Giai điệu kết nối sự yêu thương

Đã là Phật tử thuần thành  thì tâm niệm của họ  thường khát khao được  thực thi những hạnh lành và đoạn trừ các nghiệp chướng. Thực tế cuộc sống vốn vô thường và có nhiều biến động thay đổi khiến con người phải thường xuyên giáp mặt với nhiều chướng duyên, trở ngại trong khi đối diện với chính mình và hành xử vơi người khác. Thế nên, thông điệp của Phật giáo dành cho mỗi người là thực hành nếp sống hướng thượng.

     Cụ thể, trong đời sống hàng ngày, từng giây phút tiếp xúc với hiện tại, người Phật tử không chỉ tâm niệm về “giai điêu kết nối yêu thương” mà còn làm hóa hiện bằng việc làm thân thiện qua thân khẩu ý an lành: “Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não, nguyện đắc trí huệ chơn minh liễu, phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ, thế thế thường hành Bồ tát đạo” (Nguyện diệt trừ ba chướng cùng phiền não, nguyện được trí huệ trong sáng nhất, tất cả tội chướng đều tiêu hết, đời đời thường làm đạo Bồ tát).
Rõ ràng, để được bình an trong đời sống thường nhật, con người phải biết đối diện và diệt trừ ba chướng ngại phiền não thường xuyên gây khổ đau thân tâm, ngăn cản con đường giác ngộ. Ba chướng duyên phiền não ấy theo các kinh luận như kinh Đại Niết Bàn hay luận Câu xá, Đại Trí Độ diễn dịch là Phiền não chướng, Nghiệp chướng và Dị thục chướng (Báo chướng). Phiền não chướng tức bản tính lừng lẫy, đầy đủ ba phiền não tham, sân, si làm cho con người khó chán lìa các dục, khó dạy bảo, khó khai ngộ, khó được viễn ly và khó được giải thoát. Ở đây chỉ cho các phiền não thường hưng khởi. Nghiệp chướng tức là chỉ cho nghiệp Ngũ vô gián, là nghiệp bất thiện do thân khẩu ý tạo tác. Còn Dị thục chướng là quả báo ba đường ác do các nhân phiền não nghiệp chiêu cảm ra.
Các bản sớ giải của các bộ kinh còn chú giải thêm về ba chướng ngại phiền não này khá chi tiết và cụ thể, nó khiến con người không có khả năng gặp gỡ được Tam bảo, nhìn nhận được ánh sáng của Như Lai, sự thật công ước của cuộc đời, sự hòa hợp của bản chất Tăng già. Ba chướng duyên đó, bao gồm Ngã mạn trọng chướng, Tật đố trọng chướng và Tham dục trọng chướng.  
Ngã mạn trọng chướng được nhìn nhận như là những chướng ngại kiên cố được thiết lập trong tâm thức qua sự biểu hiện của sự ngã mạn, kiêu căng, kiến chấp khiến cho con người không sinh tâm cung kính đảnh lễ Phật, Bồ tát, sư tăng, cha mẹ, không thể tu học theo được Chánh pháp của Như Lai. Đối với người thường sống trong thái độ Tật đố trọng chướng thì hay biểu hiện sự ganh ghét với hiền thiện, người có tài năng, tự cho mình là phải, người khác là quấy, thấy người tu thiện thì sinh tâm ganh ghét, không có cơ duyên học được giáo nghĩa Phật Đà. Còn với những người tâm tính tham lam, nhiều dục vọng, biếng nhác, thích ngủ nghỉ, mê mờ, trạo cử, phá giới, cũng không thể học được ý nghĩa của Chánh pháp. Nói chung ba hạng người này không biết tin nhân quả nghiệp báo, không kính thuận Sư trưởng, không biết trọng người lương thiện, không giữ gìn đạo nghiệp, do tạo nhiều nghiệp ác nên không gặp được Chánh pháp.
Xem ra, ba chướng phiền não này, chúng không chỉ gây khổ đau cho chính bạn mà còn khiến cho tự thân của mỗi người không có sự kết nối yêu thương cần thiết trong cuộc sống. Không ai có thể sống một mình nếu như không có sự kết duyên tương thích với người khac, với môi trường xung quanh từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội. Thật là cô độc khi bạn sống với một cái tâm tham sân si muốn nắm giữ tất cả. Nhất là trong đời sống kinh tế thị trường, có nhiều thứ kích thích lòng ham muôn sở hữu vật chất, tiền tài kể cả danh vọng, quyền uy. Chúng thật tế nhị len lõi vào tâm thức, sai khiến con người quyết tâm hành động để thỏa mãn. Tại đây con người cần có chánh niệm tỉnh giác để đối trị chúng. Cụ thể khi tham biết mình đang tham, khi sân biết mình đang sân, khi si biết mình đang si. Có như vậy, chúng ta mới tự bước ra khỏi vòng xoáy của cuộc đời đang nhấn chìm thân mạng của chính mình.
