TRÁI TIM VÀ NỖI NIỀM SUY TƯ CỦA THẾ HỆ TRẺ VỀ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

alt

Thật ra tuổi của người viết không còn trẻ mà phải nói rằng già hay đúng hơn là sắp già, tuổi được Khổng Tử gọi là ‘Tứ thập nhi bất hoặc’, chuẩn bị bước sang giai đoạn ‘Ngũ thập tri Thiên mạng’, tuổi sắp về hưu không còn trẻ nữa. Tình thật mà nói chuyện của mình trong hiện tại còn biết chưa xong, huống gì nói đến tri Thiên mạng. Khái niệm trẻ mà tôi dùng ở đây không thuần túy chỉ căn cứ vào tuổi tác, mà căn cứ vào tính sáng tạo và cách giải quyết vấn đề có nhạy bén hay không. Thông thường người lớn tuổi, vì có quá nhiều kinh nghiệm, nên hay do dự, thiếu tính quyết đoán, cộng thêm cơ thể già nua nay bịnh mai đau, cho nên sự năng động tháo vát cũng theo đó sút giảm. Phải chăng đó là một trong những lý do chính đáng mà tôn giả Ma ha Ca Chiên Diên định nghĩa khái niệm tôn túc không giống như tinh thần của giới luật:

“Này Phạm chí, nếu có người nào già cả đến tám mươi, chín mươi tuổi, tóc bạc, răng rụng, mà chỉ thành tựu được pháp thiếu niên, thì người này chẳng phải là bậc tôn túc. Ngược lại, tuy là người tuổi trẻ khoảng hai mươi lăm, da trắng tóc đen, khỏe mạnh, hoàn toàn đẹp đẽ, mà thành tựu được pháp của bậc cao niên, thì được kể vào hàng tôn túc.”[2]

Qua nội dung của đoạn kinh này, tôn giả Ma ha Ca Chiên Diên giải thích, khái niệm tôn túc đã không căn cứ vào thời gian, tức tuổi tác lớn nhỏ mà căn cứ vào kết quả của việc tu học Phật pháp[3], người thành tựu trí và đức (thánh quả) trong Phật pháp là bậc tôn túc, cho dù ở tuổi nào, bao nhiêu hạ lạp. Ở đây, người viết không có ý luận bàn về khái niệm tôn túc, chỉ mượn ý kiến của tôn giả Ca Chiên Diên nhằm giải thích khái niệm già và trẻ được trình bày trong bài viết này. Theo tôi, người trẻ là người dám nhìn thẳng vào sự thật, dám nói dám làm, sẵn lòng nhận trách nhiệm và chịu trách nhiệm trước xã hội, dù họ ở tuổi 80 vẫn được gọi là trẻ.

Có thể có những sự thật rất phũ phàng, đôi lúc người ta không dám nhìn thẳng vào nó. Nhưng nếu chúng ta muốn sửa đổi sự thật đó thì chúng ta không nên né tránh, ngược lại phải đối diện và tìm biện pháp thích hợp để giải quyết. Những gì đã làm mà không mang lại kết quả như ý, cần phải kiểm tra và xem lại cách làm đó, không nên chủ quan, suy luận một chiều, mang cảm tính. Nên hiểu rằng, kết quả là câu trả lời trung thực nhất, để kiểm tra lại cách tư duy của mình. Nếu kết quả là tốt vừa ý, điếu đó chứng tỏ rằng cách suy tư hợp lý. Nếu kết quả là sai, không đúng với dự định mình muốn làm, điều đó cũng thông báo cho chúng ta hiểu rằng cách suy tư như vậy là sai, cần điều chỉnh tư duy và cách làm của chính mình, không phải là vấn đề thuộc ngoại tại.

Cách suy tư như vậy, không biết có đúng hoàn toàn không, nhưng đó là sự suy nghĩ của chính mình, không chịu ảnh hưởng của bất cứ một định hướng tư duy nào, dù quyền lực hay kinh tế. Thật ra, sự suy tư đó bắt nguồn từ những thông số từ thực tại, cộng thêm tấm lòng của chính mình là một tu sĩ Phật giáo người Việt (Vietnamese Buddhist monk), đã thúc đẩy tôi viết xuống những dòng suy nghĩ này. Thật sự mà nói, trong tôi có hai yếu tố tình cảm: Người Việt NamPhật giáo Việt Nam.

Trước mắt, có thể người Việt Nam chưa hơn ai, nhưng với tôi đây là tình cảm thiêng liêng của giống nòi, tôi rất hãnh diện được làm người con của dân tộc Việt Nam, lẽ tất nhiên tôi sống không thể thiếu tính thiêng liêng đó.

Phật giáo Việt Nam cũng không lấy gì cao sang lộng lẫy như những tôn giáo khác, nhưng nó là một tôn giáo cùng kham cộng khổ với dân tộc, hơn nữa Phật giáo với chủ trương lấy trí tuệ làm phương pháp để giải quyết mọi ưu phiền trong cuộc sống, và lấy lòng từ bi để xóa sạch mọi hận thù. Thiết nghĩ, đó là một đạo lý không những chỉ phù hợp với tôi mà cả dân tộc Việt Nam. Do vậy, đạo lý này cũng không thể vắng mặt trong từng hơi thở của tôi, dù ở đâu và làm gì, tôi luôn hướng về quê hương, dân tộc và Phật giáo.

