NHÌN QUA CON ÐƯỜNG ÐƯA ÐẾN GIÁC NGỘ

TIẾN BỘ TỪ TỪ

Hành giả tiến từ từ đến Phật Tánh như thế nào qua sự tu tập thiền quán về từ bi và trí tuệ? Trong Tâm Kinh, Ðức Phật nêu ra những mức độ của con đường đạo trong một câu ngắn gọn, sâu sắc “Tadyata gate gate paragate parasamgate bodhi svaha,” (đọc là “tadyata gatay gatay paragatay parasamgatay bodee svaha”) có nghĩa là: “Như thế nầy: Tiến lên, tiến lên, tiến qua bên kia, hoàn toàn tiến qua bên kia, đạt đến giác ngộ.” Chúng ta hãy khảo sát câu nầy một cách kỹ lưỡng hơn, bắt đầu bằng chữ đầu tiên, “gate” (“tiến lên” hay “đi”). Ai tiến lên? Chính là cái “tôi” hay ngã được mệnh danh trong sự lệ thuộc vào sự liên tục của tâm. Từ cái gì bạn tiến lên? Bạn đang di chuyển ra xa vòng luân hồi, trạng thái bị ảnh hưởng của những hành động nhiễm ô và những tình cảm tiêu cực. Bạn đang tiến đến cái gì? Bạn đang tiến đến Phật Tánh với một Pháp Thân (Chân Thân), giải thoát vĩnh viễn khỏi đau khổ và những nguồn gốc của đau khổ (phiền não), và như những thiên hướng được tạo ra do phiền não. Khi tiến lên, bạn dựa vào những nguyên nhân và điều kiện gì? Bạn đang tiến lên dựa vảo một con đường là sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ.

Ðức Phật đang bảo những hành giả tập sự tiến qua bờ bên kia. Từ quan điểm của người tập sự, vòng luân hồi là bờ bên nầy, gần gũi trong tầm tay. Bờ bên kia, một nơi xa xôi, là niết bàn - trạng thái vượt ra ngoài khổ đau.

NĂM CON ÐƯỜNG

Khi Ðức Phật nói: “Tadyata gate gate paragate parasamgate bodhi svaha” (Như thế nầy: Tiến lên, tiến lên, tiến qua bên kia, hoàn toàn tiến qua bên kia, đạt đến giác ngộ), ngài đang nói với những hành giả đang tu tập tiến lên trên năm con đường:

Gate – con đường tích lũy

Gate – con đường chuẩn bị

Paragate – con đường nhìn thấy

Parasamgate – con đường thiền quán

Bodhi – con đường không còn học hỏi

Chúng ta hãy nhận diện tính chất của sự tiến bộ tâm linh trên năm con đường nầy:

  1. Thế nào là con đường đầu tiên, con đường  tích lũy? Ðó là giai đoạn tu tập chính yếu về tâm hướng đến tha nhân và nhờ đó tích lũy công đức. Vả lại, mặc dù bạn đang tu tập sự hợp nhất của từ bi và trí tuệ, nhận chân về tánh không chưa đạt đến mức độ tương quan hỗ trợ giữa trụ tâm (chỉ) và phân tích (quán) - “một trạng thái khởi lên từ thiền định.” Trên con đường nầy, bạn đạt đến sự tập trung mạnh mẽ, và đang nỗ lực hướng đến một trạng thái thể nghiệm tánh không từ thiền định.

  2. Tại điểm mà bạn đạt đuợc trạng thái trí tuệ thể nghiệm tánh không từ thiền định, bạn chuyển qua con đường chuẩn bị. Với việc càng ngày càng trở nên quen thuộc với trạng thái nầy, cùng với việc tu tập tâm từ bi, bạn dần dần nhận thấy tánh không hiện ra một cách rõ ràng hơn trên bốn cấp độ của con đường chuẩn bị (hơi nóng, đỉnh cao, tính kiên nhẫn, và những đức tính thế gian cao cả nhất).

