DU LỊCH TÂM LINH TẠI KHU VỰC ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

I- DẪN NHẬP

Danh từ “Du lịch tâm linh” mới xuất hiện gần đây, mặc dù trên thực tế nó đã diễn ra trên cả nước từ rất lâu qua các lễ hội truyền thống dân tộc như : lễ hội chùa Dâu, lễ hội Hùng Vương, lễ hội Thánh Gióng…(miền Bắc); lễ hội Đức Mẹ La Vang, lễ hội Hòn Chén, lệ hội Quán Thế Âm, lễ hội Ponagar (miền Trung) và các lễ hội Vía Bà Tây Ninh, Vía Bà Châu Đốc v.v…ở miền Nam .

Một số lễ hội truyền thống từ xa xưa đã đi vào ca dao, như :

Ai ơi mùng chín tháng tư,

Không đi hội Gióng cũng hư mất đời

Hoặc:

Dù ai đi đâu về đâu,

Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về.

Dù ai buôn bán trăm nghề,

Nhớ ngày mùng tám thì về hội Dâu

Hay:

Tháng ba hoa gạo đỏ tươi,

Trống Đền Đô gọi người người về thăm v.v…

Lễ hội truyền thống ở cả ba miền luôn là dịp để bà con khắp nơi đổ về vào những ngày lễ hội trong năm với niềm tin xả bỏ những điều xui xẻo năm qua để nhận lấy điều may mắn trong năm mới.

Ngoài các lễ hội truyền thống, các chùa chiền, đền miếu, hang động… cũng đã góp phần làm nên một ngành du lịch riêng biệt là du lịch tâm linh. Ở miền Bắc thì có : Núi và chùa Yên Tử, chùa Tây Phương, đền Hùng…; miền Trung có các danh lam như chùa Thiên Mụ, Ngũ Hành Sơn, Tháp Bà Ponagar; miền Nam có Thích Ca Phật Đài, núi Bà Tây Ninh, núi Sam Châu Đốc, chùa Phù Dung, hang Thạch Động v.v…đều là những danh lam thắng cảnh thu hút đông đảo khách du lịch tâm linh hằng năm.

Một số danh lam thắng cảnh đã đi vào ca dao như :

Gió đưa cành trúc la đà,

Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương

Hoặc:

Hỡi cô thắt lưng bao xanh,

Có về Đình Bảng với anh thì về

Hay:

Côn Sơn, Yên Tử, Vĩnh Nghiêm,

Quỳnh Lâm chưa đến thiền tâm chưa đành

Và:

Dù ai quyết chí tu hành,

Có về Yên Tử mới đành lòng tu v.v…

Tóm lại, du lịch tâm linh là một thực tế đã có mặt hàng trăm năm nay trên khắp ba miền đất nước. Xưa nay, những khách du lịch tâm linh vẫn dùng danh từ Hành hương để nói về các chuyến đi của mình. Tuy nhiên, từ Hành hương chưa nói lên hết tính chất, ý nghĩa và mục đích của chuyến đi bởi những lẽ sau đây :

- Hành hương mang nặng ý nghĩa tín ngưỡng tâm linh, nhưng trong mỗi chuyến đi không phải tất cả mọi người đều chỉ có duy nhất mục đích mang ý nghĩa tín ngưỡng, mà có một bộ phận tuy tham gia chuyến hành hương nhưng thiên về du lịch nhiều hơn là tín ngưỡng.

- Thậm chí, những người lấy tín ngưỡng tâm linh làm mục đích chính của chuyến đi, nhưng cũng không khỏi có những cảm xúc thú vị của một người đi du lịch được thưởng ngoạn cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên, được tiếp cận với những phong tục tập quán của đời sống cư dân địa phương và được hưởng các tiện ích của dịch vụ du lịch .

II- DU LỊCH TÂM LINH LÀ GÌ ?

Đi cho biết đó biết đây

Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn

(Ca dao Việt Nam)

Du lịch tâm linh là kết hợp việc “đi cho biết đó biết đây” với “tín ngưỡng” . Đó là hai nhu cầu cần thiết trong đời sống con người, nhằm mang lại nét đẹp cho cuộc sống đi đôi với sự thăng hoa trong tâm hồn.

