Lời ngỗng vàng - Phần 1


Giác Ngộ - Palasa Jataka, một câu chuyện trong kinh Jataka (Bản sinh), nhắc lại một giai thoại trong tiền thân của Đức Phật khi ngài là một con ngỗng vàng sống trên núi Hymalaya. Con ngỗng vàng thường đến nghỉ trên một cây judas lớn, ở đó nó kết bạn với một vị thần cây. Một hôm có con chim đến đậu trên cây judas và đại tiện trên một chạc cây. Sau đó, hạt đa từ phân chim nẩy mầm và lớn lên thành một cây đa con.

 

Khi ngỗng vàng ghé lại, cành đa đã mọc được bốn phân, có chồi non màu đỏ lợt và lá màu xanh. Ngỗng vàng nói với bạn: “Cây nào bị đa mọc lên sẽ bị hủy diệt khi đa to lớn lên. Đừng để cho nhánh đa này tăng trưởng trên chạc ba thân cây, ngược lại nó sẽ tàn phá chỗ ở của bạn. Hãy nhổ nó trước khi nó làm tét hết các cành cây judas”.

TQ (8).jpg
Ảnh: Bảo Thiên

Thần cây do dự: “Chồi đa nhỏ và không có hại gì. Nó sẽ tạo thêm bóng mát và cho những tua đẹp”. Ngỗng vàng cương quyết: “Chồi non kia rất nguy hiểm; nó sẽ làm hại bạn; khi lớn lên, nó sẽ tống xuất bạn khỏi cây và tiêu hủy chỗ ở của bạn”. Khi thần cây khăng khăng với quyết định của mình, ngỗng vàng biết rằng tranh luận vô ích. Nó bay đi và không bao giờ trở lại.

Thời gian trôi qua, mọi sự xảy ra như điều ngỗng vàng báo trước. Cành đa lớn lên, rễ vươn ra quấn lấy thân cây judas cho đến khi cắm được xuống đất, hút được nước và thức ăn từ đất. Cây đa vươn lên lớn hơn và mạnh hơn, cho đến khi nó làm cho cây jadas bị tét ra và chết, chỗ ở của thần cây bị phá hủy.

Câu chuyện cổ với mục đích nói về sức mạnh tàn phá của sự xấu ác này ngày nay có thể được coi như một cảnh báo về sự nóng lên của địa cầu. Hạt đa tượng trưng cho việc sử dụng chất đốt hóa thạch, sự thải carbon dioxide của nó là mối nguy không nhìn thấy, không mùi vị, lượng nhỏ. Giống như sự lớn lên của chồi đa, từ từ và không nhìn thấy, những chất đốt nầy khuếch tán trong bầu khí quyển, tạo ra sự thay đổi ban đầu không nhận thấy. Nhưng giống như cây đa khi đã lớn tiêu hủy chủ của nó, việc sử dụng không giới hạn chất đốt hóa thạch đe dọa nền văn minh tùy thuộc trên chúng.

Khi than đá bắt đầu được sử dụng để biến nước thành hơi và vận hành máy chạy bằng hơi nước, không ai thấy trước được phát minh tuyệt vời này đánh dấu sự khởi đầu một quỹ đạo mà một ngày kia đe dọa viễn ảnh đời sống nhân loại trên địa cầu. Và đây rõ ràng là tình trạng khó khăn mà chúng ta đang đối diện. Giống như vị thần cây judas, chúng ta đã có sự báo động đầy đủ: nhiều con ngỗng vàng đã nhắc nhở chúng ta về những mối nguy của sự thải ra quá mức khí carbon. Vào tháng 6-1988, một hội nghị khoa học ở Toronto về sự biến đổi khí hậu đưa ra kết luận:

Nhân loại đang tiến hành một cuộc thử nghiệm không mục đích, không kiểm soát, có tính cách toàn cầu mà kết quả cuối cùng của nó có thể nguy hiểm chỉ sau cuộc chiến tranh nguyên tử toàn cầu… Việc nầy cần có hành động một cách cấp thiết ngay bây giờ.

