Lời ngỗng vàng - Phần 2


Giác Ngộ - Tâm lý học Phật giáo cho thấy rằng lòng tham thường hiện hữu đồng thời với sự thôi thúc về thống trị và kiểm soát, và điều này có vẻ đúng ở đây. Đối với những ủy viên quản trị trong ngành kỹ nghệ dầu hỏa và than đá, việc kiểm soát động cơ chính của nền kinh tế, nguồn dự trữ năng lượng của nó, đem đến cho họ niềm vui quyền lực, biết rằng họ có thể điều khiển những vấn đề quốc gia cũng như quốc tế.

 

Sự say sưa quyền lực này khó có thể buông, dù việc sử dụng không giới hạn chất đốt hóa thạch đem đến nguy cơ cho hành tinh, trong đó có cả chính họ và con cháu họ. Một tác nhân thúc đẩy khác có thể là tâm lý lo sợ về sự ngưng trệ, suy giảm, hoặc ngay cả sự sụp đổ, nếu sự sản xuất bị giảm bớt do sự kiểm soát việc thải khí carbon.

AWT (3).jpg

Một tác nhân khác nữa để giải thích, tác nhân nỗi bật nhất trong công chúng, là ảo tưởng hay vọng tưởng. Ảo tưởng lọc khỏi tâm chúng ta tình trạng nguy hiểm sẽ xảy ra, cho chúng ta có cảm giác một cách điên rồ về tính không thể bị tổn hại ngay giữa sự không an toàn. Trong đời sống cá nhân, một cách vô thức, chúng ta giả định rằng chúng ta là những chúng sanh bất tử, được miễn khỏi tình trạng già, bịnh và chết. Ảo tưởng cũng cấy trong chúng ta giả định rằng môi trường sinh sống của chúng ta sẽ luôn luôn giữ được an toàn và bảo đảm. Nếu những trận bão tố, hạn hán, và lụt lội tấn công, chúng ta tự trấn an rằng những thứ đó chỉ là những biểu lộ tạm thời trạng thái không vui của thời tiết và tự an ủi rằng sự việc sẽ “trở lại bình thường.” Chúng ta không muốn biết rằng thái độ của chúng ta có thể có trách nhiệm trong việc biến đổi thê thảm và không thể đảo ngược của khí hậu. Ảo tưởng đó, đã ăn sâu trong tâm thức con người, lại mạnh lên một cách kinh khủng khi những tập đoàn năng lượng dùng tiền của và ảnh hưởng để truyền tung tin giả, tạo ra sự nghi ngờ đối với sự thật và tính cấp bách của sự hâm nóng toàn cầu.

Như vậy, ở Hoa Kỳ, sự chối bỏ tình trạng hâm nóng toàn cầu và sự thờ ơ đối với những hậu quả của nó xuất phát từ sự hòa trộn giữa lòng tham của các tập đoàn, tính kiêu căng về quyền lực, lo sợ về sự suy sụp, và ảo tưởng. Trong những quốc gia đang phát triển, ngược lại, sự miễn cưỡng trong việc lưu tâm đến sự hâm nóng toàn cầu thường xuất phát từ sự vật lộn căng thẳng để sống còn. Những quốc gia này coi việc thúc đẩy kinh tế là thiết yếu cho sự thoát khỏi nghèo đói. Việc cắt giảm sự thải khí carbon, cho đến nay được coi như cản trở hiệu năng kinh tế, đối với họ là sự trở ngại không được hoan nghinh trước kỳ vọng được sung túc hơn. Dưới cái nhìn của họ, những quan tâm về môi trường chỉ có tầm quan trọng giới hạn; nhiều quốc gia trong số này còn coi những vấn đề môi trường là những ám ảnh riêng của Tây phương. Đối với dân chúng ở những nước đang phát triển, ưu tiên hàng đầu là thoát khỏi sự nghèo đói, và con đường để đi đến mục đích này là phát triển kinh tế. Một nền kinh tế mạnh là một nền kinh tế sản xuất ngày càng nhiều hàng hóa hơn và phục vụ nhiều hơn, và do đó cần nhiều năng lượng hơn. Buộc những nền kinh tế đó bịt nắp việc thải khí carbon, dưới mắt họ, là làm cho họ tiếp tục nghèo đói, một số phận nghiệt ngã hơn mà họ đã chịu đựng.

