HOẰNG PHÁP VỚI VẤN ĐỀ DU LỊCH TÂM LINH

alt

PHẦN MỞ ĐẦU:

Phật giáo Việt Nam đã hình thành từ nước Ấn Độ xa xôi cách nay đã 2554 năm. Đức từ phụ Thích Ca Mâu ni, ngay sau khi giác ngộ, chứng quả Bồ đề, niềm vui mừng khôn xiết đã khiến Ngài mong muốn làm sao đem những điều giác ngộ, con đường giải thoát khỏi nổi đau của chúng sinh đến cho mọi người. Ngài đã đem chân lý, ánh sáng trí tuệ để truyền bá cho mọi người. Những đệ tử đầu tiên của Ngài là năm anh em Kiều Trần Như, những người cũng đi tìm con đường giải thoát như Ngài nhưng theo con đường khổ hạnh. Sau khi nghe lời pháp, họ đã giác ngộ và trở thành đệ tử xuất sắc của Ngài. Hoằng pháp Phật giáo đã hình thành đầu tiên như thế. Suốt 45 tại thế, Đức Thích ca Mâu ni đã thành lập nhiều tăng đoàn để tu tập và hoằng pháp. Đệ tử của Ngài có nhiều tăng, ni thực hiện công tác hoằng pháp vô cùng xuất sắc như các ngài: Xá lợi phất, A Nan Đà, Mục Kiền Liên. . .

Đạo Phật phát triển đến nhiều vùng lãnh thổ trên đất nước Ấn Độ từ Bắc xuống Nam, từ Tây sang Đông… Công tác hoằng pháp của Ngài đã thu hút nhiều tầng lớp phật tử từ vua quan , giới thượng lưu trí thức, thương gia… đến những người nông dân, tần lớp cùng đinh, nô lệ. Mọi người đều có cơ hội tu tập để giải thoát như nhau. Khi Ngài nhập Niết bàn, các đệ tử của Ngài tiếp tục nhiệm vụ hoằng pháp , ghi lời Phật dạy thành Kinh để lưu truyền cho hậu thế. Từ đất nước Ấn Độ, Phật giáo đã lan truyền, phổ biến đến các nước phía Nam như Tích Lan, Thái Lan, Cam pu chia; lên phía bắc qua hướng Trung Hoa , Triều Tiên … Nước Việt Nam chúng ta nằm trên bao lơn Thái Bình Dương, ngã ba thông thương trên biển giữa hai bán đảo lớn là Trung Hoa và Ấn Độ, tiếp nhận giao lưu nhiều nền văn hoá, đặc biệt là văn hoá Ấn Độ và văn hoá Trung Hoa.

Nhiều nghiên cứu lịch sử cho biết Phật giáo du nhập vào Việt Nam cách đây hơn 2000 năm. Đặc thù của giáo lý Phật giáo là uyển chuyển nên đạo Phật thích nghi với nhiều hoàn cảnh xã hội, nhiều hạng người, nhiều tập tục. Do đó, khi Phật giáo từ Ấn Độ và Trung Hoa du nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã được “bản địa hoá”, mang những đặc điểm khác biệt so với Phật giáo nguyên thuỷ và Phật giáo ở những nơi khác trên thế giới.

Công việc hoằng pháp của Phật giáo nước ta cũng mang nét đặc thù Việt Nam. Đặc biệt là thiền Trúc Lâm Yên Tử của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Nước ta cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của 1000 năm Bắc thuộc. Thời kỳ thế lực phong kiến Phương bắc cai trị nước ta, truyền thống Phật giáo Việt Nam bị cấm đoán thay vào đó là tập tục phật giáo của Trung Hoa. Thời kỳ thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, đạo Thiên Chúa được chính quyền thực dân cổ vũ, phát triển. Nhiều vùng đất của các chùa bị thực dân Pháp phá để xây nhà thờ, chủng viện. Phật giáo Việt Nam đi vào thoái trào. Ảnh hưởng Phật giáo ngày càng mờ nhạt.