Theo tôi, câu nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ’’ của Khổng Tử đã cách thời đại chúng ta mấy ngàn năm, tưởng chừng như đã lạc hậu, đi vào quên lãng, nhưng những gì đã xảy ra trong quá khứ  và ngay cả trong hiện tại, là những bằng chứng cụ thể để chứng minh lời Khổng Tử nói không sai với thực tế, cho dù ở xã hội hôm nay. Điều đó khiến tôi phải giật mình, suy nghĩ lại những gì mình đang làm và có ý định làm, không biết mình có bi quan lắm không, nhưng đó là sự thật. Thông thường chúng ta muốn làm những việc to việc lớn, không ai để ý đến việc nhỏ, thế nhưng có việc lớn nào lại không bắt nguồn từ những việc nhỏ. Việc nhỏ chưa thành thì đại sự làm sao thành tựu?

Nhân có một vài người hỏi tôi về Ngày Về Nguồn, tôi xin bộc bạch một vài ý kiến riêng của mình, qua đó, gợi ý một số vấn đề trong tổ chức Phật giáo, để chúng ta cùng nhau rút ra kinh nghiệm, và nếu không có gì trở ngại, lần tới tôi sẽ trình bày một vài ý kiến mang tính cá nhân về việc hoằng pháp lợi sinh trong xã hội ngày nay, dưới cái nhìn của tổ chức giáo hội.

Theo tôi, động cơ để hình thành tổ chức giáo hội chính là cùng chung ý tưởng: muốn Phật pháp được phát triển ở thế gian. Ý tưởng đó hoàn toàn cao đẹp và hợp lý, nhưng trên thực tế thì không đơn giản. Có thể nói thành lập tổ chức giáo hội là khó, nhưng duy trì và phát huy giáo hội lại càng khó hơn.

Ai cũng nghĩ đơn giản rằng, công việc hoằng dương Phật pháp được hướng dẫn chỉ đạo dưới một tập thể trí tuệ, chắc chắn Phật giáo sẽ phát triển tốt hơn. Cách suy nghĩ này đâu có gì là không đúng, nếu như tổ chức đó thật sự được những người hiểu biết tham gia, vận dụng tri thức của mình lập ra những phương thức cụ thể và khả thi. Nếu không, thì sự có mặt của tổ chức lại trở thành sự bất lợi cho Phật pháp. Sự bất đồng ý kiến giữa những thành viên, đưa đến sự rạn nứt trong tăng đoàn, và phải chăng đây là mầm mống phá hoại Phật pháp thương đau nhất? Giống như một chiếc xe được kéo bởi hai con ngựa tốt mà không có người điều khiển giỏi, con nào cũng muốn chạy theo con đường riêng của mình. Rốt cuộc chiếc xe không chạy được mà còn bị hư hoại vì những sức kéo trái nghịch nhau. Cũng như vậy, nếu người lãnh đạo không căn cứ vào luật lệ của tổ chức để điều hành công việc, hoặc luật lệ đặt ra không hợp lý và cụ thể, không sớm thì muộn tổ chức ấy cũng sẽ tan rã. Nếu không tan rã thì tổ chức ấy cũng chỉ có danh mà không có thật. Một điểm khác cũng cần chú ý, giả sử tổ chức đó đã có luật lệ hợp lý, nhưng người điều khiển tổ chức không có trình độ chuyên môn thì luật lệ đặt ra có hợp lý thế nào cũng trở thành vô tác dụng, và điều quan trọng không kém nữa là sự thiếu trách nhiệm với tổ chức của những thành viên. Có thể nói hai yếu tố này mang tính quyết định về sự thành công hay thất bại cho việc phát triển đạo pháp.

Tôi tin là câu nói: “Thời thế tạo ra anh hùng và anh hùng cũng có thể tạo ra thời thế’’ đều có thể xảy ra. Phật giáo chúng ta thì không nói chuyện anh hùng và trong Phật giáo cũng không có một tỷ kheo nào muốn làm kẻ anh hùng, nhưng bất cứ người xuất gia nào cũng muốn Phật pháp được tồn tại và phát triển ở thế gian, cho nên tôi phải vay mượn ý nghĩa của câu này để nói đến một ý nghĩa khác. Sự tồn tại và phát triển của Phật giáo tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố. Theo tôi yếu tố quan trọng nhất, không phải là yếu tố ngoại tại mà yếu tố nội tại. Không nên quá xem nặng những yếu tố ngoại tại, để rồi cố tình quên đi yếu tố quan trọng từ bên trong của Phật giáo. Chúng ta thường nói bản thể của tăng già là hòa hợp thanh tịnh; vậy thì hiện tình như thế nào? Khái niệm tăng già ở đây là nói cho tất cả thành phần của tăng, không phải chỉ có vài ba người. Nếu tăng già đã hòa hợp thanh tịnh, lại cộng thêm trên 60% dân số người Việt là Phật giáo thì ý muốn hợp tình hợp lý nào lại không thực hiện được, sự khó khăn nào lại không vượt qua, nếu mọi thành viên đều có suy tư tốt, biết lắng nghe và hết lòng vì Phật pháp.

