CHUYỂN ĐỔI SINH HOẠT TU SĨ PHẬT GIÁO NAM BỘ VIỆT NAM THỜI HỘI NHẬP


Đặt vấn đề

Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã trải qua giai đoạn hơn 25 năm phát triển, trong đó hơn 20 năm Phật giáo có điều kiện được chuyển đổi nhanh chóng từ quá trình mở cửa và hội nhập của Việt Nam với thế giới. Một trong những vấn đề được GHPGVN quan tâm hiện nay chính là sinh hoạt của tu sĩ Phật giáo, đặc biệt là tu sĩ Phật giáo ở Nam Bộ. Đứng trước những cơ hội cũng như thách thức của thời hội nhập, cuộc sống của người tu sĩ Phật giáo đã có những chuyển đổi. Đó là những chuyển đổi gì và trên lĩnh vực nào dễ nhận thấy rõ nét nhất? Nguyên nhân của những thay đổi này xuất phát từ đâu? Những yếu tố nào đã góp phần vào việc thúc đẩy sự chuyển biến nhanh chóng này? Và liệu rằng trong tương lai không xa, với sự thay đổi nhanh chóng đó, một số Tăng Ni có còn tiếp tục duy trì sinh hoạt trong thiền môn nữa hay không? Đây là những câu hỏi được đặt ra trong quá trình tìm hiểu. Để thực hiện việc này, chúng tôi đã dựa trên những cuộc phỏng vấn sâu các tu sĩ Phật giáo, trong đó có cả Tăng và Ni, đa số là những Tăng Ni sinh của Học viện Phật giáo TP.HCM (HVPG TP.HCM). Đồng thời, ở Nam Bộ, có khá nhiều tu sĩ Phật giáo đã đến thành phố học tập, cư trú không thời hạn, có trường hợp đã không còn trở về ngôi chùa gốc trước đây nữa, nên việc thu thập thông tin từ địa điểm cũ cũng là một trong những nguồn cứ liệu quan trọng. Vì vậy, chúng tôi cũng đã có những cuộc phỏng vấn sâu với chức sắc trong Giáo hội ở địa phương thuộc các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Phật giáo Việt Nam (PGVN) mang tính đa dạng, phong phú trong từng hệ phái. Có ba hệ phái Phật giáo Việt Nam, đó là Nam tông, Bắc tông và Khất sĩ. Trong từng hệ phái cũng có nhiều dòng phái, phân chia theo bài kệ truyền thừa, và vì vậy, ngay từ buổi đầu, PGVN cũng đã có sự khác biệt, chuyển đổi sinh hoạt theo từng hệ phái, dòng phái trong suốt chiều dài lịch sử từ khi du nhập.

Bài viết đề cập đến những chuyển đổi thời hiện đại, đặc biệt là từ thời kỳ “Mở cửa” (Open door) năm 1986 đến nay, của ba hệ phái Phật giáo và nhìn từ góc độ hoạt động chung của GHPGVN. Bài viết cũng chỉ đề cập đến những chuyển biến của PGVN, giới hạn trong phạm vi Nam Bộ, nơi có nhiều hệ phái Phật giáo nhất trong cả nước, là địa bàn tập trung cả ba hệ phái, đồng thời cũng là nơi phát sinh nhiều giáo phái có nguồn gốc từ Phật giáo như đạo Bửu Sơn Kỳ Hương, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Phật giáo Hòa Hảo.

Hội nhập là sự hòa nhập vào dòng phát triển chung. Như vậy, hội nhập khu vực và thế giới đối với Việt Nam và PGVN là hội nhập gì? Đó là sự hòa nhập trước hết trên lĩnh vực kinh tế, tham gia vào hoạt động thương mại và kinh tế mang tính thế giới. Từ trên lĩnh vực này, Việt Nam có điều kiện mở rộng hướng hội nhập trên các lĩnh vực khác như văn hóa, giáo dục… Đối với PGVN, quá trình hội nhập của Việt Nam chính là quá trình PGVN từng bước chuyển đổi để có thể thích ứng với dòng sinh hoạt và phát triển trên nhiều lĩnh vực cùng với Phật giáo thế giới.

