Đạo diễn Bernardo Bertolucci và phim Vị Tiểu Phật

Không ít Phật tử Việt Nam cũng như thế giới đều đã biết đến phim Vị tiểu Phật. Vị tiểu Phật và Hoàng đế cuối cùng  là hai phim thành công nhất của đạo diễn nổi tiếng người Ý, ông Bernardo Bertolucci. Ông, với hai phim truyện vừa kể, đã đưa khán giả Âu Mỹ và toàn thế giới thâm nhập khám phá phương Đông, với cái nhìn sâu sắc, ý vị và tinh tế. Đặc biệt, đối với Phật giáo, Bertolucci đã có công lớn khi giới thiệu đạo Phật với công chúng toàn cầu bằng một bộ phim giá trị là Vị tiểu Phật. Điều đặc biệt là Bertolucci sinh trưởng và hoạt động nghệ thuật ở một quốc gia Thiên Chúa giáo số 1, Italia, và từng là một nhà hoạt động cánh tả (nếu phim Vị tiểu Phật được thực hiện do một Phật tử từ một quốc gia Phật giáo thì có lẽ vấn đề sẽ hoàn toàn khác). Hoàng đế cuối cùng  và Vị tiểu Phật cũng là hai phim hàng đầu làm nên tên tuổi của Bertolucci. Nhiều người nghĩ rằng Hoàng đế cuối cùng có ý nghĩa lớn hơn trong sự nghiệp của Bernardo Bertolucci, vì phim này đoạt nhiều giải thưởng quốc tế hơn (9 giải Oscar, 4 giải Quả cầu vàng), nhưng thực ra, nhiều nhà phê bình đã đánh giá rất cao về Vị tiểu Phật, xem đây là kết tinh sáng tạo của Bertolucci.

Phim Vị tiểu Phật sẽ được tìm hiểu trong một bài viết riêng. Ở đây, chỉ xin giới thiệu chủ yếu về hoạt động nghệ thuật của Bernardo Bertolucci, tiến trình dẫn đến thực hiện bộ phim vĩ đại Vị tiểu Phật.

THÂN THẾ CỦA BERNARDO BERTOLUCCI VÀ GIAI ĐOẠN SÁNG TÁC THỨ NHẤT

Bernardo Bertolucci sinh ngày 16 tháng 3 năm 1941 trong một gia đình có truyền thống hoạt động điện ảnh. Thân phụ ông, Attilio Bertolucci, là một nhà phê bình điện ảnh và cũng là một thi sĩ. Bào huynh của ông, Guiseppe Bertolucci, là một đạo diễn phim. Thời gian ông lớn lên cũng chính là lúc nền điện ảnh cũng như đất nước Italia hồi phục sau những chấn động, mất mát của Chiến tranh Thế giới thứ II. Bernardo Bertolucci đã là một nhà báo trước khi tham gia vào lãnh vực điện ảnh vào năm 1961, khi ông mới 20 tuổi, với công tác trợ lý đạo diễn phim Accatone (Đạo diễn phim Pier Paolo Pasolini).

Năm 1962, Bernardo Bertolucci đạo diễn phim truyện đầu tiên là Người mẹ đỡ đầu gầy guộc, dựa theo tác phẩm của Pier Paolo Pasolini, người mà ông giúp việc trong nhiệm vụ trợ lý đạo diễn trong những năm trước đó.

Có nhà phê bình đã coi Bertolucci là đạo diễn cánh tả, nghiên cứu chủ nghĩa Mác và làm phim theo đề tài cách mạng, tiêu biểu là phim Trước cuộc cách mạng (1965). Đây là một bộ phim bắt đầu nặng về tính suy tưởng và miêu tả những nét tiêu biểu nhất trong tiểu sử của ông, một chàng trai 24 tuổi muốn thoát khỏi nguồn gốc tư sản.

Năm 1970, ông thực hiện hai phim phê phán chủ nghĩa Phát xít là Sự ngộ nhận lớn lao (theo tiểu thuyết của Monravia) và Chiến lược con nhện.