Ngày nay, đất nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đánh thắng thực dân Pháp, phát xít Nhật, đế quốc Mỹ đã giành lại toàn bộ đất nước, xây dựng đất nước hoà bình, thống nhất, dân chủ, văn minh. Phật giáo Việt Nam cùng các tôn giáo khác đã được Nhà nước tạo điều kiện để hoạt động, truyền bá tín ngưỡng. Nhiều hoạt động hoằng pháp được tổ chức. Chùa chiền, tịnh xá, tịnh thất phát triển. Theo thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nước ta hiện có khoảng 45 triệu/85 triện dân đã “quy y tam bảo”, khoảng 45 ngàn tăng ni, 15 ngàn tự, viện, tịnh xá, tịnh thất, niệm Phật đường…. Đó là những con số đáng phấn khởi, song về chất lượng của những con số đó mới là vấn đề. Trong số 45 triệu người đã “quy y tam bảo” thì bao nhiêu người đã thực hành đúng, đủ giáo pháp “giải thoát”, sống thực sự “từ, bi, hỉ, xả”, bao nhiêu người đã sống “hoà hợp”. Còn bao nhiêu người vẫn có thể vì sinh kế, vì hôn nhân sẵn sàng từ bỏ Phật giáo để theo tôn giáo khác. Còn số lượng những người chưa về nương bên tam bảo nếu không có biện pháp tích cực tuyên truyền thì bao nhiêu người sẽ quay lưng với đạo Phật tìm đến với tôn giáo khác. Vì thế nhiệm vụ hoằng pháp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta là một nhiệm vụ vô cùng to lớn, nặng nề trong giai đoạn hiện nay.

I- DU LỊCH VÀ DU LỊCH TÂM LINH:

1. Nhiều con đường hoằng pháp:

Để đem chân lý, ánh sáng trí tuệ giác ngộ cho chúng sinh, Phật giáo cần mang đến cho mọi người thấu hiểu giáo pháp của Đức Phật Thích ca mâu ni, là bậc giác ngộ hoàn toàn. Giáo pháp của Ngài bao la như đại dương mênh mông vô cùng tận. Mỗi con người tuỳ duyên mà giác ngộ, hiểu biết theo những mức độ cao thấp khác nhau. Đem giáo lý cho chúng sinh đang luân hồi là trách nhiệm của chư tăng ni, những người sứ giả Như Lai.

Có nhiều hình thức để hoằng pháp như pháp thoại, thuyết pháp, phổ biến kinh, viết sách, truyện, phim ảnh về Phật giáo; tổ chức các khoá tu ngắn ngày; hoạt động từ thiện giúp đỡ người dân trong cơn hoạn nạn để họ tự nhận thức về lòng tốt, vị tha của Phật tử mà theo về với Phật giáo; dùng tình cảm hay tư cách đạo đức để cảm hoá dần và đưa họ vào đạo. Đạo Phật là đạo của hòa bình, không bao giờ dùng bạo lực để ép ai vào đạo. Lịch sử tôn giáo thế giới cho thấy một vài tôn giáo đã dùng hình thức bạo lực, “thánh chiến” để làm nhiệm vụ “hoằng pháp’ để buộc người dân phải theo đạo...

Thời đại ngày nay, tinh thần dân chủ đã được phát huy cao độ. Dân trí và mức sống của người dân cũng được nâng cao. Do đó, việc tìm nhiều hình thức để tuyên truyền, phổ biến giáo pháp là một việc làm đòi hỏi nhiều tính năng động, sáng tạo.

Một trong yêu cầu quan trọng của công tác hoằng pháp ngày nay là phải nhập thế, chủ động, tích cực và liên tục. Nhập thế tức là nhà tu hành không chỉ tu cho chính mình mà hoà nhập vào xã hội, đưa giáo pháp đến mọi người, khuyến tấn mọi người cùng tu. Tu sĩ cũng không xa rời hoạt động của cộng đồng, địa phương để thoát tục hoàn toàn. Chủ động là thái độ sẵn sàng để kêu gọi, định hướng cho đồng bào phật tử cũng như chưa là phật tử có tư tưởng và hành động ủng hộ cho Phật giáo phát triển, phổ biến rộng khắp. Tích cực là thái độ dấn thân, không cầu an nhàn, sẵn sàng hy sinh vì đạo pháp. Liên tục là một hình thức hoạt động không ngừng nghỉ, không “đánh trống bỏ dùi”. Có như thế việc hoằng pháp độ sinh mới đem lại hiệu quả tích cực.

