VAI TRÒ HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SĨ

alt

 

I. DẪN NHẬP

 

Đức Thế Tôn hiện thân trên cõi đời này là do đại sự nhân duyên  khai thị-chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến. Khai mở, hiển bày và chỉ dạy cho nhân loại nhận thức đúng - sống đúng vào trí tuệ như thật của Phật, thành tựu bốn tướng Niết Bàn (Nirvana): Chơn Thường – Chơn Ngã- Chơn Lạc - Chơn Tịnh để được An lạc giải thoát (Saddharma PundariKa Sutra - Kinh Pháp Hoa).

Trong nền văn minh tư tưởng của nhân loại, văn hóa Phật Giáo đã tùy duyên khai hóa tâm hồn nhân loại, tạo thành quả hiện thực cho chúng sinh trên phương diện giáo dục khai phóng. Phật Giáo Việt Nam gần 2000 năm nay đã đồng hành cùng dân tộc và phụng sự nhân sinh trên tinh thần đó.

II. NỘI DUNG:

A.  VAI TRÒ CỦA HOẰNG PHÁP VIÊN CƯ SĨ THEO TRUYỀN THỐNG:

Dưới sự giáo hóa của Đức Phật, Tăng đoàn được hình thành và tứ chúng đồng tu. Cận sự nam (Upàsaka) và cận sự nữ (Upàsika) không những chỉ có vai trò trung gian kết nối giữa đời và đạo để hộ trì Đức Phật và chư Tăng trong nhiệm vụ cung dưỡng - ổn định và cũng cố phát huy tinh thần Phật giáo, mà còn nỗ lực vào công phu tu - học để chứng đắc hoàn thành sứ mạng tự độ và độ tha.

Trong kinh Tăng Chi bộ (Anguttara-nikàya), đức Phật từng khen tặng các vị Hoằng pháp viên cư sĩ trước  số đông các Tỳ khưu như sau:

Nam cư sĩ (Upàsaka):

- Trong các vị đệ tử nam cư sĩ của ta, này các Tỳ khưu, thuyết pháp tối thắng là: Citta Macchika Sandika.

- Trong các vị Nam cư sĩ của ta, này các Tỳ Khưu, nhiếp phục một hội chúng, nhờ 4 nhiếp pháp tối thắng là: Hatthaka Alavaka.

- Trong các vị Nam cư sĩ của ta, này các Tỳ  Khưu, hộ trì Tăng Chúng tối thắng là Gia chủ  – Hatthigàmaka Uggata.

Nữ cư sĩ (Upàsikà):

- Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của ta, này các Tỳ khưu, trú từ tâm tối thắng là: Sàmàvati.

- Trong các vị đệ  tử nữ cư sĩ của ta, này các Tỳ khưu, tu thiền tối thắng là: Uttara Nandamàtà

- các vị đệ  tử nữ cư sĩ của ta, này các Tỳ khưu, bố thí các món ăn thượng vị tối thắng là:

Suppavàsà Koliyadhita.

Trong các vị đệ tử nữ cư sĩ của ta, này các Tỳ khưu, săn sóc người bệnh tối thắng là: Suppiyà.

(Kinh Tăng Chi Bộ – XIV, phẩm Người Tối Thắng, trang 55-57)

Thông qua cuộc đàm thoại với bậc trí tuệ Xá Lợi Phất, Đức Thê Tôn đề cập đến những thiện quả hành trì và tu tập của hàng nam nữ cư sĩ:

Này Xá Lợi Phất, nếu Thầy biết rằng: Bạch Y thánh đệ tử giữ gìn, thực hành năm pháp một cách hoàn hảo và được bốn tâm tăng thượng này, đối với hiện pháp lạc trú dễ được, chứ không khó. Thì này Xá Lợi Phất, Thầy nên ghi nhận rằng: Thánh đệ tử này, không còn đọa địa ngục, cũng không sanh vào loài súc sinh, ngạ quỷ và các chỗ ác. Được quả Tu Đà Hòan, không đọa ác pháp, nhất định thẳng tiến đến quả vị chánh giác. Tối đa chịu bảy lần sinh tử nữa, sau bảy lần qua lại cỏi trời và nhân gian liền được chấm dứt khổ đau”.