  3. Cuối cùng, tánh không được thể nghiệm một cách trực tiếp, không vướng một chút ô nhiễm nào của hình tướng nhị nguyên giờ đã tan biến. Ðây là bước đầu của con đường nhìn thấy – con đường chứng nghiệm trực tiếp đầu tiên chân lý về bản tánh sâu xa của hiện tượng (pháp). Trong Ðại Thừa, đây là bắt đầu mười cấp bực của Bồ Tát (Thập Ðịa - gọi là “địa” vì trên đó những đức tính tâm linh được sinh khởi). Suốt trong giai đoạn của con đường nhìn thấycon đường thiền quán, hai loại chướng ngại, gây ra do trí thông minh và do bẩm sinh, đều được vượt qua. Những trạng thái của tâm gây ra do trí thông minh đưa đến sự bám chặt vào những hệ thống sai lầm. Ví dụ có những môn đồ của một số trường phái Phật Giáo tin rằng các hiện tượng (pháp) hiện hữu một cách giả lập bằng tính chất riêng của chúng, dựa trên “lý luận” không có cơ sở rằng nếu các hiện tượng (pháp) không được thiết lập bằng cách đó, chúng không thể hoạt động. Loại lầm lẫn nầy, bị ô nhiễm bởi một hệ thống giáo lý sai lạc, được gọi là giả tạo, hoặc sở tri. Ngay cả khi không tiếp thu những thiên hướng mới được tạo ra do những khái niệm sai lầm trong đời sống nầy, mọi người đều có trong giòng liên tục của tâm thức những thiên hướng được tạo ra do chấp vào những quan điểm sai lầm trong những đời trước.

Ngược lại, những trạng thái sai lầm bẩm sinh của tâm đã hiện hữu trong tất cả chúng sanh - từ côn trùng cho đến con người - từ vô thủy, và vận hành theo ý chí của chúng không dựa vào kinh sách và lý luận sai lầm.

  1. Những chướng ngại về sở tri được loại trừ bằng phương pháp nhìn thấy, ở đó những chướng ngại nội tại khó vượt qua hơn (vì những trạng thái sai lầm nầy của tâm đã có từ vô thủy). Chúng phải được dọn sạch bằng thiền quán liên tục về ý nghĩa của tánh không. Vì sự thiền quán đó phải được thực hành qua một thời gian dài, giai đoạn nầy của con đường tu tập được gọi là con đường thiền quán. Thật sự, bạn đã thiền quán về tánh không, nhưng con đường thiền quán là một con đường rộng lớn.

Ở đây, hành giả đi qua chín địa (cấp bực) còn lại của Bồ tát. Trong mười địa, bảy địa đầu được gọi là bất tịnh, ba địa sau được gọi là thanh tịnh. Lý do là ở bảy địa đầu hành giả vẫn còn trong tiến trình loại trừ phiền não và như vậy bảy địa nầy vẫn chưa được hoàn toàn thanh tịnh. Ở giai đoạn đầu của địa thứ tám hành giả đang loại bỏ các phiền não. Sự thăng bằng của các địa thứ tám, chin và mười cho phép hành giả vượt qua những chướng ngại để đạt được toàn tri.

  1. Giờ đây, qua việc thực hành thiền quán vững chãi như kim cương đạt được ở giai đoạn cuối trong mười địa - vẫn còn những chướng ngại chưa được vượt qua – hành giả có thể làm tiêu tan dần hiệu quả của những chướng ngại rất vi tế để đạt đến toàn tri. Khoảnh khắc rất nhỏ của tâm thức trở nên một ý thức toàn tri, và cùng lúc bản tánh sâu xa của tâm trờ thành Thân Tự Tánh của một vị Phật. Ðây là con đường thứ năm và cuối cùng, con đường vô học (không còn phải học). Từ luồng khí hay năng lượng rất vi tế - cùng một thực thể với tâm đó - những hình tướng thanh tịnh và bất tịnh khác nhau hiện ra để giúp đỡ chúng sanh; những hình tướng nầy được gọi là những Sắc Thân của một Ðức Phật. Ðây là Phật Tánh, một trạng thái của suối nguồn làm lợi lạc và hạnh phúc cho tất cả chúng sanh.

