Viết Cho Con: 15- Tinh Thần Dân Tộc

image

Con yêu dấu,

Như Ba nói với con là "Tinh thần dân tộc", thì nó có vẻ cục diện quá đi thôi! Nếu mình coi trọng dân tộc của mình thì đối với dân tộc của người không lẽ ta phải coi khinh ư? Điều ấy Ba không muốn! Ta phải trở thành người cao thượng hơn chút ít chứ! Con có biết? Có một vài dân tộc qua truyền thuyết cứ nghĩ dân tộc của mình được khai sinh từ đấng Tạo hóa cho nên lưu lạc bao năm trên xứ người vẫn không hề muốn hội nhập vào xã hội địa phương. Có vài cá nhân nộ khí xung thiên vì hiện tượng chủng tộc mà muốn tiêu diệt dân tộc khác; biến sự xung đột từ quan niệm, ý thức trở thành thực tế. Và trong bao nhiêu cuộc chiến tranh giữa nước nầy với nước kia cũng từ trong ý niệm dân tộc hạn hẹp đó mà ra. Tức là lúc nào cũng muốn dân tộc mình phải mạnh lên, phát triển thêm ra, đất nước phải được rộng lớn, phải dẫn đầu các nước, các dân tộc nhỏ khác. Hoặc là nền văn minh của xứ sở, dân tộc mình phải được tràn khắp. Hiện nay, các nước dần lấn chiếm biên giới, đất đai, hải đảo cũng nhằm trong tư tưởng ấy mà thôi!

Điều Ba muốn nói về "Tinh thần dân tộc" ở đây với con không có cái nghĩa quá lớn như ở trên, mà chỉ là một "ý thức nhỏ" con có thể làm được, và làm rất dễ dàng nếu con có ý chí, quyết tâm.

Con ạ! Mọi con người khi sinh ra được gắn liền với cha mẹ, và có những nét đặc điểm hoặc ngôn ngữ của địa phương vùng mình sống gọi là sắc dân hay dân tộc. Mình không thể lựa chọn khác hơn! Dù sao ta cũng được nâng niu, đùm bọc, nuôi nấng, lớn lên theo với dân tộc ấy. Vì vậy trong tâm tính, tư tưởng, tinh thần của con vẫn có nhiều nét nhớ nhung, quyến luyến đất nước quê hương, con người mà người ta gọi là "Tình tự quê hương, dân tộc"; nhất là dân tộc của chúng ta. Dân tộc ta có nhiều đau thương, trên xứ sở đầy dẫy thiên tai, đất đai khô cằn sỏi đá nhưng lòng vẫn nẩy mầm những vần thơ, khúc nhạc. Quê hương của ta là xứ nhạc và thơ. Thơ, nhạc đi liền với em bé từ lúc hãy còn trong nôi. Con cũng đã hưởng được một thời gian giống như vậy. Còn bây giờ thì có khác đi, vì con ở trên xứ người; và những nét, hình ảnh của một quê hương trong quá khứ dần dần sẽ được thay thế hoặc sẽ nhạt nhòa!

Tuy nhiên, trên một đất nước có nhiều dân tộc, nhiều sắc dân khác cũng là một điều hay. Vì ta có thể hiểu, có thể biết được văn hóa, con người, cách sinh hoạt của mỗi giống người. Vừa mở mang kiến thức, vừa học hỏi được những điểm đặc trưng của sắc dân ấy. Thì ngược lại, những sai lầm, những khuyết điểm của một vài cá nhân đôi khi lại bị đánh giá như là của một tập thể cộng đồng, của một sắc dân. Phàm, làm con người ai cũng có điều hay, điều dở; xấu có, tốt có. Nhưng điều xấu khiến người ta dễ nhớ hơn, Chính vì vậy cái cảnh "con sâu làm sầu nồi canh" ở quê nhà nó không rõ rang cho lắm, nhưng ở trên xứ người nó sẽ hiện rõ ra mồn một. Do đó, sự cố gắng của mỗi cá nhân phát triển điều tốt, giới hạn cái xấu là một cách thức bảo vệ được tính cách tốt đẹp cho dân tộc vậy.

Dù muốn dù không, ta đã sinh ra gắn liền với một sắc dân, ít ra cùng với cha mẹ, họ hàng thì ta nên vui lòng chấp nhận với tinh thần dân tộc ấy. Sự phát triển nét đẹp, tính tốt, học giỏi, làm hay của con chính là đem lại vinh hạnh cho dân tộc. Ấy là sự đền ơn của con rồi đó.

