Tưới Tẩm Hạt Giống Tốt

Kính thưa đại chúng, hôm nay là ngày 31 tháng Năm, năm 1998, chúng ta bắt đầu đi vào tuần thứ hai của khóa tu hai mươi mốt ngày. Hôm nay chúng ta học tiếp về nghệ thuật vun trồng và chế tác niềm vui (hỷ). Bụt đã cống hiến cho chúng ta những phương pháp thực tập để tự nuôi dưỡng mình bằng chất liệu của niềm vui và hạnh phúc trong đời sống hàng ngày để ta có đủ sức mạnh mà tiến xa trên con đường tu tập. Ngài đã dạy chúng ta phép thực tập buông thư, làm thư giản cơ thể, chăm sóc và ôm ấp những cảm thọ dễ chịu, chế tác niềm vui và hạnh phúc để đem lại sự nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm. Vun trồng niềm vui và hạnh phúc là để bồi đắp thêm chất liệu hạnh phúc và nuôi dưỡng trong đời sống hàng ngày.

 

Trong tâm thức ta có cất chứa rất nhiều hạt giống tốt. Nếu ta biết cách tiếp xúc và tưới tẩm, thì chúng sẽ biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta và thể hiện ra trong đời sống hàng ngày qua cách suy tư, nói năng và hành xử. Tâm thức của ta có thể được chia ra làm hai phần- phần dưới gọi là tàng thức- tức là nơi cất chứa tất cả các loại hạt giống trong đó gồm có những hạt giống tốt và xấu; và phần trên gọi là ý thức- tức là nơi những hạt giống biểu hiện thành năng lượng như vui, buồn, giận, thương, ghen ghét mà ta gọi là tâm hành v.v.. Ta phải thực tập nhìn sâu để nhận diện những hạt giống tốt, lành mạnh trong ta; chẳng hạn như những hạt giống chánh niệm, giải thoát, hiểu biết, hạnh phúc và thương yêu. Có thể ta nghĩ rằng ta không thể thương được người khác, nhưng đó là vì ta chưa biết cách tiếp xúc với hạt giống thương yêu trong ta mà thôi. Với sự thực tập và yểm trợ của một thầy, một sư cô hoặc một người bạn đồng tu, của tăng thân, ta có thể tiếp xúc được với những hạt giống thương yêu, tha thứ và an vui trong ta. Có những người bảo rằng: ''Hạnh phúc hả! Tôi không biết thế nào là hạnh phúc. Trong tôi hoàn toàn không có chút hạnh phúc nào cả. Đời chỉ toàn là khổ đau, là bất công, là dối trá.'' Đó là vì người kia chưa được hướng dẫn, chưa biết cách tiếp xúc với hạt giống của an vui, hạnh phúc trong tự thân của họ. Sự thực tập là để giúp ta tiếp xúc và nhận diện những gì lành mạnh, tươi mát và nuôi dưỡng trong ta và chung quanh ta. Đây là sự thực tập chế tác niềm vui và hạnh phúc.

 

Ta hãy tổ chức đời sống hàng ngày của ta như thế nào để những hạt giống tốt trong ta được tưới tẩm và nuôi dưỡng mỗi ngày và tránh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực. Mỗi người trong chúng ta đều có những hạt giống nghi ngờ, tuyệt vọng, giận hờn và ghen tỵ v.v.. trong lòng. Có người thì mạnh hơn, có người thì yếu hơn; nhưng người nào cũng có những hạt giống đó. Ta không nên để cho môi trường và những người chung quanh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong ta. Mỗi khi hạt giống tiêu cực trong ta bị tưới tẩm thì nó phát khởi và khống chế ta. làm ta đau khổ. Khi những hạt giống tiêu cực như tuyệt vọng, hận thù bị xúc chạm đến, thì nó biểu hiện lên trên vùng ý thức của ta trong hình thái của năng lượng và nó có công năng tàn phá niềm vui và hạnh phúc của ta. Vì vậy ta phải tổ chức đời sống tu tập hàng ngày của ta như thế nào để những hạt giống tiêu cực trong ta không bị tưới tẩm. Ta có thể nói với người thương của ta rằng: ''Chị ơi, nếu chị thật sự thương em, xin chị đừng tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong em. Vì nếu chị tưới tẩm những hạt giống ấy trong em, thì em sẽ khổ và em sẽ làm chỉ khổ lây. Tuy nhiên, chị có thể tưới tẩm những hạt giống tích cực trong em và khi em vui tươi, hạnh phúc thì chị cũng được thừa hưởng.'' Đó là sự thực tập tưới tẩm hạt giống tốt, tưới tẩm những niềm và hạnh phúc cho nhau. Đó là tình thương đích thực.

 

Muốn thực tập thành công, ta phải ký một hiệp ước sống chung an lạc với ta và với những người ta thương. Và đây là văn bản của hiệp ước sống chung an lạc: ''Chị thương mến của em, em nguyện là em sẽ không tưới tẩm những hạt giống tiêu cực như giận hờn, bối rối, hận thù và bạo động trong chị. Em hứa là em sẽ cẩn trọng và khéo léo hơn trong khi nói năng và hành xử để không làm chị khổ. Em rất muốn sống hạnh phúc, an lạc với chị. Xin chị giúp em. Nếu lỡ trong khi thất niệm, em có nói hoặc làm điều gì có tính cách tưới tẩm những hạt giống tiêu cực nơi chị, xin chị nhẹ nhàng nhắc nhở em để em có thể ngăn chặn kịp thời. Em cần sự giúp đỡ của chị để em tránh tưới tẩm những hạt giống không lành mạnh nơi em và nơi người khác.'' Và người chị cũng phát lời nguyện như thế. Sau khi ta đã ký xong hiệp ước sống chung an lạc rồi, thì mỗi khi người kia sắp sửa nói hoặc làm điều gì có tính cách tưới tẩm những hạt giống khổ đau trong ta, ta có thể nói: ''Xin đừng làm thế. Xin đừng làm thế. Chúng ta đã ký hiệp ước sống chung an lạc rồi mà.'' Ta có thể khéo léo đưa tay lên làm dấu hiệu với sự điềm tĩnh để nhắc nhở người kia về hiệp ước đã ký giữa mình với người kia. Pháp môn này có thể thực tập trong phạm vi gia đình giữa vợ với chồng, con với cha, anh với em, chị với em và với bạn bè, học đường, người cùng sở làm và xã hội. Khi mọi thành phần trong gia đình đã vui vẽ, hạnh phúc, chịu hợp tác, thì  tất cả mọi người ngồi xuống và ký kiệp ước với nhau để thực tập tránh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực nơi nhau và nguyện chỉ tưới tẩm những hạt giống tốt cho nhau mà thôi.

 


Nghệ Thuật Chăm Sóc Hoa

 