Giáo hội chúng ta đã có nhiều hình thức và biện pháp hoằng pháp mang lại hiệu quả rất tốt. Trong để tài này, tôi xin trình bày những suy nghĩ về một hình hình hoằng pháp mới mang tính thời đại là du lịch tâm linh. Để nắm rõ vấn đề, chúng ta tìm hiểu đôi nét về du lịch thông thường, sau đó phân tích sâu hơn về du lịch tâm linh, sau cùng là vấn đề “hoằng pháp với du lịch tâm linh” hay cụ thể hơn là phát huy ưu thế của du lịch tâm linh để làm nhiệm vụ hoằng pháp cho Phật giáo.

2. Du lịch:

a. Khái niệm về du lịch:

Du lịch theo nghĩa gốc là một cuộc dạo chơi, đi chơi nhằm tăng thêm sự hiểu biết, kiến thức. Đó là sự di chuyển tạm thời và lưu trú ở ngoài nơi ở thường xuyên trong một thời gian nhằm thoả mãn nhu cầu tìm hiểu cái mới lạ hay để nghỉ ngơi. Du lịch góp phần nâng cao dân trí, phục hồi sức khoẻ, giáo dục lòng yêu quê hương đất nước, đồng bào, đoàn kết quốc tế với dân tộc các nước.

b. Mục đích của du lịch:

Du lịch nhằm đạt đến 2 mục đích. Về phương diện vật chất, du lịch nhằm nghỉ ngơi, giải trí, phục hồi sức khoẻ sau một thời gian làm việc. Về mặt tinh thần nhằm được sự thoải mái, sảng khoái về tinh thần, hiểu biết thêm về thiên nhiên, cảnh vật, con người và nếu đến những nơi là chùa chiền thì tiếp nhận được sự thư thái về tâm hồn.

c. Các loại hình du lịch:

Có nhiều loại hình du lịch như: du lịch dã ngoại, du lịch tham quan, du lịch hành hương, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội, du lịch hội nghị... và gần đây nhất xuất hiện loại hình du lịch tâm linh.

3. Du lịch tâm linh

a. Khái niệm du lịch thông thường:

Du lịch thông thường là đi chơi để tham quan cảnh vật, đền đài, địa danh, hoạt động con người địa phương. Ngắm nhìn bằng mắt tức là giác quan. Nhìn cảnh vật, con người, hoạt động bằng cái nhìn vật chất. Thích thú với những hoạt động vui tươi, sinh động.

b. Khái niệm du lịch tâm linh:

Du lịch tâm linh tìm hiểu văn hoá, giá trị truyền thống. Thăm viếng bằng tâm trí, trái tim. Nuôi dưỡng và mở rộng sự hiểu biết hướng về cái thiện, hoà hợp với thiên nhiên, đồng loại, chúng sinh. Nâng cao được giá trị tâm hồn, hiểu rõ hơn về tâm linh, cụ thể đối với Phật giáo chúng ta là hiểu hơn về chân lý giải thoát, giá trị chân thực của cuộc sống hiện tại.

c. Mục đích của du lịch tâm linh:

Du lịch tâm linh mang lại sự tăng trưởng về nhận thức của mỗi cá nhân đối với các giá trị của tôn giáo. Con người cảm thấy sự thanh thản, nhẹ nhàng, tâm an lạc, không vọng đọng, không chìu theo dục vọng thấp hèn của vật chất. Du lịch tâm linh mang lại giá trị của tình yêu thương con người thật sự cho chính bản thân cá nhân đó, đồng thời mỗi cá nhân lại mang đến sự bình àn, an lạc cho những người xung quanh.