Con ạ! Dân tộc nào cũng có tự ái. Mỗi khi bị khinh thường hay bị chê bai, bêu xấu đều làm cho lòng mình se thắt lại, mặt có khi nóng bừng lên hay phải tái đi. Nhưng không phải vì vậy mà bạo động; sự bạo động chỉ minh chứng những cái "tệ" của mình hơn thêm. Sự ôn tồn, nhã nhặn, đối đãi tử tế, hành động "rất ư" là lịch sự, trí thức, đó mới làm thay đổi quan niệm, thành kiến của người khác được.

Thế hệ ra đi của Ba là thế hệ tương đối phức tạp. Vả lại trong cách sống còn có những nét sống "thật là ở quê nhà". Cho nên có nhiều việc, nhiều hành động chưa thể đáp ứng được với tình hình, hoàn cảnh hiện tại trên xứ người. Vì vậy hãy chưa chiếm được thật nhiều cảm tình của người cho lắm! Hi vọng thế hệ con sẽ giảm thiểu các khuyết điểm và với sự hội nhập, thích ứng hoàn cảnh mới, con sẽ đóng góp vào xã hội những công ích đáng kể. Đồng thời, ít ra cũng gây được một vài tiếng vang hãnh diện cho cộng đồng và của một sắc dân. Ba biết chắc điều ấy không khó, vì các con hãy còn thừa hưởng được sự kiên lòng, bền chí, cần mẫn trong việc làm, cũng như trong học hành thì tương lai con với sự thành công không hẳn là cách xa. Vì ích lợi của chính con và vì tình thương yêu dân tộc, con hãy gắng lên, con nhé!

Con ạ! Ba muốn con có một cái nhìn xa hơn vào các dân tộc khác để từ đó con sẽ có được một vài ý niệm “tinh thần dân tộc” của mình. Một dân tộc Trung Hoa luôn hãnh diện về nền văn hóa và văn minh của họ. Nền văn minh, văn hóa đó đã ảnh hưởng nhiều vào các sắc dân, các quốc gia ở vùng lân cận. Một dân tộc Do Thái khi đã được lập quốc trở lại trên ngay vùng đất của mình trước kia, họ đã không từ nan những sức mạnh nào để giữ vững sự độc lập và quốc gia của mình dù là dân trong nước hay ở hải ngoại. Người ở ngoài yễm trợ tối đa cho những nhu cầu trong nước, họ không “từ nan” để nhằm giữ một nước Do Thái “hãy còn tồn tại”. Một dân tộc Phù Tang thúc đẩy tính chất dân tộc của mình càng ngày càng lên cao hơn bằng những hình thức văn hóa và văn minh: Uống trà thành Trà Đạo; Võ thuật thành Võ Sĩ Đạo; cắm hoa thành Nghệ Thuật Cắm Hoa; Thiền thành Thiền Zen một thời đã được phổ biến trên thế giới; hoặc là phong trào “Gạo lức muối mè”; nghệ thuật Bonsai; xếp giấy thành những con vật v.v... nhất là Tinh Thần Yêu Nước, vì Tổ Quốc Hi Sinh của những người Võ Sĩ Đạo hay những đội Thần Phong trong trận Đệ Nhị Thế Chiến mà chúng ta cần nhiều học hỏi. Cho nên, những cách thức nâng cao giá trị của bản thân mình, của một nhóm người, của nhiều nhóm, của một địa phương, của cả nước tức là đã là “nâng cao giá trị tinh thần dân tộc” của chính mình. Một dân tộc hơn ngàn năm nô lệ đã tự mình đứng lên để dành lại được độc lập; và trong hơn ngàn năm độc lập đã tạo được những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm “thần kỳ”            để giữ vững tự chủ và tự do; thì không thể nào không vượt lên được mọi khó khăn, chèn ép của người khác, hay nước khác để thể hiện sự cao quý, đẹp đẽ, cùng sự tự chủ, ý muốn độc lập, tự do cùng đoàn kết của dân tộc mình.

Điều ấy chính là điều mà thế hệ của con và của những thế hệ nối tiếp về sau phải có nhiều suy ngẫm! Ba hi vọng các con và thế hệ sau sẽ có cách để làm cho đất nước, dân tộc giữ vững được sự hãnh diện của mình: Ta là người Việt Nam và Tổ Quốc của ta là Việt Nam! Và ta vẫn mãi hãnh diện “Đã là người Việt Nam”!

 

Nguyên Thảo