Giảng giải kinh Kính Diện Vương (phần 1)

(Kinh Sự Thật Đích Thực) 

 


Kinh Kính Diện Vương là Kinh thứ năm trong Nghĩa Túc Kinh do cư sĩ Chi Khiêm dịch và là Kinh thứ 198 trong Đại Tạng Tân Tu. Đề tài của Kinh này thuộc về trí tuệ, tiếng Pali là Paramattha có nghĩa là chân đế tức sự thật tuyệt đối. Trong đạo Bụt có hai loại sự thật: sự thật tương đối (thế tục đế) và sự thật tuyệt đối (đệ nhất nghĩa đế hay chân đế).

Kinh Kính Diện Vương tương đương với Kinh Paramattha Sutra trong Kinh Tập (từ câu 796-803) của Tiểu Bộ Tạng Pali. Đặc biệt trong Tạng chữ Hán, Kính Diện Vương kinh có hai bản. Bản đầu tiên là bản dịch của cư sĩ Chi Khiêm trong Nghĩa Túc Kinh, kinh thứ 198 trong Đại Tạng Tân Tu. Ngoài ra trong Đại Tạng Tân Tu còn có một kinh gọi là Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội. Đó là kinh thứ 152 trong Đại Tạng. Kinh Lục Độ Tập có thể được dịch tại Việt Nam trước khi thầy Tăng Hội sang nước Ngô truyền đạo, đó là môt giả thuyết. Giả thuyết thứ hai là, sau khi sang Ngô lập chùa Kiến Sơ xong, thầy Tăng Hội mới bắt đầu dịch kinh này.

Trong Kinh Lục Độ Tập có tất cả 90 kinh, đó là những câu chuyện tiền thân liên hệ tới đời sống của Đức Thế Tôn và các vị Bồ Tát. 90 câu chuyện được chia ra làm sáu phần:

1- Phần đầu là Bố thí độ vô cực 布施土無極. Chữ vô cực ở đây được dùng thay cho chữ đáo bỉ ngạn (paramita).

2- Phần thứ hai là Giới độ vô cực 戒土無極

3- Phần thứ ba là Nhẫn nhục độ vô cực 忍辱土無極

4- Phần thứ tư là Tinh tiến độ vô cực 精進土無極

5- Phần thứ năm là Thiền định độ vô cực 禪定土無極

6- Phần thứ sáu là Minh độ vô cực 明土無極. Thay vì dùng chữ Trí tuệ độ vô cực, thầy Tăng Hội đã dùng chữ Minh độ vô cực.

Minh độ vô cực có 9 kinh, Thiền định độ vô cực có 9 kinh, Tinh tiến độ vô cực có 19 kinh, Nhẫn nhục độ vô cực có 13 kinh, Giới độ vô cực có 15 kinh và phần còn lại thuộc về Bố thí độ vô cực.
90 kinh được sắp thành sáu phần, trong Minh độ Bát Nhã Ba La Mật có 9 kinh và kinh Kính Diện Vương nằm trong Minh độ vô cực. Đó là kinh thứ 89 tức kinh áp chót của Lục Độ Tập kinh.
Chúng ta có thể giả định, khi còn ở Việt Nam thầy Tăng Hội đã dịch được khoảng 80 kinh, sang nước Ngô thầy dịch thêm một số nữa và thầy lấy một kinh trong Nghĩa Túc Kinh là kinh Kính Diện Vương để vào phần gần cuối của Lục Độ Tập Kinh.

Trong tạng chữ Hán chúng ta có hai bản kinh Kính Diện Vương nhưng bản trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội được sao chép và giữ gìn cẩn thận hơn bản trong Nghĩa Túc Kinh. Người ta sao chép bản của thầy Tăng Hội kỹ lưỡng và ít sai lầm hơn. Chúng ta tìm được 16 chữ sai trong bản của Nghĩa Túc Kinh. Khi so sánh hai bản chữ Hán với bản tiếng Pali, chúng ta có thể đi đến quyết định phải dịch như thế nào cho gần với ý của Đức Thế Tôn nhất, tại vì sự sao chép và truyền khẩu trong 2600 năm có thể bị sai lầm. Các học giả rất hạnh phúc khi có được ba bản (hai bản chữ Hán, một bản tiếng Pali). Ngoài ra chúng ta còn có khoảng năm sáu tờ bằng chữ Phạn đã được một nhà khoa học khám phá ra vào năm 1916, chỉ có năm sáu tờ thôi nhưng rất quí.

