PHỤ LỤC 1: GIẢI THÍCH TỪ NGỮ "PHÁT BỒ ĐỀ TÂM"

Phát Bồ đề tâm là căn bản của việc học Phật, nhưng Bồ đề là gì, Bồ đề tâm là thế nào, phát Bồ đề tâm cách nào, cả ba câu hỏi ấy vẫn cần phải giải thích.

I. Giải Thích "Bồ Đề"

1/ Danh nghĩa của Bồ đề:

Danh nghĩa của Bồ đề tức là định nghĩa về chữ ấy. Bồ đề là dịch âm Phạn ngữ Bodhi. Dịch ý chữ này, nhiều chỗ nói phái cũ dịch là Đạo, phái mới dịch là Giác. Nhưng cũ là ai, không thấy chỉ rõ, còn mới thì chính là Ngài Huyền Trang. Chữ đạo có hai nghĩa: nghĩa thông thường là đường, nghĩa suy diễn là đức lý (bản thể siêu việt). Bồ đề mà dịch là đạo, là lấy cái nghĩa đức lý, và đức lý ấy chính là sở y của Bồ đề sẽ nói ở nghĩa thứ 8.

Bồ đề mà dịch là giác, là cái giác trong chữ giác ngộ. Tuy giác là nghĩa chính của Bồ đề, nhưng không bao hàm được nghĩa đức lý, huống chi còn có thể lẫn lộn với cảm giác, tri giác, ác giác, là những cái giác trái với Bồ đề. Tất cả cái giác này, đối với Bồ đề, đích thị gọi là mê. Do đó, Bồ đề là giác, nhưng là cái giác chống mê, hết mê, cái giác thuần chính mới là nghĩa chữ Bồ đề.

Vì nghĩa của chữ Bồ đề như trên đây nên Ngài La Thập đã dịch là Vô thượng trí tuệ - tuệ giác siêu việt (Trí độ luận cuốn 44), và Ngài Tăng Triệu cho biết không có chữ nào hơn để dịch, vì Bồ đề là cái chân trí giác ngộ bản thể siêu việt một cách chính xác (Duy Ma Kinh chú).

2/ Loại biệt của Bồ đề:

Loại biệt của Bồ đề là phân loại về tuệ giác ấy. Bồ đề là giác, giác thì phải hết mê. Nên giác hiện hành thì mê phải tiêu diệt. Do đó mà phải là tuệ giác của liệt vị Thánh giả hết mê mới là Bồ đề. Ngoài ra, không có tuệ giác của ai được gọi bằng danh hiệu ấy. Thánh giả hết mê có thể phân ra ba, nên Bồ đề có ba loại khác nhau, đó là Thanh văn Bồ đề, Độc giác Bồ đề, Vô thượng Bồ đề.

3/ Tự tánh của Bồ đề:

Tự tánh, hay tự thể tướng, ở đây nghĩa là bản thân. Bản thân Bồ đề, theo tam thừa cọng pháp, tức là cả ba loại Bồ đề, thì nó là vô lậu tuệ (tuệ này chính là tuệ tâm sở trong 5 tâm sở biệt cảnh); còn theo Đại thừa bất cọng pháp, tức riêng Vô thượng Bồ đề, thì nó là 4 trí thanh tịnh.

Lấy 4 trí thanh tịnh làm Bồ đề thì thật tam thừa Thánh giả chưa được gọi là Bồ đề, vì lẽ Thanh văn và Độc giác chưa phải biến tri, còn Bồ tát chưa phải Vô thượng, mà phải Vô thượng chánh biến giác của Phật địa mới thật là Bồ đề. Như vậy, nói tam thừa Bồ đề chỉ là bình đẳng tướng, nói Vô thượng Bồ đề mới là thù thắng tướng. Thù thắng tướng có nghĩa viên mãn cả 4 trí, còn bình đẳng tướng có nghĩa chỉ được một phần của diệu quán sát trí trong 4 trí ấy. Lấy diệu quán sát trí mà nói Bồ đề thì cả tam thừa đều được gọi là Bồ đề, nhưng lấy cả 4 trí mà nói Bồ đề thì chỉ Phật địa mới được gọi là Bồ đề thôi. Lấy 4 trí làm Bồ đề, nghĩa này Thiên Thai tôn gọi là "thật trí Bồ đề".

