Viết Cho Con: 17- Chính Trị Và Tôn Giáo

image

Đây là hai vấn đề rất tế nhị trong cuộc đời nầy. Đúng ra, Ba chưa đủ khả năng và trình độ để viết cho con hiểu. Nhưng vì tính cách phức tạp của nó, nên Ba tận dụng những kiến thức của mình gom góp lại nhằm giúp con một số vốn căn bản nào đó để làm tư liệu cho những nhận định về sau nầy.

Con ạ! Nếu con người có thể xác và tinh thần, thì sự mưu cầu ấm no, an ổn, hạnh phúc, thoải mái cho cả hai đều là cần thiết. Mưu cầu thân xác được an ổn, đời sống được đầy đủ, cùng đem lại sự giàu có, của cải vật chất phong phú cho con người, xã hội là cách thức của Chính trị. Còn đem lại an lạc cho tâm hồn, làm dịu bớt sự đau khổ, xây dựng niềm tin là nhiệm vụ của Tôn giáo. Ba đề cập vấn đề liên quan đến thân xác trước: Chính trị, rồi sau đó sẽ đi vào Tôn giáo.

Con yêu dấu,

Nói đến chính trị, chắc con sẽ nghĩ hay liên tưởng đến hội đoàn nầy, hội đoàn kia; mặt trận nầy, mặt trận nọ; chế độ nầy, chế độ kia vân..vân... Đó là những “hình thức tổ chức” để thể hiện những nét sinh hoạt của chính trị. Chứ thực ra chính trị chỉ là phương cách chính đáng, ngay thẳng, đúng đắn để cai trị, điều khiển một tổ chức, một địa phương hay một nước nhằm mưu cầu, đáp ứng về vật chất cho con người sao cho được phong phú, đầy đủ để con người, người dân được thoải mái về thể xác rồi tâm hồn cũng được an lạc hơn.

Ở bài "Học là con đường ngắn nhất tiến tới tương lai xán lạn" Ba đã phát họa tiến trình của con người trong việc thành hình xã hội từ nhóm, đàn, bộ tộc đến dân tộc và quốc gia. Thì cũng vậy, dù lớn nhỏ các tổ chức đều cần có phương pháp, cách thức để vận hành, sinh hoạt, làm việc kể cả kỷ luật nhằm giành lấy, đem lại kết quả cao nhất cho tổ chức hay những thành viên của tổ chức ấy. Nếu một tổ chức không có người lãnh đạo, không có cách thức sinh hoạt, không có nội quy, không có kỷ luật thì chỉ là một khối hỗn loạn và dễ dàng đưa đến sự tan rã. Và nếu không có sự thay đổi người lãnh đạo khi cần thiết, dễ dàng đưa đến độc tài dù đó là sự lãnh đạo của một người hay của một nhóm người. Điều ấy chỉ không xảy ra ở loài vật: Loài mối, loài kiến và loài ong. Các giống vật nầy, tạo hóa đã sinh ra nó, ban bố cho chúng một tổ chức chặt chẽ có vai trò thứ lớp hẳn hoi. Ba không hiểu chúng không tranh giành, không độc tài, không gây rối loạn là vì do bản năng của chúng, hay là vì lý do chúng không có trí tuệ hoặc lòng tham.

Sự hình thành đường lối chính trị khởi nguồn từ những nhu cầu cần có người chỉ huy, điều khiển của đám đông người. Rồi tiếp theo là các vấn đề khác: Bảo vệ giềng mối của tổ chức, phương hướng hoạt động sao cho có hiệu quả. Chính vì vậy mà hiện nay ta có nhiều cách khác nhau. Ví dụ có tổ chức thì bầu người có công tài giỏi lên lãnh đạo, rồi ngôi vị đó cha truyền con nối như chế độ Quân chủ. Còn có tổ chức bầu người giỏi lãnh đạo trong thời gian bao lâu sẽ bầu người khác thay thế: Đó là hình thức dân chủ, cộng hòa phát sinh từ xã hội Hi Lạp xa xưa. Sau nầy ta còn có Quốc Hội Chế, Tổng Thống Chế và Quân Chủ Lập Hiến (vừa có vua, vừa có quốc hội).

