Thơ Thiền những đường bay và những chân trời

II- Đường bay của thơ, thiền và thơ thiền:

Có người nói thơ rất gần với thiền. Thơ có đường bay thì thiền cũng phải có đường bay.
Thơ bay vi vút trong không gian thẩm mỹ ước lệ. Thiền bay thênh thang trong cõi tĩnh mặc, trong sáng và vô duy. Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ, làm cho con chữ lấp lánh nhiều sắc màu, ý tượng; lung linh đa chiều tư duy và cảm xúc. Thiền là tinh hoa của minh triết đông phương, là đóa trăng soi giữa miền u tĩnh, đánh thức vô minh, vọng lầm để tao ngộ với quê hương sơ thủy. Thơ là sự suy tưởng của triết lý thất bại, là giấc mơ tại thế, là cánh chim ước vọng bay vào giấc mơ riêng tư, cô đơn nhưng lại xa rộng khôn cùng. Nó còn muốn nhảy vào cả hố thẳm vô thức câm nín nữa. Thiền là miền đất bên kia, thuộc lãnh địa của tâm năng trực giác, là chỗ mà lý trí tuyệt lộ, là ngôn ngữ vô ngôn của cố quận thuở ý tưởng và khái niệm chưa sinh ra đời. Thơ thuộc về những tế bào nhạy bén của tim và của óc. Thiền thuộc về con mắt xanh của tâm và tuệ, là cõi thanh trong, vô nhiễm của kiến tri, không lây uế bản năng lông lá thuở sơ khai...

Vậy xin ai đó đừng đánh đồng giữa thơ và thiền. Giữa giấc mộng vừa miên man vừa “đa sự” của thơ và giữa ngôn ngữ tỉnh thức, giác ngộ của thiền không liên hệ gì với nhau.  Nó còn cách nhau nhiều cánh cửa, đôi khi chỉ một sợi tóc cũng khó nhìn ra chân tướng. Tuy nhiên, có điều thật kỳ lạ là có thơ của nhiều tác giả cũ và mới rất giống thiền. Và trong những trường hợp như thế ta có thể coi là thơ thiền được không?

Ta có thể đọc một số câu rồi lắng tâm mà nghe thử:

“Với tay chạm khẽ vào hư ảo
Đánh thức hồn ta tiếng nguyệt vang.”
(Ngọc Quế)
“Thì xin hạt cát làm tâm ngọc
Đau đớn vo tròn một kiếp trai.”    (Thạch Văn Thâu)

Đấy, nó có khác gì thơ thiền đâu? Phải nhìn thấy “khổ đế” của trần gian, phải lịch trải trong cuộc tồn sinh, phải bị đoanh vây giữa muôn trùng hư vô và ảo ảnh... mới thai nghén được những câu thơ rất gần với thiền như vậy.

Nếu chịu khó sưu tầm trong kho tàng thi ca thơ Việt thì thơ giống thiền như thế có thể là cả một tập sách dày. Vậy thì thơ giống thiền và thơ thiền thật sự khác nhau ra sao? Đây là cả một công trình sưu khảo dài hơi và đầy tâm huyết của các nhà nghiên cứu chuyên môn. Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, ta có thể phân chia thành hai không gian: không gian ở tầng bậc ý thức, lý tính và coi đây là cõi miền của thơ có tư tưởng thiền; không gian thứ hai ở tầng bậc trực giác, tức là cảm quan thấy ngay thực tại, chưa qua sự chế biến của các ý niệm chủ quan – và đây chính là thực địa, là quê hương của thơ thiền. Bây giờ ta hãy làm một cuộc hành trình khám phá chân diện mục của chúng ra sao!                    

1. Không gian có tư tưởng thiền
Không gian này thật là mênh mông, vô lượng. Và dường như, khắp nơi, khi nói đến thơ thiền thì chúng đều ở trong phạm vi hoạt dụng của ý thức, tức là thuộc không gian có tư tưởng thiền. Đại lược, những bài thơ có tư tưởng thiền thường có những nội dung như sau:

- Có tư tưởng Phật học, thiền học...

- Có những tình cảm thanh cao, thoát tục...

- Yêu cảnh vắng lặng, u tĩnh, thanh bình, nhẹ nhàng, trong sáng, nhàn thoát...

- Yêu các giá trị xuất thế như Niết-bàn, vô vi, giải thoát nhưng diễn đạt chúng bằng lý trí, bằng tư duy  khái niệm...

- Yêu các giá trị tại thế như từ bi hỷ xả nhưng thường sử dụng công cụ tư tưởng để tỏ bày, lý giải, chứng minh...

- Kinh qua sự lịch trải, chiêm nghiệm trên đường đời nên có những nhận thức, cảm xúc rất gần với Phật giáo.

- Cái nhìn về sự thật, lẽ phải, tình thương chung một dòng đạo lý Đông phương.v.v...

Từ cái thước đo ấy, hàm lượng ấy, lạ lùng làm sao, những bài thơ của các vị thiền sư Lý, Trần đa phần chúng đều thuộc về không gian này, tức là những bài thơ có tư tưởng thiền chứ chưa phải là thơ thiền.

