21st century (Các giải pháp của Phật giáo đối với thế kỷ 21) đọc tại Nghị viện Tôn giáo Thế giới ở Chicago, 1994. (2) Trích trang 150, Lịch sử Việt Nam tập 1 của UBKHXH xuất bản 1971. (3) Trích trang 163, Lịch sử Việt Nam tập 1 của UBKHXH, xuất bản năm 1971