Nhưng con ạ! Ba lấy làm lạ là trong quá trình thành hình chế độ hay sự cai trị đều có sự hiện diện của những nhà tư tưởng hoặc triết gia. Nếu hoàn cảnh nhiễu nhương thời Xuân Thu Chiến Quốc của Trung Hoa đã khiến cho Lão Tử suy tư, ngộ đạo bèn thốt ra câu "Thiên hạ vô sự" rồi bỏ vào núi đi tu và mất luôn. Còn Khổng Tử thì nhập vào cuộc đời viết sách, san định lại các tài liệu xưa cũ để viết thành các bộ Kinh trong Ngũ Kinh (Thi, Thư, Dịch, Lễ Ký, Xuân Thu), và các sách nầy cùng với các sách trong Tứ Thư gồm có Đại Học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh Tử giúp Nho gia lấy đó làm căn bản để sống và tham chính; cũng như là nền tảng làm giềng mối củng cố cho chế độ Quân chủ, nhằm tạo sự ổn định xã hội. Còn phương thức cai trị thì có các cách: Pháp trị (cai trị bằng Pháp chế), Đức trị (trên căn bản tình thương, đạo đức), và Bá trị (có thể là trấn áp, quyền lực, miễn sao đạt được kết quả). Nói chung lại, Chính trị là một phương sách cai trị, điều khiển, vận hành của một tổ chức, một quốc gia nhằm đem lại sự ấm no, cường thịnh, hạnh phúc, thoải mái, an lạc cho mọi người. Nếu khi nào con thấy ở đâu đó có sự đấu tranh thì nơi đó đang có sự áp bức đúng như câu nói của Karl Marx: "Nơi nào có áp bức là nơi đó có đấu tranh".

Ba hi vọng với sự giúp đỡ nhỏ nhoi của Ba, con cũng có thể nhận định được chút nào về khía cạnh chính trị và nếu con thích tìm hiểu thêm thì Ba nghĩ rằng điều ấy không khó với con đâu vì sách vở đã viết rất nhiều. Và bây giờ Ba sẽ nói đến phần thứ hai: là Tôn giáo.

Con yêu dấu,

Tôn giáo không phải là vấn đề đơn giản, vì đó là vấn đề Tâm linh: Vấn đề sâu kín trong con người. Tâm linh không có chỗ tựa nhất định, nó bàng bạc mông lung trong con, đôi khi ngoài thân xác con nữa. Con chỉ ý thức được nó thôi, con không thể nắm bắt hay soi rọi xem nó đang ở đâu. Trong Triết học người ta chia tri thức (sự nhận biết) của con người thành ba phần: Ý thức, Tiềm thức và Vô thức. Nếu phần ý thức là phần mà người ta có thể nhận biết một cách tương đối rõ ràng về những việc làm hoặc những suy nghĩ của mình; Thì Tiềm thức chỉ là vùng mà người ta biết mơ hồ, không rõ và không biết ở đâu, đôi khi sự nhớ của nó lại hiện ra trong giấc mơ. Và vùng thứ ba ta không thể cảm nhận, ý thức được gì hết, là vùng của siêu hình gọi là vô ý thức hay vô thức. Diễn tả một cách nôm na để cho con dễ hiểu, và con hãy tưởng tượng "Tri thức" ấy giống như một hồ bơi mà người ta phân chia thành ba phần: Phần trên, phần giữa và phần đáy. Những con người tầm thường như chúng ta chỉ "lội" được ở trên mặt hồ mà thôi. Những nhà khoa học, bác học, tư tưởng, triết gia họ lặn được sâu vào đến phần giữa của hồ cho nên họ khám phá được nhiều điều mà người thường không thể làm được. Tiềm thức của họ hoạt động mạnh hơn chúng ta và họ khám phá sự kiện, sự vật bằng tiềm thức đó. Nhưng họ vẫn chưa "lặn" xuống được phần đáy của hồ. Còn một nhà tôn giáo “ngộ được đạo” họ lặn rất sâu vào vùng vô thức: "Phần đáy của hồ", lặn càng sâu thì sự giảng giải của họ càng rõ ràng, sâu sắc hơn về mọi sự kiện. Điều ấy tùy theo cơ duyên và cái quá khứ tiền kiếp của họ.

