Huế: Chiếc nôi Phật giáo

image
Nói đến Phật giáo Huế, giớí nghiên cứu thường dùng hai từ ngữ: “Huế, Thiền kinh”, hoặc “Huế, cái nôi của Phật giáo”. Thực tình, đây là hai từ ngữ, mà vào thời xưa, những nhà nghiên cứu người Pháp trong “Đô thành hiếu cổ hội” đã dùng. Đó là “Hué, capitale du Bouddhisme” hoặc “Hué, berceau du Bouddhisme”. Không nói đến thành ngữ trước; mà chỉ nói đến thành ngữ sau: “Huế, cái nôi của Phật giáo” là thế nào; mà nay thì nghe đã quá quen tai, chứ thực tình, văn phong của thành ngữ này là “rất Tây”!

Trước hết, khái niệm “cái nôi” có nghĩa là gì, và vì sao người ta gọi là “cái nôi”?

Cái nôi chính là một vật dụng thông thường để nuôi em bé từ khi sơ sinh cho đến lúc lên ba bốn tuổi. Người ta đặt em bé vào nôi để ru em bé ngủ; và cho em bé nằm ngữa trong nôi để tập cho bé ăn. Cái nôi chính là nơi nuôi dưỡng em bé từ khi mới cất tiếng khóc chào đời cho đến lúc khôn lớn, biết tập đi và tập nói. Cũng chính từ khi còn nằm trong nôi, em bé được mẹ truyền thụ tình cảm, đạo lý và tư cách làm người theo truyền thống, qua lời ru tiếng hát bằng vô vàn câu ca dao...

Nói một cách khác, và theo một ý nghĩa thâm thúy hơn, cái nôi chính là nơi sự sống và truyền thống được nuôi dưỡng, giữ gìn và ươm mầm phát triển cái tốt đẹp, cái tinh túy của một con người. Nhưng, tai sao có học giả người Pháp lại dùng chữ  “berceau” để chỉ xứ Huế, khi nói về Phật giáo Huế? Và dùng cụm từ “Hué, berceau du Bouddhisme” mà về sau những nhà nghiên cứu Huế thuộc các thế hệ đàn anh đã dịch thẳng là “Huế, cái nôi của Phật giáo”; và đến nay thì mấy chữ này trở thành một thành ngữ phổ biến khi nói đến Phật giáo Huế?

Một cách đơn giản là bất cứ một từ ngữ nào, trong bất cứ một ngôn ngữ nào, ngoài cái nghĩa đen thường dùng, nó lại còn có một nghĩa bóng. Theo cái nghĩa bóng này thì chữ “berceau” trong tiếng Pháp có nghĩa là “nơi sinh ra, nơi phát tich” (lieu de naissance, d’origine). Mặc dầu đa số những nhà nghiên cứu người Pháp vào thời ấy là những giáo sĩ của một tôn giáo khác; nhưng, trong đó cũng có vài người có tinh thần học giả khách quan nghiêm túc, có thể họ đã thấy được tầm quan trọng của Huế và Phật giáo Huế. Vì thế, khi những nhà nghiên cứu này dùng thành ngữ “Hué, berceau du Bouddhisme” thì có lẽ cũng tương tự như ý nghĩa họ đã dùng thành ngữ “La Grèce, berceau de la civilisation occidentale” vậy. Tức muốn nói Huế là nơi nuôi dưỡng và phát huy của Phật giáo Việt Nam; cũng như nói Hy Lạp là cái nôi; tức là nơi nuôi dưỡng và phát huy; của văn minh Tây Phương vậy. Hiện nay, chúng ta đã hiểu rõ nội hàm của thành ngữ “Huế, cái nôi của Phật giáo” hơn, bởi vì sự thật đã minh chứng cho lời nói ấy.

Trước hết, Huế là nơi có cảnh trí đẹp; núi sông hài hòa, không khí và môi trường sinh thái ở Huế rất hòa bình; con người Huế lại có phong cách sống rất đặc biệt. Hình dáng mảnh mai, thái độ ung dung, bình đạm; ngôn từ nói năng nhỏ nhẹ, nhu mì, lễ phép; lúc nào cũng sẵn sàng hai chữ dạ, thưa trong khi nói chuyện với người khác. Phong cảnh ấy, môi trường ấy, và con người ấy, rất khế hợp với Phật giáo, một tôn giáo hiếu hòa, có tính nhân văn, nhân bản nhất trong nhân loại, lại có truyền thống trong lòng dân tộc đến cả vài ngàn năm. Cho nên dân Huế đã quy y Phật giáo rất đông; nhất là từ khi có sự chấn hưng Phật giáo của An Nam Phật Học Hội ra đời, vào thời nhà Nguyễn đóng Kinh đô tại đây; mặc cho chủ trương của thực dân Pháp phá hoại truyền thống Việt Nam, và thế lực truyền đạo của Mission des étrangères de Paris không phải là không mạnh!