Tuy nhiên, lấy 4 trí làm bản thân Bồ đề chỉ là thuyết của Duy thức. Ngoài thuyết này, Câu xá luận nói là 2 trí, Mật giáo nói là 5 trí, đặc biệt và quan trọng, Trí Độ Luận nói là 3 trí.

4/ Tương ưng của Bồ đề:

Tương ưng của Bồ đề là nói về phụ thuộc của tuệ giác ấy. Như ai nấy đều biết, toàn bộ tâm thức chia ra ba hệ thống, là đệ bát thức, đệ thất thức và tiền lục thức. Ba hệ thống của thức khi chuyển thành trí thì lại có 4 hệ thống gọi là 4 trí: đại viên cảnh trí (đệ bát thức), bình đẳng tánh trí (đệ thất thức), diệu quán sát trí (đệ lục thức) và thành sở tác trí (tiền ngũ thức). Nói tương ưng của Bồ đề là nói tâm vương tâm sở của 4 trí này.

Như trên đã nói, bản thân của 4 trí đích thị là vô lậu tuệ. Khi chuyển thức thành trí, thì vì đề cao trí nên dẫu vô lậu tuệ chỉ là tuệ tâm sở trong 5 tâm sở biệt cảnh, vẫn giáng thức xuống làm tâm vương tương ưng với nó, đưa nó lên làm chủ và gọi là trí. Tâm vương tâm sở tương ưng với 4 trí, trí nào cũng có 21 thứ:

- Tâm vương: tức thức của nó, 1.

- Tâm sở: biệt cảnh, 4. biến hành, 5. thiện pháp, 11.

5/ Năng sinh của Bồ đề:

Năng sinh là những cái có khả năng phát sinh, tức là duyên. Bồ đề hiện hành là do tiêu diệt mê, vậy nó cũng là pháp duyên sinh. Duyên sinh Bồ đề, như các pháp khác, cũng có 4 thứ:

- Nhân duyên: chủng tử của vô lậu tuệ (loại bản hữu).

- Tăng thượng duyên: thiện hữu (Phật, Bồ tát, Sư trưởng, đồng học) và Thánh giáo (Phật pháp).

- Đẳng vô gián duyên: sự liên tục dẫn sinh vô lậu tuệ của hữu lậu thiện.

- Sở duyên duyên: cảnh Thánh đã quán tưởng và cảnh khổ đã thấy nghe.

Bốn duyên này chỉ là tổng mục. Chi tiết của duyên sinh Bồ đề còn nhiều nữa, như Kinh Luận đã đề cập không ít.

6/ Sở đoạn của Bồ đề:

Sở đoạn là những thứ bị tiêu diệt, gọi là chướng. Được Bồ đề nghĩa là được Thánh quả. Do đó, dầu sự được Thánh quả của các vị hữu học vẫn có thể gọi là được Bồ đề. Nên sơ quả sắp lên của Nhị thừa, sơ địa sắp lên của Đại thừa, đều do Bồ đề tiêu diệt chướng của nó mà thực hiện. Chướng ấy là gì, và trí nào tiêu diệt chướng ấy?

- Ở Nhị thừa, phiền não chướng là sở đoạn, Bồ đề trí phần sinh không là năng đoạn.

- Ở Đại thừa, sơ địa thì lấy phần phân biệt của phiền não chướng và sở tri chướng làm sở đoạn, đến Phật địa thì lấy phần chủng tử của 2 chướng ấy làm sở đoạn, còn năng đoạn là cả 4 trí của Bồ đề (gồm cả 2 phần sinh không và pháp không).

Luận nói, Bồ đề, Bồ đề đoạn và Bồ đề xứ đều gọi là Bồ đề. Bồ đề là tự tánh và tương ưng của nó (tức nghĩa thứ 3 và nghĩa thứ 4 ở trên) Bồ đề đoạn là sở đoạn của nó (tức nghĩa thứ 6 ở đây) Bồ đề xứ là sở duyên của nó (tức nghĩa thứ 7 ở sau).

Khi hai chướng đã đoạn, có nghĩa đã đoạn hoặc: hoặc đoạn thì nghiệp không còn, và khổ (tức sanh tử luân hồi) cũng chấm dứt.