Tưới hoa là một pháp môn thực tập có công năng đem lại sự nuôi dưỡng và trị liệu cho nhau. Trong đời sống hàng ngày, ta có thể thực tập tưới tẩm cho nhau những hạt giống tích cực; ví dụ như những hạt giống của niềm vui, hạnh phúc, thương yêu, tha thứ, tài năng v.v.., tuyệt đối không tưới tẩm nơi nhau những hạt giống tiêu cực như buồn giận, khổ đau, trách móc và thù hận v.v.. Đó gọi là pháp môn tưới hoa. Trong tâm thức của mỗi người chúng ta đều có sẵn những hạt giống tốt, lành mạnh và hạt giống không lành mạnh. Vì vậy, nếu muốn cho người thương của ta được tươi mát, hạnh phúc, thì ta chỉ nên tưới tẩm những hạt giống tốt cho nhau để những đóa hoa nơi người thương của ta bừng nở, không nên tưới giống tiêu cực, rác rến. Khi ta làm cho người kia nở được nụ cười tươi mát, thì ta cũng được hưởng lây. Phép thực tập này không tốn nhiều thì giờ, công sức, nhưng nó đem lại kết quả rất mau chóng. Ví dụ, quý vị có một người chị có tài cắm hoa, nghệ thuật cắm hóa của chị rất độc đáo. Nhưng không biết vì lý do gì mà bấy lâu nay chị mình không buồn cắm hoa nữa, trông chị lộ vẻ buồn rầu, mất thăng bằng trong đời sống. Ý thức được tình trạng của chị, quý vị có thể thực tập phép môn tưới hoa cho chị, chỉ cần vài câu nói khích lệ là quý vị có thể làm sống dậy được niềm vui nơi chị và giúp chị mình phục hồi lại được sự thăng bằng của tâm lý. Đôi khi quý vị chỉ mất vài ngày là có thể giúp chị mình phục hồi lại được toàn vẹn niềm an vui của chị. Quý vị có thể tới với chị của mình và nói như thế này: ''Chị ơi! Lâu quá em không thấy chị cắm hoa để chưng trên bàn thờ và trong các phòng khách, phòng ăn và nhà vệ sinh. Em nhớ mỗi lần chị cắm hoa và trang trí nơi những chổ ấy thì cả căn nhà tự dưng tươi sáng và đẹp hẳn lên và ai ai trong gia đình cũng thừa hưởng được niềm vui và hạnh phúc với tài cắm hoa của chị. Chị thật khéo tay. Nhưng không hiểu tại sao mà lâu nay em không thấy chị cắm hoa nữa. Chị ơi, sao chị nở làm như vậy, những bình hoa chị cắm luôn luôn đem lại cho gia đình thật nhiều niềm vui và hạnh phúc. Xin chị cắm cho em vài bình hoa đi chị!'' Ngồi bên cạnh chị của mình, nhìn chị mỉm cười và nói lên những lời khích lệ dễ thương và chân thật như vậy, quý vị sẽ chạm tới được những hạt giống hạnh phúc của chị, bởi vì chị thật sự có tài cắm hoa và luôn cảm thấy hạnh phúc mỗi khi chị cắm hoa. Trong khi tâm hồn đang buồn bả, chán nãn, chị của mình có thể nói rằng: ''Thôi đi, chị không cần em tưới hoa an ủi chị. Chị không có hứng thú cắm hoa.'' Nhưng có thể sau khi mình đi rồi, chị sẽ đứng dậy, đi lấy kéo và ra vườn cắt hoa vào cắm. Trong lúc cắt hoa, chị có cơ hội ngắm từng nụ hoa cành lá và chất liệu xinh tươi, đẹp đẽ của hoa sẽ làm cho chị tươi vui ra và niềm vui trong chị được khôi phục trở lại. Sau khi cắt hoa xong, chị đem vào nhà và để ra nữa giờ để cắm những bình hoa thật đẹp. Trong thời gian cắm hoa, hạt giống của hạnh phúc trong lòng chị được tưới tẩm. Cắm hoa cho những người thương của mình là niềm vui rất lớn của chị mà bấy lâu này bị lấp vùi. Lúc đầu quý vị tưới tẩm hạt giống của niềm vui và hạnh phúc nơi chị và sau đó chị tiếp tục tự tưới hoa bằng cách cắm hoa. Khi gặp lại chị, quý vị sẽ thấy chị mình đã thay đổi. Chị đã có thể mỉm cười và đó là nhờ sự giúp đỡ của mình. Nếu thương người nào, ta nên thực tập tưới hoa nơi người ấy mỗi ngày. Đây là phép thực tập rất dễ làm. Ta nhìn sâu (quán chiếu) vào người thương của mình và nhận diện cho được những hạt giống tốt, tích cực nơi họ và tìm cách khéo léo để giúp người kia thấy và làm cho chúng phát triển, bởi vì trong chúng ta đều có sẳn những hạt giống tốt. Pháp môn tưới hoa phải được thực tập một cách chân thành và phải được căn cứ trên sự thật. Mình không nên tưới hoa một cách máy móc, sống sượng và có tính cách xã giao. Chúng ta phải thiết lập vững vàng năng lực của niệm, định và tuệ mới có thể thực tập được. Quý vị chỉ có thể nói những điều mà quý vị tin là có thực. Khi quý vị thấy người kia có những tài năng, những đức tính tốt, những hạt giống dễ thương nào, thì quý vị công nhận và tưới tẩm: ''Thưa ba, thưa mẹ, thưa anh, thưa chị... con thấy ba, mẹ, anh, chị... có những hạt giống rất đẹp, dễ thương. Những hạt giống ấy nếu được phát triển sẽ đem lại nhiều hạnh phúc cả gia đình và cho rất nhiều người.'' Nếu không thực tập, thì người kia sẽ không biết rằng trong mình có những hạt giống tốt đẹp như vậy. Quý vị có thể giúp cho người thân biết cách tiếp xúc và tưới tẩm những hạt giống tốt trong họ. Quý vị nhận diện hạt giống nơi người kia và nói cho người kia biết rằng những hạt giống ấy rất quý giá và cần được phát triển thường xuyên để tự nuôi dưỡng mình và những người mình thương. Khi người kia hạnh phúc thì quý vị cũng hạnh phúc.

 

Tôi nhớ vào ngày lễ Đản Bụt, tại Xóm Hạ, Làng Mai, có rất nhiều gia đình thuộc Phật tử từ Bordeaux và Toulouse được mời tới tham dự. Trong bài thuyết pháp, khi tôi chia sẻ về phương pháp tưới tẩm cho nhau những hạt tốt, tôi thấy có một bà khóc sướt mướt. Tôi biết bà ấy và gia đình của bà. Sau khi đi thiền về, tôi tới với ông chồng của bà ấy và nói với ông ta rằng: ''Thưa ông, đóa hoa của ông đang bị héo đấy. Đóa hoa của ông đang cần được chăm sóc, được vun tưới.'' Ông ta nghe lời khuyên của tôi và trên đường lái xe về Bordeaux, mất khoảng một tiếng rưỡi đồng hồ- ông ta đã thực tập tưới hoa cho vợ ông. Khi về tới gần nhà, bà vợ đã nở tươi như một bông hoa, niềm vui và hạnh phúc đã hoàn toàn được phục hồi. Sự thật là ông ta đã biết pháp môn tu tập, nắm vững pháp môn tưới hoa, nhưng bấy lâu nay ông ta đã quên không thực tập. Tới tu viện, ông ta đã được nhắc nhở ông ta đã thực tập trong vòng một tiếng rưỡi đồng hồ và tình trạng được thay đổi. Thật may cho ông ta đã tới Tu Viện vào ngày hôm đó.

 

Pháp môn tưới hoa rất dễ thực tập, ta chỉ cần một chút thành tâm thôi thì kết quả không thể nghĩ lường được. Biết rằng ta chịu trách nhiệm về hạnh phúc và khổ đau của người thương của ta. Người đó có thể là cha ta, mẹ ta, con ta hoặc người đó là anh, chị hay em của ta. Hạnh phúc không phải là vấn đề cá nhân. Nếu người thương của ta khô héo, không tươi vui, không hạnh phúc, thì ta cũng không thể hạnh phúc được. Ngược lại ta bị khô héo theo. Vì vậy ta cần phải thực tập để đem lại nụ cười trên khuôn mặt của người thương của ta. Điều này ta có thể làm được. Ta đã sống với người ấy (những người ấy) nhiều năm và ta biết những yếu kém, tài năng và những hạt giống tốt nơi người ấy. Ta không nên ngần ngại hoặc hà tiện hay nói cách khác là ta không nên mắc cỡ. Nếu một lời nói của ta có thể đem lại niềm vui, hạnh phúc và sự tươi mát nơi người kia, thì tại sao ta không nói; ta ngần ngại gì nữa. Thương nghĩa là giúp nhau tiếp xúc và tưới tẩm những hạt giống tốt và tránh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực nơi nhau. Sự vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc của ta đóng vai trò rất thiết yếu cho sự vững chãi, thảnh thơi và hạnh phúc của những người chung quanh ta. Thỉnh thoảng người thương của ta bị rơi vào trạng thái trầm cảm, buồn phiền, bị cuốn hút vào trong sự lo lắng, sầu khổ và họ để cho những năng lượng tiêu cực ấy trấn ngự tâm tư của mình. Trong tường hợp như vậy, ta không thể thờ ơ họ; ta phải giúp họ thoát ra khỏi ngục tù khổ đau và tuyệt vọng của họ. Ta có thể nói như thế này: ''Anh có sao không? Anh đang làm gì đó? Anh đang nghĩ gì vậy? Có phải anh đang tự tưới tẩm những hạt giống tiêu cực nơi anh không? Làm như thế anh sẽ khổ và em cũng sẽ khổ theo. Xin anh đừng làm như thế. Em có thể giúp anh được gì chăng?'' Đôi khi ta không cần hỏi gì cả; ta chỉ cần vài lời dễ thương, ngọt ngào và khích lệ (tưới hoa) là đã có thể giúp người ấy thoát ra khỏi trạng huống sầu khổ của người ấy. Nếu ta chăm sóc người thương của ta đàng hoàng, thì người thương của ta sẽ chăm sóc lại ta đàng hoàng. Nếu có lúc nào đó ta bị chìm vào tình huống của sự lo lắng, sầu khổ và tuyệt vọng, thì người thương của ta sẽ có mặt đó để giúp ta thoát ra khỏi tình trạng ấy. Thương nghĩa là yểm trợ, nâng đỡ nhau và giúp nhau vượt qua những khó khăn, khổ đau và chúng ta cần vun trồng thương yêu mỗi ngày.

 

Các nhà tâm lý trị liệu nên nắm vững pháp môn tưới hoa thì họ mới có khả năng giúp cho các bịnh nhân của họ phục hồi lại được sự thăng bằng về tâm lý. Có như vậy thì sau những giờ trị liệu, các bịnh nhân mới có thể về nhà và tiếp tục sự thực tập với những thành phần khác trong gia đình của họ. Nhưng muốn làm được thành công, các nhà tâm lý trị liệu phải trước hết đem áp dụng pháp môn tưới hoa vào đời sống hàng ngày của chính họ, thì họ mới có thể thực sự giúp được các bịnh nhân của họ. Một nhà tâm lý trị liệu cũng có thể thực tập để trở thành một vị giáo thọ- nghĩa là người ấy có khả năng sống và chia sẻ pháp môn tu tập chánh niệm trong ngành của mình.