Những chuyển biến cơ bản của PGVN cũng như Phật giáo Nam Bộ (PGNB) nói riêng tùy thuộc nhiều vào bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước cũng như những tác động từ thế giới, trong đó có cả tác động tích cực lẫn tiêu cực. Đứng trước các thách thức, ảnh hưởng từ quá trình mở cửa, hội nhập, để có thể bảo tồn được nét tinh túy trong văn hóa truyền thống của mình, PGVN phải chuyển đổi. Ngược lại, trước yêu cầu thiết lập mối quan hệ tương giao trên nhiều lĩnh vực với các nước, có liên hệ đến hoạt động Phật giáo, PGVN buộc phải chuyển đổi. Như vậy, có thể thấy, những chuyển biến của Phật giáo luôn chịu tác động từ hai phía, yếu tố nội tại và năng lực ngoại sinh tác động vào.

Có thể xét sự chuyển đổi trong sinh hoạt của tu sĩ PGNB trên cả hai bình diện: nhận thức và phương thức hoạt động, hay cũng có thể nói đó là sự chuyển đổi về cả hình thức lẫn nội dung.

Sinh  hoạt của người tu sĩ nhìn chung được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, từ nhận thức về cách tu hành của từng cá nhân; về oai nghi, phẩm hạnh, được thể hiện qua việc thực hành những nguyên tắc sinh hoạt chung trong một ngôi chùa, cho đến những biểu hiện trong cuộc sống, thông qua cách tiếp cận khác nhau của nền giáo dục Phật giáo, sinh hoạt trong tự viện, phương thức thực hành trong việc hoằng pháp, mang tính cá nhân hay do Giáo hội điều động.

Bài viết sẽ từ những vấn đề trên, hệ thống thành một số nét chung, nổi bật nhất: đó là những chuyển đổi trong sinh hoạt, học tập, hoằng pháp, trong hoạt động từ thiện xã hội. Đây là các cụm chủ đề chính sẽ được lần lượt phân tích, lý giải, thông qua phương pháp nghiên cứu được thực hiện: phương pháp quan sát tham dự, phỏng vấn sâu, phỏng vấn tập trung, tổng hợp và phân tích, so sánh - lịch sử các nguồn dữ liệu có liên quan. Các phương pháp này được tiến hành đồng thời trên cả ba hệ phái, cả Tăng và Ni, đặc biệt là đối với hai nhóm: Tăng Ni từ các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long về thành phố và một nhóm khác là những Tăng Ni có quá trinh sống tu lâu dài tại TP.HCM.

Trong một mức độ nguồn tư liệu cho phép, bài viết cũng áp dụng phương pháp so sánh, trên một diện rộng hơn, có tính đặc thù về vùng văn hóa, giữa PGNB và Phật giáo Bắc Bộ, đồng thời cũng thực hiện việc phỏng vấn ở cấp độ trên cộng đồng, đối với các chức sắc Phật giáo đang lãnh đạo GHPGVN.

Bối cảnh lịch sử - xã hội đưa đến sự chuyển đổi sinh hoạt tu sĩ

Đầu thế kỷ XXI, Phật giáo thế giới cũng như PGVN bước vào một vận hội mới. Bối cảnh lịch sử - xã hội đưa đến sự chuyển biến nhận thức của tu sĩ Phật giáo phải kể đến đó là bối cảnh toàn cầu hóa. Bối cảnh này rất có ý nghĩa đối với Việt Nam trước ngưỡng cửa Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và đang trên đường hội nhập khu vực và thế giới. Trước ngưỡng cửa đó, PGVN “cần nhận thức hai đại lộ quan yếu, một là nắm lấy cơ duyên tốt để phục vụ nhân sinh và đất nước, và hai là, để làm được việc đó một cách mỹ mãn, Phật giáo phải sẵn sàng và tinh tấn vượt qua các thách đố lớn trong thời đại đa nguyên, đối thoại và tương tác của xu hướng toàn cầu hóa” (Thích Hiển Pháp, 2007: 15).

