Phật giáo & dân số - Phần 2


Giác Ngộ - Tu theo tinh thần Đại thừa, mặc dù cá nhân ta không làm việc xấu, nhưng sai lầm của người khác tạo thành sự tác hại cho xã hội thì chúng ta cũng phải gánh chịu. Ví dụ ta không nghiện, nhưng các con nghiện ở thành phố đông tạo thành tệ nạn cướp giật trên đường phố, làm chúng ta cũng bị bất an.

 

WTPG (1).bmp

Ảnh minh họa

Vì vậy, chúng ta phải có sự đóng góp cho xã hội, nhưng nếu không có trí tuệ thì việc làm lại trở thành có hại. Ví dụ, ta có lòng trắc ẩn thương người, thấy người nghèo đói bệnh hoạn liền nghĩ giúp đỡ. Nhiều người đi chùa đổi sẵn tiền lẻ để cho người ăn xin; hậu quả là chúng ta làm cho đất nước mình có nhiều ăn mày, vì họ lười biếng, không chịu làm việc. Chính lòng tốt của chúng ta tạo thành tệ nạn xã hội. Hoặc người ưa phóng sinh chim hay cá. Nếu có trí tuệ sẽ thấy những con chim, con cá bé xíu không ai bắt ăn thịt chúng, đáng lẽ chúng không bị bắt, nhưng tại ta phóng sinh nên họ bắt để bán cho ta thả. Tu thiếu trí tuệ như vậy là đóng góp cho người đi bắt chim cá, đóng góp cho người ăn xin. Chùa ở Nhật Bản không có người ăn xin; vì họ dạy người dân lòng tự trọng, ai cũng muốn phấn đấu vươn lên, không muốn nhận sự giúp đỡ. Nếu có nhận giúp đỡ thì sau này, họ cũng phải giúp đỡ lại để trả ơn. Vì vậy, học sinh nghèo nhận được học bổng, lớn lên nó làm ra tiền cũng giúp lại học sinh khác; nghĩa là thế hệ này tiếp nối thế hệ khác một cách tốt đẹp, kinh Duy Ma gọi tinh thần đó là vô tận đăng, tiếp nối ngọn đèn trí tuệ của Đức Phật mãi mãi bằng cách chính ta làm việc tốt và giúp cho người khác cũng làm tốt, cứ như vậy mà xã hội trở thành tốt đẹp. Người làm từ thiện với những địa chỉ có trách nhiệm, có uy tín; nhưng cũng có người thường bị rơi vô danh nghĩa từ thiện, còn bên trong có phức tạp. Chúng ta cần có suy nghĩ đóng góp cho cơ sở từ thiện Phật giáo đáng tin cậy và vận động người khác cùng hợp tác để phát triển những việc làm đúng đắn, tạo thành xã hội an định. Việc làm có trí tuệ chỉ đạo như vậy, thì phải gặt hái được kết quả tốt.

Bản thân ta tốt và nên giáo dục những thành phần tệ nạn xã hội cho họ tốt để ngăn chặn những hạt nhân xấu này phát triển, vì hạt giống xấu dễ phát sinh và dễ tăng trưởng. Thể hiện tinh thần này, kinh Duy Ma dạy rằng Bồ tát thông đạt Phật đạo và nhập thế là nhắm vô đối tượng xấu ác để giúp đỡ, giáo dục họ thành người tốt. Không có Bồ tát thì chúng ta phát tâm Bồ đề, làm việc của Bồ tát là đi vào đời, xem người nào nên giúp đỡ chúng ta sẵn lòng hỗ trợ họ.

Bồ tát có trí tuệ nhìn thẳng xem tại sao người xấu ác. Đầu tiên là vì họ có mặc cảm. Tôi đã từng tiếp xúc với những đứa trẻ lang thang, những người đau khổ đến mức có thể hủy hoại cuộc sống của họ. Ta có thể an ủi, giúp đỡ họ thành người tốt. Nếu giúp người tốt rồi thì họ tốt thêm cũng được, còn không giúp thì cũng không sao, vì họ đã tốt sẵn; cho nên tôi ít quan tâm đến người tốt, người giàu, người giỏi. Tôi quan tâm đến người nghèo khó, người hư hỏng nhiều hơn; vì người rơi vô hoàn cảnh xấu mà ta không kéo họ lên được thì tác hại sẽ lớn. Cứu được họ là ta đóng góp lớn cho xã hội.

