Viết Cho Con: 14- Một Số Kinh Nghiệm Về Hạnh Phúc Gia Đình

image

 

Thực ra, nói đến hạnh phúc gia đình thì Ba không dám đề cập đến nhiều, cho nên dự tính lúc đầu Ba "không có" đặt thành vấn đề về đề mục nầy, vì đây là một chuyện rất ư "tế nhị". Trên thế giới nầy có biết bao nhiêu quyển sách, tạp chí đã nói đến. Nhưng suy đi tính lại, nếu Ba viết cho con mà không có bài nầy thì nó có vẻ thiếu thốn làm sao ấy! Do vậy, Ba đành phải cố gắng suy nghĩ, nhớ lại chuyện mình, chuyện người để đúc kết một số kinh nghiệm hầu có thể giúp ích cho con được chút nào chăng?

Con ạ!

Nói về gia đình, thoạt tiên người ta phải nghĩ đến người nam, người nữ trước, rồi sau đó mới là con cái. Hai vợ chồng, trước thời gian kết hôn có thể đã yêu nhau hoặc chưa yêu nhau. Trường hợp chưa yêu nhau thật là hiếm hoi. Đó là những người gặp nhau thấy tâm đầu ý hợp, thích nhau thì họ tiến đến hôn nhân. Còn ở quê nhà cũng có vài trường hợp cha mẹ quyết định, con cái đồng ý rồi thành lập gia đình. Nhưng với đại đa số thì đã yêu nhau dù thời gian ngắn hoặc dài. Có đôi lần Ba thắc mắc về một cặp vợ chồng, họ yêu nhau 6, 7 năm trời rồi mới cưới nhau. Năm sau sanh được đứa con, chỉ một việc đơn giản là con khóc, chồng kêu vợ dỗ con, vợ nói gì đó chồng đánh một bạt tay, rồi hai người ly dị. Và cũng có một cặp vợ chồng khác, cha mẹ hai bên đi buôn bán nói chuyện với nhau, rồi hai người lại được tiến đến hôn nhân, cặp vợ chồng nầy sống với nhau tương đối khá hạnh phúc. Mãi về sau nầy Ba mới giải được thắc mắc đó, nhưng không biết là đã được ổn thỏa hay chưa? Vì khi yêu người ta chỉ nhìn thấy được cái tốt, cái đẹp của người mình yêu, còn những cái xấu thì mình chưa nhận ra. Đến khi cưới, sống chung đụng với nhau, có những cái, những chuyện nhỏ nhặt không vừa lòng nhau được ngấm ngầm chất chứa trong lòng đợi đến ngày nào đó bộc phát, sự xung đột hoặc bạo hành xảy ra, và dần đi đến tan vỡ. Còn cặp vợ chồng chưa yêu nhau, khi về sống với nhau thì tình yêu lại mới bắt đầu nẩy nở song song với tình nghĩa vợ chồng, cho nên nó có nét bền vững và hạnh phúc hơn. Ba nói đến "tình nghĩa vợ chồng", con có hiểu được không? Này con, tình yêu đương của nam nữ gọi là tình yêu, tình yêu đó được xây dựng, bồi đắp trong suốt thời gian yêu; có lúc lên đến cao điểm (lúc yêu nồng nhiệt nhất), có lúc hời hợt, xung đột và tan rã. Trong một tình yêu được tiến đến hôn nhân thì: Hai người yêu nhau, xây dựng tình yêu, đến lúc họ thấy cần có nhau, lúc ấy là đám cưới. Sau đám cưới họ còn sống với tình yêu một khoảng thời gian nữa. Nhưng từ đám cưới một thứ tình khác được hình thành, thứ tình cảm nầy rất thực tế, có sự thông cảm, tương nhượng nhìn về tốt lẫn xấu và là giềng mối của hạnh phúc vợ chồng hay gia đình gọi là tình nghĩa: Đó là tình nghĩa vợ chồng. Còn trong tình yêu thì chỉ nhìn về cái tốt, đến khi va chạm cái xấu thì tình yêu bắt đầu sút giảm và khi không thể chấp nhận được nữa thì tình yêu tan vỡ. Tại sao Ba nói nhiều như vậy? Vì đây là vấn đề căn bản, nguyên nhân đầu tiên của hạnh phúc gia đình. Nhưng con ạ! Mọi con người đều có phát họa mẫu lý tưởng về người chồng hay vợ của mình; về một gia đình đầm thấm, ấm cúng ra sao? Và con cái sẽ như thế nào? Khi chọn người yêu nó cũng có theo tiêu chuẩn, và quyết định tiến đến hôn nhân nó vẫn nằm trong khuôn mẫu của lý tưởng ấy. Lúc bắt đầu xây dựng cho một đơn vị gia đình mới là lúc hai vợ chồng phối hợp ý kiến để tạo nên cuộc sống chung. Trong thời gian đầu tiên là thời gian mà "đôi vợ chồng son" hạnh phúc nhất: Chưa bận rộn phải làm việc nhiều; có thời gian đi đây, đi đó; lúc nào đi đâu cũng thường có đôi giống như "cặp chim nhạn tung trời mà bay" hay "cặp thiên nga nhởn nhơ trên hồ nước". Nhưng nếu ai cũng biết lợi dụng thời gian nầy để "giải bày tâm sự"; để tạo được sự cởi mở của lòng mình; để "hiểu và thông cảm" nhau, thì tình vợ chồng sẽ được bền vững và hạnh phúc dài lâu; tránh được rất nhiều sự xung khắc trong tương lai.