7/ Sở duyên của Bồ đề:

Sở duyên là những đối tượng bị biết, gọi là cảnh. Như đã nói, 4 trí Bồ đề tương ưng với tất cả tâm vương tâm sở vậy, vậy hết thảy đối tượng của tâm vương tâm sở đều là sở duyên của Bồ đề, có nghĩa Bồ đề không pháp nào không biết. Bồ đề lại còn tự biết tự tánh (bản thân) của nó, vì nó là pháp vô lậu. Như vậy, tâm vương tâm sở thuần tính chất vô lậu của các đấng Vô thượng chánh biến tri có khả năng giác ngộ tất cả, có nghĩa tất cả các pháp đều là đối tượng của 4 trí Bồ đề. Tuy nhiên, vẫn có một chút khác biệt trong đó, là thành sở tác trí chỉ duyên tục không duyên chân, còn 4 trí khác thì tự tha đều biết, chân tục đều ngộ. Do đó mà trí của Phật đã biến tri cảnh giới của mình, lại biến tri cảnh giới chúng sanh, cả đến chân như cũng là sở duyên của vô phân biệt trí của Phật.

8/ Sở y của Bồ đề:

Sở y là chỗ y cứ, tức bản thể. Bồ đề là pháp do duyên sinh thì cũng là pháp do duyên diệt, có nghĩa Bồ đề sinh diệt ngay trong từng sát na. Nhưng, Bồ đề sinh diệt mà vẫn liên tục là nhờ thân chứng chân như, tức bản thể bất sinh diệt. Bồ đề lại không một sát na nào không tương ưng với chân như, nên Bồ đề luôn luôn hiện hành.

Bản thể chân như mà Bồ đề y cứ này, Thiên Thai tôn gọi là "chân tánh Bồ đề".

9/ Sở khởi của Bồ đề:

Sở khởi là những cái được phát khởi ra. Những cái Bồ đề phát khởi chính là những gì Phật địa phát hiện. Những cái ấy là thân độ (cơ thể và vũ trụ) của Phật địa. Thân độ này gồm có tự thọ dụng (đồng đẳng pháp giới), tha thọ dụng (cho thập địa Bồ tát) và thắng ứng hóa (cho các Thánh giả khác), liệt ứng hóa (cho cả phàm Thánh). Thứ 1 là thù thắng tướng của Đại thừa, thứ 2, 3 và 4 là bình đẳng tướng, quán thông nhân quả, Đại thừa và Tiểu thừa.

10/ Sở tác của Bồ đề:

Sở tác nghĩa là việc làm. Việc Bồ đề làm chính là việc làm của Phật mà Kinh Pháp Hoa đã nói là khai thị tuệ giác của Phật cho chúng sanh ngộ nhập. Vì việc làm này, Phật hiện làm đến cả rừng ao (Kinh Địa Tạng), tôi tớ (luận Khởi Tín). Như vậy, chúng sanh mà đoạn chướng chứng quả, tất cả đều do năng lực phương tiện xuất từ nguyện lực đại bi của Phật - đều là năng lực của Bồ đề.

Nghĩa này cùng nghĩa thứ 9 ở trên, Thiên Thai tôn gọi là "phương tiện Bồ đề".

II. Giải Thích "Bồ đề Tâm"

Trong nghĩa loại biệt (thứ 2) đã nói tam thừa đều là Bồ đề, nhưng ở đây chỉ căn cứ Vô thượng Bồ đề mà giải thích về Bồ đề tâm.

1/ Bồ đề tâm nghĩa là tâm cầu Bồ đề:

Tâm cầu Vô thượng Bồ đề gọi là Bồ đề tâm, tâm ấy là thệ nguyện, tức dục tâm sở trong 5 tâm sở biệt cảnh. Dục tâm sở không cầu Bồ đề của Thanh văn, Độc giác và Bồ tát, mà chỉ cầu Vô thượng Bồ đề, nên gọi là Bồ đề tâm. Và như vậy, chữ phát trong từ ngữ phát Bồ đề tâm có nghĩa là lập: lập cái chí nguyện mong cầu Vô thượng Bồ đề, gọi là phát Bồ đề tâm. Đó là cái nghĩa đầu tiên và quan trọng nhất về sự phát Bồ đề tâm của người học Phật.

2/ Tâm có Bồ đề gọi là Bồ đề tâm:

Tâm có Bồ đề gọi là Bồ đề tâm, thì tâm ấy chỉ cho tất cả tâm vương tâm sở tương ưng với Bồ đề. Tất cả tâm này có cái tuệ giác Bồ đề nên gọi là Bồ đề tâm.