Tên tuổi của ông trong lãnh vực điện ảnh đã dần dần hình thành và Bertolucci được ghi nhận là nổi tiếng thế giới với phim Bản tango cuối cùng ở Paris, thực hiện năm 1972. Đạt được đẳng cấp cao trong nghệ thuật đạo diễn, quay phim…, Bản tango cuối cùng ở Paris tiếp nối âm hưởng trước đó của Bertolucci: “Tuy trong phim nói về mối quan hệ giữa người đàn ông và đàn bà, nhưng đó là mối quan hệ chính trị. Quan hệ giữa các nhân vật trong đó là quan hệ điển hình giai cấp được thể hiện trực tiếp hoặc gián tiếp. Cũng như trong các bộ phim khác, khi muốn nói về một vấn đề nào đó, ông thường nhấn mạnh khía cạnh chính trị và sự phân hóa giai cấp trong xã hội Itatia đương thời”.(1)

Cũng phải kể đến Novecento, một bộ phim mà Bertolucci đã đầu tư nhiều công sức. Nó cũng là một bước phát triển những suy tưởng trước đây của ông.

Bài viết về Bertolucci trong Đạo diễn điện ảnh thế giới, do Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam tổ chức biên soạn, Hà Nội, 1995 đã đánh giá Novecento như sau: “Một thiên sử thi dài 5 giờ đồng hồ nói về sự phát triển của xã hội Italia và cuộc đấu tranh giải phóng giai cấp từ đầu thế kỷ cho đến cuộc đấu tranh giải phóng đất nước 1945”.(2)

HÀNH TRÌNH VỀ PHƯƠNG ĐÔNG: HOÀNG ĐẾ CUỐI CÙNG (1987) VÀ VỊ TIỂU PHẬT (1993)

Bertolucci bắt đầu một giai đoạn sáng tác mới với chuyến đi sang Trung Quốc. Để tìm hiểu và sáng tác, ông đã bắt nhịp nhanh với những suy tư của phương Đông cổ kính và theo đuổi ý tưởng làm phim về vị Hoàng đế cuối cùng  của Trung Quốc là vua Phổ Nghi. Phim Hoàng đế cuối cùng  đã được chuẩn bị công phu trong ba năm ròng, quay trong bảy tháng, kinh phí 25 triệu USD, với những cảnh quay hoành tráng và những trường đoạn như lễ đăng quang của Phổ Nghi tại điện Thái Hòa, Bắc Kinh. Phim đoạt ngay 4 giải Quả cầu vàng và 9 giải Oscar năm 1988 của Viện hàn lâm Điện ảnh Hoa Kỳ, và là bộ phim đứng thứ 3 của thế giới về giải thưởng quốc tế (sau Ben-hur (1959) của William Wiler và Cuốn theo chiều gió (1939) của Victor Fleming).

Trong khi số đông khán giả choáng ngợp và thu hút trước màu sắc phương Đông lộng lẫy, hấp dẫn, lồng vào một câu chuyện có thật đầy éo le của một ông vua của một quốc gia phương Đông vĩ đại, thì có một số khác lại đồng cảm với cái chất suy tư phương Đông tinh tế của Hoàng đế cuối cùng, cái chất suy tư được tích lũy chuẩn bị cho phim Vị tiểu Phật  tiếp sau đó.

Nếu như tư tưởng chủ đạo trong phim Hoàng đế cuối cùng, phim truyền hình nhiều tập về sau, do các đạo diễn Trung Quốc, thể hiện là sự khao khát tự do của ông vua bị cầm tù, thì Hoàng đế cuối cùng của Bertolucci là cái nhìn vô thường của cuộc đời, mà đặc biệt ở đây, sự vô thường của số phận một con người ở trên mọi người.