Con ạ! Ba phải nói một điều khi Ba viết về vấn đề nầy! Thật ra, trong cuộc đời không hẳn ai đã gọi là giỏi hơn ai. Trên khía cạnh nầy người có thể giỏi hơn ta, và trong khía cạnh khác ta có thể giỏi hơn người. Nhưng trong vấn đề hạnh phúc gia đình quả là khó, Ba nghĩ rằng Ba chưa đủ kinh nghiệm hay kiến thức để hoàn tất một bài; cho nên những điều Ba viết ở đây chỉ là những gì Ba đã thu lượm được từ trong cuộc sống của người, của ta và Ba phải làm theo cả hai chiều thuận, nghịch. Tại sao gọi là thuận, và tại sao gọi là nghịch? Thuận là khi con nhìn thấy một cặp vợ chồng hay gia đình nào đó sống rất hạnh phúc, con để ý đến cách cư xử, xưng hô hay thái độ đối với nhau của họ... như thế nào, rồi con suy nghĩ "chính những điều gì làm cho họ được hạnh phúc", thì con nên học và bắt chước cách thức đó. Còn nghịch là thế nào? Giả sử vợ chửi chồng "ỏm tỏi", chồng nhịn không được đánh vợ. Những điều đó con thấy là không tốt, thì bài học mà ta sẽ học là phải làm ngược lại... Ba hi vọng con cũng sẽ thấy được nhiều kinh nghiệm khác để tạo nên một gia đình đầm ấm, vui vẻ, cảm thông, cởi mở và hạnh phúc.

Theo Ba thấy thì hạnh phúc hay không hạnh phúc bắt đầu từ bất đồng ý kiến, người "bạn đời" của mình không làm như ý của mình, hoặc bạn của mình có những cử chỉ, những thói quen không đúng theo điều mình muốn, rồi mình ngấm ngầm chất chứa những cái không ưa, đáng ghét đó trong lòng. Lúc đầu chỉ nguýt háy, bĩu môi; sau thì buông lời khó nghe, khinh miệt; rồi tới nặng tiếng, cộc cằn, chửi rủa. Khi cả hai bên không thể chịu đựng được nữa thì sự xung đột sẽ xảy ra và đưa tới gia đình rạn nứt... Tiến trình là như thế đó. Nhưng ta làm thế nào để có thể nói được những điều khó chịu ở trong lòng và "bạn đời" có thể thông cảm hoặc sửa đổi hay giải bày. Vì con người ai cũng có tự ái, và nhất là cái "chấp ngã" rất nặng nề: Lúc nào cũng cho những gì mình suy nghĩ, làm đều đúng; hoặc là người khác phải nghe lời, theo mình chứ mình không phải theo người khác. Chính vì cái "Ta" quá lớn ấy, mà ai cũng bảo thủ lấy ý kiến của mình, mặc dù sẽ đưa đến điều không hay xảy ra. Nếu cùng nhau nói được ý kiến của mình và cùng nhau tìm khuyết điểm để sửa chữa; hoặc phát triển điểm hay thì hạnh phúc ở trong tay chắc chắn được lâu dài. Sự nóng giận cũng là nguyên nhân có thể làm tan nát một gia đình đầm ấm.