Tôi cũng có đệ tử bị nghiện, hay phải làm nghề không tốt. Tôi lóng nghe họ để biết hoàn cảnh nào đẩy họ vô cuộc sống tội lỗi. Hiểu được tâm trạng bức xúc của họ có thể sinh liều mạng, thì đưa ra được lời khuyên hợp lý phát xuất từ tâm từ bi và sự tỉnh giác của mình, họ sẽ nghe theo, thay đổi cuộc đời, sống hoàn lương, cứu họ ra  khỏi vũng bùn mà cũng giúp cho gia đình họ được hạnh phúc và đóng góp một phần an ổn cho xã hội. Có những gia đình mà cha mẹ bất hòa, đứa con phải nhận tất cả nỗi khổ niềm đau của cha mẹ, nó phải bỏ nhà đi. Cha mẹ nó ghét nhau cũng truyền qua nó, nhìn trong sâu thẳm tâm nó là địa ngục khổ đau trong một gia đình bề ngoài thấy như yên ấm. Tại sao cha mẹ dạy mà nó không nghe, lại nghe hàng xóm. Tôi bảo người mẹ nên tụng kinh và bình tâm suy nghĩ lại. Cha mẹ phải lóng nghe đứa con trước, xem nó suy nghĩ gì, muốn gì, làm được gì. Phần lớn cha mẹ bắt ép con cái những điều mà nó không muốn làm, thì nó bứt phá là điều tất yếu. Vì vậy, phương cách giáo dục sai lầm đã đẩy đứa con vào hoàn cảnh khổ và nó sẽ làm khổ người khác, như vậy là tạo dây chuyền khổ cho xã hội. Phật tử có trí tuệ phải tháo gỡ từ cái gốc, nghĩa là làm cha mẹ, làm bạn đừng khó tính bắt buộc con cháu nghe mình, mà không tìm hiểu tâm trạng nó đang ẩn chứa nỗi niềm gì.

Nếu chúng ta có cơ hội  nên tham gia, đóng góp để hóa giải những vấn đề trong xã hội, làm như vậy là ta đã góp phần làm xã hội an lạc và cao hơn nữa là xây dựng Tịnh độ ở Ta bà. Có người hỏi tôi tại sao không về Cực lạc. Tôi trả lời rằng tôi tu Pháp Hoa có suy nghĩ Đức Phật Thích Ca là Giáo chủ cõi Ta bà, mình ở đây được Đức Phật Thích Ca nuôi dạy trưởng thành, thì tại sao mình lại bỏ Phật Thích Ca đi dễ dàng như vậy, cảm thấy giống như mình phụ ơn giáo dưỡng của Ngài. Vì vậy, tôi lập nguyện: “Cõi Ta bà thị hiện độ sinh”.

Với chí nguyện ở lại Ta bà để giáo hóa độ sinh, mở ra cho tôi cái nhìn sáng trong giáo lý Phật, phẩm Như Lai Thọ Lượng thứ 16, là Phật thường ở Ta bà thị hiện sanh thân trong nhiều quốc độ, nhưng tiếc cho chúng ta không thấy Ngài. Từ đó, trên bước đường tu, tôi tìm Phật không ở trong vô hình, nhưng tìm trong sanh thân là các thiện tri thức. Những người che chở, dìu dắt, dạy dỗ tôi trưởng thành trên bước đường tu, tôi coi đó là sanh thân của Phật. Đây là ý quan trọng của người tu Pháp Hoa Bổn môn, khi ta quyết định ở lại thế giới này với Phật thì sẽ thấy được Phật thị hiện sanh thân giúp đỡ ta. Thấy Phật bằng niềm tin, hay thấy được người tốt là Phật, đây chính là thái độ của người Tây Tạng đi tìm Phật sống. Trên bước đường tu, chúng ta tầm sư học đạo, tìm Phật sanh thân là Phật sống mới giúp chúng ta được. Phật sống này có thể hiểu là Hóa thân Phật, nghĩa là một người tu có tâm thanh tịnh thì Phật hiện thân vào họ, có thể ví như mặt trăng hiện trên mặt nước, nơi nào có nước sẽ có bóng trăng: Thiên gian hữu thủy thiên gian nguyệt. Nơi nào có người tu thanh tịnh thì Phật huệ sẽ rọi vào họ, nên họ phát huệ và họ là thiện tri thức mà chúng ta có thể theo học được rất nhiều điều hay.