(Trung A Hàm tập III, 128 Kinh Ưu Bà Tắc, trang 91)

B. VAI TRÒ CỦA HOẰNNG PHÁP VIÊN CƯ SĨ THEO THỜI HIỆN ĐẠI:

Trong thời đại văn minh tân tiến, khoa học phát triển, tiện nghi văn minh phổ biến, tinh hoa tư tưởng nhân loại được phổ cập rộng rãi, kiến thức ngày càng nâng cao, yêu cầu học Phật ngày càng thiết yếu cho nhiều người, và văn hóa Phật giáo ngày càng thể hiện đủ trên nhiều phương diện.

Văn hóa Phật giáo Việt Nam trên phương diện hiện tượng giới, cần thiết phải chuyển hóa thể hiện trên nhiều lĩnh vực, do đó Ban Hoằng Pháp Trung ương, cấp thiết phải có nhân lực đủ để đáp ứng nhiệm vụ truyền bá, thể hiện trên nhiều phương diện.

Vì  thế vai trò và nhiệm vụ Cận sự nam (Upàsaka), Cận sự nữ (Upàsikà) cần phải được nhận thức đúng và hoàn thành lý tưởng: “Thượng cầu Phật đạo. Hạ hóa Chúng sinh. Báo Phật ân đức

Để tiếp nối lý tưởng: “Truyền Đăng tục diệm - Kế vãng khai lai”, Ban Hoằng Pháp Trung ương đã hình thành, tiểu ban chuyên ngành đạo tạo Hoằng pháp viên cho Nam - Nữ cư sĩ. Những con người có lý tưởng, có phẩm hạnh, có trình độ, có năng lực, có kỹ năng chuyên môn, có phương tiện thiện xảo để hoàn thành công tác Phật sự của Giáo hội giao phó.

C. LÝ TƯỞNG PHỤNG SỰ VÀ ĐÀO TẠO NHÂN LỰC:

Trên lý tưởng tự độ và độ tha, Cận sự nam và Cận sự nữ cần được đào tạo để có một nhận thức đúng đắn. Nói theo cách khác, để trở thành Hoằng pháp viên cư sĩ cần phải hội đủ các yếu tố sau:

1. Kiến thức: Phải am tường Phật học lẫn Thế học. Phải ý thức hiểu rõ về Tam pháp ấn (theo truyền thống Nguyên Thủy là Vô thường – Vô ngã – Khổ; theo truyền thống Đại thừa phát triển  là Chư hành Vô thường - Chư pháp Vô ngã – Niết bàn tịch tĩnh).

2. Năng Lực: Phải ý thức thể hiện Tứ nhiếp pháp (Bố thí, Ái ngữ, Đồng sự, Lợi hành).

- Bố thí: xã thân (hy sinh), kham nhẫn (nhịn chịu đựng).

- Ái ngữ: thành tựu Tứ biện tài vô ngại (Pháp biện tài vô ngại, Nghĩa biện tài vô ngại, Từ biện tài vô ngại, và Nhạo thuyết biện tài vô ngại).

- Lợi hành: Nhiêu ích hữu tình giới – Nhiếp luật nghi giới – Nhiếp thiện pháp giới.

- Đồng sự: trên con đường thực tập Giới – Định – Huệ (Tam vô lậu học)

3. Nhân Cách: Phải luôn hoàn thiện nhân cách. Luôn thực hành pháp Tứ Vô lượng tâm (Từ – Bi – Hỷ – Xã).

Đồng thời còn phải ứng dụng những tiện ích của phát minh khoa học để tạo phương tiện tốt nhất cho: “Hoằng pháp thị gia vụ – lợi sinh vi bổn hoài”.

III. KẾT LUẬN:

Hoằng pháp là tất cả những hình thức sinh hoạt truyền tải nội dung Giáo lý Phật Đà. Đó là nhiệm vụ chung của tất cả những người con Phật dù xuất gia hay tại gia. Do đó Hoằng pháp cĩ vai trò rất quan trọng thiêng liêng và cao cả trong sự nghiệp truyền bá chánh pháp. Giáo hội rất cần sự đồng tâm hợp lực của toàn thể Tứ chúng và toàn Ban ngành Giáo Hội trên phương châm “HỢP QUẦN GÂY SỨC MẠNH – ĐOÀN KẾT TẠO THÀNH CÔNG”

 

HT. Thích Minh Chơn

Phó Ban Hoằng Pháp Trung ương

Trưởng Ban Hoằng Pháp Thành Phố Hồ Chí Minh