Nên xem việc điều hành bộ phận hành chánh của tổ chức Phật giáo như là một tổ chức xã hội. Không nên điều hành nó như một ngôi chùa làng, giải quyết vấn đề một cách tùy tiện, mang tính tình cảm theo sự thương ghét của mình. Đây là nguyên nhân sâu xa dẫn đến sự thất bại. Thêm vào đó, người lãnh đạo tổ chức Phật giáo không thể dựa vào hạ lạp, hoặc ý kiến cá nhân để điều hành công việc giáo hội. Cách làm như thế biểu thị tính không tôn trọng nghiệp vụ chuyên môn của người khác, sẽ vấp phải 3 lỗi:

1. Không có người đóng góp ý kiến.

2. Người tài đã đến sẽ bỏ đi, nếu chưa đến sẽ không đến.

3. Chung quanh mình toàn là kẻ dua nịnh.

Ở đây còn có một vấn đề tế nhị mà chúng ta cũng nên chú ý và tìm hiểu: tổ chức Phật giáo và tổ chức xã hội là hai tổ chức có mục đích hoàn toàn khác nhau. Tổ chức xã hội phần lớn mang tính lợi nhuận, ăn đồng chia đều, lấy lợi nhuận làm động cơ để ràng buộc người với công việc, công việc với lợi nhuận. Ngược lại, tổ chức Phật giáo là tổ chức phi lợi nhuận, toàn là những người tự nguyện, ràng buộc với nhau ở tấm lòng của những người có cùng một mục đích đem lợi ích cho đạo và đời. Nhưng tấm lòng đó ai dám chắc rằng luôn luôn tốt và không thay đổi? Thật ra, việc làm mang tính thiện nguyện, trong đó thường hàm chứa cách suy nghĩ: “Rảnh thì làm bận thì thôi, thích thì làm không thích thì thôi’’. Cách suy nghĩ này đồng nghĩa với thái độ không có trách nhiệm đối với công việc đã nhận lãnh. Yếu tố này thật bất lợi, vì không có một tổ chức nào dù là tổ chức Phật giáo lại chấp nhận cách làm việc như thế. Xét về hiệu quả kinh tế hay tinh thần, lợi bất cập hại, lợi thì ít mà hại thì nhiều.

Có lẽ, cũng có người phản đối và cho rằng công việc đó là công việc của Phật giáo, các thầy cô là những người xuất gia, hy sinh việc đời, gánh vác việc đạo. Hơn nữa, người làm việc trong tổ chức Phật giáo toàn là quí tôn đức tăng ni, tại sao lại nói như thế? Để câu trả lời được khách quan và rõ ràng nhất, chúng ta không phải bàn cãi suông trên trang giấy này, mà hãy kiểm chứng qua tình trạng hiện thực.

Thực tế cho thấy trong giáo hội chức vụ thì nhiều nhưng mấy ai làm việc. Thậm chí, có vị nhận đến hàng chục chức, nhưng có bao giờ làm việc đâu, nếu có cũng chỉ để gọi là, không giúp gì trong việc giải quyết công việc. Sự kiện này không phải chỉ xảy ra ở giáo hội thuộc đơn vị này mà không xảy ra ở đơn vị khác, hầu như đó là cách làm phổ biến của đa số tổ chức Phật giáo. Với cách làm việc như đã trình bày ở trên thử hỏi làm sao Phật giáo có cơ hội để phát triển? Thế mà sự ì ạch đó không được thừa nhận, lại đổ lỗi cho người này, kẻ nọ. Nhân không trồng mà đòi gặt quả, quả ấy từ đâu mà có? Vô lý, không lẽ luật nhân quả của Phật mà chúng ta lại quên sao?

Nói như thế không đồng nghĩa rằng tôi không chấp nhận cách làm thiện nguyện. Thật ra, tổ chức tôn giáo là tổ chức phi lợi nhuận, cho nên lúc nào cũng kêu gọi sự tham gia của những người có tâm tự nguyện, nhưng với điều kiện người lãnh đạo phải hết lòng vì giáo hội, có ý thức bổn phận trách nhiệm cao, biết điều hành và sắp xếp công việc hợp lý, đúng người đúng việc, không thể tùy tiện, đặc biệt không thể vì cái lợi trước mắt về kinh tế mà quên đi tính hiệu quả của công việc. Những việc quan trọng và chuyên môn nên cần thuê người giúp việc, hiệu quả kinh tế sẽ tốt hơn.

Ngoài yếu tố về kinh tế có thể bị ảnh hưởng với cách làm “thiện nguyện“ đã lưu ý ở trên, còn có hai yếu tố khác dẫn đến tình trạng hoạt động ì ạch mà Giáo hội có thể gặp phải là:

- Cách tổ chức không hợp lý và người lãnh đạo đầu ngành thiếu chuyên môn, cộng thêm tính vô trách nhiệm. Chính điều đó đã dẫn đến sinh hoạt thụ động của Phật giáo. Ví dụ, Phật giáo chúng ta lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm gốc, nhưng phương án hoằng pháp lợi sinh lại không được quan tâm đúng mức, nhất là đào tạo những thế hệ kế thừa.

