Triết lý đạo Phật hay là Đại Cương Kinh Lăng Nghiêm - phần 2

Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh tối quan trọng cho người tu, dù là theo Thiền, Tịnh hay Mật. Bỏ qua nó là bảo đi cái cốt tủy của đạo Phật.  Tuy nhiên, hiểu được bộ kinh này không phải là dễ. 

May mắn cho chúng ta là HT Thích Thiện Hoa đã tóm tắt bộ kinh này với lối viết thật giản dị và sáng sủa, cùng với những lược giải các chỗ khó hiểu, đã giúp chúng ta vượt được biết bao khó khăn trong việc tìm hiểu.  Muốn hiểu thật sâu bộ kinh này, chúng ta nên đọc đi đọc lại nhiều lần với lòng kiên nhẫn thì chúng ta mới nhận được viên ngọc vô giá sẵn có nơi mỗi chúng ta. Và chúng ta mới cảm nhận được một cách sâu sắc lòng bi mẫn của Phật đối với tất cả chúng sinh như chúng ta. 

Ngoài bộ sách của Hòa Thượng, chúng ta còn có những băng giảng của các chư tăng ni và các thiện tri thức khác.  Mong tất cả chúng ta đều hưởng được pháp nhũ vô giá trong Thủ Lăng Nghiêm.

Thiền Viện Đại Đăng

alt

Bài Thứ Ba

I.- Anan cầu Phật dạy phương pháp tu hành, lần thứ hai 
II.- Phật gạn hỏi lại tâm lần thứ hai. 
III.- Anan chấp cái "Suy nghĩ phân biệt " làm tâm. 
IV.- Anan cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành, lần thứ ba. 
V.- Phật chỉ tâm lần thứ nhứt. 
VI.- Phật chỉ cái thấy làm tâm, không phải con mắt . 
VII.- Phật chỉ tâm lần thứ hai 
VIII.- Anan cầu Phật chỉ dạy ở nơi thân này cái nào "chơn" và cái nào "vọng" 
I.X- Vua Ba Tư nặc đứng dậy hỏi Phật . 
X.- Phật chỉ tâm lần thứ ba 
XI.- Phật chỉ "cái thấy" không sanh diệt 

I.- ANAN CẦU PHẬT DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH LẦN THỨ HAI.

Ông Anan đã bảy lần chỉ tâm đều không trúng, vì ông chấp vọng tưởng là tâm, nên bị Phật bác cả, lần thứ hai ông đứng dậy chắp tay kính lạy, cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành để thoát ly sanh tử luân hồi. 

Anan thưa rằng: -Bạch Thế Tôn ! Con là em Phật, tuy đã xuất gia, mà vẫn còn ỷ lại lòng thương yêu của Phật chỉ lo học rộng nghe nhiều, không chuyên tu niệm, nên không chứng được đạo quả, chẳng hàng phục nổi tà chú của ngoại đạo Ta-Tỳ-Ca-La; trái lại, còn bị Ma Đăng già bắt vào phòng dâm...phải nhờ Phật cứu độ. Vậy cúi xin Phật từ bi chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phá trừ ác kiến và chứng thành đạo quả. 

Thưa thỉnh xong, Anan và đại chúng kính cẩn và trông chờ lời Phật chỉ dạy. 

II.- PHẬT GẠN HỎI TÂM LẦN THỨ HAI.

Lúc bấy giờ Phật gạn hỏi lại cái "tâm" lần thứ hai, và bảo ông Anan phải phân biệt rành rõ cái nào là chơn tâm, và cái nào là vọng tâm.  

Phật dạy: Ông nay muốn đặng đạo vô thượng Bồ đề, thì điều cần nhứt là phải hiểu rõ hai món căn bản:  

Một căn bản của sanh tử luân hồi là vọng tâm. 

Một căn bản của Bồ đề, Niết bàn, là chơn tâm. 

Nếu ông nhận lầm căn bản của sanh tử (vọng tâm) làm nhơn tu hành, thì không bao giờ giải thoát được. Cũng như người nhận giặc làm con, thì chỉ thêm bị phá hoại gia sản của mình mà thôi. Và cũng như người nấu cát làm cơm, dầu trải bao nhiêu năm cũng chẳng thành cơm được. 

Vậy nay ông muốn biết đường lối tu hành để ra khỏi sanh tử luân hồi, thì ông hãy nghe tôi hỏi đây: 

Phật liền đưa bàn tay, coi lại năm ngón và hỏi ông Anan rằng: Ông có thấy không? 

A-nan đáp: Bạch Thế Tôn, thấy. 

Phật hỏi: -Ông thấy cái gì? 

Anan đáp: Con thấy Phật đưa bàn tay co năm ngón lại. 

Phật hỏi: Ông lấy cái gì để thấy và lấy cái gì làm tâm? 

III.- ANAN CHẤP CÁI "SUY NGHĨ PHÂN BIỆT" LÀM TÂM

Anan thưa: con lấy "mắt" để thấy và cái "biết suy nghĩ phân biệt" làm tâm . 

Phật quở: Dốt lắm, Anan ! cái đó không phải là tâm của ông. 