3/ Bồ đề là tâm gọi là Bồ đề tâm:

Bồ đề là tâm gọi là Bồ đề tâm, nghĩa này có ba:

Thứ nhất, tâm chỉ cho tất cả tâm vương tâm sở tương ưng với Bồ đề, Bồ đề chỉ cho tuệ tâm sở: trong tất cả 4 hệ thống tâm vương tâm sở của 4 trí, hệ thống nào cũng có tuệ tâm sở nên hệ thống nào cũng gọi là Bồ đề tâm.

Thứ hai, tâm vẫn chỉ cho tất cả tâm vương tâm sở, Bồ đề vẫn chỉ cho tuệ tâm sở: tuệ tâm sở cũng là tâm nên gọi là Bồ đề tâm. Như một người cũng là người nên nói một người cũng là nói về loài người. Nghĩa này không đáng quan tâm.

Thứ ba, tâm vẫn chỉ cho tất cả tâm vương tâm sở, Bồ đề chỉ cho năng duyên, đặc tính của tâm vương tâm sở. Đặc tính này chính là cái mà ta gọi là linh giác: tâm vương tâm sở có linh giác Bồ đề nên gọi là Bồ đề tâm.

III. Giải Thích Phát Bồ Đề Tâm

Chữ phát có nhiều nghĩa: phát sinh, phát khởi, phát hiện, phát triển, phát minh. Làm thế nào để phát khởi cái chí nguyện mong cầu Vô thượng Bồ đề? Lại làm sao để phát sinh cho đến phát minh tuệ giác Bồ đề? Nói chung, làm cách nào để phát Bồ đề tâm? Dưới đây giải thích về 5 cách ấy.

1/ Tự tánh phát:

Tự tánh phát là bản thân Bồ đề tự phát. Cách này có hai:

- Thứ nhất, bản thân ấy là đặc tính linh giác (năng duyên) của hết thảy tâm vương tâm sở. Linh giác tự phát triển thì sẽ thành toàn giác, gọi là tự tánh phát Bồ đề tâm. Điều đáng nói, đặc tính tâm vương tâm sở là linh giác (năng duyên), nên khi còn phiền não thì đặc tính ấy cũng vẫn y nguyên, nhưng phiền não chỉ là hiện tượng thác loạn, như bịnh cũng là của cơ thể, nhưng chỉ là thứ hiện tượng thất thường. Do đó mà linh giác Bồ đề của tâm không phát triển thì tâm không bao giờ ổn định được.

- Thứ hai, bản thân ấy là chủng tử vô lậu (loại bản hữu) của tất cả tâm vương tâm sở. Tất cả tâm vương tâm sở vô lậu gọi là Bồ đề; chủng tử vô lậu phát khởi hiện hành vô lậu, gọi là tự tánh phát Bồ đề tâm.

2/ Tư trợ phát:

Tư trợ nghĩa là hỗ trợ. Tự tánh Bồ đề mà tự phát được là nhờ sự hỗ trợ. Sự hỗ trợ này có 2:

- Thứ nhất là thiện hữu, là sự giáo hóa của chư Phật và Bồ tát.

- Thứ hai là Thánh giáo, là sự huân tập của giáo lý trong ba tạng.

Cả 2 yếu tố này hỗ trợ cho sự phát Bồ đề tâm nên gọi là tư trợ phát.

3/ Thiện căn phát:

Các thiện căn được thiện hữu giáo hóa và Thánh giáo huân tập mà phát sinh và phát triển, các thiện căn ấy tác động và hỗ trợ cho thiện tuệ thành vô lậu tuệ, vô lậu tuệ thành Vô thượng Bồ đề: đó là thiện căn phát Bồ đề tâm.

4/ Đẳng lưu phát:

Đẳng lưu nghĩa là bản thân tự liên tục phát triển. Bản thân Bồ đề là vô lậu tuệ. Vô lậu tuệ do hữu lậu tuệ dẫn ra, nghĩa là chính bản thân vô lậu tuệ tự phát triển từ hữu lậu đến vô lậu, phát triển cho đến thành Vô thượng Bồ đề thì gọi là đẳng lưu phát.