Về phía bản thân PGVN, giai đoạn này cũng có được nhiều thuận lợi cơ bản. Trước hết, đó chính là việc hình thành một tổ chức GHPGVN. Có một tổ chức Giáo hội thống nhất, PGVN mới có cơ duyên thực hiện được việc thống nhất tổ chức và lãnh đạo, thống nhất tư tưởng và hành động. Chính sự thành lập này đã đem lại trước hết cho PGVN một vận hội mới về sự đoàn kết, hòa hợp trong bản thân Phật giáo, tạo sức mạnh nội lực để GHPGVN thực hiện tiếp tục nhiều hoạt động Phật sự.

Trên cơ sở sự hình thành một tổ chức thống nhất, mọi hoạt động có liên quan hữu cơ thúc đẩy quá trình phát triển PGVN mới có cơ hội thực hiện. Từ việc thiết lập tổ chức GHPGVN, mối tương quan mật thiết giữa ba hệ phái được củng cố, trên cơ sở giữ vững nét đặc thù riêng có của từng hệ phái nhưng cũng làm phong phú, đa dạng hơn văn hóa truyền thống PGVN.

Hoạt động của PGNB trong năm năm qua, ứng với nhiệm kỳ V của GHPGVN, thời gian này có nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 25 năm (1981-2006) thành lập GHPGVN; Pháp lệnh tín ngưỡng - tôn giáo được ban hành (2004); Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ V… Tất cả những sự kiện trên góp phần khẳng định xu thế hội nhập của Phật giáo vào dòng phát triển chung của đất nước và Nam Bộ nói riêng.

Trước vận hội mới của tổ chức Phật giáo duy nhất, PGVN có cơ duyên bảo tồn và phát huy được những nét tinh túy trong văn hóa truyền thống Phật giáo vào thời đại mới. Nét tinh túy đó chính là tư tưởng nhập thế của PGVN, là nét son tô đậm trong quá trình phát triển của PGVN.

Ngày nay, trước xu thế mới của lịch sử dân tộc, tinh thần nhập thế này lại được các thiền sư làm sống lại, khơi gợi lên và nhân rộng ra để tinh thần ấy có thể đến với từng người mến mộ đạo Phật, sử dụng nó như một phương tiện làm phát khởi trí huệ, mang lại an lạc cho mình và cho người.

Song song với những thuận lợi có tính nội tại của PGVN, đạo Phật lại được sự hỗ trợ, hưởng ứng của chính quyền. Những người lãnh đạo ý thức rõ rằng Phật giáo gắn với dân tộc, đạo Phật đã góp phần cùng chính quyền mang lại niềm an lạc cho người dân, với phương châm vì đạo pháp và vì dân tộc.

Nhìn lại lối sống tu hành theo nề nếp cổ xưa trước đây của tu sĩ Phật giáo cho thấy một số tu sĩ là những chư sơn thiền đức, sống tu trên non cao, xa cách cuộc đời. Dường như mọi đổi thay trên thế giới, trong khu vực, không can hệ gì đến cuộc sống tu vốn thâm trầm, tĩnh lặng của họ. Mối quan hệ xã hội, mạng lưới xã hội của các tu sĩ xưa kia vì vậy trở nên khá hạn hẹp. Không kể đến một số tu sĩ đặc biệt như ngài Minh Tịnh, một mình đi sang Tây Tạng; không kể đến một vài thiền sư vượt ra khỏi phạm vi đất nước, sang nước ngoài học hỏi, thu thập thêm kiến thức mới, như Hòa thượng TS. Thích Minh Châu, như Hòa thượng TS. Thích Trí Quảng, như GS.TS. Thích Trí Siêu… và một số tu sĩ được đào tạo đại học Phật giáo trong nước, thì còn không ít tu sĩ ít quan tâm nhiều đến những thay đổi bên ngoài, chỉ lo tu tịnh.