LƯỢC GIẢI 

Chúng ta nên lưu ý: Thông thường ai cũng đều cho cái"suy nghĩ phân biệt" là tâm của mình, mà Phật lại nói "không phải tâm". Vậy chúng ta cần phải chính chắn suy xét chỗ đó. 

* * * 

Anan hoảng hốt, đứng dậy thưa Phật:

-  Bạch Thế Tôn, cái "suy nghĩ, phân biệt" này, nếu không phải là tâm của con thì gọi nó là cái gì? 

Phật dạy: -  Nó là "vọng tưởng" (vọng tâm) . Bởi các ông từ hồi nào đến giờ, lầm nhận "vọng tưởng" làm "chơn tâm", cho nên nhiều kiếp trầm luân. Như người nhận giặc làm con, nên bị giặc phá hại. 

Anan thưa: Bạch Thế Tôn, con vì thương Phật nên mới xuất gia, thì con chỉ dùng cái tâm này mà thương Phật. Con phụng thờ các đức Phật trong mười phương và làm tất cả các điều công đức, cũng dùng cái tâm này. Dầu cho con có làm các điều tội lỗi, hủy báng Phật pháp, đọa vào địa ngục đi nữa, thì con cũng dùng cái tâm này. Ngày hôm nay Phật nói "nó" không phải tâm của con, như thế thành như con không có tâm; nếu không có tâm, thì con đồng như cây, đá rồi ! Cúi xin đức Thế tôn từ bi chỉ giáo. 

Phật dạy rằng: này Anan nếu ông chấp cái "suy nghĩ, phân biệt" là tâm của ông, thì khi rời cảnh vật hiện tiền, cái tâm "hiểu biết, phân biệt" ấy, cũng vẫn còn, thế mới phải là tâm của ông. Nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà tâm hiểu biết phân biệt ấy mất đi, thì không phải là chơn tâm của ông rồi. 

Dầu cho ông diệt hết năm tri giác bên ngoài là thấy, nghe, hay, biết (năm giác quan), chỉ còn lưu lại cái "thầm thầm phân biệt" bên trong (thức thứ sáu) thì đó cũng là cái vọng tưởng phân biệt (ý thức thứ sáu) bóng dáng pháp trần không phải là chơn tâm của ông. 

Này A-nan, tôi không bắt buộc ông phải chấp cái "suy nghĩ phân biệt" đó là không phải tâm của ông; tôi chỉ bảo ông nên chính chắn suy xét: nếu rời cảnh vật hiện tiền, mà cái "suy nghĩ phân biệt" này vẫn còn, thì mới phải thật là chơn tâm của ông. 

Còn nếu rời khỏi cảnh vật hiện tiền, mà cái "suy nghĩ phân biệt" này cũng mất luôn đi, thì rõ ràng nó là cái "vọng tưởng phân biệt " (vọng tâm) bóng dáng của sáu trần, chớ không phải là "chân tâm thường trụ" của ông vậy.  

Nếu ông nhận cái "hư vọng phân biệt sanh diệt" ( vọng tưởng) này làm tâm của ông, thì khi cảnh vật hiện tiền qua rồi, tâm ấy cũng theo cảnh vật mà diệt đi. Lúc bấy giờ thành ra ông không có tâm rồi. Nếu không có tâm, thì ông lấy cái gì để tu hành, và thành đạo chứng quả. 

Ông phải biết rằng: trong thế gian tất cả người tu hành, không được thành đạo, đều do chấp lầm cái "vọng tưởng sanh diệt" (vọng tâm) này làm chân thật (chơn tâm). 

Chính ông ngày nay cũng thế, nên tuy học nhiều mà không được quả Thánh. 

IV.- A-NAN CẦU PHẬT CHỈ DẠY PHƯƠNG PHÁP TU HÀNH LẦN THỨ BA.

Anan cùng Đại chúng, nghe Phật nói như vậy, đều ngẩn ngơ và im lặng. 

Lúc bấy giờ ông A-nan cúi đầu lạy Phật, quỳ gối chắp tay vừa khóc lóc, vừa bạch Phật rằng: Con từ khi xuất gia theo Phật đến nay, vì ỷ lại là em của Phật, tin chắc sẽ nhờ oai thần Phật ban cho đạo quả, chẳng cần tu hành cực nhọc; không ngờ ai tu nấy chứng, không thể thay thế cho nhau được. 

Hôm nay con mất "bản tâm" đi rồi, thân tuy xuất gia mà tâm chẳng vào đạo, chẳng khác nào đứa cùng tử bỏ cha trốn đi. 

Nay con mới biết học nhiều mà không tu cũng như người không học, mà cũng như người nói đến đủ các thức ăn, rốt cuộc trong bụng vẫn đói. 

Bạch Thế Tôn, chúng con vì hai chứng phiền não và sở tri ràng buộc, nên không ngộ được chơn tâm. Cúi xin đức Thế Tôn thương xót kẻ bần cùng, chỉ dạy cho con phương pháp tu hành, để phát minh được tâm tánh. 





V.- PHẬT CHỈ CÁI "THẤY" THƯỜNG CÒN

Khi ấy Phật kêu Anan , dạy rằng: -Vừa rồi ông nói "thấy năm ngón tay của ta co nắm lại". Vậy vì sao có nắm tay? Và nhờ cái gì mà có cái thấy? 

