Đích đến của mọi con đường

Hôm nay là ngày đầu tiên chị nghỉ hưu. Tối hôm qua chị đã tự nhủ ngày mai sẽ dậy muộn một chút, tận hưởng cái thú nằm lơ mơ trên giường lâu nay đối với chị vẫn bị coi là xa xỉ. Thế nhưng, cái đồng hồ sinh học quen báo thức lúc 4 giờ 30 thúc giục chị mở mắt ra và bước xuống giường theo quán tính. Chuông chùa phía Đông công phu mấy tiếng vang vọng điềm tĩnh, chuông nhà thờ phía Tây đổ những hồi giục giã, nôn nao. Dưới đường có tiếng lao xao mấy người đi bộ sớm. Không gian và thời gian lặp lại như một chu kỳ ngày nào cũng như ngày nào, cũng từng ấy công việc. Bình thường, chị sẽ ngồi vào máy vi tính, kiểm tra thư, lướt vài trang web và viết lách gì đó; cuối cùng sẽ đứng lên khi đồng hồ ở góc phải máy tính hiện đúng 6 giờ cùng lúc với tiếng nhạc hiệu vang lên từ chiếc loa phóng thanh treo trên trụ điện đầu phố. Chị còn phải đi bộ ra chợ, chuẩn bị tất thảy cho một ngày rồi mới đến cơ quan. Đã bao nhiêu năm như thế rồi mà!

Hôm nay chị cảm giác mọi thứ đều chuyển động một cách chậm chạp. Chị có gì phải vội vã với số dư thời gian cho phép đến những 8 tiếng đồng hồ? Thời giờ là vàng bạc, nếu quy hết ra vàng, tức là chị đã giàu to!

Bước xuống giường chị nghĩ đến bài tập thể dục buổi sáng từ lâu lắm chị bỏ quên nó. Xương cốt giờ cứng đơ, lão hóa… Kinh nghiệm cho biết nếu tập lại chị sẽ bị mỏi nhừ các khớp tay chân, phải chịu đau đến mấy ngày mới bình thường trở lại được. Hay là mình tập thiền? Hay đấy! Thiền cho tâm tĩnh lại, bao năm rồi những cơn sóng cuộc đời cứ xô đẩy mãi làm tâm không yên. Thử nhắm mắt và không suy nghĩ gì hết xem sao!

Và chị thiền. Đầu tiên là ngồi đúng tư thế và nhắm mắt. Khi trước mặt chỉ còn khoảng tối mênh mông, gác bỏ ngoài tai những âm thanh đường phố thảng hoặc vọng lên, chị ép suy nghĩ của mình vào một điểm dừng cố định trên một mặt phẳng, nhưng không được. Càng cố, càng xa, càng chờ, càng mất. Những suy nghĩ cứ hiện lên trong đầu, hết thứ này rồi thứ khác, như một dòng chảy vô tận. Bất lực, chị đành để mặc nó trôi đi, lúc chậm, lúc xiết. Những tham, sân, si, tranh giành, cãi cọ, hạnh phúc, khổ đau lướt qua chị khởi đầu từ những chuyện vặt vãnh ở nơi mà chị chính thức rời khỏi nó ngày hôm qua. Có những lý do bé bằng cây kẹo, thế mà lại xé ra to thành gió, thành bão. Và chị bỗng thấy buồn cười sao khi ấy mình lại bức xúc, tức tối đến thế! Nó có ý nghĩa gì đâu ở thời điểm hiện tại, khi mọi thứ đã xếp vào hồ sơ của một người nghỉ hưu. Những suy nghĩ cứ kéo chị đi lang thang hết con đường này đến con đường khác. Khi thì thấy người ta tranh giành về một quyền lợi hay chức vụ đến nỗi vỗ mặt vào nhau, đỏ mặt tía tai không khoan nhượng, khi thì chị nghe thấy người ta xì xầm về một scandal nào đó có vẻ khoái chí lắm! Khi thì chị thấy những gương mặt làm bộ thông cảm hay thương hại về một người nào đó, rồi bỗng dưng nó biến đổi, ngoay ngoắc đi nhanh như lật bàn tay …. Những gương mặt cười, khóc, tươi, mếu lướt qua. Cái chấm đen trước mắt mà chị cố ép suy nghĩ mình vào đó bỗng hóa thành những màng nhện to dần, to dần rồi tan loãng vào hư không. Tất cả đã trôi qua gần 30 phút cho đến khi chị thở hắt ra : Mọi con đường đều dẫn đến về hưu! Chị bỗng thấy tiếc nuối : Người ta đã phung phí biết bao thời gian đẹp đẽ để dành cho những chuyện tương cà mắm muối chẳng có tí chút dinh dưỡng nào cho cuộc sống.