Lúc gặp thoái trào, chư Tăng trong Phật giáo Huế lui về ẩn nhẫn tu hành theo lời dạy của Đức Phật, tại các ngôi chùa tĩnh lặng đầy cây xanh bóng mát; nhưng không phải vì thế mà chư Tăng Phật giáo chỉ tu hành giải thoát theo lời dạy của Đức Phật mà bỏ quên, không lưu ý đến tinh thần dân tộc; bởi trong học lý Phật giáo có giảng dạy người ta phải biết báo “tứ trọng ân”, mà trong đó ân Quốc gia xã hội là đứng hàng đầu...

Ta phải trở lui xa hơn một chút để hiểu về bối cảnh lịch sử xã hội Huế vào thời đó, mới thấy được tinh thần Đạo Pháp và Dân Tộc mà Phật giáo Huế đã chủ trương là thế nào!

Phật giáo nói chung, là một tôn giáo đặt căn bản trên lý tính và nhất là do con người, bởi con người, và vì con người mà Phật giáo đã có mặt trên thế gian này; cho nên Phật giáo rõ ràng là một tôn giáo nhân bản, lấy con người làm gốc; không có một Thượng đế nào, không do một đấng Tạo hóa nào chủ trương! Phật giáo đến đâu là vì con người ở đó đang có nhu cầu phải có Phật giáo đến với họ. Phật giáo lại có một đặc chất là “tùy duyên bất biến” tức là tùy theo căn cơ của con người trong xã hội đó mà hoằng pháp lợi sinh, không dọa nạt, không quyến rủ, không áp đặt; nhưng Phật giáo cũng không bao giờ để mình bị xã hội ấy đồng hóa. Nói cách khác là có con người Việt Nam thì có Phật giáo Việt Nam, tức là tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ khi dân tộc Việt Nam độc lập huy hoàng. Phật giáo phải đi vào thoái trào khi nước mất về tay ngoại bang!

Dưới thời thực dân Pháp đô hộ, chúng đã thi hành chính sách chia để trị vô cùng tàn ác dã man! Chúng chia đất nước ta thành ba miền khác hẳn nhau. Bắc kỳ là xứ bảo hộ, nằm dưới quyền kiểm soát nghiệt ngã của “vị” Thống sứ Bắc kỳ. Nam kỳ là xứ nhượng địa, tức là cắt đứt cho thực dân Pháp, nằm dưới quyền “vị” Thống đốc Nam kỳ, pháp luật, văn hóa, kinh tế, tôn giao đều thi hành theo chính quốc nước Pháp. Trung kỳ là xứ thuộc triều đình nhà Nguyễn ở Huế, nhưng vẫn là xứ bảo hộ, nằm dưới quyền kiểm soát của “vị” Khâm sứ Trung kỳ... Về văn hóa và tôn giáo, chúng lần lần đồng hóa dân ta theo văn hóa và tôn giáo của chúng; thực dân Pháp quyết xóa bỏ văn hóa, tôn giáo truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Trong khi các nơi khác bị thực dân kìm kẹp, xóa bỏ văn hóa, tôn giáo truyền thống như thế, thì Huế dù sao vẫn là nơi kinh đô của vua nhà Nguyễn đóng, cho nên Huế còn có một lối sống khác với các xứ đã bị thực dân cai trị trực tiếp, vì đó mà Huế là nơi vẫn tiềm tàng nuôi dưỡng và giữ gìn được cái tinh túy của Phật giáo, tức là tín ngưỡng của dân tộc, và tinh thần kiên cường quật khởi của dân tộc; vẫn gìn giữ được cái truyền thống Phật giáo và Dân tộc lâu đời đã tồn tục trong hai ngàn năm lịch sử Việt Nam qua bảy trăm năm lịch sử xứ Thuận Hóa của mình

Từ trước, thế lực thống trị và truyền giáo của thực dân Pháp chỉ thấy Phật giáo Huế rất sơ sài, rời rạc; tưởng là chính sách phá hoại đã thành công, văn hóa và tôn giáo truyền thống ở xứ này đã đến hồi chung cục! Không ngờ, khi cuộc chấn hưng Phật giáo Huế bùng dậy thì có đủ các thành phần trong xã hội tham gia: trí thức Tây học như Bác sì Lê Đình Thám, Bác sĩ Trương Xướng, các ông Nguyễn Khoa Toàn, Lê Thanh Cảnh, và rất đông đảo nhiều người khác; kể cả những phụ nữ Phật tử rất nhiệt thành như Đạm Phương Nữ Sử, bà Trương Xướng, bà Đào Duy Anh; thành phần trí thức Nho sĩ yêu nước như Sào Nam Phan Bội Châu, Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, Mai Sơn Nguyễn Thượng Hiền... Các bậc Cao tăng thạc đức như chư Hòa thượng Giác Tiên, Phước Huệ, Phước Hậu; Tâm Tịnh, Tuệ Pháp; chư Đại đức có tài năng và nhiệt huyết như Mật Khế, Mật Thể, Trí Độ; và chư tôn thiền đức đồng loạt xuất hiện, đoàn kết, chỉnh đốn giới luật hàng ngũ Tăng già; nâng cao dân trí khắp thị thành đến nông thôn, bài trừ mê tín dị đoan và phát huy lòng tin vào Chánh pháp, giáo dục các thế hệ thanh thiếu niên theo tinh thần Phật giáo. Nâng cao và cãi tiến nếp sống của người dân theo chánh tín...