Giá trị của những bài thơ thiền này đã vượt không thời gian, đã bất tử. Cả ngàn năm nay, lịch sử văn học thiền đã xem là đỉnh cao của trí tuệ (Đạo Hạnh), là cảm hứng siêu thoát, buốt lạnh cả hư vô (Không Lộ), là thông điệp của mùa xuân vĩnh cửu (Mãn Giác), là triết lý hành động giữa cõi vô thường, có không, sinh diệt (Vạn Hạnh)... Đến đây, ta có thể thấy chúng tương cận với thơ của “người đời”- dẫn lược ở trên - xiết bao. Chỉ có một chút khác biệt, là nhờ các vị thiền sư sống thiền nên tư tưởng thơ thiền của họ lạc quan hơn, tiêu sái và an nhiên hơn.

Trong kho tàng văn học thiền từ xưa đến nay đa phần là thơ có tư tưởng thiền, hiếm có thơ thiền. Rồi chúng ta sẽ nói rõ về điều ấy.

2. Không gian thơ thiền

Là không gian của trực giác, là thế giới của tỉnh thức hiện tiền. Đây là miền đất thuộc thẩm quyền của tuệ giác, với tâm thái vô duy để chụp bắt và nhìn ngắm rỗng rang cái- đang- là, chưa qua sự chế biến của tình cảm, quan niệm, tư kiến chủ quan.

Hiện nay, không gian này rất thưa vắng gót chân thơ. Chính những triết lý cao siêu, những lý giải bác học, những ý tưởng thâm thúy, những hình tượng mỹ học diễm lệ... đã đóng bít cánh cửa này. Vả chăng, không phải nhà thơ nào cũng có đủ kích thước tâm linh để dạo chơi không gian này - là thế giới mà dường như cái lấp lánh của ngôn ngữ, cái lung linh của những hình tượng nghệ thuật chẳng có đất dụng võ. Đây là thế giới của khách quan, lạnh lùng, vô cảm... Nó chẳng hay, chẳng đẹp, chẳng nghệ thuật, chẳng mỹ học, chẳng nhân bản, nhân văn, nhân tình gì cả! Ai cũng tưởng là vậy!

Xin giới thiệu một số bài thơ ở không gian thiền này:

“Cái ao xưa
Ếch nhảy vào
Tiếng nước xao.” (Basho)

Cái ao xưa là cái ao cũ, thế thôi. Nó chẳng phải là cố quận, là quê hương sơ thủy, là bản lai diện mục gì gì cả. Đừng khoác cho nó một ý nghĩa, một giá trị, một tư tưởng thâm thúy, ẩn mật nào. Nhân sinh đã từng thống khổ, điêu đứng, lầm than bởi những ý nghĩa, giá trị ước lệ, phù phiếm và rỗng không ấy quá nhiều rồi. Vả chăng, chúng là những nhãn hiệu trá hình, tạo nên tương tranh và xung đột. Thiền chụp bắt trong sáng, vô duy, trực đối thực tại, giải thoát toàn mãn mọi tri kiến. Đừng khoác cho nó một hào quang, một vương miện quý phái nào. Con ếch nhảy và tiếng nước xao là hình ảnh, là âm thanh nhân quả hiện tiền. Là cái đang là sống động, chân thực, hiện tồn và mới mẻ.

Ta hãy đọc thêm bài khác:

“Ta nhìn sâu xa
Dưa nằm trong cỏ
Dấu mấy nụ hoa.”
(Basho)

Nhìn sâu xa là cái nhìn của thiền. Một cái nhìn lắng đọng, thông đạt, trong suốt, không mổ xẻ, phân tích, suy diễn lung tung. Dưa nằm trong cỏ, dấu mấy nụ hoa. Thế thôi. Cái đẹp bình dị, ẩn dật, khiêm tốn ấy chúng luôn có sẵn xung quanh ta, nhưng không phải ai cũng thấy được. Thế gian thường nhìn thấy những hình danh, sắc tướng... những biến hóa hư ảo cùng những đối tượng mê ly, hấp dẫn vị dục kia!

Một bài khác:
“Gió lay bụi trúc vàng
Bên thềm hoa nắng vỡ
Ô kìa! Giàn phong lan
Một nụ hoa mới nở.”        (Viên Minh)

Thiền là thấy ngay, chụp bắt ngay cái thế giới đang là, sống động: Đang lay, đang vỡ, đang nở...
Mọi sự, mọi vật, mọi hiện tượng, tâm hay cảnh... luôn đang trôi chảy, dịch hóa, không có gì có thể tĩnh chỉ, bất động được. Tất cả đang chuyển động, biến đổi dù một sát-na, một hạt bụi. Chúng luôn luôn “tương động”.

Lại có những câu thơ rất giản dị, nhìn thấy như thế nào thì nói ra như thế ấy – cái chân, cái như thực - thuộc về không gian thiền:

“Xuân đi, đóa đóa hoa rơi
Xuân về, đóa đóa hoa tươi thắm màu
Việc đời trước mắt qua mau
Tuổi già chợt đến trên đầu thế a!”
(Mãn Giác)
Cho chí bài thơ: “con cóc” cũng rất là thiền:
“Con cóc trong hang
Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đó
Con cóc nhảy đi.”