Tôi xin một phút để nói về những hiểu lầm trong việc phụ nữ có thể đạt được Phật Tánh hay không. Trong Ðại Thừa Hiển Giáo, không thấy nói rằng phụ nữ không thể thành Phật. Tuy nhiên, các kinh điển có nói trong khi tu tập để tích tập công đức trong ba đại kiếp, đến lúc các hạnh nghiệp được chín muồi như các tướng tốt và vẻ đẹp của một đức Phật; lúc bấy giờ, theo Ðại Thừa Hiển Giáo, tự nhiên có thân thể của một người nam. Những văn bản nầy cũng nói rằng trong kiếp cuối cùng trước khi thành Phật, người đó cần có thân thể của một người nam. Tuy nhiên, Mật Giáo Tối Thượng, mà chúng tôi cho là hệ thống sau cùng, nói rằng không những phụ nữ có thể thành Phật nhưng người đó còn có thể thành Phật ngay trong đời nầy.

NHỮNG TÍNH CHẤT CỦA PHẬT TÁNH

Trong mọi giáo phái Phật Giáo, sự tu tập đều đặt nền tảng trên ý hướng thoát khỏi sinh tử luân hồi. Thêm vào đó, trong Ðại Thừa hành giả được thúc đẩy bởi ý hướng hướng về tha nhân trên con đường giác ngộ. Trong Mật Giáo, qua các kỹ thuật thiền quán hợp nhất chỉ và quán, hành giả có thể đạt đến Phật Tánh mà ở đó mọi chướng ngại - những phiền não chướng cản trở sự giải thoát ra khỏi luân hồi và những chướng ngại về trí tuệ cản trở việc đạt đến Phật Tánh – được loại trừ.

Những đức tính của một vị Phật được diễn tả như có nhiều “thân” được chia làm hai loại chính:

-          Pháp Thân (Chân Thân), để thực hiện trọn vẹn hạnh phúc cho chính mình.

-          Sắc Thân, để hực hiện trọn vẹn hạnh phúc cho chúng sanh.

Sắc Thân lại được chia ra tùy theo cách xuất hìện ở nhiều mức độ thanh tịnh và không thanh tịnh: những vị tu tập cấp cao có thể thể nhập Viên Mãn Báo Thân. Những hành giả ở những mức độ khác thể nghiệm nhiều Hóa Thân khác nhau. Chân Thân cũng được chia làm hai loại, Thân Bản Nhiên (Pháp Thân) và Thân Trí Tuệ. Thân Bản Nhiên có thể được chia thành một trạng thái thanh tịnh tự nhiên và một trạng thái thanh tịnh hóa từ sự ô nhiễm. Thân Trí Tuệ có thể được chia ra tùy theo nhiều quan điểm khác nhau. Cuốn Trang Nghiêm Cho Sự Chứng Nghiệm Trong Sạch của ngài Di Lặc có nêu ra hai mươi mốt bộ trí tuệ không ô nhiêm và hai mươi mốt bộ nầy có thể được chia ra thành một trăm bốn mưới sáu bộ.

