"Phép màu" giúp con thi đậu

Chăm sóc sao cho con cái thi cử đạt kết quả cao nhất: Cho ăn toàn đồ bổ, đồ hên? Quản lý giờ học, giờ ngủ, giờ chơi chi ly từng phút? Ăn chay, đi chùa, xin bùa phép, xoa đầu rùa, cầu phước?

“Con thi mẹ cũng đi thi”, câu ví von này phản ánh đúng tâm trạng của các bậc cha mẹ có con bước vào mùa thi cử. Tuy nhiên, có những trường hợp sự chăm sóc của cha mẹ chứa đựng quá nhiều sự lo lắng nên vô tình gây nên những tác động không mong muốn đến con. Sau đây là những cách hỗ trợ tốt cần lưu ý.

Nhận ra điểm mạnh để định hướng, khích lệ

Không chờ đến mùa thi, nếu cha mẹ theo sát quá trình học và trưởng thành của con thì sẽ nhận ra điểm mạnh, điểm trội của con. Tuổi mới lớn như những viên ngọc còn thô, các em chưa thể tự đánh giá chính xác về “tài sản” mà bản thân đang có, lại hay dễ nản, vì thế những điểm mạnh trong các em đôi lúc chợt lóe sáng nhưng dễ bị lu mờ. Nếu được định hướng đúng trong việc chọn ngành thi, năng lực học tập của các em có cơ hội được thúc đẩy. Thêm vào đó, một số nét tính cách như tính siêng năng, chăm chỉ, lòng quyết tâm, tính hăng hái, sự nhạy bén,… nếu được khích lệ và giúp đỡ, rèn giũa đúng cách, sẽ có cơ hội trở thành những phẩm chất tâm lý ổn định phục vụ rất đắc lực cho trẻ vươn tới thành công.

Tạo động lực phấn đấu từ bên trong

Treo phần thưởng cho con nếu đạt kết quả tốt tại kỳ thi là cách có thể kích thích sự cố gắng của con nhưng đó vẫn là yếu tố bên ngoài. Đặc biệt, với những gia đình vốn quen chiều con em từ ngay trong đời sống thường ngày thì cách này không có tác dụng lắm trong kỳ thi.


alt


Song hành với con trong mùa thi cử. Ảnh minh họa

Ngược lại, nếu có động lực từ bên trong, các em sẽ cố gắng bền bỉ và quyết tâm hơn vì đó là mong muốn của chính các em. Cùng con đưa ra một viễn cảnh tươi sáng cho tương lai, khơi gợi nơi con lòng tự hào về truyền thống gia đình bằng những tấm gương sáng trong gia đình, cho con biết về lòng tin của người lớn dành cho con, giúp con tin vào ước mơ của con là một số cách giúp con củng cố động lực từ bên trong.

Thật ra, đây là quá trình chuyển giao sự kỳ vọng của cha mẹ đối với con thành mong muốn của chính con mình. Nhưng sự chuyển giao này cần được thực hiện dựa trên sự lắng nghe, chia sẻ và ít nhiều sự khéo léo, nếu không có khả năng nó sẽ trở thành áp lực nặng nề cho con nếu trong con xuất hiện ý nghĩ mình phải làm mọi cách để thi tốt cho cha mẹ vui lòng và chỉ có cách thi tốt mới được cha mẹ chấp nhận mình.

Cùng con xếp thời gian biểu

Trong tuổi mới lớn, các em bắt đầu có ý thức tự giác, đồng thời muốn mình được cha mẹ tin tưởng. Do đó, nếu cha mẹ bắt con nhất nhất tuân theo mọi sự sắp đặt trong sinh hoạt thì có nguy cơ gây căng thẳng mối quan hệ giữa cha mẹ và con. Dựa trên năng lực học tập và những phẩm chất riêng của con, dựa trên mục tiêu cụ thể được xây dựng từ viễn cảnh và mong muốn, cha mẹ cùng con trao đổi để lập nên một thời gian biểu phù hợp trong thời gian ôn thi. Dĩ nhiên sẽ có sự ưu tiên cho việc học nhưng không nên cắt bỏ hoàn toàn mọi sinh hoạt khác. Tập thể dục, tiếp xúc bạn bè, giải trí lành mạnh là những hoạt động cần có mặt trong thời gian biểu. Chế độ ăn uống, nghỉ ngơi cần được tham khảo thông tin y học để đảm bảo sức khỏe. Nếu bình thường con đã có thể lực tốt thì không cần phải thay chế độ dinh dưỡng. Trong lúc con thực hiện lịch sinh hoạt, học tập, cha mẹ cần có sự theo dõi, nhắc nhở và đôi khi trao đổi thêm để xem có cần điều chỉnh gì hay không.

Giữ không khí gia đình vui vẻ

Bầu không khí gia đình tác động rất lớn đến cảm xúc, tâm trạng của mỗi thành viên, đặc biệt là con cái ở lứa tuổi mới lớn dễ xúc động. Trong thời gian ôn thi, trí não các em dễ bị đặt trong trạng thái căng thẳng. Nếu gia đình giữ được không khí vui vẻ, ấm cúng, yêu thương thì đó là phương thuốc tốt nhất giúp hệ thần kinh của con cái cân bằng. Gia đình cần duy trì các sinh hoạt chung như ăn uống, trò chuyện, đi chơi. Muốn vậy, chính cha mẹ và những người lớn khác phải có cách làm chủ cảm xúc của bản thân, giải quyết tình huống gia đình trong sự lắng nghe và kiềm chế, giải tỏa lo âu để tránh cáu gắt hoặc im lặng nặng nề. Việc cậy nhờ đến những hình thức có tính mê tín là một biểu hiện lo âu quá mức của cha mẹ.