- Việc phân bổ vào các chức vụ mang tính trọng trách của giáo hội không căn cứ vào khả năng chuyên môn, ngược lại rất tùy tiện; chủ yếu chọn lựa những người lớn tuổi, có hạ lạp cao, nhưng lại không có trình độ chuyên môn, sau đó  nhận người cộng sự, cũng tiếp tục rơi vào trình trạng ấy. Điều này dẫn đến trình trạng sinh hoạt lấy có, làm việc theo cảm tính. Đã thế, người lãnh đạo không chịu trách nhiệm thành bại trước cộng đồng Phật giáo, lại còn có thái độ tham quyền cố vị, đây mới thật là nguyên nhân nguy hiểm đưa đến sự đổ nát của Phật giáo.

Thử hỏi, một tổ chức hoạt động dưới hình thức tự nguyện, với đường hướng sinh hoạt không phù hợp thực tế, nội qui lỏng lẻo, người lãnh đạo không có kiến thức chuyên môn, lại chuyên quyền, thì Phật giáo sẽ đi về đâu? Có lẽ đây chính là lý do tại sao đức Phật không chấp nhận lời yêu cầu lãnh đạo tăng đoàn của Đề Bà Đạt Đa, sau khi Thế Tôn nhập diệt. Ngài không chấp nhận với lý do đơn giản là “Y pháp bất y nhân”. Có nghĩa là sau khi Thế Tôn nhập niết bàn chúng tăng nên lấy giáo pháp làm nơi nương tựa, không nương tựa bất cứ người nào[4], dù đó là ai. Thái độ đó, tưởng như Ngài là người có tư tưởng độc tài, nhưng xét cho cùng không phải thế, điều mà Ngài lưu tâm chính là tình trạng đưa đến sự tập quyền, chia rẽ, công kích và nói xấu lẫn nhau. Ngài quả là người rất minh mẫn, quá rõ bản chất của lòng người, nhất dạ sinh bá kế, tài sắc danh thực thùy là miếng mồi ngon cho ma quân tấn công, do vậy Ngài không muốn bất cứ ai trong số đệ tử Ngài biến thành miếng mồi ngon đó. Hơn nữa, ai dám chắc người đầu tròn áo vuông là những người tốt? Thời Phật còn tại thế, đã xuất hiện không ít hạng người xuất gia với mục đích không chân chính[5], vì lợi dưỡng[6], vì phá hoại chánh pháp[7]...huống gì là ngày nay, con người cách Phật rất xa, càng xa hơn nữa giữa giáo lý của Ngài với trình độ hiểu biết của con người.

Khái niệm Pháp được đức Phật đề cập ở đây, không chỉ mang ý nghĩa là giáo pháp của Ngài mà còn có ý nghĩa là chân lý, là nguyên tắc, là qui luật. Từ ý nghĩa này nó gợi cho chúng ta hiểu đến nguồn cội tổ chức Phật giáo. Nghĩa là, khi nào chúng tăng có hiến chương, có nội qui hợp tình hợp lý, phù hợp với thực tế và con người biết tôn trọng luật pháp  đã đặt ra, thì lúc ấy có thể hình thành tổ chức giáo hội. Nếu không, không nên thành lập giáo hội, vì nếu một cá nhân nào đó lãnh đạo giáo hội đã không y pháp, mà lại bắt mọi người làm việc theo ý kiến cá nhân của mình, quả là sự nguy hiểm cho giáo hội.

Nếu có người chất vấn rằng, trong tam tạng kinh điển, luật tạng không phải là luật lệ cho giáo hội hay sao? Câu trả lời của tôi là “không phải’’ . Nghiêm túc mà nói, chủ yếu những qui định trong những bộ luật này là qui định về đời sống tu tập của vị tỳ kheo, không phải là những nội qui qui định về tổ chức giáo hội. Nói một cách dễ hiểu, trong giới luật không qui định về người lãnh đạo giáo hội nên như thế nào. Ví dụ trình độ Phật học và thế học của người lãnh đạo ở mức độ nào, khả năng chuyên môn ra sao, một nhiệm kỳ là bao nhiêu năm và một người làm được bao nhiêu nhiệm kỳ, điều hành giáo hội không hiệu quả hay thiếu trách nhiệm thì xử lý ra sao v.v....Những vấn đề này hoàn toàn không có trong giới luật, cho nên chúng ta muốn thành lập giáo hội cần phải căn cứ vào tinh thần kinh luật và thực tế xã hội để đưa ra một tiêu chuẩn cho người lãnh đạo. Do vậy, các bộ luật và nội qui của tổ chức giáo hội có khá nhiều điểm khác nhau.

Một điểm nữa chúng ta cũng cần thảo luận đó là, một tổ chức muốn phát triển ngoài việc người lãnh đạo biết chọn người tài giúp việc, còn phải dựa vào 3 yếu tố cơ bản: tiền (lợi nhuận), quyền hạn và trí tuệ (khả năng chuyên môn). Vì muốn có tiền nhiều, cho nên phải đầu tư vào chuyên môn, có trình độ chuyên môn, nên được tổ chức mời làm việc (chức vụ), do vậy được nhận thù lao. Muốn làm tốt công việc, phải có thẩm quyền quyết định việc liên quan đến phần chuyên môn, như vậy là có quyền. Muốn bảo vệ tiền và quyền, phải nỗ lực phát triển nghiệp vụ chuyên môn. Ngược lại, nếu không có khả năng chuyên môn, sẽ mất việc, nghĩa là mất cả hai; tiền và quyền. Cả 3 yếu tố này ràng buộc chặt chẽ với nhau và đồng thời cũng là động lực cho sự phát triển của tổ chức.