Với hình thức du lịch tâm linh, du khách không chỉ để vui chơi, thăm thú mà như đang thực hiện một cuộc hành hương về vùng đất thiêng và tìm kiếm nơi trú ngụ bình yên, thanh thản cho tâm hồn. Đa số là du khách đến chùa, thắng cảnh, thánh tích để cho tâm hồn con người được thanh tịnh và thoát tục.

d. Các hình thức du lịch tâm linh:

Có nhiều hình thức của du lịch tâm linh:

- Du lịch thông thường kết hợp tham quan chùa: khách đi chơi, ngắm cảnh, trên đường có viếng cảnh chùa thắp hương, cúng Phật là mức độ phổ thông và đơn giản nhất. Hiện nay, nhiều công ty du lịch tổ chức cho khách hàng của mình đi du lịch tham quan, nghỉ ngơi trong đó có kết hợp viếng các cảnh chùa tại địa phương. Sự tác động của sư thầy đối với khách du lịch dường như không có. Du lịch đơn thuần đi viếng chùa: có 3 hình thức:

+ Viếng cảnh chùa và thắp hương: vào Tháng giêng hàng năm, phật tử cùng nhau tổ chức đi viếng 10 cảnh chùa. Đây là những người dân thường ngày bận rộn không có dịp đi chùa lễ Phật, đến ngày đầu năm mới, tranh thủ đi chùa lễ Phật. Nhũng người này đến chùa cũng nhanh và ra đi cũng nhanh để đi đủ 10 cảnh chùa. Sự tác động của sư thầy tại chùa hầu như không đáng kể.

+ Tổ chức thành đoàn, nhóm thường là đến 1, 2 ngôi chùa. Đến nơi, các vị khách lễ Phật, tiếp xúc với vị sư thầy trụ trì, trao đổi vài thắc mắc về giáo pháp. Sự tác động của sư thầy có đôi chút, chưa tạo được một ấn tượng lớn. Trong nhóm này, có thể có một vài vị khách sẽ phát tâm tìm hiểu thêm về Phật giáo.

+ Hình thức vãn cảnh chùa: số người đến vãn cảnh chủa không đông, thường đi thành nhóm nhỏ như các nhóm thanh thiếu niên đi dã ngoại, kết hợp đến thăm chùa là cảnh đẹp của địa phương. Một vài vị khách đến chùa nếu gặp được sư thầy mạn đàm về đạo pháp, chắc chắn một số người trong họ sẽ có hướng quy y tam bảo.

- Du lịch hành hương: đây là một hình thức du lịch tâm linh cao độ, phần lớn những những tham gia là những phật tử đã có giác ngộ nhất định. Họ đi du lịch về nguồn gốc xuất tích của đạo Phật như du lịch hành hương về xứ Ấn Độ, Nê-pan nơi có di tích “tứ động tâm” của Phật Thích ca. Số lượng người tham gia chưa nhiều và chưa phổ biến.

4. Thực trạng du lịch tâm linh hiện nay:

a- Những thuận lợi và khó khăn:

* Thuận lợi:

- Đất nước ổn định, an ninh, kinh tế đang trên đà phát triển, đời sống dân cư ngày một tốt hơn. Ngoài nhu cầu vật chất, nhiều thành phấn dân cư có nhu cầu phát triển về tinh thần, văn hoá và tâm linh. Nhiều người có điều kiện tham gia các hoạt động du lịch, trong đó có du lịch hướng về tâm linh.

- Cở sở hạ tầng của đất nước phát triển, việc đi lại giao thông thuận tiện. Việc tổ chức du lịch bằng ô tô có thể đi đến mọi nơi trong đất nước, người khá giả giải có thể đi du lịch bằng “tàu hoả 5 sao”, bằng máy bay....

- Phật giáo cũng như các tôn giáo khác được Nhà nước tạo điều kiện để hoạt động, việc xây dựng, tôn tạo chùa chiền được nhiều thuận lợi. Các tăng ni sinh được tu học nâng cao trình độ về văn hoá và đạo pháp.

