Tỳ-ni – căn bản của thiền học

altĐối với người xuất gia mong cầu đạo giải thoát, ai cũng đều nhớ nghĩ câu:

“Tỳ-ni tạng trụ, Phật pháp diệc trụ

Tỳ-ni tạng diệt, Phật pháp diệc diệt”

Xem đó đủ biết giới luật là mạng sống của Phật pháp. Kinh nghiệm tu hành và chứng đắc của chính Đức Giáo chủ Bổn sư Thích-ca-mâu-ni Phật cũng như hầu hết hàng thánh chúng của Ngài đều trải qua quá trình thực hiện ba môn học vô lậu: Giới-Định-Huệ. Ba môn học làm cương lĩnh cho sáu độ, là cội gốc của muôn hạnh, nhờ giữ Giới mà sanh Định, nhờ Định mà phát Huệ.

“Giữ Giới là đất bằng.

Thiền Định là nhà cửa,

Hay sanh Trí Huệ sáng,

Thứ lớp được tỏ chiếu

Sức định huệ trang nghiêm

Muôn hạnh làm khẳm đủ

Cho đến khi thành Phật

Do giới làm cội gốc”

(Lời tựa kinh Phạm Võng)

Giới luật quan trọng như vậy cho nên Ngài Tuyên Luật sư nghe tạng Luật Tỳ-ni tới mười hội. Ngài Huệ Hưu Pháp sư nghe luật đến trọn đời. Tuy nhiên tâm lý người xuất gia thời nay phần nhiều bỏ quên giới luật, vì cho rằng khô khan, gò bó, ý chỉ muốn đi tìm kinh học luận để phô trương cái lý huyền diệu cao siêu, nói nghe vui tai, bàn cho vui miệng, quên rằng xu hướng đó chẳng khác nào xây nhà lầu trên một cái nền không kiên cố! Càng xét kỹ, ta càng thấy Giới-Định-Huệ liên quan mật thiết với nhau và hổ tương cho nhau chớ hoàn toàn không tách rời nhau, biệt lập nhau. Như Ngài Viễn Công đã nói: “Tâm là chủ một thân, gốc muôn pháp, tâm vương nếu chánh thì lục tặc chẳng xâm, chánh niệm sờ sờ dễ được vào đạo”. Mà muốn giữ được chánh niệm, không gì hơn định tâm tỉnh giác, làm việc gì biết việc ấy, sống hiện tại biết hiện tại, muốn lục tặc chẳng xâm thì phải bủa quanh mình một màng “lưới giới” dày, chắc.

Để tìm hiểu mối liên quan giữa Tỳ-ni và Thiền học, ở đây ta nên đi sâu phần “Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu” và phân tích ý nghĩa những bài kệ “ngày, dùng” vì đây là căn bản hành trì giới luật của người mới xuất gia vào cửa Phật thọ giới Sa-di (Riêng những câu chú là trích ở Mật Bộ, xưa nay chẳng ai dịch, cho nên ở đây chúng tôi không dám đề cập đến, chỉ biết theo lời Tổ dạy, nếu cứ y pháp kiên tụng thì đều được tiêu tai sinh phước).

Tỳ-ni, nguyên tiếng Phạn, Trung Hoa dịch “Thiện trị” nghĩa là khéo tự trị tất cả ác. Lại dịch là “Điều phục”, tức là điều luyện ba nghiệp, ngăn phục lỗi quấy.

Có người đặt câu hỏi: “Nếu biết tất cả các pháp tức là tự tánh của tâm, nếu biết huệ thân chẳng phải do khác tỏ ngộ, cần gì mảy mún trên hình tướng làm chi?” Họ biết đâu rằng những kệ chú này đâu phải là pháp ngoài tâm, vì kệ là tâm lời của Phật, chú là chủng trí của Phật.

Bộ “Tỳ-ni ngày dùng thiết yếu” này là do Lão Hòa thượng Kiến Nguyệt ở triều Thanh rút lược từ phầm “Tịnh Hạnh” kinh Hoa Nghiêm cùng Mật Bộ và các kinh luận ra năm mươi bốn bài kệ và ba mươi tám câu chú. sắp thành quyển để tiện cho kẻ sơ cơ mới học, dùng làm chuẩn tắc cho thân tâm, trong mười hai giờ gìn giữ bốn oai nghi, lấy đó làm thềm bậc tiến đạo. Còn Thiền định ?

Thiền: Phiên âm theo tiếng Phạn là Thiền-na, xưa dịch là “Tư duy”. Nay các học giả dịch là “Tĩnh lự”. Nghĩa là dùng tâm thể vắng lặng để thẩm sát các vấn đề đạo pháp.

Định: Phiên âm theo tiếng Phạn là Tam-muội, có nghĩa là tập trung tâm ý vào một đối tượng duy nhất, không để cho tâm ý tán loạn.