A-nan thưa: -Bạch Thế Tôn, nhơn bàn tay của Phật co lại năm ngón, nên mới có nắm tay, và nhờ con mắt cho nên mới có cái thấy. 

Phật hỏi: Vậy thì "không bàn tay chẳng có nắm tay, cũng như không con mắt thời chẳng có cái thấy "; so sánh như thế có đúng không? 

A-nan thưa: Bạch Thế Tôn, đúng. 

Phật dạy: Không đúng hẳn! Không bàn tay thì không có nắm tay thì phải, không con mắt chẳng phải cái "thấy" không có.  

Ông nên ra ngoài đường hỏi những người mù mắt: "Các người có thấy gì không?", thì họ đều trả lời với ông rằng: "Chỉ thấy tối đen". Như thế thì rõ ràng: Người mù không con mắt, mà cái "thấy" cũng vẫn còn.  

Đây là cái bằng chứng: Mặc dù con mắt không có, và trần cảnh đối trước có tối và sáng khác nhau, nhưng cái thấy lúc nào cũng có (nói cái thấy là đại diện cho năm giác quan). 

A-nan thưa: Người mù thấy tối, thì sao gọi là thấy được?  

VI.- PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ NHỨT

Phật hỏi A-nan: Người sáng mắt ở trong nhà tối thấy tối, cùng với người mù mắt thấy tối, vậy hai cái tối đó có khác nhau không?  

A-nan thưa: -Bạch Thế Tôn ! không khác. 

Phật hỏi: Người trong nhà tối thấy tối, nếu có người đem đèn vào, họ thấy được các vật, vậy cái đèn thấy hay con mắt thấy? 

A-nan thưa: Mắt thấy chớ không phải đèn thấy. 

Phật dạy: Cũng thế, người mù mắt khi lột mây rồi, thấy được cái cảnh vật, đó là tâm thấy chớ không phải mắt thấy.  

Phật dạy tiếp: -Cái đèn chỉ làm cho sáng các vật, còn cái thấy là con mắt (dụ cho tâm) chớ không phải đèn ( dụ con mắt ). Lên một tầng nữa: con mắt chỉ làm cho tỏ rõ các vật, còn cái thấy là tâm, chớ không phải con mắt (đây là lần thứ nhứt Phật chỉ tâm ). 

A-nan và đại chúng nghe Phật giảng dạy như thế rồi, đều im lặng, nhưng trong tâm thật chưa hiểu, nên đều kính cẩn chắp tay, để chờ Phật chỉ dạy thêm. 

LƯỢC GIẢI 

Trong đoạn này, xin nói thêm tỷ dụ này cho dễ hiểu: Con mắt của người cũng như bóng đèn điện, còn cái "thấy" của người cũng như điện. Khi dây đứt ( dụ dây thần kinh đứt ) bóng hư ( dụ mắt mù ) thì đèn không cháy, chớ không phải điện mất (không cái thấy ). Đến khi thay bóng mới, nối dây lại, thì điện cháy trở lại: không phải do bóng hay do dây mới có điện. 

Cái "thấy” của người cũng thế: khi mắt bị mây che thì chỉ thấy tối, chớ không phải cái "thấy" mất, đến khi lột mây rồi, thì cái "thấy" hiện ra, không phải do con mắt mới có cái thấy. Đoạn này Phật chỉ rõ cái "thấy" là tâm. 

* * *

VII.-PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ HAI

Khi đó Phật đưa bàn tay lên, năm ngón co lại rồi mở ra và hỏi ông A nan:-Ông có thấy cái gì không? 

A -nan thưa:-Thấy Phật đưa tay lên co vào rồi mở ra. 

Phật hỏi: Tự cái tay của ta co mở, hay "cái thấy" của ông co mở? 

A-Nan thưa:- Tự tay Phật co mở, chứ "cái thấy" của con không co mở. 

Phật khen: Phải lắm. 

Phật lại phóng một đạo hào quang trên vai phía mặt của A nan: A-Nan liền xoay đầu ngó về phía bên mặt. Phật lại phóng hào quang trên vai phía trái của A-Nan; A-Nan xoay đầu ngó qua phía trái. 

Phật hỏi: Cái đầu của ông hôm nay tại sao xoay qua lắc lại như vậy? 

A-Nan thưa: vì Phật phóng hào quang trên hai vai của con, nên con xoay qua lắc lại để xem. 

Phật hỏi: Vậy cái đầu của ông lắc, hay cái thấy của ông lắc? 

A-Nan thưa: tự cái đầu con xoay qua lắc lại, chớ cái thấy của con không có xoay lắc. 

Phật hỏi: -Cái nào động, cái nào tịnh? 

A-Nan thưa:- Cái đầu của con có động và tịnh (dừng) chứ cái thấy của con không có động và tịnh. 

Phật nói: Phải 

Phật dạy tiếp:- Cái nào có co, có mở, có động, có tịnh, có sanh, có diệt, thì cái đó là vọng, thuộc về "khách", không phải ông. Còn cái nào không động tịnh, co mở, không sanh diệt, thì cái đó là "chơn", thuộc về "chủ", chính là ông. Như thế chơn và vọng rất rõ ràng, ông còn chưa hiểu hay sao! 