Như vậy tổ chức Phật giáo lấy yếu tố nào làm động lực cho sự tồn tại và phát triển? Nếu có đi chăng nữa thì chỉ có tấm lòng. Tấm lòng là nhân tố tốt để dẫn đến thành công, nhưng chỉ có tấm lòng mà không có cơ sở vật chất, tài chính thì tổ chức không thể hoạt động. Tài chính như là nhiên liệu làm cho chiếc xe chạy, nhân sự như là vị tài xế điều khiển chiếc xe. Không tài chính chẳng khác nào như chiếc xe không có xăng, dầu. Không lẽ mua xe về để trang trí, cũng như thành lập giáo hội để khoe danh xưng? Đó là chỉ mới đề cập đến tài chính sinh hoạt của giáo hội. Tiền xăng dầu cho chiếc xe chạy, chiếc xe chạy không thể chỉ có xăng dầu, mà phải có tài xế, tài xế không thể hít khí trời để sống, còn phải có ăn, mặc, ở...; những chi phí này từ đâu mà có? Nếu như tăng ni làm việc cho giáo hội, nhưng không được giáo hội cung cấp cho nhu cầu tối thiểu này, lại do Phật tử của chùa bảo trợ, thì lại xuất hiện một số vấn đề phức tạp khác. Cơm ăn áo mặc ở đâu thì tình cảm và việc làm được đặt nơi ấy. Mỗi khi Phật tử cần sự giúp đỡ, tăng ni không thể không đáp ứng, và rồi công việc của chùa trở nên quan trọng hơn việc của giáo hội. Như vậy, chuyện chùa là chính, chuyện giáo hội là phụ. Có một điều lạ, mặc dù việc chùa bận rộn như thế, nhưng chức vụ giáo hội không thấy ai từ chối, nhận chức vụ mà không làm, có ai tự thấy rằng mình thiếu trách nhiệm đối với giáo hội không? Chuyện lãnh chức mà không đi làm, không phải chỉ một người mà hầu như từ trên xuống dưới., rất phổ biến và là tình trạng chung của giáo hội. Thế thì giáo hội làm sao phát triển?

Một vấn đề khá buồn cười và hết sức phi lý, đó là mọi người đều hô hào bảo vệ rừng, nhưng không một ai tôn trọng, gìn giữ và chăm sóc cây trong rừng. Nếu như có ai đó chặt phá cây rừng cũng không hề hay biết, thậm chí đôi khi chính người hô hào bảo vệ rừng lại lập phe, lập nhóm đi chặt cây của rừng nữa là khác. Cây không còn thì khái niệm rừng làm sao tồn tại? Theo tôi, muốn bảo vệ rừng, trước tiên phải biết trồng cây, chăm sóc cây; cây rừng được bảo vệ, chăm sóc tốt, tự nhiên rừng sẽ tươi tốt xum xuê. Chúng ta lo giữ rừng mà cây rừng không giữ; cây rừng không còn thì rừng cũng mất theo. Cũng thế, Phật giáo chúng ta hô hào bảo vệ chánh pháp, phục vụ giáo hội, nhưng tăng ni sống như thế nào, học như thế nào, ai biết?

Cũng vậy, nếu như muốn bảo vệ chánh pháp, bảo vệ giáo hội thì việc cần làm trước tiên là từng thành viên của giáo hội phải là người tốt. Nói xa hơn nữa là từng chùa, từng tự viện, từng tông môn, pháp phái phải có bổn phận trách nhiệm giáo dục đào tạo người cho thật tốt, không thể lấy việc quét dọn, công phu bái sám, cầu an, cầu siêu, tiếp khách,.v.v...làm mục đích chính để tiếp tăng độ chúng. Cách làm đó về lâu về dài, không những nó không có lợi cho chốn già lam mà còn hại cho cả cộng đồng Phật giáo.

Người xuất gia thời nay, khó hoàn thành tư cách làm thầy chư thiên và loài người, nhưng ít ra mình cũng phải có đủ tư cách của một vị thầy; không đến nỗi quá thô lỗ, cho dù tu chưa thành chánh quả, nhưng ít nhất cũng có khả năng đem chánh pháp truyền trao lại cho người khác.

