VAI TRÒ CỦA HOẰNG PHÁP TRONG VIỆC ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH TÂM LINH


 

altTrong quá khứ, Phật giáo đã đi vào đời sống của dân tộc Việt Nam trên 2000 năm lịch sử. Cả nước có trên 15000 ngôi chùa, trên 50.000 Tăng Ni tu học và hành đạo. Phật tử chiếm số đông hơn các tín đồ tôn giáo khác tính trên cả nước. Theo dòng thời gian, lịch sử Phật giáo cũng có lúc hưng suy, nhưng sức sống Phật giáo vẫn tiềm ẩn nơi chốn Già lam là nhờ có chư vị cao Tăng thạc đức đi đến hoằng hóa, đã để lại di tích âm đức và công đức giáo hoá kinh điển, pháp khí, kinh tượng, nhục thân, bảo tháp. Sau khi hoà bình lập lại, năng lượng và trí tuệ ấy duy trì nuôi dưỡng tiếp tục cho Phật giáo lại được hồi sinh để theo đà nhịp sống xã hội.

Từ những hạnh lành của các bậc cao tăng, các hoạt động từ thiện, các tổ chức xã hội có nguồn gốc Phật giáo đã và đang được sự ủng hộ rất nhiệt thành của các Phật tử trong và ngoài nước. Đó là các đợt cứu trợ lũ tụt, thiên tai mang đến niền an ủi và động lực phấn đấu trong những hoàn cảnh bất hạnh. Đó là các phong trào vận động phát triển giao thông nông thôn, nhà tình thương, nhà tình nghĩa, nhà đại đoàn kết, hỗ trợ vốn mang lại sự thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống dân nghèo. Đó là các bếp cơm từ thiện luôn đồng hành với những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ thể hiện truyền thống chia ngọt sẻ bùi. Đó là trách nhiệm của Phật giáo. Đó là tình thương, là cách ứng xử của Phật giáo với xã hội, của người con Phật với cộng đồng. Tương lai, dần dần công tác này đã trở thành nét văn hóa ứng xử của đông đảo quần chúng.

Thử nhìn lại cách đây 10 năm, các phong trào của Phật giáo như: cúng dường thập tự đầu năm lễ chùa nghe pháp, xin lộc, tạo nhân thiện thanh cao. Cúng dường trường hạ cho chư Tăng Ni an cư trong 3 tháng. Đặc biệt là cúng dường mùa vu lan báo hiếu. Ở các tự viện, tỉnh thành có tổ chức tu tập trung hoặc khai giảng, bế giảng các khóa tu ở các hội trường lớn, đã tạo thành phong trào tốt, để phật tử có nơi tham gia học hỏi tu tập, hành hương thưởng ngoạn cảnh đẹp, đồng thời học được cách tổ chức tốt của các địa phương.

Du lịch tâm linh mang đến những lợi ích xã hội sau:

1. Người đi được chiêm ngưỡng các cảnh đẹp quê hương, tăng lòng yêu nước, học tập các gương chư vị tiền bối có công với đạo, có công tôn tạo chùa chiền thành các cảnh đẹp của quê hương đất nước. Học tập kinh nghiệm, trao đổi công tác giữa các chùa, các đoàn phật tử với nhau.

2. Người địa phương có nhiều công ăn việc làm từ dịch vụ du lịch.

3. Giới thiệu được các đặc sản, sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở địa phương.

4. Tạo tình cảm tốt đẹp, kết nối những con người quá khứ và hiện tại thành những người yêu quê hương, yêu đất nước, ham học hỏi, hăng say phục vụ và chăm sóc nhau cùng tiến bộ.

5. Thõa mãn óc tò mò ham học hỏi.

Theo kinh nghiệm của người viết khi đi theo cúng dường thập tự, trường hạ, vu lan, thăm người mù, trại tâm thần, các đợt cứu trợ xã hội v.v. Có một số vấn đề cơ bản cần phải được các nhà tổ chức lưu ý, nhằm giúp cho chuyến đi cúng dường thật sự đạt được ý nghĩa . Một chuyến hành hương thành công sẽ tạo ấn tượng tốt, gây tiếng thơm thanh cao cho tất cả những người tham gia, đọng lại những tình cảm đẹp, những bài học quý.

Người viết xin đạo đạt với các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như địa phương một số ý như sau:

A. Nội dung lịch trình:

1. Cần phải có chương trình rõ ràng. Ý nghĩa và mục đích hành hương đến các điạ điểm đó. Đến đó cần lưu tâm và học tập những điều gì?

2. Nên có kế hoạch, phân công trách nhiệm cho Phật tử tác bạch và thỉnh người đáp từ, chia xẻ kinh nghiệm tu học, pháp đàm, vấn đáp, thông tin các phật sự cùng quan tâm…. để được người tham gia được hỗ trợ và thông tin đúng mức.

3. Các buổi cắm trại, khoá tu mùa hè, hành hương qua nhiều tỉnh, cần có kế hoạch, kết hợp để được hỗ trợ các nơi đi qua, giúp đỡ một cách tốt đẹp. Tạo mối đoàn kết nội bộ ở các vùng miền mà đoàn đi tham quan.