- Đất nước ta có rất nhiều cảnh chùa đẹp, có bề dày lịch sử. Một số cảnh chùa mới xây dựng quy mô to, hiện đại là cảnh đẹp thu hút được nhiều du khách đến tham quan. Một số địa danh nổi tiếng như: ở phía Bắc có chùa Trúc Lâm Yên Tử, Tử, chùa Dâu, chùa Bái Đính...., Miền trung có chùa Thiên Mụ, chùa Linh Phong, Ngũ Hành Sơn Đà Nẳng... Miền nam có chùa Vĩnh Nghiêm, Đại Tòng Lâm, Thiền viện Thường Chiếu ....

* Khó khăn:

- Khách quan: nhiều du khách đến chùa chủ yếu là ngắm cảnh đẹp (thưởng lãm, tức nhìn cái đẹp của chùa bằng giác quan của hình thức du lịch thông thường) chưa hướng nhìn vào nội tâm để có thể nhìn bằng cảm xúc, tâm hồn. Sự tác động và hối hả của cuộc sống đã khiến họ đến chùa một cách vội vàng, thấp hương, lễ phật, cúng “phước điền” rồi vội vàng ra xe để đến nơi khác

- Chủ quan: cảnh chùa nào cũng “na ná” thờ Phật như nhau. Nhiều nơi, có khách thập phương đến viếng, mà chẳng có vị tăng ni nào ra đón. Khách đến cúng rồi khách ra về. Ấn tượng về ngôi chùa, về vị sư thầy trụ trì chưa lưu dấu ấn gì trong tâm thức của khách.

b- Thực trang du lịch tâm linh hiện nay :

Thứ nhất, cần khẳng định, du lịch tâm linh là một hiện tượng xã hội có thật, đáp ứng nhu cầu tinh thần của người dân. Đã là nhu cầu thì hoạt động này không thể thiếu. Nếu tổ chức tốt thì du lịch tâm linh sẽ đi sâu vào đời sống tinh thần của con người. Nếu không tổ chức tốt, thì du lịch tâm linh sẽ sa vào những khuynh hướng tầm thường như đến chùa chiền như là nơi đến cầu danh, cầu lợi...

Thứ hai, du lịch tâm linh hiện nay phát triển tự phát và manh mún. Mỗi nơi tổ chức một cách, có người yêu cầu thì thực hiện. Chương trình du lịch thì viếng cảnh chùa là chính, không có hoạt động giao lưu giữa khách du lịch với những vị tăng ni có khả năng thuyết giảng, pháp thoại để định hướng phát triển tinh thần cho khách du lịch tham quan.

Thứ ba, việc tổ chức du lịch tâm linh do các tổ chức du lịch thực hiện, rất hiếm có tổ chức du lịch nào do tổ chức của giáo hội đảm trách. Do đó, khi tổ chức du lịch tâm linh thì yếu tố lợi nhuận luôn được đặt cao hơn yếu tố tâm linh.

Thứ tư, du lịch hành hương về vùng Phật tích đòi hỏi người tham gia phải có kinh tế khá giả nên số lượng người chưa nhiều.

Thứ năm, cảnh chùa, thánh tích đẹp, ý nghĩa nhưng thiếu người hướng dẫn, giải thích dẫn giải nên lượng thông tin tiếp thu từ cảnh chùa, thánh tích quá ít. Một số chùa rất đẹp nhưng khi có đoàn khách du lịch đến, người hướng dẫn giới thiệu khái quát về chùa, cỏn các thầy ở chùa dửng dưng, không tranh thủ để giới thiệu về lịch sử của Đức Thích ca, giới thiệu về giáo lý nhà Phật ....