TU TẬP TRÊN CON ÐƯỜNG DÀI

Ðiều nầy đã được trình bày sơ qua về: nền tảng – hai chân lý, giả lập và cứu cánh; các con đường được xây dựng trên nền tảng đó - từ bi và trí tuệ; kết quả của những con đường - Sắc Thân và Pháp Thân của một vị Phật. Sẽ có nhiều ích lợi nếu có cái nhìn tổng quan về cơ cấu của sự tu tập, nhưng bạn cần nhớ rằng sự chứng nghiệm được phát sinh từ nhiều nguyên nhân và điều kiện - hiểu biết đúng, tích tập công đức, và vượt qua những chướng ngại. Nếu trước tiên không tích tập công đức và làm trong sạch các nghiệp xấu, khó có thể đạt được sự chứng ngộ với duy chỉ một việc tham thiền. Vì vậy, việc quan trọng là thực hiện tất cả những đòi hỏi đầu tiên nầy.

Thực hiện những đòi hỏi đầu tiên không phải là làm cho xong một số lượng nào đó, hoặc hoàn tất thời gian nhập thất ba năm ba tháng (như một số người tưởng tượng do có nhiều người nhập thất thời gian lâu như vậy), hoặc trong một thời gian nào đó. Thay vì vậy, hành giả phải tích tập công đức và làm sạch những chướng ngại cho đến khi một số chứng nghiệm nào đó xảy đến. Bạn có thể để cả trọn đời làm việc đó, với mục đích làm cho những đời sau khá hơn. Ðôi khi vì thiếu hiểu biết, một người thực hiện việc nhập thất trong một thời gian dài để cuối cùng kiêu hãnh rằng mình đã hoàn tất việc nhập thất. Sự tăng trưởng lòng kiêu hãnh dẫn đến sự tăng trưởng lòng giận hờn, ganh tỵ và đố kỵ. Ðiều tương tự có thể xảy ra với sự hiểu biết giáo lý suông theo sách vở. Không phải là việc dễ dàng vì phiền não rất phức tạp.

Tu tập không phải là việc có thể thực hiện trong vài tuần hoặc vài năm. Nó trải dài qua nhiều đời, từ niên kỷ nầy đến niên kỷ khác. Như chúng ta thấy, một số kinh sách nói rằng sự giác ngộ được đạt đến sau khi tích tập công đức và trí tuệ qua ba đại kiếp. Nếu chấp nhận lời nói nầy là đúng, nó sẽ khuyến khích bạn có một thái độ kiên trì, bền bỉ qua những hoàn cảnh khó khăn. Nếu điều nầy làm cho bạn không vui, đó có thể do lòng mong muốn chứng ngộ Phật Tánh nhanh chóng vì lòng lân mẫn lớn lao đối với người khác, cũng có thể là dấu hiệu bạn không có đủ can đảm. Giác ngộ không thể đạt được mà không phải thực hành một cách khó khăn. Nghĩ ngược lại có nghĩa là bạn đang che dấu một hình thái nào đó của lòng ích kỷ.

 

*     *     *

Ðây là toàn bộ tiến trình của con đường tu tập. Mặc dù người Tây Tạng có thể không có tài sản trong ví đựng tiền, nhưng họ có gia tài nầy cất giữ trong tâm! Những ý hướng khởi đầu tốt đẹp của các tôn giáo không đủ; chúng ta cần phải thực hiện chúng trong đời sống hằng ngày trong xã hội. Sau đó chúng ta có thể biết được giá trị chân thật của những giáo lý của các tôn giáo đó. Nếu một người Phật tử tham thiền trong chùa nhưng khi ra khỏi chùa không sống theo những lý tưởng thiền quan đó thì đó là điều không tốt. Chúng ta phải thực hiện trong đời sống hằng ngày.

Giá trị đích thực của sự tu tập được thấy rõ khi chúng ta đối diện với một giai đoạn khó khăn. Khi chúng ta vui sướng và mọi việc xảy ra một cách trôi chảy, sự tu tập dường như không có gì cấp bách, nhưng khi chúng ta đối diện với những khó khăn như bịnh hoạn, già, chết, hoặc những hoàn cảnh không vừa ý khác, việc kiểm soát lòng thù hận, xúc động, và sử dụng tâm ý tốt để quyết định cách đối diện với sự khó khăn bằng sự kiên nhẫn và bình tỉnh rất khó.

