TIN TỨC PHẬT GIÁO THẾ GIỚI (TUẦN THỨ 4, THÁNG 5, 2010)

Tượng ngựa bằng đá tại chùa Bạch Mã, Trung quốc - Photo: 2point6billion.com
Tượng ngựa bằng đá tại chùa Bạch Mã, Trung quốc - Photo: 2point6billion.com

TÍCH LAN: Lễ Phật Đản Tam hợp được tổ chức tại vùng Tamil

Ngày 27-5, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, lễ Phật Đản Tam hợp được tổ chức tại thành phố Jaffna ở miền nam Tích Lan. Toàn thành phố được trang hoàng với cờ Phật giáo và đèn lồng Phật Đản nhiều màu sắc.
Các quan chức chính phủ nói rằng quân đội đang điều hành các gian hàng đồ ăn và thức uống miễn phí cho công chúng.
Lễ Phật Đản Tam hợp kỷ niệm ngày Đức Phật đản sinh, giác ngộ và nhập Niết bàn được tổ chức bởi cộng đồng Phật tử Sinhala (chiếm 74% dân số của đảo quốc này).
Jaffna là thủ phủ văn hoá của người Tamil thiểu số theo đạo Hồi.
Sau khi kết thúc cuộc xung đột quân sự giữa quân đội chính phủ và phiến quân “Những Con Hổ Tamil” cách đây một năm, Jaffna đã chứng kiến một dòng người từ miền nam liên tục đến tham quan.
Tại các khu vực khác ở miền nam của cộng đồng người Sinhala chiếm đa số, các lễ hội mừng Phật Đản diễn ra ở quy mô lớn hơn nhiều. Tín đồ Phật giáo đã tập trung tại các đền chùa ngay từ sáng sớm.
(Tân Hoa Xã - May 27, 2010)



NGA: Phật tử Nga mừng lễ Phật Đản

Tương truyền Đức Phật Đản sinh, giác ngộ và nhập Niết bàn vào trùng một ngày. Theo lịch Đông Âu thì không có ngày cố định cho ngày lễ Phật Đản, và người ta mừng lễ này vào ngày rằm tháng tư âm lịch, nhằm khoảng cuối tháng 4 - đầu tháng 5 dương lịch. Những nghi lễ long trọng diễn ra tại các nước Cộng hoà có đa số dân là Phật tử gồm Kalmykia, Buryatia và Tyva của Liên bang Nga.
Vào ngày Phật Đản, một ngày lễ chính thức tại Kalmykia, tín đồ Phật giáo kéo đến các ngôi chùa được trang hoàng hoa và đèn lồng bằng giấy. Các nhà sư đọc kinh và kể lại những câu chuyện về cuộc đời của Đức Phật và các đệ tử của Ngài.
Tại Buryatia, nhân dân sẽ được phép vào Phật học viện Ivolginsky, nơi có di hài trông như còn sống của vị Lạt Ma hệ phái Hambo là Dashi Dorzho Itigelov. Vào năm 2002, di hài của ông được khai quật và chuyển về viện này sau khi ông viên tịch được 75 năm. Vị Lạt Ma ngồi theo tư thế hoa sen trong một hộp bằng kính, và các tín đồ chỉ được vào chiêm bái ông 2 lần mỗi năm.
(Flickr.com - May 27, 2010)

Phat Hoc Vien

Phật học viện Ivolginsky ở nước Cộng hoà Buryatia (Liên bang Nga) - Photo: wikipedia

ẤN ĐỘ: Lễ Phật Đản tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya)

Ngày 27-5, hàng trăm Phật tử từ khắp thế giới đã tổ chức lễ Phật Đản ở Bồ Đề Đạo Tràng tại bang Bihar, nơi Đức Phật đã đạt được sự giác ngộ.
Ủy ban quản lý đền Bồ Đề Đạo Tràng đã tổ chức một lễ kỷ niệm Phật lịch 2.554 tại đền Đại Giác Ngộ Tự (Mahabodhi) - ngôi đền linh thiêng nhất của Phật giáo - ở Bồ Đề Đạo Tràng.
Một ủy viên nói, "Những lễ cầu nguyện đặc biệt cho hoà bình thế giới đã được tổ chức dưới cây Bồ đề".
Lễ bắt đầu với một đám rước đi từ tượng Phật cao 80 feet lên đến cây Bồ đề ở sau đền.
"Hàng trăm Phật tử, kể cả các thành viên của Hội đồng Phật giáo Quốc tế đã tham gia đám rước", nhà sư Bhikkhu Priyapal nói.
Khuôn viên ngôi đền và khu tiếp giáp được trang hoàng với cờ màu và những vật trang trí khác.
Lễ Phật Đản là ngày linh thiêng nhất đối với Phật tử khi họ hành hương đến những địa điểm gắn với Đức Phật Tổ.
(newkerala.com - May 27, 2010)