Tại sao từ hồi nào đến giờ, các ông cứ nhận cái vọng-thân tứ đại giả hợp này, cho là thật "thân" của mình; cái vọng tưởng sanh-diệt này, cho là thật "tâm" của mình; cảnh vật giả tạm, cho là thật "cảnh" của mình, mà lại bỏ cái chơn tâm thường còn bất sanh bất diệt của mình sẵn có kia đi? Bởi thế nên các ông phải nhiều kiếp sanh tử luân hồi, thật là rất oan uổng! 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn này Phật chỉ cái "thấy" không co mở, và không sanh, diêt, động, tịnh, đó là chơn tâm lưu lộ. 

* * *

VIII.-A NAN CẦU PHẬT CHỈ DẠY Ở NƠI THÂN NÀY CÁI NÀO "CHƠN", CÁI NÀO "VỌNG".

Khi ấy A-Nan và đại chúng được nghe Phật tạm chỉ "cái thấy không động tịnh co mở là Tâm", nên tất cả đều hớn hở vui mừng, và nghĩ rằng: Từ vô thỉ đến nay, tự mình làm mất bản tâm, nhận cái vọng tưởng phân biệt theo bóng dáng của trần cảnh làm tâm, ngày hôm nay mới ngộ được Tâm mình, nên hết sức vui mừng. Cũng như đứa con nhỏ khát sữa đã lâu, nay được gặp bà từ mẫu, nên ông và đại chúng cầu Phật chỉ rõ ở nơi thân tâm hiện tiền đây, cái nào chân thật không sanh diệt và cái nào hư vọng có sanh diệt. 

IX.-VUA BA TƯ NẶC ĐỨNG DẬY HỎI TIẾP

Khi ấy vua Ba-tư nặc đứng dậy thưa Phật:-Bạch Thế Tôn, lúc trước chưa thọ giáo với Phật , con nghe phái ngoại- đạo Ca chiên diên và Tỳ la chi tử đều nói:"Thân này sau khi chết rồi mất hẳn, gọi là Niết bàn". 

Hôm nay con tuy được Phật chỉ dạy, nhưng vẫn còn hồ nghi: làm sao biết rõ và chứng chắc cái tâm này không sanh diệt. Xin Phật từ bi chỉ dạy cho chúng con. 

X.- PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ BA

Phật hỏi:-Đại vương! Cái thân của ông hiện tại đây, nó bền chắc như ngọc kim cương, còn mãi không hư họai, hay là phải hoại diệt? 

Vua đáp:- Bạch thế tôn, thân con ngày nay đây, rốt cuộc rồi cũng bị hoại diệt. 

Phật hỏi:-Ông chưa chết, làm sao biết nó sẽ bị họai diệt? 

Vua đáp:- Bạch thế tôn, cái thân vô thường của con đây, tuy chưa chết, nhưng hiện tiền nó đã tàn tạ dần ! Ngày qua, rồi lại ngày qua! Mỗi niệm qua, qua từ sát na (tíc- tắc ) không dừng!...Cũng như củi đốt thành tro, cháy dần cho đến lúc tiêu tan! Vì thế nên con biết, thân này nhứt định sẽ tiêu diệt.

Phật nói:- phải! 

Phật lại hỏi:-Đại vương! Thân thể ông đâu phải tiêu diệt liền bây giờ? 

Vua đáp:- bạch thế tôn, ngày qua tháng lại, hết hạ đến đông, nó thầm già chết, cho đến ngày nay, đầu bạc răng rụng, chân lỏng gối chùn, mắt mờ tai lãng, già nua đến thế này, mà con thật không hay không biết! 

Bạch thế tôn, khi con hai mươi tuổi, tuy nói rằng tuổi trẻ, thật ra nhan sắc đã già hơn khi mười tuổi. Khi ba mươi tuổi lại già hơn khi hai mươi tuổi. Cho đến ngày nay, sáu mươi hai tuổi, lại già hơn khi năm mươi tuổi. 

Nó âm thầm già chết, lấy trong khỏang thời gian mười năm mà nói như vậy. Nếu chín chắn suy nghĩ, thì cái già, chết này, không phải hạn định trong khoảng mười năm hay hai mươi năm, mà thật ra, mà nó già từng năm, từng tháng, từng ngày. Nếu suy nghĩ kỹ hơn nữa, thì nó già, chết từng phút, từng giây và từng sát na ( tíc tắc )! Năm nay già hơn năm rồi, tháng này già hơn tháng trước, ngày hôm nay già hơn ngày hôm qua, giờ này già hơn giờ trước. Phút này già hơn phút trước, cho đến sát na này cũng già hơn sát na trước. Thế nên con biết, thân này rốt cuộc rồi cũng tiêu diệt. 

LƯỢC GIẢI 

Cũng như cái đồng hồ, vì có chạy từng giây, cho nên mới qua từng phút. Bởi có đi từng phút, nên mới chỉ đến từng giờ, và ngày v.v...thân này già chết cũng thế. 

* * *

Phật hỏi:-Đại vương ! Ông thấy cái thân thể của ông âm thầm già chết như thế, nên ông lo buồn; vậy ở nơi thân thể sanh diệt, già chết này, ông có biết được cái gì chẳng sanh diệt già chết không? 

Vua Ba Tư Nặc chắp tay cung kính thưa:-Bạch thế tôn, con thật không biết? 