5. Những ưu thế của hoằng pháp qua du lịch tâm linh:

Thông qua các hoạt động du lịch để hoằng pháp là một biện pháp rất hay, tích cực và hiệu quả vì những nguyên nhân sau:

a- Phật giáo vốn phù hợp với truyền thống dân tộc Việt Nam. Những giá trị tinh thần và văn hóa dân tộc Việt Nam phù hợp với những lời dạy của đức Phật Thích ca. Chẳng hạn giáo lý “Từ bi” rất phù hợp với đạo lý:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng,

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Hay:

“Dù xây chín vạn phù đồ

Không bằng làm phước cứu cho một người.”

b- Người Việt chúng ta rất ham thich du lịch để mở rộng tầm nhìn và tầm hiểu biết.

“Đi một ngày đàng, học một sàn khôn.”

Hay:

“Đi cho biết đó, biết đây,

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn.”

c- Trạng thái tâm hồn của người đi du lịch là trạng thái thư thả nhất, những bận bịu, lo toan, tính toán hơn thua trong đời sống thường nhật được gác qua một bên. Tâm hồn người du lịch rất sảng khoái, nếu đưa những hiểu biết sơ đẳng về phật pháp hay những giáo lý phù hợp sẽ tạo điều kiện cho người du lịch có nhận thức ban đầu về Phật pháp.

d- Du lịch tâm linh đưa con người đến cảnh chùa, cảnh bụt, gần gũi với thiên nhiên, tạm xa lánh hồng trần. Trong khung cảnh yên lặng, bình an, con người được hòa minh vào thiên nhiên, cảm nhận sự gần gũi, đồng điệu với thiên nhiên. Tâm hồn người ấy sẽ rộng mở hơn, có điều kiện để giác ngộ hơn. Một tiếng chuông chùa trầm lắng vào buổi chiều vắng lặng chắc chắn làm cho tầm hồn con người trở nên hiền hòa, quý trọng cuộc sống và thương yêu con người nhiều hơn.

6. Những yêu cầu của du lịch tâm linh:

Du lịch tâm linh là một loại hình du lịch đặc thù, không giống du lịch thưởng ngoạn, du lịch hội nghị. Nó là hình thức du lịch đưa con người đi vào thế giới của tâm hồn. Do đó, du lịch tâm linh cần phải đáp ứng được một số yêu cầu như:

a- Cảnh chùa, thánh tích phải đẹp, gần gũi với thiên nhiên, có cây xanh bóng mát, có hoa, có cỏ xanh tươi, có dòng nước chảy tạo nên cảnh trí thiên nhiên. Khi du khách đến viếng cảnh chùa, họ được hòa vào thiên nhiên, xa lánh được những bon chen của cuộc sống, những đấu tranh giành giật quyền lợi, công danh. Một cảnh chùa mà nơi ấy diễn ra buôn bán, tiếng nhạc xập xình thì khó có thể nói đó là một địa điểm du lịch tâm linh. Các cảnh chùa xây mới, hiện đại cần cố gắng trồng nhiều cây xanh, bông hoa để tạo cảm giác chùa không tách rời thiên nhiên.

b- Nơi chánh điện cần phải hết sức trang nghiêm, bày trí đơn giản mà uy nghi, trang trọng mà gần gũi. Chỉ bày trí một tượng Phật Thích ca, nếu cần thì thêm tượng Tây phương tam thánh (Phật A Di Đà, Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế chí Bồ tát). Nên giản lược bát nhang. Chỉ nên một bát nhang nơi chánh điện. Khuyến khích không thấp hương trong chánh điện vì khói làm cay mắt, khó tập trung tư tưởng, cầu nguyện.

c- Nơi chùa chiền, thánh tích cần có những bảng giới thiệu ngắn gọn về lịch sử Phật Thích ca, những lời Phật dạy, những kiến thức sơ đẳng về Phật học như Tứ diệu đế, kinh pháp cú .... để người du lịch tự tìm đọc và ngẩm nghĩ. Nếu có điều gì chưa hiểu thì tìm gặp các thầy để trao đổi thêm.

d- Nơi chùa chiền, thánh tích cần có thư viện để du khách mượn đọc tại chỗ. Những bài pháp thoại hay, những băng giảng hay cần được ấn tống hoặc bán với giá không tính lãi để du khách có thể mua về đọc, nghe thêm....Người phát hành kinh, sách, băng, đĩa phải là người am tường và giới thiệu sách hay, đĩa pháp thoại hay cho du khách mua về xem.