1) Đi cho biết đó biết đây chính là mục đích của du lịch nhằm mở mang kiến thức về thiên nhiên và con người nơi mình đến. Du lịch còn là một liệu pháp xả stress rất hiệu quả. Ngày nay, đời sống con người quá nhiều tất bật, quá nhiều bận rộn lo toan, quá nhiều cạnh tranh trên mọi mặt đời sống v.v… khiến cho con người luôn phải chịu nhiều sức ép từ cuộc sống. Du lịch chính là cứu tinh mang đến cho con người những giờ phút thong dong, tạm quên những phiền toái đời thường để tận hưởng cái đẹp của cuộc sống.

2) Tín ngưỡng: nói đến tâm linh tức là nói đến tín ngưỡng. Tín ngưỡng gồm có tín ngưỡng tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Từ tín ngưỡng tôn giáo, người ta tổ chức những lễ hội tôn giáo như : lễ hội Chùa Hương (Hà Tây), lễ hội Quán Thế Âm (Đà Nẵng), lễ hội Ponagar (Nha Trang), lễ hội Đôl ta của người Khơ Me các tỉnh miền Tây Nam Bộ v.v…

Từ tín ngưỡng dân gian, chúng ta thấy có các lễ hội Thánh Gióng (Hà Nội), lễ hội Tế Cá Ông (Bình Thuận), lễ hội vía Bà Tây Ninh, lễ hội vía Bà núi Sam (Châu Đốc) v.v.

Như vậy, qua danh từ du lịch tâm linh, chúng ta thấy có hai vế trong cụm từ này :

- Vế thứ I: du lịch

- Vế thứ II: tín ngưỡng

Phân tách cụm từ này, chúng ta thấy giữa hai nhu cầu du lịch và nhu cầu tín ngưỡng tác động một cách ngang bằng nhau. Có khi nhu cầu tâm linh là động cơ chính, có khi nhu cầu du lịch là động cơ chính. Tuy nhiên kết quả hưởng thụ của khách du lịch tâm linh luôn luôn là cùng một mức độ mặc dù đi với động cơ nào.

Nếu điểm qua tất cả các lễ hội trong cả nước và các danh lam thắng cảnh thu hút khách du lịch hiện nay thì chúng ta thấy tỉ lệ du lịch tâm linh trong tổng thể nền du lịch của nước ta là không nhỏ, nếu không muốn nói du lịch tâm linh chiếm một tỷ trọng ngang bằng với các loại hình du lịch khác cộng lại..

III-HIỆN TRẠNG DU LỊCH TÂM LINH TẠI ĐBSCL

1-ĐÔI NÉT VỀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG :

Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bao gồm các tỉnh: Long An, Tiền Giang, Đồng Tháp, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu và TP.Cần Thơ (12 tỉnh và 1 thành phố) với diện tích 39.568 Km2 (chiếm 12% diện tích tự nhiên cả nước).

ĐBSCL có đủ các yếu tố du lịch hấp dẫn như : Đường xá giao thông thuận lợi và thông suốt quanh năm. Phương tiện du lịch chủ yếu là ô tô , ngoài ra còn có tàu cao tốc đưa khách ra thăm các hải đảo rải rác suốt 700 km bờ biển. Có núi non, hang động, có rừng ngập mặn là nơi hội tụ các đàn chim về sinh sống tạo thành các tràm chim bao la kỳ thú. ĐBSCL lại có những địa danh đã đi vào văn học sử như : Kinh Vĩnh Tế, chùa Phù Dung, Thạch Động, chùa Tây An, đền thờ Phan Thanh Giản và gần đây có thêm các di tích lịch sử như : Hòn Đất, đồi Tứt Dụp, căn cứ kháng chiến U Minh Thượng v.v… được nhân dân cả nước biết tiếng.

Lợi thế du lịch của ĐBSCL là khí hậu ôn hòa, biên độ nhiệt độ trung bình hằng năm từ 2 đến 3o , không quá rét cũng không quá nóng, ít gặp thiên tai, bão lũ nên có thể du lịch quanh năm. ĐBSCL là nơi có nền ẩm thực phong phú và hấp dẫn nhất nước với những vườn cây trái bạt ngàn với những thứ trái cây nổi tiếng cả nước như bưởi Năm Roi, sầu riêng Cái Mơn, nhãn Bạc Liêu v.v…. Những thực phẩm nức tiếng làm du khách say mê như : nước mắm và tiêu sọ Phú Quốc, bánh bía Vũng Thơm, xôi Hà Tiên v.v…Rừng và sông biển vùng này cung cấp đủ thứ động vật và thủy hải sản mà bất cứ một du khách sành ăn nào cũng không thể bỏ qua.