Đầu hàng với sự tĩnh tại, chị bước xuống lầu, mở cửa và đi ra khỏi nhà. Đi bộ thể dục là phương cách tốt nhất cho sức khoẻ đối với một người về hưu.

Ban mai dịu mát và hào phóng. Phía Tây, mặt trăng vẫn còn nấn ná trên bầu trời một vầng sáng nhỏ nhoi và cô độc. Chị khóa cửa lại và đi về hướng biển, phía trước và phía sau chị tiếng người nói lao xao hòa lẫn trong tiếng bước chân vang vang trên con đường buổi sớm.

Những suy nghĩ lại ùa đến với chị như muốn nối tiếp câu chuyện “thiền”. Thành phố của chị có nhiều con đường dẫn ra biển, buổi sáng người ta đi về hướng Đông như một cuộc tìm kiếm. Người trẻ tìm kiếm tương lai cùng hy vọng, người già tìm kiếm quá khứ, vớt vát một chút sức khỏe để tiếp tục duy trì cuộc sống. Buổi tối người ta quay về hướng Tây để nghỉ ngơi hay vui chơi; hướng Tây là chiều tà, cũng đồng nghĩa với đêm đen sẽ đến. Một đêm có thể vui, ồn ào, náo nhiệt hay bất trắc với người này cũng có thể rất yên tĩnh, bình an với người khác. Lan man hết đều nọ đến điều kia, bước chân chị đã ra đến biển.

Trời đã sáng, nhìn rõ mặt người. Băng qua đường lớn, ngần ngừ một chút, chị có cảm giác mình đang đứng ở ngã ba đường. Ngồi lại trên ghế đá và “thiền” tiếp, hay đi hết con đường đi dạo? Mặt biển xanh, phẳng như gương, gió mơn man thổi nhẹ, chị thấy mình khoẻ lắm và hăng hái bước đi trên con đường hẹp lát gạch con sâu. Những khuôn mặt người ngược chiều lướt qua chị, khi nhanh, khi chậm. Chị bắt gặp nhiều gương mặt quá khứ mà ở đó có phẫn nộ, có giận hờn, có thủ đoạn, có tình cảm, có e dè, có nụ cười, có cả cái bắt tay và câu chào hỏi. Mới đó mà nhanh ghê nhỉ ? Giờ chúng mình về hưu hết cả rồi! Nụ cười xã giao trên môi, chị tiếp tục bước tới ….

Đời người là một con thuyền, có thuyền trôi chậm, có thuyền trôi nhanh, có thuyền thuận buồm xuôi gió, có thuyền hay gặp trắc trở, bão giông…. Người sinh ra, lớn lên, thay đổi rồi già đi, bão giông đan cài vào cuộc đời, có thuyền vượt qua, có thuyền không thể… Kim đồng hồ thời gian lặng lẽ kéo con người đổi thay, lòng người thay đổi. Chỉ có biển dưới kia ngàn đời như thế cho dù trên này con người có cố tình khoác cho biển chiếc áo nào đi chăng nữa.

Ký ức của chị bỗng quay trở về cái ngày xa xưa, êm đềm còn là con bé con mặc chiếc áo đầm ngắn củn, lon ton theo ba mẹ ra biển ngồi chơi mỗi chiều. Ngày ấy cả khu bờ biển là rừng dương um tùm, chẳng cần phải tạo hình, gọt tỉa phẳng phiu như bây giờ mà vẫn đẹp. Cái đẹp hoang dại, tự do và phóng khoáng. Khi bàn tay con người can thiệp, điểm trang, cái đẹp như bị nhốt trong lồng kính, mang bộ mặt thị thành, không ra sang trọng mà chỉ thấy giả tạo. Ngày ấy bãi cát dài và hoang vắng lắm, rừng dương luôn chứa đựng nhiều điều bí mật hơn cả biển xanh dưới kia. Chị nhớ có lần đang tung tăng chạy nhảy, bỗng một bàn tay gầy trơ xương, nhăn nheo chìa ra trước mặt : “cho tui xin….”, một bà già ăn mày từ lùm dương nào đó lù lù hiện ra - mụ phù thủy trong các câu chuyện cổ tích. Chị hoảng hồn, òa khóc. Ba và mẹ chị nghe tiếng khóc của con chạy ùa tới ôm chị vào lòng, cố gắng xoa dịu quả tim bé nhỏ đang đập liên hồi. Kể từ ấy, rừng dương đối với chị đầy ác cảm; cho đến một ngày đi xa trở về, chị bàng hoàng nhận ra rừng dương bí ẩn ấy chỉ còn lại vài gốc dương cổ thụ có dáng đẹp mà người ta giữ lại và tạo dáng cho nó. Từ đó biển không còn đủ sức hấp dẫn chị như hồi bị người ăn mày đột ngột chìa tay ra trước mặt nữa. Hàng dương giờ đây chỉ còn trong ký ức, một ký ức đẹp, êm đềm chen lẫn những nỗi hoảng sợ vu vơ của một đứa trẻ mỗi khi nhìn vào bóng tối.