Cùng thời điểm đó, James Hassen, Giám đốc Goddard Space Center của NASA, trình bày trước Quốc hội Hoa kỳ rằng, sự thật không nghi ngờ rằng những chất đốt hóa thạch đang hâm nóng địa cầu. Ông báo động nếu xu hướng hiện tại vẫn tiếp tục, kết quả sẽ là những trận hạn hán và thời gian nóng kéo dài trầm trọng hơn, mưa cũng nhiều hơn và lụt lội xảy ra thường xuyên hơn.

Trên hai thập niên tiếp theo, các nhà lãnh đạo Hoa kỳ không để ý đến những lời cảnh báo đó. Trong tám năm dưới sự lãnh đạo của chính phủ Bush thì đặc biệt thảm hại trong những cố gắng kiềm chế khí thải. Mặc dù những thảm họa kỳ lạ do khí hậu, từ sự hạn hán ở Úc đến những trận bão mãnh liệt hơn ở Nam Mỹ, đến những trận lụt tàn phá ở châu Âu, dù những chứng thực không thể chối cãi của các nhà khoa học, Nhà Trắng chỉ đưa ra những lặp lại về sự thất bại. Những viên chức nhà nước còn bịt miệng các nhà khoa học của chính phủ và kiểm duyệt những báo động rằng sự nóng lên toàn cầu thật sự là hậu quả của chất đốt hóa thạch.

Khi ra trước Quốc hội vào ngày 23-6-2008, 20 năm sau ngày ông đưa ra chứng cứ đầu tiên, Hessen nhấn mạnh rằng thời gian đã trễ:

Chúng ta đã sử dụng hết thời gian nghỉ ngơi trong thời hạn của những hành động cần thiết để tháo gỡ ngòi nổ cho quả bom nổ chậm báo động toàn cầu. Vị Tổng thống và Quốc hội kế nhiệm phải định rõ một đường lối cho năm tới trong đó Hoa kỳ sẽ sử dụng quyền lãnh đạo xứng với trách nhiệm của mình đối với tình trạng nguy hiểm hiện tại. Ngược lại, sẽ không thực hiện được việc chế ngự carbon dioxide trong khí quyển - khí nhà kính sinh ra do việc sử dụng chất đốt hóa thạch - ở mức độ ngăn ngừa, không cho hệ thống khí hậu vượt quá điểm đỉnh đưa đến những thay đổi thảm khốc về việc khí hậu tăng dần đến chỗ vượt ra ngoài tầm kiểm soát của con người. Những thay đổi cần thiết để duy trì sự sống trên địa cầu, hành tinh trên đó nền văn minh được phát triển, được thấy rõ ràng… Tôi có thể chứng minh rằng vẫn còn có con đường cho sự không tùy thuộc vào năng lượng và cho một môi trường lành mạnh hơn.

AWT (4).JPG

Hassen định nghĩa những mục tiêu rõ ràng mà chúng ta phải đạt được để tránh tình trạng hâm nóng địa cầu lên đến điểm đỉnh thảm hại. Mức carbon dioxide an toàn trong bầu khí quyển, ông nhấn mạnh, là không quá 350 ppm (phần triệu). Điều làm cho tình trạng hiện tại của chúng ta đặc biệt đáng quan ngại là hiện giờ mức carbon dioxide đã lên đến 385 ppm, và mỗi năm tăng 2 ppm.