Một trong những yếu tố khác làm thay đổi nhận thức của người tu chính là sự phát triển nhanh chóng của khoa học - kỹ thuật. Trong thời đại ngày nay, những phát minh về khoa học, công nghệ thông tin, những phát hiện mới về khảo cổ học, về những văn bản gốc có liên quan đến Phật giáo như tấm bia đá do vua Asoka xây dựng tại Tây Nam Nepal được phát hiện gần đây; như cuốn Bardothodol (Tử thư) đã được chuyển dịch sang nhiều ngôn ngữ trên thế giới… đã mở ra chân trời mới, giúp tiếp cận với Phật giáo một cách sâu sắc, chính xác và phong phú hơn. Nhiều mạng thông tin (website) của Phật giáo đã mở ra nhận thức mới, cung cấp tầm nhìn rộng và sâu về Phật giáo thế giới. Và như vậy, theo một lý giải logic, chỉ có thể hiểu rõ được PGVN trên cơ sở hiểu rõ Phật giáo thế giới. Càng hiểu rõ, có mối dây liên hệ mật thiết với thế giới, thì việc thúc đẩy PGVN phát triển mới được thuận lợi và có tính khả thi. Chủ trương hội nhập khu vực và quốc tế của đất nước được thúc đẩy tốt nếu như việc hiểu biết để hội nhập của PGVN với các nước cận kề trong khu vực, sau đó với thế giới được thực hiện.

Như vậy, cùng với xu thế chung của thời đại, vận hội mới đã và đang mở ra cho PGVN một thuận lợi lớn: hội nhập Phật giáo khu vực và thế giới trên cơ sở của xu thế hội nhập và toàn cầu hóa. Xu thế ấy càng được nhanh chóng phát triển nếu xét trên bản chất của đạo Phật, vốn là một tôn giáo mang tính hòa hợp, dễ thích nghi theo dân tộc, theo từng quốc gia. Từ lâu tại khu Đông Nam Á, đạo Phật đã chẳng từng là chất keo đoàn kết các quốc gia trong khu vực vì một nền hòa bình thịnh vượng đó sao? Riêng đối với PGVN, xu thế này càng được thuận lợi vì Việt Nam có cả ba hệ phái Phật giáo. Những tương đồng trong văn hóa, trong nghi lễ… đã nối kết các quốc gia theo đạo với nhau, cùng nhau ngồi lại trong những hội nghị thượng đỉnh, bàn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Phật giáo đối với nhiều vấn đề, từ môi trường đến đạo đức, từ tâm lý đến giáo dục… Đại hội Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới (WFB) lần thứ 23, Hội Liên hữu Thanh niên Phật giáo Thế giới (WFBY) lần thứ 14 và Hội đồng Phật giáo Thế giới (WBU) lần thứ 6 đã khai mạc gần đây tại Đài Loan cho thấy có sự xích lại gần nhau của những người theo đạo vì một nền hòa bình và thịnh vượng cho người dân trên hành tinh. Đó cũng là một điều gợi cho PGVN một hướng nhận thức mới để đi đến những hợp tác mới.

Song song với những thuận lợi vừa kể, PGVN trong thời hiện đại không phải là không gặp khó khăn. Những hạn chế và thách thức này đặt ra cho chính Giáo hội PGVN. Đó là những vấn đề có tính thời đại. Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã làm chuyển đổi cuộc sống, sinh hoạt đời thường, trong đó có sinh hoạt của những tu sĩ. Biến đổi nhanh làm cho việc đào tạo con người thích ứng theo những chuyển đổi ấy còn khá chậm.

Xét về nguồn nhân lực, PGVN tuy hiện nay đã có hàng trăm tu sĩ đi sang các nước tiếp thu kiến thức mới, phù hợp với đà phát triển trong thời đại mới, đã lần lượt trở về và hàng trăm tu sĩ trẻ tốt nghiệp Học viện Phật giáo trong nước mỗi năm, nhưng số lượng ấy chưa thể gọi là nhiều, và chưa đủ để có thể trở thành hạt nhân nòng cốt cho tất cả các mạng lưới hoạt động Phật sự của từng địa phương thời gian tới. Mặt khác, sự chuyển đổi nếp sinh hoạt, số thời khóa thực hiện nghi lễ, cũng như việc tăng cường một số hoạt động có tính mở rộng mạng lưới sinh hoạt cộng đồng, tăng cường mối quan hệ giữa những người tu sĩ với thanh thiếu niên có đạo cũng như chưa vào đạo, cũng có làm cho một số tu sĩ chưa thật sự đồng tình với nếp sinh hoạt mới. Điều đó đặt ra trong bản thân GHPGVN một thách thức mới cả về việc nâng cao năng lực bồi dưỡng, hoằng pháp lẫn về mặt tổ chức.