Bài kệ 1
Tự minh ngôn thị bỉ bất cập               自冥言是彼不及
Trước si nhật lậu hà thời minh           著癡日漏何時明
Tự vô đạo vị học tất nhĩ                    自無道謂學悉爾
Đãn loạn vô hành hà thời giải            但亂無行何時解

Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:


Tự minh ngôn thị bỉ bất cập            自冥言是彼不及
Trước si nhật lậu hà thời minh        著癡日漏何時明
Tự vô đạo vị học tất nhĩ                 自無道謂學悉爾
Đảo loạn vô hành hà thời giải         倒亂無行何時解

Mình còn mịt mờ mà cứ nói rằng kẻ kia không bằng mình. Vướng víu si mê cứ để ngày tháng trôi qua, bao giờ mới có cơ hội thấy rõ chân lý? Chưa có pháp môn tu đạo mà nói mình đã thực tập xong xuôi. Tâm còn loạn động, chưa biết hành trì, bao giờ mình mới có được kiến giải thực sự?

Tự minh ngôn thị bỉ bất cập: Tự mình đang còn u minh, mờ mờ tối tối, mình chưa có ánh sáng, chưa có trí tuệ mà mình lại nói rằng người kia không bằng mình. Thị bỉ bất cập có nghĩa là cho rằng người kia không bằng mình, mình giỏi hơn, mình đứng trên đỉnh cao trí tuệ còn người kia đứng thấp lè tè phía dưới.

Trước si nhật lậu hà thời minh: Trước si là vướng vào sai lầm, là ngu si, mình cứ ôm lấy cái sai lầm, u mê của mình ngày này sang ngày khác, không buông ra được. Nhật lậu là ngày tháng cứ trôi qua, hà thời minh là bao giờ mới sáng ra được.

Tự vô đạo vị học tất nhĩ: Vô đạo có nghĩa là không có con đường đi, tức không có phép thực tập đàng hoàng để có khả năng chuyển hóa thân tâm của mình. Mình chưa có con đường đi, chưa có phương pháp thực tập hữu hiệu mà mình cho rằng mình đã giỏi rồi.

Đảo loạn vô hành hà thời giải: Loạn là u mê, giải là hiểu. Mình đang còn mờ mịt, bối rối, chưa thấy đường đi; mình chưa có phương pháp hành trì đàng hoàng thì bao giờ mình mới đạt được sự hiểu biết.

Bản chữ Hán này là bản trong Nghĩa Túc Kinh. Trong bản của thầy Tăng Hội thay vì chữ đãn 但 thì dùng chữ đảo 倒 tức đảo lộn. Chữ đảo đúng hơn chữ đãn. Cái thấy của mình đảo ngược lại với sự thật, trắng nói ra đen, tà nói là chánh; tức là cái thấy điên đảo vọng tưởng, đầu trút ngược xuống. Đây là lỗi đầu tiên mình khám phá ra trong bản của Nghĩa Túc Kinh.

Tự mình còn u mê mà mình nói người kia không bằng mình. Cứ ôm riết lấy cái si mê của mình để tháng ngày trôi qua oan uổng thì bao giờ mình mới có được sự hiểu biết? Mình không có phương pháp thực tập đàng hoàng mà mình nói mình đã thực tập xong. Chữ học ở đây có nghĩa là thực tập, hữu học là còn thực tập, vô học là thực tập thành công rồi.
Tâm mình còn nghi ngờ, lộn xộn, mình không có phương pháp hành trì thì đến bao giờ mình mới có được kiến giải?

Bài kệ 2
Thường tự giác đắc tuân hành        常自覺得恂行
Tự văn kiến hành vô tỉ                  自聞見行無比
Bỉ đọa hệ thế ngũ trạch                已墮繫世五宅
Tự khả ỷ hành thắng bỉ                自可倚行勝彼

Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:

Thường tự giác đắc tuân hành        常自覺得恂行
Tự văn kiến hành vô tỉ                  自聞見行無比
Bỉ đọa hệ thế ngũ trạch                已墮繫世五宅
Tự khả ỷ hành thắng bỉ                自可綺行勝彼

Cứ nghĩ rằng người khác phải hành trì theo cái hành trì của mình. Tự cho rằng cái thấy, cái nghe và cái thực tập của mình là không ai bằng được. Chính mình đang bị sa đọa và ràng buộc vào trong năm cái hang động dục lạc của cuộc đời mà mình vẫn cứ ba hoa nói mình hơn người.


