Chuyện Thiền Môn Cây Tùng

Chiều về, những tia nắng vàng nhạt yếu ớt le lói như còn vương vấn luyến lưu cùng cảnh vật. Hoàng hôn từ từ buông xuống bao phủ cả không gian tĩnh mịch. Ngôi chùa cũng đang chìm dần vào trong bóng tối. Tiếng đại hồng chung ngân vang như xé tan bầu không khí đang trầm lắng. Đó là báo hiệu cho mọi người chuẩn bị hành lễ của thời khóa tịnh độ tối. Nhang đèn trên các bàn Phật đã được thắp sáng. Hai người đứng nghiêm trang trước bàn thờ Tổ. Ba tiếng chuông ngân lên, rồi tiếp theo là một hồi khánh dài. Tất cả đồng xá hòa chúng và rồi mỗi người lặng lẽ từ từ bước lên trên chánh điện.

Thời tịnh độ tối bắt đầu. Nhà sư rảo bước vòng quanh dưới mái hiên chùa. Thỉnh thoảng, người đưa mắt nhìn xuyên qua khung cửa sổ, như để theo dõi hai đệ tử của mình. Nhà sư nổi tiếng là người rất nghiêm nghị. Đời sống của người rất đơn giản. Người hành trì giới luật rất tinh nghiêm. Dáng người trông có vẻ hơi gầy, nhưng vẫn còn tràn đầy sức sống. Người rất hiền hòa nói năng chậm rãi từ tốn. Vì thế, nên các đệ tử và bổn đạo trong làng rất yêu thương kính mến. Nhà sư bước đi khoan thai chậm rãi đến gốc cây tùng và ngồi trên một băng đá. Màn đêm bao phủ càng lúc càng chìm sâu dần. Thỉnh thoảng một vài cơn gió mát nhẹ thoảng qua, gây cho người một cảm giác thoải mái rất dễ chịu. Người ngồi yên ổn như để thiền quán sâu sắc vào một vấn đề gì đó…

Chung quanh chùa có nhiều tàn cây cành lá sum suê mát mẻ. Phong cảnh rất nên thơ hữu tình ngoạn mục. Phía trước sân chùa là một vườn cây kiểng đủ loại. Những cây kiểng nầy phần lớn là do bổn đạo hiến tặng. Nhà sư là người khéo tay và có đầu óc thẩm mỹ. Vì thế, nên người chăm sóc vườn kiểng trông rất là đẹp mắt. Phía sau chùa là một miếng rẫy rộng lớn. Nơi đó, trồng nhiều loại rau trái. Nhờ miếng rẫy nầy mà tăng chúng trong chùa đủ chi dụng quanh năm.

Từ ngoài lộ đá đi vào chùa, đường đi rất là ngoằn ngoèo quanh co. Một con đường lộ đất chỉ vừa đủ một chiếc xe nhỏ chạy vào. Hai bên đường vào chùa toàn là những cây cối mọc chằng chịt đan nhau um tùm.

Ngôi chùa nằm sâu trong rừng đồi, cách xa làng xóm. Do đó, nên ít có người lai vãng viếng thăm. Chỉ có vào những ngày lễ lớn thì mới có nhiều Phật tử đến chùa thắp hương lễ bái. Vì thế, mà ngôi chùa thật là yên tĩnh vắng vẻ. Trong chùa, ngoài một cụ bà chuyên lo quét dọn, nấu bếp và đóng đại hồng chung ra, còn có ba thầy trò. Một nhà sư trụ trì và hai người đệ tử. Hai người đệ tử trong lứa tuổi thanh xuân. Cả hai trông rất khỏe mạnh. Vị lớn pháp danh là Huệ Văn. Vị nhỏ pháp danh là Huệ Minh. Chú Huệ Minh chưa thọ cụ túc giới, tức giới Tỳ kheo. Huệ Văn lớn hơn  Huệ Minh độ vài tuổi. Vì thầy Huệ Văn vào chùa xuất gia sớm hơn, nên sư phụ đã cho thầy thọ giới cụ túc vào lúc thầy được hai mươi bốn tuổi.

Huệ Văn sanh ra và lớn lên ở thành phố. Cha mẹ thầy rất khá giả. Thầy có bốn anh em mà thầy là người anh cả. Thầy đang học đại học năm thứ hai về ngành y khoa. Trong lúc đang học, bỗng xảy ra một biến cố rất đau thương là người mẹ sau cơn bạo bệnh đã qua đời. Thầy rất đau buồn! Trong lúc đang buồn khổ, tình cờ thầy gặp một nhà sư đang hóa duyên. Như đã có nhân duyên tình thầy trò trong nhiều đời, nên thầy đến bên nhà sư bày tỏ nỗi lòng đau khổ mà thầy vừa mới mất mẹ!

Nhà sư thấy thế rất cảm thương cho thân phận của người thanh niên xấu số bất hạnh. Nhân đó, nhà sư giải bày an ủi và nói rõ về định luật vô thường Phật dạy. Một định luật mà xưa nay không ai tránh khỏi. Sau khi nghe giải bày cặn kẽ, chàng thanh niên cảm thấy như có một tia sáng rọi vào tâm tư của chàng. Chàng cảm nhận cuộc đời nầy, rồi ra ai cũng phải chết. Đời sống tranh đua hơn thua giành giựt cấu xé với nhau, để rồi cuối cùng ai cũng phải từ giả mọi người thân thương của mình mà ra đi. Một cuộc ra đi hành trình đơn độc. Như vậy, đời sống rốt lại cũng chỉ là “của thiên trả địa” thôi sao? Chả lẽ suốt cả cuộc đời  chỉ biết loay hoay trong cái vòng lẫn quẩn đó? Thật là phi lý làm sao?! Phải có cái gì cao đẹp hơn nữa chớ. Chàng trầm ngâm suy tư cho kiếp sống. Nếu đời sống chỉ có giải quyết ngần ấy việc, thì sống để làm gì? Thật là vô vị quá!  Đó là những dòng suy tư và những câu hỏi luôn xoáy mạnh trong tâm tư của chàng.

Qua cái chết của người mẹ hiền, người mẹ mà chàng thương yêu nhất trên đời. Đó là một biến cố xảy ra rất lớn trong đời chàng. Hôm nay, có duyên lành lớn, được nghe những lời giải bày của nhà sư, nên chàng như vơi đi bao nỗi ưu phiền mà từ khi mẹ chàng mất đến giờ, chàng luôn ôm ấp mang nó nặng trĩu trong lòng. Nay chàng cảm thấy như trút đi gánh nặng ngàn cân và có phần hồi tâm tỉnh thức. Quả đó phải là người có nhân duyên gieo trồng hạt giống Phật pháp sâu dầy trong nhiều đời mới có thể có được.

Trở về nhà, suốt đêm hôm đó chàng trằn trọc suy tư không chợp mắt. Đầu óc của chàng cứ mãi nghĩ đến lời giảng giải của nhà sư về lý vô thường Phật dạy. Vì là người có trình độ học vấn khá, nên sự nhận thức của chàng rất là sâu sắc. Sau vài ngày suy tư chín chắn, chàng quyết định tìm đến nhà sư đã gặp hôm trước để xin xuất gia. Chàng xin phép người cha cho chàng đi tu. Lúc đầu, người cha tỏ ra giận dữ không đồng ý. Nhưng chàng cố quyết năn nỉ xin cho kỳ được. Chàng đưa ra nhiều lý lẽ để giải thích thuyết phục. Cuối cùng, người cha cũng đành phải chấp nhận. Thế là chàng khăn gói lên đường để tìm vị sư mà chàng cảm thấy như có duyên sâu đậm trong nhiều đời.

Đến nơi, chàng trình bày mọi việc và xin được xuất gia. Lúc đầu, nhà sư không chấp nhận, vì cho rằng sự quyết định đó của chàng có hơi vội vả. Có thể đó là do một tâm tư bồng bột thiếu suy nghĩ kỹ càng. Nhà sư nói với chàng:

Nguyện vọng xuất gia của con thì thầy không có ý ngăn cản. Nhưng thầy chỉ muốn con nên suy xét kỹ lại. Hiện giờ con là một sinh viên đang theo học ngành y khoa. Thầy muốn con nên trở về nhà cố gắng theo học cho đến khi tốt nghiệp. Chừng đó con có thể ra hành nghề cứu đời giúp người. Như vậy có phải là tốt hơn không. Nhà sư trầm ngâm vài giây rồi nói tiếp:

Con nên biết, chuyện xuất gia không phải là chuyện dễ dàng, vì nó rất hệ trọng cho cả cuộc đời của con sau nầy. Hơn nữa, đời sống của người xuất gia không phải tầm thường. Vì đó là cả một chí nguyện lớn lao siêu trần đạt đạo. Trước mắt là phải chịu cực chịu khổ, thức khuya dậy sớm hành trì lễ bái. Theo thầy, con  không nên có quyết định hấp tấp vội vả, mà sau nầy phải hối hận.