4. Nên lưu ý tạo thói quen cho phật tử cúng dường và cầu nguyện tập thể, tạo năng lượng và cảm giác thanh cao, thánh thiện. thể hiện sự tôn nghiêm đối với Đức Phật.

5. Cần chọn trước nơi ăn uống và nghỉ ngơi cho phật tử, giới thiệu trước các dịch vụ đi kèm để phật tử dự kiến chọn lựa.

Tế nhị trong việc giải quyết những khó khăn. Thể hiện những đức hạnh cao quý của người con phật.

B. Địa điểm đến:

1. Là nơi có nét đẹp kiến trúc văn hóa theo truyền thống.

2. Là nơi có truyền thống về đào tạo hiền tài, giúp đỡ dân nghèo, tạo những phong trào ích nước lợi dân.

3. Là nơi có đời sống văn hóa tâm linh chuẩn mực, là trung tâm của khu vực.

4. Là các trung tâm tu học của các tông phái: thiền tông, tịnh độ tông, mật tông, trường đào tạo tăng ni trẻ.

5. Là nơi có thắng cảnh đẹp, có nhiều hoạt động tu tập – từ thiện có ích.

6. Cũng cần cân nhắc, tránh đến những nơi đến bị lôi cuốn vào các cuộc chào mời, ép khách, xin điểu làm tiền, quá đáng, tránh cò mòi, khách sạn quá giá quy định, tránh đến những nơi cúng kiến thịt cá trên chánh điện.

Và xin được đề xuất với các nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như địa phương những ý kiến cá nhân về một số vấn đề để xây dựng tu viện thật sự trở thành: “Điểm đến tâm linh”

1. Xây mới, hoặc mở rộng khuôn viên chùa, chánh điện và giảng đường có thể dung chứa từ 300-500 phật tử ở các chùa vùng quê, 1000 đến 2000 phật tử ở những chùa cấp trị trấn trở lên. Đối với những nơi có cảnh quan đẹp, nên có quy hoạch tốt, tạo điều kiện để Phật tử có dịp đến chiêm bái lễ lạy cúng dường, tu tâp và nghe pháp. Hoặc tổ chức các sự kiện của Phật giáo tỉnh và khu vực.

2. Cần quy định ở các chùa có bãi đậu xe cho khoảng 20 đến 40 xe (50 chổ) trở lên nhằm tránh làm kẹt xe. Đảm bảo trật tự giao thông địa phương.

3. Những địa điểm có những truyền thống tốt đẹp, cần phải chú trọng đến vấn đền tuyên truyền. vì đây là vấn đề bảo tồn và giáo dục.

4. Luôn lưu ý bố trí nhà vệ sinh, số lương, chất lượng, nước dùng, nhà trù….

Thiết nghĩ đất nước phát triển trong thời kỳ an bình, hưng thạnh, đi lên giàu đẹp. Những nhu cầu trên là có thật, cần phải được nhận thức đúng đắn, cần phải có định hướng đáp ứng trong chừng mực có thể. Bởi vì bấy lâu nay, các phong trào này, được khởi động mang tính tự phát, theo chùa, theo nhóm Phật tử, chưa đạt yêu cầu tương đối.

Trong tương lai gần nhất, các Ban đại diện và những cơ sở tự viện cần lưu ý: nếu chuyến đi trên 1000 Phật tử, nên lên kế hoạch chi tiết, mời Phật tử có tâm phục vụ bàn bạc, dự trù để chuyến đi thành công tạo ấn tượng tốt đẹp về sau.

Cần giúp Phật tử đạt được ước nguyện: hành hương, học tập, du lịch tâm linh về nguồn, tạo không khí thoải mái vừa học vừa chơi, vừa tu tập tạo môi trường sinh hoạt thật tốt cho cộng đồng phật tử.

Đất nước Việt Nam rất đẹp, đặc biệt có chùa trải dài từ Bắc chí Nam, đây thật là điều kiện Hoằng pháp lý tưởng cho các phong trào du lịch tâm linh.

Qua cuộc hội thảo này, người viết muốn gửi đến chư vị lãnh đạo một “thông điệp”, một số thông tin từ các vùng, miền có nhu cầu thật sự. Có nên chăng, ngay từ bây giờ, khi xây dựng mới hay trùng tu tự viện cần quy định kiểu dáng, kích thước thích hợp cho tự viện đẹp trong tương lai, có môi trường tốt, rộng rãi, sẵn sàng đáp ứng phục vụ cho nhu cầu Phật tử ngày càng cao, của đông đảo tín đồ có cảm tình với đạo Phật.

Cũng từ nơi tự viện ấy, phật tử sẽ tự hào và vui vẻ, sẵn lòng giới thiệu với bạn bè, khách tham quan trong và ngoài nước về con người, lịch sử, kinh tế, văn hoá, Tôn giáo, lễ hội, phong tục tập quán của dân tộc ở các địa phương. Từ đó góp một phần không nhỏ vào khối đại đoàn kết của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam thân yêu tươi đẹp./.

 

(Trích tham luận Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc năm 2010 tại Kiên Giang)

Thích Đức Hoàng

(giaohoiphatgiaovietnam.vn)