Thách thức lớn do thời đại đặt ra đối với tu sĩ PGVN còn là những hạn chế về thông tin, hoạt động của Phật giáo thế giới. Điều này cũng làm hạn chế tầm nhìn, nếp nghĩ, trong việc đặt quan hệ đối tác, hợp tác tổ chức những hội thảo về Phật giáo nhằm góp phần thúc đẩy nhanh chóng quá trình hội nhập với Phật giáo thế giới. Khá nhiều mạng thông tin điện tử (website) Phật giáo như Đạo Phật ngày nay, Thư viện Hoa sen, Quảng Đức... cung cấp nhiều nguồn tin tức mới về Phật giáo trên thế giới, nhưng số người đọc nó chưa phải là nhiều, đặc biệt là đối với những tu sĩ có tuổi. Không kể một số tu sĩ trẻ có trình độ ngoại ngữ và vi tính thông thạo, một số khác chưa quan tâm nhiều đến việc cập nhật thông tin qua mạng và chưa cảm thấy cần thiết phải có trình độ ngoại ngữ để đọc thêm sách báo nước ngoài.

Vài năm gần đây, số lượng tu sĩ được đào tạo bậc đại học, sau đại học Phật giáo đã có nhiều đóng góp đáng kể vào hoạt động Phật sự của PGVN. Nhiều công trình sách được xuất bản mang dấu ấn của việc trở về với nét đặc thù riêng có của Phật giáo Việt Nam mà các tác giả là những tu sĩ trẻ, có hoài bão và năng lực, như các tác phẩm: Phong tục dân gian Nam Bộ và Phật giáo (Thích Đồng Bổn, 2007); Kinh tụng hàng ngày (Thích Nhật Từ, 2005); Phật giáo Việt Nam, Dân tộc Việt Nam (Giác Dũng, 2003); Tâm lý học Phật giáo (Thích Tâm Thiện, 1998); Ánh sáng Mật tông (Thích Minh Thành dịch, 2007).

Tuy nhiên, cũng chính từ những thành quả ấy mà thách thức đặt ra cho thế hệ tu sĩ trẻ càng cao, đòi hỏi sức phấn đấu vươn lên trong hoằng pháp cũng như trong việc nâng cao nhận thức, để làm thế nào xứng đáng với vai trò là những người thầy, là cầu nối của Đức Phật với những người Phật tử. Thách thức đó đặt ra không phải một sớm một chiều có thể đáp ứng được. Bởi vì ngoài áp lực của việc phải nhanh chóng nâng cao tầm nhìn, còn là những trở ngại khó vượt qua của muôn vàn điều kiện cần và đủ khác, như yêu cầu về trình độ ngoại ngữ và vi tính để có thể tiếp cận thông tin và xử lý thông tin, truyền đạt thông tin qua nhận thức từng cá nhân, kết hợp với một tấm lòng yêu thương sâu sắc đất nước, đạo pháp và dân tộc. Mặt khác, khó khăn lớn nhất đặt ra cho những người tu sĩ, nhân tố quan trọng nhất của việc tiếp cận với vận hội mới và thách thức mới, không chỉ là những thiếu sót vừa nêu, mà chính là nhận thức về các vấn đề này. Một số người có thể vẫn còn mang tư tưởng cho rằng có cần thiết hay không để dành thời gian cho những điều như vậy? Những điều này thực sự có ý nghĩa và giúp cho người tu sĩ tiến tới giải thoát hay không? Chính những trăn trở ấy, những băn khoăn ấy là thách thức lớn đặt ra trong giai đoạn hiện nay cho GHPGVN.