Vì đấy là hình ảnh, sự vật đang vận động, tuần tự hiển hiện trong không-thời-gian thực.

Tuy nhiên, nếu diễn đạt quá khô khan, quá trần trụi như thế thì đâu còn là thi pháp, là mỹ học, là yếu tính của thi ca nữa? Nó chỉ là bức tranh vô cảm. Là thông tin theo kiểu kết hợp từ của thường ngữ, không phải là thơ. Cũng diễn tiến hình ảnh và sự việc như vậy, nhưng thêm chút tình, chút hoàng hôn, chút hương trầm nữa thì nó lại khác:

“Khách về trời chưa tối
Nhẹ tay khép cổng sài
Quay lưng hiên nắng nhạt
Hương trầm thoảng thư trai.”
(Vô Danh)

Đấy là thiền, là cái hoạt dụng tự tại đang trôi chảy trong không gian vắng lặng, thanh bình.

Vậy, thơ thiền thì chẳng có gì phải bình giải, luận bàn, phân tích cả. Thơ thiền giản dị như: “Anh ăn cơm chưa”, “Dạ rồi”, “Thì uống nước đi”. Thiền với đôi mắt xanh trong suốt, với đôi bàn tay mở ra, với trái tim và hơi thở cùng nhịp đập và chuyển động với hiện tồn. Chẳng có gì bí mật, ẩn khuất, đa sự... trong ngôn ngữ của bậc đạt ngộ. Ai muốn đi tìm những lý giải cao thâm, những ý nghĩa huyền vi, những mật mã siêu hình, những cảm-hứng-ngữ trầm hùng, siêu thoát thì hãy đến với những bài thơ có tư tưởng thiền. Nhưng hãy dè chừng một điều: Những ý tưởng thâm trầm, hay ho, những luận giải thâm uyên, bác học - như thiền luận của học giả Suzuki - thì chỉ như ngôn ngữ của người ngọng: “Ú ớ...u ơ” ở bên này mép rìa của thực tại mà thôi. Học giả Suzuki đã có tâm huyết và tấm lòng ban tặng cho lý trí Tây phương những món ăn ngon béo bổ, nhưng đã giết chết mầm giống tâm linh trực giác của thiền. Có lẽ trong tất cả chúng ta ở đây, ai ai cũng đã từng nghe tuyên ngôn của thiền Đông độ: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.

Triết lý thất bại, thơ ca mới xuất hiện. Lý trí thất bại, thiền mới mở đường. Thật khá thương cho ai cứ cổ súy thơ ca phải hướng đến triết lý. Thật khá thương cho ai muốn dùng kiến thức, lý trí và cả Viện hàn lâm để hiểu thiền! Xin thưa, thiền có thể hiểu, có thể biết; hiểu và biết ở những khái niệm khô rỗng chứ chưa bao giờ là thực tại. Thiền là cái thấy, là phạm trù của tuệ giác, của chứng nghiệm tự thân. Ở đây là giọt nước trong mát tự đầu nguồn.

Để kết luận,

Thơ, khi đã định hình thì nó có đường bay. Đường bay thấp, đường bay cao, đường bay la đà, đường bay ngất ngưởng, đường bay phiêu hốt, đường bay yêu thương ngọt ngào trần lụy, đường bay khinh linh hạc trắng ngàn sương... Có một vài đường bay ngẫu nhiên ngẫu nhĩ đâu đó của thơ sẽ bắt gặp đường bay của thiền trong cuộc tao phùng hy hữu kỳ ngộ.

Còn chân trời? Mọi chân trời đều thất bại. Có chân trời là có vọng cầu, toan tính, ước vọng. Có chân trời là có lý tưởng, có sở dục tương lai. Mọi lý tưởng, mọi tương lai đều bất thực, nó chính do bản ngã và vọng tưởng phóng hiện ra.

Không biết tôi có tự tin và chủ quan quá không khi xác quyết rằng: Thơ thành tựu cho chính nó, trong đường bay của chính nó, tự do và vô tận mà chẳng tuyên ngôn vị nghệ thuật. Thiền thành tựu cho chính nó, trong đường bay của chính nó mà không tuyên ngôn vị nhân sinh. Cả hai, chúng quên ý nghĩa và mục đích, quên cả chính nó – nhưng mỹ học và nhân văn thì tồn tại.

Cả thơ và thiền đều như trăng, chẳng soi chiếu cho ai mà làm sáng cho tất cả. Trăng, còn để dành cho khách lãng tử và bạn tri âm. Đôi khi nó đối ẩm với chính mình, cỏ hoa và cả trời đất nữa...

http://www.dinhduong.com.vn/files/u15/anh_trang.jpg



(Bài tham luận đọc trong ngày Festival Thơ Huế tổ chức tại Tòa soạn Tạp chí Sông Hương, 5/6/2006)

Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nguồn Tập San Pháp Luân 30