 


 

Tiếp Xúc Với Quá Khứ


Có một anh thanh niên người Mỹ đến Làng Mai tu học, tên là Richard. Một hôm, anh ta được khuyến khích làm một bài tập quán chiếu về mẹ và viết xuống giấy tất cả những đức tính tốt của mẹ anh ta. Các vị khác trong tăng thân cũng được khuyến khích làm như vậy. Ban đầu, Richard không thể tin rằng mình có thể viết được ba hàng kể về những đức tính tốt của mẹ mình. Anh ta nói: ''Viết về những đức tính tốt của bố thì có nhiều lắm, nhưng đối với mẹ thì không có gì có thể gọi là tốt đẹp để viết cả.'' Thế nhưng, sau vài ngày thực tập với các bạn khác, mầu nhiệm thay anh ta đã khám phá ra rằng một trang giấy không đủ để kể hết những cái hay cái tốt về mẹ mình.

 

Tôi nghĩ đã có một thời gian nào đó trong quá khứ, mẹ của Richard đã làm Richard khổ và nỗi khổ ấy đã cản trở anh ta, làm anh ta không thấy được những đức tính tốt của mẹ. Chúng ta hãy quán tưởng lại về hình ảnh của một thân cây đang chết. Khi ta thấy có một thân cây trong khu vười đang chết và ta cho rằng tất cả các cây khác trong khu vườn đều như vậy. Nghĩ như vậy là không đúng. Ta thường bị kẹt vào những nhận thức- cái nhìn của ta. Cái nhìn như thế là cái nhìn thiếu trí tuệ. Ta phải tập nhìn khách quan hơn mới có thể tiếp xúc được với nhiều khía cạnh khác của thực tại. Ta không nên để cho cái nhìn hạn hẹp của ta ngăn cản ta thấy cái toàn diện của thực tại. Với sự nâng đỡ của tăng thân, anh Richard đã hoàn thành được bài tập của anh. Sau đó anh đã viết cho mẹ của anh một bức thơ rất ngọt ngào và đầy tính chất trị liệu. Trong thơ, anh đã bày tỏ sự biết ơn và niềm hãnh diện có được một người mẹ tốt đẹp như thế. Vợ của Richard đã chia sẻ với anh rằng sau khi mẹ nhận được bức thơ, mẹ vô cùng cảm động và hạnh phúc. Trước kia Richard không bao giờ nói chuyện với mẹ bằng những lời lẽ ngọt ngào, dễ thương như thế. Sau khi đọc xong bức thơ, mẹ của anh đã khám phá ra một người con trai mới tinh được sinh ra từ giáo Pháp, một người con trai có đầy chất liệu hiểu biết và thương yêu. Richard đã tìm lại được một người mẹ mới tinh. Người mẹ mới tinh đã được tái sinh trở lại từ sự nhìn sâu của người con trai. Khi thực tập nhìn sâu, Richard khám phá ra được một người mẹ chân thực của anh và anh vô cùng hạnh phúc.

 

Mẹ của anh ta đã khóc rất nhiều sau khi đọc bức thơ của Richard. Bà nói với con dâu của bà rằng bà mong mẹ của bà còn sống để bà có thể viết cho mẹ của bà một bức thơ tương tợ như bức thơ của Richard đã viết cho bà. Trong thời gian đó Richard đang còn tu tập tại tu viện Làng Mai. Khi Richard nghe vợ của mình chia sẻ tâm trạng của mẹ như thế, anh ta liền viết một bức thơ khác cho mẹ. Anh nói như thế này: ''Mẹ thương kính, theo con thì bà ngoại chưa bao giờ từng chết. Bà ngoại của con vẫn còn sống, vẫn còn có mặt đó trong mẹ và trong con. Con là sự tiếp nối của bà ngoại và của mẹ. Con nghĩ không có trễ đâu mẹ; mẹ hãy viết thư cho bà ngoại liền đi. Chắc chắn bà ngoại sẽ nhận được thư của mẹ và bà ngoại sẽ nhận được liền. Điều mầu nhiệm là mẹ không cần gửi đi bằng bưu điện hay bằng bất cứ một đường giây tối tân nào khác. Bởi vì bà ngoại đang có mặt trong mẹ. Vì vậy khi mẹ cảm thấy dễ chịu, trị liệu và chuyển hóa thì bà ngoại cũng được trị liệu và chuyển hóa.'' Đây là tuệ giác mà Richard đã đạt được nhờ thực tập giáo pháp. Giáo pháp này là giáo pháp vô ngã và tương tức.

 

Tất cả chúng ta đều phải thực tập để đạt cho được cái thấy về vô ngã và tương tức. Phải nhìn sâu để thấy cho được rằng tất cả các thế hệ ông bà tổ tiên đều đang có mặt trong ta. Họ vẫn còn sống trong ta ngay trong giây phút này. Ta là sự tiếp nối của họ. Mỗi khi ta mỉm cười, thì tất cả thế hệ tổ tiên, con cháu và các thế hệ tương lai của ta trong ta đều mỉm cười theo. Ta không chỉ thực tập cho riêng ta, mà cho tất cả mọi người; và dòng sinh mệnh vẫn tiếp tục tuôn chảy không bao giờ gián đoạn.

 

Mẹ của Richard đã viết một bức thơ hòa giải và trị liệu cho mẹ của bà. Trong lúc quán chiếu và viết một bức thư như thế, bà ta đã khóc với những giọt nước mắt của hạnh phúc. Trong quá khứ, lúc mẹ của bà còn sống, bà chưa biết nghệ thuật sống chánh niệm, không biết nghệ thuật tưới hoa. Hai mẹ con đã gây ra nhiều lầm lỗi và đã tạo nhiều khổ đau cho nhau. Sau này nghĩ lại bà cảm thấy hối hận và niềm hối hận ấy đã trở thành chướng ngại cho đời sống hạnh phúc của bà. Bức thư bà viết cho mẹ đã lấy đi được cái chướng ngại trong lòng của bà, đã tẩy sạch được dấu vết của sự hối hận mà bà đã mang nặng trong lòng suốt bao nhiêu năm qua.

 

Kính thưa quý vị, nếu trong quá khứ quý vị đã gây ra nhiều lầm lỗi và đã tạo nhiều khổ đau với những người thương của mình và nếu người đó không còn nữa, xin quý vị chớ thất vọng; quý vị vẫn có thể chữa lành được vết thương trong lòng. Theo lời Bụt dạy, người thân mà quý vị nghĩ đã qua đời thật ra vẫn luôn luôn còn sống trong từng tế bào của quý vị. Quý vị có thể làm cho người ấy mỉm cười bất cứ lúc nào quý vị muốn. Giả sử trong thời gian bà nội của quý vị còn sống, vì không có chánh niệm, quý vị đã nói hoặc làm nhữngđiều gây tổn thương, khổ đau cho bà nội và tới bây giờ quý vị vẫn mang niềm hối hận trong lòng. Tôi khuyên quý vị nên ngồi thiền hoặc đi thiền, thở vào và thở ra trong chánh niệm, đem thân và tâm trở về một mối và quán tưởng để thấy rằng bà nội của mình đang ngồi với mình và nói với bà nội: ''Bà nội ơi, cháu xin lỗi bà. Cháu hứa là từ nay về sau cháu sẽ không bao giờ nói hoặc làm những điều dại dột như thế nữa đối với bà hoặc đối với bất cứ ai mà cháu thương yêu và nguyện chăm sóc.'' Nếu quý vị thành tâm và thốt lên những lời như thế trong chánh niệm, thì quý vị sẽ thấy bà nội trong quý vị mỉm cười với nụ cười tha thứ và bao dung và vết thương trong lòng sẽ được chữa trị. Bao nhiêu lầm lỗi đều do sự thất niệm và do sự thiếu khéo léo gây ra. Bao nhiều lầm lỗi đều do tâm, đều biểu hiện từ tâm. Nhưng tất cả cũng từ tâm mà được được trị liệu và chuyển hóa. Đó là lời dạy của đức Thế tôn.

 

 

Bao nhiêu lầm lỗi cũng do tâm
Tâm tịnh còn đâu dấu lỗi lầm
Sám hối xong rồi lòng nhẹ nhỏm
Ngàn xưa mây bạc vẫn thong dong.