Thường tự giác đắc tuân hành: Thường có cảm tưởng là người khác phải tuân hành theo cách hành trì của mình.

Tư văn kiến hành vô tỉ:
Không có cái thấy, cái nghe và cái làm nào bằng cái thấy, cái nghe và cái làm của mình. Tự cho cái thấy, cái nghe và sự thực tập của mình là không ai bằng.

Dĩ đọa hệ thế ngũ trạch: Trạch là hang động. Mình bị rơi vướng vào năm hang động của dục lạc Tài, sắc, danh, thực và thụy (tiền bạc, sắc dục, danh lợi quyền hành, thích ăn ngon, ngủ nhiều). Đọa là sa đọa, hệ là ràng buộc. Chính mình bị sa đọa, bị giam hãm vào năm hang động dục lạc của cuộc đời mà mình vẫn nghĩ rằng mình hơn người ta.

Tự khả ỷ hành thắng bỉ: Trong câu này có một chữ sai. Chữ ỷ 倚 ở đây có nghĩa là dựa lên. Trong bản của thầy Tăng Hội chữ ỷ 綺 là ba hoa, thêu dệt, khoe khoang.

Kinh này rất cổ xưa, được truyền lại dưới hình thức  thi kệ. Đây là những Kinh Bụt dạy trong những năm đầu sau khi Ngài thành đạo. Các thầy tìm cách làm những lời dạy đó thành bài kệ để dễ học thuộc và truyền đi, vì trong sự truyền khẩu văn vần ít bị sai hơn văn xuôi. Các nhà khảo cổ học tìm thấy văn pháp này rất xưa. Chuyện Tấm Cám, nếu kể lại bằng văn xuôi thì mỗi người kể mỗi khác, nhưng khi truyền lại bằng ca dao thì dễ học thuộc và ít sai hơn mà nếu có sai thì hồi phục lại rất dễ như câu:

Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên cái áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin
Hay là em để làm tin trong nhà


Kinh được giữ lại dưới hình thức thi kệ truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Đến thời Chi Khiêm và thầy Tăng Hội thì người ta thấy văn quá cô đọng và súc tích nên đặt bài kinh vào trong một câu chuyện thí dụ hay chuyện tiền thân.

altTrong cuốn sách Thiết Kế Hạnh Phúc đã xuất bản chúng ta được học về Kinh Cát Tường (Mahamangala sutta).

Kinh Cát Tường cũng là thi kệ có bằng chữ Hán và bằng tiếng Phạn. Nhưng chỉ có phần thi kệ được truyền khẩu lâu đời, còn phần văn xuôi được thêm vào sau để giải thích bài thi kệ. Cũng như chúng ta chiên vài miếng đậu hũ vàng ươm, rất thơm ngon rồi lấy rau salat, rau thơm trang chí trên đĩa rồi đặt miếng đậu hũ vào cho món ăn thêm hấp dẫn. Ở đây cũng vậy, người ta để bài thi kệ lâu đời đó lên trên một kinh văn xuôi. Nghĩa Túc Kinh là kinh người ta lấy những ví dụ trong truyện tiền thân và đặt những kinh cổ vào giữa.

Câu chuyện của Kính Diện Vương Kinh là như thế này: Hôm đó, có một số các vị xuất sĩ đi khất thực, nhưng vì hãy còn sớm nên các thầy ghé vào một trung tâm để nghe các giáo phái khác tranh luận. Các thầy vào ngồi thì thấy các giáo phái đang đàm luận, tranh cãi, người nào cũng cho mình là hay. Các thầy ngồi một hồi chán quá bỏ đi khất thực. Khất thực và ăn cơm xong họ trở về thuật lại câu chuyện đó cho Đức Thế Tôn nghe. Nhân đây, Đức Thế Tôn đã kể cho đại chúng một câu chuyện tiền thân:

Ngày xưa có một vị vua tên là Kính Diện Vương, một ông vua có mặt giống như tấm kính soi. Ông vua ưa mời các triết gia, các nhà đạo học tới để đàm luận. Thường thường, vua ngồi nghe các triết gia, các nhà đạo học đàm luận và tranh cãi với nhau rất buồn cười. Ông nào cũng cho mình là giỏi, người kia là dở, không ông nào đồng ý với ông nào. Hôm đó vua cố ý cho quân hầu đi mời tất cả những người mù trong nước về thủ đô và mời các triết gia tới chứng kiến. Vua ra lệnh đem một con voi tới và cho những người mù sờ voi, rồi vua hỏi họ, con voi giống cái gì? Người sờ chân voi thì trả lời con voi giống cái cột nhà. Người sờ đuôi voi thì nói con voi giống hệt cây chổi quét nhà. Người sờ tai voi thì nói con voi giống như cây quạt. Mỗi người mù trả lời một khác nhau, họ không đồng ý với nhau, rồi tranh cãi với nhau kịch liệt. Vua nhìn các triết gia nói: Mình đâu có khác gì họ! Mỗi người chúng ta có cái thấy (kiến) riêng và không đồng ý với nhau. Đây là vấn đề chân lý tuyệt đối, mình bị kẹt vào một cái thấy và cho cái thấy của mình là hơn người. Sau khi kể xong câu chuyện ấy, Đức Thế Tôn nói: Ngày xưa tôi là ông vua đó và các nhà triết học bây giờ đang tranh cãi là những người mù hồi xưa.

Đó là chuyện tiền thân được dịch ra để làm bối cảnh cho kinh Sự Thật Đích thực. Những kinh thi kệ được đặt vào trong một bối cảnh tiền thân để chúng ta có thể hiểu được. Chúng ta có Tạp Thí Dụ Kinh, Pháp Cú Thí Dụ Kinh. Pháp Cú là kinh nguyên chất ngày xưa, Thí Dụ được đưa vào để giải thích Pháp Cú nguyên chất. Chúng ta có Pháp Cú rồi mới có Pháp Cú Thí Dụ, Pháp Cú Thí Dụ mới hơn Pháp Cú.

Bài kệ 3
Bão si trú dâm trí thiện           抱癡住婬致善    
Dĩ tà học mông đắc độ           已邪學蒙得度    
Sở kiến văn đế thọ tư            所見聞諦受思
Tuy trì giới mạc vị khả            雖持戒莫謂可

Trong Lục Độ Tập Kinh của thầy Tăng Hội:

Bão si trú vọng trí thiện           抱癡住妄致善    
Dĩ tà học mông đắc độ            以邪學蒙得度
Sở kiến văn đế thọ tư            所見聞諦受思
Tuy trì giới mạc vị khả            雖持戒莫謂可

Còn ôm chặt si mê và vọng tưởng mà cứ tưởng rằng mình đã đạt tới chỗ chí thiện. Cái học hỏi và sự thực tập của mình còn sai lạc mà mình lại cứ ham muốn độ đời. Những gì thấy, nghe, suy nghĩ, và cả những nghi lễ và cấm giới mà mình hành trì, mình vẫn còn bị kẹt vào đấy, chưa thoát ra khỏi.

Bão si trú dâm trí thiện: Trong Lục Độ Tập Kinh thay vì chữ dâm 婬 mình có chữ vọng 妄. Vọng là sai lầm. Chữ vọng đúng hơn vì chữ dâm ở đây không có nghĩa gì cả. Si là si mê, si vọng đi đôi với nhau. Mình ôm lấy cái si mê và giữ chặt lấy vọng tưởng của mình mà nghĩ là mình đã đạt tới chỗ chí thiện. Nhờ bản dịch của thầy Tăng Hội mà chúng ta sửa chữ dâm thành chữ vọng cho đúng với ý chính hơn.

Dĩ tà học mông đắc độ: Cái học hỏi và sự thực tập của mình còn sai lạc mà lại cứ ham muốn độ đời. Tà là nghiêng một bên, tà học là sự thực tập sai lầm. Trong bản của thầy Tăng Hội, chữ dĩ  以  là lấy, lấy sự thực tập sai lầm của mình mà mong độ cho người khác. Mình chưa biết bơi mà muốn dạy người khác bơi. Mình chưa điều phục được tâm mình mà đi nói pháp thoại, đi mở khóa tu. Mình chưa làm gương mẫu cho các sư em mà muốn đi ra dạy ngoài đời.

Sở kiến văn đế thọ tư: Những gì mình thấy (sở kiến), những gì mình nghe (sở văn), mình suy nghĩ (sở tư), mình cho là sự thật (sở đế), mình suy tư (sở tư). Tư là tư duy, đế là sự thật.