Tuy nhiên, ngay cả nền kinh tế “có năng suất” nhất cũng không thể phát triển trên một hành tinh bị bao vây bởi một dòng chảy xiết của những tai họa môi trường gây ra do sự tránh né vấn đề thay đổi khí hậu. Hiện tại những thảm họa môi sinh chính đã bắt đầu xảy ra, sự lựa chọn duy nhất của chúng ta để ngăn chặn thảm họa là thực hiện nhanh chóng những biện pháp làm giảm sự hâm nóng toàn cầu. Những biện pháp này cần được áp dụng cho cả những nước đã phát triển và đang phát triển.

Những thay đổi lớn cần sự tiếp tay của cá nhân cũng như của các nền kinh tế. Trong đời sống cá nhân, chúng ta nên phát triển sự hiểu biết về môi trường và thực hiện bằng những hành động nhỏ của mình có thể làm để giảm bớt sự thải khí carbon – ví dụ, sửa lại cửa sổ, dùng bóng đèn fluorescent, tắt điện những máy gia dụng không dùng, chạy loại xe lợi xăng, ăn nhiều rau, để nhiệt độ trong nhà thấp. Nhưng có thể là quá lạc quan, ngay cả ngây thơ, để tin rằng chỉ giảm bớt việc thải khí của mỗi cá nhân chúng ta và khuyến khích người khác cũng làm việc đó sẽ làm cho sự thải khí giảm xuống mức độ cần thiết để ngăn ngừa tai họa trong tương lai. Việc hâm nóng toàn cầu thật sự là vấn đề thế giới, liên quan phức tạp đến số lượng khổng lồ về năng lượng mà những nền kinh tế của chúng ta ngấu nghiến để giữ vững sự vận hành và giúp tiêu chuẩn sống của chúng ta đạt được mức kỳ vọng.

AWT (1).jpg

Dưới cái nhìn Phật giáo, một nền kinh tế lành mạnh phải được điều khiển bởi nguyên lý biết đủ, ở đó chìa khóa của hạnh phúc là sự hài lòng thay vì có dồi dào hàng hóa. Sự thôi thúc không nguôi về việc tiêu dùng và hưởng dụng của chúng ta không ai có thể chối cãi là một biểu lộ của dục vọng, một thứ mà Đức Phật xác định là cội rễ của đau khổ. Trong khuôn mẫu cho rằng đời sống tốt đẹp đặt nền tảng trên thị trường, nền kinh tế được điều khiển bởi “nguyên lý chuyển thành hàng hóa”: bất cứ cái gì hiện hữu có lý do để hiện hữu vì nó là một món hàng hóa trong tiềm năng, có thể được chuyển hóa thành sản phẩm đưa ra thị trường để bán. Một khuôn mẫu kinh tế như vậy, một cách nguy hiểm, dựa vào một ảo tưởng phổ biến, giả định rằng nền kinh tế vận hành trong một vũ đài không biết mệt mỏi, không cùng tận. Sự thật, kinh tế là một lãnh vực con người giới hạn trong những hàng rào của một lãnh vực rộng hơn, bao quát hơn là sinh quyển. Sinh quyển cũng có giới hạn, mỏng manh, và có thể kiệt quệ. Bởi vì nó mỏng manh và dễ vỡ, mọi hoạt động kinh tế vận hành trong vòng tay của nó phải tôn trọng mức giới hạn và dễ vỡ của nó. Sự ngạo mạn trong việc tưởng tượng khả năng tăng trưởng kinh tế không giới hạn sẽ cuối cùng gặp sự báo ứng: sự hủy diệt của nền kinh tế và cộng đồng thế giới.