Mahaboddhi

Đại Giác Ngộ Tự (Mahabodhi) - Photo: wikipedia

ANH QUỐC: Cao Ủy Tích Lan mừng lễ Phật Đản tại Luân Đôn

Ngày 28-5, tại Cao Uỷ Tích Lan ở Luân Đôn, Giáo sư Richard F. Gombrich của trường Đại học Oxford đã có buổi thuyết trình Kỷ niệm Lễ Phật Đản với tựa đề "Phật giáo như một nguồn lực cho Hoà bình và Tiến bộ: Dành cho ai".
Tham dự sự kiện do Cao Uỷ Tích Lan tổ chức nhân lễ Phật Đản này có các tăng sĩ, viện sĩ, các nhà ngoại giao và thành viên của cộng đồng Anh và Tích Lan
Giáo sư Gombrich nhấn mạnh tầm quan trọng của Phật giáo trong bối cảnh hiện nay như là một triết lý của nền hòa bình và sự khoan dung. Phật giáo cần được thực hành ngày càng nhiều trong cuộc sống chính trị và xã hội thời nay, hơn là chỉ dành cho chùa chiền và tăng sĩ.
Ông nói rằng Đức Phật đã dạy về tầm quan trọng của việc ngăn ngừa bạo lực bằng cách làm giảm đi sự nghèo khổ, vốn là nguyên nhân cơ bản của sự xung đột và hỗn loạn trong xã hội. Thế giới Phật giáo cần xoá bỏ những sự khác biệt để duy trì các nguyên tắc cơ bản của đạo Phật, là những điều rất quan trọng đối với sự tồn tại hoà bình của nhân loại.
Giáo sư Gombrich là một học giả nổi tiếng thế giới về nghiên cứu Phật giáo, tiếng Phạn và tiếng Pali và là một nhà Ấn học hàng đầu của Anh.
(UrbanDharma - May 28, 2010)

cao uy Tich lan

Quang cảnh buổi thuyết trình nhân lễ Phật Đản của Giáo sư Gombrich tại Cao Uỷ Tích Lan ở Luân Đôn - Photo: lankapuvath.lk

TRUNG QUỐC: Tổng thống Ấn Độ viếng chùa Bạch Mã ở Lạc Dương

Ngày 26-5, Tổng thống Ấn Độ Pratibha Patil đã đến Bắc Kinh cho chuyến thăm lần đầu tiên trong 10 năm của người đứng đầu nhà nước Ấn Độ.
Bà Patil đã  gặp Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào. Ông này nói rằng chuyến thăm của bà sẽ thúc đẩy "sự hiểu biết lẫn nhau và tình hữu nghị, và tiến đến sự phát triển của quan hệ đối tác chiến lược Trung-Ấn".
Trong chuyến viếng thăm Trung quốc 6 ngày này, Tổng thống Patil cũng đến thăm gian hàng của Ấn Độ tại Hội chợ Triển lãm Thế giới ở Thượng Hải. Sau đó bà đến thành phố Lạc Dương để dự một buổi lễ tại chùa Bạch Mã vào ngày 28-5, nhân kỷ niệm việc Phật giáo từ Ấn Độ đến Trung Hoa cách đây 2.000 năm.
Thành phố Lạc Dương, toạ lạc tại tỉnh Hà Nam, là một trong 4 kinh thành cổ của Trung quốc. Chùa Bạch Mã của thành phố này được thành lập vào năm 68 sau Công nguyên bởi Hoàng đế nhà Minh, và được xem là đền thờ Phật giáo đầu tiên tại Trung Hoa. Gần đây Ấn Độ đã ủng hộ và đầu tư về văn hoá cho Trung quốc trong việc giúp nâng cấp nhiều di tích Phật giáo.
(2point6billion.com - May 28)

chua bach ma

Chùa bạch Mã ở Lạc Dương, Trung quốc - Photo: wikipedia

Diệu Âm lược dịch

Theo  phapvan.ca