e- Người hướng dẫn đoàn du lịch cần có những hiểu biết về Phật giáo. Giáo hội cần biên soạn tài liệu sơ giản về Phật thích ca, về các giáo lý cơ bản của nhà Phật để cung cấp miễn phí cho các công ty du lịch để những nơi nầy bồi dưỡng cho hướng dẫn viên khi đến viếng cảnh chùa. Hướng dẫn viên du lịch có thể là người đặt viên đá đầu tiên cho những người chưa hiểu biết gì về Phật giáo. Vì thế, để làm tốt du lịch tâm linh cần có sự quan tâm nhiều hợp đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch.

Ví dụ: Khi một đoàn khách đến Đà Lạt, viếng Trúc Lâm thiền viện, nếu hướng dẫn viên nói qua về lịch sử Phật Thích ca, rồi nói về phái Thiền Trúc Lâm của Phật hoàng Trần Nhân Tông, vị vua Nhà Trần nhường ngôi cho con ở độ tuổi chưa đầy 40 để lên chùa tu học, thành lập phái Thiền Trúc lâm Yên Tử, sẽ khiến cho biết bao du khách tự hào về vị Phật hoàng của Phật giáo Việt Nam. Từ đó, họ sẽ vào chùa gặp các thầy để các thầy dẫn giải thêm về các vị tổ của phái Thiền Trúc Lâm, về đường lối tu tập của các tăng chúng. Các du khách sẽ từng bước giác ngộ và tin theo Phật giáo.

II- TRÁCH NHIỆM HOẰNG PHÁP QUA HOẠT ĐỘNG DU LỊCH TÂM LINH:

Thực tế, hiện nay du lịch tâm linh chưa phát triển nhiều theo đúng tên gọi của nó. Đa số, các đoàn khách du lịch đi tham quan, trong đó có tham quan cảnh chùa, chưa phải đến chùa để thật sự tìm hiểu về Phật giáo và giáo lý tu hành của Phật giáo. Có thể nói, chúng ta chưa có du lịch tâm linh đúng nghĩa, trừ một số đoàn hành hương về xứ Phật ở Ấn Độ, Nê pan là tương đối đúng yêu cầu của khái niệm du lịch tâm linh.

Bản thân Giáo hội Phật giáo chúng ta hiện nay cũng chưa đủ sức để thành lập các công ty du lịch để tổ chức các đoàn du lịch tâm linh đưa du khách tham quan cảnh chùa, thắng tích kết hợp tìm hiểu Phật giáo và tu học theo Phật giáo. Mặc dù, nếu được cấp phép hình thành các tổ chức hoạt động du lịch, chúng ta cũng cần một đội ngũ quản lý điều hành du lịch năng động, hướng dẫn viên nhiệt tình và có đào tạo phù hợp cho đối tượng tham gia du lịch tâm linh. Nguồn kinh phí cho công việc này không phải là một con số nhỏ.

Vì thế, trước mắt, mỗi chùa, tự viện, tịnh xá... mỗi Tăng ni cần phát huy tính năng động và tinh thần nhập thế để sẵn sàng đón tiếp những đoàn khách du lịch đến viếng cảnh chùa. Tận dụng cơ hội du khách đến chùa để thưởng lãm cảnh đẹp, hòa vào thiên nhiên, thành tâm thăp hương cầu nguyện Phật gia hộ, tăng ni chúng ta tăng cường công tác hoằng pháp.

Việc làm của chúng ta là:

- Một là không ngừng tu bổ, làm đẹp, phong phú cảnh chùa, làm cho cảnh chùa thật sự thân thương, gần gũi ai ai cũng muốn đến. Cửa Phật luôn rộng mở đón thập phương bá tánh.

- Hai là chủ động trong hoạt động tuyên truyền chánh pháp thông qua các bảng tin, hình ảnh về lịch sử Phật Thích ca, các bảng ghi lời Phật dạy, kinh Pháp cú....để phật tử có thể đọc và nhớ.