Dù có những lời lẽ phân trần lý lẽ xác đáng chân thật của nhà sư, nhưng chàng vẫn khư khư một mực quyết tâm giữ vững lập trường và cố nài nỉ khẩn cầu van xin cho kỳ được. Chàng nói bằng giọng nói hiền từ nhưng ngầm chứa đựng ý tưởng dứt khoát:

Kính bạch thầy, qua những lời khuyên bảo phân tích của Thầy, thật con vô cùng cảm kích và cám ơn Thầy. Nhưng thưa Thầy, trước khi con đến đây, con cũng đã suy nghĩ rất kỹ. Cả đêm, con trằn trọc suy tư không thể ngủ được. Con nghĩ, sau nầy con có ra trường làm bác sĩ, thì con cũng chỉ trị được thân bệnh mà thôi, chớ con không thể nào trị được tâm bệnh. Chi bằng, Thầy cho con xuất gia học đạo, sau nầy con có thể vừa trị được thân bệnh mà cũng vừa trị được tâm bệnh. Như vậy, không phải có lợi hơn sao? Như Thầy đã có nói, trị được tâm bệnh mới là điều quan trọng. Khi dứt được tâm bệnh, thì thân bệnh cũng theo đó mà không còn. Vậy nay đây, con kính xin Thầy từ bi hoan hỷ dũ lòng thương xót chấp nhận cho con được tròn sở nguyện. Nói đến đây, chàng sụp xuống đảnh lễ nhà sư ba lạy như để mong người chấp nhận.

Nhà sư thầm nghĩ, mình định dùng lý lẽ nói hơn thiệt cho nó hiểu, không ngờ nó lại thuyết phục mình. Thôi thì, đành phải chấp nhận cho hắn được toại nguyện. Thế là một buổi lễ xuất gia thật đơn giản chỉ có hai thầy trò làm lễ thế phát trên chánh điện.

Từ đó hai thầy trò chung sống hủ hỉ sớm hôm với nhau. Tình nghĩa thầy trò ngày càng sâu đậm. Vốn có trình độ học thức sẵn, nên thầy Huệ Văn sau khi thế phát xuất gia không bao lâu, thầy đã học thuộc làu hai thời khóa tụng. Thầy được nhà sư quan tâm dạy dỗ rất chu đáo, nên thầy khá giỏi giáo lý. Ngoài hai thời khóa tụng niệm sáng tối ra,  những bộ kinh điển căn bản khác, thầy đều lần lượt học hết. Thầy có trí nhớ dai rất tốt.

Còn chú Huệ Minh vào chùa sau Huệ Văn một năm. Hoàn cảnh của chú thật lắm tang thương bi đát. Chú đã mồ côi cha từ thuở nhỏ. Chú vừa tròn ba tuổi thì đã mất cha. Người cha chết trong lúc chiến tranh loạn lạc. Từ đó, chú sống dưới sự bảo bọc nuôi dưỡng của người mẹ. Mẹ chú không tái giá. Người quyết định ở vậy sống một mình để lo cho con. Nhưng bất hạnh thay! năm chú lên mười ba tuổi, thì người mẹ sau một cơn bạo bệnh đã qua đời. Chú lâm vào hoàn cảnh mồ côi mất cả cha lẫn mẹ. Bấy giờ, chú không biết phải nương tựa vào đâu! Chú sống lang thang rày đây mai đó, bữa đói, bữa no. Sự học hành của chú cũng bị dở dang gián đoạn sau cái chết của người mẹ. Thế là, chú chỉ còn có cách là phải xin vào cô nhi viện. Chú sống trong cô nhi viện được vài năm. Tình cờ, một hôm chú gặp được nhà sư, người có việc vào thăm cô nhi viện. Nhân đó, chú lân la trò chuyện và cuối cùng, chú bày tỏ hết nỗi lòng qua tình cảnh đau khổ ngút ngàn của chú. Và chú có ý định muốn đi tu. Vì quá cảm thương cho thân phận bất hạnh của chú, nên nhà sư chấp nhận cho chú xuất gia. Chú vào chùa xuất gia. Năm đó chú mới được mười sáu tuồi. Qua năm sau, sư phụ cho chú thọ giới Sa di. Từ đó, chú trở thành một chú Sa di hiền từ ngây thơ rất dễ thương mến…

Có lần, cả ba thầy trò chăm sóc mấy cây kiểng ở trước sân chùa. Nhìn thấy cây tùng đang chưng bày ở trong chậu. Chú Huệ Minh lên tiếng  hỏi sư phụ:

Bạch Thầy, cây tùng nầy sự sống của nó có giống như con người mình không? Một câu hỏi, làm nhà sư rất đổi ngạc nhiên. Nhà sư cười khẻ nói:

Cây tùng nầy sự sống của nó không khác gì con người đâu con. Mà sao hôm nay, con hỏi thầy như vậy?

Vì khi hôm, trong lúc thiền quán, con thấy mọi vật đều có sự sống tương quan với nhau rất chặt chẽ. Không có một vật nào có thể đơn độc mà sinh tồn được.

Thế là, con đã hiểu về giáo lý duyên sinh của Phật dạy. Nhà sư ôn tồn nói tiếp:

Nầy con, sự sống của muôn loài cũng chính là sự sống của con. Nếu con biết bảo vệ môi trường sống chung quanh, đó chính là con khéo biết bảo vệ sự sống của con rồi. Ngược lại cũng thế. Con hiểu được sự sống tương quan tương duyên đó, là con đã hiểu được thế giới quan trong Kinh Hoa Nghiêm nói: “trùng trùng duyên khởi”. “Một là tất cả, tất cả là một”.

Con hãy nhìn vào cây tùng nầy, nó chỉ khác với con người là vì nó là loài thực vật. Trong nhà Phật gọi nó là loài vô tình chúng sanh. Còn con người và các loài động vật khác, thì gọi là hữu tình chúng sanh. Nếu nói về nhận thức hiểu biết, thì loài vô tình cái biết của nó rất là yếu kém. Tất nhiên, thua con người rất xa. Nhưng nói về sự sống thì cả hai không khác gì nhau. Loài vô tình nó cũng cần có những nhu cầu thiết yếu cho sự sống của nó. Nhà sư nói tới đây,  Huệ Văn liền hỏi:

Bạch Thầy, nhu cầu thiết yếu cho sự sống của nó là gì?

Nhà sư tươi cười đáp: Con thấy nó sở dĩ tốt tươi như thế nầy, có phải là nhờ thầy để ý chăm sóc cho nó thường xuyên không?

Dạ phải. Thầy thường bảo con nên nhớ thỉnh thoảng tưới nước và vô phân cho nó.

Nhà sư nói: Đó mới chỉ là hai nhu cầu thiết yếu thôi. Ngoài ra, nó còn phải nhờ nhiều điều kiện khác giúp cho nó nữa. Nếu không có ánh nắng mặt trời, đất tốt, không khí, hay những hạt sương rơi v.v… và nhất là người chăm sóc, thì thử hỏi nó có sống được hay không?

Dạ bạch Thầy chắc chắn là nó không thể nào sống được.

Nhà sư ngừng giây lát, từ từ chậm rãi khum người xuống sửa lại cây tùng và rồi nói tiếp:

Thầy và con cũng như mọi sinh vật trên đời nầy, nếu thiếu những thức ăn, thức uống và tất cả những thứ khác hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp, thì thử hỏi chúng ta có thể sinh tồn được không ?

Dạ bạch Thầy, chắc chắn là không thể nào sống được.

Nhà sư lấy tay bẻ một vài lá tùng úa và nói:

Nhưng khi chăm sóc nó, con cũng phải biết cách để nuôi dưỡng nó. Con phải biết loại phân đất nào thích hợp với nó. Nếu như con cho nó ăn phân và tưới nước quá nhiều, tất nhiên, nó không thể nào sống được. Vì phân đất không thích hợp với nó. Con chỉ cần cho phân đất vừa chừng và tưới nước cũng vậy. Không phải cho phân hay tưới nước nhiều là nó tốt. Sự ăn uống của con người cũng thế. Con người cần phải biết thức ăn nào có lợi cho cơ thể. Những thức ăn nào có chứa nhiều độc tố thì không nên dùng. Chỉ dùng những thức ăn nào có nhiều sinh tố bổ dưỡng mà thôi. Nhưng cũng không nên ăn quá nhiều mà nó phản tác dụng và có hại cho sức khỏe. Đó là phải khéo biết giữ gìn điều hòa sự ăn uống mà Phật đã dạy. Nhà sư ngừng giây lát rồi nói tiếp:

Xưa kia, Đức Phật đi khất thực, thiên hạ cúng gì ăn nấy. Con nên nhớ, mỗi ngày Phật chỉ dùng có một bữa ngọ thôi. Tối lại, có khi Ngài phải ngủ dưới gốc cây. Đức Phật và những đệ tử đi theo bên Ngài chỉ có ba y và một bình bát. Đời sống của các Ngài rất giản dị. Các Ngài không đòi hỏi nhiều nhu cầu cho sự sống như chúng ta hiện nay. Vì vậy, nên các Ngài có quá nhiều hạnh phúc hơn chúng ta bây giờ nhiều lắm. Con thấy ba thầy trò chúng ta sống nơi vắng vẻ xa xôi làng xóm như thế nầy, ban ngày thì cuốc đất trồng rau cải khoai sắn để ăn, ban đêm thì tụng kinh tham thiền niệm Phật. Nhờ đời sống vật chất có phần giản dị, nên tâm hồn của chúng ta mới được an ổn nhẹ nhàng thanh thoát.