Tuy nhiên những viễn tượng cho tương lai không có gì phấn khởi. Những đòi hỏi trên khắp thế giới về điện năng, xe cộ, và thịt (một nguồn gây ô nhiễm carbon chính yếu) đang leo thang. Nếu mức độ carbon cao hơn sẽ làm cho khí hậu trái đất tăng lên 2 độ, cao hơn mức độ thời kỳ tiền kỹ nghệ, sự tan băng không thể tránh ở lớp băng Greenland sẽ xảy ra, một tiến trình đã bắt đầu. Sự tan băng sẽ làm mực nước biển dâng cao ít nhất từ 4 đến 6 feet (khoảng 2 mét) vào cuối thế kỷ, những vành đai ven biển trên mọi lục địa và mọi thành phố ven biển sẽ bị ngập. Những hình thức khí hậu thay đổi sẽ dẫn đến những cuộc hạn hán trầm trọng, đưa đến sự mất mùa, đói kém, và có thể chết đói hàng loạt. Những cuộc chiến tranh dữ dội có thể nổ ra vì thiếu thực phẩm và những tài nguyên khác, và một lượng dân cư lớn sẽ di chuyển để tìm thực phẩm. Nếu những sông băng trên những rặng núi Hymalayas, Andes và Rockies biến mất do sự nóng lên của khí hậu vào khoảng giữa thế kỷ, hàng tỷ người tùy thuộc vào chúng để có nước ngọt sẽ có thể bị khô khát và điêu đứng. Sự mâu thuẫn về nguồn nước có thể sẽ thay thế cho “những cuộc chiến tranh dầu hỏa” ngày nay.

Thái độ khinh suất của con người chẳng những trực tiếp góp phần vào sự hâm nóng toàn cầu, mà còn tạo nên tiến trình làm nhanh thêm sự tích tụ lớp khí nhà kính trong khí quyển. Có ba khâu hệ quả xảy ra. Hiệu quả albedo, sự phản chiếu ôn hòa của ánh sáng mặt trời lên không gian do tuyết và băng, bị mất đi một cách lũy tiến và tự động. Sự phá rừng, thải ra những lượng lớn carbon dioxide, làm mất đi “bồn rửa carbon” (carbon sink), và do sự hâm nóng, gây nên sự cháy rừng nhiều hơn. Hệ quả thứ ba gồm có sự lắng đọng đóng giá của khí methane nhà kính. Ba điều này đã bắt đầu xảy ra từ tầng đất vĩnh viễn đóng băng Sibea (và Tây Tạng), và ngay cả từ bên dưới đáy biển Artic. Nó sẽ tạo ra hệ quả chắc chắn là đưa đến việc tan chảy nhiều hơn phần đất vĩnh viễn đóng băng và việc thoát khí methane.

Đây là điều được xác nhận: hành tinh đang bị hiểm họa, không ngừng tiến gần đến chỗ mà nhà chuyên môn về năng lượng Joseph Romm gọi là “địa ngục và mực nước cao”. Là những người Phật tử, chúng ta có thể làm gì để cải thiện cuộc khủng hoảng hâm nóng toàn cầu, ngăn chặn những tai họa kéo theo từ đó nếu không có hành động cấp thời, hiệu quả và nghiêm túc? Phải chăng tình trạng của chúng ta đã ra khỏi tầm tay, hay vẫn còn chỗ cho niềm hy vọng?

Là một giáo pháp hướng dẫn đời sống tâm linh, Phật giáo đứng trên hai cột trụ bổ sung nhau là trí tuệ và từ bi. Cả hai đều có thể giúp chúng ta chẩn đoán và nêu ra những nguy hiểm của sự suy sụp về khí hậu. Qua trí tuệ, chúng ta khảo sát và nhìn thấy nó một cách toàn bộ, nhận ra nguyên nhân nằm bên dưới của nó, và quyết định về điều có thể thực hiện để chữa trị nó từ nguyên nhân. Với từ bi, con tim của chúng ta cảm nhận sự nguy hiểm một cách sống động và trực tiếp, và từ đó vươn rộng ra bao trùm tất cả những ai nằm trong sự nguy hiểm: tất cả những người, giống như chúng ta, là mục tiêu của sự thống khổ, những người đi tìm sự thanh bình, an ổn và hạnh phúc.