Nếu chúng ta thực hành theo cách đó, niềm hy vọng đầu tiên của tôi là chúng ta có thể vượt qua những khó khăn, và nếu không vượt qua được, ít nhất những khó khăn cũng không thể quấy rầy sự bình an trong tâm hồn chúng ta. Ðó là điều tốt, phải không? Đối diện với tình huống khó khăn và vẫn giữ được sự bình an trong tâm – không sử dụng thuốc hoặc cố gắng hướng tâm trí vào chỗ khác. Ðó là lý do chúng ta rất thích những ngày cuối tuần và những dịp nghỉ hè! Năm ngày một tuần đầy bận rộn, làm việc siêng năng để kiếm tiền, rồi vào ngày cuối tuần đi đến một nơi xa nào đó với số tiền kiếm được để vui hưởng! Ðiều nầy có nghĩa là bạn đang cố gắng hướng tâm trí ra khỏi vấn đề khó khăn của mình. Nhưng vấn đề vẫn còn y nguyên.

Tuy nhiên, nếu bạn có một thái độ tinh thần tốt, bạn không cần phải lái mình về hướng khác. Khi bạn có thể đối diện với tình huống và phân tích vấn đề, giống như một tảng băng lớn trong nước, vấn đề sẽ từ từ tan đi. Nếu tu tập một cách thành tâm, bạn sẽ thể nghiệm được giá trị chân thật của nó.

Theo lời dạy của Ðức Phật, giáo pháp của ngài sẽ kéo dài năm trăm năm. Khi hết năm trăm năm đó nó sẽ bị hủy diệt bởi một người là hiện thân của chính Ðức Phật, bởi vì lúc đó giáo pháp sẽ không còn giá trị nữa. Tuy nhiên, có cả tỷ hệ thống thế giới giống như hệ thống thế giới của chúng ta, với vô số tỷ thế giới. Một số trong các thế giới đó có giáo pháp mới được đưa vào; một số thế giới giáo pháp đang suy tàn. Giáo pháp luôn luôn liên tục ở nơi nào đó trong mọi thời. Ðức Phật không bao giờ biến mất, và giáo pháp không bao giờ biến mất.

TÓM TẮT NHỮNG TU TẬP HẰNG NGÀY

Ðây là những tóm lược về sự thực hành được trình bày trong toàn bộ cuốn sách. Ở đây, hãy tập trung vào những điều thích hợp với cấp độ của mình. Hoặc bạn có thể xen kẻ giữa chúng trong vòng một tuần. Kiên trì tu tập lâu ngày, những sự tu tập nầy sẽ trở nên càng ngày càng quen thuộc và đời sống của bạn sẽ trở nên có ý nghĩa hơn.

Giới Hạnh Cho Sự Giải Thoát Cá Nhân

1.      Thường xuyên quan sát động năng bên trong của bạn. Ngay cả khi chưa rời khỏi giường vào buổi sáng, hãy thiết lập trong tâm một quan điểm không bạo động, không xúc phạm cho một ngày sắp tới. Vào buổi tối, quán xét lại những việc đã làm trong ngày.

2.      Ghi nhận nhưng nỗi khổ đau trong cuộc đời của bạn:

-          Sự đau đớn về thể xác và tinh thần mà bạn tự nhiên tìm cách để loại trừ, như bịnh, già và chết.

-          Những cảm nghiệm có tính cách nhứt thời, như thức ăn ngon chẳng hạn. Nhìn sơ qua, thức ăn ngon dường như có tính chất vui thú nội tại và tự nơi chính chúng, nhưng nếu tiếp tục ăn thì chúng sẽ tạo ra sự đau đớn – đây là sự khổ về biến dịch. Khi một tình huống thay đổi từ vui thú sang khổ đau, hãy quán xét về bản tánh sâu xa của sự vui thú ban đầu đang tự biểu lộ. Bám víu vào những sự vui thú hời hợt đó sẽ chỉ đem đến khổ đau hơn.