XI.-PHẬT CHỈ CÁI "THẤY" KHÔNG SANH DIỆT

Phật dạy rằng: -Tôi nay chỉ cho ông thấy cái không sanh diệt. 

Này đại vương, khi ông mấy tuổi mới thấy được nước sông Hằng? 

Vua đáp:- Khi lên ba tuổi, con được mẹ bồng đến yết kiến Thần Kỳ Bà Thiên ( thần Trường Thọ ) đi ngang qua sông này , nên lúc bấy giờ , con đã thấy được sông Hằng. 

Phật hỏi:-Hôm nay ông thấy sông Hằng, vậy cái "thấy" đó là khác không? 

Vua thưa:- Khi con ba tuổi thấy sông hằng, đến lúc ba mươi tuổi và nay được sáu mươi hai tuổi thấy sông Hằng cũng đều không khác. 

Phật dạy: Ngày nay ông lo buồn cho thân ông già yếu, đầu bạc mặt nhăn, không được như lúc còn trẻ. Vậy nay sáu mươi hai tuổi ,ông xem thấy sông Hằng, cùng với khi còn trẻ thấy sông Hằng, cái"thấy"đó có già trẻ chi không? 

Vua Ba Tư Nặc thưa: bạch Thế Tôn , cái "thấy" không có già trẻ. 

Phật dạy, này Đại vương thân thể mặt mày ông tuy già, vậy cái nào có già, thì cái ấy sẽ bị biến đổi ,tiêu diệt; còn cái nào không già, thì cái đó không bị biến đổi tiêu diệt. Nó đã không sanh diệt, thì đâu có bị ông làm cho nó sanh tử luân hồi được . Rõ ràng như thế, ông không hiểu sao mà còn dẫn lời của ngoại đạo Mạt -già -Lê nói: thân này chết rồi hoàn toàn diệt mất? 

Vua cùng đai chúng nghe Phật dạy rồi, đều biết rằng:người chết rồi, là tâm bỏ thân này thọ thân khác, không phải mất hẳn. Ai nấy đều hớn hở vui mừng vì đặng lợi ích chưa từng có. 

LƯỢC GIẢI 

Đọan này Phật chỉ “cái thấy” không già trẻ, sanh diệt đó là Tâm. 


Bài Thứ Tư

I.- A-Nan cầu Phật chỉ cái "điên đảo" 
II.- Phật dẫn tỷ dụ để chỉ rõ cái "điên đảo". 
III.- Phật chỉ ngay cái"điên đảo". 
IV.- Phật dạy: vì mê nên có thế giới và chúng sanh. 
V.-A-Nan đã hiểu được chơn tâm song chưa dám nhận. 
VI.- Phật chỉ tâm lần thứ tư. 
VII.- A-Nan-Nan còn nghi hỏi Phật . 
VIII.- Phật chỉ tâm lần thứ năm. 
IX.-Phật dạy thêm, cái thấy là tâm chớ không phải vật. 
X.-A-Nan nghi cái thấy có lớn, nhỏ, đứt, nối. 
XI.-Phật dạy: Trần cảnh có lớn nhỏ, cái thấy không có lớn nhỏ

I.-A-NAN CẦU PHẬT CHỈ CÁI "ĐIÊN- ĐẢO". 

Khi ấy A-Nan đứng dậy lạy Phật, kính cẩn bạch rằng: 

Nếu cái thấy, nghe, không sanh diệt này là "Tâm" của chúng con, tại sao trước kia đức Thế Tôn lại quở chúng con "bỏ mất chơn tâm, làm việc điên đảo"? 

Cúi xin đức Như Lai mở rộng lòng từ bi chỉ dạy cho chúng con biết cái "Điên đảo" ở chỗ nào. 

II.-PHẬT DẪN TỶ DỤ ĐỂ CHỈ  RÕ CÁI "ĐIÊN ĐẢO".

Khi đó Phật xuôi cánh tay chỉ xuống đất, hỏi ông A-Nan rằng:

Ông thấy cánh tay của ta như thế này, là xuôi hay ngược? 

A-Nan thưa:-Các người trong thế gian cho như thế là ngược; còn con thì không biết là ngược hay xuôi. 

Phật lại hỏi ông A-Nan:-Các người trong thế gian cho như thế là ngược, thì họ cho như thế nào mới là xuôi? 

A-Nan thưa:-Đức Như Lai đưa cánh tay lên, năm ngón chỉ thẳng lên hư không, như thế là xuôi. 

Phật liền đưa tay lên, rồi kêu A-Nan mà bảo rằng:- Cũng một cánh tay này chứ không chi khác, chẳng qua chỉ đổi đầu làm đuôi, đổi đuôi làm đầu mà thôi, thế mà người thế gian, chấp thế này là ngược và thế kia là xuôi; điên đảo là đấy! Đấy là điên đảo. 

Đem một cánh tay này mà so sánh, để chỉ rõ thêm ra: Thân Như Lai gọi là thân Phật (giác ngộ), thân các ông gọi là thân điên đảo (chúng sanh). Vậy ông nên chín chắn xem xét: thân ông và thân Phật, cái "Điên đảo" (chúng sanh) ở chỗ nào? 

LƯỢC GIẢI 

Ý Phật chỉ: Đồng một thể tánh chơn tâm, vì vô minh vọng động, chấp đây thật là Phật , kia thật là chúng sanh. Đó là "điên đảo".