Khuôn mẫu kinh tế hiện tại của chúng ta cũng tiên định rằng con người là những hệ thống có tính cơ động được điều khiển bởi vòng tròn lặp đi lặp lại của dục vọng, chiếm hữu, và thỏa mãn. Vì thị trường nhìn con người căn bản là những đối tượng tiêu dùng, hướng đến việc kích thích trong họ những ham muốn luôn luôn mới về chiếm hữu và hưởng dụng hàng hóa, đưa đến việc tạo ra sự rối loạn và thay đổi sinh quyển. Sống một đời sống chỉ xoay quanh việc sản xuất và tiêu dùng có nghĩa là con người bị vây kín trong sự ham muốn vô độ, không dừng nghỉ, và một cảm giác thiếu thốn kinh niên: đó là những chứng bịnh của thời hiện đại. Khi được nhìn từ nền tảng này, cuộc khủng hoảng hâm nóng toàn cầu có thể được coi như một bài học về những giới hạn của khuôn mẫu kinh tế thị trường đang phổ biến. Nó cho thấy sự cần thiết phát triển một tầm nhìn kinh tế đặt nền tảng trên nhận thức tôn trọng hơn đối với bản chất nhân loại. Thay vì khuôn mẫu cũ của nền tư bản thị trường, trong đó sức mạnh chỉ đạo của kinh tế là sự trao đổi tiền để có được hàng hóa và phục vụ, chúng ta cần một nền kinh tế được điều khiển bởi nguyên lý biết đủ: một nguyên lý tôn trọng cái đẹp và giá trị thực sự của thế giới tự nhiên; đặt ưu tiên cho sự phát triển toàn vẹn con người; phát huy một nhận thức rộng lớn về cộng đồng nhân loại; và nêu ra những động lực tạo nên hạnh phúc của con người.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng hâm nóng toàn cầu buộc chúng ta nhìn xa hơn những nhu cầu trước mắt. Sự thay đổi khí hậu báo động chúng ta và ủy thác cho chúng ta việc triển khai một tầm nhìn mới về đời sống con người, một tầm nhìn có thể tác thành cho cố gắng của chúng ta trong việc đạt được tiêu chuẩn sống thỏa mãn cho con người trên toàn hành tinh với nhu cầu phát triển những tiềm năng cao nhất trong khi vẫn ấp ủ sinh quyển nuôi dưỡng và bảo vệ đời sống của chúng ta.

Biến đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu là vấn đề mà nhiều quốc gia đã góp phần tạo nên, và nó gây ảnh hưởng lên mọi người, cả những người ở những vùng xa xôi nhất của địa cầu. Như vậy cần có sự giải quyết toàn cầu. Điều cần thiết trước tiên là một hiệp định quốc tế về việc tìm cách giải quyết tình trạng hâm nóng toàn cầu trong toàn bộ thế giới công nghiệp. Hiệp định này phải nhìn nhận trách nhiệm của thế giới công nghiệp đối với tình trạng môi sinh hiện tại, và nó cũng cần phải lưu tâm đến những nhu cầu của những nước đang phát triển để phát triển nền kinh tế của họ. Một hiệp định như vậy cần phải cương quyết khẳng định sự đóng góp tối đa của mọi người vào việc chuyển tiếp qua một nền kinh tế có thể chấp nhận. Không còn thời gian để các quốc gia luồn lách tìm ưu tiên cho mình. Chắc chắn chúng ta sẽ gặp khó khăn; chắc chắn chúng ta phải sẵn sàng đặt chiếc hàm thiếc trong cách sống dễ dãi của chúng ta. Nhưng những hy sinh để kiềm hãm sự hâm nóng toàn cầu đó rất nhỏ nhoi nếu so sánh với những việc mà chúng ta sẽ phải làm khi những tàn phá lớn lao do khí hậu trở thành thực tế mỗi ngày.