Thỉnh thoảng, Phật tử mới tới đây để cúng dường thực phẩm hoặc chút ít tịnh tài để chúng ta chi dụng. Nhưng nếu so với đời sống của Đức Phật và các vị Thánh chúng khi xưa, thì đời sống của chúng ta kể ra cũng quá đầy đủ hơn các Ngài nhiều lắm rồi. Con nên nhớ, đời sống mà càng  hưởng thụ vật chất nhiều chừng nào, thì nó sẽ làm tổn giảm đức hạnh của mình nhiều chừng nấy. Tổ Quy Sơn có dạy : « Thọ dụng càng nhiều thì người thí chủ càng có lợi lớn ». (Thọ dụng ân phồn thí lợi nồng hậu) Người xuất gia của mình giống như viên đá mà người thí chủ giống như là những con dao. Họ cứ đến mài dao trên viên đá của mình hoài, tất nhiên viên đá của mình ngày càng mòn dần, còn con dao của họ ngày càng sắc bén. Nghĩ thế, nên tụi con phải ráng cố gắng thúc liễm thân tâm mà lo tu. Không nên thọ của thí chủ nhiều lắm. Thọ nhiều mà mình không có làm điều gì có lợi ích cho Phật pháp, cho chúng sanh, thì nặng nợ lắm đó các con có biết không !

Nói tới đây nhà sư ngẩng đầu lên, thở vài hơi cho khỏe rồi nói tiếp:

- Người xuất gia, chư Tổ Sư thường răn nhắc chúng ta là phải «Tam thường bất túc».

Huệ Minh liền xen vào hỏi :

Dạ bạch Thầy, tam thường bất túc có nghĩa là gì mà lâu nay con chưa nghe thầy nói.

Nhà sư nhìn vào đôi mắt trong sáng của chú rồi người ôn tồn nói :

Tam thường bất túc có nghĩa là ba thứ nhu cầu : ăn, mặc và ngủ nghỉ. Ba thứ nầy đối với người xuất gia cần phải vừa đủ thôi. Bất túc là không nên cho dư thừa. Khi ăn không nên ăn cho no bụng, mà phải cho nó lưng thiếu một chút. Như thế, vừa có lợi cho sức khỏe mà cũng vừa tránh được cái lỗi tham cầu. Đến mặc và ngủ nghỉ cũng thế. Người xuất gia, Phật Tổ dạy phải có đời sống đơn giản. Càng đơn giản chừng nào thì càng có an lạc hạnh phúc nhiều chừng đó. Vừa nói tới đây, Huệ Văn liền hỏi :

Bạch Thầy, con thấy cây tùng nầy, nếu mình để nó trong cái chậu nhỏ, thì đất và phân chắc chắn là không đủ sức nuôi dưỡng cây tùng lớn lên được. Muốn cho nó mau lớn phát triển nhanh, thì theo ý con, mình phải đem nó trồng ra ngoài. Như vậy, thì nó mới đủ sức lớn.

Nhà sư chưa kịp nói, thì chú Huệ Minh nhanh mồm nói trước:

Ồ ! ý nầy của sư huynh rất là hay. Công nhận dạo nầy sư huynh có nhiều ý tưởng rất hay.  Huệ Văn như đắc ý thích thú liền nở nụ cười tươi rói và nói:

Sư đệ khen sư huynh trước mặt sư phụ làm cho sư huynh nở phòng cái lổ mũi to lên rồi nè!

Nãy giờ, nhà sư lặng lẽ lắng nghe hai người học trò thân thương của mình đối đáp với nhau. Đoạn, nhà sư khẻ nói:

Ý kiến của Huệ Văn rất hợp với ý của thầy. Nhưng trước hết, thầy sẽ nói cho hai con nghe về cái lý nhân duyên trong nhà Phật. Mặc dù, vừa rồi thầy có nói qua cho Huệ Văn nghe, nhưng còn hai duyên quan trọng mà thầy chưa có nêu ra để giải thích thêm cho hai con rõ.  Huệ Minh liền hỏi :

Bạch Thầy, hai duyên gì quan trọng lắm vậy?

Nhà sư nói hai điều kiện quan trọng mà thầy sẽ nói ra đây, đó là «Tăng thượng duyên» và «đẳng vô gián duyên».

Thế nào là tăng thượng duyên?

Tăng thượng duyên là mình phải làm cho những điều kiện tăng thêm lên. Thí như, mình trồng cây tùng nầy đó là chánh nhân. Đất, phân tốt và tất cả những điều kiện chung quanh khác giúp cho cây tùng được tốt tươi mau lớn, nhà Phật gọi những thứ đó là tăng thượng duyên. Đây gọi là tăng thượng duyên trên chiều hướng thiện, tức làm cho cây tùng phát triển tốt đẹp thêm. Ngược lại, cũng tăng thượng duyên, nhưng không khéo thì sẽ tăng thêm nhiều tội lỗi xấu ác. Đó là chiều hướng hạ bất thiện. Nói tóm lại, cây tùng là chánh nhân, mà môi trường chung quanh làm cho cây tùng phát triển tốt đẹp đều gọi chung là tăng thượng duyên cả. Đó là thầy lấy cây tùng làm thí dụ. Nếu như các con suy nghĩ qua các việc khác cũng như thế. Như các con chọn pháp môn niệm Phật để tu đó là chánh nhân. Có thiện tri thức hướng dẫn chỉ dạy, kinh điển chỉ bày về Tịnh độ, bạn đồng tu, thời khóa quy định v.v… đó là những tăng thượng duyên tốt. Những điều kiện nầy sẽ giúp cho các con mau thăng tiến trên đường tu rất nhanh. Ngược lại, thì các con sẽ không thể nào có được cái kết quả tốt đẹp.

Thế nào là đẳng vô gián duyên?

Đẳng vô gián duyên là những điều kiện liên tục không cho xen hở. Thí như con chăm sóc cây tùng nầy đừng để cho nó gián đoạn. Như sau khi trồng cây tùng rồi, các con cần phải lưu ý quan tâm chăm sóc kỹ lưỡng nó. Như phải thường xuyên tưới nước, vô phân v.v…Nếu thiếu sự chăm sóc thường xuyên nầy thì cây tùng sẽ không thể nào phát triển tốt đẹp được. Từ cây tùng, đến các việc khác, các con suy ra đều như thế cả. Như các con niệm Phật thì phải niệm cho liên tục, ngày đêm không được xen hở. Đó gọi là đẳng vô gián duyên. Như hiện nay thầy dạy cho các con học. Nếu như ngày nào các con cũng cố gắng bền chí học hỏi đều đều, không bị gián đoạn, thì chắc chắn sự học của các con sẽ có tiến bộ khá. Bằng ngược lại, các con học một ngày rồi nghỉ bốn năm ngày, như thế là thiếu điều kiện liên tục, tất nhiên, các con sẽ không thể nào học giỏi được.

Nói tóm lại, các con làm một việc gì đó, có ích lợi cho mình và người và phải làm một cách liên tục không được gián đoạn, thì đó đều gọi là đẳng vô gián duyên cả. Trong cuộc sống của con người, dù ngoài đời hay trong đạo, nếu thiếu hai duyên nầy, thì việc làm của họ rất khó thành công. Nhờ có hai duyên nầy, mà việc làm mới có thể tiến bộ lợi ích được. Thầy nói sơ chắc các con cũng hiểu rồi chớ !

Dạ, bạch Thầy tụi con đã hiểu.