Nhưng một điều kiện cần thiết để một nhà "Tôn giáo" có thể đi sâu vào tầng "vô thức, siêu hình" là "Tĩnh lặng". Yên lặng để "khám phá" mà thế gian gọi là "Thiền định". Chính vì vậy mà các nhà tôn giáo cần có thời gian để định tâm hay thiền định. Làm cho tâm yên giống như ta làm cho mặt hồ nước thật yên tĩnh; mặt hồ yên, nước lại trong thì tất nhiên ta sẽ nhìn thấy được tới đáy hồ. Còn mặt hồ không yên giống như tâm ta luôn khuấy động (tâm viên, ý mã) thì ta không thể thấy được đáy hồ; hay rõ ra ta không thể nhìn được vào được vô thức hoặc siêu hình. Do đó Sít-Đạt-Ta phải mất 49 ngày, Mahomed tốn một thời gian ở núi Hira, còn Jesus với 40 ngày đêm nơi đồng vắng. Sự biết đạo cũng có thể đến từ ngoài vào như là một hiện tượng nhập thể, nhưng thường thì từ trong ra: Từ thân thể, tâm linh câu thông với vũ trụ, siêu hình để hiểu pháp và nói pháp. Vậy thì những vị ngộ đạo đã đi đến cùng một nơi, một gốc; nhưng tại sao có các tôn giáo khác nhau? Vì do nơi phong tục, tập quán, ngôn ngữ, địa phương khác nhau và cách cứu độ khác nhau. Lại nữa, trong các tôn giáo cũng có sự tranh giành “ảnh hưởng, bêu xấu”, đó là do những người theo đạo rất ư là trần tục đó thôi! Như bài trước Ba đã nói đến cái Ta, cái Ngã to tát là nguyên nhân lớn của nhiều vấn đề "thảm hại" trên thế gian nầy. Đó là Ba chưa nói đến những người “Tĩnh Lặng” nhưng trong sự “Tĩnh Lặng” đó đã có mầm mống của “Cái Ta”, “Cái Ngã” to lớn chi phối cho nên họ mới tự xưng “Ta là Đấng...”, “Đạo của Ta...” v..v... Đó là hiện tượng “Tẩu Hỏa Nhập Ma” mà Đức Phật đã có đề cập đến, tức là “Đạo ấy” đã đi vào con đường Ma. Vì vậy, Đức Phật mới chứng minh bằng sự “Vô Ngã”, chỉ với vô ngã chúng sinh mới diệt được tâm “phân biệt và vọng tưởng” (tức là Vô Minh) để trở về với “Chơn Tâm” hòa mình cùng với đại thể mà thôi! Hoặc có những tư tưởng tham vọng biến truyền thuyết, thần thoại để thành tôn giáo; hay những môn phái tà đạo, bán tà đạo và trá hình mà họ đã thành hình những tôn giáo giống như là để “Cứu rỗi con người”. Họ không phải vì "cứu rỗi" loài người, không phải vì "phổ độ chúng sinh" mà có thể vì danh vọng, vì lợi lộc, đôi khi vì đã bị sai đường hay đúng hơn là bị quỷ ám, bị tẩu hỏa nhập ma hoặc là Satan hay quỷ vương đang đùa giỡn với họ mà nên.

Con yêu dấu,

Ba chỉ viết đại khái, chứ về phương diện chính trị, tôn giáo đã có biết bao nhiêu là sách báo, bài viết đề cập đến từ xưa tới nay; nhưng vẫn hãy còn chưa đủ và các nhà chuyên môn, nghiên cứu tiếp tục sáng tác, đào sâu thì chuyện Ba nói với con chẳng thấm vào đâu. Ba chỉ muốn giúp con hiểu được chút ít của vấn đề nhằm hổ trợ con "thêm tí gia vị" vào món ăn của cuộc đời, thế thôi!

 

Nguyên Thảo

(daophatngaynay.com)