Suy nghĩ về những hậu quả lớn lao của sự tăng nhiệt toàn cầu sẽ giúp chúng ta thấy được rằng điều này không chỉ là vấn đề nguyên tắc và điều lệ có thể được giải quyết đơn giản với sự sửa chữa bằng kỹ thuật. Trong nền tảng, nó là vấn đề đạo đức của con người. Việc hàng tỷ người trên hành tinh này, cũng như vô số hình thức đời sống khác, phải gánh chịu những khốn khổ gây ra do thái độ vô trách nhiệm của một thiểu số quốc gia trên thế giới - những quốc gia góp phần nhiều nhất vào sự thay đổi khí hậu toàn cầu - cho chúng ta thấy sự khủng hoảng đạo đức đã làm khô héo lương tâm của chúng ta. Những người dân chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự tăng nhiệt toàn cầu là những người đang sống trong nghèo khó: những người sống ở vùng dưới sa mạc Sahara ở châu Phi, nơi đó những trận hạn hán càng ngày càng tồi tệ hơn, mùa màng thu hoạch giảm 30%; dân chúng ở các vùng đảo có thể bị mất chỗ ở do nước biển nuốt đi; dân chúng châu Á ở những vùng mega-delta sẽ đối diện với hiểm nguy lụt lội. Thêm vào đó, nếu nhiệt độ tăng lên từ 1,5-2,5oC, ¼ các loại cây cối và sinh vật có nguy cơ bị tiêu diệt.

Nếu chúng ta cho phép con tim chúng ta ôm ấp toàn thể bạn bè chúng sanh với tâm từ, “như một người mẹ đối với đứa con một” (kinh Từ bi), chúng ta sẽ cảm thấy khởi lên trong sâu thẳm của chúng ta một ý thức về sự khẩn thiết, bắt rễ từ sự nhận thức rõ ràng rằng mối hiểm họa đang treo lơ lửng trước vô số chúng sanh, loài người và không phải loài người, dù ở quốc gia này hay đất nước khác. Và nếu chúng ta để cho tâm mình được đánh thức bởi lòng từ bi, sẽ thấy rằng chúng ta không có sự lựa chọn nào khác hơn là hành động, và hành động theo con đường tạo ra sự thay đổi. Những hành động có hiệu quả phải cắm rễ từ bên trong, từ trí tuệ. Ở đây sự tiếp cận để khám phá của Phật giáo trở nên thích hợp. Để giải quyết một vấn đề có hiệu quả, cần phải thấy nó một cách toàn thể và trong nội dung toàn bộ của nó.

Khi chúng ta dọ dẫm để tìm giải pháp cho sự hâm nóng toàn cầu, câu hỏi sau đây là một câu hỏi có giá trị: “Điều gì ngăn cản cộng đồng thế giới đáp ứng với những biện pháp kiềm chế sự thải khí carbon một cách nhanh chóng và theo tỉ lệ yêu cầu?” Nếu một ngọn lửa cháy lên trong nhà tôi, tôi sẽ nhanh chóng có hành động cần thiết để dập tắt nó, ngay cả việc gọi sở cứu hỏa nếu tình trạng vượt ngoài tầm tay. Thật là kỳ lạ khi ngôi nhà hành tinh của chúng ta đang phát lửa, chúng ta lại để phí thì giờ tranh cãi ai là người phải dập tắt ngọn lửa thay vì theo đuổi những phương cách để triệt hạ nó. Những người chịu trách nhiệm nhiều nhất trong việc tạo ra ngọn lửa mưu đồ và mặc cả để phá hoại nỗ lực dấn thân vào việc chữa lửa. Những nghị định thư và hiệp định quốc tế về việc kiểm soát sự thải khí carbon, bao gồm Nghị định thư Tokyo, thì yếu ớt, giới hạn, và rạn nứt. Ở Hoa Kỳ, những đề nghị với Quốc hội để quyết định những giới hạn bắt buộc về việc thải khí carbon và những sự kiểm soát khác về việc tiêu dùng năng lượng đã nhiều lần không được sự ủng hộ của số đông. Nhà Trắng cương quyết chống lại sự điều chỉnh việc thải khí carbon, cho rằng việc đó tốn kém nhiều và tổn hại đến việc tăng trưởng kinh tế.