* * *

III.-PHẬT CHỈ NGAY CÁI "ĐIÊN- ĐẢO" 

Khi ấy A-Nan và đại chúng ngó Phật sửng sốt, đôi mắt không nháy, vì không biết ở nơi thân này và tâm này, cái"điên đảo" ở chỗ nào! 

Phật thấy vậy thương xót mới dạy tiếp: 

Ta thường nói: "Các pháp đều duy tâm biến hiện, cho đến thân và tâm ông ngày nay, cũng đều là vật ở trong chơn tâm hiện ra ". Tại sao các ông lại bỏ cái bản thể chơn tâm đi. Các ông vẫn ở trong ngộ (chơn tâm), mà trở lại đành ôm lấy cái mê (vọng)  làm mình (điên đảo là đó), thật đáng buồn thương! 

IV.-PHẬT DẠY:VÌ MÊ NÊN CÓ THẾ -GIỚI VÀ CHÚNG- SANH.

- Này A-Nan, bởi vô minh vọng động nên biến hiện ra có hư không, thế giới và chúng sanh. Trong thân chúng sanh vì có vọng tưởng lẫn lộn, nên nó vọng động leo chuyền bên trong (như vượn, như ngựa); khi các giác quan mở ra, thì nó rong ruổi theo trần cảnh bên ngoài (như vượn sút xiềng, ngựa tông chuồng). Rồi các ông chấp cái tướng vọng tưởng lăng xăng bên trong đó, cho là tâm tánh của mình. Một phen chấp nó làm tâm, thì không sao khỏi mê lầm cho rằng "tâm ở trong thân". 

Chứ đâu biết rằng: thân này, tâm này, cho đến núi, sông, thế giới và hư không đều là vật trong chơn tâm hiện ra cả. 

LƯỢC GIẢI 

Như người đương thức (dụ chơn tâm) bỗng chốc buồn ngủ (dụ vô minh). Khi ngủ chiêm bao thấy có hư không, thế giới, chúng sanh và mình (dụ vô minh sanh ra thế giới và chúng sanh), rồi chấp cái thân và tâm trong chiêm bao kia là mình, mà bỏ cả cảnh thức tỉnh rộng lớn này đi v.v...(dụ như vì mê muội nên nhận cái vọng thân vọng tâm này làm mình, cảnh này là thật, mà bỏ cái toàn thể chơn tâm sáng suốt rộng lớn kia). 

* * *

- Cái chơn tâm rộng lớn như vậy, các ông lại bỏ đi không nhận, trở lại chấp cái vọng thân, vọng tâm này cho là thật của mình. Cũng như toàn thể bể cả rộng khơi trong trẻo kia không nhận, trở lại chấp một hòn bọt nhỏ nhen cho là toàn thể bể cả, thật là điên đảo! Các ông là một trong vô số người mê muội, thật đáng thương xót! 

Như, cũng một cánh tay của ta, mà chấp thế này là ngược, thế kia là xuôi, cũng đồng một loại điên đảo! 

V.- A-NAN ĐÃ HIỂU ĐƯỢC "CHƠN TÂM" SONG CHƯA DÁM NHẬN.

Ông A-Nan vì thấy lòng từ bi tha thiết của Phật thương xót hết sức nồng hậu, chỉ dạy rất thâm trầm, nên cảm động rơi nước mắt, kính cẩn bạch Phật rằng: 

- Con tuy nhờ Phật chỉ dạy cho hiểu được chơn tâm, nhưng hiện nay con vẫn còn dùng "cái tâm phân biệt" (vọng tâm) nghe lời Phật nói, rồi ngộ suông cái chơn tâm này mà thôi, nên chưa dám nhận chắc là tâm con. Vậy xin Phật thương xót chỉ dạy cho con hết nghi ngờ, để trở về với đạo vô thượng. 

Phật dạy: - Nếu các ông lấy vọng tâm nghe chánh pháp (chơn tâm) thì chánh pháp này cũng trở thành ra vọng, không thể nghe đặng chánh pháp. 

Các ông nên biết: Ta cũng như người dùng ngón tay chỉ mặt trăng, các ngươi phải nhơn ngón tay mà xem mặt trăng. Nếu chấp ngón tay cho là mặt trăng, thì chẳng những không thấy được mặt trăng, mà cũng không biết luôn cả ngón tay. Vì cho ngón tay là mặt trăng, thì không những không biết ngón tay là gì, mà cũng không biết thế nào là tối và sáng. Vì mê chấp ngón tay là mặt trăng, thì tối và sáng làm sao rõ được. 

Nay nếu các ông chấp cái "phân biệt" (vọng) làm tâm của mình, thì cái tâm này, khi rời tiếng nói pháp của ta, thì cũng vẫn còn phân biệt, thế mới phải thật là tâm của các ông (chủ). Nếu rời tiếng nói pháp của ta ra, mà các ông không còn phân biệt nữa, thì đó là vọng (khách) chớ không phải thật tâm (chủ) của các ông rồi. 

Cũng như người khách, chỉ ngủ nhờ rồi đi, chớ không ở lại được. Nếu thật là chủ nhà, thì ở luôn chớ không còn đi đâu nữa. 