-          Quán xét việc bị chi phối bởi một tiến trình toàn thể của sự việc xảy ra, thay vì nằm trong sự kiểm soát của bạn, lại xảy ra trong ảnh hưởng của nghiệp và phiền não.

3.      Từ từ phát triển một cái nhìn thực tế về thân thể qua sự khảo sát các yếu tố tạo ra nó – da, máu, thịt, xương, và những thứ khác.

4.      Phân tích đời sống một cách kỹ lưỡng hơn để cuối cùng nhận thấy khó mà bạc đãi nó, biến nó thành một chiếc máy hoặc chỉ biết kiếm tiền.

5.      Có một thái độ tích cực trước sự khó khăn. Quán tưởng rằng khi trải qua một hoàn cảnh khó khăn chính là lúc bạn đang làm nhẹ bớt những kết quả xấu của nghiệp sẽ phải trả trong tương lai. Trong việc rèn luyện tinh thần, bạn nhận lãnh gánh nặng khổ đau cùng loại của mọi người.

6.      Ðánh giá những kết quả tiêu cực và tích cực có thể có về những cảm nhận như tham, sân, ganh, ghét. Khi thấy rõ ràng rằng những hậu quả của chúng là có hại, bạn sẽ đi đến kết luận rằng không có kết quả tốt nào từ sự sân hận. Phân tích thêm, dần dần niềm tin của bạn sẽ mạnh lên; tư duy nhiều lần về những bất lợi của lòng sân sẽ giúp bạn nhận thấy rằng nó thật vô nghĩa, và còn tội nghiệp nữa. Quyết định nầy sẽ làm cho lòng sân dần dần suy giảm.

7.      Ðã nhận ra phạm vi của khổ, tìm tòi nguyên nhân của nó, và nhận ra rằng nguồn gốc của khổ là sự ngu muội về bản tánh chân thật của con người và sự vật, và rằng tham lam, ganh ghét, vân vân có nền tảng từ sự ngu muội nầy. Nhận thấy rằng khổ có thể được loại trừ, có thể được làm tiêu tan trong bầu trời thực tại. Quán xét rằng sự chấm dứt chân thật nầy được đạt đến qua sự tu tập giới, định và huệ - ba con đường đạo.

8.      Ghi nhận sự bám víu vào thực phẩm, áo quần, và nhà cửa, và thọ nhận sự tu tập hạnh hài lòng của đời sống tu sĩ trong đời sống tại gia. Hài lòng với thức ăn, áo quần, chỗ ở vừa phải. Dùng thời gian rãnh rỗi để tu tập thiền quán để có thể vượt qua nhiều khó khăn hơn.

9.      Phát triển lòng mong muốn mạnh mẽ trong việc kiềm chế làm tổn hại người khác, bằng hành động hay bằng lời nói, cho dù bạn bị quấy rầy, lăng mạ, chửi rủa, xô đẩy hay đánh đập.

Giới Hạnh Trong Sự Quan Tâm Ðến Tha Nhân

Thực hành quán chiếu năm bước để phát triển lòng từ bi:

1.      Giữ tâm bình tịnh và sáng suốt

2.      Về bên phải trước mặt bạn, quán tưởng một hình ảnh của chính bạn, ích kỹ và vị ngã.

3.      Về bên trái trước mặt bạn, quán tưởng một nhóm người nghèo khổ, những người đau khổ không liên quan gì đến bạn, không phải thân cũng không phải thù.

4.      Quan sát hai phía với lòng bình tịnh. Bây giờ hãy nghĩ, “Cả hai đều muốn được hạnh phúc. Cả hai đều muốn giải thoát khổ đau. Cả hai đều có quyền thực hiện những mục tiêu của họ.”