Sự đồng thuận trước tiên cần nhắm vào việc “kiểm soát thiệt hại,” giới hạn số lượng thiệt hại gây ra trên hành tinh do chất đốt hóa thạch và sự phá hoại môi trường nông nghiệp. Sự thiệt hại này sẽ tiếp tục trong nhiều thập niên cho đến khi chúng ta có thể thực hiện được sự chuyển tiếp hoàn toàn qua nền kỹ nghệ xanh. Mục tiêu nhắm đến là giữ sự thải khí và nhiệt độ trung bình trên toàn cầu dưới mức không còn thể kiểm soát. Để tiêu chuẩn hóa mức giảm bớt về sự thải khí, cần có sự hợp tác giữa những nước đang phát triển cũng như những nước phát triển có tỷ lệ khí thải cao. Chúng ta cần một sự thỏa thuận cho phép cả những nước phát triển và đang phát triển hợp tác trong công việc quan trọng về việc ổn định khí hậu thế giới này.

AWT (5).jpg

Kiểm soát thiệt hại sẽ là bước đầu tiên, quan trọng và cần thiết, nhưng không có nghĩa là bước cuối cùng. Song song với việc giới hạn mạnh mẽ sự thải khí nhà kính, cộng đồng quốc tế phải cộng tác trong việc chuyển đổi khuôn mẫu kinh tế hiện tại của chúng ta để vượt qua sự tương quan trái chiều giữa phát triển kinh tế và độ nhạy môi sinh. Thay vì cạnh tranh trong mối tương quan kẻ được – người mất, tức thâu lợi từ sự mất mát của kẻ khác, kinh tế và môi trường phải kết hợp trong một sự gắn bó cộng sinh, một sự gắn bó trong đó một nền kinh tế phát triển không làm tổn hại cho môi trường, và sự ổn định môi sinh không ngăn cản con người đạt được một đời sống thoải mái, khỏe mạnh, hạnh phúc. Khuôn mẫu kinh tế có thể có được này phải bảo đảm những lợi ích của nó được phân phối rộng rãi, từ đó không có người nào phải sống trong nghèo đói mất phẩm cách. Việc tập trung quanh những kỹ thuật xanh sẽ đem đến việc triển khai những nguồn năng lượng dồi dào mà không làm hại đến sự đẹp đẽ và toàn vẹn của trái đất.

Thời điểm đã đến để nhận biết rằng vai trò của chất đốt hóa thạch trong các nền kinh tế của chúng ta và trong đời sống của chúng ta đã đến lúc cần được chuyển qua một loại khác. Việc sử dụng chúng đã phục vụ trong việc gắn thế giới vào một toàn thể kết nối nhau bằng một nền kinh tế, văn hóa, và tổ chức chia sẻ, nhưng vai trò của chúng đang đi đến chỗ chấm dứt, và sự đe dọa mà chúng đem đến cho môi trường sống thiên nhiên của chúng ta chứng tỏ đã đến lúc cần cho chúng rút lui. Đây là thời gian cho nhân loại bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới, một kỷ nguyên hậu carbon. Nhưng chính chúng ta phải thực hiện những quyết định quan trọng, cá nhân và tập thể, quyết định số phận tương lai của chúng ta. Chúng ta hiện nay giống như vị thần sống trong cây judas. Con ngỗng vàng đã nói với chúng ta; chúng ta đã không lưu ý đến những lời cảnh báo của nó; và giờ đây, cây đa đã bắt đầu quấn rễ quanh thân chúng ta. Chúng ta phải nhanh chóng nhổ đi cây đa này trước khi quá muộn, để chúng ta có thể sống an toàn trên hành tinh xanh này.

Bhikkhu Bodhi (Thị Giới dịch)