Vì sao có sự chần chờ, từ chối và miễn cưỡng trong những cố gắng cần thiết để cứu vãn nền văn minh nhân loại thoát khỏi tai ương hầu như không tránh khỏi này? Vì sao sự thôi thúc của cộng đồng khoa học thế giới bị sự nghi ngờ của các nhà chính trị dựa vào ý kiến của những người ở ngoài cộng đồng khoa học làm cho tịt ngòi? Vì sao những người này gieo sự hoài nghi trong quần chúng trước sự nguy hiểm rõ ràng cho chính họ và con cái họ?

AWT (2).jpg

Một phần câu trả lời là lòng tham vô đáy trong trái tim của con người. Khi những người cầm đầu những tập đoàn dầu hỏa, than đá, khí đốt - những người chịu trách nhiệm nhiều nhất đối với sự thải khí - hành động trong sự kềm kẹp của lòng tham, chúng ta có thể thấy được sức mạnh của hành động chống lại việc kiểm soát có hiệu quả sự thải khí. Sức mạnh kinh tế không vận hành trong lãnh vực riêng của nó mà hòa trộn mật thiết với sức mạnh chính trị. Và ở Hoa Kỳ, sự gắn bó giữa hai sức mạnh này vô cùng rắn chắc. Qua những người vận động hành lang, những công ty năng lượng hóa thạch tạo một ảnh hưởng lớn lao lên sự hình thành chính sách công, và sự miễn cưỡng của các nhà chính trị trong việc thúc đẩy việc kiểm soát thải khí chặt chẽ hơn hầu như trực tiếp liên quan đến ảnh hướng của những công ty này. Đó là bức rào cản mà chúng ta cần phải phá bỏ để có hy vọng thiết lập một chính sách môi trường lành mạnh.

Trong phạm vi công cộng, ngành sinh thái bị ngăn chặn trong cuộc tranh đấu căng thẳng với ngành kinh tế mà sự liên hệ giữa hai ngành dường như có ưu thế trái ngược. Theo mô hình kinh tế đang thống trị, để kinh tế phát triển, nó phải đạt được năng suất cao hơn, đem đến nhiều hàng hóa và phục vụ hơn. Sự sản xuất được nâng cao cần sử dụng năng lượng nhiều hơn, và vì năng lượng đến từ điện (phần lớn được cung cấp bởi những nhà máy chạy bằng than đá), và hàng hóa phải cần đến sự vận chuyển (chất đốt từ dầu), một nền kinh tế thành công hầu như không thể tránh hậu quả thải khí carbon nhiều hơn. Trong khuôn khổ của mô hình kinh tế hiện tại của chúng ta, đưa ra vấn đề giảm khí thải cũng có nghĩa là giới hạn sản xuất, và một sự suy giảm trong vận hành sẽ đưa đến những lỗ lã về kinh tế, những lỗ lã này sẽ lan ra trong toàn bộ hệ thống kinh tế. Giới hạn sản xuất có thể sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế, mất việc, giảm lương, và giảm quyền lợi nhân viên. Trong cái khuôn này, để thoát khỏi số phận đó chỉ có một con đường là tăng trưởng sản xuất.

Rõ ràng lòng tham đã làm cho những người lãnh đạo xí nghiệp tạo ra những cản trở đối với những đề nghị giảm bớt sự thải khí carbon, nhưng chỉ lòng tham thôi thì không giải thích một cách đầy đủ.

Bhikkhu Bodhi (Thị Giới dịch)