Tuy trì giới mạc vị khả: Cho đến những cấm giới mình đang theo, mình cũng còn kẹt vào đó, mình chưa thoát khỏi.

Chúng ta chỉ có thể hiểu được kinh khi chúng ta biết rõ bối cảnh xã hội, triết học và tôn giáo trong thời đó. Trước hết con đường của Bụt rất khác với các tư trào tôn giáo và triết học đương thời. Bụt có ba chủ trương rất rõ ràng:

1. Sự chuyển hóa của mình không thể có được nhờ lý luận và triết học. Lý luận, triết học là huyền đàm. Đó là chủ trương đầu của Bụt. Mình không thể nương vào lý luận và triết học để có sự chuyển hóa từ một người xấu thành một người tốt; từ một người mê lầm trở thành một người trí tuệ được.

2. Từ chủ trương đầu Bụt đi tới chủ trương thứ hai: Không tranh luận và không cho mình là hơn người. Vì vậy đặc điểm của người tu đạo Phật là im lặng, vị mâu ni là người tĩnh lặng. Điểm đặc sắc của giáo đoàn nguyên thỉ của Bụt là không đàm luận triết học, không tranh cãi. Đó là hai điểm nổi bật đầu tiên.

3. Đặc điểm thứ ba là: không kẹt vào giới cấm và nghi lễ. Trong truyền thống Vệ Đà có rất nhiều giới cấm và nghi lễ. Người ta nghĩ chính nhờ vào giới cấm và nghi lễ mà họ được thánh hóa và giải thoát như tin vào con bò và tin ăn thịt bò là có tội. Họ tin rằng trong xã hội có những giai cấp tương đương với chân bò, đầu bò hay mình bò. Có những giới cấm và nghi lễ mà người ta tin rằng nhờ vào đó mà họ thoát khỏi khổ đau và bất hạnh.

Chuyện đó không phải chuyện hồi xưa, mà bây giờ cũng vậy. Mình đọc chú, làm phù phép đủ thứ, mình tin cứ tụng Lăng Nghiêm buổi sáng thì tự nhiên mình sẽ không bị kẹt vào ái dục, không bị Ma Lăng Già kéo đi. Nhưng có nhiều thầy tụng Lăng Nghiêm mà cũng bị Ma Lăng Già kéo đi như thường. Đó là những tin tưởng kẹt vào giáo điều và nghi lễ. Người ta tin rằng bắt chú và đọc câu chú thì mình sẽ có cái đó. Đó là những chú thuật và nghi lễ có đầy dẫy trong tôn giáo ngày xưa. Người ta nghĩ có thể đạt tới giải thoát, đạt tới sự chuyển hóa từ người si mê thành ra người trí tuệ, từ chỗ trầm luân  đến chỗ giải thoát, là nhờ những nghi lễ và giới cấm. Đó là điều Bụt chống lại.

Kẹt vào nghi lễ và giới điều cũng vậy. Giới trong đạo Phật là chánh niệm. Mình có chánh niệm, mình biết làm chuyện đó là nguy hại cho mình nên mình không làm chứ không phải vì mình tin tưởng mù quáng vào giới điều. Đó là trí tuệ.

Trong câu kinh này chúng ta thấy rất rõ, những điều mình học, mình nghe, mình tư duy, ngay cả nghi lễ và giới cấm mình cũng còn kẹt vào mà mình cứ tưởng mình đã giỏi, mình đã có khả năng độ đời.

Những gì thấy, nghe, suy nghĩ và cả những nghi lễ và cấm giới mà mình đang hành trì, mình vẫn còn kẹt vào đấy, chưa thoát ra khỏi.

Bài kệ 4
Kiến thế hành mạc tất tu             見世行莫悉修
Duy hiệt niệm diệc bỉ hành          惟黠念亦彼行
Hưng hành đẳng diệc kính đãi      興行等亦敬待
Mạc sanh tưởng bất cập quá        莫生想不及過

Trong Lục Độ Tập Kinh c ủa thầy Tăng Hội:

Kiến thế hành mạc tất tùy        見世行莫悉隨
Duy hiệt niệm diệc bỉ hành        惟黠念亦彼行
Dữ hành đẳng diệc kính trì        與行等亦敬持
Mạc sanh tưởng bất cập quá        莫生想不及過


Bậc thức giả thấy người thế gian đi theo con đường ấy thì nhất quyết không chịu đi theo. Ta chỉ nên hành trì theo chánh niệm và trong khi hành trì phải hết sức thận trọng. Đừng cho rằng mình bằng người, hơn người hoặc thua người.


