Tin tức Phật giáo Thế giới (tuần thứ 1, tháng 6 năm 2010)


Đền Kwangbop ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên - Photo: Naenera
Đền Kwangbop ở Bình Nhưỡng, Bắc Triều Tiên - Photo: Naenera

BẮC TRIỀU TIÊN: Kiến trúc đối xứng của Đền Kwangbop tại Bình Nhưỡng

Kwangbop ở vùng Taesong là một trong nhiều ngôi đền được xây tại khu vực Bình Nhưỡng vào thời Vua Kwanggaetho (374 - 412).

Đền Kwangbop được xây lại vào năm 1727, và vào năm 1952 nó bị phá huỷ hoàn toàn trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Sau đó, đền được tái thiết vào năm 1990.

Đền Kwangbop bao gồm Cổng Haethal, Cổng Chonwang, chánh điện Taeung, hai tu viện Phật giáo ở phía đông và tây, một ngôi chùa hình bát giác có 5 tầng. Các công trình này có vị trí đối xứng nhau, với ngôi chùa là trục. Hệ thống của việc xây các toà viện bao quanh một ngôi chùa là một phương pháp phổ biến vào triều đại Koguryo (năm 277 trước Công nguyên đến 668 sau Công nguyên).

Chánh điện Taeung là một toà nhà nguy nga có mái hồi, bên trong có 3 pho tượng Phật và một tranh Phật treo tường.

Trên Cổng Haethal có hình ảnh những đứa bé cưỡi voi và sư tử, còn trên Cổng Chonwang có các tác phẩm điêu khắc 4 vị Hộ Pháp của Phật giáo.

Đền Kwangbop là một di sản văn hoá quý giá, chứng minh cho nền kiến trúc phát triển của người Triều Tiên thời ấy. Nó là một tài liệu có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử và văn hoá Triều tiên, bao gồm triều đại Koguryo.

(UrbanDharma - June 4, 2010)

 TRUNG QUỐC: Chư tăng tổ chức cầu nguyện cho nạn nhân động đất Ngọc Thụ

 

Sáng ngày 02-6, chư tăng trên khắp Trung quốc đã tụng kinh cầu nguyện cho nạn nhân của trận động đất tại tỉnh Thanh Hải - xảy ra vào ngày 14-4 - đúng 49 ngày sau khi họ chết, mà theo tín ngưỡng Phật giáo là đánh dấu ngày khởi đầu của sự đầu thai.

Hội Phật giáo Trung quốc (BAC) cho biết tất cả các đền thờ quan trọng của 3 tông phái Phật giáo chính tại Trung quốc đã tổ chức lễ cầu nguyện cho khoảng 2.700 nạn nhân bị chết trong trận động đất tại huyện Ngọc Thụ.

Khoảng 1.000 tăng sĩ Phật giáo Đại Thừa đã tham dự lễ cầu nguyện tại đền Guangji ở Bắc Kinh do chủ tịch BAC là Chuanyin chủ trì. Cùng lúc đó, phó chủ tịch hội là Ban Thiền Lạt Ma thứ 11 chủ trì một lễ cầu nguyện khác tại Đền Lạt Ma - một ngôi đền Phật giáo Tây Tạng quan trọng tại Bắc Kinh.

Ở tỉnh Vân Nam, chư tăng Phật giáo Tiểu Thừa đã tập trung tại Đền Zongfo để cầu nguyện.

Các ngôi đền quan trọng khác tại Sơn Tây, Chiết Giang, Thượng Hải và Lhasa cũng đồng thời tổ chức lễ cầu nguyện.

Chư tăng cầu siêu cho các nạn nhân và cầu nguyện cho những người sống sót vượt qua những khó khăn do thảm hoạ gây ra.

Xuecheng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký BAC, đã chủ trì lễ cầu nguyện tại Tu viện chính Gyegu ở huyện Ngọc Thụ. Ông đã trao cho các nhà sư địa phương 2,3 triệu Nhân dân tệ do BAC quyên được vào ngày 16-4.

Theo Cục Tôn giáo Nhà nước, đến ngày 01-6 đã có được khoảng 94,52 triệu tệ từ các đợt quyên góp thuộc tôn giáo - trong đó có 70,45 triệu tệ do Phật tử đóng góp.

(Tân Hoa Xã - June 2, 2010)

 

MÔNG CỔ: Lễ phong thánh Núi Thiêng Burkhan Khaldun

 

Vào ngày 31-5-2010, lễ phong thánh của Nhà nước Mông Cổ đã diễn ra tại Núi Burkhan Khaldun, một ngọn núi thiêng tại Khentil Aimag. Từ nhiều thế kỷ nay, Núi Thiêng Burkhan Khaldun rất được nhân dân Mông Cổ tôn kính.