Con ạ! Cái bước ban đầu sau hôn nhân rất quan trọng. Nó là bước chuyển tiếp của một tình yêu dần sang tình nghĩa vợ chồng và chuẩn bị cho thứ tình yêu đối với con cái sẽ đến. Do đó, trong thời điểm này con phải cố gắng tạo được sự thông cảm, hiểu nhau, cởi mở và cùng nhau làm; đừng để những gì khó chịu, ấm ức chất chứa trong lòng dù là nhỏ nhặt. Đồng thời biết bỏ tự ái qua một bên để lắng nghe ý kiến của "bạn đồng hành". Khi nào nóng giận, con hãy ngồi im lặng, hít hơi vào thật sâu đưa nó theo hơi thở và cố đưa lên đầu cùng với suy nghĩ; và sau đó con thở ra rất là nhẹ nhàng và điều khiến cho cơn giận, suy nghĩ ấy lan tỏa tan dần trên đỉnh đầu, từ từ như mây khói. Khi hết giận con hãy nói. Chắc chắn lời nói sẽ được êm dịu dễ nghe, có tác dụng hơn mà người bạn của mình sẽ vui lòng chấp nhận. Sự thoải mái, cởi mở về tinh thần làm đầu óc con sẽ sáng suốt, có thể giải quyết được mọi rắc rối một cách dễ dàng. Người ta nói "No mất ngon, giận mất khôn" là thế đấy! Hay trong Phật giáo có câu: "Sự sân giận là đóm lửa có thể thiêu cháy cả vạn rừng công đức" thì với hạnh phúc của con có đáng kể vào đâu!

Con yêu dấu,

Nếu một gia đình mất hạnh phúc, con cái sẽ là kẻ đau khổ và thiệt thòi nhất. Nó sẽ thiếu thốn đi tình cảm thiêng liêng của cha và mẹ. Đôi khi nó lại là chỗ để cha hay mẹ trút mọi hờn dỗi lên đầu nó bằng roi vọt hay dù bằng lời nói. Từ đó nó cũng thiếu thốn mọi thứ, hoặc là không có gì cả vì cả cha lẫn mẹ không còn để tâm đến nó như xưa. Nó sẽ không bằng bạn bè, nó sẽ mặc cảm và sự học sẽ tệ đi. Cuộc đời nó trở nên u tối, và tâm tư bắt đầu có dấu vết của sự đau khổ, hận đời! Bằng ngược lại, con có thể nhìn thấy con cái dễ mến, dễ yêu, chúng giống như những thiên thần với tương lai đầy rạng rỡ. Hai hình ảnh của hai hoàn cảnh, con phải chọn một trong hai.

Nói đến hạnh phúc gia đình thì phải nói đến vai trò của người đàn bà rất ư là quan trọng. Với bản tánh mềm mỏng, ngọt dịu, lời nói nhẹ nhàng có thể sẽ giúp các ông chồng cục mịch, nóng tánh phải thay đổi dù chưa biết "nịnh đầm". Với nghệ thuật bếp núc của các bà làm cho gia đình cảm thấy thêm ấm cúng, vui vẻ bên các món ăn hợp khẩu; hay bạn bè thích thú hợp mặt "giao tế" thỉnh thoảng đôi lần.

Con ạ!

Quả thật, viết về vấn đề nầy là khó khăn đối với Ba lắm! Ba chỉ hi vọng một vài nhận xét đúc kết thuận nghịch từ kinh nghiệm cuộc sống của Ba mẹ, của bạn bè, của những người chung quanh từ quê nhà đến xứ người, sẽ giúp thêm ý kiến cho con, để con xây dựng được hạnh phúc cho đời sống "đôi lứa" của con. Và đồng thời đem lại sự an vui cho con cái sau nầy, hầu tránh đi cái điều mà người ta gọi là "oan gia", "nghiệp chướng". Hãy cố gắng lên con nhé! Ba sẽ chúc mừng cho con!

 

Nguyên Thảo

(daophatngaynay.com)