Lúc đầu chỉ có ở Huế, sau lan về nông thôn, rồi lan ra khắp các tỉnh thành, huyện thị các tỉnh miền Trung. Nếp sống tính linh mang phong cách Phật giáo là một tiềm thể trong con người Huế, kể cả trong phong cảnh Huế, đã đến lúc bùng phát thành hiển thể. Phật giáo Huế đã đáp ứng đúng tình tự và tư duy, nếp sống tính linh và tình cảm của con người Huế nói riêng và toàn dân tộc Việt Nam nói chung; Phật giáo Huế lại phát huy truyền thống vốn có của mình là chư tôn thiền đức đã giữ vững giới hạnh lục hòa của Tăng già, ăn chay trường, giản dị và thanh tịnh trong nếp sống của người xuất gia; tôn trọng đại chúng; làm cho đại chúng càng kính Phật trọng Tăng hơn. Cả hai giới xuất gia và tại gia đã đồng tâm nhất trí phát huy tinh thần từ bi, trí huệ, vô úy của Phật giáo với tinh thần kiên cường quật khởi của Dân tộc để nâng cao tinh thần yêu nước thương dân lên một tầm cao. Muốn Đạo pháp trường tồn thì phải có độc lập dân tộc; ngược lại, như ông Tây Hồ Phan Chu Trinh, một chí sĩ yêu nước có tinh thần cách mạng, đã nói: “muốn có độc lập dân tộc thì phải phế Nho hưng Phật”; tinh thần Phật giáo đã gặp tinh thần Dân tộc và tạo nên một sức mạnh không gì cản nỗi. Năm 1951, sáu tập đoàn Tăng già và Cư sĩ của Nam Trung Bắc đã về họp ở chùa Từ Đàm tại Huế để thống nhất Phật giáo Việt Nam; năm 1963, cuộc vận động đòi bình đẳng tự do tôn giáo cũng đã phát sinh tại chùa Từ Đàm Huế mà lan ra khắp mọi nơi, trong nước cũng như trên thế giới... Cả hai sự kiện lịch sử trọng đại của Phật giáo Việt Nam, đều phát khởi từ Huế, và đem lại hiệu quả thành công lớn, đã minh chứng thành ngữ “Huế, cái nôi của Phật giáo” là đúng.

Nói về mặt nhân sự thì trước đây, tất cả chư Tổ người Đại Việt như ngài Liễu Quán, ở Đàng Trong ra; ngài Hương Hải ở Đàng Ngoài vào; hoạc như ngài Nguyên Thiều, ngài Giác Phong, ngài Từ Lâm, ngài Minh Hoằng từ Trung Hoa sang; cho đến các Danh tăng; các Cao tăng thì phần đông đều ở các tỉnh khác đến Huế để hoằng giáo, để tu hành, đắc đạo; rồi lại tỏa ra vân du hành hóa khắp nơi trong nước. Cả một phái Thiền Nguyên Thiều, nhất là phái Thiền Liễu Quán rất long thịnh ở Nam Hà ngày xưa và Trung, Nam bộ ngày nay cũng đủ minh họa điều này.

Một điểm đặc biệt là Phật giáo Huế có cách tổ chức bốn chúng: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di, rất rõ ràng; từ y phục, lễ phục; phong cách sống, giữ giới hạnh; giới luật... tất cả đều thuần nhất, không hề có biến thái làm sai lạc truyền thống từ đầu... Huế là nơi đã nuôi dưỡng, trưởng thành, và phát huy một Phật giáo Việt Nam truyền thống, thuần nhất với tôn chỉ Đạo pháp và Dân tộc là một. Về mặt hình thức thì sau bao lần hư hoại và tái thiết, kiến thiết và bảo tồn, mặc dầu có mở rộng và nâng cao hơn xưa, cả trăm ngôi cổ tự Huế vẫn giữ cách kiến trúc truyền thống mà không có một chi tiết cãi đổi, Chùa Huế vẫn đặt trong lòng phong cảnh thiên nhiên Huế đủ để tạo sắc thái đặc thù về văn hóa Phật giáo Huế nói riêng, và văn hóa Phật giáo Việt Nam nói chung, là “danh lam” không hề tách rời “thắng cảnh”. Cho nên, cả nội dung lẫn hình thức đều hội đủ các yếu tố “cần và đủ” để cho cách gọi “Huế, cái nôi của Phật giáo” trở thành cách gọi chính đáng vậy.

 

Huế, 05-5-2010
Hà Xuân Liêm

(Theo lieuquanhue.com.vn)