Còn một điều nữa mà thầy cũng muốn nhắc nhở thêm, là sau nầy các con có đủ cơ duyên tu học khá rồi, thì các con phải mở rộng sự hoằng truyền giáo pháp sâu rộng đến mọi giai tầng trong xã hội. Có thế, thì đạo Phật mới thắm nhuần lan rộng khắp nơi được. Giống như cây tùng nầy, nếu các con cứ để nó mãi ở trong chậu nhỏ, thì nó cũng chỉ có ngần ấy thôi, chớ không phát triển gì thêm được. Khi con trồng nó ra ngoài, con cũng cần phải để ý đến môi trường sinh thái nuôi dưỡng nó phải cho thích hợp. Có thích hợp với môi trường chung quanh, thì nó mới phát triển tốt tươi được. Cũng thế, sự truyền bá giáo lý của các con sau nầy, cũng phải thích nghi với mỗi hoàn cảnh xã hội và tùy theo mỗi quốc độ mà các con phải tùy cơ linh động uyển chuyển cho thích nghi. Đó gọi là “tùy duyên bất biến” các con có biết không.

Tự nãy giờ hai huynh đệ lắng hết tâm tư để nghe sư phụ giảng dạy. Mỗi người thầm nghĩ, chỉ có trồng cây tùng thôi mà sao sư phụ lại giảng dạy nhiều bài học hay như thế. Như vậy, với người khi đã am hiểu thâm sâu Phật pháp rồi, họ nhìn đâu cũng thấy là Phật pháp cả. Đó là vì họ đã được giác ngộ. Ngược lại, vì còn sống trong vòng mê muội, nên chúng ta đưa mắt nhìn đâu cũng thấy toàn là phiền não.Thế thì muốn tìm sự giác ngộ, không cần phải đi tìm ở đâu xa. Chỉ ngay những cảnh tượng xảy ra trước mắt hằng ngày, nếu như tâm mình được thanh tịnh sáng suốt, thì mọi cảnh vật đều là tươi mát đẹp đẽ hết.

Có thể nói, đây là lần đầu tiên, hai huynh đệ cảm nhận một bài học rất sâu sắc, do sư phụ truyền đạt. Hai huynh đệ thầm cảm ơn sư phụ đã hết lòng chỉ dạy. Mỗi người tuy không ai nói ra, nhưng tận thâm tâm thầm nguyện sẽ không bao giờ quên những lời dạy vô cùng quý báu của sư phụ hôm nay. Ba thầy trò mãi trò chuyện với nhau mà đã đến giờ ngọ trai khi nào không hay. Trời đã trưa, ba thầy trò vui vẻ lặng lẽ trở vào trong chùa để dùng ngọ trai…

Làm Vườn

Sau giờ tiểu thực sáng, như thường lệ thầy Huệ Văn đi ra phía sau vườn chùa để làm công tác. Buổi sáng hôm nay, khí trời mát mẻ trong lành thật dễ chịu. Mặt trời vừa lên khỏi ngọn cây. Nắng ban mai rất đẹp. Những hạt sương sớm lấp lánh như pha lê đã tan biến mất, chỉ còn đọng lại những ánh nước long lanh thắm ướt trên những chiếc lá xanh mướt và những ngọn cỏ đang phơi mình để sưởi nắng. Một vài cơn gió nhẹ thoảng qua, gây cho thầy một cảm giác nghe hơi lành lạnh.  Tuy vậy, nhưng thầy rất thích những buổi sáng sớm trong lành mát mẻ đẹp trời như thế nầy. Vì rất thích hợp cho việc làm vườn của thầy. Trên cành cây một vài con chim chích chòe kêu lên ríu rít. Chúng nhảy nhót tung tăng như mừng vui reo hò hát ca trong nắng ấm.

Huệ Văn đến nhìn mấy liếp cải xanh tươi và rồi ngồi xuống nhổ một vài cây cỏ mọc xen với những cây cải. Những lá cải bẹ xanh lớn trải xòe mướt rượt. Trong lúc đó, thì chú Huệ Minh cũng vừa ra tới. Chú Huệ Minh thì rất thích giàn mướp hương đầy trái. Có những trái to và dài thòng xuống. Chú rất thích ngắm nhìn những trái mướp đó. Vì đó là cái kết quả mà hơn hai tháng qua chú đã bỏ công sức ra để làm. Chú trồng chỉ có mấy giây mướp thôi mà nó có rất nhiều trái. Mướp hương mà nấu canh với tàu hủ trắng thì ăn rất ngon. Vì nó rất ngọt nước. Bởi vậy chú rất thích. Chú đang đi kiếm thùng để tưới mấy giây mướp, bỗng nghe tiếng sư phụ gọi. Chú nhìn lại phía sau, thì thấy sư phụ đang lui cui sửa lại mấy giây khổ qua.

Dạ! sư phụ gọi con.

Con, dọn dẹp lau chùi ở trên điện Phật xong chưa mà ra đây.

Dạ! bạch sư phụ, con đã làm xong hết rồi.

Vừa nói, nhà sư vừa đi đến mấy liếp cải của thầy Huệ Văn. Huệ Văn đứng lên chào sư phụ. Huệ Minh cũng đi theo phía sau. Ba thầy trò vừa đi vừa đưa mắt nhìn chung quanh khu vườn và vừa trò chuyện với nhau. Thầy Huệ Văn lên tiếng hỏi Sư Phụ:

Bạch Thầy, hôm qua khi con đang xới đất để trồng thêm mấy luống rau sống, bất chợt con nhớ lại câu chuyện Thiền.

Câu chuyện gì? Sư phụ hỏi.

Bạch Thầy, câu chuyện giữa Thầy tri viên và Thiền Sư Dược Sơn Duy Nghiễm. Đọc qua câu chuyện đó, con cứ mãi suy nghĩ qua lời nói của Ngài Dược Sơn, mà con vẫn chưa hiểu.

Lẽ ra, chính cái chỗ con chưa hiểu đó là tốt. Nhưng, thôi được, con cứ trình bày tiếp cho thầy nghe.

Dạ, bạch Thầy, Ngài nói với thầy tri viên là: “Ông trồng thì trồng ta không ngăn cản ông, nhưng ông trồng đừng cho nó mọc rễ. Khi đó thầy tri viên mới nói: Bạch Hòa Thượng, nếu trồng mà không cho nó mọc rễ thì đại chúng lấy gì mà ăn? Ngài Dược Sơn hỏi lại: Bộ ông cũng có miệng nữa sao”?

Nhà sư nãy giờ lắng nghe người đệ tử của mình kể sơ lại câu chuyện thiền. Nghe xong, nhà sư khẻ cười nhẹ trên môi và nói:

- Con ạ, hành động cuốc đất trồng rau là một trong tất cả mọi việc làm khác ở trong thiền môn.  Con có thể làm tất cả mọi việc: gánh nước, tưới cây, nhổ cỏ, rửa chén, lau nhà, quét dọn v.v… Như hiện giờ con, Huệ Minh và thầy, chúng ta đều phải lao tác trồng mọi thứ rau cải hoa quả mới có tiêu dùng. Tuy nhiên, việc làm ở trong nhà thiền, nó khác hơn ở ngoài đời.

Huệ Minh xen vào hỏi: dạ, bạch Thầy khác như thế nào à?

Chính đó là điều mà thầy muốn nói cho các con hiểu. Nầy nhé, ở ngoài đời họ làm đâu là họ bị dính mắc ở đó. Do dính mắc, nên họ mới có tham, sân, si nổi lên. Đó là hiện tướng của lòng tham chấp ngã, chấp pháp quá sâu nặng. Ai cũng thấy việc mình làm là quan trọng hơn tất cả. Từ đó, họ mới khởi ra sự hơn thua tranh chấp đấu đá lẫn nhau. Họ làm là vì danh vì lợi. Nói rõ ra là vì cuộc sống của họ. Ngược lại, chúng ta làm để mà làm. Làm không cần phải bận tâm lo lắng gì với công việc nên hư thành bại của mình. Làm với tâm an nhiên thư thái ung dung. Không để cho tâm dính mắc vào công việc của mình.

Tối hôm qua, trong lúc dạy Duy Thức cho các con học, các con còn nhớ trong mười một món thiện, có một món gọi là “hành xả”. Hành là làm, xả là bỏ. Làm đâu buông bỏ đó. Đó là làm mà không cho nó mọc rễ đó con. Vì hễ còn mọc rễ là còn dính mắc. Mà hễ còn dính mắc là còn đau khổ. Việc cuốc đất trồng rau như thầy trò mình đã làm từ bấy lâu nay, nhưng mình làm với tâm an nhiên tự tại giải thoát. Làm như thế mới xứng hợp với bản tâm. Vì bản tâm mình nó rời lìa tất cả tướng. Vì rời lìa tất cả tướng nên mới được giải thoát. Các con còn nhớ trong Kinh Lăng Nghiêm Đức Phật có dạy: “Ly nhứt thiết tướng, tức nhứt thiết pháp đó không?”. Huệ Văn không chờ thầy giải thích thêm liền hỏi:

Bạch Thầy, câu đó có ý nghĩa như thế nào? Kính xin Thầy giải thích thêm cho tụi con rõ. Nhà sư ngước mắt nhìn lên trời, thấy từng đám mây trắng bay ngang qua, rồi đưa mắt nhìn sâu vào đôi mắt sáng quắc thông minh của thầy Huệ Văn và chậm rãi nói:

Ly nhứt thiết tướng có nghĩa là rời tất cả mọi hình tướng. Đây là chỉ cho thể tánh chơn như. Vì chơn như vốn lìa tất cả tướng. Luận đến chỗ cứu cánh, thì không thể dùng lời nói để luận bàn hay suy nghĩ đến được. Vì đến đó bặt dứt mọi dấu vết.