Cần Thơ gạo trắng nước trong

Ai đi đến đó lòng không muốn về

Hoặc

Chiều chiều quạ nói với diều

Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm

2-MỘT SỐ LỄ HỘI VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH CỦA ĐBSCL PHỤC VỤ CHO DU LỊCH TÂM LINH :

a) Lễ hội :

- Lễ hội vía Bà tại khu di tích Gò Tháp, tỉnh Đồng Tháp

- Lễ hội vía Bà Chúa Xứ tại núi Sam, Châu Đốc, tỉnh An Giang

- Lễ hội Chô Chnam Thmây của dân tộc Khmer, An Giang

- Lễ hội Nguyễn Trung Trực, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang

- Lễ hội Rằm Nguyên Tiêu tại thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang v.v…

Ngoài ra, trong tháng giêng âm lịch hằng năm, số lượng Phật tử đi cúng mười kiểng chùa (gọi là đi thập tự) cũng là một hình thức du lịch tâm linh thu hút rất nhiều du khách.

B) Điểm du lịch tâm linh:

- Tỉnh Tiền Giang có chùa Vĩnh Tràng (TP.Mỹ Tho) v.v..

- Long An có Chùa Tôn Thạnh “Di tích Cụ Đồ Chiểu” (Cần giuộc); chùa Kim Cang “Di tích Phật học thời chấn hưng Phật giáo” (Thủ Thừa); Chùa Linh Sơn (Chùa Nổi) (Vĩnh Hưng)

- Tỉnh Vĩnh Long có đền thờ Phan Thanh Giản (TP.Vĩnh Long) v.v…

- Tỉnh Đồng Tháp có các điểm: chùa Kiến An Cung, chùa Bà (Sa Đéc), chùa Hương, mộ Cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (TP.Cao Lãnh) v.v…

- Tỉnh An Giang có các điểm: nhà lưu niệm Tôn Đức Thắng, núi Cấm – chùa Vạn Linh, núi Sam –miếu Bà Chúa Xứ - Lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Tây An v.v…

- TP ần Thơ có các điểm : chùa Nam Nhã, Hội Linh cổ tự, chùa Ông v.v…

- Tỉnh Sóc Trăng có các điểm : chùa Kh’Leang, chùa Dơi, chùa Đất sét v.v…

- Tỉnh Cà Mau có các điểm: chùa Quan Âm cổ tự, chùa Bà Mã Châu, miếu ông Thần Minh v.v…

- Tỉnh Kiên Giang có các điểm : Chùa Hang (H.Kiên Lương), Thạch Động, Lăng Mạc Cửu, chùa Phù Dung, chùa Tam Bảo (TX Hà Tiên), đình thần Nguyễn Trung Trực (TP.Rạch Giá) v.v…

Ngoài ra, còn rất nhiều ngôi chùa trong vùng cũng là điểm thu hút khách du lịch tâm linh vào dịp rằm tháng giêng hằng năm qua chuyến đi thập tự.

Trên đây là danh mục được trích ra từ một số sách hướng dẫn du lịch, mặc dù chưa phải đầy đủ nhất nhưng cũng cho chúng ta thấy tiềm năng du lịch tâm linh tại ĐBSCL thật là dồi dào, có thể tổ chức các chuyến du lịch tâm linh quanh năm suốt tháng.

IV-MỘT SỐ NHẬN XÉT VỀ DU LỊCH TÂM LINHTẠI ĐBSCL HIỆN NAY

1) Du lịch tâm linh là truyền thống sẵn có của nhân dân ĐBSCL : Như trên đã trình bày, du lịch tâm linh đã hình thành từ hàng trăm năm nay, giờ đây đã trở thành một ngành du lịch truyền thống, chiếm tỷ trọng đáng kể trong nền công nghiệp không khói hiện nay.ở ĐBSCL. Trên nền tảng đó, chúng ta dễ dàng phát triển du lịch tâm linh tại ĐBSCL trong tương lai.