5.      Suy nghĩ điều nầy: Thông thường chúng ta muốn hy sinh điều tốt tạm thời cho điều tốt lâu dài hơn, do đó lợi ích của số đông người đang đau khổ bên trái quan trọng hơn nhiều so với một con người ích kỹ ở bên phải. Tâm của bạn tự nhiên hướng về phía đám đông người.

Thực hành nghi thức hướng đến giác ngộ.

Trước tiên thực hành bảy bước khởi đầu:

1.      Quy kính đức Phật Thích Ca Mâu Ni vây quanh với vô số Bồ Tát, được quán tưởng đầy cả bầu trời trước mặt.

2.      Cúng dường tất cả những phẩm vật tuyệt vời – dù bạn có sở hữu hay không – bao gồm thân thể, tài sản, và đức hạnh của bạn, đến chư Phật và Bồ tát.

3.      Phát lồ vô lượng nghiệp xấu của thân, miệng và ý mà bạn đã gây ra có hại cho người khác. Hối lỗi đã tạo ra chúng, và muốn chừa bỏ trong tương lai.

4.      Tán thán từ tận đáy lòng những đức hạnh của chính bạn và của người khác. Hoan hỷ với những việc tốt mà bạn đã làm trong đời nầy và những đời quá khứ, nghĩ rằng: “Tôi đã làm được việc tốt.” Hoan hỷ với những đức hạnh của người khác, trong đó có chư Phật và Bồ tát.

5.      Thỉnh xin các đức Phật đã chứng quả toàn giác nhưng chưa giáo hóa hãy thuyết pháp đề làm lợi ích cho chúng sanh.

6.      Khẩn cầu chư Phật không nhập diệt.

7.      Hồi hướng sáu sự tu tập nầy về quả giác ngộ vô thượng.

Sau đó thực hành phần chính trong nghi thức hướng đến giác ngộ:

1.      Với quyết tâm mạnh mẽ chứng được Phật Tánh để làm lợi ích cho chúng sanh, quán tưởng một đức Phật trước mặt, hoặc vị thầy được coi như đại diện của đức Phật.

2.      Ðọc ba lần như đang đọc theo vị đó:

Cho đến khi con đạt được giác ngộ con nguyện quy y Phật, Pháp và Tăng già.

Bằng sự tích tập công đức trong việc bố thí, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ, nguyện con chứng đắc Phật Tánh để giúp đỡ tất cả chúng sanh.

Ðể duy trì và làm tăng trưởng tâm vị tha thâm sâu nầy trong hiện đời, thực hành những điều sau đây:

1.      Luôn luôn nhắc nhở những lợi ích trong việc phát triển một ý hướng được giác ngộ vì lợi ích kẻ khác.

2.      Chia ngày ra làm ba thời và đêm ra làm ba thời, và trong mỗi thời dùng một ít thời gian hoặc thức dậy và thực hành việc quán tưởng năm bước đã nêu ra ở trước. Thực hành việc quán tưởng năm bước ba lần vào buổi sáng khoảng mười lăm phút mỗi lần và ba lần vào buổi tối khoảng mười lăm phút mỗi lần.

3.      Loại trừ tư tưởng bỏ mặc sự lợi ích dù chỉ cho một chúng sanh.

4.      Thưc hiện những việc đạo đức với thái độ tốt càng nhiều càng hay, và phát triển một sự hiểu biết đúng đắn về bản tánh của thực tại, hoặc duy trì lòng mong muốn có được sự hiều biết đó và cố gắng thực hiện.

Ðể duy trì và tăng trưởng lòng vị tha sâu xa nầy trong những đời vị lai:

1.      Không nói dối với bất cứ người nào, trừ khi có thể giúp ích thật nhiều cho người khác với sự nói dối đó.

2.      Trực tiếp hay gián tiếp giúp đỡ người khác tiến về giác ngộ.

3.      Ðối xử với mọi người với lòng kính trọng.