Chẳng hạn bạn là một doanh nhân Phật tử, công việc kinh doanh hàng ngày khiến bạn luôn phải tỉnh táo, suy tư trước những biến động giá cả thị trường, sự lợi nhuận trong kinh doanh, giá thành sản phẩm lên xuống thất thường, đầu vào đầu ra của một mặt hàng… Trong những trường hợp như thế sự vượt qua các chướng ngại của phiền não, giữ tâm quân bình, không chạy theo lợi nhuận, không đầu cơ tích lũy, thấy lợi không tham, gặp thất bại không nản chí là bạn đang giảm thiểu sự khổ đau và đoạn trừ phiền não chướng. Sự niềm nở, nhiệt tâm, tôn trọng khách hàng, sự kiên nhẫn sẽ là nhịp cầu để khách hàng tín nhiệm, yêu thương. Hoặc sự bận rộn trong kinh doanh, dẫn đến stress. Bạn tự quy ước cho mình vào ngày Chủ nhật là ngày dành cho sự thực nghiệm tâm linh, bằng cách hướng tâm vào việc đi chùa để hành thiền, nghe giảng, tụng kinh, bái sám để lòng được thanh thản. Nhưng trên đường đi đến chùa, chẳng may bạn gặp một sự hấp dẫn của kinh doanh, sự lợi nhuận cao từ thông tin nóng hổi của một người bạn nào đó, khiến bạn không thể làm chủ được “cái nghiệp kinh thương” phải bỏ một ngày tu tập an lạc. Như vậy, bạn đang bị “phiền não chướng” thâm nhập tâm thức để không thể sẵn sàng đón nhận sự bình an nội tại của một ngày Chủ nhật an lành.
Rõ ràng, việc tu tập để loại trừ phiền não chướng đang xảy ra trong hàng ngày thật là khó đối với chúng ta. Hàng ngày bạn phải thường xuyên đối diện “nghiệp chướng” đang hiện hữu quanh ta. Nghiệp đến với chúng ta chẳng khác gì như bóng theo hình. Nó thật sự làm trở ngại con đường tu tập và thăng chứng của mỗi người trong lộ trình hướng tâm giải thoát. Sự tiếp xúc của sáu căn, tức sáu giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đối với sáu trần tức sáu đối tượng sắc đẹp, âm thanh, mùi hương, vị ngọt, xúc chạm, pháp trần khiến bạn đam mê, dẫn đến tham muốn chiếm đoạt, nắm giữ, tạo ra các nghiệp chẳng lành. Áp lực công việc, khả năng hạn chế về chuyên môn, những phức tạp đa chiều trong các mối quan hệ giữa con người với con người ở môi trường làm việc và liên hệ với gia đình khiến bạn không làm chủ đươc thân tâm, dẫn đến những mâu thuẫn nội tại. Những hạt giống tham sân si, bất thiện được tích lũy sẽ có cơ hội bộc phát, tạo ra những nghiệp bất thiện, gây khổ đau cho chính mình và người khác.
Bản kinh Giáo giới La Hầu La, Phật thường khuyến cáo La Hầu La phải thường xuyên phản tỉnh trước, trong và sau khi làm một việc gì đó. Trường hợp trước khi làm việc gì nếu bạn phản tỉnh nhiều lần, thấy việc làm đó sẽ đưa đến hại mình, hại người, hại cả hai, Phật dạy bạn phải dứt khoát từ bỏ việc ấy ngay. Hoặc đối với công việc bạn đang tiến hành giữa chừng, nếu bạn tiếp tục phản tỉnh thấy đó là công việc bất thiện, chẳng đem lại lợi ích gì cho mình và mọi người thì Phật cũng khuyến cáo từ bỏ, dù có thiệt hại đôi phần vật chất. Cuối cùng là sau khi thực hiện được một việc làm nào đó, nếu tự phản tỉnh và kiểm điểm lại thấy hành động, việc làm này chẳng có giá trị thiết thực gì cả thì lập nguyện từ bỏ, không để tái hiện thêm lần nữa. Ngược lại, sau khi phản tỉnh nhiều lần trước một việc làm nào đó về thân khẩu ý, trong khi thực hiện, sau khi hoàn tất một công việc thấy đây là việc làm có giá trị, có lợi ích lớn cho mình và cho mọi người, cho cả hai thì phải thường xuyên duy trì và phát triển. Làm được như thế, bạn là người đang đoạn trừ nghiệp chướng và từng bước sống với sự yêu thương với từng cá nhân bạn đang tiếp cận. Thái độ lo âu, xa lánh, tránh né được loại trừ thay vào đó là thân thiện gần gũi, kính mến khi tiếp xúc giữa chủ thể và đối tượng. 
Hẳn nhiên, bạn cần có thái độ sống biết huân tập và gieo trồng nhiều hạt giống thiện lành để vượt qua các nghiệp Dị thục chướng đeo đuổi trong thân và tâm bạn. Đây là kết quả những chướng ngại đã được tích lũy từ lâu, có thể đời trước hay nhiều đời khác, nói chung khi được sinh ra, cá nhân đó đã thọ lĩnh những hậu quả về nghiệp nhân, nghiệp quả đã gieo trồng trước đó mà bản thân đó phải gánh chịu. Nói theo lời Phật là tự mình làm cho nhiễm ô thì cũng tự mình làm cho thanh tịnh bằng cách phải giải nghiệp.
      Cuộc sống thì vận động không ngừng, đời sống đạo có mặt khắp nơi, không chỉ trong khuôn viên nhà chùa mà còn cả trong gia đình và ngoài xã hội. Mỗi khi bạn đoạn trừ ba nghiệp được tiêu tan thì trí tuệ bừng khởi đúng như tâm nguyện của bạn: “Nguyện được trí huệ trong sáng nhất”. Tại đây, bạn sẽ khởi tâm hoan hỷ sánh vai cùng với mọi người lập nguyện thực thi lý tưởng Bồ tát, độ mình độ người trong cuộc hành trình về miền đất an lạc.
THÍCH PHƯỚC ĐẠT