Theo tôi, Phật giáo Việt Nam hiện nay giống như người mắc bịnh phong ngứa, người bịnh sợ người khác thấy điểm xấu của mình, cho nên bằng mọi cách bưng bít che dấu, càng che bao nhiêu thì bịnh càng trầm trọng bấy nhiêu, không ích lợi gì cho bản thân người ấy. Cách hay nhất, nên cho bác sĩ chuyên môn khám và tìm phương pháp chữa trị, nếu có xấu thì cũng chỉ xấu một lần thôi, không phải mang cái xấu suốt đời. Chúng ta không nghe đức Phật dạy: ngu mà tự biết mình ngu là trí hay sao? Phật giáo cũng vậy, chúng ta cần phải nghiêm túc nghiên cứu và tìm biện pháp thích nghi giải quyết vấn đề hiện nay, không nên bưng bít tránh né. Tôi nghĩ đây là những nhận thức đầu tiên trước khi cải cách phương pháp làm việc của Phật giáo. Và điều này đức Phật từng khuyên chúng tỷ kheo nên như lý (yoniso manasikara), không nên không như lý tác ý (ayoniso manasikara)[8]. Trong các ngành khoa học ứng dụng của xã hội ngày nay, người ta triệt để và nghiêm túc tôn trọng sự thật của vấn đề, xem nó như là những dữ liệu trung thực nhất, tốt nhất để giải quyết vấn đề, thế thì có lý nào chúng ta nhân danh là con cháu của Ngài lại không dám nhìn nhận sao?

Công việc hoằng pháp lợi sinh đâu phải lúc nào cũng thuận bưồm xuôi gió. Đó là lẽ thường của nhân thế, lúc nghịch cảnh thì trau giồi kinh sử, lúc thuận duyên thì hoằng pháp lợi sinh. Sợ rằng, duyên đã đến mà không biết làm gì, đó mới thật đại hại. Sự thật có thể phũ phàng, nhưng với bàn tay khéo léo và khối óc minh mẫn sẽ làm nên tất cả. Một bài học từ lịch sử đất nước Ấn Độ cho thấy, vua A Dục (Asoka) vốn là một vị vua cực kỳ tàn ác, đã giết 500 các quan viên trong triều, và tệ hơn nữa chỉ vì đóa hoa vô ưu mà nhà vua đã giết các cung phi của mình sao; thế nhưng ở nhà vua có một điều đáng cho hậu thế kính trọng là ông ‘biết sai và sửa sai’. Sau khi nhà vua gặp một vị tỷ kheo tên là Hải[9], bằng đức hạnh và công năng tu tập của mình hóa độ nhà vua, ông xin qui y Phật pháp và tăng, và chính ông là người nâng đỡ Phật giáo, lấy chánh pháp để trị thế, xuất tiền của từ cá nhân và ngay cả của triều đình để xây dựng chùa tháp cúng dường tăng chúng.[10] Tại sao chúng ta tự nhận là đệ tử Phật lại không lấy đó làm bài học? Ác và thiện đều lẫn lộn trong một con người, phút trước còn vô minh cho nên gọi là ma, phút sau giác ngộ cho nên gọi là Phật, Phật với ma là một người. Trước một phút và sau một phút là hai thế giới cách xa muôn trùng. Ai bảo rằng trong tâm ma không có tâm Phật? Ai cho rằng, người ác không có tâm bồ đề? Đạo lý buông đao thành Phật không phải là Phật nói hay sao? Kẻ sát nhân Angulimala còn được Phật hóa độ hứa khả cho xuất gia[11] huống gì là người đồng môn đồng đạo, cùng nòi cùng giống sao lại khích bác lẫn nhau?

Có lẽ cách suy nghĩ của tôi không phù hợp với một số người nào đó, nhưng tôi không có ý bắt người khác phải chấp nhận ý kiến của cá nhân tôi. Cũng thế, xin đừng bắt tôi phải suy nghĩ khác đi khi mà tự bản thân mình chưa tìm thấy nhân tố hợp lý. Sự so le này, chúng ta có một không gian rất rộng để cùng nhau trao đổi, không phải là ngõ cụt của vấn đề. Chúng ta tuy khác nhau về cách suy nghĩ, nhưng trái tim của chúng ta không có sự khác biệt trong tình người, do vậy đừng bắt nó phải nghe theo, làm theo khối óc. Hãy sống với nhau bằng trái tim và làm việc bằng khối óc.

Tôi đã đợi chờ, chờ rất lâu về sự thay đổi cách hoằng pháp lợi sinh, nhưng dường như vô vọng. Nhìn thực trạng Phật giáo có gì đó hơi buồn, đôi lúc sinh bi quan yếm thế, tuổi chưa phải là già lắm nhưng đã xuất hiện ý niệm ẩn cư.

Có một Phật tử Lý từ Canada gọi qua báo tin vui, vội vào net xem thử thực hư. Đọc những lời của Ngày Về Nguồn, trong ấy hàm chứa nhiều ý nghĩa, điểm chung mà tôi hết sức lưu tâm và đồng lòng với những lời trong chủ đề “Tâm nguyện của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại trong ngày về nguồn” phát biểu:

 

“Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại hình thành với ý nguyện khai mở một tụ điểm nhân duyên cho sự trở về và đoàn tụ để tiếp nhận nguồn năng lực thanh tịnh hòa hợp của Tăng-đoàn. Nguồn năng lực ấy, do thanh tịnh mà có thể trải ra vô hạn, do hòa hợp mà có thể mở rộng vô biên. Sức mạnh của Tăng-đoàn là từ nơi ấy. Tăng-đoàn là biển lớn thanh tịnh trang nghiêm trùm khắp mọi sinh hoạt của các giáo hội, hệ phái, tông môn. Về mặt bản thể, biển lớn thanh tịnh ấy (thanh tịnh đại hải) bao gồm tất cả những người xuất gia, trưởng tử Như Lai, không giới hạn quốc gia, chủng tộc, hệ phái, giáo hội; về mặt hình thức, Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại là nơi qui tụ của Tăng Ni Việt Nam hành đạo ngoài nước, lấy tăng-đoàn làm cội gốc, đặt sự nghiệp giải thoát giác ngộ lên hàng đầu, và lấy việc hoằng pháp lợi sinh làm gia vụ.
Cá nhân tăng sĩ cho đến các tổ chức giáo hội khi đến với Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại không cần phải rời bỏ tổ chức giáo hội hay hệ phái của mình, vì Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại không phải là một tổ chức hành chánh tập trung: không có tính cách giới hạn, bó buộc hay loại trừ. Mỗi tổ chức giáo hội, hệ phái vẫn tiếp tục duy trì sắc thái riêng của mình trong cơ cấu tổ chức và đường hướng sinh hoạt, mà không bị trở ngại gì với sinh hoạt chung của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại. Hơn thế, từ nơi giao hội và đoàn tụ của Ngày Về Nguồn do Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại khởi xướng, các giáo hội, hệ phái có cơ hội để học hỏi, trao đổi, hỗ trợ nhau trong tất cả những sinh hoạt Phật-sự tại địa phương, hay cho tổ chức của mình”[12]

Dẫu biết rằng, từ lời nói đến hành động vẫn còn một khoảng cách không ngắn như chúng ta tưởng, nhưng khoảng cách đó bao xa đều tùy thuộc vào nhiều yếu tố nhân duyên nội hay ngoại, nhưng dù sao đi nữa nó vẫn cho tôi được phép đặt niềm hy vọng. Đồng thời qua sự kiện đó tiềm tàng ẩn chứa lòng quyết tâm của đại đa số tăng già ở Hải ngoại, từ chư tôn Hòa thượng cho đến tăng ni và cả những người Phật tử, với mong muốn giáo pháp của Như Lai được tỏa sáng ở thế gian, mang tính thực tế, lợi đạo ích đời. Tôi tin rằng, với sự dìu dắt hướng dẫn của chư tôn đức từ các châu lục, sự đồng lòng của tăng ni, và sự hết lòng ủng hộ từ các vị thiện tri thức và Phật tử, không trở ngại nào lại không vượt qua, không gian nan nào lại không khắc phục, không Phật sự nào lại không thành.

Tôi hy vọng, ngày về nguồn sẽ là ngày mang ý nghĩa tốt đẹp mang tính lịch sử, nhắc đến Ngày Về Nguồn là nhắc đến ngày trở về với Phật tánh: hiểu biết và bao dung. Nhắc đến Ngày Về Nguồn là ngày biểu thị hình ảnh tăng già hòa hợp và thanh tịnh. Nhắc đến Ngày Về Nguồn là là nhắc đến dấu ấn của lịch sử, thực tiễn mang Phật pháp đến với con người và xã hội.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến mấy lời đầu tiên trong pháp yết ma trước khi Đại Tăng tiến hành làm lễ Bố tát hay Tự tứ.

Đại diện Tăng hỏi: Tăng họp chưa?

Đại Tăng trả lời: Đã họp.

Đại diện Tăng hỏi: Hòa hợp không?

Đại Tăng trả lời: Hòa hợp.

Đại diện Tăng hỏi: Tăng nay hòa hợp để làm gì?

Đại Tăng trả lời: .....

Thật ra câu trả lời cũng đã được đề cập trong nội dung bài viết, nhưng ở đây tôi còn nỗi băn khoăn, chưa rõ công việc hoằng pháp ấy được tiến hành như thế nào, phương án tiến hành cụ thể ra sao, hy vọng sẽ có phương án cụ thể và hợp lý.

Xin kính chúc chư tôn đức pháp thể an khang, các thiện hữu tri thức được an lạc và toàn thể Phật tử được hòa vui trong biển pháp.

 

Đài Bắc ngày 20/9/2007

Thích Hạnh Bình

 


[1] Khái niệm Phật Giáo Việt Nam mà tôi sử dụng trong bài viết này, nó không mang ý nghĩa là một danh xưng nào của Giáo Hội Phật Giáo nào mà là Phật Giáo chung của Việt Nam, trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc, từ quá khứ đến hiện tại và từ hiện tại đến tương lai...

[2] Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A Hàm” Kinh Túc Sĩ, số 547, “Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh“ tập 5, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, trang 164~165).

[3] Định nghĩa này gợi ý cho thấy, đây là quan điểm ’trọng pháp’ thuộc hệ phái của A Nan, không đồng tình với quan điểm trọng luật của tôn giả Ca Diếp, là quan điểm lấy thời gian (Hạ Lạp) làm tiêu chuẩn, để khẳng định vị trí của họ trong xã hội Phật giáo.

[4] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 5, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993 trang 239~240. (.Này Ananda, chúng Tỷ-kheo còn mong mỏi gì nữa ở nơi Ta. Này Ananda, Ta giảng pháp không có phân biệt trong ngoài. Vì, này Ananda, đối với các pháp, Như Lai không bao giờ là vị Đạo Sư còn nắm tay. Này Ananda, những ai nghĩ rằng Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo, hay : Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta, thời này Ananda, người ấy sẽ có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo. Này Ananda, Như Lai không có nghĩ rằng: "Ta sẽ là vị cầm đầu chúng Tỷ-kheo", hay "Chúng Tỷ-kheo chịu sự giáo huấn của Ta", thời này Ananda, làm sao Như Lai lại có lời di giáo cho chúng Tỷ-kheo?