Con có thấy những đám mây trắng bay ngang qua bầu trời đó không?

Cả hai đều thưa: dạ, thấy.

Những đám mây bay qua bay lại trong bầu trời, nhưng bầu trời không có liên hệ gì đến những đám mây đó. Bầu trời là dụ cho thể tánh chơn như. Đó là nghĩa “ly nhứt thiết tướng”. Còn những đám mây là dụ cho các hiện tượng, có sanh, có diệt, có qua, có lại v.v…Nhưng bầu trời thì bất sanh bất diệt. Các con thấy những đám mây kia, không  ngoài bầu trời mà có, đó là nghĩa “tức nhứt thiết pháp”. Nói gọn cho dễ hiểu: bầu trời lìa tất cả đám mây, nhưng những đám mây kia không ngoài bầu trời mà có. Đó là nghĩa “ly nhứt thiết tướng, tức nhứt thiết pháp”.

Nói đến đây, nhà sư ngừng giây lát, như để các đệ tử của mình có chút thời gian để suy tư về nghĩa lý thâm sâu nầy. Nhà sư nhìn chung quanh cảnh vật, dưới ánh nắng tươi đẹp chan hòa của buổi sáng. Rồi nhà sư nhìn vào đôi mắt trong sáng đầy vẻ ngây thơ của chú Huệ Minh, như ngầm hiểu hai đệ tử của mình chưa hiểu rõ mấy, nên nhà sư nói thêm:

Nầy con, con có quyền nhìn thấy tất cả mọi cảnh vật chung quanh, nhưng tâm con không bị dính mắc vào một sự vật nào hết. Khác nào như đám mây trắng bay qua lại tự do tự tại trong bầu trời, không bị dính mắc vào đâu cả. Thấy tất cả mà không bị dính mắc. Đó chính là nghĩa “Ly nhứt thiết tướng”. Tuy không bị dính mắc, mà không chỗ nào ngoài tánh thấy của con, đó là nghĩa “Tức nhứt thiết pháp”. Con thử tìm ra chỗ nào là không phải tánh thấy của con, chỉ cho thầy coi. Như vậy, tánh thấy của con nó bao trùm khắp hết. Đó là thầy nói đại khái cho các con hiểu sơ qua về câu nói Phật dạy ở trong Kinh Lăng Nghiêm. Các con có hiểu chút nào không?

Cả hai đều thưa: dạ, bạch Thầy, chúng con đã hiểu.

Nhà sư nói, như vậy là tốt rồi. Bây giờ thầy nói việc tu hành trong bình diện thông thường cho các con rõ thêm. Vì cái lý đó cao siêu lắm, thầy trò mình vói không tới đâu.

Việc tu hành của mình cũng giống như công việc của chúng ta làm vườn. Con thấy, mấy năm trước đây, khi mình chưa khai thác trồng trọt, thì cả khu vườn nầy cây cối, cỏ dại mọc tràn lan um tùm. Nhưng khi thầy trò mình bắt đầu chịu khó đốn chặt, nhổ cỏ, dọn dẹp, rồi cuốc xới đất phơi nắng cho sốp. Khi miếng đất đã được trống trải hết rồi, thì con thấy nó khác hơn trước kia rất nhiều. Ai trông thấy cũng trầm trồ khen ngợi và trông rất đẹp mắt. Từ đó, thầy trò mình bắt đầu gieo giống. Trải qua thời gian không bao lâu, thì chúng mình đã có một mảnh vườn rất đẹp, vì có nhiều loại rau trái để ăn. Nói tới đây, nhà sư đưa ngón tay trỏ chỉ vào mấy liếp cải và nói:

Đó! Con thấy chưa, hai tháng trước đây, chỗ nầy toàn là cỏ dại, nhờ con ra sức nhổ sạch hết cỏ rồi gieo hạt cải xuống, nay trở thành những cây cải xanh tươi, lá to.

Con ạ, khu vườn tâm của chúng ta cũng thế. Các con còn nhớ trong Duy Thức kể ra trong tâm thức của mình có rất nhiều loại hạt giống phiền não. Các nhà Duy Thức phân ra có hai loại: “Căn bản phiền não và tùy phiền não”. Căn bản phiền não thì gồm có sáu thứ: tham, sân, si, mạn, nghi và ác kiến. Từ ác kiến mà nếu chia ra thì có 5 thứ: thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ, và giới cấm thủ. Còn tùy phiền não thì gồm có 20 thứ. Tùy theo cường độ nặng nhẹ, mạnh yếu của chúng mà người ta chia ra có: “tiểu tùy, trung tùy và đại tùy”. Tiểu tùy gồm có 10 thứ: phẩn, hận, phú, não, tật, xan. cuống, siễm, hại, kiêu. Trung tùy gồm có hai: vô tàm và vô quý. Đại tùy gồm có tám: trạo cử, hôn trầm, bất tín, giải đãi, phóng dật, thất niệm, tán loạn, bất chánh tri. Chung lại là có tất cả 30 thứ. Rồi còn có các thứ khác nữa như: mừng, giận, thương, sợ, buồn, ghét, muốn. Bảy thứ nầy, người ta gọi là thất tình. Các con thử ngẫm, suốt ngày, mình chỉ sống làm nô lệ cho những thứ đó sai khiến. Chúng khuấy động tâm mình không lúc nào yên. Phật nói đó là những thứ vọng tưởng.

Kể đến đây nhà sư ngừng lại. Khi đó, Huệ Văn liền hỏi:

Dạ, bạch Thầy có cách nào trừ khử chúng nó không?

Dĩ nhiên là có. Đó là chúng ta phải bền chí tu trì. Như tụi con phải bền chí ra công sức mà làm vườn vậy. Các thứ phiền não giống như các loại cỏ hoang dại. Các con cần phải nhổ trừ diệt cho nó tận gốc rễ. Loại tùy phiền não thì dễ trừ dễ đoạn hơn là loại căn bản phiền não. Loại căn bản phiền não vì gốc rễ của nó rất sâu dầy. Vì vậy, nên gọi nó là « căn bản chủng tử » hay còn có tên khác là « câu sanh chủng tử ». Câu sanh là vì có mặt mình là đã có nó rồi. Nó thật khó trừ, giống như khi tụi con nhổ cỏ gặp ba thứ cỏ cú, cỏ chỉ vậy.

Vừa nói tới đây, nhà sư đưa tay chỉ vào mấy cọng cỏ cú nằm xen lẫn trong các bụi cải. Loại cỏ nầy, con phải chịu khó đào sâu xuống đất và phải lấy cho hết gốc rễ của nó, thì nó mới không mọc lên được. Còn nếu như tụi con nhổ không kỹ lưỡng, chỉ còn sót một cọng rễ nhỏ thôi, thì nó cũng vẫn mọc lên. Bây giờ, các con không thấy nó ở đâu, nhưng khi trời mưa xuống hay các con tưới nước ướt đất, thì chúng nó sẽ mọc lên.

Cũng vậy, cái lũ tập khí phiền não căn bản nầy, bình thường nó trú ngụ ở đâu mình không thấy biết. Nhưng khi gặp cảnh xúc duyên thì chúng nó xuất đầu lộ diện. Từ đó mình mới tạo nghiệp và rồi thọ khổ. Nếu như tụi con chịu khó thường quán chiếu sâu vào nội tâm hằng ngày, thì tụi con mới nhận ra từng vọng niệm dấy khởi. Đó là cách nhận diện và chuyển hóa chúng nó. Bởi những thứ tập khí nầy chúng nó không có thật thể. Như các loại cỏ cây, chúng chỉ nương vào đất mà có. Các thứ phiền não trong tâm mình cũng vậy. Chúng nương vào bản tâm mình mà có ra. Cũng như sóng nương nơi nước mà có. Như vậy, chúng nó chỉ là những hiện tượng sanh diệt không thật. Tuy chúng không thật, nhưng khi nó nổi lên mà tụi con theo nó thì sẽ gây tạo ra vô số nghiệp ác. Muốn không tạo nghiệp, thì khi làm việc gì ở đâu các con cần phải gìn giữ chánh niệm cẩn thận ở đó. Nhất là làm việc gì thì nên buông xả việc đó. Phật dạy vô lượng pháp môn tu, mục đích cũng chỉ nhắm thẳng vào tiêu trừ hoặc chuyển hóa lũ phiền não nầy đó thôi.