Kiến thế hành mạc tất tu:
Thấy thế gian đi theo con đường đó, mình đừng theo. Trong bản của thầy Tăng Hội, thay vì chữ tu là chữ tùy 隨  tức là đi theo, chữ tùy đúng hơn, phù hợp hơn.

Duy hiệt niệm diệc bỉ hành:
Bậc ấy chỉ nên hành trì theo chánh niệm của mình.

Hưng hành đẳng diệc kính đãi:
Trong khi hành trì phải hết sức thận trọng. Chữ hưng 興, trong bản của thầy Tăng Hội là chữ dữ 與 . Chữ đãi 待 là chép sai ra từ chữ trì 持 tại vì hai chữ hơi giống nhau, trì là hành trì. Đãi là chờ đợi, không có nghĩa ở đây.

Mạc sanh tưởng bất cập hóa: Đừng sinh ra tư tưởng bằng người, hơn người hoặc thua người. Bất cập là thua, không bằng. Quá là hơn. Đừng có mặc cảm là mình thua người hoặc hơn người.

Khi học những kinh như kinh này mình có cảm tưởng rất gần với Đức Thế Tôn và giáo đoàn nguyên thủy. Mình có cảm tưởng, Đức Thế tôn là một con người, một vị thầy chứ không phải là một giáo chủ, một ông vua hay một vị thần linh. Không khí mình được thở là không khí huynh đệ rất hay, rất lành mạnh. Đức Thế Tôn giống như một bậc thầy, một người anh dạy cho mình từng chút để mình hành trì, không có gì là thần bí, không hề mang màu sắc của thần thông, rất là nhân bản, rất là con người. Khi chúng ta khám phá lại không khí đó, thấy được con người thật của Bụt thì chúng ta rất hạnh phúc.

Bài kệ 5
Thị dĩ đoạn hậu diệt tận              是已斷後亦盡
Diệc khí tưởng độc hành đắc        亦棄想獨行得
Mạc tự tri dĩ trí hiệt                    莫自知以致黠
Tuy kiến văn đãn hành quán        雖見聞但行觀

Cái bây giờ mình không nắm bắt, cái sau này cũng tuyệt đối không làm mình vướng bận. Buông bỏ mọi chủ thuyết, mọi ý tưởng, một mình đi trong tự do. Tuy vẫn có cái biết và cái thấy, nhưng thường quán chiếu để không bị kẹt vào chúng.

Thị dĩ đoạn hậu diệt tận: Thị là cái bây giờ, hậu là cái sau này. Cái bây giờ mình không nắm bắt, cái sau này cũng tuyệt đối không làm mình vướng bận. Mình không bị vướng vào cái hiện tại. Nếu có niệm, định và tuệ thì đi trong hiện tại, mình cũng không bị những cái trong hiện tại lôi kéo. Cái tương lai cũng không làm mình lo lắng. Một bên là đoạn, một bên là tận.

Diệc khí tưởng độc hành đắc: Khí là buông bỏ. Tưởng là những ý tưởng, những chủ thuyết, khái niệm. Mình ôm theo một nhận thức nào đó, một khái niệm nào đó, một chủ nghĩa nào đó; mình phải buông bỏ nó đi để trở thành một con người tự do. Độc hành là đi một mình, mình không có nhiều hành lý như nghi lễ, giới cấm, chủ thuyết, ý thức hệ, v.v… Mình đi một mình như một con người tự do.

Mạc tự  tri dĩ  trí  hiệt

Tuy kiến văn đãn hành quán


Tuy mình có cái thấy và cái nghe nhưng mình vẫn thực tập quán chiếu về nó, mình không để cái thấy và cái nghe ràng buộc mình. Mình có thể có cái thấy và cái biết, cái thấy và cái biết đó có thể đang giúp mình tháo gỡ được vài cái gì đó, hoặc giúp mình đi tới một cái gì đó. Nhưng mình sẵn sàng buông bỏ nó để có thể có cái thấy và cái biết cao hơn. Đó là tinh thần rất khoa học. Ví dụ như mình biết cách làm đậu hũ khá hay và mình thành công mỗi khi làm đậu hũ. Nhưng có người làm đậu hủ hay hơn, nếu mình có khả năng buông bỏ cách làm của mình thì mình có thể học cách làm của người kia. Đó là thái độ sẵn sàng buông bỏ cái thấy và cái biết của mình. Ngày hôm nay mình hiểu Tâm Kinh như vậy, mình cho là tâm đắc lắm, mình có cái hiểu về Tâm Kinh khá cao. Nhưng mai mốt mình có một biến cố trong đời và nó giúp cho mình hiểu Tâm Kinh sâu hơn. Mình buông bỏ cái hiểu Tâm Kinh của mình hôm nay để đạt tới cái hiểu về Tâm Kinh sâu sắc hơn. Đó là tinh thần khoa học mà chỉ có đạo Bụt mới có. Mình có thể nói đạo Bụt có thể đi chung đi với khoa học trong thế kỷ này mà không sợ hãi nhờ tinh thần buông bỏ đó.

