HOẰNG PHÁP VỚI DU LỊCH TÂM LINH


alt

A. DẪN NHẬP

Trong bất cứ một đoàn thể xã hội hay một cá nhân con người nào, muốn có một đời sống ổn định, hạnh phúc, thì phải có kết hợp hài hòa hai yếu tố: đó là vật chất và tinh thần, nếu muốn tinh thần thăng hoa thì cần nâng cao đạo đức, gốc là đời sống tâm linh.

Người sống nghiêng về vật chất, tức suốt ngày chỉ lo vấn đề kinh tế, tìm kiếm tiền của là nuôi dưỡng tham vọng, làm nhân cho đời sống bị hạ liệt sa đọa, thậm chí gây ra ảnh hưởng không tốt cho cả những người xung quanh. Điều này dễ dàng nhận thấy khi hàng ngày đài báo thường có những bản tin tức, hoặc bài viết phản ánh tình trạng tệ nạn này.

Pháp là chân lý muôn đời, là nguyên tắc vận hành của vũ trụ. Hiểu được pháp và sống theo pháp sẽ có an lạc Niết bàn. Đức Thế Tôn nhận ra chân lý này và đã chỉ bày lại cho người đời. Những lời chỉ dạy này được ghi chép lại bằng nhiều hình thức và được gọi chung là giáo Pháp. Học hỏi, thực hành, hoằng truyền giáo pháp là một vinh dự, là bổn phận, là niềm vui của mỗi người đệ tử Phật như chúng ta. Giáo Pháp ấy được xem như một món ăn tinh thần hấp dẫn, có khả năng hướng thượng, xây dựng cho con người một cuộc sống đạo đức an lành, từ đó sẽ đem lại sự phát triển hài hòa về cả vật chất lẫn tinh thần cho xã hội.

Minh chứng cho việc này chính là suốt trên 20 thế kỷ từ khi du nhập vào Việt Nam, Phật Giáo đã bắt rễ thâm sâu vào mảnh đất này, đóng một vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước và cùng nếm trải qua những thăng trầm của lịch sử dân tộc.

Trong cuộc hội thảo lần này, Ban Hoằng Pháp Vĩnh Long xin đóng góp một vài ý kiến về mô hình hoạt động Hoằng pháp của chúng ta trong thời gian gần đây đối với du lịch tâm linh.

B. NỘI DUNG

1. Vấn đề du lịch tâm linh

Những năm gần đây, mô hình du lịch trở về nguồn cội và tìm hiểu các giá trị tinh thần dân tộc nhất là đến các cơ sở Phật giáo để tìm kiếm và được thực hành những giá trị căn bản của cuộc sống con người. vì thế, chúng tôi có một vài ý kiến sau trong việc đưa mô hình du lịch tâm linh gắn liền với Phật giáo để từ đó khơi dậy nguồn văn hóa dân tộc, thẩm thấu giá trị nhân văn đạo Phật vào nếp sống và suy nghĩ của người dân:

a. Phải xây sửa hình thức ngôi chùa đẹp, kết hợp kiến trúc hiện đại với nét đẹp văn hóa bản sắc dân tộc, khuôn viên chùa phải xanh, sạch, đẹp, có thánh tích đặc trưng để chiêm bái. Có thế mới giúp khách hành hương một cảm giác bình yên thanh tịnh, gần gũi với tình người, sống biết giữ gìn đạo đức, biết trân trọng văn hóa dân tộc.

b. Truyền bá Chánh pháp giúp người có niềm tin, giúp người có tình thương và hiểu biết. Có thế mới nâng cao đời sống nội tâm, một tinh thần bình an, thăng hoa, là nhân cho một tâm hồn cao thượng.

c. Thiết lập một hệ thống tự viện có nguồn tư liệu (như sách kinh, báo chí, phẩm vật, mạng...) phục vụ sự tìm hiểu của mọi người.

d. Thực hiện sự hợp tác chặt chẽ giữa các ban ngành đoàn thể địa phương.

Như chúng ta biết, đối với Phật Giáo, ba gốc rễ tệ hại gây đau khổ cho cuộc đời là tham, sân, và si. Tất cả những nạn bạo hành, bạo lực, khủng bố, chiến tranh, hủy hoại môi trường tài nguyên và hệ sinh thái đều là những biểu hiện của ba nguyên nhân trên. Cho nên mục đích chủ yếu của Phật Giáo là giảng dạy và dẫn dắt mọi người đến sự tiêu trừ ba thứ độc ấy. Ngoài các học thuyết về Nghiệp - Tái sinh - Nhân quả... Phật Giáo dạy ta sống có khuôn phép, 5 giới là nền tảng của đạo đức làm người. Dù là Phật tử hay không phải Phật tử, nếu tuân theo năm giới này thì đạo đức cá nhân sẽ toàn thiện và cuộc đời sẽ trở nên an lành hạnh phúc. Khi đời sống tâm linh đã ổn định thì đạo đức và tình thương sẽ lan tỏa, tệ nạn sẽ giảm, trật tự xã hội được thiết lập. Chất lượng cuộc sống sẽ nâng cao, con người và đất nước phát triển bền vững.