Vậy, Thiền định là tập trung ý vào một đối tượng duy nhất không cho tán loạn để tâm thể được vắng lặng và cho tâm dụng được mạnh mẽ, hầu quan sát và suy nghiệm chân lý.

Để có thể minh chứng: Tỳ-ni là căn bản của Thiền học, ta thử tìm hiểu đại ý của các kệ chú này.

Ta biết rằng giới Bồ-tát là thuộc Đại thừa, còn giới luật Sa-di thuộc Tiểu thừa. Vậy tại sao Lão Hòa thượng Kiến Nguyệt dạy chúng rằng: “Một bộ Ngày Dùng này là pháp màu Nhất thừa, tư cơ tiến đạo, “sự” thì nhiếp thân tâm, “lý” thì về viên đốn, chẳng nên xem là kệ chú tầm thường.”

Cổ Đức lại có câu: “Đại Thánh độ người, công chỉ ở nơi giới.”

Luận Đại Trí Độ nói: “Như núi chúa Tu-di kia không phải không nhân duyên hay ít nhân duyên mà làm cho chấn động được. Giáo pháp Tỳ-ni hưng khởi nhờ hội đủ mười nhân duyên…” Trong đó ta thấy có những nhân duyên khiến giới này mang tính Đại thừa, đó là:

Vì nên ba tụ giới

Vì mở rộng bốn thệ nguyện

Vì lợi ích mình, người

Vì tròn đầy quả Phật.

Thật vậy, đi sâu tìm hiểu nghĩa các bài kệ, ta nhận thấy mỗi bài kệ bốn câu chẳng ngoài hai ý:

Ý thứ nhất là “ước về ba tụ giới”

Ý thứ hai là “ước về bốn hoằng nguyện”

Ước về ba tụ giới:

Cụ thể là bài kệ Thăm bệnh (khán bệnh)

Thấy người bệnh tật --> Nhiếp luật nghi giới

Cầu cho chúng sanh --> Nhiếp chúng sanh giới

Biết thân luống vắn --> Nhiếp thiện pháp giới

Lìa pháp trái giành --> Nhiếp thiện pháp giới

Ước về bốn hoằng nguyện:

Cụ thể bài kệ Bữa cơm

Bằng thấybát không --> Nguyện học pháp môn

Cầu cho chúng sanh --> Nguyện độ chúng sanh

Rốt ráo trong sạch --> Nguyện dứt phiền não

Trọn không buồn rầu --> Nguyện dứt phiền não

Bài kệ Ra nhà

Từ nhà ra đi --> Nguyện học pháp môn

Cầu cho chúng sanh --> Nguyện độ chúng sanh

Thẩm vào trí Phật --> Nguyện thành Phật

Hằng ra ba cõi --> Nguyện thành Phật

Luận Tát-bà-đa nói: “Tất cả đệ tử Phật đều nương giới mà ở, muôn lành do đó mà sinh trưởng, nếu hay nương giới tu hành, thì đặng các căn lành thắng, thì biển khổ có thể qua, bờ kia có thể tới”

Phép thọ tội, lao ngục còn có ngày hết, phiền não thật không bờ mé. Cho nên kinh Tam-muội nói: “Phàm người cầu đạo an thiền, trước phải dứt niệm, người ta sở dĩ chẳng đắc đạo chỉ do tư tưởng niệm nhỏ nhiều nên thành cõi năm trược uế ô chẳng gọi cõi tịnh”

Cổ Đức cũng có câu: “Hương vào lúc mặc áo ăn cơm, nơi xả đại phóng tiểu mà không tạp dùng tâm tức là công phu tốt, lo gì chẳng thấu thoát, nếu ngộ đặng bản nguyện tịnh uế này thời có thể ngộ cõi đại thiên thế giới chẳng ở ngoài tâm. Từ đó nhơ hết tâm sạch, liền biết thân ta làm ra pháp giới, pháp giới làm ra thân ta, thân ta và pháp giới chẳng một chẳng hai thì ba độc tự bỏ, pháp tội tự trừ vậy”

Nếu trong ngày chúng ta luôn luôn thọ trì những kệ chú Tỳ-ni này thì bằng cách này chúng ta đã luôn luôn tự sống tỉnh giác, chánh niệm, làm việc gì ra việc nấy, không lẫn lộn, không sai trái thì có đâu sai phạm lỗi lầm. Và, vô hình trung chúng ta tự lãnh phần việc kìm giữ cái tâm vốn hay mê lầm, vọng tưởng, chấp mắc, điên đảo, nhiễm ô, ngã mạn này… lo gì chân tâm không hiển lộ!

“Nước lòng chúng sanh sạch

Bóng Bồ-đề hiện trong.”

