Trí thức và trí huệ

alt

Thông thường người ta thường lẫn lộn giữa trí thức và trí huệ.

Những người có học thức, có bằng cấp thế gian thì ta gọi là trí thức.  Người trí thức được xem là thông minh vì có sự hiểu biết rộng rãi.  Khi đến với đạo Phật, họ có thể hiểu giáo lý nhanh chóng hơn người bình dân thất học, nhưng không phải vì vậy mà được xem là có trí huệ.  Những giáo sư Phật học ở các đại học là người biết nhiều về Phật giáo nhưng những điều họ nói và dạy không ăn nhằm gì đến cuộc sống của họ cả.  Họ vẫn uống rượu, hút thuốc, chơi bời, hưởng thụ, tham dục, chìm đắm trong cuộc đời như bao nhiêu người không biết đạo.  Do đó đối với đạo họ vẫn là người vô minh.  Có trí huệ là người thấy rõ nguyên nhân của khổ và biết tu tập, ly dục, tu tâm sửa tánh để thoát khỏi vòng chi phối của tham, sân, si.

Trí thức là cái biết đến từ bên ngoài nhờ thâu thập kiến thức, còn trí huệ là cái biết xuất phát từ bên trong nhờ sự tu tập, thực hành được những điều mình biết và nó có công năng giải thoát.  Thí dụ ta biết đời là khổ, vô thường, vô ngã, nhưng ta vẫn bám víu vào cuộc đời, bám víu vào của cải vật chất, danh vọng và khổ đau vì chúng, như vậy cái biết này tuy có mùi đạo nhưng vẫn còn thuộc về trí thức chứ chưa phải là trí huệ.  Chỉ khi nào cái biết (về đạo lý) khiến ta thực sự xả bỏ mọi bám víu, ham muốn, ưa ghét, giận hờn thì đó mới là trí huệ.

 

Trích từ sách "Ý Tình Thân"

Thích Trí Siêu