Bước chân chị vẫn đi tới, ngược với dòng người đang quay trở lại. Phía sau chị thỉnh thoảng có ai đó vượt qua nhanh. Mỗi ngừơi mỗi phận không ai giống ai, từ chữ viết cho đến dáng đi. Cũng là đôi bàn chân bước mà mỗi người mỗi khác. Người chậm rãi, khoan thai, người dáng đi tất bật; người đi ưỡn về phía sau, người chúi về phía trước. Người thẳng lưng, người khòm xuống… Cái dáng đi như gắn vào số phận … Người đi chậm rãi, khoan thai không giàu có thì cũng nhàn nhã. Bởi nhàn nhã mới đi khoan thai. Bận rộn tất bật làm sao ung dung cho được? Cái gì cũng có logic của nó. Chị nhìn về phía biển. Núi muôn đời không thay đổi. Từ ngày còn bé chị đã thấy hình dáng núi như thế và mặt trời ngày nào cũng ngoi lên từ một nơi. Sóng bao nhiêu năm ập vào bờ nhẹ nhàng, lười biếng hay dữ dội phụ thuộc vào tấm lịch thời gian và chu kỳ thời tiết. Chỉ có mây là thay đổi, khi dày, lúc mỏng. Thứ gì hay thay đổi đều mau tan... Con người cũng vậy,lớn lên hết lớp này rồi lớp khác và biến mất đi cũng hết lớp này rồi lớp khác. Những suy nghĩ vu vơ đến bất chợt rồi bỏ đi bất ngờ hết cái này đến cái kia, lan man, vô định. Nói theo từ ngữ thời tòan cầu hoá bây giờ là không có kế hoạch hay định hướng chiến lược!

Con đường lát gạch con sâu vẫn dài hun hút. Chị chưa bao giờ đi hết con đường này, nhất định hôm nay chị sẽ thử sức. Một đoạn bãi biển nhếch nhác bởi vỏ chai bia lăn lóc, thức ăn thừa cùng bàn ghế chỏng chơ phục vụ cho một cuộc vui đêm qua vẫn chưa được dọn dẹp. Mùi hải sản trộn lẫn với mùi bia rượu sản sinh từ tác dụng của không khí với vi khuẩn làm chị thoáng chút khó thở. Một đôi nam nữ người nước ngoài đang khoác tay nhau xiêu vẹo như muốn lấn hết con đường nhỏ xíu. Cuộc vui qua đêm ở đâu đó vừa tàn, họ đang dìu nhau trở về khách sạn. Bộ mặt ban mai trông bê tha, nhàu nhĩ. Vừa hết mùi tiệc rượu, xộc vào mũi chị một mùi xú uế đậm đặc, khai nồng. Đập vàp mắt chị là tấm bảng nhỏ xíu “Không được tiểu tiện nơi đây”. Người ta luôn thích làm những điều cấm kỵ. Đó là cuộc đời, nếu tất thảy ai cũng đường ngay lối thẳng mà đi, mà làm thì đâu phải là cuộc sống; nếu ai cũng nhất nhất tuân theo lời huấn giáo trong sách vở, theo một khuôn mẫu định dạng sẵn thì cuộc sống có gì để nói, nó sẽ đáng chán biết bao! Mâu thuẫn là cuộc sống, chính mâu thuẫn mới tạo nên bộ mặt đa dạng của cuộc đời.

Một gương mặt cũ mèm hiện ra trước mắt chị với cái nhìn thân thiện và mừng rỡ : “Cũng đi bộ buổi sáng à?”. Chị nói lời xã giao nghe đầu môi chót lưỡi làm sao. Chị và gương mặt ấy có hơn hai mươi năm phải nhìn nhau mỗi ngày. Nụ cười thân thiện và tình cảm ít hơn cái nhìn gay gắt, tị hiềm nhỏ nhen. Tất nhiên là cả hai vế. Biết bao cuộc đấu khẩu đã xảy ra trong cái thời gian 8 giờ vàng ngọc hàng ngày ấy. Tất cả mọi con đường đều dẫn đến về hưu! Chị bỗng thấy mình vô lý! Cái vô lý của sự vô nghĩa. Cái vô lý của sự đấu tranh, cái thậm vô lý của sự tranh giành. Giờ đây chẳng ai được gì cả, ngoài sức khỏe phải cố giữ gìn phụ thuộc vào độ dẻo của đôi chân.