Kết thúc bộ phim, ông vua ba lần lên ngôi, ba lần thoái vị, ba lần làm tù nhân, trong đó hai lần trong chính hoàng cung, làm vua bù nhìn, trở lại ngắm nhìn ngôi báu của mình. Ngai vàng vẫn đó, lặng lẽ trong cố cung tĩnh mịch. Màn ảnh khép lại với tâm trạng man mác buồn, vấn vương trong lòng khán giả. Một chút ý vị “giấc mộng kê vàng” của cảm xúc từ người Trung Quốc xưa, hay một chút khơi gợi về cái nhìn vô thường Phật – Lão. Bertolucci đã thực hiện Hoàng đế cuối cùng  bằng những suy nghĩ và cảm xúc hoàn toàn khác trước đó. Ông đã trở thành một con người phương Đông thực sự và Hoàng đế cuối cùng là bước chuẩn bị cần thiết để có Vị tiểu Phật  sáu năm sau.

Năm 1993, Bertolucci lại rời nước Ý. Có lẽ không phải vì chối bỏ sự độc chiếm của truyền hình đối với nước Ý như có ý kiến nhận định. Mà chính là vì sau bước đột chuyển do Hoàng đế cuối cùng mang lại, Bertolucci nhận ra rằng phương Đông mới chính là nguồn cảm hứng sáng tạo của ông. Ông đến Nepal, quê hương đức Phật, và Tây Tạng, kho tàng văn hóa phương Đông. Kết quả của hành trình về phương Đông lần thứ hai này là Vị tiểu Phật, thành tựu đỉnh cao sáng tác của Bertolucci. Sách Đạo diễn điện ảnh thế giới đã dành sự chú ý đặc biệt đối với phim Vị tiểu Phật (mà họ dịch là Tiểu Phật-đà) hơn cả Hoàng đế cuối cùng. Sau đây là những lời đánh giá đó:

“Bertolucci lại rời Italia ra đi, ông không thể chịu nổi việc chứng kiến đất nước có quá khứ huy hoàng và phong phú này đang chìm vào chủ nghĩa hưởng thụ và sự độc chiếm của truyền hình. Bertolucci lại sang phương Đông. Nhưng lần này ông đã tìm đến những con đường mòn của thành phố Katmandou và những ngôi chùa không ai lạc vào được của Tây Tạng. Ông muốn loại bỏ “cái tôi Tây phương” của mình trước sự khôn ngoan của đạo Phật Tây Tạng. Tiểu Phật-đà là một cuốn sách sinh động, kể về vị hoàng tử trẻ Tất-đạt-đa – người vào năm 556 trước công nguyên đã từ bỏ cuộc sống vinh quang trong lâu đài hoàng gia ra đi tìm ra chân lý và trở nên vị Phật tương lai với những giáo thuyết làm xáo trộn cả Á châu. Là người Italia, Bertolucci đã tỏ ra bị lôi cuốn bởi bản sắc thế tục của tôn giáo (3). Một đạo giáo không có thượng đế nào ngoài chính con người. Ông cảm thấy tiếc tại sao văn hóa phương Tây lại quá mê cuồng với những kẻ dữ, sa đọa, vô liêm sỉ. Trong khi đó ở Tây Tạng – một số quốc gia còn mang bóng dáng thời Trung cổ, bị cô lập với thế giới bên ngoài -  đã phát triển một nền triết học và một phép biện chứng đến mức đáng ngưỡng mộ.”

Với bộ phim Tiểu Phật-đà của mình, Bertolucci đã chọn cách kể lại ý tưởng Phật giáo qua ngã cảm xúc hơn là cách chiêm nghiệm triết học. Với phương pháp này, bộ phim tưởng chừng cao siêu kia lại trở nên đơn giản để cho người xem phương Tây chưa hiểu biết gì về đức Phật sẽ tỏ ra thích thú như những đứa trẻ con nghe chuyện thần tiên vậy. Đó là câu chuyện nửa trẻ thơ, nửa trí tuệ siêu phàm, mỗi hình ảnh về tiểu Phật đều hấp dẫn kỳ lạ. Bertolucci đã sáng tạo nên nhiều cảnh sắc thơ mộng trong phim: Một chú bé vừa chào đời đã biết đi, dưới mỗi bước chân nở ra một bông sen… Được cưng chiều đến lớn Tất-đạt-đa ra khỏi thành phố để khám phá thế giới: Ngài thấy được cái sinh, lão, bệnh, tử. Rồi Ngài ăn chay, để tóc và móng tay. Rồi phép lạ diễn ra khi đức Phật trở lại dưới bầu trời sấm sét với nhiều đứa trẻ… Cứ thế từng đoạn phim được diễn ra, trong sáng như một siêu phẩm dành cho thiếu nhi. Nét thơ ngây qua đi, cái đẹp bao trùm lên tất cả…