Xuyên suốt gần như qua sáu kỳ Đại hội, kể từ sau ngày thành lập, GHPGVN đã có sự chuyển đổi để dần thích nghi với nhịp sống mới của thời đại. Sự chuyển đổi trước hết từ trong nhận thức của các thành viên thuộc Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự. Có những lĩnh vực, sự thay đổi mang tính chất tiệm tiến, như sự trẻ hóa dần số nhân sự lãnh đạo Giáo hội; nhưng cũng có những thay đổi mang tính chất đột biến, rõ nét như sự gia tăng nhanh chóng của số tài vật và hiện vật trợ giúp người nghèo, trong đó có cả các Việt kiều; hay sự xuất hiện đông đảo của một đội ngũ tu sĩ tham gia tu học qua các trường lớp từ sơ cấp đến đại học Phật giáo và đi du học nước ngoài... Nhận thức ấy cũng có thể đánh dấu cho một giai đoạn chấn hưng mới của Phật giáo trong thời hiện đại, dưới tác động của mở cửa và hội nhập.

Ngoài ra, trong nhận thức về giới luật, cũng cho thấy vẫn còn có sự tuân thủ theo quy định trong Tam tạng kinh điển, nhưng sự thực hành đã có biến đổi cho phù hợp với cuộc sống mới. Tam tạng kinh điển (tripitaka) của Phật giáo bao gồm Kinh tạng, Luật tạng và Luận tạng. Giới luật là một trong ba tạng giáo điển, theo đó một Phật tử muốn trở thành tu sĩ phải am hiểu, thực hành, thọ trì giới luật. Sau khi đã trải qua những bước căn bản của Tam quy ngũ giới(1); Sa di giới (Tăng), giới Sa di ni, Thức xoa Ma na ni (Ni), người ấy mới chính thức được thọ giới Tỳ kheo/Tỳ kheo ni. HT.Thích Thiện Siêu đã có nhận định rằng: “Giới luật là sinh mệnh, là sự sống của Phật tử, nhất là của hàng Tỳ kheo, “thừa Như Lai sứ, hành Như Lai sự” (HT.Thích Thiện Siêu, 1991: 5). Để trở thành một vị Tỳ kheo (Bikkhu), một tu sĩ thuộc hệ phái Nam tông phải thọ nhận 227 giới luật; thuộc hệ phái Bắc tông phải thọ nhận 250 giới luật. Riêng một Tỳ kheo ni của hệ phái Bắc tông phải thọ nhận 348 giới luật(2). Tất cả những sinh hoạt của người tu, từ khi trở thành bậc Sa di/Sa di ni(3), Tỳ kheo/Tỳ kheo ni đều phải tuân thủ theo giới luật đã quy định. Như vậy, trong cuộc sống, người tu sĩ trước hết phải được trang bị nhận thức này và thể hiện nó trong đời sống hàng ngày. Ngay từ khi trở thành một tu sĩ, trước đây, vào những thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, trong các ngôi chùa Phật giáo Bắc tông ở Nam Bộ đều có sách “Luật Thiền đường” để phổ biến rộng rãi trong Tăng chúng, để có thể tuân thủ và áp dụng đúng theo những điều luật của thiền môn. Tuy nhiên, trong giai đoạn chuyển đổi mới, không phải bất cứ người tu nào cũng áp dụng đúng theo “Luật Thiền đường” đã đề ra trong Phật giáo Bắc tông. Một nữ tu sĩ trẻ đã phát biểu rằng: “Tất cả là từ tâm mà ra. Vì hoàn cảnh phải đi học, nhưng trong lòng luôn tu. Không phải ngồi tại chánh điện mới tu. Đi đâu tu cũng được! Phần thế học, theo tôi rất cần thiết, tôi học thêm Anh văn để mở mang kiến thức, hầu giúp nhiều hơn cho Phật tử”(4). Có thể đi sâu vào một số lĩnh vực trong cuộc sống của tu sĩ PGNB để thấy rõ hơn những chuyển đổi này. (Còn tiếp)

 

TS. Trần Hồng Liên  (Viện Phát triển Bền vững vùng Nam Bộ)

(1) Tam quy: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Ngũ giới gồm năm điều cấm trong giới luật: không trộm cắp, không sát sinh, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. (2) Trong Phật giáo thuộc hệ phái Nam tông không có Ni. (3) Sai di thọ 10 giới. (4) Phỏng vấn sâu Thích nữ Đức Hòa, chùa Linh Quang, quận 10, ngày 27-12-2007.

 

(thuvienhoasen.org)

http://www.yogavietnam.org/wp/wp-content/uploads/2008/04/hoa-sung-tim.jpg