Giúp con tin vào chính bản thân

Dù rằng cha mẹ đã cung cấp cho con những gì tốt nhất có thể có, thành công của con cái chỉ có thể đạt được khi con có niềm tin vào chính bản thân. Niềm tin này bắt nguồn từ việc trẻ được tôn trọng từ khi còn thơ bé. Khi trẻ nhận thấy chúng có thể làm được điều có ích, được đánh giá cao thì chúng sẽ tin rằng bản thân mình có giá trị. Bên cạnh đó, những ước mơ của trẻ từ khi còn bé cũng cần được cha mẹ lắng nghe và động viên. Phần lớn trẻ em có ước mơ tốt đẹp và được tôn trọng sẽ nuôi dưỡng được tinh thần lạc quan, có động lực vượt qua khó khăn và đặc biệt là biết tin vào chính mình. Từ ước mơ thuở bé của con, cha mẹ giúp con xây dựng mục tiêu, kế hoạch phấn đấu cho tương lai khi con bước vào tuổi trưởng thành.

Chấp nhận con và những gì thuộc về con

Không bậc cha mẹ nào không đặt kỳ vọng cao vào con mình. Sự thành công của con cái được cha mẹ đón nhận như là “trái ngọt” của chính cuộc đời mình để mình có thể tự hào trước xã hội. Ngược lại, có những lúc đứng trước thất bại của con, cha mẹ cảm thấy rất thất vọng, chán nản, thậm chí tức giận. Cảm xúc này của cha mẹ có thể dẫn đến mặc cảm tội lỗi và sự tự đánh giá thấp bản thân nơi con cái, làm con cái cảm thấy rất bế tắc. Nếu chẳng may con cái gặp thất bại trong thi cử, chính cha mẹ nên cùng con học cách đối diện với thất bại ấy và tìm cách vượt qua. Chấp nhận con và những gì thuộc về con, kể cả thành công hay thất bại là tình yêu thương mà cha mẹ cần dành cho con, đó cũng là món quà quý giá để con nhận ra luôn có cơ hội cho mình trong cuộc sống.

Mùa thi là một dịp để gia đình thắt chặt tình đoàn kết, san sẻ tình yêu thương, sửa chữa sai lầm. Những giá trị tinh thần này cần có quá trình xây dựng từ trước đó và sẽ rất có ý nghĩa không chỉ ở kỳ thi trường học mà còn ở những kỳ thi khác trong “trường đời”.

Theo ĐOÀN BẮC VIỆT TRÂN (Chuyên viên tư vấn tâm lý Tổng đài (08) 1088)- PLTP.HCM

Con thi mẹ cũng thi

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp bắt đầu, tiếp đó là “cuộc chiến vượt vũ môn” để lọt vào đại học. Năm nay, dù số hồ sơ dự thi có giảm nhưng áp lực thi cử với những con kinh hoàng 1 “chọi” 50 ở trường y, trung bình cũng từ 15 đến 20 thí sinh tranh một suất vào các trường đại học khác là nỗi ám ảnh các thí sinh và cha mẹ. Vừa qua, bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận một bệnh nhân là tân sinh viên ở Thái Bình trúng tuyển vào Đại học Bách khoa với 28 điểm. Vừa làm xong thủ thủ tục nhập học, em ngã quỵ vì rối loạn tâm thần. Bác sĩ chẩn đoán em bị bệnh do áp lực thi cử học hành. Ai cũng muốn giúp con cái thi đậu nhưng làm thế nào giúp con học mà không tạo thành áp lực gây hậu quả đáng tiếc?.

Những kiểu chăm sóc cực đoan

Chị H. quan niệm lấy ăn bù ngủ. Ngày nào chị cũng mua đồ bổ, đồ mát, ép con trai ăn đến căng bụng mới thôi. Sáng sớm ly sữa ca cao thơm lừng. Trưa, chiều ăn toàn hải sản, thịt bò tươi, gan ngỗng,… Tối lại một tô sâm bổ lượng, chè đậu đen, chè thưng...

Do nhà chật nên khi con thi vào trường y, chị T. buộc cả gia đình phải thay đổi sinh hoạt phục vụ cho việc học thi. Chị lên lịch học và sinh hoạt cho con chi ly tới từng phút. Cả nhà chỉ được xem tivi từ 7 đến 7 giờ 30 tối. Còn lại phải giữ yên lặng cho cháu học. Chồng chị muốn xem bóng đá, xin mời ra quán cà phê. Các con nhỏ muốn xem ca nhạc, hãy nhịn một thời gian. Điện thoại trong nhà được niêm phong. Mọi giao tiếp với bạn bè, cấm. Con chị cắm cúi học, người xanh như tàu lá, thỉnh thoảng ngước nhìn qua cửa sổ, cặp mắt vô hồn.

Cháu S. khốn khổ than với chuyên viên tư vấn về áp lực của gia đình. Cha mẹ cháu treo đầy trong phòng hình ảnh của những người thân đỗ đạt. Những tấm ảnh phóng to, lồng khung kính như đè nặng lên em từ lúc học bài đến cả trong giấc ngủ.

Một dạng lo lắng phổ biến hơn là các vị cha mẹ thí sinh cầu trời khấn Phật. Có người dẫn con đi cúng 18 cái chùa cầu khấn xin đỗ đạt. Có người thỉnh bùa phép cho con sáng trí, thông minh.

 

Đại đức Thích Minh Trí

http://chuaphuclam.blogspot.com/2010/05/phep-mau-giup-con-thi-au.html