2) Ý niệm du lịch tâm linh còn mới mẻ đối với các Công ty du lịch : Mặc dù trên thực tế, du lịch tâm linh đã có mặt từ lâu nhưng ý niệm về DLTL thật ra còn mới mẻ đối với các Công ty lữ hành cũng như đối với các cấp lãnh đạo ngành du lịch của Nhà nước. Tình trạng này dẫn đến một số suy nghĩ và việc làm chưa tương hợp với nhu cầu phát triển DLTL cả nước nói chung, tại ĐBSCL nói riêng :

- Một là: Chưa đánh giá đúng hai chữ “tâm linh”, cho đó là mê tín dị đoan : từ sự hiểu lầm này dẫn đến quan điểm không mặn mà với ngành DLTL; không quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng đối với những địa điểm DLTL

- Hai là : Chưa có một công trình nào nghiên cứu và trình bày tường tận về các lễ hội và các địa điểm du lịch tâm linh trên cả nước và tại ĐBSCL: Không phải là không có hoàn toàn các công trình này, tuy nhiên nó chỉ xuất hiện rải rác và không đầy đủ trên một số ít sách địa chí của từng địa phương và được viết theo nhãn quan chính trị chứ không phải với nhãn quan của một nhà nghiên cứu tôn giáo và văn hóa dân gian để có thể phục vụ cho nhu cầu tâm linh của khách du lịch, nhất là đối với khách du lịch nước ngoài.

- Ba là: Vì chánh quyền ít quan tâm nên DLTL bị một số người lợi dụng dưới hình thức “buôn thần bán thánh”: rất cần thiết xây dựng những công trình mang tính quy mô về trị giá của công trình và giá trị của kiến trúc để tạo nên những công trình tín ngưỡng tâm linh có định hướng phát triển du lịch tâm linh lâu dài nhưng phải nhận thức rõ tín những tâm linh không chỉ đơn thuần là trị giá kinh phí đầu tư lớn hay giá trị kiến trúc mà phải thật sự có nếp sinh hoạt về tín ngưỡng và tâm linh thì đây chính là cái hồn nếu ngược lại sẽ dễ bị lợi dụng mua thần bán thánh. Ngoài ra, tệ nạn “Cái bang” chèo kéo khách du lịch cũng đang là một nhức nhối của ngành DLTL hiện nay.

- Bốn là: Ngành du lịch chưa có chuyên khoa đào tạo hướng dẫn viên DLTL: Ví chưa có các công trình nghiên cứu chuyên sâu , đầy đủ và tập trung về DLTL và cũng chưa có lớp chuyên đào tạo hướng dẫn viên DLTL nên còn hạn chế rất nhiều trong việc giới thiệu ý nghĩa, mục đích, ảnh hưởng v.v… của từng lễ hội và từng điểm DLTL đến với khách du lịch, nhất là khách du lịch ngoại quốc. Thậm chí, nhiều hướng dẫn viên còn chưa thông thạo cách xưng hô với các chức sắc tôn giáo mỗi khi có dịp tiếp xúc. V.v…

V. MỘT SỐ ĐỀ XUẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN NGÀNH DLTL TẠI ĐBSCL

1) Thay đổi nhận thức về DLTL ở các cấp lãnh đạo ngành Văn hóa – Du lịch : Chúng ta hãy đánh giá đúng về DLTL và không xem các chuyến hành hương của bà con từ xưa đến nay là mê tín. Một khi các cấp lãnh đạo đánh giá đúng về mặt tích cực của DLTL thì nó sẽ trở thành một ngành quan trọng trong tổng thể nền du lịch tại ĐBSCL.

2) Có sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền, ngành du lịch và đoàn thể, cá nhân đang quản lý các địa điểm DLTL : Thời gian qua, chúng ta chưa có được sự kết hợp hài hòa giữa chính quyền, ngành du lịch và các ban quản lý điểm DLTL, xin đưa ra vài dẫn chứng cụ thể :

- Ngành du lịch chăm lo phát triển cơ sở hạ tầng ở những khu du lịch do Nhà nước quản lý mà không quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng cho những điểm DLTL

- Ở những địa điểm DLTL có từ xa xưa mà nay đặt dưới quyền quản lý của ngành du lịch thì ngành du lịch thu tiền du khách, khiến cho điểm DLTL đó bị hạn chế trong các mặt hoạt động, không còn tấp nập như trước nữa.

- Có những điểm DLTL mà tập thể hay cá nhân quản lý không đủ trình độ viết lại lịch sứ, ý nghĩa… của dí tích, chúng tôi đề nghị ngành du lịch nơi đó hỗ trợ bằng cách cử người có trình độ tìm hiểu và ghi lại lịch sử của di tích để giới thiệu với du khách.

- Ngành du lịch cần tư vấn hoặc hỗ trợ các điểm DLTL mà ban quản lý nơi đó vì thiếu trình độ hay thiếu vốn đầu tư mà để cho di tích nhếch nhác, nhuốm màu mê tín hay mang tính buôn thần bán thánh . Với sự giúp đỡ của ngành du lịch, các di tích ấy sẽ khởi sắc hơn để góp phần vào ngành công nghệ không khói của địa phương.