 

Mặc dù ta nghĩ rằng quá khứ đã đi qua và tương lai thì chưa tới, nhưng nếu nhìn cho kỷ, ta sẽ thấy rằng thực tại vượt thoát cả hai ý niệm quá khứ và tương lai; thực tại bao la, mầu nhiệm hơn mình tưởng rất nhiều. Quá khứ có mặt trong hiện tại, bởi vì hiện tại được làm bằng quá khứ. Theo lời Bụt dạy, nếu ta thiết lập thân tâm vững chãi trong hiện tại và tiếp xúc sâu sắc từng giây phút của đời sống hàng ngày của mình, thì ta đồng thời tiếp xúc được sâu sắc với quá khứ và ta có đủ sức mạnh để chuyển đổi quá khứ. Đó là giáo pháp rất sâu sắc và mầu nhiệm của đức Thế Tôn. Ta không cần phải gánh chịu những niềm đau nỗi khổ của ta suốt đời. Trong quá khứ, vì thiếu chánh niệm ta đã từng gây ra lầm lỗi, đã tạo khổ đau cho ta và cho người ta thương, nhưng điều đó không có nghĩa là ta phải suốt đời gánh chịu những tội lỗi ấy, không có nghĩa là ta không chữa trị và chuyển hóa. Bụt có dạy rằng nếu ta tiếp xúc được sâu sắc với hiện tại thì đồng thời ta tiếp xúc được với quá khứ. Chăm sóc hiện tại cho hay là ta có thể chuyển đổi quá khứ. Chữ Sám Hối được dịch là Làm Mới, làm mới thân và tâm, gọi là Tâm Sám Pháp. Mỗi khi đã nhận biết được những lầm lỗi ta đã tạo ra trong quá khứ, ta sẽ nguyện không lập lại những lỗi lầm ấy nữa. Ngay từ giây phút đó vết thương của ta tự nhiên được chữa trị. Thật mầu nhiệm.

 

Có một ông cựu chiến binh người Mỹ chia sẻ với tôi rằng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, ông đã chứng kiến nhiều người bạn lính của ông bị giết trong một trận bị phục kích. Ông ta vô cùng căm hận. Vì lòng căm hận tột độ ấy, ông đã quyết định sẽ giết một số người trong khu làng nơi mà cuộc phục kích đã xảy ra để trả thù cho những người anh em của mình. Ông đã tẩm thuốc nỗ vào trong những ổ bánh mì kẹp, rồi đặt chúng ở cổng đầu làng và núp ở một nơi gần đấy để chứng kiến cái cảnh đau đớn của những người ăn những ổ bánh mì kẹp ấy cho hả giận. Một lũ trẻ em chạy chơi gần đấy thấy những ổ bánh mì kẹp thơm ngon kia, chúng mừng rỡ chia nhau ăn. Sau khi ăn vào, lũ trẻ bắt đầu kêu gào, khóc lóc thảm thiết và la ó lên. Dân làng chạy đến và khám phá ra rằng chúng trẻ đã bị ngộ độc. Cha mẹ chúng chạy Đông chạy Tây cố tìm xe để đưa con mình vào bệnh viên cấp cứu, nhưng bệnh viện gần nhất lại quá xa. Là một chiến binh, ông ta đã biết trước rằng không có hy vọng gì để cứu chữa kịp thời những đứa trẻ này, chúng sẽ chết trong vòng mười mấy phút đồng hồ. Trong cơn căm hận, ông đã giết chết năm đứa trẻ vô tội của ngôi làng ấy.

 

Sau khi được giải ngũ trở về Mỹ, ngày nào ông ta cũng sống trong cảm giác sợ hãi và tội lỗi, lương tâm ông lúc nào cũng bị dày xéo, cắn rứt. Cái cảm giác tội lỗi đã đè nặng lên ông trong suốt mười năm. Sau đó ông đã tham dự khóa tu được tổ chức tại Santa Barbara dành cho các cựu chiến binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Trong khóa tu, họ được khuyến khích nói ra những khổ đau của họ, mặc dầu đó là chuyện rất khó cởi mở đối với họ. Chỉ có một người, đó là mẹ của ông ta, người đã sống và chia sẽ nỗi khổ của con mình. Bà mẹ nói: ''Con ơi, con không nên ôm mối sầu khổ, tội lỗi hoài như vậy. Trong chiến tranh, vấn đề giết hại hoặc cố ý hay vô tình luôn luôn là vấn đề khó tránh.'' Nhưng những lời khuyên ấy của người mẹ không đủ để giúp cho con bà vơi bớt khổ đau. Mỗi lần ngồi chơi với các con mình trong phòng khách, ông thường nhớ lại hình ảnh tàn nhẫn mà ông đã gây ra cho năm đứa trẻ ở Việt Nam trong quá khứ, ông ta chịu không nỗi và luôn luôn phải rời bỏ phòng khách để đi ra ngoài. Hôm ấy, với sự yểm trợ hùng hậu của tăng thân trong đó có các thầy, các sư cô và một số các nhà tâm lý trị liệu khác đã tìm cách hữu hiệu để giúp trị liệu những người cựu chiến binh; cuối cùng ông ta đã mở lòng và kể hết câu chuyện bi thương ấy cho một nhóm người gồm có chín vị. Đôi khi chúng tôi phải ngồi im lặng và thở trong chánh niệm hơn cả giờ để cho ông ta tiếp tục kể hết những gì ông ta đã mang nặng trong lòng trong suốt mười năm qua. Có lúc ông ta chỉ ngồi đó khóc lóc và không thể thốt lên được môt lời. Sau khi tôi nghe được sự việc ấy, tôi cho mời ông ta đến gặp tôi. Sau khi uống trà, hỏi han vài câu, tôi đã nói với ông ta rằng: ''Thưa ông, sự thật là ông đã sát hại năm đứa trẻ vô tội trong cuộc chiến Việt Nam. Nhưng có những việc ông có thể làm để chuộc lại cái tội lỗi ấy. Hiện nay trên thế giới có rất nhiều đứa trẻ đang chết vì thiếu thức ăn, thiếu dinh dưỡng và thuốc men. Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, mỗi ngày có khoảng bốn chục ngàn trẻ em trên thế giới chết vì đói và thiếu dinh dưỡng. Sao hôm nay ông không ra tay cứu vớt những đứa trẻ đang chết đói như thế, thay vì ngồi đó mà giam hảm mình trong cái ngục tù ký ức của khổ đau, tội lỗi về sự sát hại năm đứa trẻ Việt Nam kia. Ông hãy thực tập làm mới trở lại, đem cuộc đời của mình để làm những điều ngược lại với những hành động thiếu hiểu biết, thiếu tình thương mà ông đã gây ra trong quá khứ. Ông nên phát nguyện tiếp thọ Năm Giới Quý Báu và kể từ giây phút này, ông hãy cố gắng hết khả năng của mình để tìm cách bảo vệ sự sống, cứu giúp những mạng sống của các em bé nghèo ở các nước chậm tiến. Hãy đi vào cuộc đời để cứu giúp những em bé. Vô số các em bé đang cần sự giúp đỡ, đang cần cánh tay từ bi của ông. Ông không nên ngồi đó mà tự giam hãm mình trong cái xiềng xích của tội lỗi, tuyệt vọng trong khi đó ông có thể sửa đổi được quá khứ. Sau khi nghe tôi chia sẻ như thế, trái tim của ông ta đã được khai mở, được chuyển hóa và ông bắt đầu trở thành một con người mới hoàn toàn. Chúng ta tiếp nhận năng lực hùng hậu từ sự tu tập của tăng thân và từ sự quyết tâm của ta để đi trên đường tu tập chánh pháp. Con đường ấy có khả năng tẩy sạch được những khổ đau của quá khứ và chuyển hóa tội lỗi trong ta.

 


Tháo Gỡ Nội Kết

 