Chúng ta đọc lại năm bài kệ đã học:

1.   Mình còn mờ mịt mà cứ nói rằng kẻ kia chẳng bằng mình. Vướng víu si mê, cứ để tháng ngày trôi qua, bao giờ mới có cơ hội thấy rõ chân lý? Chưa có pháp môn tu đạo mà cứ nói mình đã thực tập xong xuôi. Tâm còn loạn động, chưa biết hành trì, bao giờ mình mới có được kiến giải thực sự?

2.    Cứ nghĩ rằng người khác phải hành trì theo cái hành trì của mình. Tự cho rằng cái thấy, cái nghe và cái thực tập của mình là không ai bằng được. Chính mình đang bị sa đọa và ràng buộc vào trong năm cái hang động dục lạc của cuộc đời mà mình vẫn cứ ba hoa nói mình hơn người.

3.    Còn ôm chặt si mê và vọng tưởng mà cứ tưởng rằng mình đã đạt tới chỗ chí thiện. Cái học hỏi và sự thực tập của mình còn sai lạc mà mình lại cứ ham muốn độ đời. Những gì thấy, nghe, suy nghĩ, và cả những nghi lễ và cấm giới mà mình hành trì, mình vẫn còn bị kẹt vào đấy, chưa thoát ra khỏi.

4.    Bậc thức giả thấy người thế gian đi theo con đường ấy thì nhất quyết không chịu đi theo. Ta chỉ nên hành trì theo chánh niệm và trong khi hành trì phải hết sức thận trọng. Đừng cho rằng mình bằng người, hơn người hoặc thua người.

5.    Cái bây giờ mình không nắm bắt, cái sau này cũng tuyệt đối không làm mình vướng bận. Buông bỏ mọi chủ thuyết, mọi ý tưởng, một mình đi trong tự do. Tuy vẫn có cái biết và cái thấy, nhưng thường quán chiếu để không bị kẹt vào chúng.


Mình có thể nhận thức sự tu tập của mình như một như một nguồn thức ăn. Trong truyền thống thiền mình được nghe nói: Hạnh phúc, niềm vui trong sự thực tập là thức ăn hành ngày của mình (Thiền duyệt vi thực). Mỗi buổi trưa cúng Phật mình đều đọc câu:

Nhược phạn thực thời
Đương nguyện chúng sanh
Thiền duyệt vi thực
Pháp hỷ sung mãn


alt
Đọc 5 quán trong giờ cơm quà đường

Khi ăn cơm nguyện cho cho tất cả mọi loài, ngày nào cũng sử dụng thiền tập để làm thức ăn và niềm vui của sự thực tập được đầy đủ.

Tu là tiêu thụ, tiêu thụ những cái có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu thân tâm của mình thay vì tiêu thụ những thứ tàn phá cơ thể và thân tâm. Thở là tiêu thụ. Khi đi từ cư xá ra thiền đường, mình thấy vầng trăng trên bầu trời rất trong và sáng

Mình đi từ cư xá ra thiền đường, trăng trên trời rất sáng, mình đi từng bước chân, mỗi bước chân đi theo một hơi thở, đi như vậy là mình đang tiêu thụ - tiêu thụ năng lượng chánh niệm và những mầu nhiệm của ánh trăng. Nếu tâm mình bị vướng vào tương lai hoặc vào quá khứ thì trăng không có mà không khí trong lành của buổi ban mai cũng không có. Mình đang bị kẹt vào những suy nghĩ vẩn vơ nên những điều kỳ diệu kia không thấm được vào trong thân tâm của mình. Nhưng nếu mình biết rõ mặt trăng trên trời nó đẹp vô cùng và nó là thức ăn của mình thì mình sẽ tận hưởng nó. Con đường mình đang đi được anh chị em của mình lót gạch, mình đi từng bước rất thảnh thơi, an lạc; Mình tiêu thụ không khí trong lành đó, mình tiêu thụ ánh trăng đó, hơi thở đó và mỗi bước chân như vậy là thiền duyệt, là niềm vui của thiền định.