Đó là nhờ giới mà sanh định, nhờ định mà phát huệ, đó là tất cả cái vi diệu của Tỳ-ni trong Thiền học vậy.

Tuy nhiên tâm lý thông thường của chúng ta hay tự dễ dãi với chính mình cho nên hay bằng lòng với lời nói, nếp nghĩ, hành động của mình để rồi sống qua loa, cạn cợt, không thích dành thời giờ đi sâu tìm hiểu lời dạy của Phật, của Tổ, của các vị Cổ Đức, nhất là về mặt giới luật, nên những tệ trạng này có thể xẩy ra trong hàng tu sĩ Phật giáo:

- Học cho thuộc giới luật chỉ để đọc tụng suông mà không tìm hiểu ý nghĩa giáo dục, không hành trì nghiêm túc.

- Cho giới luật là tạp vụn làm cho người tu sĩ khó chịu, hổ thẹn.

- Cho giới luật là gò bó làm cho người tu sĩ cảm thấy bực mình vì bị bức bách khổ sở.

Thậm chí còn có tình trạng không thông hiểu các trường hợp khai, giá, trì, phạm… rồi cho rằng giới nào cũng có thể khai cả.

Thật đúng như lời Đức Phật nhận xét là: “Trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử chứ không phải trùng ở ngoài đến ăn!”.

Họ biết đâu rằng, như Đại Luận nói: “Thích tử thọ trì giới cấm là phần tánh, cạo tóc nhuộm áo là phần tướng”. Trong kinh Pháp Cú, Đức Phật còn dạy rất rõ: “Như thành quách được phòng hộ thế nào, tự thân các ngươi cũng phải nên phòng hộ như thế. Một giây lát cũng chơ buông lung. Hễ một giây lát buông lung là một giây lát sa đọa.”

Nay thử lấy một sự việc hết sức tầm thường và không được thanh tịnh (nếu ta quan niệm nó là tầm thường và không được thanh tịnh) là nếu “vào xí” và “tẩy tịnh” mà chúng ta không niệm chú thì, như kinh luật nói: “Dù dùng nước bảy sông Hằng mà rửa cũng không sạch đặng”. Vì sao? Vì chủng tử chẳng sạch vậy! Rồi thì dùng tay lau tượng, lật kinh, thân đi kinh hành, lễ Phật, đã không được phước lại mắc tội nặng, không ai cứu được!

Quá trình từ giới vào định đối với người tu sĩ sơ cơ, nhất là trong phạm vi dùng Tỳ-ni làm căn bản cho Thiền học này, cũng giống như một hài nhi trong qúa trình tập đi vậy. Từ giai đoạn run rẩy nắm chặt tay mẹ không dám buông cho đến giai đoạn bước những bước đầu chập chững, rồi đi lại thông dong, cho đến lúc đôi chân đạt được các kỹ năng: chạy, nhảy, phóng, lò cò… phải trải qua biết bao cố gắng, tập luyện, có khi phải chịu sự u đầu, mẻ trán, trầy tay, trặc chân… để đến, khi đã làm chủ được đôi chân rồi thì lúc đó mặc tình, muốn bắt chúng cử động thế nào tùy ý. Đi mà không cần biết mình đi, chạy mà không cần biết mình chạy. Đây cũng giống trong “Thập mục ngưu đồ”. Người chăn trâu phải trải qua mười giai đoạn chăn dắt trâu, mới có thể “thỏng tay vào chợ”.

Thấy rõ việc hành trì Tỳ-ni có lợi như thế nào cho sự tu tập thiền định, ta sẽ cảm nhận tất cả cái thoải mái, bình thường, an ổn biết bao khi dùng Tỳ-ni thúc liễm thân tâm, dần đần đạt trọn tam vô lậu học vì khi đã an trụ trong thiền định được rồi thì trí tuệ bát-nhã sẽ dễ bừng sáng để giúp ta chỉ một bước mà có thể từ bở bờ mê sang bến giác.

Nói tóm lại, kệ chú Tỳ-ni này “Thiết cận thân tâm, như món đồ cần thiêt, là việc yếu của đạo đức, như đường tắt sẽ phải đi, khiến người học giới trong khi mặc áo, ăn cơm, lễ Phật, ngồi thiền cho đến ra vào đi lại, đại tiểu v.v… giờ giờ, khắc khắc, kiểm thúc căn thức không cho một mảy buông lung, như chăn tượng bằng câu, trị khỉ bằng xiềng. Nay dùng kệ chú này kềm tâm một chỗ, đêm ngày không hở thì không việc nào chẳng xong”. Lời Cổ Đức trên đây quả là một minh chứng hùng hồn cho thấy Tỳ-ni là căn bản của Thiền học vậy.

 

Thích nữ Diệu Huệ

Trích: TS Suối Nguồn 11

(tuvienhuequang.com)