Vừa nói tới đây, thì chú Huệ Minh hỏi :

Dạ, bạch thầy, ngoài những thứ phiền não bất thiện nầy ra, trong tâm mình còn có những thứ gì khác không?

Nhà sư mỉm cười nhẹ và khẻ nói :

Dĩ nhiên là có chớ con. nếu không có những tâm sở thiện, thì làm sao mình nuôi dưỡng nó để làm nhiều điều lợi ích cho chúng sanh. Tuy nhiên, các tâm sở thiện nầy không có nhiều lắm, chúng chỉ có mười một thứ thôi. Đó là tín, tinh tấn, tàm, quí, vô tham, vô sân, vô si, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.  Ở đây, thầy chỉ mới nêu ra tên gọi của chúng nó thôi, để một dịp khác, thầy sẽ giảng cho các con nghe về từng loại một của nó. Các con có nhận hiểu những thứ tâm sở bất thiện và những tâm sở thiện, thì tụi con mới biết để mà tiêu trừ và nuôi dưỡng. Tiêu trừ những loại phiền não xấu ác, nuôi dưỡng phát triển những tâm sở thiện. Trong Kinh thường khuyên bảo mọi người cần phải tu tâm và dưỡng tánh, chính là ý nầy.

Bây giờ thầy trở lại câu chuyện của Ngài Dược Sơn mà Huệ Văn đã hỏi khi nãy.

Đó là Ngài Dược Sơn đã dạy cho thầy tri viên một bài học giải thoát trong hành động. Sống ở thế gian nầy, làm sao các con tách biệt ra khỏi xã hội. Các con phải làm mọi việc để cứu đời giúp người. Song có điều các con nên ghi nhớ, việc làm của người xuất gia phải khác hơn người đời. Chúng ta làm chỉ vì mục đích để tạm sống qua ngày. Hoặc làm là vì đem lại lợi ích cho mọi người. Chớ không phải làm vì mình. Làm chỉ biết vì mình, đó là việc làm ích kỷ trái với tôn chỉ giác ngộ giải thoát của đạo Phật. Làm không vì danh lợi. Làm với tâm hoan hỷ vui vẻ. Khi tiếp xúc với ngoại duyên, các con phải nhớ là đừng để tâm buông lung phóng túng. Vì chính cái tâm phóng dật đó nó sẽ làm hại cả cuộc đời của các con. Tâm con người giống như con khỉ con vượn. Nó không bao giờ đứng yên một chỗ. Nó chuyền nhảy lung tung. Nên trong Duy Thức gọi nó là thứ tâm viên ý mã. Vì thế, các con phải cẩn thận ở nơi hành động và lời nói.

Nhà sư giảng nói đến đó, bỗng nghe tiếng chim kêu vang lên. Nhà sư liền dừng lại trầm ngâm vài phút. Như thức nhắc người đệ tử của mình, không nên để tâm rong ruổi theo ngoại cảnh. Phải luôn nhiếp tâm gìn giữ chánh niệm theo từng hơi thở. Có chánh niệm thì mới có an lạc. Như hiểu ý sư phụ, hai huynh đệ cũng lặng lẽ trở về với hơi thở chánh niệm. Đây là giây phút thật mầu nhiệm. Vì chính  giây phút nầy mình mới thực sự có mặt tiếp xúc với sự sống. Chỉ có giây phút nầy, mọi cảnh vật chung quanh mình mới thực sự tươi mát và  đẹp đẽ.

Sau một phút chánh niệm, thầy Huệ Văn như đã hiểu ra những gì mà thầy đã suy tư trong mấy ngày qua, giờ đây như bừng sáng hẳn lên. Và thầy đã biết thế nào là an lạc giải thoát ở trong việc làm. Thế là, thầy không cần phải tìm kiếm Niết bàn ở đâu xa xôi, mà Niết bàn an lạc ngay dưới gót chân trong mỗi bước đi và hành động của thầy.

Sau đó ba thầy trò rời khỏi những liếp cải và đi từng bước chậm rải khoan thai thảnh thơi nhẹ nhàng hưóng về giàn mướp hương. Đến nơi, ba thầy trò dừng lại. Nhà sư lấy tay sờ vào trái mướp và nói:

Các con có biết không, người ta sống ở đời đau khổ nhiều, là chỉ vì họ sống không biết đủ. Họ không bao giờ biết dừng lại hài lòng với cuộc sống đơn giản. Họ tranh giành hơn thua với nhau từng lời nói, từng việc làm. Còn thầy trò chúng ta cũng vì sự sống, nhưng sống trong hạnh phúc an lạc. Vì chúng ta khéo biết dừng lại. Nhà sư vừa nói tới đây, thì bỗng nghe tiếng Huệ Văn khẻ bạch:

Bạch sư phụ con phải vô chùa để chuẩn bị cho buổi ngọ trai. Xong rồi, sư phụ và sư huynh trở vô thọ trai. Hôm nay, con phụ làm bếp với bà bảy để khoản đãi cho sư phụ và sư huynh một bữa ăn đặc biệt.

Huệ Văn nói: Huynh biết rồi. Đặc biệt của sư đệ là rau luộc với nước tương chớ gì.

Sư huynh nói gì tệ vậy. Ngoài rau luộc nước tương ra, còn có một món đặc biệt khác nữa là cà nướng dầm với nước tương ớt. Ngon hết sẩy luôn.

Nhà sư nói: Thôi được rồi. Con hãy vào trong lo làm bếp với bà bảy Diệu Tâm, thầy và sư huynh của con vào bên trong sửa lại vài cây kiểng mà người ta mới đem tặng hôm qua. Hai thầy trò một già một trẻ lặng lẽ âm thầm đi vào phía vườn kiểng chưng bày ở phía trước sân chùa…

Chuyện Thiền Môn (tiếp theo kỳ rồi bài làm vườn)

Hạt Giống

Như thường lệ sau giờ tịnh độ tối, hai huynh đệ ôn lại bài vở của mình đã học. Mỗi người đều có một căn phòng ngủ nghỉ riêng. Trong phòng trang trí rất đơn giản. Ngoài cái đơn để ngủ, còn có một vài vật dụng linh tinh khác. Như tủ sách, bàn viết và một cái tủ để đựng quần áo. Thầy Huệ Văn thì rất thích những bức tranh thủy mặc. Thầy chỉ treo trong phòng duy nhất một bức tranh trông rất thiền vị. Ngược lại, chú Huệ Minh thì thích tranh ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm. Chú treo trên tường một bức hình Quán Âm Nam Hải trông rất đẹp mắt.

Sở dĩ chú thích chiêm ngưỡng hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm như thế, có lần, chú đã kể rõ lý do cho thầy Huệ Văn nghe. Chú nói: Lúc mẹ chú còn sống, người có kể lại cho chú nghe về sự linh ứng mầu nhiệm của Bồ Tát Quán Thế Âm. Số là,  năm chú lên ba tuổi, có lần chú đau nặng thập tử nhứt sanh, nên ba mẹ của chú cả hai đều rất lo sợ. Một mặt, người lo chạy chữa thuốc thang, mặt khác, thì mẹ chú luôn hướng vọng về biển Nam Hải để hết lòng van lạy cầu nguyện Bồ Tát Quán Thế Âm hộ độ cho chú. Vì chú là đứa con đầu lòng duy nhất của hai người. Do đó, nên hai người đã đặt hết tình yêu thương ở nơi con mình. Nhờ vào sự van lạy cầu nguyện chí thành tha thiết của mẹ, nên bịnh tình của chú ngày càng thuyên giảm lần. Thời gian không lâu, chú lại được bình phục hẳn. Mẹ chú nói, chú rất có nhân duyên với đức Bồ Tát Quán Thế Âm. Nếu không có Ngài hộ độ cho, thì giờ nầy chắc chú không còn có mặt ở trên cõi đời nầy. Bởi thế, nên lúc nào chú cũng tưởng niệm và thường hay lễ bái Bồ Tát Quán Thế Âm. Ðó là lý do mà trong phòng của chú, chú treo bức ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm Nam Hải tuyệt đẹp.