Cũng thế, nếu thật là tâm của ông, thì không đi đâu cả. Tại sao khi rời tiếng nói pháp của ta, thì ông không còn phân biệt nữa? 

Không những cái "phân biệt" về tiếng, cho dến cái "phân biệt" về sắc, hương ,vị , xúc và pháp, nếu rời sáu trần cảnh ra, thì nó đều không còn phân biệt nữa. Thế thì cái tâm của ông đồng là khách, có chỗ trả về. Vậy cái nào là "chủ", thật là tâm của ông?  

A-Nan hỏi Phật:- Nếu cái tâm của con có chỗ trả về (trần cảnh qua thì tâm phân biệt hết) thì tại sao đức Như Lai lại nói: "Cái chơn tâm của con không trả về đâu cả?". Xin Phật mở lòng từ bi chỉ dạy cho. 

IV.-PHẬT CHỈ TÂM LẦN THỨ TƯ

Phật dạy: - Này A-Nan, tất cả cảnh vật trong thế gian không ngoài: sáng, tối, trống, bít, trong, đục v. v...Nay ta đem các vật này , cái nào trả về cho bản nguyên của cái nấy. 

Như ánh sáng thì trả về cho mặt nhựt, vì không mặt nhựt thì không có sáng; còn tối thì trả về cho ban đêm, thông thả về cho trống, bít trả về cho vách, trong trả về cho tịnh, đục trả về cho bụi v.v...Cái nào trả về cho cái nấy rồi; càn cái "thấy" của ông thấy các cảnh vật đó, ông muốn nó trở về đâu? Nếu trả về cho cái sáng, thì khi tối đến đáng lẽ ông không thấy tối. Nếu trả nó về cho tối, thì khi sáng đến ông cũng phải không thấy sáng; còn trả về cho trống, bít v.v...cũng thế. 

Rõ ràng các cảnh vật tuy có thiên sai vạn biệt, mà "cái thấy" của ông thật không sai khác. Như vậy, cái nào có thể trả về được, thì cái đó là khách, tự nhiên không phải là ông rồi; còn cái nào ông không trả về được, thì cái đó là chủ, quyết định của ông chớ ai? 

Cái tâm của ông mầu nhiệm sáng suốt và sẵn sàng như vậy, tại sao ông lại tự mê muội đi, trở lại nhận cái vọng làm mình, đành chịu nổi chìm trong biển khổ sanh tử, thật đáng thương xót ! 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn này Phật phân tách các trần tướng, cái nào trả về cái nấy, để cho rõ "cái thấy" không trả về đâu được. Đó là cái "chủ", là "tâm" của chúng ta vậy. 

* * *

VII.- A-NAN CÒN NGHI HỎI PHẬT

A-Nan thưa: Bạch thế tôn, con tuy biết cái "thấy" này, không trả về đâu được, nhưng làm sao biết chắc nó là "chơn tâm" của con? 

VIII.-PHẬT CHỈ  TÂM LẦN THỨ NĂM

Phật dạy rằng: Này A-Nan, ông thử xem trước mắt, tất cả các cảnh vật sum la vạn tượng, nào là núi sông, đất nước v.v...Ông nên lựa riêng ra cái nào thuộc về cảnh vật, còn cái nào là tâm ông. 

Này A-Nan, cùng tột tầm mắt thấy của ông, ngó lên thì thấy mặt trời, mặt trăng, đó là vật chớ không phải là ông; xem rộng ra, núi, sông, cây cối, cỏ hoa, người thú; cho đến gió bụi, chim chóc, cũng đều là vật chớ không phải ông. 

A-Nan, tất cả các cảnh vật, mặc dù có cao thấp, xa gần, ngàn sai muôn khác, song cũng đều là "vật bị thấy" của ông cả. Các vật loại tuy có sai khác, mà cái thấy của ông không khác. Thế thì cái "thấy" này chính là "tâm" của ông chứ không phải vật. 

LƯỢC GIẢI

Đoạn này Phật chỉ tâm rất rõ ràng. 

*  *  *

IX. -PHẬT DẠY THÊM CÁI "THẤY" LÀ TÂM CHỨ KHÔNG PHẢI VẬT 

Nếu cái "thấy" này là vật, thì ông cũng có thể thấy được cái "thấy" của ta. 

Nếu ông cùng ta đồng thấy một vật (bị thấy) mà ông cho là thấy được "cái thấy" của ta, thời khi ta không thấy, sao ông chẳng thấy được cái "không thấy" của ta? (vì cái thấy không phải vật nên chẳng thấy được nó). 

Nếu ông nói: thấy được cái "không thấy" của ta, thì ông thấy cái gì đó, chớ quyết định không phải là thấy cái "không thấy" (tâm) của ta. Nếu ông không thấy được cái "không thấy" của ta, thì quyết định nó là "tâm", đương nhiên không phải là vật rồi. 

Lại nữa, nếu cái thấy là vật, thì khi ông thấy nó, nó cũng phải thấy được ông. Như vậy thời tâm, vật lôn lạo; và trong thế gian này, không thể phân biệt được loài hữu tình (tâm), và loài vô tình (vật). 

LƯỢC GIẢI 

Đại ý đoạn này Phật nói vật thì bị thấy, còn tâm thì không bị thấy. Bởi cái thấy là tâm, nên không thể thấy được nó. 