Bài tập thứ mười một của kinh Quán Niệm Hơi Thở mà Bụt chỉ dạy là thu nhiếp tâm ý: ''Ta đang thở vào và thu nhiếp tâm ý ta vào định. Ta đang thở ra và thu nhiếp tâm ý ta vào định.'' Đây là nghệ thuật chăm sóc những tâm hành tiêu cực. Nếu ta ôm ấp chúng với niềm vui, an lạc và hạnh phúc và với năng lượng chánh niệm, thì ta sẽ vun trồng thêm được nhiều hạt giống tốt, tích cực. Đó là công năng của phép quán niệm hơi thở thứ mười: Làm cho tâm ý trở nên hoan lạc. Và bây giờ phép quán niệm hơi thở thứ mười một là giúp ta đối trị với những hạt giống tiêu cực- danh từ chuyên môn là những tâm hành bất thiện, như niềm đau nỗi khổ và sầu nhớ, ghen tỵ, giận hờn... Ta cố tình làm ngơ với chúng, bởi vì mỗi khi chúng biểu hiện lên trên bề mặt của ý thức thì ta đau khổ, ta cảm thấy không thoải mái và ta có khuynh hướng trốn chạy, đè nén, xua đuổi chúng. Ta muốn những khối đau buồn và sợ hãi này nằm yên dưới chiều sâu tâm thức của ta vĩnh viễn cho khỏe để ta có thể sống yên ổn. Nhưng khổ nỗi là chúng không bao giờ chịu nằm yên dưới đó như ta mong muốn; chúng luôn tìm cách để trồi lên hoặc trong những giấc mơ của ta hoặc trong những lúc ta không bị xâm chiếm, bận rộn bởi những chương trình truyền hình, đọc sách báo hay chuyện trò v.v.. Ta chịu trách nhiệm một phần về những khối khổ đau này bởi vì trong đời sống hàng ngày, ta đã sống như thế nào đó để cho chúng sinh khởi, hình thành. Những người cùng sống với ta và chung quanh ta đều cùng chịu trách nhiệm về những tâm hành nội kết này. Nếu ta không biết cách tháo gỡ những gút thắt này, thì chúng sẽ tiếp tục làm cho ta đau khổ. Nội kết hay kiết sử tiếng Phạn là samyojana. Nội kết- samyojana có khi biểu hiện rất ngọt ngào, ta gọi là nội kết êm ái và có khi biểu hiện rất cay đắng- ta gọi là nội kết không êm ái. Ví dụ như khi quý vị uống rượu hoặc sử dụng các chất ma tuý, quý vị có thể bị nghiện và thói quen ấy lâu ngày trở thành nội kết. Cái tập khí nghiện ngập ma túy ăn sâu vào thân tâm của quý vị và nó trở thành nội kết. Và muốn thỏa mãn nhu yếu đó, quý vị có thể phải đi đánh cướp để có tiền mua thuốc phiện. Và cái nội kết khó tránh đó làm quý vị mất hết tự do. Đó gọi là nội kết hay kiết sử- samyojana. Đôi khi ta không có can đảm để buông bỏ nội kết của ta và do đó ta chuốc lấy khổ đau dài dài. Chương trình mười hai phương pháp cai rượu (Twelve- Step programs) là một cách tháo gỡ nội kết nghiện rượu. Tình thương vướng mắc, hệ lụy cũng là một loại nội kết khác có tác dụng tước đoạt mất tự do và hạnh phúc của ta. Lúc đầu nó cho ta những cảm giác ngọt ngào, dễ chịu, nhưng khi ta đam mê, nghiện ngập, vướng vào nó rồi, thì nó trở thành chướng ngại cho cuộc sống của ta.

 

Quán chiếu sâu sắc vào thân tâm, ta nhận diện được những nội kết dù chúng đang ở trong hình thái của năng lượng hay của hạt giống. Tự do và hạnh phúc chân thật không thể có được nếu ta không biết cách tháo gỡ những nội kết trong ta. Khi người thương của ta nói hoặc làm điều gì đó không dễ thương, không có chánh niệm là ta đau và ta có nội kết. Nội kết ấy ban đầu có thể chỉ là một gút nhỏ thôi, nhưng nó là nội kết. Nó có thể rất tai hại nếu ta không thực tập tháo gỡ nó ngay lúc đó. Lần sau người thương của ta có thể lặp lại lỗi lầm y hệt như lần trước thì cục nội kết trong ta phát triển lớn mạnh hơn. Vì không có chánh niệm, chúng ta tạo ra những nội kết cho nhau; cho đến một hôm chúng ta không có khả năng nhìn nhau được nữa và tránh né nhau bằng cách nhìn về phía vô tuyến truyền hình hoặc trong công việc v.v.. Vậy thì muốn tháo gỡ nội kết, ta phải thực tập làm mới. Ta tới với người thương của ta, thở vào thở ra cho thật chánh niệm và nói như thế này: ''Thưa chị, em không hiểu tại sao hôm nọ chị nói những điều như thế đối với em? Tại sao hôm nọ chị hành xử như thế đối với em? Em đang rất đau khổ. Xin chị giải thích cho em hiểu rõ hơn.'' Nếu là người thực tập khôn khéo, ta nhất định không để cho nội kết trong ta lớn mạnh, ta tìm cách khéo léo để giải tỏa nối kết càng sớm càng tốt.

 

Chánh niệm giúp ta nhận diện được là ta đang có nội kết hay không. Nếu là người thực tập giỏi, ta sẽ không để cho nó lộng hành một cách vô ý thức. Ta biết rằng ta phải lập tức tháo gỡ nội kết để bảo đảm cho niềm an vui và hạnh phúc lâu dài của ta. Những cặp vợ chồng trẻ mới cưới cần phải thực tập nhìn sâu mỗi ngày để kiểm chứng lại xem tình trạng liên hệ của họ có an toàn không, có đang bị sứt mẻ không. Ta không cần phải ngồi yên một mình mới thực tập được điều này. Ta có thể ngồi với người thương của ta và cả hai người cùng thực tập nhìn sâu. Nếu những nội kết đã trở thành quá lớn thì ta phải học cách để tháo gỡ chúng. Nhiều người không thực tập vì họ chưa được học phương pháp tháo gỡ nội kết. Ta rất sợ trở về với quê hương đích thực của ta, quê hương đó là năm uẩn của ta, tức là sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Vì về đó ta phải đối đối diện với những khối khổ đau và ta cảm thấy không dễ chịu. Do đó ta luôn luôn tìm cách trốn chạy khổ đau của chính ta. Làm như vậy tức là ta đang hành xử không có trách nhiệm đối với chính ta. Các nhà kinh doanh cung cấp vố số phương tiện để ta trốn chạy chính ta như chương trình truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh, mua sắm hàng hóa, cờ bạc và quán rượu v.v..

 


Tiêu Thụ Trong Chánh Niệm

 

Có một chàng thanh niên tỵ nạn người Việt định cư tại nước Mỹ chia sẻ với tôi rằng anh ta có mang theo một cái tượng Bụt nhỏ và anh đặt tượng Bụt ấy trên cái ti vi ở phòng khách. Anh ta không lập bàn thờ được vì căn nhà quá chật hẹp. Tôi nói với anh ta: ''Cái ti vi không phải là nơi trang nghiêm để thờ Bụt. Hai cái không thể đi đôi với nhau. Cái ti vi có công năng làm cho con người trốn chạy với chính mình, còn tượng Bụt thì giúp con người trở về với tự thân.'' Bụt gọi chúng ta trở về với chính mình để chăm sóc lấy tình trạng bên trong của mình. Phần ý thức của ta được ví như cái phòng khách và tàng thức được ví như phòng kho nơi nơi cất chứa các đồ đạc, nhất là những thứ ta không ưa thích. Tuy ta không thích đối diện với những khối nội kết trong ta, nhưng chúng luôn luôn tìm cách để trồi lên, biểu hiện lên trên phòng khách (vùng ý thức) của ta. Chúng không cần được ai mời cả, chúng tự động đẩy cửa đi vào, ngồi chễm chệ hoặc tự ý tung hoành tại phòng khách của ta. Khi phòng khách (vùng ý thức) của ta hơi bừa bải, không được gọn gàng, ngăn nắp thì ta cảm thấy chật hẹp, khó chịu, đau khổ và khuynh hướng của ta là trốn chạy chúng hoặc đàn áp chúng. Ta không muốn cho những nội kết này trồi lên; ta không muốn đối diện với chúng. Ta bỏ mặc chúng hoặc tìm cách để khỏa lấp đời sống của ta bằng nếp sống tiêu khiển các thú vui trần tục như đọc sách báo, xem phim ảnh, chuyện trò v.v.. Ta làm đủ mọi thứ để giữ cho phòng khách của ta trở nên chật hẹp, bận rộn hơn để những tâm hành khó chịu không có cơ hội trồi lên hoặc để khỏi phải đối đầu với chúng. Phần đông chúng ta đều hành xử như vậy. Nếu tiếp tục hành xử theo đường lối ấy thì ta sẽ gặp nhiều điều bất lợi; ta sẽ không có cơ hội để chuyển hóa và ta vẫn luôn luôn trở là nạn nhân của khổ đau.

 