5/ Đoạn - chứng phát:

Là phát Bồ đề tâm bởi sự đoạn chướng chứng chân. Trải qua các địa vị tu chứng, hễ đoạn chướng chứng chân bao nhiêu, thì vô lậu hiện hành, nghĩa là Bồ đề phát hiện bấy nhiêu. Do đó, sự đoạn - chứng phát là Sơ địa thì phát hiện, các địa thì phát triển, cho đến Phật địa thì cứu cánh đoạn - chứng nên thành cứu cánh phát Bồ đề tâm.

 

PHỤ LỤC 2: TIỂU TRUYỆN NGÀI THẬT HIỀN (1685- 1734)

Đại sư húy Thật Hiền, tự Tư Tề, hiệu Tỉnh Am, con nhà họ Thời, đất Thường Thục. Vốn dòng Nho giáo. Sinh ra (1685) là đã không ăn mặn, tóc chởm là có chí xuất trần. Cha mất sớm. Mẹ là Trương Thị, biết Đại sư có túc căn nên cho làm con Phật. Lên 7, lạy Ngài Dung Tuyển ở Am Thanh Lương làm Bổn sư. Thông minh dị thường, Kinh điển qua mắt là nhớ kỹ. Năm 15 tuổi thế phát, thông suốt cả sách vở thế gian, lại hay thơ và giỏi cách viết. Tiền bối có nhiều người kết giao làm bạn, nhưng không khoảnh khắc nào Đại sư không nhớ sinh tử là đại sự. Tính chí hiếu. Mẹ mất, quỳ trước Phật tụng Kinh báo ân đến 7 thất. Hằng năm gặp ngày Vu lan lại thiết cúng.

Một hôm đến Chùa Phổ Nhân, thấy một vị Tăng ngã xuống đất, Đại sư thấm thía cái lẽ vô thường nên càng tinh tiến. Năm 24, thọ cụ túc giới tại Chiêu Khánh, nghiêm tập Giới luật, không rời y bát, ngày ăn một bữa, thường không ngủ nghỉ.

Năm Canh Dần (1710) y chỉ Cừ Thành Pháp sư nghe giảng Pháp Hoa, yết kiến Thiệu Đàm Pháp sư học tập Duy Thức, Lăng Nghiêm, Chỉ Quán. Nghiên cứu ngày đêm, chưa hết 3 Hạ mà tôn chỉ của Quán và Thừa, học thuyết về Tánh và Tướng thông suốt tất cả. Thiệu Đàm Pháp sư liền thọ ký làm thế hệ thứ bốn của Ngài Linh Phong thuộc Thiên Thai chính tôn.

Năm Giáp Ngọ (1714) yết kiến Linh Thứu Hòa thượng tại Sùng Phước, tham Thiền với công án “ai niệm Phật.” Tham cứu nghiêm mật, đến nỗi tháng tư năm ấy đã hoảng nhiên đốn ngộ “ta tỉnh mộng rồi.”

Từ đó ứng cơ vô ngại, biện tài vô cùng. Linh Thứu Hòa thượng muốn phú y bát cho, Đại sư từ mà đi, cấm túc ở Chùa Chân Tịch, ngày đọc Tam Tạng Kinh điển, đêm niệm danh hiệu Di Đà. Ba năm hết kỳ hạn, chúng trong Chùa thỉnh giảng Pháp Hoa, Đại sư giảng như sông tuôn suối trào.

Đầu xuân năm Mậu Tuất (1718) Đại sư ở Chùa Long Hưng thuộc Hàng châu, Thiệu Đàm Pháp sư bảo giảng Kinh, Luật thay cho mình và ca tụng hết sức.

Mùa xuân năm Kỷ Hợi (1719) đến Tứ Minh, núi A Dục, chiêm bái Xá Lợi, trước sau đốt năm ngón tay cúng dường Phật. Mỗi năm đến ngày Phật Niết bàn, Đại sư giảng hai Kinh Di Giáo và Di Đà, khai thị cái nghĩa tâm này là Phật. Mười năm như vậy, pháp hóa khắp cả mọi nơi. Đại sư lại nhận lời thỉnh mời của các Thiền tịch Vĩnh Phước, Phổ Khánh và Hải Vân. Đến đâu thì sinh hoạt ở đó mới, qui cũ ở đó nghiêm.