Đi mãi rồi cũng đến đích. Đích đến của con đường lát gạch con sâu là cái sân vận động trải dài mênh mông, bờ bên kia như là ảo giác. Hai nhóm thanh niên đang hì lên, hụp xuống bên lưới bóng chuyền. Xa xa một đám thanh niên khác đang quần nhau trái bóng tròn. Họ đang đi trên một con đường với tràn trề hy vọng. Con đường họ đi chưa nhìn thấy đích đến bởi trái bóng vẫn còn chấp chới phía trước mặt. Một bí mật để háo hức, kiếm tìm, khám phá. Họ chưa biết ngoảnh lại. Ngoái lại làm chi khi phía trước còn bao thứ. Họ không rãnh! Ngoảnh lại là điều xa xỉ!

Một bàn tay vỗ lên vai chị, một giọng nói của ai đó : “Đi hết con đường này là giỏi đấy! Nghỉ hưu chưa mà nhàn tản vậy?”. Chị ngoái đầu lại, một người quen, một gương mặt không cũ, không mới. Tay bắt mặt mừng. Mọi con đường lại dẫn đến về hưu! Chuyện con cái, chuyện nhà cửa, cả chuyện dự định làm thêm gì đó cho ngày bớt dài …. Lão giã mà chưa an chi. Chẳng ai an chi được trong cái thời buổi rùng rùng chuyển động như thế này. Nỗi lo cứ bời bời dậy sóng… Những lời than vãn như chực có ai thúc vào là ào ạt tuôn ra ….. Chị ngán ngẩm! Vậy là hết được tự do một mình để thả những giòng suy nghĩ bởi con đường trở lại có một người đồng hành bất đắc dĩ. Và như thế đồng nghĩa với ý định “thiền” của chị vẫn còn xa lắc xa lơ ngoài tầm tay với! Cũng phải thôi chị mới nghỉ hưu bắt đầu ngày hôm nay. Cái gì khởi đầu không bở ngỡ, lóng ngóng?

*

Bạn biết không, người phụ nữ ở trên là tôi đấy. Tôi vẽ ra một bức tranh ở thì tương lai mà tôi đang mơ ước. Mọi con đường đều dẫn đến về hưu! Tôi chợt nghĩ đến “triết lý” này khi một buổi sáng tôi nổi hứng đi hết con đường lát gạch con sâu ngoài biển, dễ phải đến năm cây số cho một lượt đi. Mọi thứ rồi sẽ qua nhanh và trôi vào quên lãng. Đến một ngày nhìn lại thấy tất cả mọi điều đều vô nghĩa, nhạt thếch và lãng nhách! Suy nghĩ này không phải làm tôi nhụt ý chí mà là để tôi tập “thiền”, bỏ bớt tham, sân, si….

Và khi tôi viết những giòng này thì con trai út của tôi đứng sau lưng tò mò đọc cái tựa rồi bình phẩm rằng nó trườu tượng quá! Tôi quay lại nhìn đứa con trai, thấy trên gương mặt mịn màng, hồng hào có lấm tấm vài nốt trứng cá dậy thì. Chợt hiểu, không thể áp đặt triết lý “con đường” vào một mầm cây đang lớn. Hồi còn bé, tôi vẫn thường lý luận theo kiểu chuyện cổ tích có hoàng tử, có công chúa có mụ phù thủy, rằng: “Không có gì tồn tại với thời gian cho dù sắc đẹp của một nàng công chúa!” - triết lý con đường rồi sẽ lạc hậu để nhường cho triết lý khác, có thể là triết lý của thế giới phẳng hay triết lý bàn phím, triết lý con chuột… Ba, bốn mươi năm nữa, con tôi sẽ nhìn vào màn hình máy tính mà ngẫm nghĩ sự đời. Con đường lát gạch con sâu khi ấy chỉ còn cỏ mọc hoang, gạch bóc từng mảng lở lói và rừng dương sẽ um tùm trở lại bởi chẳng ai thèm đếm xỉa đến nó. Có thể lắm chứ!

Tuy nhiên, còn một thực tế sinh động hơn, quan trọng hơn, đầy sóng gió là tôi vẫn chưa già để phải nghĩ ngợi lung tung về nhân tình thế thái. Tôi biết, tâm mình còn động lắm, vẫn còn nhảy loi choi …… Biết đâu, đóng máy vi tính lại, tôi sẽ xồn xồn, ồn ào, sân si thì vụ ba cái chuyện vớ vẩn chẳng đâu vào đâu… Ừ biết đâu đấy!

http://farm3.static.flickr.com/2359/1803502274_71b744db55.jpg

 

Đào Thị Thanh Tuyền