- Ba là luôn có thầy trực chùa, đón tiếp bá tánh đến chùa tham quan. Chủ động đón tiếp, không nên để “khách đến không hay, khách về không biết.”

- Bốn là tạo được sự an tâm cho du khách đến chùa, đảm bảo an ninh, an toàn. Không để kẻ gian lợi dụng khi du khách cầu nguyện để trộm cắp.

- Năm là không để không gian cảnh chùa bị thương mại hóa. Nếu có đi chùa Hương dịp Tết, chúng ta thầy đau lòng trước cảnh trước khi vào chùa biết bao hàng quán với loa ầm ỉ, quán xá nhâu nhẹt, thú rừng bị giết, xác treo lủng lẳng. Du khách có thể tâm an khi vào chùa niệm Phật được chăng?

- Sáu là du khách có cảm giác hoàn toàn thoải mái khi vào chùa. Vào cửa chùa là vào cửa Phật. Du khách cần được tự do đi lại thoải mái (trừ nơi cư ngụ của tăng chúng có bảng ghi rõ khu vực giới hạn). Du khách tự do chiêm ngưỡng các khu tượng về sự tích Phật Thích ca như Phật đản sinh, Phật thuyết pháp độ năm anh em Kiều Trần Như, Phật nhập niết bàn... các bảng, các tảng đá ghi lời Phật dạy... Du khách được vào thư viện mượn sách phật giáo để đọc...

- Bảy là chuẩn bị sẳn sàng những buổi thuyết pháp, pháp thoại, tu thiền vào những ngày Chủ nhật, ngày nghỉ lễ là những ngày mà du khách thường đi du lịch để nếu cần du khách sẽ tham dự vào các hoạt động đó.

- Tám là chuẩn bị tốt các ngày lễ truyền thống của Phật giáo như ngày Phật đản sinh ( Rằm Tháng tư), Lễ Vu Lan bồn (Rằm Tháng bảy), ngày Phật thành đạo (Mùng 8 Tháng Chạp), Tết nguyên đán... với nhiều hình thức hoạt động như thuyết pháp, thi trả lời câu hỏi về Phật giáo, phát hành kinh sách đĩa kinh, đĩa thuyết pháp ...

KẾT LUẬN:

Hoằng pháp là một nhiệm vụ quan trọng. Việc duy trì và phát triển Phật giáo phụ thuộc nhiều vào việc hoằng pháp. Với truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo sẽ tiếp tục có những cống hiến vào sự phát triển đất nước. Ngày nay, đời sống nhân dân được sung túc hơn nhưng những tiêu cực về mặt đạo đức vẫn làm bức xúc trong xã hội. Nhà nước tiếp tục hoàn chỉnh hệ thống pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội nhằm củng cố kỷ cương, an ninh, trật tự. Bên cạnh hệ thống pháp luật ngày càng hoàn thiện, xã hội cũng đào hỏi đạo đức cũng phải được củng cố. Tôn giáo là một nguồn xây dựng đạo đức xã hội, trong đó Phật giáo góp phần đáng kể. Vì thế, bằng nhiều hình thức, Phật giáo cần phải tăng cường hoằng pháp, đem giáo lý của đức Thích ca hướng dẫn phật tử và nhân dân tu học.

Hình thức du lịch tâm linh là một hình thức hoằng pháp một cách nhẹ nhàng, có tác động lâu dài. Muốn đạt hiệu quả, mỗi ngôi chùa, mỗi vị tăng ni cần góp sức tự làm mới, tạo điều kiện cho phật tử, bá tánh gần gũi với chùa, với giáo lý nhiều hơn.

Bên cạnh đó, Giáo hội cũng có thể định hướng thành lập một vài tổ chức pháp nhân để thường xuyên tổ chức các chuyến du lịch hành hương đi trở về với tâm linh, qua đó làm tốt công tác hoằng pháp./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

Thượng tọa Thích Đạt Đạo

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)