WTPG (1).jpg

Ảnh minh họa

Vì vậy, Phật Thích Ca nhập diệt rồi, Phật giáo truyền sang Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, v.v… , ở đâu cũng có các bậc Thánh tăng, cao tăng, có chư Tổ nối tiếp ngọn đèn Chánh pháp của Phật. Đó chính là Hóa thân của Phật Thích Ca. Ý này được kinh Duy Ma diễn tả rằng 500 công tử dâng 500 cây lọng báu cúng dường Phật, biến 500 cây lọng này che khắp tam thiên đại thiên thế giới và dưới mỗi cây lọng có vô số hóa Phật. Tôi thấy ở Pháp, Mỹ, Úc, Phi châu, v.v… nơi nào cũng có Phật. Nhìn thấy như vậy, tôi cảm thấy mình không cô đơn ở Ta bà, nên cũng không cần về Tịnh độ, ở đây làm đạo cũng thấy vui. Vì Đức Phật dạy trong kinh Duy Ma rằng hành phi đạo tức thông đạt Phật đạo. Điều này lạ, ở Cực lạc tu một kiếp không bằng ở Ta bà tu một ngày. Ở đây có việc cho chúng ta làm. Ở Cực lạc toàn thượng thiện nhân, mình thất nghiệp. Cho nên, tôi quyết định xây dựng xã hội mình sống, biến nó thành Cực lạc.

Tóm lại, đối với những người có bệnh di truyền thì ta khuyên họ đừng sinh con để nối cái dòng di truyền chẳng ích lợi gì. Họ nên tu để diệt được ác nghiệp, cuộc sống sẽ thanh thản, vui tươi. Nếu họ lập gia đình có vợ con thì vui ít mà khổ nhiều; còn niềm vui diệt được nghiệp thì không có khổ. Người bệnh hoạn sinh con cũng bị bệnh, họ lo cho bản thân còn không xong mà lo cho con nữa làm sao nổi. Chúng ta dùng trí tuệ góp ý, xây dựng họ thành người tốt và đưa vào xã hội thêm nhiều người tốt.

Hạn chế việc sinh đẻ không phải là vấn đề của chúng ta; nhưng bằng tâm từ bi và trí giác, chúng ta xét thấy người nào đáng sinh con và người không nên sinh con. Người đáng có con mà khuyên họ đừng sinh là làm tiêu mất hạt giống tốt cho xã hội. Gặp người đáng tu mới cho tu. Điển hình như Thiền sư Vạn Hạnh nhận thấy Lý Công Uẩn không thể làm người xuất gia, mà ông có khả năng làm vua; nên Ngài đã dạy dỗ ông trở thành ông vua tài đức làm được nhiều việc lợi ích cho nước nhà. Gặp ai cũng khuyên đi tu thì xã hội sẽ ra sao. Đừng hiểu lầm rồi cho tất cả những người bệnh tật, côi cút vô chùa tu thì chùa sẽ trở thành cái gì. Sinh thời, Hòa thượng Thiện Hoa thường khẳng định rằng chùa không phải là trại mồ côi, không phải là viện dưỡng lão; vì thời đó người ta quan niệm chùa như vậy.

Cần có lớp người tốt, tài đức hy sinh làm việc cho đạo. Có trí tuệ để thấy rõ người đáng giúp và giúp cách nào, thấy rõ nên dạy pháp gì thích hợp với người để họ sống tốt cho đời, làm đẹp cho đạo. Đó chính là xây dựng xã hội tốt, xây dựng thiên đường ngay tại đây. Trong thời kỳ bùng nổ dân số, người tốt thì nên tiếp tục sinh cho xã hội những con người có lợi cho đời. Còn người không tốt thì nên chuyển hóa thân tâm cho tốt rồi mới tính đến việc sinh con. Mong Tăng Ni và Phật tử có những suy nghĩ hay để góp phần cho xã hội được tốt đẹp trong mọi lãnh vực của cuộc sống.

 

HT.Thích Trí Quảng

(Bài giảng khóa tu Một ngày an lạc lần thứ 73 tại chùa Phổ Quang ngày 12-7-2009)