Theo quy chế của thiền môn, quy định giờ khắc đâu đó rất rõ ràng. Giờ nào ra giờ nấy không được lộn xộn. Giờ tu, giờ học, giờ ăn, giờ chấp tác và giờ ngủ nghỉ, giờ nào phải theo đúng giờ đó. Trong chúng dù nhiều hay ít, đã vào chùa tu học là phải tuân theo quy củ. Vì thế, nên vấn đề kỷ luật rất nghiêm khắc. Người xuất gia ngoài phần gìn giữ giới luật nghiêm minh ra, còn phải gìn giữ bốn oai nghi: đi, đứng, nằm ngồi rất cẩn thận. Một người khi mới cạo tóc xuất gia vào chùa, trước tiên là thầy cho học hai thời khóa tụng niệm. Hai thời khóa nầy bắt buộc phải học thuộc lòng. Buổi khuya thì tụng năm đệ Lăng Nghiêm và Ðại Bi Thập Chú. Buổi tối, thì tụng Kinh A Di Ðà. Trong thiền môn thường gọi hai thời khóa nầy là thời công phu khuya và thời Tịnh Ðộ tối.

Phần oai nghi, bắt buộc người mới vào chùa phải học thuộc và ghi nhớ rõ ràng. Sau khi học xong hai thời khóa tụng niệm, thầy lại bắt phải học phần oai nghi. Thầy Huệ Văn trước khi thọ giới Tỳ kheo, sư phụ dạy cho chú về oai nghi. Thầy học trong quyển Oai Nghi Tỳ Ni Nhật Dụng Yếu Lược. Quyển nầy có nhiều bài kệ và những câu chú. Mỗi một việc làm hằng ngày trong thiền môn đều kèm theo có một bài kệ. Như ngủ nghỉ, thức dậy, súc miệng, tắm rửa, đi cầu v.v… Mục đích là tập cho người mới vào chùa lúc nào cũng sống trong chánh quán, chánh niệm. Nhờ thế, nên tâm của hành giả mới được an lạc. Người xuất gia ngay từ buổi đầu đã phải thực tập chánh niệm như thế rồi.

Sau khi học rành về giới luật và oai nghi, thầy mới cho học những phần giáo lý căn bản. Khi có trình độ học lực khá, thì thầy mới cho đi thụ học ở các nơi khác. Như phải thi vào trong các Phật Học Viện. Tùy theo trình độ học lực mà thi vào những Phật Học Viện có những cấp bậc trình độ khác nhau.

Thầy Huệ Văn tuy trình độ nội điển có khá, nhưng vì sư phụ muốn dạy thêm cho thầy những phần giới luật căn bản. Nhất là phần giới luật của một vị Tỳ kheo. Do đó, nên sư phụ chưa muốn cho thầy vào Phật Học Viện sớm.

Buổi sáng hôm nay, sau giờ chấp tác thường lệ, hai huynh đệ cắp sách đến phòng sư phụ để nghe sư phụ giảng giải về môn Duy Thức. Duy Thức học là một môn học chuyên sâu vào việc phân tích hiện tượng tâm lý của con người. Có thể nói đây là khoa tâm lý học tuyệt vời của Phật giáo. Môn học nầy tuy rất lý thú, nhưng cũng rất khó khăn. Không phải khó vì lý giải mà khó vì những danh từ hay những thuật ngữ pháp số chuyên môn. Những danh số nầy bắt buộc người học phải ghi nhớ thuộc lòng. Có thế, thì người học mới có thể hiểu được.

Chú Huệ Minh học thuộc lòng rất hay. Vì còn nhỏ tuổi nên trí nhớ của chú rất minh mẫn bén nhạy. Trí nhớ của chú cũng không kém thua gì trí nhớ của thầy Huệ Văn bao nhiêu. Chỉ khác nhau về trình độ nhận thức mà thôi. Vì thầy Huệ Văn trước khi xuất gia, thầy là một sinh viên y khoa năm thứ hai. Do đó, thầy có trình độ học lực ngoại điển rất khá, nên thầy có một nhận thức sâu sắc hơn chú Huệ Minh. Có lần, thầy Huệ Văn trắc nghiệm thử trí nhớ của chú Huệ Minh. Thầy hỏi về những danh từ pháp số. Như Tam tánh, Tam lượng, Bát thức tâm vương và 51 món tâm sở v.v… Thầy hỏi tới đâu, thì chú Huệ Minh trả lời vanh vách tới đó. Chính vì thế, mà vị sư phụ rất hài lòng về hai vị đệ tử của mình.

Mở đầu buổi học hôm nay, Sư phụ nói, những buổi học trước, thầy có đề cập phớt qua về các loại chủng tử, nhưng thầy chưa có giảng kỹ. Hôm nay, thầy sẽ giảng giải phân tích kỹ cho các con hiểu. Hạt giống tiếng Hán gọi là chủng tử. Chủng là giống, hạt là tử. Chủng tử là tên khác của tập khí, của phiền não và nghiệp thức. Hạt giống có rất nhiều loại. Nhưng đại khái thì có hai loại căn bản: thiện và ác. Nhưng những hạt giống thiện, theo các nhà Duy Thức cho biết, thì nó có rất ít. Như hôm trước, thầy có nói đến và phân tích hiện tượng 51 món tâm sở. Trong 51 món tâm sở thì chỉ có 11 món thiện. Ngoài ra, thì có thêm 4 món bất định: Hối, Miên, Tầm, Tư. Nói bất định là vì bốn thứ nầy nó không hẳn thiện và cũng không hẳn ác. Tùy theo duyên mà nó khởi lên thiện hoặc ác. Như trong giờ học hay giờ nghe pháp mà các con lại ngủ gà ngủ gục, thì đó là ngủ ác. Vì ngủ trái giờ giấc đã quy định. Ðó là miên ( ngủ) mà miên không đúng thời, nên gọi là miên ác. Từ đó các con có thể suy ra  ba món kia cũng lại như thế.

Hôm qua, trong khi thầy với Huệ Minh ra ngoài vườn chăm sóc lại mấy liếp cải, lúc đó, Huệ Minh có hỏi thầy: Tại sao sư phụ lại nói khu vườn nầy giống như khu vườn tâm của mình? Và khi gieo giống mình phải chọn lựa loại hạt giống nào cho nó thích hợp với đất?

Khi ấy, thầy chỉ trả lời một cách đơn sơ thôi. Bởi thầy định hôm nay trong giờ dạy Duy Thức cho hai con, thì thầy sẽ giảng giải rõ hơn.

Như có lần thầy nói, tâm thức của mình trong kinh Phật thường dụ như mảnh đất. Cho nên gọi là tâm địa hay tâm điền. Nghĩa là lấy đất, hay ruộng mà dụ cho tâm. Tâm ở đây, là chỉ cho thức thứ 8, tức tàng thức hay A lại da thức. Vì thức nầy nó có công năng cất giữ các loại hạt giống không cho sót mất. Nó vừa có nghĩa là “sở tàng” mà cũng có nghĩa là “năng tàng” nữa. Các nhà Duy Thức muốn cụ thể hóa cho người ta dễ hiểu, nên dụ nó như là cái kho lẫm để chứa đồ. Ðó là nghĩa sở tàng. Nghĩa là cái kho bị chứa. Ðồng thời mọi hạt giống thiện ác …đều được nó cất giữ kỹ càng như ngươì ta lưu trử các thứ hồ sơ trong máy vi tính, nên nói nó là năng tàng. Nghĩa là nó có công năng duy trì gìn giữ các loại chủng tử trong kho. Cho nên nó còn có tên khác là A đà na thức. Còn nói “Ngã ái chấp tàng” là do vì thức thứ 7, tức Mạt na thức chấp thức thứ 8 nầy làm tự ngã. Nên nó cũng có nghĩa là ngã ái chấp tàng.

Thức nầy có khả năng dung chưa tất cả, nó không từ khước bất cứ hạt giống nào. Xấu tốt gì nó cũng huân chứa cất giữ hết. Vì vậy, khi gieo giống, các con phải cẩn thận nên chọn lựa giống tốt mà gieo. Các con khởi niệm một câu hiệu Phật, hay khởi một niệm lành, hoặc tụng kinh, nghe pháp, học kinh v.v… đó là các con khéo biết chọn lựa hạt giống tốt để gieo. Còn nếu khởi niệm ác, hoặc nói những điều ác, làm những điều ác… đó là những loại hạt giống xấu mà các con nên loại bỏ đừng để huân chứa vào trong kho. Các con nên nhớ rằng, khi mình huân tập những hạt giống xấu ác nhiều, thì đương nhiên nó sẽ khởi hiện hành những điều bất thiện làm tổn mình hại người. Bởi do huân tập nên nó trở thành thói quen, chính thói quen đó gọi nó là tập khí. Tập khí xấu ác nó có một năng lực rất mạnh thúc đẫy mình làm nhiều điều bất chánh tội lỗi.

Nghe thầy giảng đến đây, chú Huệ Minh chưa hiểu rõ về hai chữ tập khí, nên chú liền thưa hỏi:

Bạch thầy, vừa rồi,  thầy có nói đến hai chữ tập khí, vậy con muốn biết rõ hơn về ý nghĩa của nó như thế nào? kính xin thầy giảng giải thêm cho chúng con được rõ.