* * *

Này A-Nan, khi ông thấy các cảnh vật, cái thấy của ông khắp giáp tất cả, cái thấy đó không phải của ta và của người khác, thì quyết định của ông chớ ai? 

Rất rõ ràng như thế, tại ông còn nghi "chơn tâm" của ông? Cái "chơn tâm" của ông như vậy, sao ông không tự nhận lấy, lại đi cầu ta chỉ "chơn tâm" cho nữa? 

LƯỢC GIẢI 

Đoạn này, Phật chỉ tâm rõ ràng hơn hết. 

*  * *

X. -ANAN NGHI "CÁI THẤY" CÓ LỚN NHỎ, ĐỨT NỐI.

A-Nan thưa Phật: -Bạch Thế Tôn, nếu cái "thấy" này quyết định là tâm của con, chớ không phải của ai, thì khi con xem vũ trụ bao la, thấy mặt trời, mặt trăng...lúc bấy giờ cái thấy của con rộng lớn khắp giáp cả hư không. Khi con trở vào trong nhà, thì chỉ thấy nội trong nhà thôi. 

Vậy cái thấy này nó phải rút nhỏ lại, chun vào nhà, hay là khi vào nhà, nó bị tường vách cắt đứt, nên còn nhỏ như thế? Chúng con không biết nghĩa này thế nào, xin Phật từ bi chỉ dạy. 

XI.- PHẬT DẠY: TRẦN CẢNH CÓ LỚN NHỎ, CÁI "THẤY" KHÔNG LỚN NHỎ

Phật dạy: Này A-Nan, trong thế gian tất cả cảnh vật có lớn nhỏ trong ngoài, tốt xấu v.v...đều thuộc về trần cảnh hiện tiền cả, chớ không phải cái thấy của ông có lớn nhỏ, tóp lại hay nới ra. 

Cũng như trong cái hộp vuông, thì thấy hư-không vuông, trong cái chén tròn thấy hư không tròn. Vì chén tròn, hộp vuông, nên thấy hư không có vuông và tròn, chớ không phải cái hư không thật có tướng vuông tròn. 

Nếu hư không quyết định là vuông, thì khi để cái chén tròn, đáng lẽ không thấy hư không tròn. 

Trái lại, Nếu hư không quyết định là tròn, thì khi để hộp vuông, đáng lẽ không thấy nó vuông. 

Vậy nên biết: vuông, tròn là tại đồ vật, chớ không phải hư không có vuông, tròn. Nếu phá hết các đồ vuông, tròn thì ông sẽ thấy hư không không có tướng vuông, tròn. Không phải bỏ hư không vuông mà có hư không tròn, hay trừ hư không tròn mà có hư không vuông. 

Cái "thấy" của ông cũng thế, không có vuông tròn hay lớn nhỏ, mà lớn nhỏ, vuông tròn là tại cảnh vật. 

Nếu ông cho khi vào nhà, cái "thấy" quyết định phải tóp nhỏ lại, thì khi ông ra ngoài sân xem mặt nhựt, ông phải kéo giãn cái “thấy” ra đến mặt nhựt hay sao? 

Lại nữa, khi vào nhà, nếu ông cho cái thấy bị cắt đứt đi, thì khi xoi vách trống ra một lỗ, thấy được bên ngoài, sao cái thấy của ông không có dấu nối? 

Nghĩa đó rất rõ ràng như vậy, chớ có chi lạ mà ông nói không biết. 

A-Nan, tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến giờ vì mê mình (tâm) làm vật, bỏ mất chơn tâm của mình, bị cảnh vật xoay chuyển ( chi phối) nên thấy có lớn nhỏ, rộng hẹp, tốt xấu v.v...Nếu ai chuyển xoay được cảnh vật, thân tâm đặngsáng suốt viên mãn, thì đồng với chư Phật. Lúc bấy giờ không rời nơi đạo tràng (chỗ nầy) mà ở trên đầu một mảy lông, có thể chứa đựng khắp cả mười phương thế giới. 

LƯỢC GIẢI 

Từ nơi thể tánh chơn tâm, vì vô minh vọng động, sanh ra có hư không thế giới, chúng sanh cùng các cảnh vật, nên gọi "mê mình là vật". 

Khi có cảnh vật rồi, cứ theo đó mà phân biệt xấu tốt, lớn nhỏ, mừng giận v.v...nên nói "bị vật chuyển xoay". 

Đến khi hết vô minh vọng động, trở lại với thể tánh chơn tâm, thì các cảnh vật ấy không còn; như người thức giấc chiêm bao, thì cảnh chiêm bao kia hết, nên nói "xoay chuyển vật" là thế. 

Lúc bấy giờ, một sợi lông hay mười phương thế giới cũng đều là chơn tâm cả. Đã đồng là chơn tâm, thì không còn thấy thế giới lớn hơn sợi lông, hay sợi lông nhỏ hơn thế giới , vì đồng một thể tánh, nên nói: "Trên đầu một sợi lông, có thể chứa đựng mười phương thế giới". 

Đoạn này lý thâm, phải suy nghĩ nhiều mới hiểu. 


PHẬT HỌC PHỔ THÔNG
Hòa Thượng Thích Thiện Hoa