- Các tổ chức, đoàn thể hay cá nhân hiện đang quản lý các danh lam thắng cảnh cần học hỏi cách tổ chức của ngành du lịch hoặc phối hợp với ngành để không ngừng nâng cấp, đổi mới, phát triển điểm DLTL của mình. (Báo Giác Ngộ số 473 ngày 21-2-2009 có bài phản ánh tình hình xuống cấp nghiêm trọng về cơ sở vật chất cũng như về nét đẹp văn hóa của khu du lịch Thích Ca Phật Đài-Vũng Tàu là một thí dụ điển hình cho sự thiếu kết hợp giữa Ban quản lý di tích – chính quyền – Ngành du lịch)

Tóm lại, để phát triển ngành du lịch tâm linh, cần có sự kết hợp hài hòa giữa chánh quyền địa phương, ngành du lịch và ban quản lý các điểm DLTL trong tổng thể du lịch của mỗi tỉnh, thành. 3) Ngành du lịch cần biên soạn và tổng hợp các tư liệu chính xác về các lễ hội tôn giáo, lễ hội dân gian và các điểm du lịch tâm linh ĐBSCL.

Hiện nay, các tư liệu về các lễ hội và các điểm DLTL không phải không có, nhưng chúng tản mác , không đầy đủ và nội dung chưa hẳn đảm bảo 100% tính xác thực của nó. Công việc cần làm là ngành Văn hóa – Du lịch nên đứng ra thu thập những tài liệu đã có. tu chỉnh lại nếu cần, biên soạn thêm những nơi chưa có tư liệu để tập hợp lại thành một cuốn sách nói về các lễ hội, các danh lam thắng cảnh DLTL của ĐBSCL. Chúng tôi nghĩ việc làm này mặc dù tốn nhiều công sức và kinh phí, nhưng là việc làm cần thiết, xem như một phần của kinh phí đầu tư cho ngành du lịch. Vả chăng khi công trình ra đời, nó sẽ là một quyển sách sẽ có nhiều người tìm mua..

4) Cần đào tạo hướng dẫn viên DLTL:

Lực lượng hướng dẫn viên du lịch nước ta đang thiếu trầm trọng. còn nói về hướng dẫn viên DLTL thì gần như không có. Chúng ta đều biết vai trò vô cùng quan trọng của người hướng dẫn viên du lịch : vừa đảm đang tháo vát, vừa phải có đủ kiến thức về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, về đất nước và con người ở nơi mình đưa du khách đến đấy nghỉ dưỡng, tham quan. Tôi đề xuất ngành du lịch cần mở những lớp chuyên đào tạo hướng dẫn viên DLTL, hoặc mở rộng mạng lưới cộng tác viên làm việc bán thới gian cho ngành du lịch.

Hướng dẫn trong du lịch tâm linh đòi hỏi người hướng dẫn viên phải thông hiểu về tôn giáo, tín ngưỡng; phải hiểu sâu về ý nghĩa tâm linh của mỗi lễ hội, mỗi danh lam thắng cảnh nơi mình đến. Nếu thấy đào tạo một hướng dẫn viên du lịch tâm linh “thông bác” như vậy quá khó thì ngành du lịch có thể tìm cộng tác viên tại chỗ, như thế sẽ đỡ thời gian , kinh phí và công sức đào tạo.

VI. KẾT LUẬN

Du lịch tâm linh là một hoạt động văn hóa độc đáo của người dân ĐBSCL, cần được đánh giá đúng đắn về ý nghĩa và hiệu quả các mặt của nó trong đời sống xã hội. Tỷ trọng ngành du lịch tâm linh trong tổng thề nền công nghiệp không khói của nước ta nói chung, Đồng bằng sông Cửa Long nói riêng là không nhỏ. Ngành du lịch tâm linh ở nước ta có một tiềm năng phong phú vô tận nếu biết khai thác. Muốn vậy, ngành Văn Hóa – Du Lịch phải quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giúp cho việc lưu thông được thuận lợi; đồng thời kết hợp về chuyên môn với các tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng để phát huy hiệu quả của các danh lam thắng cảnh trong vùng./.

http://farm2.static.flickr.com/1416/683989738_c19c4afe90.jpg

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

THÍCH MINH NHẪN

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)