Núi có độ cao 2361,5 mét trên mực nước biển, là một nơi thờ phụng kể từ thời của Bodonchar, tổ phụ của bộ lạc Khiad Borjigon. Đến thời Thành Cát Tư Hãn, núi này được Nhà nước phong thánh. Về sau, nghi lễ này được phục hồi vào năm 1995, và theo sắc lệnh của tổng thống Mông Cổ, Lễ Tôn Kính núi Burkhan Khaldun diễn ra 4 năm một lần.

Năm nay, Tổng thống Elbegdorj và nhiều chính khách quan trọng, cùng các vị lạt ma Phật giáo của Tu viện Gandan (một trung tâm của Phật giáo Mông Cổ) và các tu viện tại Khentil aimag đã tham dự buổi lễ này.

Các luật lệ và nghi thức sùng bái ngọn núi thiêng theo truyền thống đã được cử hành long trọng. Tổng thống Elbegdorj kêu gọi công chúng tiếp tục bảo tồn giá trị thiên nhiên và văn hoá vô song này. Ông cho rằng điều quan trọng là cần chọn một nhóm chuyên gia và khoa học gia để theo đuổi việc đăng ký ngọn núi này vào kho tàng di sản thế giới.

(The UB post - June 4, 2010)

 

 

HOA KỲ: Lễ hội Obon 2010 trên đảo Kauai

 

Hawaii, Hoa Kỳ - Lễ hội Obon trên đảo Kauai bắt đầu vào đêm 04-6-2010. Đây là truyền thống tôn vinh tổ tiên của các Phật tử qua các điệu múa nghi lễ (bon) và nhịp trống.

Obon (lễ hội đèn lồng) là một trong những truyền thống quan trọng nhất của người Nhật, dựa theo tín ngưỡng Phật giáo cho rằng hồn của tổ tiên họ đoàn tụ với gia đình thông qua lời cầu nguyện, việc cúng dường thực phẩm và các điệu múa trong suốt mùa Obon.

Nguyên thuỷ tại Nhật Bản thì lễ Obon kéo dài một tuần. Nhưng tại Hawaii, lễ này trở thành một sự kiện của suốt mùa hè, do nó là di sản văn hoá Nhật Bản rất thịnh hành.

Hàng trăm đèn lồng màu hồng thắp sáng khuôn viên ngôi đền Nhật Bản Soto Zen Zenshuji tại Hanapepe. Ở giữa sân là một tháp yaguro dành cho chủ lễ và nhóm đạo ca, xung quanh họ là hoa và những người chơi trống taiko. Lễ cầu kinh mở đầu bằng tiếng Anh và tiếng Nhật hướng về tổ tiên trong một khoảnh khắc an bình trang trọng.

Đa số những người múa là cư dân đảo gốc Nhật, cùng các gia đình và du khách muốn tìm hiểu và học múa điệu múa dân gian (bon odori) này. Các phụ nữ mặc áo kimono và mang dép gỗ geta truyền thống, duyên dáng múa theo tiếng trống gõ nhịp và tiếng sáo êm dịu.

Đến ngày 14-8 các điệu múa sẽ ngưng, và vào ngày 15-5 mọi người sẽ kết thúc lễ hội khi họ thắp sáng các đèn lồng bằng giấy và thả trôi ra biển, tiễn đưa linh hồn tổ tiên đã ở với họ trong suốt lễ Obon.

(Hawaii Islands Travel Examiner - June 5, 2010)

 

 

TÍCH LAN: Trường Nữ Phật tử tại Colombo kỷ niệm 56 năm Ngày của Người Sáng lập

 

Colombo, Tích Lan - Là một trong những trường hàng đầu được chính phủ công nhận, Trường Nữ Phật tử (BLC) kỷ niệm 56 năm đánh dấu Ngày của Người Sáng lập, đồng thời tập trung vào các nhu cầu giáo dục của thế hệ mới.

BLC đã được sáng lập bởi nhà giáo dục học và luật sư Mohandas De Mel nổi tiếng của Tích Lan. Ông đã cố gắng duy trì truyền thống gia đình của việc ghi nhớ triết lý Phật giáo thông qua giáo dục.

Tại Colombo thời đó, Phật tử người Sinhala có nhu cầu cho con gái của họ ăn học ở ký túc xá. Và ông Mohandas đã lập ra kế hoạch tương lai cho Trường Nữ Phật tử. Trường này được khánh thành vào ngày 20-5-1954, là trường tư thục Phật giáo duy nhất thời ấy có hiệu trưởng là Phật tử.

Ban đầu trường có 300 học sinh và một đội ngũ giảng dạy với mục tiêu là xây dựng một quốc gia của những công dân có học thức, có nhận thức công dân. Trường đã thành công trong việc đào tạo các thế hệ học sinh để phục vụ cho mọi ngành trong xã hội.

Trường Nữ Phật tử đáp ứng được cho tất cả các cộng đồng. Hiện nay trường có 800 học sinh - từ mẫu giáo Montessori,  tiểu học cho đến lớp 13, học theo giáo trình của Bộ Giáo dục Tích Lan.

(The Sunday Times - June 6, 2010)

Diệu Âm lược dịch