Sự thực tập là tiêu thụ. Tới một khóa tu là tiêu thụ, nhưng là một sự tiêu thụ lành mạnh. Tăng thân tỏa chiếu ra năng lượng chánh niệm và tình anh chị em; khi tới ở với tăng thân mình cảm thấy năng lượng của niệm, của định. Khi nghe một tiếng chuông vọng lên, tất cả mọi người đều im lặng và quán chiếu hơi thở. Năng lượng tập thể của định, của niệm rất hùng hậu; ngồi trong tăng thân mình thở để cho năng lượng này thấm vào trong người của mình, đó là sự tiêu thụ. Tiêu thụ như vậy sẽ nuôi dưỡng và giúp mình chuyển hóa thay vì mình đi tiêu thụ những cái độc hại trong cuộc đời như xem những sách báo, phim ảnh xấu, đi vào quán rượu, quán cafe, tiệm nhảy .v.v...  Những tiêu thụ đó sẽ tàn phá thân tâm của mình.

Người tu phải chọn lọc "sản phẩm" thật kỹ để tiêu thụ. Ngồi thiền là một loại tiêu thụ, phải ngồi làm sao để mỗi phút mình có sự thư thái an lạc. Tất cả mọi người trong tăng thân ngồi thiền chung và tạo ra  một năng lượng niệm, định hùng hậu. Ngồi đó mình mở lòng ra cho năng lượng của tăng thân đi vào, đó là tiêu thụ. Chính lúc mình chấp tác với tăng thân cũng là tiêu thụ, làm thế nào để chế tác niềm vui, chế tác tình huynh đệ, chế tác niệm và định. Những cái đó nuôi dưỡng mình làm cho mình trở nên một con người có hạnh phúc hơn, dễ chịu hơn chứ không phải do mình học hỏi được nhiều kinh điển giáo lý mà trở thành một người dễ chịu.

Có một giáo sư y khoa từng được giải Nobel về y khoa, một hôm thổ lộ với học trò trong trường rằng: trong 50 năm ông rất siêng năng, cần cù, học hỏi, nghiên cứu, tại vì ông muốn thành công như một nhà bác học. Nhưng nhận được giải Nobel rồi thì ông nhận thấy rằng 50 năm cố gắng đó không làm cho ông hạnh phúc hơn. Đạt được cái danh, thành công như một nhà bác học nhưng không trở nên một người hạnh phúc hơn bởi vì tuy ông siêng năng, cần cù nhưng đó không phải là chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn sẽ làm cho con người thư dãn, chuyển hóa và có hạnh phúc. Còn siêng năng làm việc và học hỏi chỉ tạo ra những cơ sở, những công trình to lớn. Nó chỉ đem lại danh lợi và những thành công trong cuộc đời, còn con người của mình thì vẫn y nguyên như vậy, có thể là còn xấu hơn. Sự siêng năng đó không phải là chánh tinh tấn mà là tà tinh tấn. Chánh tinh tấn là sống như thế nào để trong mỗi giây mỗi phút mình tiêu thụ được cái lành mạnh để được nuôi dưỡng và chuyển hóa.

Giáo lý của Đức Thế Tôn dạy, trong khi nấu ăn, trong khi làm việc, trong khi thiền hành, khi ngồi thiền hay dọn dẹp, mình sử dụng những giây phút đó để thực tập chánh tinh tấn nuôi dưỡng thân và tâm của mình.

Lời thổ lộ của ông giáo sư đó có thể giúp mình rất nhiều. Cố gắng trong 50 năm để đạt tới sự thành công, được giải Nobel y khoa nhưng ông vẫn không thấy mình trở thành một người có hạnh phúc hơn. Ông đã giác ngộ và đã thay đổi cách sống của mình.

 

 

(Đây là bài pháp thoại Thiền Sư giảng vào ngày 31.1.2010 tại chùa Pháp Vân, xóm Thượng, trong khóa An Cư Kiết Đông 2009-2010 )

Phiên tả: Chân Giác Lưu

Nguồn: langmai.org