Tiểu Phật-đà được xây dựng với quy mô hoành tráng, huy động hàng loạt các ngôi sao nổi tiếng thế giới như Keanu Reevers (vai hoàng tử Siddhartha hóa Phật), Briget Fonda, Chris Isaak, Rechard Gere, Cindy Crawford, TinaTuner… phim được quay ở Nepal, Bhutan, Seattle, London… với lực lượng diễn viên quần chúng hùng hậu. Có cảnh được huy động tới hàng ngàn người. Song điều đó cũng không thấm gì với những “đồng minh” của ông với khoảng 600 triệu người theo đạo Phật từ các nước trên thế giới. Thêm một lần nữa, Bertolucci lại mang đến cái “khí vị phương Đông cho khán giả toàn thế giới”.(4)

Đây là những đánh giá trong một công trình nghiên cứu do Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam thực hiện. Thiết tưởng, không cần bình luận gì thêm nữa.

KẾT LUẬN

Như vậy, có thể chia tiến trình sáng tác của Bernardo Bertolucci ra làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1, từ 1961 đến 1984, với các sáng tác ngay tại chính quê hương ông, nước Ý; và giai đoạn 2 từ 1984, khởi đầu hành trình về phương Đông, ông bắt đầu chuẩn bị làm phim Hoàng đế cuối cùng tại Trung Quốc, và đạt đỉnh cao với việc thực hiện phim Vị tiểu Phật tại Nepal, Tây Tạng.

Giai đoạn 1, ông sáng tác trong vai trò một nghệ sĩ cánh tả, với những bộ phim thao thức, suy tư hiện thực xã hội.

Trong giai đoạn 2, ông sáng tác như một đạo sĩ phương Đông, với cái nhìn về cuộc đời vô thường, và những cảm hứng về đức Phật. Nếu những tác phẩm trong giai đoạn 1 đã từng bước đưa ông đến vị trí một đạo diễn lớn nặng tình với cuộc sống và bản lĩnh trong nghề nghiệp, thì trong giai đoạn 2, ông đã cống hiến cho kho tàng nghệ thuật điện ảnh nhân loại những tác phẩm giá trị tuyệt đỉnh, mang đậm tư duy và triết lý tôn giáo phương Đông.

Khán giả điện ảnh toàn thế giới đánh giá cao sáng tác của ông trong 2 giai đoạn, với mỗi giai đoạn có những đóng góp riêng.

Riêng tôi, một Phật tử, xin giới thiệu về ông, một đạo diễn đã gián tiếp có những đóng góp lớn lao trong việc giới thiệu đạo Phật đến với công chúng toàn thế giới bằng một tác phẩm điện ảnh giá trị: phim Vị tiểu Phật. Đối với Phật giáo, Bernardo Bertolucci vô tình đã là một nhà hoằng pháp với phương tiện điện ảnh.■

Ghi chú
(1) (2) (4) Thanh Lộc: Bernardo Bertolucci “Hãy đối diện với số đông khán giả của mình”, trong Đạo diễn điện ảnh thế giới, Viện Nghệ thuật và Lưu trữ Điện ảnh Việt Nam, Hà Nội, 1995, trang 40.
(3) Có lẽ tác giả lầm lẫn, không phải tôn giáo nói chung mà chỉ có Phật giáo mới không có thượng đế nào ngoài chính con người.

 

Minh Thạnh

Nguồn Tập San Pháp Luân 44