Này Ananda, Ta nay đã già, bậc trưởng thượng, bậc trưởng lão, đã đạt đến đoạn cuối của đời, đã đến tám mươi tuổi. Này Ananda, như cỗ xe đã già mòn, sở dĩ còn chạy được là nhờ dây thừng chằng chịt. Cũng vậy, thân Như Lai được duy trì sự sống giống như chính nhờ dây thừng chằng chịt.

Này Ananda, chỉ trong khi Như Lai không tác ý đến tất cả tướng, với sự diệt trừ một số cảm thọ, chứng và an trú vô tướng tâm định, chính khi ấy, thân Như Lai được thoải mái. Vậy này Ananda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một điều gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác. Và này Ananda, thế nào là Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một điều gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?)

[5] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tăng Chi Bộ” tập 3, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1996 trang 565~569 (…Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna suy nghĩ như sau: "Ðề cập đến người nào, Thế Tôn đã nói: "Này Ananda, hội chúng không được thanh tịnh "? Rồi Tôn giả Mahàmoggallàna, với tâm của mình, chú tâm tác ý đến toàn thể chúng Tỷ-kheo Tăng, Tôn giả thấy một người ấy là ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ, có những hành vi che đậy, không phải là Sa-môn nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống Phạm hạnh nhưng tự nhận là sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, tánh tình bất tịnh, đang ngồi giữa chúng Tỷ-kheo; thấy vậy, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến người ấy, sau khi đến, nói với người ấy: Này Hiền giả, hãy đứng dậy. Thế Tôn đã thấy Ông. Ðối với Hiền giả, không thể chung sống với các Tỷ-kheo….).

[6] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Tương Ưng Bộ” tập 2, Viện Nghiên Cứu Phật học Việt Nam ấn hành, 1993 trang 212. (Thưa Hiền giả Susìma, ngài hãy đi đến và sống Phạm hạnh dưới sự chỉ dẫn của Sa-môn Gotama. Sau khi ngài học Chánh pháp xong hãy nói lại cho chúng tôi. Sau khi chúng tôi học pháp ấy chúng tôi sẽ nói lại với các gia chủ. Như vậy chúng tôi sẽ được cung kính, được tôn trọng, được kính lễ, được cúng dường, được tôn sùng và chúng tôi sẽ nhận được các vật dụng cúng dường như y áo, ẩm thực, sàng tọa và dược phẩm trị bệnh.

[7] Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A Hàm” Kinh Số 347: Một thời, Phật ở tại vườn Trúc, khu Ca-lan-đà, thành Vương xá. Bấy giờ có các quốc vương, đại thần, gia chủ, Bà-la-môn, cư sĩ và những người khác ở thế gian, cung kính tôn trọng, cúng dường; Phật và chúng Thanh văn được nhiều lợi dưỡng: y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men. Còn đối với các ngoại đạo tà giáo, họ hoàn toàn chẳng cung kính, tôn trọng, cúng dường các thứ y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men.

Bấy giờ, các ngoại đạo tụ tập tại giảng đường Vị tằng, bàn luận như vầy: ‘Chúng ta từ trước đến nay, thường được nhà vua, đại thần, gia chủ, cư sĩ và tất cả những người khác phụng sự, cung kính, cúng dường, y phục, ẩm thực, ngọa cụ, thuốc men mà ngày nay lại bị dứt tuyệt. Họ chỉ cung kính, cúng dường Sa-môn Cù-đàm và đại chúng Thanh văn. Nay trong chúng này, ai là người có trí tuệ, là bậc đại sĩ, có thể lén đến trong chúng Sa-môn Cù-đàm, xuất gia, nghe pháp Sa-môn Cù-đàm, rồi trở về nói lại đầy đủ. Chúng ta sẽ dùng pháp được nghe đó để giáo hóa quốc vương, đại thần, gia chủ, cư sĩ khiến cho họ tin ưa, có thể họ sẽ trở lại cúng dường chúng ta như trước?’ Lúc ấy có người lên tiếng: “Có một thiếu niên tên là Tu-thâm, thông minh, có trí tuệ, có thể lén vào trong chúng Sa-môn Cù-đàm xuất gia, nghe pháp Cù-đàm xong rồi trở về trình bày lại.” ... Bấy giờ, Tu-thâm im lặng nhận lời....(“Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh“ tập 5, Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản, trang 1014~1021).

[8] HT.Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” t, “Kinh Tấ Cả Lậu Hoặc“ (Sabbasavasuttam) xem:

http://www.quangduc.com/kinhdien/Trungbo/trungbo002.html

[9] Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A Hàm” Kinh số 604: A Dục Vương Nhân Duyên.

[10] Thích Đức Thắng dịch, “Kinh Tạp A Hàm” Kinh số 604: A Dục Vương Nhân Duyên.

[11] HT. Minh Châu dịch, “Kinh Trung Bộ” tập 2, “Kinh Angulimala” NXB Tôn Giáo, VNCPHVN ấn hành, trang 577~590