Điều bất lợi thứ nhất là những vị ''khách'' mà ta cho phép vào phòng khách thường gây nhiều thiệt hại cho lãnh thổ của ta. Ta tiêu thụ độc tố mỗi ngày. Nếu ta đưa vào tâm thức ta những độc tố khoảng một giờ đồng hồ qua sự giải trí như ăn nhậu, uống rượu, cờ bạc hoặc xem phim ảnh v.v.., thì những tâm hành nội kết (nội kết êm ái và không êm ái) trong chiều sâu tâm thức (tàng thức) ta bị tưới tẩm. Một giờ xem TV, phim ảnh có thể nuôi dưỡng hạt giống của sợ hãi, thèm khát, tuyệt vọng và hận thù trong tâm thức ta. Ta tự làm ô nhiễm, đầu độc chính ta qua cách sống như thế mỗi ngày. Không những ta tự ô nhiễm chính ta, mà ta còn để cho con cái của ta bị ô nhiễm và đầu độc bằng cách cho phép chúng xem vô tuyến truyền hình, phim ảnh, chơi trò chơi điện tử hàng giờ mỗi ngày. Ta phó thác con cái của ta cho ti vi, phim ảnh và trò chơi điện tử chăm sóc. Chúng ta phải thực tập tiêu thụ chương trình truyền hình, phim ảnh v.v.. có chánh niệm. Các bộ phim trinh thám luôn luôn có xảy ra những cảnh giết chóc, ám sát; trong một tập phim trinh thám luôn luôn xảy ra ít nhất là một vụ ám sát. Nếu không như vậy thì đó không phải là phim trinh thám. Mỗi khi xem một tập phim trinh thám, quý vị chứng kiến ít nhất là một nhân vật bị giết và tâm thức của quý vị luôn sống trong sự hồi hộp. Những nhân vật đối lập dùng súng ống hoặc dao, kiếm... để thủ tiêu những nhân vật họ không ưa thích. Sau này khi va chạm với đời sống thực tế và nếu có điều gì ta không ưa thích, thì ta lập tức muốn loại trừ chúng giống y như trong phim ảnh. Qua phim ảnh, ta để cho con em của ta bị thâm nhập và suy tư theo những khuynh hướng bạo động, hận thù, thèm khát, tuyệt vọng và triệt tiêu những gì mà chúng không ưa thích. Tôi không hiểu tại sao các cơ quan lập pháp của Mỹ không đưa ra những đạo luật để ngăn chặn những sản phẩm giải trí có tính cách phá hoại tâm thức như vậy. Chúng ta biết xã hội chúng ta hiện đang có căn bệnh dịch của trẻ con bắn giết nhau, thế mà các nhà lập pháp vẫn chưa có những đạo luật ngăn cấm sự sử dụng súng ống. Nhân danh tự do và tự vệ, ta cho phép dân chúng mua bán súng ống một cách vô tội vạ. Tại sao tới bây giờ ta vẫn chưa chịu tỉnh dậy? Chánh niệm là khả năng biết được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Những nhà truyền giáo, bộ giáo dục, nhà báo, phóng viên, những nhà làm phim v.v.. phải có bổn phận gây nên sự ý thức và giác ngộ nơi tâm thức của mọi người trong xã hội. Là một công nhân của đất nước, quý vị có bổn phận nêu lên cái thấy của mình về thực trạng của xã hội với các dân biểu và thượng nghị sĩ của địa phương quý vị để ý thức được sự thật ấy và đưa ra những đạo luật để bảo vệ và chuyển hóa tình trạng. Chúng ta không thể để cho tình trạng như thế kéo dài.

 

Trẻ em khoảng tuổi mười hai hoặc mười ba thời nay đã bắt đầu lâm vào tình trạng luyến ái tình dục. Các cháu vì muốn tò mò, vì muốn thỏa mãn nhu yếu tình dục đã tìm đến và ăn nằm với nhau mà không cần biết chuyện gì sẽ xảy ra, không cần có sự cam kết tình yêu lâu dài. Các cháu không thật sự biết thế nào là tình yêu. Sự thèm khát tình dục của thể xác mà các cháu đang lâm vào là thứ tình yêu rỗng ruột (empty sex). Nếu những người trẻ trở nên quen thuộc với thứ tình yêu rỗng ruột đó, các cháu sẽ mất hết sự hồn nhiên, trong trắng. Các cháu không còn sự hồn nhiên, trong sáng và ý nghĩa của tình yêu cao thượng nữa. Chất liệu bạo động có mặt khắp nơi, trong các người trẻ và trong những cặp tình nhân- năng lượng bạo động ấy thể hiện ra trong khi họ làm tình với nhau. Chúng ta phải hành động. Chúng ta phải thức tỉnh chính ta và mọi người chung quanh ta về sự thật này. Ta phải kêu gọi mọi người suy tư và đi về hướng của sự tự bảo hộ mình và bảo hộ dân tộc mình. Ta không nên hành xử theo tinh thần cá nhân, ta phải thực tập như một tăng thân, một cộng đồng, một dân tộc. Thành phố có thể thực tập như một tăng thân của thành phố, quốc gia có thể thực tập như một tăng thân của quốc gia. Điều này chúng ta có thể làm được.

 

Sự bất lợi thứ hai khi để cho tâm thức ta bị xâm chiếm với những cái tiêu cực là ta tạo ra sự bế tắc cho tinh thần của ta. Tinh thần của ta phải lưu thông tốt giống như những tĩnh mạch của cơ thể. Nếu sự lưu chuyển của tĩnh mạch trong cơ thể ta bị yếu, nghèo nàn, thì triệu chứng của bệnh tật sẽ phát sinh. Nếu ta thường xuyên xoa bóp cơ thể, thì các mạch máu trong cơ thể ta sẽ lưu chuyển thông suốt hơn. Phần đau nhức nhiều nhất trong cơ thể cần chăm sóc, xoa bóp lâu hơn, bởi vì chỗ ấy tích tụ nhiều chất độc tố hơn. Cũng vậy, những niềm đau nỗi khổ thuộc về tâm cần được xoa bóp để cho tâm thức ta được lưu chuyển thông suốt. Đi tìm sự giải trí để quên đi nỗi khổ niềm đau là ta làm điều ngược lại và ngăn chặn sự lưu thông của dòng lưu chuyển của tâm. Ta không muốn cho những khối khổ đau của ta biểu hiện trên mặt phẳng ý thức của ta. Khi tâm ta bị bế tắc và lưu chuyển không tốt, thì triệu chứng của bịnh tâm thần phát sinh. Ta phải làm điều gì đó để phục hồi lại sự lưu thông tốt trong tâm ta. Ta phải mở cửa lòng ra để cho niềm đau, sợ hãi trong ta được lưu thông. Vì vậy đức Thế Tôn mới dạy rằng chúng ta phải thường xuyên chế tác năng lượng chánh niệm trong đời sống hàng ngày để có đủ khả năng ôm ấp niềm đau và nỗi khổ của ta mỗi khi chúng phát khởi.

 


Ôm Ấp và Chuyển Hóa Những Hạt Giống Tiêu Cực

 

Khi những hạt giống giận hờn, bực bội hoặc bạo động biểu hiện lên trên vùng ý thức như những tâm hành và trấn ngự lấy vùng ý thức của ta và ta cho phép năng lượng tiêu cực ấy có mặt, tức là ta sẳn sàng tiếp xúc với chúng. Sở dĩ ta làm ta có đủ can đảm làm như vậy vì ta biết mời gọi những hạt giống hiểu biết, giác ngộ và chánh niệm trong ta có mặt cùng thời. Ta mời những năng lượng lành này lên để giúp ta chăm sóc niềm đau của ta. Vì vậy ta phải liên tục chế tác năng lượng chánh niệm trong đời sống hàng ngày để có đủ sức đối phó với những năng lượng có tính cách tàn phá trong tâm thức ta. Nếu năng lượng chánh niệm trong ta chưa đủ mạnh để ôm ấp năng lượng tiêu cực, ta có thể nhờ một người bạn tu tập vững chãi hơn ngồi bên cạnh ta, yểm trợ ta để ta có đủ sức ôm ấp niềm đau nỗi khổ của ta. Ta cầm tay bạn mình hay cầm tay con trai mình hoặc con gái mình, người bạn đời của mình và cùng thở với người đó để chế tác năng lượng chánh niệm. Nếu ta thực tập giỏi, ta có thể giúp người thân của ta thực tập ôm ấp niềm đau và niềm tuyệt vọng của họ. Trong suốt quá trình ôm ấp và nhận diện, năng lượng chánh niệm sẽ thấm nhuần vào năng lượng tiêu cực và ôm lấy năng lượng tiêu cực như bà mẹ nâng niu đứa con thơ. Phép thực tập này rất mầu nhiệm. Ta chăm sóc khổ đau của ta và giúp người thương của ta biết cách chăm sóc khổ đau của họ. Phép thực tập này phải được thực tập thường xuyên trong phạm vi gia đình. Đó đích thực là thiền. Thiền không phải chỉ thực tập trong phạm vi thiền đường. Bất cứ lúc nào, nơi nào, ta cũng thực tập thiền, nghĩa là lúc nào ta cũng an trú trong chánh niệm.

 

Chánh niệm được ví như ánh sáng mặt trời. Vào lúc sáng sớm, hoa uất kim hương (tulip) vẫn còn úp lại. Khi mặt trời lên, ánh sáng mặt trời được làm bằng những hạt nhỏ gọi là quang tử (photon) chiếu vào nụ hoa, ôm trùm lấy nụ hoa và những tia quang tử thâm nhập vào nụ hoa. Nếu ánh sáng mặt trời liên tục chiếu vào nụ hoa, thì nụ hoa sẽ từ từ bừng nở. Cũng vậy, ta hãy để cho năng lượng chánh niệm ôm lấy cơn giận của ta với tất cả sự ưu ái, như người mẹ ôm ấp đứa con thơ của mình khi nó bị ốm đau. Ta có thể nói với cơn giận của ta rằng: ''Em giận ơi, chị đây nè. Chị đang có mặt đây để chăm sóc cho em. Em đừng lo.'' Đây là câu thần chú thứ nhất. Khi ta tiếp tục ôm ấp cơn giận, cơn cảm xúc của ta trong vòng tay thương yêu, với năng lượng chánh niệm, thì năng lượng chánh niệm bắt đầu thể nhập vào khối phiền não của ta. Như khi người mẹ đột nhiên nghe tiếng kêu khóc của đứa con thơ thì người mẹ lập tức ngưng hết mọi việc, đi tới ẩm đứa con vào lòng và nâng niu đứa con với tất cả sự yêu thương của mình, mà chưa cần tìm hiểu lý do tại sao con mình khóc. Được mẹ ẩm trong tay, đứa bé tiếp nhận ngay được tình thương yêu dịu hiền của mẹ và tự nhiên nó cảm thấy dễ chịu liền lập tức và thôi khóc.