Nhưng không bao lâu, Đại sư lại thoái ẩn ở Chùa Tiên Lâm thuộc Hàng Châu, không ra khỏi cửa, nỗ lực tu tập Tịnh độ. Mùa Đông năm Kỷ Dậu (1729) Tăng đồ tín đồ Hàng Châu thỉnh Ngài chủ trì Chùa Phạn Thiên, núi Phụng Sơn. Đại sư liền tuyệt hết mọi việc, chỉ nêu Tịnh độ, hạn định trường kỳ, nghiêm lập qui ước, suốt ngày đêm dục nhau nỗ lực, nên ai cũng cho Đại sư là Ngài Vĩnh Minh tái sinh.

Trước sau Đại sư làm chủ các Chùa hơn mười năm, đệ tử đếm vài trăm. Ai học thi văn thì Đại sư thống trách, “mạng người chỉ trong hơi thở ra vào, đâu có rảnh mà học tập văn tự thế gian; sơ sẩy một chút là đã qua kiếp khác, muốn được giải thoát là vô cùng khó khăn.”

Năm Quí Sửu (1733) ngày Phật thành đạo Đại sư bảo đệ tử, 14 tháng 4 sang năm ta đi luôn rồi đó. Từ đó Đại sư đóng cửa niệm Phật, tự hạn mười vạn tiếng trong mỗi ngày đêm.

Qua năm Giáp Dần (1734) mồng hai tháng tư, Đại sư mở cửa, ngày 12 bảo đại chúng: 10 ngày trước đây ta thấy Tây phương Tam Thánh, nay lại thấy nữa thì ta sẽ sinh Tịnh độ. Rồi dặn dò công việc tự viện, từ biệt và khuyến khích mọi người, và bảo: ngày mười bốn tôi nhất định vãng sanh, vậy các người tập hợp niệm Phật giúp tôi. Ngày 13 bỏ ăn uống, khép mắt ngôi yên. Canh năm tắm rửa, thay đồ, quay mặt về hướng Tây mà ngồi. Giờ Tỵ mọi người vân tập, gạt lệ, lạy mà thưa, xin Đại sư ở lại hóa độ cho người. Đại sư lại mở mắt, bảo ta đi là trở lại liền; sanh tử là việc lớn, ai nấy hãy tự tịnh tâm mà niệm Phật. Nói rồi, chấp tay niệm danh hiệu của Phật mà tịch. Giây lát, chỉ lỗ mũi hơi xóp, còn nhan sắc tươi mãi, khi liệm cũng không biến. Linh cốt của Đại sư ban đầu để ở Tháp xây phía Tây đồi Phất thủy của sông Cầm Xuyên, Càn Long thứ 7 (1742) rằm tháng hai, ngày Phật Niết bàn, lại dời về Tháp mới, xây ở phía hữu Chùa A Dục. Tháp cũ thì tàng y bát của Đại sư.

Đại sư sinh ngày 8 tháng 8 năm Khang Hy 24 (1685), 49 tuổi, trong đó có 25 tuổi hạ.

Tác phẩm gồm có:

- Tịnh độ thi 108 bài,

- Chú Tây phương phát nguyện văn,

- Tục vãng sinh truyện,

- Đông hải ngược giải,

- Xá Lợi sám và Niết bàn sám, tất cả đều lưu hành nhân gian.

Đồng học là Luật nhiên, thuật vào ngày trùng dương năm Ất Sửu (1745)

 

PHỤ LỤC ĐẶC BIỆT MƯỜI ĐIỀU TÂM NIỆM

10 điều tâm niệm sau đây, lúc trước tôi dịch từ sự trích lục của 1 bộ sách đã học, tuồng như Nhị Khóa Hiệp Giải thì phải. Nay thì tìm ra nguyên văn chính, nằm trong Đại tạng tập 47/373 - 374, tên sách là Bảo Vương Tam Muội Niệm Phật Trực Chỉ, của ngài Diệu Hiệp, 1 tác phẩm mà ngài Vân Thê muốn nhưng chưa thấy được (Chính 47/354). Mười điều tâm niệm được mở đầu bằng những lời sau đây.