4.      Không bao giờ lừa đảo người nào, và luôn luôn trung thực.

Từ thâm sâu, luôn luôn suy nghĩ: “Nguyện tôi có thể làm lợi ích cho tất cả chúng sanh.”

Thiền Ðịnh

1.      Chọn một đối tượng thiền quán và tập trung tâm vào đó, cố gắng đạt đến và duy trì sự an định, trong sáng và có cường độ. Loại trừ sự lu mờ cũng như sự náo động.

2.      Ðồng thời, nhận diện trạng thái nền tảng của tâm không bị niệm tưởng làm ô nhiễm, trong chính nguyên trạng của nó - thuần trong sáng, bản tánh hiểu biết của tâm. Với chánh niệm và nội quán, an trú trong trạng thái đó. Nếu niệm tưởng khởi lên, chỉ nhìn vào bản chất thật sự của niệm tưởng đó, và niệm tưởng sẽ yếu đi và tự tan biến.

Trí Tuệ

Để nhận diện sự hiển lộ sai lầm của các pháp và chúng sanh trong nhận thức, thực tập những việc sau đây:

1.      Quan sát một sự vật chẳng hạn như một chiếc đồng hồ trong một cửa tiệm khi lần đầu tiên bạn nhìn thấy nó, sau đó quan sát sự thay đổi trong cách thể hiện của nó và trở nên cụ thể hơn khi lòng ham thích của bạn tăng lên, và cuối cùng cách nó thể hiện sau khi bạn đã mua nó và coi nó là của mình.

2.      Ghi nhận vào những thời điểm khác nhau cách bạn hiện ra trước tâm thức của chính bạn như tồn tại ở trong và của chính bạn, không tùy thuộc vào tâm và thân.

3.      Sau đó, thường xuyên quán xét về những hiện tượng xuất hiện trong mối liên hệ nhân và duyên, và quan sát chúng mâu thuẩn thế nào với cách người và vật thể hiện như là hiện hữu một cách bản hữu. Nếu có khuynh hướng hư vô, hãy quán xét xa hơn về duyên khởi. Nếu, do sự thiền quán về nhân và duyên, bạn có khuynh hướng thiên về sự hiện hữu bản hữu của các pháp, hãy tập trung mạnh vào viêc phân tích sự trái ngược giữa tính tương thuộc và sự thể hiện bền vững. Bạn sẽ chuyển từ cái thấy nầy sang cái thấy kia và con đường trung dung sẽ từ từ được tìm thấy.

Thêm vào đó:

1.      Nhận ra bản tánh sáng láng và hiểu biết của tâm, không bị che mờ bởi niệm tưởng và không có bất cứ một sự che phủ nào của khái niệm.

2.      Thăm dò bản tánh sâu xa của tâm để khám phá ra sự không có hiện hữu bản hữu, tánh không. Quán xét về sự tùy thuộc của tâm vào nhân, duyên và những thành phần tạo ra nó. Ðối với tâm, trong mọi lúc, mỗi sát na, tâm đều tùy thuộc vào những thành phần trước và sau của khoảnh khắc đó.

3.      Cố gắng nhận rõ sự tương hợp giữa sự biểu hiện của tâm với tánh rỗng không về hiện hữu bản hữu của nó; nhìn xem hai cái nầy nâng đỡ nhau như thế nào.

Mật Pháp

Vì sự thực hành Mật Giáo trước tiên là chuyển hóa cách nhìn về bản thân, người khác, hoàn cảnh chung quanh và những sinh hoạt của bạn, nó có thể giúp bạn trong việc quán tưởng chính mình có một tâm từ bi, một thân thanh tịnh, và đức hạnh làm lợi ích cho tha nhân.

 

 

Dalai Lama – How to Practice The Way to a Meaningful Life

Nguyên Hảo dịch


alt