 

Khi ta chế tác ra năng lượng chánh niệm và ôm lấy cơn giận của ta, mặc dầu cơn giận vẫn còn đó, nhưng ta đã cảm thấy dễ chịu phần nào rồi. Nguồn năng lượng thứ hai tức là chánh niệm đã bắt đầu đi tới và bao trùm lấy nguồn năng lượng thứ nhất- là cơn giận. Nếu người mẹ tiếp tục ốm ấp đứa con thơ của mình lâu hơn, bà ta sẽ khám phá ra lý do tại sao con mình khóc. Người mẹ rất khéo và am tường về sự việc này. Bằng kinh nghiệm, người mẹ có thể giải quyết tình trạng một cách mau chóng và dễ dàng. Nếu đứa bé đói bụng, người mẹ cho nó uống sữa; nếu đứa bé bị sốt, người mẹ cho uống thuốc aspirin pha đường; nếu cái tả của nó chặt quá, người mẹ sẽ nới nó ra. An lạc và hạnh phúc là những kết quả phát sinh từ tình thương, hiểu biết và sự khéo chăm sóc của ta.

 

Trong khi ôm ấp khối khổ đau thì ta đã bắt đầu cảm thấy vơi nhẹ rồi. Và với sự thực tập nhìn sâu, ta đạt tới cái thấy về bản chất của cơn giận và phiền não của ta. Cái thấy ấy cởi trói ta ra khỏi gông cùm của khổ đau. Đôi khi sự chuyển hóa chưa đạt tới mức một trăm phần trăm, nhưng ta cũng đã thành công tới mức nào đó. Sau một thời gian ôm ấp đứa bé khổ đau trong ta thì tâm ta được nhẹ nhỏm phần nào và nỗi khổ niềm đau ấy tự nhiên trở về lại tàng thức và ẩn tàng dưới hình thức của hạt giống. Khi điều kiện thuận lợi thì nó sẽ biểu hiện trở lại. Và mỗi khi nó biểu hiện trở lại, ta thực tập y hệt như kỳ trước, ôm ấp nó trong chánh niệm và với tất cả lòng thương yêu của ta. Mỗi lần ta đối xử với niềm đau nỗi khổ của ta như thế, thì chúng sẽ yếu và nhỏ dần, nhỏ dần đi và chúng sẽ trở về với căn cứ địa của chúng. Thực tập như thế lâu ngày, chúng sẽ được chuyển hẳn thành chất liệu của hiểu biết, thương yêu và tự do. Và muốn làm được điều này, ta phải chế tác năng lượng chánh niệm của ta cho thật hùng hậu. Từ đó niềm tin nơi sự thực tập của ta càng ngày càng vững bền, vì biết rằng ta có khả năng ôm ấp và chăm sóc niềm đau nỗi khổ của ta mỗi khi chúng phát khởi.

 


Năm Điều Tâm Niệm

 

Chúng ta có rất nhiều cách để đối diện với sự sợ hãi trong ta. Năm điều tâm niệm là những điều giúp ta thực tập nhận diện, nhìn sâu và chuyển hóa tâm hành sợ hãi và đạt tới trạng thái vô úy.

Điều tâm niệm thứ nhất: ''Tôi thế nào cũng phải già. Tôi không thể nào tránh thoát được sự già nua.'' Ta thở cho thật chánh niệm và thầm niệm: ''Thở vào, tôi biết tôi thế nào cũng sẽ già. Thở ra, tôi biết tôi không thể nào tránh thoát được sự già nua.'' Ta rất sợ già. Ta nghĩ rằng: ''Già hả! Già là để giành cho người khác. Còn tôi, tôi không thể già được, tôi còn trẻ và sẽ trẻ mãi. Tôi không muốn nghĩ về nó.'' Ấy vậy mà sự sợ hãi vẫn luôn luôn rình rập trong ta, trấn ngự ta, làm cho ta ăn ngủ không yên.

Điều tâm niệm thứ hai: ''Thở vào, tôi thế nào cũng phải chết. Thở ra, tôi biết tôi không thể nào tránh thoát được cái chết.''

Điều tâm niệm thứ ba: ''Thở vào, tôi thế nào cũng bệnh. Thở ra, tôi không thể nào tránh thoát được cái bệnh.''

Điều tâm niệm thứ tư: ''Thở vào, tôi biết những gì tôi trân quý hôm nay trong đó có những người tôi thương, một ngày kia tôi sẽ phải xa lìa. Thở ra, tôi biết tôi không thể mang bất cứ cái gì theo mình khi ra đi. Tôi đã đến bằng hai bàn tay không và tôi sẽ ra đi bằng hay bàn tay trắng.''

Điều tâm niệm thứ năm: ''Thở vào, tôi biết tôi là người thừa kế tất cả những hành động mà tôi đã tạo ra trong những kiếp quá khứ và hiện tại. Thở ra, khi lìa bỏ thân này, tôi chỉ mang theo với tôi kết quả của những hành động mà tôi đã tạo ra.''

 

Hành động nghĩa là nghiệp, tiếng Phạn là Karma. Ta đã gieo nhân nào thì ta gặt quả ấy. Đó gọi là nghiệp nhân dẫn đến nghiệp quả. Ta chỉ mang theo hoa trái của tất cả những hành động của chính ta.

 

Già, bệnh, chết, xa lìa người thương và những điều ta đang trân quý hôm nay là năm điều luôn luôn uy hiếp ta và khi chết ta không thể mang theo mình bất cứ cái gì ngoại trừ hoa trái của tất cả những hành động của chính ta. Đó là những sự thật hiển nhiên và khó đối diện. Trên bình diện lý trí, ta có thể hiểu rất rạch ròi về những sự thật ấy, nhưng trên bình diện cảm xúc, ta luôn có khuynh hướng trốn chạy, ta không muốn nhớ nghĩ về chúng. Hạt giống sợ hãi luôn luôn nằm đó trong chiều sâu tâm thức của ta, gọi là 'căn bản thức' hay 'tàng thức' hoặc 'nhất thiết chủng thức'. Bụt dạy chúng ta phải thường xuyên nhớ nghĩ tới những sự thật ấy và cho phép những hạt giống sợ hãi ấy biểu hiện. Bụt dạy các thầy và các sư cô mỗi buổi sáng khi thức dậy, hãy thở vào, thở ra và nhớ nghĩ tới năm điều tâm niệm, thực tập đối diện với sự sợ hãi trong ta. Cho dù sự sợ hãi không trồi lên, nhưng ta cũng mời nó lên để nhận diện, làm quen và quán chiếu vào bản chất của nó để chuyển hóa. Ta thầm niệm: ''Tôi thế nào cũng phải chết. Tôi không thể nào tránh thoát được cái chết. Nỗi sợ của tôi ơi, chào em. Tôi biết em có đó.'' Sau khi sự sợ hãi được mời lên, được nhận diện, thì nó sẽ trở về nơi nguồn gốc của nó. Đây là sự thực tập lưu thông rất tốt cho tâm thức ta. Trong thời gian đó, nỗi sợ hãi của ta được tắm trong dòng sông của chánh niệm. Ta tạo dựng cái hồ bơi cho những tâm hành nội kết của ta thỏa thích bơi lội. Ta ôm ấp những tâm hành phiền não vài ba phút; mỗi lần mời gọi chúng lên và ôm ấp như thế, thì chúng sẽ yếu dần và sau đó chúng sẻ trở về ngủ yên dưới chiều sâu của tàng thức hoặc sẽ được chuyển hóa hoàn toàn tại tàng thức. Sự chuyển hóa này gọi là chuyển căn.

 

Nếu mỗi ngày ta thực tập như vậy thì nỗi sợ hãi trong ta sẽ suy giảm từ từ. Đây là phương pháp trị liệu của Bụt- trị liệu tận gốc, chuyển hóa tận gốc. Phép thực tập này không phải chỉ để đối trị với sự sợ hãi trong ta, mà nó có thể đối trị với tất cả các loại phiền não khác đang nằm trong chiều sâu tâm thức. Khi Tâm thức ta vận hành theo chiều hướng tốt, có sự lưu thông, thì những triệu chứng tâm thần của ta sẽ tan biến rất mau chóng hoặc không có cơ hội để phát triển.