Tâm tánh bình đẳng, bản thể nguyên vẹn. Do đó mà chúng sinh tuy bị ràng buộc trong nghiệp thức, nhưng không ai lại không có cái chí xuất trần. Thế nhưng muốn tham cứu đạo lý thì ma chướng đã hiện ra, một việc phiền lòng là vạn điều thiện mất cả, thành công thì nhỏ mà thất bại quá lớn, nên người đắc đạo quả thật quá ít. Huống chi vật dục đua nhau khuynh loát tâm trí, sống chết giành nhau đánh đổ sinh mạng, khiến ai cũng như ai. Làm cho cái Pháp mà Phật đã trải qua 3 vô số kiếp, hy sinh vô số đầu mắt tủy não, quốc thành thê tử, thân thịt tay chân, giữ giới, nhẫn nhục, tinh tiến, phụng sự thiện hữu, không tiếc tính mạng trong việc tu tập các nhân tố của tuệ giác Bồ đề mới thực hiện được, cái Pháp ấy nhất đán đến ta, gặp trở ngại mà thoái chí là mất tất cả, thật đáng thống hận. Nay ta đã làm con Phật, không nỗ lực phấn đấu, ngồi mà nhìn con mắt tuệ giác của pháp giới chúng sinh mù mất, thì thật đau lòng còn hơn cắt da xả thịt. Do đó mà tôi y cứ kinh điển, lập ra "10 hạnh trở ngại to lớn", mệnh danh là "10 hạnh không cầu". Tình đời dẫu chẳng ai muốn trở ngại, nhưng cố gắng chấp nhận thì những trở ngại ấy hiện ra, thân tâm ta nhờ đã nung luyện trước trong đó, nên các thứ ma, mọi thứ ác, hết thảy trở ngại không thể khuynh đảo hay cản trở ta được nữa. Như vàng ở trong lò lửa, lửa nung vàng, nhưng vàng lại nhờ đó mà thành vật dụng...

Xin nói về 10 hạnh ấy:

Thứ nhất, nghĩ đến thân thể thì đừng cầu không bịnh tật, vì không bịnh tật thì dục vọng dễ sinh.

Thứ hai, ở đời đừng cầu không khó khăn, vì không khó khăn thì kiêu xa nỗi dậy.

Thứ ba, cứu xét tâm tánh thì đừng cầu không khúc mắc, vì không khúc mắc thì sở học không thấu triệt.

Thứ tư, sự nghiệp đừng cầu không bị trở ngại, vì không bị trở ngại thì chí nguyện không kiên cường.

Thứ năm, việc làm đừng mong dễ thành, vì việc dễ thành thì lòng thị thường, kiêu ngạo.

Thứ sáu, giao tiếp đừng cầu lợi mình, vì lợi mình thì mất đạo nghĩa.

Thứ bảy, với người thì đừng mong tất cả đều thuận theo ý mình, vì được thuận theo ý mình thì lòng tất tự kiêu.

Thứ tám, thi ân thì đừng cầu đền đáp, vì cầu đền đáp là thi ân mà ý có mưu đồ.

Thứ chín, thấy lợi thì đừng nhúng vào, vì nhúng vào thì hắc ám tâm trí.

Thứ mười, oan ức không cần biện bạch, vì làm như vậy là hèn nhác mà oán thù càng tăng thêm.

Bởi vậy, Phật Đà thiết lập chánh pháp lấy bịnh khổ làm thuốc thần, lấy hoạn nạn làm thành công, lấy gai góc làm giải thoát, lấy ma quân làm đạo bạn, lấy khó khăn làm sự tác thành, lấy bạn tệ bạc làm người giúp đỡ, lấy kẻ chống nghịch làm người giao du, coi thi ân như đôi dép bỏ, lấy sự xả lợi làm vinh hoa, lấy oan ức làm đà tiến thủ. Do đó, ở trong trở ngại mà vượt qua tất cả, ngược lại, cầu dễ dàng thì bị khúc mắc. Đức Thế Tôn được giác ngộ ngay trong mọi sự trở ngại. Ương Quật hành hung, Đề Bà quấy phá, mà Ngài giáo hóa cho thành đạo cả. Như vậy há không phải chính sự chống đối lại làm sự thuận lợi, và sự phá hoại lại làm sự tác thành, hay sao?

Ngày nay, những người học đạo, trước hết không dấn mình vào trong mọi sự trở ngại, nên khi trở ngại ập đến thì không thể ứng phó. Chánh pháp chí thượng vì vậy mất hết, đáng tiếc đáng hận biết ngần nào?

(Tâm ảnh lục, tập 2, tr. 222 - 224)