Ðược! thầy sẽ giảng giải phân tích kỹ về ý nghĩa của nó cho các con hiểu.

Tập khí là thuật ngữ của Phật giáo. Tiếng Phạn, Pali: Vàsana. Tập khí còn có những tên gọi khác như: phiền não tập, dư tập, tàn khí, chủng tử. Hai chữ nầy nguyên là từ ngữ Hán Việt. Trong quyển Hán Việt Tự Ðiển của cụ Thiều Chửu giải thích hai chữ tập khí như sau:

Chữ “tập” gồm có 5 nghĩa: 1. Học đi học lại, như giảng tập. 2. Quen thạo. Như tập kiến: thấy quen; Tập văn: nghe quen. 3. Tập quen. Phàm cái gì vì tập quen không đổi đi được đều gọi là tập. Như tập nhiễm. 4. Chim bay vi vụt. 5. Chồng, hai lần.

Chữ “khí” gồm có 6 nghĩa: 1. Hơi thở. 2. Cái gì không có hình chất mà cùng cảm ứng với nhau được gọi là khí, như khí vận, khí tượng, khí vị v.v… 3. Khí hậu. 4. Khí tức hơi. 5. Thể hơi. 6. Ngửi.

Như vậy hai chữ tập khí có nghĩa là những tập tánh được huân tập vào kho A lại da thức trở thành những hạt giống (chủng tử) thiện ác. Nói cách khác dễ hiểu hơn thì, tập khí có nghĩa là những kinh nghiệm, thói quen mà do con người tích lũy được.

Trong quyển Từ Ðiển Phật Học Huệ Quang tập 7 trang 6578 giải thích hai chữ tập khí như sau:

“Tập khí chính là phần tàn dư , khí còn sót lại của phiền não, dần dần kết chặt vào tâm, trải qua thời gian lâu xa tích tập thành tánh, rất khó phá trừ. Ví như đặt một thỏi hương vào hộp, khi lấy thỏi hương ra, trong hộp vẫn còn mùi thơm; tức là tuy đã diệt trừ chánh thể ( chánh sử ) phiền não nhưng vẫn còn khí phần tập quán. Trong kinh Phật có nói đến dâm tập của ngài Nan Ðà, sân tập của ngài Xá lợi phất và Ma ha ca diếp, mạn tập của ngài Tỳ lăng già bà bạt, khiêu hỷ tập của ngài Ma đầu ba tư tra, ngưu nghiệp tập của ngài Kiều phạm ba đề… Chỉ có Phật là đoạn trừ vĩnh viễn chánh sử và tập khí”.

Qua đó, chúng ta thấy rằng những tập khí phiền não như: tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến v.v… nói chung là những thứ căn bản phiền não và chi mạt phiền não, thật không phải dễ trừ dễ đoạn. Bình thường các con không thấy bọn chúng ẩn trốn trú ngụ nơi đâu, giống như không khí bàng bạc khắp nơi, không thấy hình dạng của nó đâu cả, nhưng khi đối cảnh xúc duyên, trái ý nghịch lòng thì chúng sẽ xuất đầu lộ diện ngay. Tùy theo đối tượng nhận thức mà cường độ của chúng nổi lên có nặng nhẹ khác nhau. Như con thấy ( kiến phần ) một món đồ thật đẹp và có giá trị ( tướng phần ), liền đó tâm sở “tham” của con nổi lên muốn chiếm hữu món đồ quý giá đó. Hay như có người nào đó mắng chửi mình, thì tập khí sân hận, liền phát khởi hiện hành lên tức khắc. Các con nên biết rằng, người tu nhất là người xuất gia như chúng ta, phải luôn luôn đề phòng cẩn thận các thứ tập khí nầy. Bình thường nó như ngủ yên, nhưng khi đối cảnh xúc duyên thì nó liền hiện lên trên bề mặt của ý thức.

Vì thế, người tu hành sợ nhứt là lũ tập khí phiền não nầy. Chính bọn chúng luôn luôn khuấy động làm cho tâm mình không lúc nào yên cả. Tập khí, tùy theo sức huân tu  của mỗi người mà nó có sâu cạn hay nặng nhẹ khác nhau. Ngoài những thứ tập khí phiền não lâu đời ( bản hữu chủng tử ) như tham, sân, si …ra, còn có những thứ tập khí mà chúng ta mới huân tập  ( tân huân chủng tử) vào. Như những tập khí ( thói quen) xấu nghiện ngập: cờ bạc, rượu chè, đàng điếm, hút xách, nói nhiều, chửi thề, trạo cử run đùi v.v…

Những thứ tập khí nầy, tuy mới huân tập trong hiện đời thôi mà chúng ta thật còn khó bỏ thay, hà tất gì những thứ tập khí lâu đời lâu kiếp. Muốn dứt trừ chúng thật là thiên nan vạn nan. Ðòi hỏi người tu hành phải chuyên cần tinh tấn và phải có một quyết tâm mạnh mẽ luôn hành trì già dặn miên mật lắm mới được. Người tu hành hơn nhau là ở chỗ khéo dẹp trừ những thứ tập khí phiền não xấu ác. Những thứ tập khí nầy có thô tế, sâu cạn, nặng nhẹ khác nhau. Tu hành diệt trừ được phần thô cũng đã là khá lắm rồi. Còn những thứ phiền não vi tế, chỉ có Phật mới dứt sạch hết mà thôi. Tất cả những pháp môn Phật dạy đều nhằm mục đích duy nhất là để đối trị, đoạn trừ hoặc chuyển hóa những thứ tập khí phiền não nầy.

Chuyển hóa tập khí cũng chính là chuyển hóa nghiệp thức. Muốn chuyển hóa chúng, không phải các con chỉ biết nói suông mà được. Mà hằng ngày, các con phải nỗ lực tinh cần vận dụng công phu thiền quán, nhìn kỹ lại nội tâm, nhận rõ bộ mặt thật của chúng, có thế, thì các con mới có thể chuyển hóa chúng nó được. Cho nên sự tu hành, các con không phải chỉ tụng kinh, bái sám không là đủ. Tuy rằng, đó cũng là cách con huân tập hạt giống tốt, nhưng nó không đủ sức để có thể chuyển hóa được những thứ tập khí phiền não. Có người đang tụng kinh hay niệm Phật, nhưng bỗng có ai làm trái ý nghịch lòng họ, thì họ vẫn khởi tâm sân hận la ó chửi bới om sòm.

Như vậy, chứng tỏ họ chỉ biết tụng kinh, niệm Phật trên đầu môi chót lưỡi suông thôi, kỳ thật họ chưa sử dụng trí huệ để quán chiếu sâu vào tâm thức. Tu hành, các con không thể vẫn ngươi xem thường lũ tập khí phiền não nầy. Duy thức học dạy chúng ta phải nhìn kỹ những dòng thác biến trạng của tâm thức. Nó như những đợt sóng to nhỏ mà các con cần lặng sâu để nhận diện. Có thế, thì sự tu hành của các con mới mong giảm bớt dần những thứ phiền não thô trọng. Chính những thứ phiền não kiết sử nầy nó làm cho cuộc đời của các con chịu lắm điều trầm luân khổ lụy.

Hôm nay, thầy giảng đến đây thôi. Các con cố gắng chuyên cần học hỏi. Cái gì chưa hiểu thì khi học, các con nên nêu ra để hỏi, rồi tùy đó mà thầy sẽ giải đáp giảng giải cho các con hiều. Học mà không chịu khó cố gắng tìm hiểu để hỏi, thì các con khó có tiến bộ lắm.

Tuy nhiên, các con nên nhớ một điều: học và hành phải đi đôi với nhau. Học là để bổ túc cho sự thật hành. Thí như con mắt sáng là để thấy rõ cho đôi chân để đi. Chớ nếu có đôi mắt sáng nhìn xa thấy rộng, mà đôi chân thì không bước đi, như thế thì thật không có ích lợi gì. Chỉ tăng thêm phần kiến giải mà thôi! Mà sự kiến giải đó, dù cho các con có thông kim bác cổ, lão thông kinh sử, thì  nó cũng không thể nào cứu các con thoát khổ sanh tử được. Các con có nhớ không? Cả hai đều dạ! và hai huynh đệ đồng đứng lên cung kính xá chào thầy một cách thành kính nghiêm trang và rồi cả hai lặng lẽ trở về phòng…

http://phattuvietnam.net/files/Ch%C3%83%C2%BA%20ti%C3%A1%C2%BB%C6%92u%20ch%C3%83%C2%B9a%20T%C3%84%C6%92ng%20H%C3%A1%C2%BB%E2%84%A2i.JPG

 

Tịnh Đức