 

Tôi xin chia sẻ thêm về tâm hành giận. Một số các nhà tâm lý trị liệu hướng dẫn các bệnh nhân của họ rằng: ''Quý vị phải tiếp xúc với cơn giận của quý vị, nhận diện sự có mặt của nó, rồi xua đuổi nó ra khỏi lãnh thổ của thân tâm quý vị.'' Các đương sự đó trong khi giận, họ có thể đóng cửa phòng lại và thực tập trút bỏ cơn giận bằng cách giộng vào cái gối hay vào bức tường v.v... để cho hả giận. Đó là phương pháp trút bỏ cơn giận theo phương cách trị liệu của ngành tâm lý trị liệu tây phương. Cách đối trị đó, tôi nghĩ một mặt có phần giúp ích. Giúp ích là vì các nhà tâm lý trị liệu khuyến khích các bệnh nhân của họ tiếp xúc và thực tập nhận diện cơn giận; mặt khác nó rất tác hại vì nó có tính cách dồn nén cơn giận, tập dợt cơn giận; theo phương pháp của Bụt, thì các bệnh nhân không thể dồn nén cơn giận của họ. Điều quan trọng là ta phải tiếp xúc và nhận diện cơn giận của ta với năng lượng chánh niệm. Tôi thấy phương pháp 'trút bỏ cơn giận' của ngành tâm lý trị liệu tây phương có cái gì đó không ổn. Một số nhà tâm lý trị liệu khuyên bệnh nhân của họ trút bỏ cơn giận bằng cách biểu lộ nó ra. Theo tôi, biểu lộ cơn giận không phải là giải pháp an toàn. Một số nhà tâm lý trị liệu khuyên bệnh nhân của họ mỗi khi có sự bực tức thì nên đi vào phòng của mình, khóa cửa lại và đánh vào cái gối ngủ cho hả giận. Họ bảo với bệnh nhân của họ rằng: ''Hãy lấy một cái gối thật lớn, chắc chắn và dùng hết toàn lực của mình để giộng vào nó.'' Đó gọi là phương pháp trút bỏ cơn giận. Cố nhiên quý vị sẽ cảm thấy hả giận một chút sau nữa giờ đánh cái gối, vì sau khi đánh vào cái gối nửa giờ như vậy thì quý vị hết năng lượng, kiệt sức. Rồi vì mệt quá, quý vị nằm đó co ro như một con tôm và thiếp đi. Vài giờ sau thức dậy thấy đói bụng, quý vị đi kiếm thức ăn, ăn xong rồi cảm thấy bình thường trở lại. Nếu có một người nào đó bất chợt tưới đúng vào cái hạt giống giận của quý vị, quý vị sẽ giận giữ giống hệt như trước hoặc có thể giận giữ hơn trước gấp mấy lần. Thật ra trong khi thực tập phương pháp biểu lộ cơn giận bằng cách đánh cái gối ngủ, quý vị thật sự đang tập dợt, tưới tẩm thêm cơn giận và làm cho hạt giống giận trong tâm thức quý vị lớn mạnh thêm. Phương cách này theo tôi không an toàn.

 

Tôi thấy phương pháp trút bỏ cơn giận như thế không giúp ích nhiều để chuyển hóa tận gốc cơn giận. Một số các nhà tâm lý trị liệu, sau khi khuyên bệnh nhân của họ thực tập theo phương pháp đó, đã nói với tôi rằng họ nhận thấy phương pháp này thật nguy hiểm. Trút bỏ cơn giận bằng cách đánh cái gối có thể trở thành thói quen của bệnh nhân. Nếu trong khi giận giữ mà gặp một người trên đường phố thì họ có thể trút cơn giận vào người kia một cách vô cớ; và như vậy thì rất nguy hiểm. Họ có thể bị bắt vào khám chỉ vì cái thói quen trút bỏ cơn giận của họ. Trong trường hợp này, đối tượng của sự trút bỏ cơn giận không phải là cái gối như họ thường làm ở tại phòng ngủ của họ, mà chính là một người lạ mặt gặp trên đường phố. Tôi thấy phương pháp trút bỏ cơn giận bằng cách đánh vào chiếc gối ngủ hoặc bằng phương tiện bạo động khác không thật sự là phương pháp tiếp xúc với cơn giận. Quý vị chỉ dùng năng lượng giận dữ để tiếp xúc với giận dữ mà thôi. Vậy thì quý vị phải sử dụng loại năng lượng nào để tiếp xúc với cơn giận mỗi khi nó phát khởi? Theo tôi, đó là năng lượng chánh niệm. Nếu không có chánh niệm, làm sao quý vị có thể tiếp xúc với cơn giận của quý vị? Quý vị chỉ để cho cơn giận lấn áp và thống trị quý vị; và đó không phải là sự thực tập tiếp xúc. Đừng nói chi tới cơn giận, cả cái gối quý vị cũng không tiếp xúc được. Bởi vì nếu quý vị thật sự tiếp xúc với cái gối, thì quý vị biết rằng nó chỉ là một cái gối mà thôi và quý vị sẽ không khờ dại đánh vào cái gối một cách mạnh bạo như vậy. Vì vậy phương pháp an toàn và hữu hiệu nhất là chúng ta thực tập trở về với hơi thở và dùng hơi thở chánh niệm để ôm ấp, nhận diện sự có mặt cơn giận trong ta và gọi đúng tên của nó, rồi sau đó nhìn sâu vào bản chất của nó để hiểu.

 

Bụt dạy rằng trong khi giận, an toàn nhất là ta không nên nói hoặc làm bất cứ điều gì, vì nếu nói và làm điều gì trong lúc mình đang giận sẽ rất nguy hiểm. Trong lúc đó, ta lập tức trở về với hơi thở chánh niệm để chăm sóc cơn giận của ta. Khi giận, ta thường có khuynh hướng để ý tới những điều mà người kia đang nói hoặc đang làm, và ta không chú ý gì tới sự khổ đau của ta. Càng chú ý tới người kia, ta càng giận giữ. Vì vậy tốt nhất là ta đừng chú ý tới những gì người kia đang nói hoặc làm, mà nên lập tức trở về chăm sóc lấy cơn giận của ta. Khi căn nhà của ta đang bốc cháy, điều trước tiên ta cần làm là tìm cách dập tắt ngọn lửa, chứ không nên chạy theo người mà mình nghi là đã châm lửa đốt nhà mình.

 

Mỗi khi giận, quý vị nên thực tập đi trong chánh niệm, thở trong chánh niệm để chăm sóc, ôm ấp và làm lắng dịu cơn giận. Trong khi làm như vậy, quý vị sẽ có cơ hội nhìn sâu và khám phá ra những nguyên do của cơn giận. Thực tập như thế một lúc thì tuệ giác sẽ phát sinh. Trước hết quý vị sẽ thấy rằng nguyên do chính của khổ đau thực ra không phải là từ người kia, mà chính là từ mình, vì hạt giống giận trong ta còn quá lớn. Chỉ cần có người bấm trúng nút là nó nỗi tam bành lục tặc như vũ bão và nó làm cho ta và mọi người chung quanh ta đau khổ. Cũng nghe như vậy, thấy như vậy, và bị xúc phạm như vậy, nhưng đối với người khác thì họ không giận dữ như ta, vì hạt giống giận trong họ quá nhỏ bé. Trước hết tuệ giác sẽ cho quý vị thấy rằng có lẽ vì tâm hành giận trong mình lớn quá và đó là nguyên do chính của sự giận hờn của mình. Người kia chỉ là nguyên nhân phụ mà thôi.

 

Trong khi tiếp tục đi thiền, làm lắng dịu thân tâm trở lại, quý vị có thể làm phát sinh ra thêm cái thấy rằng: ''A! bây giờ ta cảm thấy khỏe quá.'' Quý vị biết cách ôm ấp và làm vơi nhẹ sự bực tức, giận hờn trong quý vị. Nhưng người kia có thể vẫn còn sống trong địa ngục. Người kia chưa biết cách thực tập chăm sóc cơn giận như quý vị. Khi khổ, họ luôn luôn trút nỗi khổ niềm đau của họ ra và những người chung quanh họ đều lãnh đủ. Nếu người thương của quý vị đang gặp khó khăn, đang đau khổ cùng cực, thì quý vị phải lập tức tìm cách giúp đỡ họ. Nếu quý vị không giúp, thì ai sẽ giúp?

 

Bây giờ cơn giận của quý vị đã được chuyển hóa thành tình thương. Bằng phương pháp thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm và phương pháp ôm ấp những phiền não bằng năng lượng chánh niệm, quý vị đã chuyển rác thành hoa. Tu là quá trình của sự tập luyện. Trước hết, ta thực tập chung với những người đã có nhiều kinh nghiệm trong sự thực tập, sau đó ta có thể thực tập một mình. Ta làm gương cho mọi người trong gia đình. Ta gây cảm hứng cho những người thương của ta. Khi mọi người thấy cách ta đối trị với cơn giận như thế, họ sẽ rất kính phục ta và muốn học hỏi nơi ta để họ có thể thực tập mỗi khi họ bị cơn giận chi phối.

 

 

Trích Con Đường Giải Thoát

HT Thích Nhất Hạnh

(http://www.thuvien-thichnhathanh.org)

 


alt