Hiện tại chúng ta đang hối hả bước đi vào tương lai bằng con đường khoa học kỹ thuật hiện đại tiên tiến nhất. Những thành tựu của khoa học - công nghệ thực sự đã có nhiều bước tiến vĩ đại, ấy vậy mà trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn lại có nhiều vấn đề cần đặt ra. Dường như các khoa học về luân lý - Đạo đức lại đang “tụt hậu”. Đó phải chăng là một nghịch lý!

Có lẽ, chính vào những giai đoạn xáo trộn biến động như hiện nay, con người phân vân trước cuộc sống bao nhiêu thì nhu cầu xét lại gốc rễ nguồn căn làm cơ sở cho hành vi ứng xử của mình, của xã hội lại càng bức thiết bấy nhiêu.

Phật giáo là một trong số không nhiều các truyền thống đã làm gốc làm rễ văn hóa cho nảy nở nền văn minh của một bộ phận rộng lớn nhân loại. Hơn thế nữa việc tìm hiểu những giá trị trong văn hóa truyền thống sẽ có ý nghĩa quan trọng, nhất là những đóng góp nhân văn - nhân bản của Phật giáo trong văn hóa dân tộc Việt. Cho nên, theo chúng tôi, nhiệm vụ trước mắt là phải thực hiện cho được việc hoằng pháp với tâm linh.

Nhà nước không ngừng kêu gọi nhân dân phải luôn gìn giữ đạo đức, văn hóa truyền thống và tôn trọng tinh thần tuân thủ pháp luật, nhưng số tội phạm vẫn gia tăng liên tục, gây nhiều rối ren cho xã hội. Trước tình hình suy thoái đạo đức này, các tôn giáo nhất là Phật giáo phải tham gia chữa trị căn bệnh của xã hội bằng cách đóng góp vào công cuộc xây dựng trật tự nền đạo đức xã hội. Muốn thế, điều quan trọng là phải có một sự hợp tác chặt chẽ giữa chính quyền và Phật giáo. Chính quyền nên ủng hộ cho Phật giáo trong những hoạt động vì hạnh phúc của số đông và vì sự phát triển của đất nước.

2. Các hoạt động hoằng pháp gần đây

a. Lập đoàn giảng sư: nhờ vậy mà việc hoằng pháp được đẩy mạnh, các cơ sở đạo tràng phát triển, đáp ứng nhu cầu nghe pháp của tín chúng.

b. Ấn tống, phát hành kinh sách băng đĩa trên nhiều hình thức: dựa vào công nghệ thông tin đại chúng, những năm gần đây, mảng hoằng pháp trên phương diện này rất thành công và đạt được ít nhiều thành tựu đưa Phật pháp vào cuộc đời.

3. Đề nghị thêm

- Mặc dù việc hoằng pháp rất phát triển nhưng ở các vùng sâu vùng xa thì việc hoằng pháp dường như còn thiếu xót. Cho nên cần quan tâm nhiều hơn

- Cần ấn tống các truyện tranh về đạo đức, giáo lý cơ bản như các mẩu chuyện nhân quả… sẽ thích hợp nhiều hơn cho các lứa tuổi nhỏ, và những người có trình độ nhận thức thấp.

- Cần nhân rộng mô hình thành lập các phòng đọc sách hay thư viện nhỏ với chi phí thấp ở mỗi tự viện để góp phần đáp ứng nhu cầu tìm hiểu Phật pháp của mọi thành phần.

C. KẾT LUẬN

Nếu mọi người biết đến chùa để lễ Phật, hành thiền hay tham dự các khóa tu học, sẽ tạo cơ duyên thuận lợi làm phong phú đời sống tâm linh của họ và tạo sự tĩnh lặng, sáng suốt cho tâm họ. Cho nên, nhiệm vụ của Ban Hoằng Pháp là truyền bá đạo đức Phật giáo cho mọi tầng lớp dân chúng qua mô hình du lịch tâm linh, thì có thế mới đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, nhu cầu ổn định tâm linh, từ bỏ mê tín, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Muốn đạt được những công việc trên, đòi hỏi trách nhiệm vị trụ trì bổn xứ phải là người có tầm nhìn xa trông rộng, cần phải có tâm huyết với những công việc này.

Kết hợp với các ban ngành cùng nhau lên kế hoạch cho những chương trình cụ thể.

Với phương châm “đạo pháp – dân tộc”, tinh thần Phật giáo chắc sẽ được nhân rộng. Mong muốn phát triển các mô hình du lịch tâm linh với sự phát triển chung của xã hội để hội nhập tinh thần từ bi của đạo Phật./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

Ban Hoằng pháp tỉnh Vĩnh Long

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)