Có những bài học


altTôi nghe lòng nhẹ nhõm một chút, phát khởi niềm vui khi có những bản kinh ngắn nhắc nhở, rơi vào tâm thức khô cằn vì những vết thương va chạm trong cuộc sống đời thường.
Thắng ngoắc tôi lại, đưa quyển sách bảo:

- Sư huynh! đệ mới tra chữ này, hay không ngờ luôn! Nhân tra chữ quan (觀) trong tự điển Thiều Chửu.
Tôi nhìn vào đọc thấy: 

Ý thức. Gặp sự thương vui không động đến tâm gọi là đạt quan 達觀, nay ta nói lạc quan 樂觀 coi là vui, bi quan 悲觀 coi là thương, chủ quan 主觀 coi là cốt, khách quan 客觀 coi là phụ, đều theo một ý ấy cả.

- Chưa hết đâu Sư huynh,ban đầu đệ hiểu Quan Tự Tại, coi là tự tại. Nhưng đọc thêm một giải thích nữa:

Một âm là quán. Xét thấu, nghĩ kĩ thấu tới đạo chính gọi là quán. Như nhất tâm tam quán 一新三觀 một tâm mà mà xét thấu cả ba phép, chỉ quán 止觀 yên định rồi xét thấu chân tâm. Đạo Phật có phép tu dùng tai mà xem xét cõi lòng, trừ tiệt cái mầm ác trở nên bậc Vô thượng, nên gọi là phép quán 觀. Như Quan âm bồ tát 觀音菩薩, vì ngài tu bằng phép này, sáu căn dùng lẫn với nhau được, mắt có thể nghe được, nên gọi là Quán thế âm 觀世音.

Thêm nghĩa thì lại hiểu thêm sáu căn tự tại. Chúng ta thì chạm đâu dính mắc vào đó, nên khi đau khổ chỉ còn cách cầu nguyện ngài đến cứu giúp mà thôi.

Thấy tôi cầm xem có vẻ ngẫm nghĩ, Thắng nói thêm:

- Đệ từ nhỏ mẹ dạy niệm Quan Âm mỗi tối, nên quen. Tuy bây giờ không hằng niệm, nhưng gặp chuyện gì, tự nhiên trong tâm có câu niệm Quan Âm ngay. Hôm nay tra tới chữ này mới hiểu ra. Nhớ nghĩ tới là ứng dụng tu theo cách của ngài, không phải chỉ một bề niệm suông. Trong bài mình dịch là “mắt tai tuy nhọc nơi thấy nghe mà từng dính duyên, mũi lưỡi như cổng lớn nơi nhìn xem mà chẳng thu giữ…”, đệ do tra chữ quan mà hiểu được đó.

Tôi nhìn người sư đệ, nói sư huynh cho oai, chứ hai đứa vào một lượt, tôi lớn hơn một tuổi, nghiễm nhiên thành sư huynh. Thắng mẫn cảm hơn các huynh đệ khác, có lẽ nhờ vậy mà có lòng kính tín đăc biệt hơn. Cùng học, cùng dịch nhưng sự hiểu và cảm nhận của mỗi người trên một bản văn đôi khi rất khác nhau. Bài đang dịch rất khó, chứa đựng nhiều ý khiến mạnh ai nấy lý giải theo cái hiểu của mình.

Bài đang dịch, có một đoạn nói về tiên nhân Phạm Chí bứng hai cây ngô đồng đến cúng dường Phật, đức Phật hai lần bảo ông buông xuống. Khi buông cả hai cây xuống, Phật lại bảo: “Tiên nhân, buông xuống đi”. Phạm Chí thưa: “Bạch Thế Tôn! nay hai tay con đều không, lại dạy con buông cái gì”. Phật bảo: “Ta chẳng bảo ông buông hoa kia, ông nên bên ngoài buông sáu trần, bên trong sáu căn, giữa là sáu thức, một lúc đều xả bỏ. Chỗ không còn buông được là chỗ ra ngoài sanh tử.”

Để diễn giải đoạn này có thêm một đoạn bình bên dưới “lúc thích hợp được, dần dần thấu suốt. Thấy ra được ý bảo trọng chẳng dính duyên”, Thắng vừa dịch ra. Tôi cười :

- Thấy nghe mà chẳng từng dính duyên, có thể nhờ vậy ngài có thể rộng lòng để mắt đến tất cả chúng sanh. Còn mình nhìn thì đã kẹt vào ai đó rồi, làm sao lòng còn đủ rộng để nghe mọi người kêu đến nữa! Mình thì đã bị cái chủ quan che mờ mắt rồi, đâu lắng nghe ai được. Hãy lắng nghe ! là một câu gần như kêu cứu, mà mấy ai lắng lòng để nghe.

Nghe tôi bàn thêm, Thắng cười biểu lộ đồng ý.

Trời hết nóng, những cơn lạnh tràn về, khí hậu đổi thay, thời tiết và những biến đổi gây nhiều tai họa. Còn tâm mình vẫn quanh quẩn trong những cái khổ riêng tư, không sao vượt thoát ra. “Mình làm gì bây giờ”, Thắng đã hỏi thế, sau bài dịch chiều nay. Những giờ học khơi dậy trong tâm những mầm bồ đề còn bị vùi sâu. Cơn mưa pháp đã giúp những hạt giống có dịp nảy mầm.

Tôi nghe lòng nhẹ nhõm một chút, phát khởi niềm vui khi có những bản kinh ngắn nhắc nhở, rơi vào tâm thức khô cằn vì những vết thương va chạm trong cuộc sống đời thường.

Quán Không

Nguồn: hoalinhthoai.com